Tòa nhà bên Hồ Gươm: : Ngay cạnh Hồ Gươm, nhìn sang số 79 Đinh Tiên Hoàng. Sừng sững trước mắt: tòa nhà, nơi đầu não của bộ máy chính quyền Hà Nội được đặt ở đây. Với sự kiện phá Tòa Đốc lý Hà Nội để xây trụ sở mới có tên gọi như hiện nay: Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội, khi đó theo thuyết minh, công trình Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội một tổ hợp liên hoàn nhiều khối chức năng, mặt chính nhìn trực tiếp ra trung tâm Hồ Gươm, có chiều cao từ 3 đến 7 tầng, xây dựng trên diện tích 5.520m2, với tổng diện tích sàn 16.600m2. Kết cấu khung bê tông chịu lực, sàn lắp panen hộp. Mặt bằng nhà đối xứng, chính giữa là đại sảnh, phòng khánh tiết, các phòng tiếp khách, phòng họp và hội trường lớn. Xung quanh là các khối nhà làm việc chức năng.
Năm thiết kế và hoàn thành xây dựng Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội là giai đoạn 1985 – 1987. Có lẽ công trình xây dựng dưới thời ông Chủ tịch Lê Ất Hợi. Kế hoạch cũng có thể đã được rập rạp bàn soạn từ dạo ông Chủ tịch thành phố khoá trước nữa.
Xin trích lại chuyện từ bài "Toà Nhà Bên Hồ Gươm" :
Tòa Thị Chính Hà Nội thời Pháp thuộc |
Tòa nhà UBND TP Hà Nội 79 Đinh Tiên Hoàng |
" Chiều 23 Tết năm 1996, Thủ tướng rẽ vào Hội kiến trúc sư Thành phố Hà Nội chúc Tết. Ngày Tết rảnh rang, thày trò quan chức quần tụ vui vẻ thế nào mà có một chốc túm tụm ngắm cảnh. Chỉ sang Tòa Trụ sở UBND gần đó xây được mươi năm nay, ông Sáu Dân cười.
- Này, mình nói ra cái điều lâu nay mọi người vẫn chưa dám nói ra, tòa nhà hơi có cái dáng giống cái máy chém không?
Đang vui vẻ, tất thảy bỗng ắng lặng. Mỗi người quay đi như theo đuổi cái ý nghĩ riêng mình.
Chủ nhà, kiến trúc sư trưởng, ông Nguyễn Lân bỗng nhiên cười nhẹ rồi bật thành lời…
Lời ấy thì có ai nghĩ ra nó là gì không nhỉ?
Chất giọng ông kiến trúc sư như bình thường để thốt ra lời hồn nhiên như này.
- Dạ thưa anh Sáu, thì cái nhà Bưu điện nằm kề bên nom như cái quan tài…
Tất thảy lại bỗng lặng phắc. Chẳng có ai dám cười sau câu cố pha trò của ông kiến trúc sư trưởng!
Ông Sáu Dân cười nhẹ.
- Mình đã nghe. Đã nghĩ đến cái này nhiều. Chúng mình sẽ bàn và cố gắng khắc phục…
Không khí trở lại vui vẻ.
Hình như sau cuộc ấy đã có những bàn soạn này khác. Giữa cấp này cấp khác…
Còn tôi thấy được sự uyên bác KTS trưởng, sự thấu hiểu lắng nghe Người lãnh đạo đất nước, đành rằng có chuyện xấu đẹp, tuỳ mắt mỗi người, nhưng tính biểu tượng thể hiện cho một giai đoạn lịch sử là không phải bàn cãi ( chưa kể đây là biểu tượng chính trị ) nhất là giai đoạn thời bao cấp, rồi đổi mới chúng ta rất ít tác phẩm kiến trúc nổi bật, cứ nhại phong cách Kiến trúc Pháp mãi thôi, giờ đây nếu cứ bị ấn tượng chê bai " Hàm Cá Mập " thì không biết nhìn sang phía khối các nhà Long Vân, Hồng Vân gọi là gì nhỉ?. Bản thân tôi khi làm chủ nhiệm dự án-TKCS công trình Trung Tâm Giao Lưu Văn Hoá Phố Cổ Hà Nội cũng rất trăn trở cùng các đồng nghiệp và những người có trách nhiệm bên BQL PC Hà Nội thực hiện quá nhiều phương án để đi đến phương án kiến trúc mặt ngoài như công trình hiện nay - Phong cách kiến trúc hiện đại, nhưng ăn nhập tỷ lệ, hình khối, thức kiến trúc cổ truyền, phù hợp không gian và hình thái đô thị khu phố Đào Duy Từ.
