Giá trị kiến trúc của nhà phố Pháp trong khu phố Pháp tại Hà Nội

Thứ 6, 08/12/2023, 15:14 (GMT+7)

Chia sẻ

Tóm tắt: Hà Nội trong thời kỳ là thuộc địa Pháp đã được quy hoạch và xây dựng một cách bài bản. Các công trình kiến trúc Pháp đã được xây dựng với số lượng lớn và đa dạng về phong cách, hình thành nên một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau năm 1954, trải qua nhiều biến động lịch sử và xã hội, quỹ di sản kiến trúc đó đã bị hao hụt một phần. Đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây, dưới áp lực của quá trình đô thị hóa không được kiểm soát tốt cùng với tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, tốc độ biến mất hoặc hư hại, xuống cấp của các công trình kiến trúc Pháp trở nên nhanh hơn. Sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là một bài toán khó trong trường hợp một đô thị lịch sử như Hà Nội. Trong số các di sản kiến trúc mà người Pháp để lại có nhà phố Pháp. Những căn nhà loại này có những giá trị rất riêng, song vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức, do đó cần được nhìn nhận một cách toàn diện để có các phương pháp bảo tồn phù hợp.

1. Kiến trúc Pháp ở Hà Nội

Năm 1885, sau khi chiếm được thành Hà Nội lần thứ hai, người Pháp đã hoàn tất quá trình thực dân hóa Việt Nam, tiến hành quy hoạch và xây dựng mở rộng một số đô thị, trong đó Hà Nội với vị trí quan trọng và vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của cả xứ Đông Dương đã được người Pháp ưu tiên hàng đầu. Trong vòng 60 năm, từ 1885 đến 1945, hai khu phố Pháp đã được hình thành bên cạnh khu phố Cổ và dần dần hoàn thiện về không gian đô thị, kiến trúc cũng như cơ sở hạ tầng: Khu thứ nhất ở phía Tây (trong và xung quanh Thành Hà Nội, tương đương với địa bàn quận Ba Đình hiện nay) và khu thứ hai ở phía Nam (hơn 2/3 diện tích quận Hoàn Kiếm và một phần quận Hai Bà Trưng hiện nay).

Thời kỳ hình thành và phát triển của hai khu phố Pháp tại Hà Nội có thể được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (1885 – 1888): giai đoạn đầu tiên với hình thành khu Nhượng Địa ven sông Hồng và khu phố Pháp quanh hồ Hoàn Kiếm, tiếp giáp với khu phố Cổ Hà Nội. Tổng số có 50 tuyến phố được quy hoạch [1], [2], [3].

Giai đoạn 2 (1889 – 1920): Đây là thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ của khu phố Pháp tại Hà Nội, với tổng số 130 tuyến phố được quy hoạch, trong đó có nhiều trục đường quan trọng. Khu phố Pháp đã hình thành trong giai đoạn 1 về cơ bản hoàn chỉnh cấu trúc trong giai đoạn 2 [1], [2], [3].

Giai đoạn 3 (1921 – 1945): Những năm đầu tốc độ xây dựng có hơi chậm. Nước Pháp tập trung khắc phục thiệt hại ở chính quốc sau Thế Chiến Thứ Nhất (1914 – 1918) nên chương trình đầu tư ở các thuộc địa bị cắt giảm. Sau năm 1925, ở Hà Nội, quá trình hình thành các khu phố mới trở nên nhanh hơn. Ranh giới của khu phố Pháp được mở rộng chủ yếu về phía Nam, xuống đến khu vực Bạch Mai – Chợ Mơ – Đại La. Tổng số có 60 tuyến phố được quy hoạch. Cho đến năm 1940, cả hai khu phố Pháp đã được định hình một cách rõ nét, các cơ sở hạ tầng khá đồng bộ với quy mô và chất lượng không gian đô thị [1], [2], [3]. Trong 5 năm cuối cùng (1940 – 1945), vì lý do chiến tranh, việc xây dựng mở rộng khu phố Pháp gần như bị ngừng trệ.

Hình 1 : Ranh giới khu phố Pháp ở Hà nội thời điểm năm 1943 (nguồn Ashui)

Hình 1 : Ranh giới khu phố Pháp ở Hà nội thời điểm năm 1943 (nguồn Ashui)

Hà Nội được quy hoạch lần đầu vào năm 1900 (bởi KTS. Henri Vildieu), sau đó được điều chỉnh 3 lần vào năm 1924 (bởi KTS. Ernest Hébrard), năm 1934 (bởi KTS. Louis-Georges Pineau) và lần sau cùng vào năm 1943 (bởi KTS. Henri Cerutti) [4]. Căn cứ theo bản đồ quy hoạch sau cùng (năm 1943) của người Pháp, khu phố Pháp phía Tây có diện tích 300 ha và khu phố Pháp phía Nam có diện tích 450 ha.

Có 3 loại công trình kiến trúc Pháp:

+ Công thự Pháp: Là các trụ sở hành chính và công trình văn hóa, công cộng có diện tích khuôn viên rộng, quy mô xây dựng lớn, kiểu dáng kiến trúc mang tính mỹ thuật cao, phục vụ cho quan lại và công chức người Pháp cùng gia đình.

+ Biệt thự Pháp: Là các công trình nhà ở có khuôn viên tương đối rộng, kiểu dáng kiến trúc đẹp dành cho quan lại và công chức người Pháp cùng gia đình của họ. Một số biệt thự kiểu Pháp xây dựng sau này là nhà ở của công chức người Việt công tác trong bộ máy chính quyền của người Pháp, với quy mô nhỏ hơn và kiểu dáng kiến trúc đơn giản hơn.

+ Nhà phố Pháp: Là các nhà ở kết hợp với kinh doanh chủ yếu cho tầng lớp tư sản thành thị mới phất lên và thị dân, được xây dựng thành từng dãy dài dọc theo một số tuyến phố trong hai khu phố Pháp, mặt đứng kiến trúc được chú trọng. Đây chính là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của bài báo.

Như vậy, nhà phố Pháp là một thực thể hữu cơ của các khu phố Pháp tại Hà Nội. Chúng mang những đặc điểm và giá trị rất riêng và góp phần tạo nên bản sắc kiến trúc của khu phố Pháp nói riêng và của Hà Nội nói chung.

2. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu, mục tiêu và phương pháp nghiên cứu

Nhà phố Pháp là loại hình kiến trúc thứ ba trong các khu phố Pháp tại Hà Nội và xuất hiện muộn hơn so với công thự và biệt thự Pháp. Theo quan sát thực tế, những ngôi nhà phố Pháp đầu tiên (còn lưu giữ được cho đến ngày nay) xuất hiện vào khoảng thời gian 1920 – 1922, tức là những năm đầu tiên trong giai đoạn phát triển thứ ba của khu phố Pháp tại Hà Nội. Năm 1919, ngay sau khi Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc tại Châu Âu, để khôi phục nền kinh tế bị tàn phá tại chính quốc, nước Pháp bắt đầu công cuộc khai thác lần thứ hai trên quy mô lớn các thuộc địa, trong đó có xứ Đông Dương. Lúc này tại Hà Nội đã hình thành một tầng lớp xã hội mới là tư sản người Việt. Tích lũy đủ tiềm lực về tài chính và tận dụng thời cơ thuận lợi cho kinh doanh, họ đã khai trương các cửa hiệu mới trong khu phố Tây [5]. Nhu cầu ở và kinh doanh của tầng lớp tư sản bản địa và một bộ phận thị dân cũng như quan điểm thẩm mỹ mới đòi hỏi phái có một mô hình nhà phố khác so với kiểu truyền thống trong khu phố Cổ. Nhanh nhạy nắm bắt được vấn đề này, các nhà thầu xây dựng Pháp đã được cấp phép xây dựng hàng loạt nhà phố Pháp trên các tuyến phố thương mại như phố Duvilier (phố Nguyễn Thái Học ngày nay), phố Đỗ Hữu Vị (phố Cửa Bắc), phố Antoine Bonnet (phố Châu Long), phố Orleans (phố Phùng Hưng), phố Paul Bert (phố Tràng Tiền), phố Borgnis Desborder (phố Tràng Thi), phố Raynet (phố Cửa Nam), rue de Hue (phố Huế), phố Đồng Khánh (phố Hàng Bài), phố Gia Long (phố Bà Triệu), phố Khâm Thiên, phố Bạch Mai, …

Hình 2a: Phố Huế (Rue de Hue) năm 1940 với dãy nhà phố Pháp được xây dựng trong những năm 1920. (Tác giả: Harrison Forman)

Hình 2a: Phố Huế (Rue de Hue) năm 1940 với dãy nhà phố Pháp được xây dựng trong những năm 1920. (Tác giả: Harrison Forman)

Hình 2b: Phố Tràng Tiền (phố Paul Bert) những năm 1930 với hai dãy nhà phố có mái hiên rộng cho người đi bộ. (Tác giả: Harrison Forman)

Hình 2b: Phố Tràng Tiền (phố Paul Bert) những năm 1930 với hai dãy nhà phố có mái hiên rộng cho người đi bộ. (Tác giả: Harrison Forman)

Nhiều nhà phố Pháp đã bị phá hủy cuối năm 1946 theo lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính phủ Việt Nam và bị hư hại nặng trong các trận giao tranh ác liệt đầu năm 1947 giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1972, khi không lực Hoa Kỳ ném bom Hà Nội, khu phố Pháp cũng chịu một số thiệt hại về nhà cửa.

Hình 3a: Nhiều nhà phố Pháp trên phố Huế bị hư hại sau các trận giao tranh ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp đầu năm 1947. (Nguồn: http://www.lichsuvn.net)

Hình 3a: Nhiều nhà phố Pháp trên phố Huế bị hư hại sau các trận giao tranh ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp đầu năm 1947. (Nguồn: http://www.lichsuvn.net)

Hình 3b: Nhiều nhà phố Pháp ở phố Khâm Thiên bị phá hủy sau trận ném bom B.52 tháng 12/1972. (Nguồn: http://www.baomoi.com)

Hình 3b: Nhiều nhà phố Pháp ở phố Khâm Thiên bị phá hủy sau trận ném bom B.52 tháng 12/1972. (Nguồn: http://www.baomoi.com)

Sau năm 1990, trong nền kinh tế thị trường, khi quá trình đô thị hóa vừa nhanh lại vừa mạnh, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở trong các khu phố Cổ, khu phố Pháp ở Hà Nội không được quản lý tốt. Nhiều nhà phố Pháp đã biến mất, thay vào đó là nhà phố mới có kiến trúc hiện đại, làm cảnh quan đô thị trở nên lộn xộn, mất đi vẻ đẹp tổng thể. Một số nhà phố Pháp khác được cải tạo song không đúng với nguyên bản. Số nhà còn lại, hoặc bị cơi nới do nhu cầu chỗ ở tăng lên, hoặc may mắn hơn nếu còn tương đối nguyên vẹn cũng đã xuống cấp do không được bảo dưỡng thường xuyên sau một thời gian dài sử dụng. Thực tế này đã khiến quỹ di sản kiến trúc Pháp nói chung và nhà phố Pháp tại Hà Nội nói riêng không chỉ giảm sút nhanh về số lượng mà còn cả về giá trị.

Hình 4a Sự biến dạng của nhà liền kề mặt phố theo phong cách kiến trúc Pháp trên phố Triệu Việt Vương (Nguồn: tác giả)

Hình 4a Sự biến dạng của nhà liền kề mặt phố theo phong cách kiến trúc Pháp trên phố Triệu Việt Vương (Nguồn: tác giả)

Hình 4b: Sự biến dạng của nhà liền kề mặt phố theo phong cách kiến trúc Pháp trên phố Nguyễn Thái Học (Nguồn: tác giả)

Hình 4b: Sự biến dạng của nhà liền kề mặt phố theo phong cách kiến trúc Pháp trên phố Nguyễn Thái Học (Nguồn: tác giả)

