PHỐ CŨ HÀ NỘI

Bảng tin

Phố cũ Hà Nội.        Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội

Triển lãm: Những bức ảnh màu Hà Nội đầu thế kỷ 20 ( Gần 30 bức ảnh màu với chủ đề "Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á" được trưng bày trong khuôn viên biệt thự 49 Trần Hưng Đạo ). 

Danh sách

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU PHỐ CŨ HÀ NỘI


Khu phố cũ có phía Bắc giáp bờ Nam Hồ Tây - đường Ven Hồ, Thanh Niên; Phía Đông giáp đường Yên Phụ, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái; Phía Tây giáp dốc La Pho, các phố Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu; Phía Nam giáp đường Đại cồ Việt, phố Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Lê Quý Đôn.

Khu phố cũ (gồm các khu vực ký hiệu A, B, C, D), có quy mô khoảng 507,88 ha (không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám), với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố. Cụ thể như sau: 

Khu vực thuộc địa bàn quận Ba Đình (Khu A) gồm 58 ô phố, có quy mô khoảng 144ha, chia thành 02 khu vực, với một số đặc điểm chính như sau: Khu vực liền kề khu Trung tâm chính trị Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long, tập trung nhiều công trình, cấu trúc di sản, cây xanh phải bảo tồn. Khu vực tiếp giáp Hồ Trúc Bạch và khu phố cổ, có hình thái quy hoạch chủ yếu là nhà ống liền kề với tầng cao đặc trưng từ 4 - 6 tầng;

Khu vực thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (Khu B) gồm 88 ô phố, có quy mô khoảng 200,81 ha, gồm nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo thành các ô phố với nhiều công thự, biệt thự di sản và khoảng trống, cây xanh phải được bảo tồn; các công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn, các dãy nhà liền kề mặt phố phải được kiểm soát về chức năng, quản lý về trật tự xây dựng và phải được cải tạo, chỉnh trang để đảm bảo mỹ quan đô thị;

Khu vực thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng (Khu C) gồm 65 ô phố, có quy mô khoảng 143,33ha, chia thành 02 khu vực, với một số đặc điểm chính như sau: Khu vực phía Tây có nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo thành các ô phố với các khu biệt thự, nhà vườn, nhà phố cũ xây chen phải được chỉnh trang. Khu vực phía Đông với nhiều công trình di sản và chuỗi công viên phải được bảo tồn;

Khu vực thuộc địa bàn quận Tây Hồ (Khu D) gồm 04 ô phố, có quy mô khoảng 19,74ha, gắn với cảnh quan bờ Nam Hồ Tây và một phần khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, có cảnh quan tự nhiên và công trình di sản phải được bảo tồn, mật độ xây dựng thấp.

Ngoài 4 khu trên, khu vực phụ cận (ký hiệu E) có diện tích khoảng 92,95 ha, là khu vực nằm ngoài phạm vi khu phố cũ nhưng cũng được áp dụng quy chế quản lý kiến trúc như khu phố cũ. Khu vực phụ cận gồm các phân khu vực Văn Miếu - Hồ Văn và xung quanh (E.l); ô phố giới hạn từ phía Nam phố Nguyễn Thái Học đến Nguyễn Khuyến (E.2); khuôn viên ga Hà Nội (E.3); Công viên Thống Nhất (E.4) và các thửa đất mặt phố, các không gian mở, vườn cây, mặt nước nằm ngoài phạm vi khu vực khu phố cũ và tiếp giáp các đường phố giới hạn khu phố cũ và đoạn phố Nguyễn Thái Học từ Tôn Đức Thắng đến ngõ Thanh Báo.

Khu phố cũ có phía Bắc giáp bờ Nam Hồ Tây - đường Ven Hồ, Thanh Niên; Phía Đông giáp đường Yên Phụ, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái; Phía Tây giáp dốc La Pho, các phố Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu; Phía Nam giáp đường Đại cồ Việt, phố Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Lê Quý Đôn.

Hình thái kiến trúc khu phố Pháp ở Hà Nội

Đặc điểm hình thái kiến trúc Khu phố Pháp

Trải qua khoảng 80 năm xây dựng (1875-1945), kiến trúc Khu phố Pháp ở Hà Nội đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ cho thành phố với một hình thái kiến trúc hoàn toàn mới mẻ, những công trình kiến trúc phong phú và đa dạng về mặt hình thức. Thống nhất trong nhận định các phong cách kiến trúc khu phố này là một bước đi cần thiết trong quá trình đánh giá, phân loại di sản kiến trúc của phố để có được những quyết sách bảo tồn hợp lý. Phần này nhằm đề cập tới đặc điểm về mặt hình thái học các phong cách chủ đạo đã để lại dấu ấn rõ rang trong kiến trúc khu phố này.