Một bài khác " Nghĩ thêm trước Trụ sở Hà Nội” có đoạn nói về phong thuỷ toà nhà này như sau: ... phân tích về khối bê tông, mà dưới góc nhìn của một nhà phong thủy, ông cho là đã bị phạm cách đầu hà phòng; rồi bậc thềm quá dài với thiết kế khối bê tông che sảnh tạo ra hình tượng sư tử cười trời; rồi mái nhà là hình tượng nhị quỉ đài kiện, .....
Đang mung lung thì Facebook lại ào ạt đưa tin: Transerco là doanh nghiệp của Hà Nội được thành phố cho thuê đất và quản lý tòa nhà "Hàm cá mập" để hoạt động thương mại lâu dài. Nay thành phố có chủ trương thu hồi và phá bỏ tòa nhà này, đơn vị hoàn toàn đồng thuận. Thực ra phải hiểu là tài sản này là công sản thuộc quyền quản lý của Hà Nội, vì vậy khi dự án đầu tư được phê duyệt thì mới có căn cứ đúng nghĩa để phá dỡ, nên vậy. Chưa có gì đảm bảo khi quận giải tán, thành phố tiếp nhận với góc nhìn khác chẳng hạn, còn với lý do cần có không gian quảng trường rộng rãi tụ tập đông người thì cần phải bàn đúng sai, hơn thiệt đó. Mở rộng đáng là bao nhiêu so với giá trị toà nhà bị phá đang hái ra tiền, mà cũng rất hay, giờ "ông chủ" trung gian đã trả nhà thì số tiền này trả thẳng vào công quỹ của nhà nước ( nếu thành phố Hà Nội không thấy cần ), còn nếu lấy lý do là lối lên xuống của tầng hầm thì thật sai bét với nút giao thông hay tắc tại đây. Hay lại bảo công trình chặn khí tốt chạy xuôi ngược Hồ Gươm - Phố cổ thì trả lại thông thoáng, làm trống tầng một vừa tốt cho khí hậu khu vực phố Đinh Liệt-Tạ Hiện, cũng chỉ xin phá nhỏ nhỏ thế thôi ạ !!!
"Chợt nghĩ đến lời thủ thỉ của một Thiền sư Ấn Độ mà tôi quên tên:
Nếu con là một người có phúc, nơi con sống chính là nơi đất lành.
Nếu nơi con sống không phải là chốn đất lành thì con vẫn có thể biến nó thành nơi đất lành chim đậu.
Trong tất cả các phong thủy, phong thủy đầu tiên là con người, phong thủy đầu tiên của con người là trái tim, phong thủy dưỡng nhân, nhưng nhiều người không biết rằng nhân cũng dưỡng phong thủy.
Phong thủy tốt do mình tự tạo ra.
Luận bàn " Hàm Cá Mập "
Trước hết có mấy thông tin cơ bản sau mà bà con phố cổ gần như ai cũng biết: Theo truyền thuyết, ông địa là vị thần cai quản đất đai, bảo vệ cho con người. Còn Cóc vàng mang 3 ý nghĩa lớn trong phong thủy bao gồm: Tài lộc – May mắn – Bình an, nhiều người hay bầy ở bàn ông Địa
Nhìn "bức bình phong long trấn trạch" này lại nhớ tích Tầu chém Rắn to thế là dân chúng tin chuyện và ùa theo về ... rồi chẳng mấy chốc tan hoang linh địa nơi đây.
Quay lại toà nhà Con Cóc - " Hàm Cá Mập" cho thấy đã phạm vào một lỗi cơ bản Nhà ở đối diện với đường vòng hoặc giao lộ
"Nếu nhà ở đối diện đường vòng hoặc đối diện với giao lộ thì khí sẽ chiếu thẳng vào nhà. Sát khí sẽ gây thị phi, bất hoà, ly tán gia đình và không tốt cho những thành viên trong gia đình. Tuy vậy đã nhẹ bớt nhiều khi có những căn nhà như vậy thì nên dùng làm cơ sở kinh doanh chứ không nên ở".
Đúng là một thời gian dài sự chế diễu " Hàm Cá Mập" đã lắng xuống, toà nhà thương mại được giá cho thuê sàn kinh doanh cao nhất nhì Hà Nội, chỉ đến khi khối hình chữ nhật đối diện ngày càng cao to dài ra lớn nhanh như chàng trai sáu múi đã trở nên nguy hiểm " ôm phản lao ra hồ" dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay: Phá, phá, phá... khiếp quá. Mà cũng nhờ cách điều chỉnh quy hoạch ô ... công trình đối diện "Hàm Cá Mập" mới to cao được như thế. Vậy lần điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất phân khu đô thị Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B) sẽ ra sao?
Vừa rồi cũng vì câu chuyện này mà tôi quay lại xem, chụp ảnh "Hàm Cá Mập" làm kỷ niệm check in không sau lại bị phá mất như bao người thì phát hiện cái gương kính cầu lồi giúp an toàn giao thông cắm ở vỉa hè bên toà nhà trước ngã ba phố Cầu Gỗ - Đinh Liệt biến đi đâu, khi đó tôi đã tấm tắc khen không biết vô tình hay cố ý mà giỏi phong thuỷ thế, nhưng giờ không thấy là do hồi đó mình nghĩ thế nên cứ tưởng là đã có nhỉ ? Và nếu tin vào phong thuỷ chắc nhiều người am hiểu đồng ý với tôi đảo vòng tròn giao thông có đài phun nước cùng thức kiến trúc vòng cung cửa sổ dẫy bên toà nhà Long Vân, Hồng Vân đã hoá giải năng lượng xấu từ phía đường Đinh Tiên Hoàng, khối dẫy nhà " Hàm Cá Mập. Có lẽ vậy rất nhiều người thấy đẹp đã chụp ảnh từ hướng Hồ Gươm về phía quảng trường cùng bóng dáng hai toà nhà này. Không khéo " Long Phụng trình tường " mà thành "Ngọa hổ tàng long " lại toi cả? Cứ nghiệm xem.
Một câu chuyện phong thuỷ ngoài lề linh ứng đối với tôi, được minh chứng cụ thể bởi những người tham gia Điền Dã Hồ Gươm, Nối Mạch Phong Thủy (ĐỀN NGỌC SƠN - Đình Trấn Ba),(Bài đăng ngày Thứ 4, 20/11/2024) khi đã thấy tượng dịch càn biến. Người dẫn chúng tôi đi hôm đó là thầy Vũ Thế Khôi (1) (2) qua câu chuyện giảng giải về khu di tích danh thắng Đền Ngọc Sơn, nhưng tôi muốn nói chi tiết về Đình Trấn Ba, có tấm bia, nội dung viết trên bia có đoạn: “… Phía trước kề bờ nước là đình Trấn Ba, ngụ ý là núi Chỉ Trụ trấn chặn các làn sóng văn hóa…”. Có người cho rằng đình Trấn Ba như cột trụ chặn lại văn hóa phức tạp đương thời (giữa thế kỷ XIX), theo thầy nơi phong thuỷ linh thiêng này chính là trấn thứ 5, cửa chính giữa của tứ trấn Thăng Long xưa, vậy mà tấm Văn Bia do hoàn cảnh đã tan nát hết cả, vứt ngay dưới hồ đầu đình mà chưa phục chế dựng lại được, cứ thông thống thế này thì chặn gì nữa, và thầy giao chúng tôi tìm tài trợ liên hệ các cơ quan chức năng để