Khác với công thự và biệt thự Pháp, nhà phố Pháp tại Hà Nội cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được khảo sát đầy đủ hoặc nghiên cứu sâu ở mức độ cần thiết. Trong thực tế chúng vẫn chưa được đánh giá xếp loại giống các công thự và biệt thự Pháp, do vậy chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để được coi là di sản và đưa vào danh mục các công trình cần bảo tồn. Có thể nói rằng nhà phố Pháp ở Thủ đô là một di sản kiến trúc đang bị “bỏ quên”. Toàn bộ các nhà phố Pháp còn lại đã có thời gian sử dụng trên 70 năm, song vẫn đáp ứng được khá tốt nhu cầu ở kết hợp với các hoạt động buôn bán, kinh doanh hay cho thuê của người dân, và là một loại hình nhà ở được ưa chuộng. Trong bối cảnh quỹ di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội đang ngày một thu hẹp, việc khảo sát và nghiên cứu những ngôi nhà phố Pháp có giá trị này thực sự cần thiết và cấp bách, để có thể bảo tồn chúng một cách phù hợp và kịp thời.

Mục tiêu chính của những nghiên cứu cần tiến hành này là:

Nhìn nhận lại và khẳng định giá trị của nhà phố Pháp tại Hà Nội như một thực thể không thể tách rời của kiến trúc đô thị.

Nêu bật tính cấp thiết của công việc bảo tồn các nhà phố Pháp có giá trị, qua đó góp phần gìn giữ các giá trị phi vật thể gắn bó với loại hình kiến trúc này như lối sống của một gia đình Hà Nội gốc đã có 3 – 4 thế hệ sinh cơ lập nghiệp trong khu phố Pháp hay văn hóa kinh doanh của thị dân Hà Nội thời Pháp thuộc trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay. Đó như là một bảo tàng sống, lưu giữ những hình ảnh quen thuộc của một Hà Nội văn hiến và thanh lịch, để những người yêu mến lịch sử và văn hóa Hà Nội có thể thăm quan, tìm hiểu và nghiên cứu.

Hai phương pháp nghiên cứu cơ bản được sử dụng trong bài viết là:

Khảo sát thực địa: Các ghi chép, đo vẽ và ảnh chụp tư liệu của tác giả trong quá trình tham gia hai dự án bảo tồn kiến trúc Pháp tại Hà Nội, thực hiện cùng với Viện Quy hoạch và Kiến trúc (UAI) thuộc Đại học Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc trước đây (2010 – 2012) và một nghiên cứu mang tính cá nhân chưa công bố từ 2014 trở lại đây.

Phân tích – tổng hợp: Dựa trên các kết quả khảo sát thống kê và phân loại các mô hình nhà phố Pháp, góp phần làm rõ nét giá trị của đối tượng nghiên cứu.

3. Giá trị kiến trúc của nhà phố Pháp

Giá trị kiến trúc của nhà phố Pháp được thể hiện trên hai cấp độ:

Cấp độ quy hoạch: Tính liên tục của nhiều căn nhà giống nhau hoặc tương tự nhau về hình thức kiến trúc trên các tuyến phố thương mại tự bản thân đã tạo nên giá trị về quy hoạch và cảnh quan đô thị, hoặc là tính trật tự và thống nhất (khi các mặt đứng nhà giống nhau) hoặc tính đa dạng và sinh động (nếu có sự khác biệt về hình thức mặt đứng). Trong cả hai trường hợp, người Pháp đều đã nghiên cứu kỹ để đạt được tính thẩm mỹ và tính hài hòa. Tại vị trí các nút giao của hai tuyến phố Pháp, các căn nhà phố Pháp ở góc đường được chú trọng xử lý về hình khối và mặt đứng, tạo các diện vát góc, cũng như chi tiết trang trí để hình thành một không gian dạng quảng trường nhỏ, với những điểm nhấn thú vị, thu hút sự chú ý của người quan sát.

Cấp độ công trình: Nhà phố Pháp có nhiều nét tương đồng với nhà hàng phố truyền thống (nhà ống) của người Việt đã hiện diện từ trước ở khu phố Cổ Hà Nội. Đặc điểm chính về kiến trúc của nhà phố Pháp có thể được tóm tắt như sau:

+ Kết cấu: Nhà kiểu tường gạch chịu lực, được xây dựng khá kiên cố. Sàn gạch dưới tầng 1, sàn tầng 2 bằng bê tông cốt thép hoặc đôi khi bằng gỗ.

+ Chiều cao: 2 tầng, hầu hết là 3,5 – 4 m/tầng, tùy thuộc vào chiều rộng nhà. Cầu thang hoàn toàn bằng gỗ hoặc cấu tạo bản bê tông có bậc xây gạch.

+ Mái nhà: Mái ngói dốc hai phía – phía trước và phía sau. Mái bằng rất ít gặp.

+ Kích thước nhà: Phổ biến chiều ngang 4 – 5 m, chiều dài 15 – 20 m.

+ Hình khối: Tương đối đơn giản, vuông vức, không phong phú như biệt thự.

+ Cấu trúc: Nhà chính gồm 2 khối, có cầu thang ở giữa rẽ sang hai bên. Phía trong có một sân nhỏ ngăn cách nhà chính với nhà phụ (1 tầng) phía sau.

                + Chức năng: Kinh doanh (tầng 1 gian phía trước) và ở (tầng 1 gian phía sau và toàn bộ tầng 2)

Hình 5: Phân tích sơ đồ mặt bằng nhà phố Pháp điển hình tại Hà Nội. (Nguồn: Tác giả)

Hình 5: Phân tích sơ đồ mặt bằng nhà phố Pháp điển hình tại Hà Nội. (Nguồn: Tác giả)

 

+ Số hộ gia đình: Ban đầu chỉ có 1 hoặc 2 hộ sống trong 1 nhà. Khi chỉ có 1 hộ thì việc sử dụng không gian rất đơn giản. Còn trong trường hợp 2 hộ khác nhau không phải họ hàng cùng sinh sống, có 2 khả năng: hộ A sống cả 2 tầng phía trước và hộ B sống cả 2 tầng phía sau (phân theo khối, chung cầu thang), hoặc hộ A sử dụng toàn bộ tầng dưới và hộ B sử dụng toàn bộ tầng trên (phân theo tầng, cầu thang chủ yếu hộ B sử dụng). Khi đó, nếu không có ngõ nhỏ bên cạnh như nhà ở đầu hoặc cuối dãy, thì sẽ phải ngăn một phần gian tầng 1 phía trước để tạo một lối đi riêng rộng khoảng 1 m cho hộ gia đình sống bên trong hoặc sống trên tầng 2. Khi gia đình phát triển, số lượng nhân khẩu tăng lên, con cái sau khi lập gia đình vẫn sống chung trong nhà buộc phải ngăn chia, hoặc sang nhượng nhiều lần, có thêm người mới đến ở, các vấn đề phức tạp mới nảy sinh [6].

+ Phong cách kiến trúc: Nhà phố Pháp có hai phong cách chủ đạo là kiến trúc tân cổ điển Pháp thịnh hành trong giai đoạn đầu tiên (1920 – 1930) và kiến trúc hiện đại (Art Deco, Art Nouveau) xuất hiện và phổ biến trong thời kỳ sau (1930 – 1945).

+ Hình thức kiến trúc: khá đa dạng và có nhiều cách phân loại.

Đối xứng hoàn toàn (1 hộ sinh sống, hoặc 2 hộ nhưng nhà ở đầu/cuối dãy có ngõ đi bên cạnh) hoặc bất đối xứng giữa tầng 1 với tầng 2 (khi có lối đi riêng ở tầng 1). Thông thường cửa đi ở chính giữa, hai cửa sổ cân xứng hai bên. Cửa đi hai cánh, ván gỗ đặc toàn bộ hoặc 1/3 bên dưới, 2/3 bên trên lắp kính vân mờ có hoa sắt được chế tạo khá đẹp mắt bảo vệ bên ngoài. Cửa sổ phổ biến là cấu trúc cửa hai lớp, trong kính ngoài chớp, chấn song sắt (hoặc gỗ) ở giữa.