1. Phong cách Tiền thực dân

Kiến trúc phong cách Tiền thực dân đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội chính là những công trình được xây dựng trong khu Nhượng địa. Các ngôi nhà ở đây được xây dựng trong hai năm 1875-1876 đều được tổ chức một cách đơn giản theo chủ thuyết công năng duy lý với mặt bằng hình chữ nhật có hành lang rộng bao quanh nhằm chống lại cái nắng nóng gay gắt của khí hậu nhiệt đới bản địa. Những ngôi nhà theo kiểu kiến trúc Tiền thực dân này còn được áp dụng trong việc xây dựng doanh trại cho quân đội Pháp sau khi họ cho phá hủy hầu như toàn bộ thành Hà Nội vào năm 1886 và một số công trình xây dựng ở phía đông hồ Hoàn Kiếm thời kỳ đầu. Ngày nay ta vào còn thấy một số ngôi nhà loại này trên phố Phạm Ngũ Lão hay ở khu vực gần Cột Cờ nay dùng làm Bảo tàng Quân sự Việt Nam. 

Đặc điểm nhận dạng các công trình theo phong cách này là nhà thường có hai tầng, mặt bằng hình chữ nhật có hành lang rộng chạy xung quanh, mái dốc lợp ngói hoặc tôn, có thể có cửa mái để thoát nhiệt, tường chắn mái xây gạch, trên mặt đứng có một số hình thức trang trí đơn giản như lan can kiểu con tiện và các hình đắp nổi bằng vữa xi măng. 

2. Phong cách Tân cổ điển

Tới khi người Pháp tiến hành công cuộc xây dựng, mở mang Hà Nội nhằm biến nơi đây thành thủ đô Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20, có rất nhiều công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển, một phong cách đang rất thịnh hành ở Pháp mong muốn phục hồi những giá trị của kiến trúc cổ điển Hy Lạp - La Mã, coi đây là đỉnh điểm của ngôn ngữ và hình tượng kiến trúc. Đại diện lớn nhất của hình loại kiến trúc này ở Hà Nội là bộ ba công trình tiêu biểu cho chính quyền thực dân gồm Dinh toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), Dinh Thống xứ (nay là Nhà khách chính phủ trên phố Ngô Quyền) và Tòa án (nay là trụ sở Tòa án nhân dân tối cao ở phố Lý Thường Kiệt). Phong cách Tân cổ điển còn được áp dụng trong thiết kế các công trình kinh tế, văn hóa lớn như nhà Bưu điện, trụ sở công ty hỏa xa (nay là trụ sở Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trên phố Trần Hưng Đạo), ga Hàng cỏ, khách sạn Metropole, Nhà hát lớn, viện Radium (nay là bệnh viện K)… cùng nhiều biệt thự dành cho người Pháp.

Phong cách Tân cổ điển ở đây không còn là Tân cổ điển Pháp thuần túy nữa mà mang nhiều màu sắc của chủ nghĩa Triết chung. Mặc dù vẫn sử dụng bố cục đối xứng nghiêm ngặt, các cấu trúc hình học và tỷ lệ vẫn được tuân thủ, các thức cổ điển vẫn mang tính áp đảo, song ở nhiều công trình các thức và chi tiết của kiến trúc Phục Hưng và Baroc cũng được sử dụng. 

 Phủ Chủ tịch trước kia là Dinh Toàn quyền Đông Dương
Phủ Chủ tịch trước kia là Dinh Toàn quyền Đông Dương 

3. Phong cách kiến trúc Địa phương Pháp

Cũng trong những năm đầu thế kỷ XX, rất nhiều người Pháp mang cả gia đình sang Hà Nội làm ăn, sinh sống. Khi mới sang xứ sở thuộc địa này, họ vẫn nặng lòng với nỗi nhớ quê hương và do vậy họ mong muốn được sống trong những ngôi nhà giúp họ nhớ về quê hương bản quán. Từ đó những ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc các địa phương khác nhau ở Pháp được xây dựng trên các khu phố mới của Hà Nội. Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp với bộ mái da diện có độ dốc lớn được tô điểm thêm bởi những tháp nhỏ hoặc ống khói cao, biệt thự phong cách miền trung nước Pháp với với bộ mái có độ dốc vừa phải với hệ con sơn gỗ nhẹ nhàng, biệt thự phong cách miền Nam nước Pháp với hệ thống cửa rộng mở cùng các hàng hiên, ban công làm tăng vẻ tao nhã. Phong cách kiến trúc địa phương Pháp còn ảnh hưởng tới việc xây dựng các trường học thời kỳ này như trường Albert Saraut (nay là trụ sở Ban đối ngoại TW trên phố Hoàng Văn Thụ), trường Nữ học Pháp (nay là trụ sở Bộ Tư pháp trên phố Trần Phú), trường Phan Đình Phùng, trường Trần Phú và trường Bưởi (Chu Văn An).

Đặc điểm chủ đạo của các công trình kiến trúc phong cách Địa phương Pháp là nhà mái dốc lợp ngói tây, hệ con sơn đỡ mái hình tam giác được tiện khắc công phu, họa tiết trang trí thường tập trung quanh các cửa hoặc ban công. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng kiến trúc phong cách Địa phương Pháp ở đây không hoàn toàn giống như ở chính quốc mà đã có những biến đổi nhằm phù hợp với công năng mới và cảnh quan, khí hậu bản địa.

 Biệt thự phong cách kiến trúc miền bắc nước Pháp trên phố Khúc Hạo
Biệt thự phong cách kiến trúc miền bắc nước Pháp trên phố Khúc Hạo

4. Phong cách kiến trúc Art Deco

Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của người Pháp từ những năm 1920 tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp mở mang việc đầu tư xây dựng trụ sở giao dịch, nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội, nhiều trường học, bệnh viện, cửa hàng cũng được xây dựng thêm. Cùng thời gian này ở Pháp và các nước Âu Mỹ đang thịnh hành một trào lưu kiến trúc mới: Kiến trúc Art Deco dựa trên cơ sở thẩm mỹ lập thể, bài bác tính hoa mỹ và sự rườm rà trong cách trang trí của các trào lưu kiến trúc trước đó. Ý tưởng thiết kế mới này hoàn toàn phù hợp với những công trình kinh tế mang tính công năng cao nên nhanh chóng được sự đón nhận nhiệt tình của các nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Kiến trúc Art Deco phát triển mạnh ở khu phố Pháp trong những năm 1920-1930 và đặc biệt rõ nét ở những công trình thương mại lớn như trụ sở Ngân hàng Đông Dương (nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước), trụ sở Quỹ tín dụng bất động sản tại ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng, nhà in IDEO (nay là Trung tâm văn hóa Pháp), trụ sở Ngân hàng Pháp Hoa (nay là trụ sở Bộ công thương), trụ sở phòng Thương mại và Nông nghiệp (nay là Bưu điện quốc tế)… và rất nhiều biệt thự dành cho cả người Pháp lẫn người Việt. 

Kiến trúc Art Deco có cấu trúc đăng đối hoặc phi đăng đối với các khối hộp vuông, chữ nhật có thể kết hợp với khối bán trụ tạo ra những hình khối kiến trúc năng động và ngập tràn sinh lực, các hình thức trang trí nhẹ nhàng bằng thép uốn, phù điêu, kính màu cùng các dàn hoa bằng bê tông cốt thép làm nhẹ bớt sự thô nặng của các khối chủ đạo. Đây cũng là hình loại kiến trúc có nhiều nghiên cứu cải biên nhằm tới sự hài hòa với cảnh quan và khí hậu Hà Nội. 

 Ngân hàng Nhà nước (trước kia là Ngân hàng Đông Dương)
Ngân hàng Nhà nước (trước kia là Ngân hàng Đông Dương) 

5. Phong cách kiến trúc Đông Dương

Sau một thời gian khai thác những công trình kiến trúc mang phong cách thuần túy Châu Âu, người ta thấy chúng không hoàn toàn phù hợp về mặt khí hậu cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Hà Nội. Bản thân giới trí thức Pháp cũng thấy rằng việc áp đặt những giá trị văn hóa từ chính quốc vào một xứ sở vốn có truyền thống văn hóa từ lâu đời là không thể chấp nhận được, từ đó hình thành một phong cách kiến trúc mới, kết hợp thành tựu công nghệ và văn hóa Pháp với truyền thống văn hóa và kiến trúc bản địa - phong cách kiến trúc Đông Dương.

Kiến trúc phong cách Đông Dương là những công trình có cấu trúc mặt bằng không gian hoàn toàn theo kiểu Pháp nhưng đã có sự tìm tòi biến đổi về hình thái mặt đứng cùng những chi tiết cấu tạo và trang trí kiểu Phương Đông nhằm tạo ra các công trình kiến trúc có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hóa bản địa. Đại diện lớn nhất cho phong cách kiến trúc này là E. Hébrard với những công trình nổi tiếng như tòa nhà chính Đại học Đông Dương, Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử), Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), nhà thờ Cửa Bắc. Ngoài ra còn có A. Kruze cùng nhiều kiến trúc sư người Pháp và người Việt khác cũng để lại nhiều công trình có giá trị theo phong cách này vẫn còn tồn tại đến nay như trụ sở Tổng cục TDTT trên phố Trần Phú, nhà số 4 lý Nam Đế, biệt thự Didelot tại phố Ngọc Hà, Viện Pasteur Hà Nội, 4 tòa nhà của Việt Nam học xá trong Đại học Bách khoa hiện nay, nhà thờ dòng Dominic trên phố Hùng Vương cùng nhiều biệt thự tập trung ở khu vực xung quanh hồ Thuyền Quang.