xin phép thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sau khi nhìn sang bên UBND TP Hà Nội có cụ Gạo (3) đẹp lắm nhất là độ tháng ba về, sau đó gọi điện nhờ anh bạn làm ở Báo Nhân Dân để vào thăm Cây Đa nằm trên một Cuộc đất quý mà theo " cố kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (người tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước 1940, Viện trưởng đầu tiên của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) ông có kể cho nghe về lịch sử cây đa này mà ông gọi là “Cụ đa”. Theo ông, so với hơn 700 cây đa cổ thụ khác ở nội thành Hà Nội, thì đây là cây đa lâu năm nhất xứ Đông Dương, phải hơn 300 tuổi, cùng thời xây dựng chùa Báo Ân, nằm trên khu đất mà sau này ông nghè yêu nước Vũ Tông Phan mở trường học Hồ Đình vào năm 1826 ". Cũng chuyện kể khu đất này trong một dịp đi thức tế với một bậc thầy phong thuỷ ở tỉnh Nam Định có một làng khoa bảng hình con cá chép, mắt cá là cái giếng cổ, trong lúc điền giã tại làng Quỳnh Đôi, Nghệ An có kể lại trước đây khi thời cuộc quá tả, một bậc trí giả có thể nói là hàng đầu lý luận đã cho đào con sông Bắc Hưng Hải tươi mát cũng như trước đó khi về tiếp quản Hà Nội không phải tự nhiên cho toà báo Nhân Dân trấn giữ trước phố Nhà Thờ mặc dù khu Ba Đình khi đó thiếu gì nhà bỏ không mà tiện ngay gần khối Đảng và trung ương cho thuận tiện làm việc. Vì sao tôi kể lại những chuyện này vì trên mạng xã hội đã xuất hiện lấy khu này cũng " vì Nhân Dân" để làm công viên. Thôi thôi đừng phá phá nhé, mà hãy chắt lọc, lưu giữ ký ức tốt đẹp như đang làm tại quán Cafe Nhân Dân, cũng như nhiều cách bảo tồn và phát huy giá trị tốt khác, vẫn giữ được khối làm việc mà sân vườn trở thành một địa chỉ giao lưu văn hoá - Bảo tàng ngoài trời, thậm trí có cả 3 tầng hầm dưới như một đồ án đã đề xuất trong cuộc thi ...
Qua những câu chuyện tản mạn trên, ý muốn nói là có thể phạt chỗ này, bạt chỗ kia, thêm chỗ nọ, nhưng khi thực hiện dự án như liên quan đến nơi đây, nhất là quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận trước khi căn cứ vào sự cần thiết, căn cứ vào luật này, quy định kia, tiêu chí nọ, thâm chí đột phá, triển khai thực hiện các bươc thì nhận diện "Cuộc đất" là quan trọng nhất, nó như một cơ thể con Người mà vị Bác sĩ bắt đúng bệnh mới đề ra phác đồ điều trị tốt, bởi cùng một bệnh cũng có thể vài phác đồ điều trị... còn như bác sĩ y học cổ truyền châm cứu mà phạm chỗ là méo mặt đó ạ.
Hồ Gươm và vùng phụ cận được ví như một lẵng hoa không chỉ đẹp mà quí, không thể dùng dao mổ trâu mà tỉa tót Cuộc đất quí này, chưa kể đến nhãn quan chính trị khi cả nước đang chuyển minh, một việc trọng đại thế, cả thế giới theo dõi mà trước khi thực hiện đều đánh giá tác động xã hội, ... " Tinh gọn bộ máy: Tốn bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu ngươi. Trong khi dự án này, hình như còn chưa đặt tên cụ thể có phải thuộc loại cấp bách đâu mà thi triển nhanh thế, vội vàng thế.
Phần nhiều di sản tức là định hình đã có từ vật thể, phi phật thể đến ký ức ( lưu ý KÝ ỨC nhé ) mà theo thời gian trở thành một phần không thể thiếu của Cuộc đất, như các công trình tâm lính rất dễ nhận ra ví như tứ trấn Thăng Long, nhưng các công trình mang tính biểu tượng phải theo thời gian có sự kết nối xã hội mới nhận ra, có quan trọng với cuộc đất không ?, có mang lại thịnh vượng hay không tốt. Cụ thể như "Hàm Cá Mập" - "Cóc vàng" bản thân đã đem lại thịnh vượng chung cho khu vực ( như báo cáo năm vừa rồi chỉ riêng bán vé tham quan khu đền Ngọc Sơn đạt khoảng 45 tỷ/năm, vậy doanh thu "Cá Mập" khoảng 50 tỷ? Liệu giải phóng gần 500" m2 ( nhưng phải bỏ diện tích vỉa hè xung quanh chứ nhỉ?) cho quảng trường, vậy có hơn là bao khi chỉ tụ tập đông người trong ít buổi? Tiền thu được bao nhiêu nhỉ? Hay chỉ tạo tiền lệ do một số người bảo xấu là có quyền phá?
Chưa kể nói đẹp xấu theo mắt người thì "Hàm Cá Mập" chưa kịp nuốt Hồ Gươm nhưng các công trình cạnh nó, xung quanh Hồ Gươm đã tranh ăn mất rồi. Còn về chỗ dựa Đức tin ( tín ngưỡng ) trong trường hợp này là Văn hoá thì chưa, cũng chưa ai gột rửa tiếng xấu hay chấn trạch lại, nhưng theo thời gian, tầm nhìn cảnh quan đô thị và tài năng KTS Tạ Xuân Vạn đã và đang được gột rửa, họ thay đổi thiết kế và dù đã sửa, chưa đạt để người đời không hiểu nên chê bai cũng đúng thôi, nhưng thật mừng khi được khách du lịch, các bạn trẻ lại thấy thích và check in trong và ngoài công trình ở đây ngày càng đông.
Trục thần đạo và điểm tiếp nối 2 Cuộc đất
Cuộc đất Phố Cổ Hà Nội và Hồ Gươm
Về khu vực Hồ Gươm, tôi sẽ bàn về quy hoạch và thiết kế cảnh quan theo con mắt Kiến trúc sư một cách có học thuật và thực tiễn dưới góc nhìn kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, đô thị Hạnh phúc ở bài tới, trong bài này sẽ trình bày dưới con mắt Phong thuỷ khoa học với mấy điểm sau:
- Việc mở rộng không gian Hồ Gươm về phía đông tức là đã làm biến đổi Cuộc đất Hồ Gươm và vùng phụ cận
- Cuộc đất khu phố cổ Hà Nội khá già có tuổi từ khi có tên 36 phố phường được định hình theo cách phân định quản lý từ thời phong kiến đến nay, giờ đây ranh giới được định hình bởi quy chế quản lý phố cổ Hà Nội, xét về bến cảng lối vào xưa thì đầu Hàng Than-Hàng Giấy là cổng làng xưa - Khu phố cổ Hà Nội, tức là thế đất nở hậu, mệnh Hoả, ngay cạnh Hoàng Thành Thăng Long có mệnh Thổ, tạo cặp trời cho âm dương, theo quan niệm của người Việt là hình tượng trời và đất. Trời tròn, đất vuông, trời tròn là bánh dày đất vuông là bánh chưng. Trời là dương, đất là âm, vua tượng trưng do trời định, dân tượng trưng cho người sống trên đất tạo ra những sản vật quê hương.
- Việc xây thành thời trước nhà Nguyễn như khảo cổ và bản đồ cũ hoạ lại cho ta hình dung toà thành xây theo địa thế khu vưc, còn những di tích và tài liệu xưa để lại cho thấy thành nhà Nguyễn xây theo kiểu Vauban trước khi bị phá huỷ chỉ còn một vài công trình mà theo góc nhìn phong thuỷ thì tôi lại đánh giá cao vị trí Cột Cờ Hà Nội ngày nay ( còn nhiều điều thú vị để nói về điểm đầu khu vực Con Đường Cái Quan - Con Đường Di Sản Việt Nam này )
- Nhận xét về cuộc đất phố cổ cách đây hơn 10 năm khi tôi đang thực hiện dự án cải tạo, bảo tồn một đoạn phố Tạ Hiện, sau đó là Trung Tâm Giao Lưu Văn Hoá Phố Cổ Hà Nội trong cuộc phỏng vấn báo An Ninh Thủ Đô là Chính sách không “đồng tốc” với cơ chế thị trường ( 24/07/2012), còn với báo Thể Thao & Văn Hoá với tiêu đề "không dựa vào dân sẽ thất bại!" ( 30/08/2010 ) . Điều đó có nghĩa tôi cũng rất hiểu sự khó khăn các bước đi bây giờ trong việc triển khai dự án phía Bắc và đông Hồ Gươm, ồ mà tên dự án là gì nhỉ? tim đỏ mắt chỉ thấy từ khoá " Hàm Cá Mập" và "phá ...", có lẽ chỉ có Kinh Tế & Đô Thị chỉ rõ: Tới đây, Sở sẽ phối hợp, hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực quảng trường, tuyến phố khu vực Bắc hồ Hoàn Kiếm, Nam phố cổ, nội dung chủ đạo là khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; phối hợp cùng đơn vị tư vấn tham vấn Hội đồng Kiến trúc TP, trên cơ sở đó hoàn chỉnh, chuẩn hóa vào nội dung đồ án thiết kế đô thị riêng. Có lẽ là chưa có tiền lệ, các bước phê duyệt quy hoạch lại Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B), bổ xung hoàn chỉnh lại chuẩn bị đầu tư, ... vì vậy không nên phá sớm vậy, hãy còn thời gian cân nhắc kỹ.
- Cuộc đất Hồ Gươm lại khá trẻ được hình thành từ khi Pháp san lấp làm đô thị, quây lại thành Hồ đến nay, có ranh giới kể từ khi ban hành quy chế quản lý Hồ Gươm. ( Cuộc đất không phải là lịch sử vùng đất, nó được sinh ra, phát triển, thay đổi, kết thúc hoặc tái sinh theo không gian và thời gian lịch sử vùng đất, kể cả rộng lớn như một đất nước ), hồ Thuỷ Lục đã tái sinh thành Hồ Nhỏ, nay là Hồ Gươm.
- Nhìn vào lịch sử Cuộc đất này có thể thấy hầu như chỉ có xây mới, bồi đắp hình hài, tích luỹ năng lượng ( đến lúc quá gọi là năng lượng xấu - Nhà xây cao tầng vượt phép ), Chỉ có mấy thời kỳ phá kể từ khi vua Gia Long lên ngôi thống nhất Cuộc đât Việt Nam, thay đổi nguyên khí trục thần đạo chính núi Ba vì-Hồ Tây sang trục " Con Đường Cái Quan" - Quốc lộ 1A cũ ( mà ngày nay tôi gọi là " Con Đường Di Sản Việt Nam" tự nhiên thành ) và hạ cấp thành Thăng Long. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Cái tên này tồn tại cho đến năm 1888 khi nhà Nguyễn chính thức nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Người Pháp đổi Hà Nội thành thành phố.
- Hồ Gươm thực tế trước đây ( Bản đồ kinh thành Thăng Long thời Hồng Đức 1490 ) khi còn hình hài dài như cái kiếm, có sự kết nối từ sông Tô Lịch ( Ngõ Gạch) ra hồ Thái Cực ( khu vực ô Hàng Đào-Hàng Bè) thoát qua lạch trên có cầu gỗ xưa rồi ra Hồ Gươm xưa chạy dài ra tận phố Hàng Chuối bây giờ, như vậy khi đó hồ này cũng như là hồ tự nhiên, chỉ từ khi thời thực dân Pháp cai trị, quy hoạch, xây dựng lại khu vực Hồ Gươm, khu phố cũ ( khu phố pháp ) theo mô hình thành phố vườn Châu Âu, kể từ khi đó Người Hà Nội ( Kẻ Chợ) làm quen dần với văn minh đô thị, xét Tồng quan về phong tục tập quán của Hà Nội cũng đã coi Hồ Hoàn Kiếm mãi là trái tim của Hà Nội
- Khi phá đi một biểu tượng Kiến trúc (thường hay gọi " Hàm Cá Mập " tức là đã phá đi một ký ức, một địa danh đã dần dần được nhiều người chấp nhật, nhất là lớp trẻ không bị ấn tượng như lớp già chúng tôi khị đã bị nhồi nhét vào đầu bảo xấu là không thay đổi được. Hãy nhìn vào phía Bắc Cuộc đất Hồ Gươm này, mà rất nhiều cư dân mạng cứ đòi giải phóng mặt bằng làm quảng trường lớn. Vậy với khung cảnh phá tan dẫy nhà có 2 mặt phố Cầu Gỗ và Đinh Tiên Hoàng thật khó thuyết phục khi nhìn vào khu phố cổ từ phía Hồ Gươm ( như một rừng cọc bê tông bị chặt đầu hay đội nón mái tôn xanh đỏ cho dù quảng trường được vẽ với viễn cảnh tương lai đẹp đẽ.
- Tôi xin nhắc lại, Đình Trấn Ba cần phục dựng tấm bia đá với bản dập đã có, khu đất phía Bắc đó cần có đoạn phố trấn giữ, chưa kể hiện đang làm tắt không đúng như pháp luật trong Khu vực nội đô - Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B), Luật thủ đô .... và CẦN giữ được cả Con Cóc Vàng ( thường hay gọi là Hàm Cá Mập ). Tốt cho cả nhãn quan chính trị khi cả nước đang dồn lực cải cách thể chế để đất nước vươn mình, còn dự án này chưa rõ tên, cũng không phải nằm trong danh sách những công trình cấp bách.
Khí-Tượng-Linh-Ứng-Gieo-Gió-Gặp-Bão
Bài viết ngày 16/03/2025 Hãy cùng chiêm nghiệm
Ghi chú:
(1) Thầy Vũ Thế Khôi: Thầy giáo ưu tú Vũ Thế Khôi là trưởng nam của luật gia Vũ Đình Hòe nguyên bộ trưởng bộ quốc gia giáo dục và bộ trưởng bộ tư pháp đầu tiên của chính phủ việt nam dân chủ cộng hòa. Hậu duệ trực hệ dòng đích tôn của Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) hội trưởng đầu tiên của hội hướng thiện đền ngọc sơn (văn hội thọ xương) một tổ chức chấn hưng văn hóa thăng long đầu thế kỷ 19.
(2) Tham gia Điền dã cụm di tích lịch sử văn hóa quốc gia " Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn" nối mạch phong thủy ngày 20/11/2024 có các hậu duệ của nhóm sĩ phu Bắc Hà khởi sướng công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long đầu TK19, ngoài Thầy giáo ưu tú Vũ Thế khôi còn có Anh Nguyễn Nam Cường hậu duệ của phó bảng phương đình Nguyễn Văn Siêu ( 1796 - 1872) hội trưởng thứ 2 của văn hội Thọ Xương là người đã chắp bút văn bia dựng tại đình Trấn Ba và Anh Nguyễn Huy Khánh hậu duệ ngoại tôn của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794 - 1862) nguyên hội phó câu đương văn hội thọ xương đã đóng góp tài chính xây dựng nên quần thể di tích như hiện nay, duy trì hoạt động của hội hướng thiện đền Ngọc Sơn.
(3) "Thần cây đa, ma cây gạo", cụ Gạo ở đây được rất nhiều người chụp ảnh, "thiên cơ bất khả lộ" nhưng chắc chắn tâm tốt, ý thiện, mọi việc tốt tươi. Có một điều lạ là tôi đăng bài này trên trang F cá nhân đã lâu nhưng khi đọc bài ảnh cụ Gạo trên F của một nhà nhiếp ảnh than thở năm nay cụ Gạo không đẹp, tôi sẽ tìm link lại ảnh này để mọi người thưởng lãm, vì vậy hôm nay đăng bài này như một sự chiêm nhiệm trên trang cá nhân.
Bài đang hoàn thiện
Bình luận của bạn