Một người bạn của tôi – Nhà thơ người Mỹ Frederick Turner nhiều lần được đề cử giải Nobel văn chương – trong dịp sang Hà Nội, được tôi đưa lên tầng cao của Hàm Cá Mập ngồi uống coffee và ngắm Hồ Gươm. Ông xuýt xoa trầm trồ với tôi: “Hồ Gươm là hồ nước đẹp nhất thế giới so với các hồ nước ở giữa các thủ đô khác”. Lời khen vừa làm tôi cảm động, vừa cho tôi thêm một cảm thức mới khi ngắm nhìn Hồ Gươm.
Hồ Gươm nhìn từ trên cao (Ảnh: Đặng Tuấn Trung)
Từ nhỏ, tôi đã yêu Hồ Gươm theo lời ca trong một bài hát của ca sĩ Trần Thụ: “Hồ Gươm thân yêu của Thủ Đô – Hồ Gươm bông hoa của thành phố – Tỏa hương mát lành…”. Quả thật, khi nghe giai điệu ấy và ngẫm lại, khiến mỗi khi đi qua Hồ Gươm đều cảm nhận một mùi hương tổng hòa của bao hoa lá quanh hồ và chỉ có thể gọi mùi hương ấy là “mùi Hồ Gươm”. Ngày rời Hà Nội ra đi vào Quảng Trị, tôi có một đêm ngồi chia tay bạn bè tại quán Bốn Mùa bên bờ Hồ Gươm. Tôi vượt Trường Sơn vào chiến trường, vẫn mang trong hành trang ký ức mùi hương này. Đến khi nghe bài hát của Phan Nhân vào mùa đông 1972 với tháng Chạp “Điện Biên Phủ trên không”: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời – Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ Đô” thì tôi càng xác tín cái “mùi Hồ Gươm” trong tôi đến nồng nàn.
Vào tuổi “Tam thập nhi lập”, bắt đầu tiếp xúc với “Kinh Dịch”, tôi bắt đầu “thoát” khỏi vẻ đẹp như một bông hoa của Hồ Gươm. Bằng thị giác và cảm thức về “Kinh dịch”, tôi thấy Hồ Gươm như một nhất nguyên bằng nước, trong nhất nguyên đó chứa hai lưỡng nghi là tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn. Cảm thức này cho tôi thấy một Hồ Gươm rộng hơn diện tích vốn có từ khi còn mang tên là Hồ Lục Thủy với màu nước xanh mà nhạc sĩ Khúc Ngọc Trân đã viết trong ca khúc “Tôi xa Hà Nội”: “Khua nước xanh như ngày xưa”. Ngày xưa ấy, thủy quân nhà Trần đã từng tập dượt các chiến thuyền trên hồ và được điều khiển bởi các tướng lĩnh đứng chỉ huy trên Thủy Tạ. Chỉ với một Hồ Gươm mà tôi thấy nó càng ngày càng rộng theo tuổi tác.
Vào tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc” thì tôi lại nhìn thấy tứ tượng từ lưỡng nghi trên mà các cụ xưa thì thường nôm na gọi là bốn cái chân rùa khi nhìn cả Hồ Gươm như một “cụ Rùa”. Một chân rùa ở phía đường Hàng Trống là nơi ngụ miếu thờ vua Lê và tọa lạc nhà khai Trí Tiến Đức khi xưa. Đấy là đất linh thiêng để tôn thờ. Ai vô phúc chạm vào linh thiêng ấy, đều có quả báo. Cũng như vậy, một chân rùa xòe từ Câu Thê Húc qua Tháp Bút “Tả thanh thiên” qua đường Đinh Tiên Hoàng vươn sang bia thờ Alexander de Rhodes. Nơi này cũng rất linh thiêng. Khi Hà Nội muốn biến chỗ bia thờ này thành nơi dựng lên cụm tượng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cái bia bị vất chỏng chơ một thời gian rồi được đem về cất ở Bảo tàng Lịch sử. Nhà điêu khắc thực hiện cụm tượng trên cũng đã được trời đột ngột mang đi.
Vào tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi lại rất hay đến phố ngắn nhất Hà Nội là phố Hồ Hoàn Kiếm (một tên gọi khác của Hồ Gươm mà Huy Du trong bài “Sẽ về Hà Nội” đã tự đặt ra một cái tên để trung hòa giữa hai cái tên trên là “Hồ Hoàn Gươm”) để ăn nộm thịt bò khô và đôi khi là thương nhớ những quầy bán hoa quanh hồ. Những quầy bán hoa như thế ở Hải Phòng bên hông Nhà Hát Lớn thì lại giữ được đến bây giờ. Nhưng lại ngỡ ngàng khi thấy sừng sững dựng lên trước vườn hoa nhà kèn tượng Lý Thái Tổ bề thế mới mẻ trong một không gian xưa cũ.
Vào tuổi “Lục tuần”, tôi hay nhẩm hát “Truyền thuyết Hồ Gươm” của KTS Hoàng Phúc Thắng với dự án về Hà Nội, “Không gian Alibaba”. Ở ca khúc này, Thắng có một cái nhìn rất đặc biệt: “Hồ Gươm ơi! Long lanh như giọt nước mắt đọng lại từ nghìn năm giữa lòng thành phố hạnh phúc vơi đầy”. Nhưng cái nhìn sắc sảo này như vận vào chính tác giả. Hoàng Phúc Thắng đã ra đi và Hồ Gươm là một giọt lệ lớn tiễn anh giữa ngàn ngàn giọt lệ nhỏ.
Vào tuổi “Nhân sinh thất thập”, hàng tuần quanh Hồ Gươm có hai ngày phố đi bộ. Không gian xưa đã được trả lại thoáng rộng cho người bây giờ. Vẫn Hồ Gươm, theo tuổi tác và sự sinh sôi của những kiến trúc hợp lý quanh hồ cho tôi thấy Hồ Gươm luôn rộng ra mãi…
Nguyễn Thụy Kha
(1) Tên gốc của bài này: Không gian Hồ Gươm – Rộng dần theo tuổi tác
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018
Bình luận của bạn