Đặc điểm của các công trình theo phong cách Đông Dương là có công năng hoàn toàn theo kiểu Pháp, nhưng hình thức kiến trúc lại mang đậm chất Á Đông với bộ mái ngói được đỡ bởi các con sơn gỗ, các góc mái và đầu nóc được trang trí bởi các gờ chữ triện cùng với các hình thức trang trí lấy cảm hứng từ các hình tượng nghệ thuật Phương Đông trên tường, trên cửa và lan can ban công cho chúng ta ấn tượng rõ nét về một hình thức kiến trúc kết hợp tinh hoa văn hóa Đông – Tây. 

Ngoài những phong cách chủ đạo trong kiến trúc Khu phố Pháp ở Hà Nội đã nêu trên, ở khu phố này còn tồn tại một số công trình kiến trúc có phong cách Neo-Gothic chủ yếu thể hiện trong kiến trúc nhà thờ như Nhà thờ lớn, nhà thờ Hàm Long, phong cách kiến trúc Pháp-Hoa thể hiện ở một số biệt thự dành cho người Việt trên các phố Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Quán Thánh… 

 Bảo tàng Lịch sử (trước kia là Bảo tàng Louis Finot)
Bảo tàng Lịch sử (trước kia là Bảo tàng Louis Finot) 

 
Nhà thờ Lớn 

 
Biệt thự số 26 Phan Bội Châu 

5. Phương hướng bảo tồn kiến trúc Khu phố Pháp

Đánh giá, phân loại: 

Mục đích của việc nghiên cứu đánh giá, phân loại di sản là đưa ra được một danh mục phân loại các công trình di sản theo các cấp độ khác nhau làm cơ sở cho việc đưa ra các quy chế về quản lý và bảo tồn di sản kiến trúc Khu phố Pháp ở Hà Nội. 

Việc tiến hành nghiên cứu đánh giá, phân loại phải được tiến hành bởi các cơ quan nghiên cứu có đầy đủ khả năng về mặt chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di sản, có đầy đủ lực lượng nhân lực cần thiết để đo vẽ hiện trạng, và phải có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về mặt chuyên môn và các chuyên gia độc lập. Nhiệm vụ của các cơ quan nghiên cứu là tiến hành chụp ảnh, đo vẽ hiện trạng…tạo dựng hồ sơ cho từng công trình, đề xuất hệ thống các tiêu chí đánh giá dựa trên các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, cảnh quan đô thị cùng hệ thang điểm cho từng tiêu chí để cuối cùng đưa ra được hồ sơ phân loại toàn bộ các công trình kiến trúc Khu phố Pháp ở Hà Nội được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Theo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc, các công trình kiến trúc di sản thường được chia thành 3 tới 4 loại với các tên gọi khác nhau, chúng tôi kiến nghị nên chia thành ba loại:

Loại 1: Các công trình có giá trị đặc biệt
Loại 2: Các công trình có giá trị cao
Loại 3: Các công trình có giá trị trung bình
Xây dựng quy chế quản lý và bảo tồn: 

Mục đích của quy chế: 

Mục đích chủ yếu của quy chế quản lý, bảo tồn di sản kiến trúc Khu phố Pháp ở Hà Nội là nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá huỷ, làm hư hỏng các công trình kiến trúc có giá trị về các mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc và cảnh quan đô thị, đảm bảo giữ được những giá trị vật thể và phi vật thể của bộ phận di sản này trong thời gian lâu dài. Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về những giá trị của bộ phận di sản này, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.

Những nội dung cơ bản cần đề cập trong quy chế: 

Ranh giới khu vực thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế: Quy mô diện tích đô thị Hà Nội hiện nay lớn gấp nhiều lần Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, việc xác định ranh giới khu vực thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế cần dựa trên những nghiên cứu cụ thể về địa giới Khu phố Pháp trong không gian đô thị hiện nay. 

Thiết lập các khu vực, tuyến phố cần bảo tồn: Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và phân loại di sản kiến trúc Pháp thuộc có thể thấy được những khu vực, những tuyến phố tập trung nhiều công trình có giá trị đặc biệt hoặc có giá trị cao, như vậy sẽ đặt ra vấn đề không chỉ bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị đơn lẻ mà phải bảo tồn cả một quần thể kiến trúc. Việc xác định ranh giới các khu vực, tuyến phố cần bảo tồn phải được nêu rõ trong quy chế. 

Những giới hạn về quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu các công trình kiến trúc có giá trị: Đây là nội dung có thể cho phép chủ sở hữu công trình tiếp tục sử dụng công trình của họ, tuy nhiên tuỳ vào giá trị của công trình mà chủ sở hữu buộc phải bảo tồn tính nguyên gốc của công trình hay được phép cải tạo ở những cấp độ khác nhau trong quá trình sử dụng cho phù hợp với công năng. 

Quy tắc cấp phép trùng tu, sửa chữa, cải tạo: Quy chế cần quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phép trùng tu, sửa chữa, cải tạo các công trình di sản có giá trị đặc biệt và giá trị cao, cơ quan này nên là một cơ quan quản lý chuyên ngành cấp Thành phố. Quy chế cũng cần quy định các tổ chức hành nghề thiết kế, thi công tham gia vào việc trùng tu, sửa chữa, cải tạo các công trình di sản phải là những tổ chức thực sự có khả năng tiến hành tốt công việc, tức là chỉ có những tổ chức thiết kế, thi công có đầy đủ năng lực về con người (chuyên gia, công nhân tay nghề cao…) và thiết bị (các thiết bị chuyên dùng…) mới có thể tham gia vào công tác này. 

Chương trình hành động và giám sát công tác bảo tồn:

Sau khi có được quy chế bảo tồn di sản kiến trúc Khu phố Pháp ở Hà Nội thì chính quyền Thành phố với sự tư vấn của các cơ quan tham mưu, các tổ chức nghiên cứu cần vạch ra được một chương trình hành động để quy chế thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả. 

Để chương trình sẽ được đề xuất mang tính khả thi cao thì nó phải đề cập đến hai vấn đề chính yếu: Kế hoạch hành động bảo tồn di sản và công tác Giám sát quá trình bảo tồn di sản. 

Kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho các hành động bảo tồn di sản kiến trúc Pháp thuộc liên quan chặt chẽ tới vấn đề tài chính và sự hợp tác của người sử dụng các công trình di sản. Kế hoạch tài chính phải được dựa trên tính đang dạng về nguồn vốn: Nguồn vốn nhà nước đối với các công trình dược công nhận là di tích lịch sử - văn hoá, số lượng các công trình kiến trúc Pháp thuộc đã được công nhận là di tích hiện nay không nhiều, thời gian tới Thành phố nên tiến hành các nghiên cứu khảo sát để kiến nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tiếp tục công nhận một số công trình có giá trị đặc biệt là di tích lịch sử - văn hoá hoặc di tích văn hoá. Nguồn vốn do các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước dành cho các công trình có giá trị đặc biệt. Nguồn vốn quan trọng và chiếm tỷ lệ cao nhất chính là nguồn vốn huy động từ các tổ chức và người dân đang sử dụng công trình.  

Sau khi đã huy động được nguồn vốn thì việc tiến hành công tác khảo sát, thiết kế và thi công phải được thực hiện theo đúng quy chế quản lý và bảo tồn di sản kiến trúc Khu phố Pháp nhằm làm cho việc trùng tu, sửa chữa, cải tạo các công trình kiến trúc di sản mang đúng ý nghĩa bảo tồn. Như vậy thì một kế hoạch giám sát dài hạn quá bảo tồn di sản phải được vạch ra bao gồm các vấn đề về giám sát quá trình thiết kế, cấp phép và giám sát quá trình thi công trùng tu, sửa chữa, cải tạo các công trình kiến trúc di sản tùy theo các cấp độ giá trị. (Nguồn: ThS.KTS Trần Quốc Bảo)

Vườn hoa cây xanh khu phố cũ Hà Nội

Một thời 'thành phố trong vườn cây' của Hà Nội

Để tìm kiếm các loại cây, hoa trồng trong đô thị thích hợp hơn, năm 1888, người Pháp lập “Jardin d'essal” (Vườn thí nghiệm thực vật) rộng 33ha, ta thường gọi là vườn Bách Thảo.

Năm 1897, Hà Nội có văn bản xóa bỏ nhà lá quanh các phố quanh Hồ Gươm, phải xây nhà gạch thẳng hàng, có rãnh thoát nước...Năm 1902, Thành phố treo biển tên phố, đánh số nhà. Năm 1903, Thành phố quy định cây xanh chỉ trồng trên các phố có vỉa hè rộng hơn 3 mét trở lên và phải tuân theo tiêu chí: có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, không có nhựa và khí độc hại, không đổ trước các trận bão vừa phải… Phạt tiền người nào phá hoại cây trên phố và phải trồng lại đúng giống cây đó. Ở các phố lớn, TP lát vỉa hè, và trồng cây lấy bóng mát. Ban đầu, trồng thử xà cừ ở Bách thảo và chỗ đất trống chung quanh.

Tính đến năm 1954, Hà Nội có 1.512 cây sấu, chiếm tới 60% trong tổng số cây xanh ở bốn quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Song có một điều khó hiểu là cây xà cừ có nhiều nhược điểm lại được trồng khá phổ biến sau 1954.

Ngày nay, Cây xanh đường phố đã từng làm nên nét đẹp Hà Nội, nhưng để có duy trì tiếng thơm ấy, Hà Nội còn nhiều việc dang dở để viết tiếp câu chuyện 'Thành phố Cây Xanh'.