Có hoặc không có ban công. Ban công nếu có thì khá nhỏ, ở chính giữa, ít khi xây đặc mà làm lan can thoáng bằng hoa sắt hoặc nan bê tông. Ban công chạy dài suốt bề ngang nhà cũng có, nhưng ít gặp. Một số nhà xây hiên trên tầng 2 lùi vào khoảng 1,5 m, thay vì xây ban công đua ra.

Có hoặc không có tường chắn ở mặt tiền phía trên mái, tùy từng nhà.

Cột hoặc trụ xây nổi tạo phân vị dọc cho mặt đứng nhà, chia mặt đứng nhà thành ba khoảng cân đối, khoảng ở chính giữa thông thường rộng hơn hai khoảng hai bên, hoặc trụ để chìm tường trên mặt đứng, tùy từng trường hợp.

Chi tiết trang trí: Đơn giản chỉ là gờ chỉ phẳng một vạch lớn hay nhiều vạch nhỏ lồng nhau kiểu đường diềm… tạo phân vị ngang cho mặt đứng nhà, hoặc cầu kỳ hơn với các chi tiết vữa đắp nổi theo họa tiết hoa lá viền huy hiệu hay phào cong cánh cung có các khối vữa nhỏ đắp dạng tay cuốn cách đều bên trong theo phong cách cổ điển Pháp. Trên mặt đứng một số nhà phố Pháp có sự kết hợp giữa chi tiết hoa văn của Việt Nam (các hình đắp nổi kiểu cuộn giấy hay lụa trông giống chiếu chỉ như thường gặp trong đình chùa hoặc văn bia cổ) với các trang trí viền hay diềm kiểu Pháp như đã mô tả ở trên. Có những trường hợp đặc biệt như dãy nhà phố Pháp trước Nhà Thờ Lớn Hà Nội với các phào trang trí trên cửa sổ và cửa đi kiểu tôn giáo, với nhịp ba hình cánh cung nhọn mô phỏng vòm nhà thờ, vì chủ nhân của ngôi nhà trước kia là các giáo dân.

Chữ đắp: Một số nhà có đắp chữ Hán trên mặt đứng, chứng tỏ chủ nhân đầu tiên của những căn nhà này trước đây là Hoa kiều. Nếu là cửa hiệu của người Việt kinh doanh thuộc dạng phát đạt, có tiếng tăm, chủ nhân có thể cho đúc chữ rồi gắn trên đỉnh tường mái, có thể thấy ở một số nhà phố Pháp trên phố Huế, phố Cửa Nam, … [6].

+ Màu sắc: Khá hài hòa. Các gam màu chủ yếu được sử dụng để sơn bề mặt là vàng nhạt, vàng nghệ, hồng nhạt, xanh xám, trắng ngà. Các chi tiết trang trí như gờ phào, hoa văn, … được đắp vữa nổi và sơn trắng trên nền màu sẫm hơn cho nổi bật [6].

+ Giá trị riêng: Một số nhà liền kề mặt phố kiến trúc Pháp có ghi năm hoàn thành trên tường chắn mái phía trước, ở chính giữa, bằng vữa đắp nổi, thông thường có khung viền xung quanh hình chữ nhật, hình tròn, hoặc một hình đa giác cân. Chi tiết này hầu như không thấy có ở biệt thự Pháp. Đây có thể coi như một chi tiết “đắt giá” của nhà phố Pháp và là một “trang hồ sơ mở” về căn nhà [6].

Tóm lại, giá trị nổi bật về kiến trúc của nhà phố Pháp là sự hài hòa về tỷ lệ phân vị và sự tinh tế của các chi tiết trang trí trên mặt đứng, mà đặc biệt nhất trong một số trường hợp là mốc thời gian hoàn thành được đắp nổi ở giữa tường chắn mái. Ngoài ra, tính liên kết các ngôi nhà tạo thành dãy liên tục và sự đa dạng hoặc thống nhất về phong cách giữa các ngôi nhà trong cùng một dãy cũng là hai giá trị nổi bật của nhà phố Pháp.

Hình 6: Phân tích hình thức mặt đứng nhà phố Pháp điển hình tại Hà Nội. (Nguồn: Tác giả)

Hình 6: Phân tích hình thức mặt đứng nhà phố Pháp điển hình tại Hà Nội. (Nguồn: Tác giả)

Nhà số 2 phố Nhà Chung

Nhà số 2 phố Nhà Chung

Nhà số 16 – 18 phố Nhà Thờ

Nhà số 16 – 18 phố Nhà Thờ

Nhà số 200 phố Bạch Mai

Nhà số 200 phố Bạch Mai

Chi tiết nhà số 7 phố Phan Huy Ích năm xây dựng: 1923

Chi tiết nhà số 7 phố Phan Huy Ích năm xây dựng: 1923

Chi tiết nhà số 148 phố Nguyễn Thái Học năm xây dựng: 1924

Chi tiết nhà số 148 phố Nguyễn Thái Học năm xây dựng: 1924

Chi tiết nhà số 294 phố Huế năm xây dựng: 1926

Chi tiết nhà số 294 phố Huế năm xây dựng: 1926

Chi tiết nhà số 178 phố Bạch Mai năm xây dựng: 1928

Chi tiết nhà số 178 phố Bạch Mai năm xây dựng: 1928

4. Kết luận

Nhà phố Pháp góp phần tạo nên bộ mặt khu phố Pháp ở Hà Nội, gắn liền với lịch sử phát triển, cảnh quan và kiến trúc đô thị của Hà Nội trong vòng 100 năm qua. Nhiều nhà trong số đó thực sự có giá trị, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn ở khía cạnh văn hóa, vì vậy rất cần được bảo tồn trong thời gian sớm nhất có thể để tránh nguy cơ biến dạng hoặc biến mất hoàn toàn. Để việc bảo tồn những ngôi nhà này thực sự có hiệu quả và bền vững, cần gắn liền công tác bảo tồn với sự phát triển tự nhiên, tất yếu của kiến trúc và thích ứng với mức sống cũng như điều kiện kinh tế của một khu phố cũ trong lòng một xã hội hiện đại.

—————-

Tác giả: TS. KTS. Nguyễn Quang Minh – giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng.
Bài viết đăng tại Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng số 26/11-2015


Tài liệu tham khảo

[1] 
Pierre Clément, Nathalie Lancret: Hà Nội – Chu kỳ của những đổi thay, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, 2005
[2]
Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Thanh Mai, Hồ Nam: Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, Nhà xuất bản Xây dựng, 2012
[3]
Nguyễn Thị Việt Thanh, Phùng Thị Thanh Lâm: Địa danh đường phố Hà Nội giai đoạn Pháp thuộc, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn số 2, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013
[4]
Trần Quốc Bảo: Hình thái kiến trúc khu phố Pháp ở Hà Nội và phương pháp bảo tồn, Mạng Ashui, 2012(http://ashui.com/mag/chuyenmuc/kien-truc/6511-hinh-thai-kien-truc-khu-pho-phap-o-ha-noi-va-phuong-phap-bao-ton.html)
Trần Quốc Bảo: Quá trình biến đổi hình thái đô thị khu phố Pháp ở Hà Nội, Mạng Ashui, 2012(http://ashui.com/mag/chuyenmuc/quy-hoach-do-thi/6633-qua-trinh-bien-doi-hinh-thai-do-thi-khu-pho-phap-o-ha-noi.html)
[5]
Phạm Cao Nguyên, Lê Văn Lân, Đào Quốc Hùng, Tôn Đại, Trần Hùng: Kiến trúc và người Hà Nội, Nhà xuất bản Xây dựng, 2003
[6]
Nguyễn Quang Minh: Kết quả khảo sát và nghiên cứu cá nhân, 2011 – 2012 và 2014 – 2015

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác