Thăng Long Ngũ Trấn

Thứ 4, 07/05/2025, 16:58 (GMT+7)

Chia sẻ

Thăng Long Tứ Trấn 

Ai cũng biết thành Thăng Long xưa có tứ trấn, tức 4 ngôi đền thờ 4 vị thần hộ vệ kinh thành ở 4 mặt.

Bắc trấn là đền thờ Trấn Thiên Chân Vũ đại đế, thường gọi là đền Huyền thiên Trấn Vũ hay Quán Thánh (“quán” là nơi thờ cúng của đạo Giáo); dân gian gọi trẹo thành Quan Thánh, tọa lạc trên bờ phía nam của hồ Tây; ở ngã tư đường Quán Thánh và đường Thanh Niên; tương truyền đây là vị thần từng giúp An Dương vương trừ Kê tinh thường hiện ra phá phách việc xây thành Cổ Loa; sau khi lập đô Thăng Long vua Lý Thái Tổ rước về thờ ở phía bắc kinh thành.

Nam trấn là đình Kim Liên ngày nay, ở phường Phương Liên quận Đống Đa; vốn là đền Cao Sơn đại vương, tương truyền là con trai Lạc Long quân và Âu Cơ, do vua Lê Tương Dực (1509 - 1516) cho dựng và sai Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Tung soạn văn bia ghi công thần Cao Sơn, bộ tướngcủa Tản Viên Sơn thánh, đã phù giúp dẹp nội loạn.

Đông trấn là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, thờ Long Đỗ, vị thần từng hiện thành con ngựa trắng chạy khoanh vùng để vua Lý Thái Tổ theo dấu chân mà xây thành Thăng Long, nên được vua sắc phong kiêm luôn Thành hoàng của thành Thăng Long – Long Đỗ thần quân Bạch Mã đại vương.

Tây trấn dân gian quen gọi là đền Voi Phục (có đôi voi đá lớn phủ phục hai bên cổng), nay tọa lạc trong công viên Thủ Lệ, thờ Linh Lang đại vương, tương truyền là một vị thiên sứ đầu thai làm hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, sau khi lập công lớn phá tan quân nhà Tống thì “hóa”, nhà vua sắc phong và lập đền thờ từ năm 1065.

Thăng Long Ngũ Trấn 

Khu vực Bút Tháp, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc, Đình Trấn Ba, Ngọc Sơn giai đoạn khoảng 1800-1900

Năm 1884

Đình Trấn Ba với tấm bia đá cao hơn đầu người, do PB Nguyễn Văn Siêu lập năm 1865
(Ảnh chụp năm 1896)

Ảnh hiếm về khu vực đền Ngọc Sơn năm 1895
Phục chế màu: Tiệm ảnh ký ức

Thực ra, không có thư tịch địa chí nào có các chữ “Thăng Long ngũ trấn”. Đó là danh xưng do anh bạn Chu Chí Thành, nguyên Chủ tich Hội nhiếp ảnh Việt Nam, đặt ra. Một lần ngồi nhâm nhi cà phê trên gác 2 một tiệm ở Tràng Tiền cùng anh và người học trò tiếng Nga của tôi nửa thế kỷ trước, cố NSNA Trần Định, nghe tôi giải thích vai trò trấn giữ văn hóa của đền Ngọc Sơn hồi cuối thế kỷ XIX – đầu TK XX, anh Thành đề xuất: Thế thì phải nói “Thăng Long ngũ trấn” chứ không chỉ tứ trấn, mà cái trấn thứ năm – trấn văn hoá lệch lạc, sai lầm!, vô cùng quan trọng, nằm ở trung tâm cố đô Thăng Long, lâu nay vai trò trấn thủ của nó bị bỏ quên nên bây giờ mới loạn “văn hóa”!.

Cái “trấn” thứ năm này - trấn giữ văn hóa, người lập ra là danh sĩ Nguyễn Văn Siêu, người kế tiếp tiến sĩ Vũ Tông Phan tạ thế năm1851 làm hội trưởng Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn từ năm 1854.

Phan và Siêu là đôi bạn bút nghiên từ thuở thiếu thời, cùng ngụ cư ven sông Tô, cùng thụ giáo cậu ruột của Phan là tiến sĩ triều Lê Lập Trai Phạm Quý Thích mà hai ông vua nghiên khắc Gia Long và Minh Mạng rất nể trọng, cùng đi thi hương khoa Ất Dậu (1825) và cùng đỗ cử nhân. Phan ngay năm sau vào Huế thi hội, đỗ tiến sĩ và ra làm quan, Siêu dù đỗ á khoa thi hương, 10 năm đóng cửa ở nhà đọc sách, 3 lần từ chối nhập Kinh nhận chức. Vũ Tông Phan, mới 7 năm lặn lội quan trường đã ngộ ra “Học cổ nhập quan kim vị hợp” (học cổ làm quan nay chẳng hợp – thơ Vũ Tông Phan), hè năm 1833 kiên quyết từ chức Đốc học Bắc Ninh, trở về khu đất được ban ven bờ tây Hồ Gươm. Nơi đây, đã mươi năm có trường đại tập (rèn luyện sĩ tử đi thi Hương, thi Hội) của cử nhân Dưỡng Am Phạm Hội (tiên tổ của ông Phạm Quỳnh). Quan Nghè cáo hưu dựng dưới gốc đa cổ thụ gần đền thờ Lê Thái Tổ có từ đời Tây Sơn (theo thơ “Thăng Long hoài cổ” của Vũ Tông Phan) ngôi trường đại tập thứ hai, lấy tên là Hồ đình, chiêu mộ sĩ tử tới rèn tập và khởi xướng chấn hưng văn hoá Thăng Long . Siêu cùng các bạn đồng môn tức khắc hưởng ứng, ngay xuân 1834 nhất loạt mở các tư thục quanh khu vực Hồ Gươm và phố phường lân cận: Cử Siêu dựng Phương đình (ngôi nhà dạy học hình vuông) bên bờ sông Tô trong khu phố cổ (nay là nhà 12 - 14 phố Nguyễn Văn Siêu); đối diện, trong phường Dũng Thọ ở bờ bên kia là học quán của cử nhân Trần Văn Vi; đầu phố Hàng Gai là trường của cử nhân Lê Duy Trung; tại đình Phúc Tô (đồn công an cuối phố Lê Thái Tổ ngày nay) có lớp học của cử nhân Diệp Xuân Huyên; Cao Bá Quát mở trường xa hơn chút - ở Đình Ngang, ngoài Cửa Nam kinh thành xưa, sau chuyển lên phía Cửa Bắc, trong thôn Phúc Lâm ven hồ Trúc Bạch . Trong bài thơ hoạ đáp các bạn cùng chí hướng làm thơ khánh thành Phương đình, Thần Siêu nguyện giữ vững định hướng “phương chính” 方正 do Nghè Phan chủ trương trong công cuộc chấn chỉnh học phong và phong tục để chấn hưng văn hoá Thăng Long:

“Dĩ tri viên thị trí
Nguyện thủ phương vi hình”

(Vẫn biết tròn là khôn ngoan, nhưng xin thề giữ vuông làm khuôn mẫu) .

Ảnh mầu đầu TK 20

Năm1838 Nguyễn Văn Siêu đỗ Phó bảng và lại có trát triệu vào Huế làm quan. Lần này thì ông không từ chối được nữa, dẫu chí hướng của ông không đặt ở chốn quan trường như người đồng môn chí thiết của cả Phan và Siêu, ông Nghè Đông Tác (Kim Liên) viết trong bài thơ tiễn tặng: “Muốn lập thân bằng văn chương / Nhưng Ông Tạo nào cho thoả!”Lặn lội biển hoạn 16 năm trời, 1854 Bản Siêu mói được hưu trí. Ông lập tức được bầu làm Hội trưởng cả Văn hội Thọ Xương lẫn Hướng Thiện hội. 5 năm sau, năm 1859 Nguyễn Văn Siêu bắt đầu đợt trùng tu và tôn tạo đền Ngọc Sơn một cách quy mô nhất kể từ khi Vũ Tông Phan cùng hội Hướng Thiện sáng lập vào năm 1841. Theo bài ký Hồ sơn thắng hội tự của chính Thần Siêu, mồng 4 tháng Giêng năm Tự Đức 16 (tức 1863, chứ không phải 1865 như các sách vẫn viết) ông đưa các quan đầu tỉnh Hà Nội đi duyệt lãm ngôi đền đã được tân tạo, với các kiến trúc mới, là: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba, vật thể hoá một cách trực quan những phương châm trấn hưng văn hoá của Văn hội Thọ Xương và Hướng Thiện hội.

Về ý nghĩa của Tháp Bút, Đài Nghiên và cầu Thê Húc đã nhiều người viết. Thế còn đình Trấn Ba?

Năm 1865 Phó bảng Nguyễn Văn Siêu viết bài văn bia về đợt trùng tu quy mô này – Trùng tu Văn xương miếu bi ký 重 修 文 昌 廟 碑 記 (tiêu đề là do Tuyển tập văn bia Hà Nội - 1978 đặt). Trong bài văn bia Thần Siêu giải thích tên Trấn Ba (chắn sóng) 鎮 波 là: “dĩ ngụ văn lan chỉ trụ” 以 寓 文 澜 砥 柱 . Các dịch giả Tuyển tập văn bia Hà Nội (TTVBHN) từ những năm 70 của thế kỷ trước đã chuyển ngữ: “ngụ ý là cột trụ đứng giữa làn sóng văn hóa” và chú giải thêm: “Chỉ trụ” cũng gọi là “để trụ” là tên hòn núi giữa sông Hoàng Hà, nhô lên như cột trụ giữa dòng nước chảy. Đình Trấn Ba

có nghĩa là: trấn giữ làn sóng (chỉ làn sóng không lành mạnh của nền văn hóa đương thời)
như cột trụ đứng vững giữa dòng nước chảy dữ” .

Tuy nhiên, do sự nghiên cứu về hội Hướng Thiện lúc đó chưa bắt đầu, nên câu “dĩ ngụ văn lan chỉ trụ” dẫu đã được các dịch giả Tuyển tập văn bia Hà Nội chuyển ngữ đúng và có chú giải điển tích “chỉ trụ”, nhưng vẫn không sáng ý: “làn sóng văn hóa không lành mạnh đương thời” là ám chỉ cái gì? Lại thêm, sau khi Nguyễn Văn Siêu mất vào năm 1872, tình hình đất nước đã thay đổi: giặc Pháp đánh chiếm Hà Nội (đơn vị tình báo của chúng đóng ngay trong đền Ngọc Sơn!), rồi toàn cõi Băc Kỳ. Tiếp theo là sự thất bại hoàn toàn của phong trào văn thân kháng Pháp mà nghĩa đoàn Văn hội Thọ Xương và Hướng Thiện hội Ngọc Sơn tham gia rất tích cực. Sĩ phu và Nho giáo thất thế, người rút về ẩn dật (Nào có ra gì cái chữ Nho / Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co”), kẻ phải theo thuyết “tùy thời”, cộng tác với chính quyền Bảo hộ. Sau khi chính quyền thực dân trả lại đền Ngọc Sơn, trong những đợt trùng tu sau này, đã xuất hiện nhiều câu đối thể hiện tâm trạng yếm thế, mơ tiên với Phật, đề xướng tư tưởng tùy thời, mà một số người không thẩm định văn bản, không xác định niên đại và tác giả, gán hết cho Nguyễn Văn Siêu. Kết quả là sự quy kết võ đoán của Từ điển Bách khoa Việt Nam: (T.III, tr.192), xuyên tạc diện mạo một danh sĩ Bắc Hà: “Dần dần, Nguyễn Văn Siêu quay lưng với thực tế, và đi đến triết lý nhàn tản vô vi” (?!).

Bài văn bia đang đề cập ở đây, có trong sách 方亭文類續集của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, với đầu đề 儗文昌廟碑 - Nghĩ Văn Xương miếu bi. Bộ sách này không phải là sưu tập chép tay, thường có thể chép lộn thơ văn của nhiều người, khiến đời sau dễ nhầm lẫn, mà là do Hoàng giáp khoa 1868 Vũ Nhự, học trò của Cụ Phó bảng, biên tập và đưa khắc in năm 1882. Xưa, các bài văn bia, văn tế, chúc mừng… viết hộ người khác đều thấy có chữ “nghĩ” (儗) ở đầu đề.

Đoạn miêu tả cung Văn Xương mà TTVBHN - 1978 lược đi (có lẽ vì chưa giải mã được do chưa có tài liệu về hội Hướng Thiện), cố PGS Trần Lê Sáng là người đầu tiên phục hồi trong bản dịch của mình .

Nguyên văn đoạn đó như sau:

載 考 天 官 書 斗 魁 戴 筐 六 星 曰 文 昌 宮 魁 下 六 星 两 两 相 比 曰 三 台 文 昌 寔 主 天 下 文 明 而 西 近 文 昌 二 星 曰 上 台 其 下 一 星 主 荆 揚 越 分 也 開 闢 以 來 我 人 文 軋 於 諸 夏 象 如 此 - Tái khảo Thiên quan thư: Đẩu Khôi Đới Khuông lục tinh viết Văn Xương cung. Khôi hạ lục tinh lưỡng lưỡng tương tỉ viết Tam thai. Văn Xương thực chủ thiên hạ chi văn minh nhi Tây cận Văn Xương nhị tinh viết Thượng thai, kì hạ nhất tinh chủ Kinh Dương Việt phân dã. Khai tịch dĩ lai ngã nhân văn ca ư chư Hạ tượng như thử.

Chúng tôi xin được dùng bản dịch đã tương đối chính xác của cố PGS Trần Lê Sáng với đôi chỗ hiệu chỉnh như sau:

Lại khảo cứu sách Thiên quan ta thấy: sáu ngôi sao chòm “Đẩu Khôi Mang Sọt”* gọi là cung Văn Xương. Dưới sao Khôi sáu ngôi sao đối nhau từng cặp, gọi là Tam thai. Văn Xương thực chủ nền văn minh thiên hạ. Cặp 2 sao ở gần Văn Xương về phía Tây gọi là Thượng thai, ở dưới [Thượng thai] có một ngôi cai quản địa phận Kinh, Dương, Việt [nên] từ thuở mở mang đến nay, nhân văn nước ta gần gũi với các nước Hoa Hạ chắc là vì vậy).

Các dân tộc tưởng tượng và đặt tên chòm sao này khác nhau: dân Việt ta gọi chòm sao này là “Gầu Sòng”, người Ailen lại gọi là “Cỗ Xe” v.v…

Rõ ràng là trong đoạn văn trên đây Nguyễn Văn Siêu không có chữ nào viết về… “sự sáng đẹp của Đạo giáo”, như nhà nghiên cứu Trần Văn Đạt viết trong công trình đặc sắc về hoành phi, câu đối đền Ngọc Sơn , thậm chí không hề một lần nhắc đến chữ “Đạo giáo” mà chỉ viết về chòm 6 sao của cung Văn Xương; những danh từ “Tam thai”, “Thượng thai” mà về sau Đạo giáo biến thành của mình theo nghĩa thần bí, Thần Siêu chỉ dùng theo nghĩa của chiêm tinh học Trung Hoa cổ đại từ trước Đạo giáo đã coi như cát tinh chủ về văn minh của Hoa Hạ, bao gồm cả đất Bách Việt từ bờ nam sông Trường Giang đến tận Thanh Nghệ. Vị Hội trưởng Hướng thiện thứ hai giới thiệu cung Văn Xương chủ yếu chỉ để chuẩn bị cho đoạn sau đây, quan trọng nhất trong cả bài văn bia:

新 廟 成 前 繼 水 為 鎮 波 亭 以 寓 文 澜 砥 柱 左 栖 旭 橋 之 東 起 硯 臺 又 東 於 獨 尊 山 建 筆 塔 以 象 文 物 閱 三 四 載 藉 捐 費 乃 卒 役 願 為 記 之 於 維 文 昌 廟 滿 天 下 其 教 謂 使 人 向 善 而 已 然 人之 為 善 莫 要 於 遏 人 欲 存 天 理 非 求 福 而 福 自 至 吾 儒 之 教 炳 在 溼 簿 何 以 加 諸 自 世 人 為 梓 潼 帝 君 之 說 而 報 應 輪 迴 趣 之 日 盛 欲 拔 俗 未 易 也 - Tân miếu thành: tiền kế thủy vi Trấn Ba đình dĩ ngụ văn lan Chỉ Trụ; tả Thê Húc kiều chi đông khởi Nghiễn Đài, hựu đông ư Độc Tôn sơn kiến Bút Tháp dĩ tượng văn vật. Duyệt tam tứ tải tịch quyên phí cập tốt dịch, nguyện vi ký chi. Ư duy: Văn Xương miếu mãn thiên hạ kì giáo vị sử nhân hướng Thiện nhi dĩ. Nhiên nhân chi vi Thiện mạc yếu ư át nhân dục, tồn thiên lý, phi cầu phúc nhi phúc tự chí. Ngô Nho chi giáo bính tại kinh bạ, hà dĩ gia chư. Tự thế nhân vi Tử Đồng Đế Quân chi thuyết nhi báo ứng luân hồi thú chi nhật thịnh, dục bạt tục vị dị dã.

TTVBHN từ năm 1978 đã cung cấp một bản dịch tốt, chuẩn xác hơn vài bản dịch gần đây, nhìn chung đều chép lại bản dịch của các cụ, với đôi ba chỗ sửa chữa khiến bản dịch mới chỉ thiếu chính xác hơn. Vậy xin trích bản dịch của TTVBHN - 1978 , có 3 chỗ liên quan lập luận của chúng tôi nên xin phép giải mã lại cho đúng cái ngụ ý thời cuộc (ý tại ngôn ngoại) của tác giả (in đậm để bạn đọc xem xét):
“Hiện nay đền thờ mới đã hoàn thành: phía trước kề bờ nước, làm đình Trấn Ba, ngụ ý là Chỉ Trụ sừng sững giữa sóng lớn (ý nói tà đạo, tà văn mà Thần Siêu từng phê phán gay gắt trong nhiều bài chính luận )*; bên tả, phía đông cầu Thê Húc, dựng Đài Nghiên; lại về phía đông trên núi Độc Tôn, xây Tháp Bút, tượng trưng cho nền văn vật. Qua ba bốn năm, dựa vào tiền quyên góp mới làm xong, nhờ tôi làm bài ký. Tôi nghĩ rằng: miếu thờ Văn Xương ở khắp cả thiên hạ để dạy mọi người hướng thiện mà thôi. Nhưng người ta làm điều thiện, không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của người mà bảo tồn lẽ phải của trời, chẳng cầu phúc mà tự nhiên được phúc. Đạo nhà Nho ta sáng chói trong kinh sách, không có thứ nào hơn. Từ khi người đời xướng lên thuyết Tử Đồng Đế Quân thì việc tuân theo báo ứng luân hồi càng ngày càng thịnh, muốn diệt trừ tục ấy không phải là dễ”.

Trong đoạn văn bia này, Nguyễn Văn Siêu trình bày 3 ý liên quan lô-gich với nhau:

Một là, việc trùng tu tôn tạo là nhằm khẳng định lại mục tiêu văn hóa - giáo dục của đền Ngọc Sơn, đề cao nó bằng những biểu tượng kiến trúc cụ thể Bút và Nghiên, ngòi bút thẳng đứng 正, viết lên trời xanh寫青天, nhấn mạnh vai trò của văn hóa - giáo dục phương chính 方正, mà ông cùng Hướng thiện hội “chủ trương” ngay từ đầu; trong tình hình mới (năm 1862 thực dân Pháp, được các giáo sĩ Gia-tô dẫn đường đã chiếm xong Nam kỳ và đang dòm ngó Bắc kỳ) “phương chính” (thẳng ngay, chính trực) là phải ngăn chặn sóng lớn của tà giáo 邪教, (tà là nghiêng, không thẳng, chẳng hạn: ánh chiều tà, gian tà), tức làm nhiệm vụ ngôi đình vuông 方亭Chắn Sóng 鎮波 vững vàng như núi Chỉ Trụ sừng sững giữa dòng Hoàng Hà. Ông Trần Văn Đạt phủ định ngụ ý này vì lý do trong cả từ điển Từ nguyên lẫn từ điển Từ hải không có thành ngữ 文澜砥柱 - văn lan Chỉ Trụ . Xin thưa rằng: đó là chữ của Thần Siêu sáng tạo theo mẫu điển cố 中流砥柱 - trung lưu Chỉ Trụ (núi Chỉ Trụ sừng sững giữa dòng sông Hoàng Hà), có trong cả hai cuốn từ điển đó, và tất cả những ai biết Hán cổ, đọc “văn lan Chỉ Trụ” tức khắc hiểu thâm ý của tác giả do liên tưởng với “trung lưu Chỉ Trụ”, hơn nữa ông lại đã gợi ý tên 鎮波- Trấn Ba là có “ngụ ý”.

Hai là, tuy không thể nhắc lại “hành - tàng” 行藏với “bảo kiếm tân ma” (gươm báu mới mài) 寶劍新磨 (lời Vũ Tông Phan trong bài văn bia 1843 về tôn chỉ của hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn) trong bối cảnh cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương vừa mới thất bại mươi năm trước (1854), người bạn vong niên thân thiết Cao Bá Quát hy sinh tại trận tiền và gia tộc ông bị án chu di, nhưng Cụ Phó bảng có lẽ là người đầu tiên dám nhắc đến hai chữ hướng thiện 向善và khẳng định lại mục tiêu chính dựng đền Ngọc Sơn không phải là để cúng bái Văn Xương, mà là để dạy mọi người hướng đến Thiện và tu tập những điều thiện . TTVBHN - 1978 dịch hai chữ này là “làm điều thiện”, có lẽ vì khi đó còn chưa rõ ẩn ý lập Hội Hướng thiện là “tàng để hành”, trước hết phải “tàng” và “mài mới” chí khí, tu dưỡng bản thân hướng thiện 向善đã, rồi mới vi Thiện (làm điều thiện) 為善theo nghĩa “hành phương tiện” 行方便 mà chúng tôi đã giải mã là: không chỉ bố thí là đủ mà phải qua đó giáo dục được mọi người, mà muốn giáo dục được người thì tu dưỡng bản thân cho phương chính 方正 (chân chính, thẳng ngay) đã. Ẩn ý này (hướng thiện rồi mới vi thiện) có ngay trong câu tiếp theo ở bài văn bia của Thần Siêu: “Người ta làm điều Thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của người mà bảo tồn lẽ phải của trời”. Đọc câu này “những người trong khoa mục”, tức có học Nho tất nhớ đến điều Thánh hiền đạo Nho dạy: “Thích kỷ giáo nhân thị nghịch, chính kỷ giáo nhân thị thuận” 釋己教人是逆正己教人是順 (buông thả mình mà dạy người là ngược, chân chính mình rồi mới dạy người là thuận).

Năm 1921-1922

Ba là, có thể thấy Nguyễn Văn Siêu nhất quán độc tôn Nho giáo và phê phán Đạo giáo một cách rõ ràng và dứt khoát. Ông từng phê phán Lão Tử và Đạo sĩ Trương Lăng sùng bái Lão. Đến đây ông phê phán nốt vị Thánh nữa của Đạo giáo là Trương Á Tử, vạch thẳng ra rằng chỉ “từ khi (tức về sau này) người đời” nhập nhằng cát tinh Văn Xương vốn chủ về văn minh Hoa Hạ, Nho gia coi như chủ về văn chương và khoa cử, với Tử Đồng Đế Quân mà Đạo giáo tôn thờ làm vị thánh coi sổ tước lộc ở nhân gian, đến đời Nguyên (1316) sắc phong “Văn Xương tư lộc” nên được các môn đồ Đạo giáo đặc biệt sùng bái, từ đó mới sinh ra cái tệ cầu cúng mê tín dị đoan khó mà "bạt". Xin lưu ý sự trùng hợp này trong dùng từ mà Viện sĩ Đmit’ri Likhatrov đặc biệt coi trọng đối với việc xác định tác giả của thư tịch cổ: Phó bảng Siêu dùng lại cái từ mạnh mẽ 拔mà ông đã từng dùng để nói lên thái độ quyết liệt của ông đối với Đạo giáo như một “tà giáo”!

Nguyễn Văn Siêu chủ trì hoạt động của Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn trong hai chục năm khó khăn, khi triều Nguyễn bắt đầu lâm vào khủng hoảng sâu sắc, nội bộ chia rẽ, bị động lúng túng trước thù trong giặc ngoài, rốt cuộc để đất nước mất dần vào tay ngoại bang. Biết đâu, trong tình thế buộc phải làm Chỉ Trụ giữa tà giáo văn lan, Cụ Phó bảng không còn con đường nào khác là buộc phải độc tôn Nho giáo với phương châm nhập thế dứt khoát, mong giữ vững “chủ trương” của Hội Hướng thiện, là: trên cơ sở “tầm nguyên phỏng cổ” 寻源訪古 (chữ Nguyễn Văn Siêu từng dùng trong thơ tại cuộc tụ hội ở Hồ đình của Vũ Tông Phan; hiện nay đắp trong vế đối trên cột trụ chính giữa của đền Ngọc Sơn) để kết hợp được “Cựu bang văn nhã” 舊邦文雅 (phong tục tốt đệp của nước xưa, tức nước Văn Lang) với Cổ đạo nghi hình 古道儀型 (chữ của Vũ Tông Phan trên câu đối từng treo tại bái đường Văn chỉ Thọ Xương, nghĩa là các khuôn mẫu của đại Nho cổ) mà giáo hóa mọi người hướng thiện, tu dưỡng thành con người phương chính, sẵn sàng nhập cuộc chống bọn tà đạo xâm lăng. Không ngẫu nhiên Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Trần Văn Vi và các cựu môn sinh của Vũ Tông Phan như Vũ Duy Ninh, Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên, Ngô Dạng… đều đứng về phía chủ chiến chống Pháp xâm lược; năm 1873, một năm sau khi Hội trưởng Nguyễn Văn Siêu mất, nhiều thành viên Văn hội Thọ Xương và Hướng thiện hội đã gia nhập nghĩa đoàn đánh trả bọn Jean Dupus gây sự.

Đình Trấn Ba sau đợt cải tạo năm 2018

Đình Trấn Ba ngày nay 

Trong đình Trấn Ba ngày nay không thấy tấm bia này nữa. Anh cán bộ bảo tồn tâm huyết Nguyễn Mạnh Thắng, thời gian phụ trách Ban quản lý di tích Ngọc Sơn đã thuyết minh với chúng tôi, đại ý: ngay trong những ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến 1946, đạn pháo của giặc đã dập dữ dội về khu vực này vì vùng đây là đầu cầu của Liên khu I, đại bản doanh của Trung đoàn Thủ đô. Đình Trấn Ba đổ, tấm bia vỡ nát. Từ đấy đến nay đã tiến hành nhiều đợt trùng tu đền Ngọc Sơn, nhưng tấm bia vẫn không được phục dựng, do không hiểu vai trò của chi tiết hữu cơ này trong kiến trúc đền miếu cổ. “Trấn Ba đình - Đình chắn sóng” mà thông thống như hiện nay thì chắn cái gì! Thần Siêu rất giỏi về phong thủy, tấm bia của Cụ cũng là tấm bình phong ngăn tà khí đấy ạ.

Anh Mạnh Thắng cũng chỉ nghe các cụ cao niên trong hội Thiện Ngọc Sơn nói lại, chứ cũng như chúng tôi là lớp người sau, không được “mục kích” tấm bia dựng ở vị trí nào trong đình Trấn Ba. May thay, tháng 5 / 2007 trong dịp được mời sang Aix-en-Provence (Pháp) đọc tham luận về hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn như một cơ sở văn hoá- xã hội của phong trào Duy tân tại hội thảo quốc tế nhân 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng tôi được tặng một đĩa CD với hơn sáu nghìn bức ảnh về xứ sở Đông Dương, tập hợp nhiều sưu tập ảnh chụp từ 1866 đến đầu thế kỷ XX. Chúng tôi đã tặng lại để khai thác đĩa CD này cho một người học trò tiếng Nga xưa, rất tâm huyết với việc sưu tầm hình ảnh Hà Nội cổ, đó là KTS trẻ Đoàn Bắc. Trong sưu tập này có nhiều ảnh về hồ Hoàn Kiếm (người Pháp gọi là Petit Lac) và đền Ngọc Sơn. Có một tấm ảnh chụp đình Trấn Ba với tấm bia lớn dựng ở cuối nền đình – đúng là một tấm bình phong bằng đá trước chính điện ở ngay phía sau.

Nguồn 

Bình luận của bạn

Tin khác