Hồ trong khu vực khu phố cũ Hà Nội

Thời Lê, giữa khu này có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Sông Tô Lịch nối với hào thành, các đầm hồ, thông với hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng cũng ở khu vực này. Đến cuối thế kỉ 19 thì các sông hồ đó hoàn toàn bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.

Cùng với hệ thống sông ngòi, hồ nước trở thành yếu tố đặc thù của Hà Nội với những giá trị về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử cũng như cấp độ, tính chất, chức năng trong quy hoạch và góp phần trở thành các không gian mở dành cho cộng đồng ở khu vực trung tâm, giao tiếp cộng đồng tạo nên sự quyến rũ, thu hút du khách.

Cùng với hệ thống sông ngòi, hồ nước trở thành yếu tố đặc thù của Hà Nội nói chung, khu phố cũ nói riêng, với những giá trị về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử cũng như cấp độ, tính chất, chức năng trong quy hoạch và góp phần trở thành các không gian mở công cộng khu vực trung tâm, giao tiếp cộng đồng tạo nên sự quyến rũ, thu hút du khách. Yếu tố đặc thù này cần được bảo vệ gìn giữ để phát huy giá trị để hướng tới việc xây dựng một Thủ đô Hà Nội “Xanh – Sạch – Đẹp”.

Hệ thống 13 vườn hoa trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm

Quảng trường 

Quảng trường ở Hà Nội không nhiều, cũng không quá lớn nhưng hầu như quảng trường nào cũng mang trong mình những ký ức đáng nhớ, lưu giữ những sự kiện quan trọng, lúc thăng trầm khi huy hoàng của lịch sử Hà Nội, cùng sự biến chuyển không ngừng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. 

Hà Nội hiện có 4 quảng trường: Quảng trường Ba Đình, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường 1/5 và quảng trường Cách mạng Tháng 8.

Quảng trường Ba Đình

Ba Đình là một trong những quảng trường lớn và quan trọng nhất của lịch sử Thủ đô Hà Nội và cả nước. Nơi đây, vào ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang mới trong lịch sử nước Việt. Cái tên Ba Đình từ đó đã trở nên thân thiết trong lòng trái tim những người con đất Việt. Và mỗi khi có dịp về Hà Nội, đứng trước quảng trường Ba Đình lộng gió, lòng ai chẳng bâng khuâng trước một không gian lịch sử nơi đã ghi nhớ những thời khắc quan trọng nhất của Hà Nội và cả nước.

Tòa nhà này ngày nay là Lăng Bác (Ảnh tư liệu)

Tòa nhà này ngày nay là Lăng Bác (Ảnh tư liệu)

Khung cảnh Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945

Khung cảnh Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945

Quảng trường Ba Đình ngày nay
Quảng trường Ba Đình ngày nay

Ngược về quá khứ, quảng trường Ba Đình nằm ở vị trí “chính Tây Môn”, tức là cửa phía Tây của thành Thăng Long xưa kia. Thời Pháp thuộc nơi này là một nút giao thông lớn và có một vườn hoa ở đây. Ngày 2-9-1945, Lễ đài nơi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được dựng trên chính vườn hoa này.

Góc nhìn cận cảnh Đoan Môn và cửa Tây.

Góc nhìn cận cảnh Đoan Môn và cửa Tây.

Ngoài ngày diễn ra Lễ Độc lập, quảng trường Ba Đình còn là nơi diễn ra một sự kiện quan trọng nữa. Ba Đình chính là nơi làm Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9-9-1969 với 10 vạn đồng bào trong dòng nước mắt tiếc thương, tiễn đưa vị cha già dân tộc về nơi vĩnh hằng.

Quảng trường Ba Đình bây giờ vẫn là một quảng trường lớn và đẹp nhất của Hà Nội và cả nước với hàng trăm ô cỏ xanh tốt quanh năm, gió lúc nào cũng thổi lồng lộng vì ở rất gần hồ Tây. Vào buổi sáng, buổi tối có lễ thượng cờ và hạ cờ rất trang trọng. Quảng trường cũng là nơi đặt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm và Hội trường Ba Đình, nay là Tòa nhà Quốc hội được xây lớn và hiện đại, xứng đáng với tầm vóc của một nước Việt Nam hiện đại, phát triển.

Quảng trường Ba Đình theo dòng lịch sử

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một quảng trường ở phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thuộc phường Lê Thái Tổ. Quảng trường này là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, chỗ có dốc đi về mạn báo Hà Nội Mới (số 44 Lê Thái Tổ). Thời Pháp thuộc quảng trường này có tên là Place Négrier (“Quảng trường tướng Négrier”)

Giao lộ phố Hàng Đào-Hàng Gai-Cầu Gỗ xưa
Giao lộ phố Hàng Đào-Hàng Gai-Cầu Gỗ xưa

Giao lộ phố Hàng Đào-Hàng Gai-Cầu Gỗ xưa

Giao lộ phố Hàng Đào-Hàng Gai-Cầu Gỗ xưa

Giao lộ phố Hàng Đào-Hàng Gai-Cầu Gỗ xưa, nhìn từ phố Hàng Đào.

Giao lộ phố Hàng Đào-Hàng Gai-Cầu Gỗ xưa, nhìn từ phố Hàng Đào. Năm 1954?)

Quảng trường nhìn từ trên cao

Quảng trường nhìn từ trên cao

Quảng trường nhìn ra Hồ Gươm

Quảng trường nhìn ra Hồ Gươm

Đông Kinh Nghĩa Thục có thể coi một quảng trường nhỏ nhất của Hà Nội, nằm ngay cạnh hồ Gươm, sát với các phố Hàng Đào, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ. Tuy có diện tích nhỏ nhưng lại nằm ở khu trung tâm phố cổ sầm uất và về nguồn gốc hình thành thì quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có một lịch sử ly kỳ nhất.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục giờ giống như một “ngã tư quốc tế” với khách du lịch nhộn nhịp nhưng trước đây vốn là một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Gươm, dân gian thường gọi là “Vườn dừa” và ít ai ngờ rằng nơi này đã từng là pháp trường của một thời. Nếu ai đã đọc truyện ngắn “Chém treo ngành” của nhà văn Nguyễn Tuân thì sẽ hiểu thêm về cái không khí rợn ngợp, thê lương, u uất của nơi pháp trường.

Các tử tù nổi tiếng từng bị chém ở đây có thể kể đến cử nhân Tạ Văn Đình bị tên lái buôn Jean Dupuis chém năm 1873 sau khi Pháp chiếm thành Hà Nội và đặc biệt là Nguyễn Cao, một thủ lĩnh chống Pháp bị chém đầu năm 1887. Người ta còn kể những câu chuyện kỳ bí về nơi này.

Khi những tử tù bị chém, đầu của họ thường được bêu lên những cây dừa sát cạnh Bờ Hồ, dân đi qua ai cũng chỉ dám len lén nhìn, ngay cả những đứa trẻ nghịch ngợm nhất cũng không dám nô đùa gần những cây dừa đó.... Xem thêm: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục từng là pháp trường?

Quảng trường 19-8 

Ngày 17-8-1945, nhân một cuộc mít tinh của phe thân Nhật, Mặt trận Việt Minh đã chiếm lấy diễn đàn, một lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống từ tầng hai Nhà hát Lớn và có lời hiệu triệu đồng bào đứng lên đánh đổ phát xít Nhật và bù nhìn, giành lại độc lập. Đến ngày 19-8-1945, 2 vạn nhân dân Hà Nội đã có một cuộc mít tinh lớn tại đây. Sau đó quân khởi nghĩa tỏa đi các hướng chiếm những cơ quan trọng yếu như Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Sở mật thám… Mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội.

 Phố Tràng Tiền, Tòa nhà ở giữa bức hình là Nhà Hát lớn Hà Nội thuộc khu vực ô Tây Long ngày xưa

Phố Tràng Tiền, Tòa nhà ở giữa bức hình là Nhà Hát lớn Hà Nội thuộc khu vực ô Tây Long ngày xưa

Nhà hát Lớn ngày nay

https://36hn.files.wordpress.com/2015/07/025-nhc3a0-hc3a1t-le1bb9bn-ngc3a0y-nay.jpg

Nhà hát Lớn ngày nay

Quảng trường 19-8: Nơi khởi đầu của Cách mạng Tháng Tám

Quảng trường 19-8 có một điểm đặc biệt là tọa lạc ở vị trí trung tâm khu phố Tây xưa. Quảng trường nằm trên phố Tràng Tiền, con phố quan trọng và sầm uất nhất của người Pháp ở Hà Nội. Ngay trên quảng trường này là Nhà hát Lớn Hà Nội, mô hình giống Nhà hát Opera Paris nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Người Pháp rất coi trọng khu phố và con đường chạy qua quảng trường này nên phố Tràng Tiền đã từng được đặt tên là “Phố nước Pháp”, thời tạm chiếm thì gọi là phố “Pháp quốc”. Nhưng sự trớ trêu của lịch sử thì không ai ngờ, chính ở khu phố và quảng trường trung tâm biểu tượng cho nền văn minh và chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đã trở thành là nơi khởi đầu của Cách mạng Tháng Tám. 

Quảng trường 1-5

https://36hn.files.wordpress.com/2015/07/1718993254_06e51aa97e.jpg

Cổng vào khu nhà “Đấu Xảo”

Nhà đấu xảo những năm đầu thế kỷ XX và là Quảng trường 1-5 hiện nay

Quảng trường 1-5: Biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân

Quảng trường này vốn là khu đất của Nhà đấu xảo (Nhà triển lãm) thời thuộc Pháp, nay trên phố Trần Hưng Đạo. Tên gọi của quảng trường xuất phát từ một sự kiện nổi tiếng xảy ra ở đúng địa điểm này. Vào ngày 1-5-1938, một cuộc mít tinh cực lớn với 25.000 người tham dự đã được tổ chức tại đây. Đây là một cuộc mít tinh công khai và lớn nhất trong thời Pháp thuộc.

Cuộc mít tinh nhằm ủng hộ Ngày Lao động quốc tế và Mặt trận Bình dân bên Pháp, một mặt trận có những chính sách tiến bộ và chủ trương cởi mở với các nước thuộc địa. Cuộc mít tinh này thực chất là một cuộc biểu tình lớn biểu dương lực lượng. Mười hai lá cờ đỏ của mười hai đoàn thể nhân dân bay phần phật trong gió. Ông Trần Huy Liệu thay mặt cho nhóm những chiến sỹ Cộng sản hoạt động công khai lúc đó (nhóm Tin tức) lên đọc một bài diễn văn.

Ta nên nhớ rằng sau này, 7 năm sau, ngày 30-8-1945, cũng chính ông Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn Chính phủ lâm thời (cùng với các ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận) là người có bài phát biểu trong buổi lễ vua Bảo Đại đọc “Chiếu thoái vị”. Ông Trần Huy Liệu là người thay mặt chính quyền Cách mạng lâm thời nhận quốc ấn và bảo kiếm của Vua Bảo Đại và tuyên bố chấm dứt thời kỳ  chế độ phong kiến Việt Nam.

Quảng trường 1-5 hiện có Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng về văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô và cả nước. 

Quảng trường là một không gian không thể thiếu của các thành phố lớn, với Thủ đô Hà Nội nó càng có vai trò quan trọng; là nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng có quy mô lớn cũng như để biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân. Và, có lúc nào đó bước chân chúng ta lướt qua những quảng trường mà nhớ rằng đã từng có lúc thăng trầm, phút huy hoàng của những ngày lịch sử không thể nào quên đã diễn ra ở những nơi này.

Quảng trường Dự kiến

Hà Nội hiện có 4 quảng trường gồm: Quảng trường Ba Đình, quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục, quảng trường 1-5 ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô và quảng trường Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, ngoài quảng trường Ba Đình gắn với yếu tố chính trị của quốc gia thì 3 quảng trường còn lại đều xây dựng từ thời chống Pháp. “Nói cách khác, qua đánh giá, Hà Nội vẫn đang thiếu không gian quảng trường. Trong không gian đô thị, quảng trường là không gian chung, nơi có thể phát triển được các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại”, 

Khu vực được đề xuất xây 5 quảng trường ở Hà Nội

Yếu tố then chốt vẫn là cộng đồng dân cư phố cũ Hà Nội

Trong quỹ di sản đô thị đa dạng, phong phú của nội đô lịch sử, khu phố cũ có ý nghĩa đặc biệt cả về kiến trúc, quy hoạch và văn hóa lịch sử. Đây là khu vực phát triển Hà Nội do người Pháp đầu tư, xây dựng đồng bộ và có quy mô lớn nên nhiều người thường gọi là khu phố Pháp - Nơi ghi đậm dấu ấn phong cách sống Người Hà Nội giai đoạn Pháp thuộc.

Những đặc trưng về quy hoạch-kiến trúc, thiết chế giai đoạn Pháp thuộc đã tạo nên bản sắc riêng cho khu phố cũ, cho diện mạo đô thị Hà Nội. Từ sau hòa bình lập lại cũng đã có một số điều chỉnh như di dời các cơ sở công nghiệp để xây dựng công trình thương mại, dịch vụ như Nhà máy Trần Hưng Đạo, Nhà máy cơ khí… Cải tạo một số nhà ở phố, biệt thự, nhất là thiết lập một lối sống mới giai đoạn "Bao cấp" rồi "Đổi mới, Kinh tế thị trường song tổng quan cho thấy khu phố cũ Hà Nội ngày nay vẫn thực sự là di sản đô thị, góp phần tạo lập nên diện mạo của Thăng Long-Hà Nội.

Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cũ Hà Nội trong bất cứ thời điểm, giai đoạn nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định chính. Bởi, chỉ khi người dân, nhất là những người sinh sống trong khu phố cũ được gắn liền quyền lợi họ sẽ tự có ý thức bảo vệ những di sản quý mà chính người ta đang được hưởng lợi. Để cộng đồng cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ thì chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là UBND quận Hoàn Kiếm cần phải nâng cao vai trò của cấp quản lý, cần mạnh tay chấn chỉnh một số họat động có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch, 

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn