Như chúng ta đã biết, tuồng chèo là những môn nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời của người Việt song sân khấu chỉ được lập vào những dịp hội hè đình đám mà thôi. Và sân đình của các làng trong khu “36 phố phường” của Thăng Long – Hà Nội xưa chính là nơi diễn ra các sinh hoạt nghệ thuật truyền thống.
Rồi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp và được quy hoạch và phát triển theo mô hình phương Tây. Đối với đời sống nghệ thuật, một trong những thay đổi lớn nhất là sự ra đời của rạp hát theo kiểu phương Tây, nghĩa là có sàn diễn. Nhà hát đầu tiên được xây dựng ở phố Hàng Cót (nay là Trường Tiểu học Thanh Quan) năm 1887, chuyên dành cho các gánh tuồng từ Trung Hoa và các nhóm nhạc từ Pháp sang biểu diễn[1]. Sự ra đời của rạp hát cũng làm thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của người dân Hà Nội.
Rạp hát Sán Nhiên Đài (sau đổi tên thành rạp Lạc Việt) – một trong những rạp hát lớn nhất ở Hà Nội thế kỷ XX.
Đầu thế kỉ XX, một số người có óc kinh doanh và yêu nghệ thuật sân khấu cổ truyền đã đứng ra xây dựng nhà hát, lập gánh hát, thuê đào kép và biểu diễn liên tục. Ở phố Hàng Bạc có rạp Thăng Long (tiền thân của rạp Chuông Vàng), ở ngõ Hàng Buồm (nay là phố Tạ Hiện) có rạp Quảng Lạc, ở phố Đào Duy Từ có rạp Sán Nhiên Đài với chỗ ngồi xây hai tầng, có mấy cột trụ như cửa đình. Tuồng chèo cổ được ưa chuộng suốt hai mươi năm đầu của thế kỉ XX.
Ảnh rạp Sán Nhiên Đài (sau đổi tên thành rạp Lạc Việt).
Sang những năm 30 của thế kỉ XX, khán giả Hà Nội chuyển sang thích cải lương Nam Kì, thì các rạp cũng thay đổi cho phù hợp với thời thượng. Sán Nhiên Đài chuyển sang diễn chèo cải lương. Tuy nhiên, khán giả lại thích các gánh cải lương từ Nam Kì ra diễn, nên Sán Nhiên Đài chủ yếu cho thuê rạp. Sau năm 1950, rạp Sán Nhiên Đài được đổi tên thành rạp Lạc Việt.
Đơn xin diễn tại rạp Sán Nhiên Đài của chủ gánh hát “An Lạc Ban” gửi Đốc lý Hà Nội ngày 28/01/1932[2].
Đơn xin diễn tại rạp Sán Nhiên Đài của chủ gánh hát “Hồng Nhật Ban” gửi Đốc lý Hà Nội ngày 30/6/1933[3].
Quảng cáo của Gánh hát Hồng Nhật về chương trình diễn tại rạp Sán Nhiên Đài[4].
Quảng cáo về vở diễn Tam đại dở hơi – đại hài kịch chèo bất hủ của Nguyễn Đình Nghị, tại Rạp Lạc Việt năm 1954[5].
Rạp Sán Nhiên Đài (Lạc Việt), từng hai lần bị hỏa hoạn. Trong những năm 1960, rạp gần như không còn hoạt động và dần trở thành nhà của 33 hộ gia đình. Vụ cháy lớn mùa hè năm 1983 đã làm cho rạp bị hủy hoại gần như hoàn toàn[6].
Tách biệt với khung cảnh tấp nập ngược xuôi của khu phố cổ Hà Nội - khu phố mà từ xa xưa đã được gọi là “khu phố đông đúc”, “khu phố buôn bán”, Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội với không gian yên tĩnh cho ta cảm nhận được sự pha trộn của thời gian, sự hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại. Trung tâm không chỉ là nơi bảo tồn di sản văn hóa mà còn là địa điểm giao lưu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của phố cổ đến với người yêu Hà Nội, khơi gợi những nét đẹp của một Hà Nội xưa. Mặc dù là một điểm đến hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách trong ngoài nước nhưng không phải ai cũng biết công trình này được xây dựng trên nền cũ của rạp hát Sán Nhiên Đài (sau đổi tên thành rạp Lạc Việt) - một trong những rạp hát lớn nhất ở Hà Nội thế kỷ XX. Từ ngày 02/02/2015, nơi đây là Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội – nơi giao lưu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của khu phố cổ của thủ đô. |
Ghi chú:
[1] https://toquoc.vn/rap-hat-ha-noi-99208595.htm;
[2] TTLTQGI/MHN/2958;
[3] TTLTQGI/MHN/2975;
[4] Nt;
[5] TTLTQGI/TTTTBV/461;
[6] Theo thông tin trên báo điện tử quân đội nhân dân (https://hanoi.qdnd.vn/tin-tuc/gach-noi-cua-kien-truc-qua-khu-voi-duong-dai-472603). Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trong cuốn “Đi ngang Hà Nội” lại cho rằng rạp bị cháy trụi vào năm 1989.
Nguồn - Minh Phúc
Bình luận của bạn