Nhận diện nhà phố Pháp tại quận Ba Đình, Hà Nội

Thứ 4, 05/06/2024, 16:15 (GMT+7)

Chia sẻ

Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954, người Pháp đã định hình rõ một phong cách kiến trúc thuộc địa tại Hà Nội. Thời kì này, bên cạnh các công thự và biệt thự mang phong cách thuộc địa còn xuất hiện thêm nhiều nhà phố dành cho tầng lớp công chức và thị dân, góp phần làm phong phú bức tranh tổng thể về kiến trúc tại Hà Nội.

Sau thời kỳ đổi mới năm 1986, kiến trúc đô thị Hà Nội phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các yếu tố mới, hiện đại đã làm lu mờ dần các yếu tố mang tính chất lịch sử, văn hóa. Những công trình kiến trúc được xây dựng thời Pháp đã bị hao hụt ngày càng nhanh về số lượng và xuống cấp ngày càng rõ về chất lượng. Đặc biệt trong mảng nhà phố Pháp khi chưa có những quy định về bảo tồn, gìn giữ và khai thác. Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời can thiệp thì những công trình này sẽ tiếp tục bị mất đi và đó là sự mất mát của một phần trong tổng thể những giá trị kiến trúc đã gắn liền với một thời kỳ lịch sử.

 
Hinh 1. Bản đồ phân bố nhà phố Pháp địa bàn Quận Ba Đình (Nguồn: Đặng Việt Long, 2023)
 
Lịch sử phát triển kiến trúc nhà phố Pháp

1. Trong tổng thể kiến trúc đô thị Hà Nội

Sự xuất hiện của nhà phố Pháp có mối gắn kết chặt chẽ với quá trình hình thành và phát triển đô thị Hà Nội dưới thời thuộc địa. Những ngôi nhà phố Pháp đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng khoảng năm 1885 trên phố Paul Bert (phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay). Tuy nhiên, đa phần nhà phố Pháp bắt đầu được xây dựng đại trà từ năm 1920 theo năm thiết kế được ghi trên bản vẽ một số ngôi nhà còn lưu lại đến nay.

Đây là giai đoạn khôi phục nền kinh tế tại chính quốc, chính quyền Pháp đã tăng cường đầu tư mở rộng các đô thị và khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của tầng lớp cư dân bản xứ, thay vì cấm đoán hoặc hạn chế như trước. Nhà phố Pháp được xây dựng trên quy mô lớn tại Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt (hoặc sinh hoạt kết hợp với kinh doanh) của một bộ phận thị dân thời bấy giờ, nhất là giới trí thức và tư sản người Việt, người Hoa, những tầng lớp xã hội tiếp xúc sớm và thường xuyên với nền giáo dục và văn minh Pháp nên có đời sống văn hóa tinh thần và quan niệm thẩm mỹ chịu ảnh hưởng của phương Tây ở các mức độ khác nhau, kể cả trong thẩm mỹ kiến trúc.

2. Tại quận Ba Đình

Trong phạm vi quận Ba Đình, có 2 khu vực phát triển mạnh về cấu trúc không gian kiến trúc và cảnh quan trong giai đoạn Pháp thuộc. Đó là khu trung tâm Ba Đình và khu Bắc Hoàng thành. Trong khi khu trung tâm Ba Đình được xây dựng và hình thành với hệ thống các công sở và biệt thự mang phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp thì khu vực Bắc Hoàng Thành lại là khu vực tập trung chủ yếu của nhà phố Pháp.

Khu vực Bắc Hoàng thành được phát triển ở giai đoạn từ sau 1920 khi cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp được đẩy mạnh (trong một số tài liệu, khu vực này được gọi tên là Khu Bắc Ba Đình). Khu vực này được hình thành cùng thời điểm với khu vực phố Pháp ở phía Nam Hồ Hoàn Kiếm (thuộc Quận Hai Bà Trưng) chủ yếu phục vụ cho tầng lớp tư sản và tiểu tư sản người Việt.

Nhận diện nhà phố Pháp tại quận Ba Đình

1. Những giá trị về kiến trúc của nhà phố Pháp tại quận Ba Đình

Qua công tác khảo sát thực địa khu vực quận Ba Đình, trong đại đa số các trường hợp, giá trị kiến trúc của ngôi nhà phố Pháp được thể hiện chủ yếu qua mặt đứng công trình, hầu hết là mặt đứng tầng hai (và số ít mặt đứng tầng ba).

Các giá trị mặt đứng được thể hiện qua phong cách kiến trúc, tỷ lệ mặt đứng, điểm nhấn, phân vị ngang, phân vị đứng, sự hài hòa của cửa đi, cửa sổ, ban công, chi tiết trang trí… Màu sắc và chất liệu cũng góp phần đáng kể vào vẻ đẹp của mặt đứng công trình. Giá trị sử dụng của nhà phố Pháp là một đặc điểm khác biệt rõ nét với các loại hình di sản/di tích truyền thống khác vì hầu hết các công trình hiện nay đều có giá trị sử dụng tốt.

Bên cạnh đó, nhà phố Pháp còn có giá trị về lịch sử và văn hóa rất đáng trân trọng. Nhiều ngôi nhà phố còn giữ được nghề truyền thống hoặc cách trang trí mặt đứng có sự kết hợp các họa tiết, hoa văn kiểu Pháp, Trung Hoa và bản địa cũng cho thấy giá trị văn hóa của ngôi nhà. Nhà phố Pháp có đóng góp lớn vào bộ mặt cảnh quan đô thị Hà Nội, còn có giá trị về niên đại thể hiện qua thời điểm xây dựng ngôi nhà, đặc biệt là những ngôi nhà xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20.

2. Sự phân bố

Trên địa bàn quận Ba Đình, tới thời điểm tháng 9/2023, theo khảo sát của tác giả, chỉ còn 195 nhà phố Pháp hiện diện ở 2 khu vực:

Khu vực phía Nam và Tây Nam Hoàng Thành: 34 nhà phố Pháp tập trung chủ yếu trên tuyến phố Nguyễn Thái Học. Đây là một trong những tuyến phố nằm trên trục giao thông quan trọng trong quy hoạch của người Pháp (Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Nguyễn Thái Học).
Khu vực Bắc Hoàng Thành: Sự phân bố tập trung trên một phạm vi rộng hơn và đều hơn (161 nhà/24 tuyến phố), trong đó có thể kể đến những tuyến phố nổi bật như: Phố Quán Thánh (nằm trên tuyến đường tàu điện đô thị cũ), phố Hàng Than (tiếp nối trục xương sống của Khu Phố Cổ: Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy).

3. Về kích thước

Chiều cao: Phổ biến là nhà hai tầng. Chiều cao tầng phổ biến từ 3,6 – 4,2m;
Chiều ngang nhà đều từ 4m trở lên. Chiều ngang rộng nhất có thể lên đến 8m;
Chiều dài nhà có thể dao động trong một phạm vi khá rộng, từ 15 – 30m. Với chiều dài lớn, thông thường từ 20-25 m, căn nhà được chia thành hai khối bởi một sân trong, giải quyết vấn đề lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên cho các phòng ở.

4. Về không gian

Cấu trúc: Nhà chính gồm hai khối, có cầu thang ở giữa rẽ sang hai bên. Phía trong có một sân nhỏ ngăn cách nhà chính với nhà phụ một tầng (gian bếp và khu nhà tắm – vệ sinh) phía sau. Với những trường hợp nhu cầu diện tích sinh hoạt tăng cao, khu phía sau được nâng tầng và xuất hiện thêm cầu thang ở khu vực sân trong;
Chức năng: Kinh doanh (tầng một gian phía trước) và ở (tầng một gian phía sau và toàn bộ tầng hai). Một số trường hợp, nhất là những nhà có mặt tiền rộng trên 6m, có đến hai hoặc ba cửa hàng kinh doanh với hai hoặc ba loại hình khác nhau.


 
Hình 2. Sơ đồ cấu trúc không gian điển hình của nhà phố Pháp quận Ba Đình (Nguồn: Đặng Việt Long, 2023)
 
5. Về kết cấu và vật liệu sử dụng

Các nhà phố Pháp đều được xây dựng với cấu trúc tường gạch chịu lực, có bổ trụ gạch gia cố ở những vị trí cần thiết. Sàn tầng có thể là kết cấu bê tông cốt thép lát gạch hoa hình vuông loại nhỏ kích thước 20cm x 20cm, hoặc bằng gỗ lim có hệ dầm đỡ bằng gỗ, ngoại trừ các khu ướt như bếp và nhà vệ sinh. Tương tự, cầu thang có thể được làm hoàn toàn bằng gỗ tốt, không bị mối mọt hoặc đổ bản bê tông cốt thép có bậc xây gạch. Hệ mái phần lớn là mái dốc với kết cấu tường thu hồi chịu lực và vì kèo gỗ, lợp ngói tây. Chỉ một số ít nhà sử dụng mái bằng.

6. Về kiến trúc mặt đứng

Phong cách kiến trúc: Nhà phố Pháp có hai phong cách chủ đạo là kiến trúc Tân cổ điển Pháp thịnh hành trong giai đoạn đầu tiên (1920 – 1930) và kiến trúc Hiện đại (Art Deco, Art Nouveau) xuất hiện và phổ biến trong thời kỳ sau (1930 – 1945).
Hình thức kiến trúc: Khá đa dạng và có nhiều cách phân loại.
 
Hình 3a (trái): Phong cách tân cổ điển của nhà số 15 Hàng Than.

Hình 3b (hình phải): Phong cách kiến trúc Art Deco của nhà số 25 Nam Tràng

Hình 4a (trai). Hình thức đối xứng của nhà số 7 Phan Huy Ích

Hình 4b (phải). Hình thức bất đối xứng của nhà số 38 Hàng Than
 
Đối xứng hoàn toàn (nhà chỉ có một hộ sinh sống, hoặc hai hộ nhưng nhà ở đầu/cuối dãy có ngõ đi bên cạnh nhà) hoặc bất đối xứng giữa tầng một với tầng hai (khi có lối đi riêng ở tầng một cho hộ sống bên trong hoặc tầng trên). Thông thường nhà có cửa đi chính giữa, hai cửa sổ đối xứng hai bên. Cửa đi hai cánh, ván gỗ đặc toàn bộ hoặc 1/3 bên dưới, 2/3 bên trên lắp kính mờ có hoa sắt được chế tạo khá đẹp mắt bảo vệ bên ngoài. Cửa sổ phổ biến là cấu trúc hai lớp, trong kính ngoài chớp, với chấn song sắt (hoặc gỗ) ở giữa.

 
Hình 5a (trai). Lan can bằng nan bê tông của nhà số 29 Hàng Than
Hình 5b (phải). Lan can sử dụng hoa sắt của nhà số 22 Nguyễn Trường Tộ
 
Có hoặc không có ban công: Ban công nếu có thì khá nhỏ, ở chính giữa, ít khi xây đặc mà làm lan can thoáng bằng hoa sắt hoặc nan bê tông. Ban công chạy dài suốt bề ngang nhà cũng có, nhưng ít gặp. Một số nhà xây hiên trên tầng hai lùi vào khoảng 1,5m, thay vì xây ban công đua ra.

Có hoặc không có tường chắn ở mặt tiền phía trên mái, tùy từng nhà. Trường hợp không có tường chắn mái, mái dốc sẽ được thiết kế đua ra kết hợp của hệ công xôn đỡ mái.

 
Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 18 Hàng Than (phong cách cổ điển Pháp) (hình trái)
Chi tiết ghi tên chủ tiệm kinh doanh (Kim Hưng)
Nhà số 75 Hàng Than (hình phải)
 
 
Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 18 Hàng Than (phong cách cổ điển Pháp) (hình trái)
Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 36 Hàng Than (phong cách cổ điển Pháp) (hình phải)
 
7. Về tỷ lệ và chi tiết trang trí

Đơn giản chỉ là gờ chỉ phẳng một vạch lớn có khía, tinh tế hơn là nhiều vạch nhỏ đan lồng nhau kiểu đường diềm tạo phân vị ngang cho mặt đứng, hoặc cầu kỳ hơn với các chi tiết vữa đắp nổi theo họa tiết hoa lá viền huy hiệu hay phào cong cánh cung có các khối vữa nhỏ đắp dạng tay cuốn cách đều phía trong theo phong cách cổ điển Pháp. Trên mặt đứng một số nhà phố Pháp có sự kết hợp giữa chi tiết hoa văn của Việt Nam (các hình đắp nổi kiểu cuộn giấy hay lụa trông giống chiếu chỉ như thường gặp trong đình chùa hoặc văn bia cổ) với các trang trí viền hay diềm kiểu Pháp.

Một số nhà phố Pháp có ghi năm công trình được hoàn thành dạng vữa đắp nổi ở vị trí chính giữa tường đỉnh mái. Một số nhà khác có ghi tên chủ nhân hoặc tên cửa hiệu trên tường đỉnh mái hoặc ở khoảng giữa tầng một và tầng hai. Các chữ này hoặc được đắp nổi bằng vữa, có sơn màu nổi bật so với màu nền, hoặc được đúc bằng bê tông rồi gắn lên tường. Hai loại chi tiết này hoàn toàn không thấy xuất hiện ở biệt thự hoặc công thự Pháp.

ThS.KTS Đặng Việt Long
Bộ môn Kiến trúc dân dụng – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)

 
Tài liệu tham khảo

Đào Duy Anh (1964), – “Đất nước Việt Nam qua các đời, – “NXB Khoa học.
Andre Masson (1929), – “Hanoi pendant le Période Héroique” (1873 – 1888), Oriental Library Paul Gautner, Paris
Trần Huy Liệu (2000), – “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” – NXB Hà Nội, Hà Nội
(https://vienkientruc.vn/su-chuyen-hoa-khong-gian-do-thi-va-kien-truc-phap-thuoc-tai-ha-noi/) ; ThS.KTS Nguyễn Kim Anh; Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam (Bài viết đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị – Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, số 44/2022)
Nguyễn Quang Minh (2018) – “Nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ”, Phần 3: Giải pháp bảo tồn những ngôi nhà có giá trị cao nhất”.
Chee Siang Tan & Kaori Fujita (2014) Building Construction of Pre-war Shophouses in George Town Observed Through a Renovation Case Study, Journal of Asian Architecture and Building Engineering
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và UBND TP Hà Nội (2007) – “Chương trình Phát triển Đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP), Báo cáo cuối cùng, Hà Nội


Phố Vật Liệu Xây Dựng - Phố Cát Linh 


Nguồn - 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác