Bàn về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Thứ 2, 19/05/2025, 00:44 (GMT+7)

Chia sẻ

Hà Nội dự định mở rộng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có việc dự định phá bỏ công trình Hàm Cá Mập để mở rộng không gian quảng trường và xây dựng công trình ngầm với chức năng dịch vụ và thương mại, nhằm làm đẹp hơn không gian cảnh quan quanh khu vực Hồ Gươm. Đây là một chủ trương rất được hoan nghênh vì Hồ Gươm là một địa danh rất tiêu biểu của Thủ Đô Hà Nội, mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…”

 
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Ảnh: Internet)
 
Nhưng đối với một không gian đã được định hình với nhiều công trình hình thành trong những giai đoạn khác nhau như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cần cân nhắc một cách thân cận trọng. Để góp phần tìm tới một giải pháp phù hợp, tôi có một số ý để mọi người tham khảo:

– Thứ nhất: Khi phá bỏ công trình Hàm Cá Mập, khoảng không đó chưa đủ lớn để thay đổi không gian quảng trường. Trong khi đó công trình được xây dựng năm 1990 và hoàn thành năm 1993 đã qua nhiều lần sửa chữa cải tạo để đến hôm nay không còn là sự ám ảnh về phá vỡ không gian xung quanh Hồ Gươm nữa, mà đã, thành một địa chỉ để hẹn hò và là nơi có thể ngắm nhìn Hồ Gươm và phố cổ từ trên cao một cách rõ ràng nhất. Tóm lại, công trình không đủ tiêu chí để xếp vào đối tượng cần gìn giữ nhưng cũng chưa đến mức cần phá bỏ.

– Thứ hai: Để quảng trường phát huy được hiệu quả, cần đảm bảo đó là một không gian đi bộ đúng nghĩa trong mọi thời gian trong ngày và trong tuần. Muốn như vậy, việc quan trọng là tách làn xe cơ giới ra khỏi không gian quảng trường. Điều này có khả năng thực hiện khi TP đã có ý tưởng xây dựng công trình ngầm ở đây.

 

Trên cơ sở đã nêu. Đề xuất phương án:

– Công trình Hàm Cá Mập chỉ giữ lại trở thành điểm du lịch ngắm cảnh hồ Gươm và phố cổ. Tầng 1 hầu như để trống để kết nối mở với không gian quảng trường. Chỉ có một phần nhỏ giành cho thang máy phục vụ và lối xuống công trình ngầm sẽ xây dựng. Các tầng trên cải tạo làm sao có góc nhìn tốt nhất cho du khách và kết hợp với cây xanh;

– Tổ chức giao thông khu vực quảng trường: Vẫn giữ một tuyến từ Cầu Gỗ sang Hàng Bông trên mặt quảng trường. Tạo nên tuyến ngầm vòng cung, đảm bảo tuyến giao thông vòng quanh hồ và một nhánh ngầm lên phố Hàng Đào. Đồng thời, điều chỉnh lại một số hướng đi trên mặt đất để không cắt qua phần đi bộ của quảng trường (hình phác thảo);

– Khoảng không gian còn lại của hầm ngầm sẽ bố trí bãi để xe, khu vệ sinh công cộng…;

– Mặt quảng trưởng sẽ tái tạo lại với độ ngiêng như ban đầu trở thành một bề mặt thuận tiên cho các biểu diễn và dạo chơi;

Giải pháp này đã được nhóm của chúng tôi đề xuất trong cuộc thi về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tháng 6/2013. Trên thế giới cũng đã có những thành phố áp dụng giải pháp này như ở Damstadt ở Bang Hessen – CHLB Đức.

Mong rằng những ý kiến này sẽ góp phần nào cho Hà Nội tìm được một giải pháp thích hợp để có được những không gian công cộng đẹp và hấp dẫn ở khu vực Hồ Gươm.

Gs.Ts.Kts. Phạm Đình Việt
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2025)

Bình luận của bạn

Tin khác