Bàn về phong tục Hà Nội (3)

Chủ nhật, 29/10/2023, 12:05 (GMT+7)

Chia sẻ

CHẮT LỌC VÀ TINH HOA

Bàn về phong tục Hà Nội (1)    Bàn về phong tục Hà Nội (2)    Bàn về phong tục Hà Nội (3)    

Khi ngồi giữa Thăng Long để hoàn thành - trong vẻn vẹn 10 ngày - công trình Dư địa chí dâng vua Lê Thái Tông vào năm 1435, Nguyễn Trãi hẳn đã suy nghĩ nhiều về văn hoá và phong tục tập quán đương thời. Có thế ông mới viết nên câu: “Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp”. Vì sao vậy ? Nguyễn Trãi viết tiếp ngay: “Để (không) làm loạn phong tục trong nước”. Vậy “loạn phong tục”, với Nguyễn Trãi, là du nhập những lề thói ngoại lai, phủ định tinh thần dân tộc và truyền thống nghìn đời đẹp đẽ, nói một cách nghiêm khắc là chống lại ông cha. Cho nên, từ trước Nguyễn Trãi khoảng bảy chục năm, vua Trần Nghệ Tông, vào ngay lúc mới lên ngôi năm 1370, đã có câu nói mang nội dung và giọng điệu của một tuyên ngôn:

“Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo qui chế của nhà Tống, là vì Nam-Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”.

Chính từ quan niệm về một đường lối văn hoá - xã hội như thế mà Trần Nghệ Tông đã tỏ sự bất bình trước một tình thế phản diện vừa xảy ra: “Khoảng năm Đại Trị (1358 - 1369, đời vua Trần Dụ Tông), bọn học trò mặt trắng được tin dùng mà không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đã đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo phong tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc… thật không kể xiết”. Lời phàn nàn đó, căn cứ vào tình hình thuộc lĩnh vực phong tục tập quán vừa mới diễn ra ở kinh đô trước đấy, hàm chứa một ý thức rõ rệt về sự cần thiết phải chắt lọc trong khi thu nhận cái mới từ bên ngoài.

Nhưng chắt lọc những yếu tố ngoại nhập nào ? Làm như thế là dựa trên căn cứ nào ? Nói cách khác, những tiêu chí của sự chắt lọc ở đây là gì ?

 Áo tứ thân và nón quai thao

Rất nhiều sự thể trong suốt nghìn năm qua, cho thấy phàm những gì ngoại lai mà vào Thăng Long - Hà Nội (cũng như cả nước, nhưng ở đất Thượng kinh này thấy rõ hơn) bằng con đường áp đặt, thì rất khó được hệ phong tục tập quán ở đây chấp nhận, hoặc chấp nhận một cách dễ dàng. Phong tục ăn mặc của phụ nữ Kinh Kỳ chẳng hạn. Từ xa xưa cho tới tận cuối thời trung cổ, nữ giới ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn bền bỉ vận bộ trang phục truyền thống có nguồn nơi dân dã. Dù có được văn hoá thị dân ở chốn đô thành “nâng cao” lên một bậc, bằng sự tô điểm chút ít “lụng thụng”, hoặc đôi nét “xa hoa”, nhưng bộ trang phục ấy, về cơ bản, vẫn gồm hai chiếc áo và xống (tức áo và váy). Những hình ảnh (vẽ hoặc chụp) giới nữ thị dân trong bộ trang phục cổ truyền này, ở Thăng Long - Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nếu một mặt cho thấy sự tồn tại vững chắc và lâu dài trong lối ăn mặc “áo - xống” của dân tộc, thì mặt khác càng bộc lộ rõ sự bất lực của những mệnh lệnh hồi đầu thế kỷ XV về cách ăn mặc do giặc Minh bắt buộc, hoặc sự khôi hài của những chiếu chỉ hồi đầu thế kỷ thứ XIX do vua Minh Mạng ban bố, nhằm vào cái xống (váy) của giới nữ mà can thiệp: phải mặc quần thay váy, hoặc cấm mặc váy mà đi chợ! Song chiếc váy đặc trưng của bộ trang phục dân tộc cổ truyền vẫn cứ tồn tại bền bỉ, cho tới năm 1945. “Tháng Tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!”, những lời ca chế giễu ấy chỉ có nghĩa là chẳng ai hãi hùng gì hết cả!

Những sự thể như thế chứng tỏ: cái điều mà hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội có vẻ như đã gạn ra trước nhất tiên là những gì mang tính áp đặt từ bên ngoài (hoặc bên trên). Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phản ứng đầu tiên, từ lớp vỏ bề ngoài. Phía sau, bên dưới cái vỏ bề ngoài ấy, mới là thực chất của thế ứng xử, nhằm kiên trì bảo vệ những gì là căn cốt dưới chiều sâu, ở bên trong. Và, cái ở dưới sâu, ở bên trong đó, chính là bản sắc của tính dân tộc, của tinh thần dân tộc.

Cái tinh thần dân tộc này luôn giữ vai trò của một động lực chủ đạo, xuyên suốt, điều khiển trong lịch sử của cả nghìn năm văn hiến. Đấy là điều chúng ta đã thấy, khi khảo về cơ chế vận hành của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội ở phần trên. Đến đây, khi xem xét cái căn cốt mà hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội đã dựa vào để chắt lọc sự tiếp nhận của mình, ta lại thấy vẫn là cái tinh thần ấy. Tuy nhiên, vẫn còn chưa hết các lý do bắt buộc ta phải tiếp tục nhìn kỹ hơn vào sự xoay vần linh hoạt và sinh động của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội, vẫn chỉ quanh một cái hạt nhân và động lực là tính dân tộc này.

Sử cũ chép: Năm 1202, ở Thăng Long, Lý Cao Tông sai nhạc công chế ra một khúc nhạc, gọi là “Chiêm Thành âm”, để sử dụng nơi cung đình. Một nét phong tục trong sinh hoạt nghệ thuật Thăng Long thời đó, vậy là đã được bổ sung từ sự tiếp thu một lề lối ca hát của nước láng giềng phía nam. Và sự bổ sung khúc nhạc có tên “Chiêm Thành âm” nọ, xét ra, cũng nằm trong một trào lưu chung, khá phổ biến ở Thăng Long lúc ấy là ham thích và thích tiếp thu các sản phẩm văn hoá có nguồn gốc Chiêm Thành. Đó là một Thiên Niên trang ở ven hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), nơi một công chúa Champa có tên Việt là Phan Ngọc Đô đã đến sống với nghề se tơ dệt lĩnh. Đó còn là cả một vùng “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm” với tên gọi đương thời là “thôn Bà Già”, nơi mà Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nổi tiếng tài hoa phong nhã chốn kinh thành, cũng thường xuyên cưỡi voi đến thăm chơi…

“Thiên Niên trang” nay là làng nghề Trích Sài thuộc phường Bưởi, còn “thôn Bà Già” thì nay là làng Phú Gia thuộc phường Phú Thượng, cả hai nơi nay đều nằm trong quận Tây Hồ. Nhưng “Chiêm Thành âm” thì đã tắt hẳn âm thanh, không còn chút dấu vết. Vì sao vậy ? Nó đã bị gạn lọc đi không hẳn chỉ riêng vì “vấn đề tính dân tộc”. Cái lẽ chính ở đây, là sự rầu rĩ của nó đã không được Thăng Long - với “cái thần” rất hào hoa, nhưng cũng rất hào hùng, chứ không hề sướt mướt, uỷ mị - chấp nhận. Bộ sử nổi tiếng thời cổ đại là Toàn thư đã lên án “Chiêm Thành âm” là: “Ai oán, buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt”. Còn nhà sư Nguyễn Thường lúc bấy giờ thì kết tội: “Âm thanh của nước loạn, nghe như ai oán giận hờn… Đó là điềm triệu bại vong!”

Như vậy là, trong lịch sử thời Lý thời Trần, cũng như trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, hệ phong tục Thăng Long - Hà Nội luôn luôn vận dụng nội lực là tinh thần dân tộc để thực hiện sứ mạng sàng lọc, gạn chắt mọi nguồn ảnh hưởng ngoại nhập, nhằm làm cho những cái cuối cùng được giữ lại chỉ có thể là những gì phù hợp với bản sắc và bản lĩnh của truyền thống Việt Nam, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội mà thôi.

Có thể lấy dẫn chứng trong phong tục lễ hội để thấy điều vừa nói. Việc kiểm kê phong tục lễ hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội vẫn tồn tại đến hôm nay có thể giúp chúng ta nhận ra khá nhiều sự biến đổi, biến động, theo phương hướng trên kia vừa kể, trong từng lễ hội và lễ tiết ở Kinh kỳ.

Hội đền Đồng Nhân chẳng hạn. Càng về thời gian gần đây, càng thấy nhiều thêm những động tác lễ bái nhằm vào tượng thờ, rồi cờ quạt, trống chiêng, kiệu võng, voi ngựa, rước xách… để tôn thêm ngày càng cao chủ đề lễ hội là tôn vinh những nhân vật lịch sử (Hai Bà Trưng). Tuy nhiên, vẫn còn một lễ tiết, dẫu bây giờ có chìm lẫn đi ít nhiều, nhưng chắc chắn là càng lùi xa về trước lại càng có vai trò và ý nghĩa chủ đạo, bao trùm trong hệ thống hành động lễ hội. Đó là tục rước những choé đựng bên trong thứ “nước thiêng” mà cứ vào mỗi kỳ lễ hội thường niên, bao giờ người dân cũng phải vượt ra tận Sông Hồng lấy về để làm lễ “mộc dục” (tắm tượng) ở đền. Đấy chính là dấu tích còn lại của một lễ hội nông nghiệp cổ sơ, mà hạt nhân tín ngưỡng và hành động hội hè đình đám ở đây là cầu nước, cái yếu tố hàng đầu trong bốn điều sau này đã được đúc kết thành những bí quyết để có được những mùa màng thóc lúa bội thu. Khi di chuyển vào trong đô thị, kinh thành, người dân dĩ nhiên không thể cày, cũng không thể cấy trên đường phố. Vì thế, lâu dần, họ không chú trọng cầu nước cầu mưa như trước nữa. Và thế là tục rước chóe nước thiêng chuyển hóa thành ý nghĩa sùng tín anh hùng lịch sử. Hành động và hình thức lễ hội đã có sự biến đổi tận gốc rễ, tận hạt nhân, để mang một vẻ hiển hách, sang trọng mới.

Đây chính là một sự biến đổi chẳng những hợp thức mà còn cần thiết. Vì có thể tìm thấy ở sự biến đổi đó những hình ảnh cụ thể của một quá trình đi từ chắt lọc tới kết tinh trong hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội cổ truyền. Và đường hướng cũng như thành quả của sự kết tinh ấy chính là cái chất kinh kỳ trong trí tuệ và tinh thần trọng thị lịch sử dân tộc của những thị dân Thăng Long - Hà Nội.

Nhưng lễ hội đền Đồng Nhân, với việc biến một nghi thức lễ tiết nông nghiệp thô phác, thành một phong tục sùng bái anh hùng chính thống, đường bệ, giàu chất trí tuệ và hiểu biết lịch sử dân tộc, vẫn chưa phải là ví dụ duy nhất về đường hướng kết tinh lắng đọng trong hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội. Vẫn ở lĩnh vực phong tục lễ hội cổ truyền Thăng Long, chúng ta còn tìm thấy những lễ hội có các phương hướng và thành quả kết tinh không giống, nhưng cũng không kém phần đặc sắc so với hội Đồng Nhân.

Hãy đến với phong tục lễ hội xưa ở vùng “cửa Hồ Tây”: Hồ Khẩu. Phong tục lễ hội cổ truyền ở đây, ngày xưa, bao giờ cũng có một nghi thức lễ tiết, là “Bắt chạch trong chum”. Đó là nghi thức lễ tiết vốn có gốc nguồn từ những tục lệ của “tín ngưỡng phồn thực” - cầu mong sự sinh sôi nảy nở - từ rất lâu đời, với những động tác kích thích thân xác cụ thể và trần trụi. Những tục lệ ấy được bảo lưu bền bỉ ở nhiều lễ hội nông thôn, thậm chí còn trở thành niềm đam mê không dễ dứt bỏ, như câu ví của người làng Dưng (Văn Trưng - Vĩnh Phúc) khi nói về lễ hội “bắt chạch” (mở vào ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm) của làng mình: “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ ngày mồng sáu hội Dưng!”. Thế nhưng khi đã trở thành một phong tục lễ hội Thăng Long - Hà Nội, sự chắt lọc để kết tinh, qua nhiều năm tháng, đã khiến cho những động tác thô phác kia ấy dần dà biến đổi. Cuối cùng, tục lệ “bắt chạch trong chum” ở Hồ Khẩu đã biến đổi thành một nghi thức lễ tiết long trọng, có nam có nữ, nhưng là “trai thanh gái lịch”, với những động tác thân xác đã được cách điệu hoá cao độ, trở thành những hành động mang tính tượng trưng, chỉ với mục đích bảo lưu và biểu lộ cái “thần” của tục lệ ngàn xưa, là cầu mong sự phát triển thịnh vượng.

Sự kết tinh của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội ở đây, như vậy là đã rõ ra điều mà nó muốn hướng tới và đạt được: sự thanh nhã. Đó chính là chữ “thanh” trong hai chữ “thanh lịch”, cái bản sắc và bản lĩnh tiêu biểu, điển hình của văn hoá và con người thị dân ở chốn kinh thành.

Dễ dàng nhận ra chữ thanh này, trong nhiều phong tục tập quán, của chỉ riêng Thăng Long - Hà Nội. Phong tục tỏ tình của trai gái chẳng hạn. Nếu ở nhiều nơi khác, nó thường vẫn luôn diễn ra theo cung cách mà ca dao dân gian đã mô tả qua một dạng điển hình:

Gặp em anh nắm cổ tay
Mượn vá cái áo, mượn may cái quần

thì ở Thăng Long - Hà Nội, một cung cách tỏ tình như vậy nhất định sẽ bị coi là sỗ sàng và thực dụng. Vì thế, phong tục bày tỏ tình yêu chốn Kinh kỳ phải được kết tinh thành cảnh tượng và lời lẽ như sau (vẫn là qua lời ca dao của những làng hoa ở mạn đông bắc kinh thành):

Hỡi cô đội nón ba tầm
Cô về Yên Phụ, phiên rằm lại sang
Phiên rằm, chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua…

Trong một lời tỏ tình như thế này, người con trai Kinh Kỳ có thể được xem là nho nhã. Nhưng đúng ra thì đây chính là cái chất thanh nhã của đất Thượng kinh đã được kết tinh ở lời hát của anh, cũng giống như đã kết tinh trong hình ảnh người con gái Yên Phụ, đi chợ bán hoa mà vẫn giữ lề lối phục trang “đội nón ba tầm”.

Từ nếp phong tục được chính những thị dân Kinh Kỳ theo nghề vườn tược - trồng rau bán hoa - giữ gìn và thể hiện như thế, còn có thể dễ dàng nhận ra một nét kết tinh văn hoá và phong tục đặc sắc nữa, thường đi liền với chữ thanh. Đó chính là chữ lịch - sự hiểu biết và trí tuệ. Vì lịch cho nên, khi những sản phẩm đã là hàng hoá Thăng Long - Hà Nội, thì dẫu chỉ rau dưa hoa quả bình thường, người ta vẫn cứ phải theo nếp của chữ lịch mà:

“Mượn người lịch sự, gánh lên kinh thành”

Như vậy, nếu chữ thanh (thanh nhã, thanh tao, thanh cao…) là phẩm chất trong sáng của tâm hồn, thì chữ lịch (lịch sự, lịch lãm, lịch duyệt…) đi liền với nó lại là phẩm chất cao quý của trí tuệ. Âu đó cũng là một đường hướng và kết quả của sự lắng đọng, kết tinh trong hệ phong tục tập quán, cũng như trong văn hoá nói chung của Thăng Long - Hà Nội cổ truyền.

Nhu cầu đạt tới một sự kết tinh tính trí tuệ cao như thế đòi hỏi người Thăng Long - Hà Nội phải có trình độ ở hiểu biết và học vấn không thể quá bình thường (tức không ở mức trung bình hoặc tầm thường), và muốn thế thì không thể không khát khao học hỏi. Đây là điều mà những thị dân của chốn kinh thành ngày xưa vẫn và vốn luôn sẵn có. Nếu ở Hà Nội, những năm đầu thế kỷ XX, xuất hiện:

“Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành”

thì cái trung tâm giáo dục lòng yêu nước và kiến thức mới với những “tân thư”, “tân văn” - mang tên “Đông Kinh nghĩa thục” này cũng chính là sự tiếp nối một mỹ tục, một truyền thống của Thăng Long - Hà Nội cổ truyền, để truyền lại tới người đương thời thái độ trọng thị học hành, chữ nghĩa:

“Buổi diễn thuyết, người đông như hội
Kỳ bình văn, khách tới như mưa !”

Bởi cảnh tượng đặc sắc về những “kỳ bình văn, khách đến như mưa”, từ nhiều thế kỷ trước đấy, đã từng có trong hệ thống phong tục tập quán của Thăng Long - Hà Nội. Đó là cảnh đọc duyệt, bình phẩm các tác phẩm là những bài đại tập của sinh viên “trường Giám” (Quốc Tử Giám). Nhưng phải đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mới xuất hiện một câu chuyện điển hình cho phẩm chất hiếu học, và nhu cầu đạt tới tầm trí tuệ cao, của người Thăng Long - Hà Nội, ở chính ngay chỗ trung tâm của phong tục “bình văn” này. Sách Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ chép:

“Có lần, có một người đàn bà đến trước cửa (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) xin vào dự xem (bình văn). Lính canh ngăn không cho vào. Bà ta liền vái mà nói rằng:

“ Tôi nghe đạo thánh cao rộng, bể học mênh mông, thế mà bọn khăn yếm chúng tôi muốn được nghe lấy vài lời bình văn, cũng không cho. Chẳng hay thánh hiền dạy bảo như thế nào mà nay các người lại bụng dạ chật hẹp quá cả tiểu nhân như thế ?”.

Nói rồi, bà ta vừa khóc vừa bỏ đi…”

Người nữ thị dân Thăng Long trong Vũ trung tuỳ bút đã bỏ đi. Nhưng cái “thần” của câu chuyện - chỉ ở kinh thành mới có - vẫn còn ở lại. Vì đó chính là biểu tượng của nhu cầu, của khát vọng chữ nghĩa và hiểu biết trong các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội xưa cũng như nay. Và chữ “lịch” của văn hoá cũng như hệ phong tục tập quán ở nơi đô thị Kinh kỳ này, sở dĩ kết tinh được, cũng chính là nhờ có được phẩm chất và điều kiện vô cùng đặc sắc và quí báu ấy.

 

TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
 

Ở thời kỳ từ cuối thế kỷ thứ XIX đến giữa thế kỷ thứ XX, hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội, sau nhiều thế kỷ dài vận động, đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Có thể xem quãng thời gian hơn nửa thế kỷ này là một quá trình hiện đại hoá hệ phong tục Thăng Long - Hà Nội cổ truyền. Đồng thời, cũng trong thời gian đó, đã có sự vận hành để hình thành một hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội mang tính truyền thống để những thế hệ thị dân Thăng Long - Hà Nội sống từ giữa thế kỷ thứ XX cho tới nay, tiếp tục kế thừa và phát triển.

Cũng nên nhắc tới tính bản lề - xét về vị trí ở trên trục dọc thời gian từ xưa đến nay - của thời kỳ hơn nửa thế kỷ này, cái tính bản lề được làm nên bởi những vấn đề khá phức tạp của lịch sử cận đại là ảnh hưởng mạnh và sâu rộng của văn minh phương Tây, đặc biệt là của văn hoá Pháp. Nguồn ảnh hưởng đó lan tới Việt Nam, một mặt, thông qua sự xâm lược và thống trị, sự nô dịch nhân danh công cuộc “khai hoá” của chế độ thực dân Pháp; mặt khác, dựa theo những điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn của sự tiếp xúc giao lưu Âu - Á (Đông - Tây) của thời đại mà truyền bá một cách tự nhiên đến “xứ sở thuộc địa” này.

Hà Nội những năm tháng ấy vừa là thành phố đứng đầu “xứ Bắc Kỳ” thuộc địa, vừa là thủ phủ của toàn cõi “Đông Dương thuộc Pháp”, cho nên tất nhiên sẽ là một trong những nơi đầu tiên tiếp nhận nguồn ảnh hưởng trên. Và cũng tất nhiên là sự tiếp nhận ấy sẽ diễn ra với nhiều kiểu cách và kích cỡ.

Năm 1888 đã diễn ra hai sự kiện: ngày 19-7, Tổng thống nước Pháp ký sắc lệnh thành lập “Thành phố Hà Nội” với tư cách là “Đô thị loại một” (Municipalité de première classe); rồi sau đấy không lâu, ngày 1-10, vua Đồng Khánh lại ra đạo dụ dành cho nước Pháp toàn quyền cai trị Thành phố Hà Nội lúc ấy đã bị biến thành “nhượng địa” (concession). Có thể coi đó là cái mốc thời gian qui phạm và lịch sử đã khai sinh ra một đô thị cận hiện đại theo mô hình của phương Tây (chủ yếu là của Pháp), để thay thế và làm thay đổi hẳn kinh thành Thăng Long - Hà Nội cổ truyền. Trước và sau đấy chút ít chính là khoảng thời gian mà hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội bắt đầu quá trình vận hành mạnh mẽ - với những tác động và ảnh hưởng lớn của văn hoá văn minh phương Tây (chủ yếu là Pháp) - để trở nên có “tính bản lề”: vừa là hiện đại (đối với những gì là cổ truyền, trước đó), lại vừa là truyền thống (đối với những gì sau đấy, sẽ kế tục nó).

Sự giao tiếp và tiếp nhận phong tục tập quán như thế, ở trong buổi đầu, quả là nhiều lạ lẫm và khó khăn. Hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội vốn đã được tích tụ, dồn nén từ lịch sử trung cổ nghìn năm trước, đến hai thập kỷ cuối thế kỷ XIX này, buộc phải “làm quen” cùng những gì trước đó chưa từng biết đến, được đem lại từ những phương trời xa lạ, một sự “làm quen” với khá nhiều bỡ ngỡ và lúng túng. Có thể thấy một cách tương đối cụ thể tình hình đó qua vài ví dụ sau đây:

Năm 1884, viên công sứ - chức quan thực dân đứng đầu tỉnh thành - của Pháp là Bonnal, cho nhập từ Nhật Bản vào Hà Nội 2 chiếc xe kiểu “Djinrickhaw” (tức xe người kéo) dùng làm phương tiện đi lại cho các quan đầu tỉnh (một chiếc dành cho tổng đốc Hà Nội, sau đó, được những người “thợ bản xứ” sao chép, nhân bản thêm). Thế là, lần đầu tiên, những người dân, trước đó chỉ quen với tập quán giao thông đi lại ở một đô thị trung cổ là đi bộ, đi cáng và đi thuyền, được chứng kiến cảnh tượng xe chạy trên đường phố. Ứng xử với tình hình lạ lẫm này như thế nào đây ? Cuốn sách Từ Paris tới Bắc Kỳ, 1884 của Bourde (xuất bản ở Paris năm 1885) viết: “Đám đông không biết làm gì khi thấy chiếc xe lăn bánh thẳng tới. Mọi người bỏ chạy, trong khi lẽ ra chỉ cần một bước để tránh sang một bên!”.

 
Người phu xe trên đường Cổ Ngư thời thuộc Pháp. Ảnh nguồn: Hanoidata

Tương tự như vậy, là việc người dân Hà Nội ngày ấy “làm quen” với phong tục xây dựng tượng đài ở nơi công cộng. Số là, năm 1887, một cuộc “Hội chợ triển lãm” vào loại đầu tiên trong lịch sử của tập tục và sinh hoạt kinh tế - văn hoá theo kiểu cách phương Tây được mở ở Hà Nội. Nhân dịp ấy, người ta đã đem một mô hình thu nhỏ của tượng “Nữ thần Tự do” - mà người Pháp trước đấy đã tặng cho người Mỹ để dựng ở New York -, đặt ở vườn hoa bên hồ Hoàn Kiếm (dân gian gọi đây là “Tượng bà đầm xoè”; về sau tượng này được chuyển đến chỗ Vườn hoa Cửa Nam, và bị huỷ vào đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp). Ba năm sau, nhằm ngày Quốc khánh Pháp 14-7, một tượng đài khác, cũng dựng ở vườn hoa bên bờ hồ đó (nay là Công viên Chí Linh), được khánh thành. Đó là tượng một người đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp, khi ấy trùm lên toàn “xứ Bắc Kỳ”, nhưng đặt ở Hà Nội: Tổng trú sứ Paul Bert. Cư dân Hà Nội, những năm cuối thế kỷ XIX ấy, qua lại mấy “công trình văn hoá tượng đài” lạ lẫm, đã nghĩ thế nào về thứ phong tục mới được du nhập này? Vì đã sống quá lâu trong quan hệ phong tục tập quán cổ truyền, coi tượng vốn luôn chỉ được thờ ở những nơi đền miếu linh thiêng nên dân Hà Nội chỉ trích việc đặt các pho tượng trên bằng ca dao: Ông Pôn Be lấy bà đầm xoè.

Tuy nhiên, trong “thuở ban đầu bỡ ngỡ” ấy, không chỉ có sự du nhập mấy thứ xa lạ mà quần chúng thị dân Hà Nội thấy là vô bổ, và thậm chí là xúc phạm tới tình cảm yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Những tháng năm này còn chứng kiến sự xuất hiện cả một hệ thống những hiện tượng, lúc đầu vẫn có phần lạ lẫm, nhưng lại thiết thực, dễ gần gũi hơn, và vì thế có thể dần dà thâm nhập, hoà nhập, để rồi sẽ góp phần tạo nên những phong tục tập quán mới ở đời sống một đô thị đang biến động, đổi thay theo hướng từ truyền thống (cổ truyền) sang hiện đại (đương đại).

Có thể là lúc đầu - các năm 1884, 1885 - những Hotel như: “Đại Khách sạn” (“Grand Hôtel”) ở phố Hàng Thêu (Rue des Brodeurs, nay là Hàng Trống), các tiệm cà phê như: “Café de Paris”, “Café du Commerce” và cả những “Phòng sửa tóc và trang điểm theo kiểu Paris” hiện ra ở phố Thợ Khảm (Rue des Incrusteurs, nay là Hàng Khay)… mọc lên chỉ là để phục vụ cho những “ông Tây bà Đầm” sinh hoạt trên hành lang nối khu Nhượng địa đến thành cổ Hà Nội mà thực dân mới mở thành đường phố rộng rãi (“hành lang” ấy nay là các phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ). Nhưng rồi ngôi “nhà Tây” 3 tầng (là “kiến trúc dân sự” kiểu châu Âu vào hàng sớm nhất ở Hà Nội, nay vẫn còn toạ lạc ở số 3 phố Hàng Khay, với con số ghi năm xây dựng “1886” trên trán nhà) xuất hiện; để rồi sau đó mở ra, nào là “Hiệu thuốc Tây” với cả hàng chữ ghi trên biển hàng là “Hiệu thuốc Tây Raynaud Blanc, dành cho người Pháp và người bản xứ Đông Dương” (Pharmacie Française et indigène de l’Indochine), nào là “Trường Hậu bổ” (từ năm 1897, ở phố Armand Rousseau, nay là phố Lò Đúc), nào là “Xưởng in và nhà sách Schneider” (1888), rồi các tờ báo với những tên rất kêu: “Tương lai Bắc Kỳ” (L’Avenir du Tonkin), “Nền độc lập Bắc Kỳ” (L’Indépendence Tonkinoise)…. Những thứ ấy rõ ràng đã không còn chỉ dành riêng cho các bà Đầm hay ông Tây độc quyền thụ hưởng. Ngược lại, chúng đã trở thành những nhân mối quan trọng, để cho lối sống và phong tục tập quán kiểu mới - kiểu “Tây” - được nhân bội lên và hoà vào đời sống, cũng như vào hệ thống phong tục của một Hà Nội đang biến động và biến đổi trong cuộc Âu hoá đương thời.

Làm nên cuộc Âu hoá ấy, có một thủ pháp mà đương thời đã tỏ ra có tính hiệu quả đáng kể. Ấy là mở những trường và cơ sở Tây học, nhằm cái đích trước tiên là đào tạo ra những “dân Tây học” các loại; để rồi sau đó, những người này, đến lượt họ, lại sẽ là cơ sở và hạt nhân cho sự tiếp nhận và lan toả những ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây vào giữa đời sống và lối sống đô thị, trong đó có lề thói sống của Hà Nội, chốn cựu kinh. Từ những người học trường Hậu bổ mở ra ngay từ năm 1897 đến những người theo học ở các trường Pháp - Bản xứ (Franco-indigène), trường Bảo hộ (trường Bưởi), trường Đồng Khánh, trường Cao đẳng, rồi những người đã cất công “đi Tây” du học trở về…, những “dân Tây học” rõ ràng đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá các phong tục tập quán phương Tây: từ ăn “cơm Tây”, uống “rượu Tây”, ở “nhà Tây”, mặc “quần áo Tây” (hoặc “Âu phục”), hút “xì-gà”… cho đến nói “tiếng Tây” (hoặc: “tiếng Tây bồi”), đi “nhà hát Tây” (Nhà hát Lớn bây giờ), đi “xi-nê-ma”, đi “đăng-xinh” (nhảy đầm)… Tất cả đã thâm nhập và can thiệp mạnh mẽ vào hệ phong tục tập quán Hà Nội ở thời buổi trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Như thế, các biểu hiện hoặc yếu tố “tân thời” trong hệ phong tục tập quán Hà Nội ở những năm tháng cuối thế kỷ thứ XIX - đầu thế kỷ thứ XX vừa là tác nhân ngoại nhập làm biến đổi cả một hệ thống chủ thể, lại vừa là xung lực giúp hệ thống ấy - sau khi đã biến đổi - đấu tranh chống lại những yếu tố cổ truyền mà một số, vào thời đó, đã trở thành cổ hủ. Đấu tranh mạnh đến mức một đại diện của văn minh và đạo lý cổ truyền đã phải thốt lời than đau đớn: “Văn minh Đông Á trời thu sạch / Này lúc cương thường đảo ngược ru?”. Nhưng dù thế thì những cái bị coi là cổ hủ vẫn buộc phải mất dần rồi mất hẳn bóng hình và ảnh hưởng trong hệ phong tục tập quán đương thời.

Đó là một phương diện trong số những hoạt động thường hằng của hệ phong tục tập quán Hà Nội qua tất cả các thời: sự chắt lọc. Nhưng đây là sự chắt lọc đi những gì không thích hợp trong số những sản phẩm của quá khứ, được truyền lại theo trục dọc thời gian. Tuy nhiên, vào lúc này, vẫn còn một phương diện đấu tranh khác, vẫn là để gạn lọc những gì không thích hợp nhập vào Hà Nội, nhưng là trên bình diện không gian, theo chiều ngang của lát cắt thời gian đương đại: ấy là những lề thói bị gọi là “tỉnh lẻ”, “nhà quê”, có gốc gác từ các miền nông thôn chưa bắt kịp với vòng quay chuyển động xã hội và văn hoá đô thị đương thời.

Song trong khi nhân danh và vận dụng những yếu tố “tân thời”, và “văn minh (phương Tây)” để chắt lọc đi những gì không thích hợp tồn đọng trong thời gian và du nhập theo không gian từ xưa và từ bên ngoài như thế, hệ phong tục tập quán Hà Nội, trong thời kỳ vừa hiện đại vừa cổ truyền này, vẫn còn có một phương diện chính yếu nữa cần đến sự sàng lọc, đấu tranh. Chúng tôi muốn nói đến nhu cầu phải chống lại những lề thói nhân danh “tân thời”, “văn minh”, nhưng thực chất lại lố lăng, kệch cỡm, phản lại những mỹ tục chân chính trong truyền thống của ông cha, để đẻ ra những “Ông Tây An Nam” như trong kịch của Nam Xương, “Típ-phờ-nờ”, Văn Minh và nhất là Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng…

Công cuộc thu nạp và đấu tranh để lọc đi những gì không thích hợp trong hơn nửa thế kỷ “Pháp thuộc và chống Pháp thuộc” về mặt lề thói sống cuối cùng cũng đã làm lắng đọng được một số nét đặc trưng của hai thuộc tính có ý nghĩa quan trọng đáng kể đối với hệ phong tục tập quán Hà Nội đương thời. Đó là tính hiện đại, và tính đô thị. Và nếu phải kể tên một phong tục mới, kết tinh được cả hai tính cách đặc trưng ấy, thì chắc hẳn sẽ có rất nhiều người nghĩ đến tập quán mặc chiếc “áo dài tân thời” của các bà các cô ở Hà thành trong nửa đầu thế kỷ thứ XX.

Khởi từ những năm 10 của thế kỷ XX, chiếc áo “tứ thân” trùm dài ra ngoài bộ “xống áo” cổ truyền đã chuyển hoá thành chiếc áo dài năm thân thẫm màu, mặc ngoài chiếc quần đen, cả áo lẫn quần đều phải lụng thụng cho phù hợp với cái nhìn nghiêm khắc của đạo Nho, và vì thế, đã xoá đi hết những đường cong gợi cảm. Thế nhưng, khoảng những năm 30, cùng với lối sống “tân thời” nơi đô thị nhộn nhịp vốn cần sự thanh thoát, gọn gàng, cộng với cả quan niệm “mới” về vẻ đẹp cơ thể đến từ phương Tây nữa, một kiểu quần áo dài Hà Nội ra đời, màu sắc tươi tắn hơn, kiểu dáng cũng mượt mà và hiện đại hơn. Thay cho chiếc “quần lĩnh Bưởi” thâm, giờ đây là chiếc quần lụa hoặc sa tanh màu trắng mềm mại, thanh khiết. Và đặc biệt là chiếc “áo dài tân thời”, có phần thân bó gọn, tôn lên những đường cong hấp dẫn trên cơ thể người phụ nữ, cùng với phần vạt bay lượn nhẹ nhàng, làm duyên cho dáng đứng, điệu đi của họ. Đâu phải tình cờ khi bộ trang phục ấy được rất nhiều thiếu nữ Hà thành hưởng ứng. “Cuộc cách mạng (về lối phục sức)” đó, như một tờ báo khi đó đã viết, quả đã “ngấm” rất sâu cái “chất Hà Nội” lúc bấy giờ. Bởi thế, sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi tấm ảnh đầu tiên về người thiếu nữ trong bộ áo dài tân thời ấy lại được in trên một tờ báo của Hà Nội, tờ Ngày nay, số ra ngày 30-1-1935, với hình cô Nguyễn Thị Hậu, duyên dáng trong chiếc “áo dài Lơ Muya” (phiên âm tiếng Pháp “Le Mur”, nghĩa là “cái tường”, dịch tên của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Hoạ sĩ này là người đã kết hợp kiến thức và nghệ thuật Tây học với “chất Hà Nội” để “tạo mốt” cho bộ trang phục “quần áo dài tân thời”). Như vậy, chính là hệ phong tục tập quán Hà Nội, chứ không phải nơi nào khác, ở thời kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đã dồn được quá trình vận hành tiếp nhận - lan toả - chắt lọc - kết tinh ở nơi đô thị hàng đầu này, để trong những năm tháng của “thời kỳ bản lề”, hình thành được một trong những sản phẩm có đầy đủ bản sắc và bản lĩnh đặc trưng của mình là thanh và lịch, vừa hiện đại lại vừa truyền thống.

 

Đến giữa thế kỷ XX, sau ngày thủ đô được giải phóng, ở Hà Nội, chiếc áo dài “tân thời” trước đây được đổi tên gọi thành “áo dài dân tộc”, và trở thành “lễ phục chính thức” (tức là trở thành một hình thức phong tục phục trang của phụ nữ thủ đô trong những ngày lễ, ngày hội lớn nhỏ, của gia đình và xã hội). Có thể xem đây là một “tín hiệu kép”, bởi nó vừa là sự thừa nhận những giá trị thực sự của việc hiện đại hoá và Âu hoá trong hệ phong tục tập quán thời kỳ trước đấy (mà chiếc “áo dài tân thời” là một biểu hiện), vừa là sự khẳng định ý chí và trách nhiệm nối theo sự vận hành - với những động thái: tiếp nhận - lan toả - chắt lọc - kết tinh của các thời quá khứ -, để tiếp tục sứ mạng bảo tồn và phát huy tính dân tộc và bản sắc, bản lĩnh thanh lịch của hệ phong tục tập quán thủ đô ở thời kỳ hiện đại.

Hơn 50 năm của thời kỳ hiện đại này là thời gian của những biến động lớn. Liền theo ngay cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, là một cuộc thay đổi về mặt văn hoá và đời sống, trong đó, phong tục tập quán là một lĩnh vực thực sự đã có những đổi thay nhanh chóng. “Đời sống mới” - như tên gọi của cuộc đổi thay này - ở thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa được khai sinh đã không chỉ đem đến cho phong tục tập quán Hà Nội một cách chào mới (được cho là tượng hình búa liềm, với bàn tay phải nắm lại, vòng gập ngang vai mà đặt lên thái dương), hoặc một lối xưng hô mới (gọi nhau bằng “đồng chí”, “đồng bào”). Cuộc vận động đó còn đem lại cho thủ đô cả một lối sống mới, theo tinh thần cách mạng; trong đó, những phong tục xã hội (như hội họp, quyên góp, diễu hành, hô khẩu hiệu, làm cổng chào…) có xu hướng trở thành một lĩnh vực được ưu tiên chăm sóc, phát triển.

Nhưng cuộc vận hành của hệ phong tục tập quán Hà Nội theo “Đời sống mới” chỉ kéo dài được hơn một năm. Những năm tháng dài tiếp liền sau đấy là thời gian của những cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ xâm lược. Chiến tranh đã tạo ra những cơn lốc biến động dữ dội, nhưng lại “để ngỏ cửa” cho sự vận hành của phong tục tập quán. Nói đúng hơn, nó cũng để lại dấu ấn thường là mang hình ảnh và sắc thái của những kỷ niệm bi tráng, những “phong tục thời chiến” : những thế ứng xử và thói quen của “Người Hà Nội”, trong “60 ngày đêm khói lửa”, “12 ngày đêm B.52”, khi “đi tản cư”, “đi sơ tán” ra khỏi thành phố; hay lúc dựng chướng ngại vật, đào hầm trú ẩn ngay trên hè đường; đội mũ rơm chống mảnh bom đạn, và ăn bo bo ăn mì… luộc, xếp hàng mua bằng tem phiếu những nhu yếu phẩm ở những “cửa hàng cung cấp” và “mậu dịch quốc doanh”…

Nhưng nếu phải kể những biến động chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội cổ truyền còn đọng lại, cũng như là đến hệ phong tục tập quán Hà Nội đương đại thì trước hết, đó phải là sự xáo trộn cư dân, cả trong những năm tháng chiến tranh lẫn trong “thời kỳ hậu chiến”; và sau đó sẽ là những luồng tác động của văn hoá và lối sống ngoại nhập ở “thời kỳ mở cửa” - những thập niên cuối thế kỷ XX.

Cư dân Hà Nội, chỉ với một vài chục vạn người ở nửa đầu thế kỷ XX mà đã thấy đủ các kiểu xáo trộn do những di động đi về, xuôi ngược: nào “lên chiến khu”, “đi kháng chiến”, “đi tản cư”, “đi di cư (vào Nam)”…, nào “hồi cư”, “dinh tê (vào thành)”, “tiếp quản”, “tập kết”… Vậy mà đến những thập niên cuối thế kỷ thứ XX, sự gia tăng dân số, dù được coi là “tự nhiên” hay “cơ học”, thì cũng đã lên tới con số hàng triệu, mà quá nửa, nếu không phải là hầu hết trong số đó, lại toàn là những “thị dân một đời” (một thế hệ) hoặc thậm chí chưa được đủ một đời. Hiển nhiên, một hiện tượng thu nhận mạnh mẽ các luồng nhập cư từ mọi miền xuôi ngược xa gần như thế, không thể không làm cho guồng máy tiếp nhận các phong tục tập quán và lối sống từ khắp các địa phương về cho hệ phong tục tập quán Hà Nội phải quay với một công suất rất cao.

Sự tiếp nhận ở mức độ rất cao mà lại diễn ra trong một thời gian nhanh chóng và gấp gáp, tất yếu dẫn đến sự hoà tan hoặc pha loãng những yếu tố căn cốt của hệ phong tục tập quán Hà Nội. Lấy một ví dụ, chẳng hạn chuyện lời ăn tiếng nói (tức phong tục ngôn từ) Hà Nội trong thời hiện đại. Nhà văn Tô Hoài chỉ muốn dùng một ví sánh gọn gàng để chỉ ra cái gốc của tiếng nói Hà Nội: ấy là “tiếng Hồ Gươm”. Tuy nhiên, cũng có người thấy cần phải viết những dòng phân tích kỹ lưỡng hơn: “Tiếng Hà Nội không chỉ hay ở chỗ phát âm nhẹ nhàng và uyển chuyển, mà còn là sự sử dụng ngôn ngữ ý tứ, nhã nhặn, tinh tế… Cách nói Hà Nội thường ý nhị, tôn trọng người đối thoại, không cộc lốc, thô lỗ, tục tĩu…”. Đối chiếu với những điều căn cốt của phong tục ngôn từ Hà Nội là như thế, với thực trạng phổ quát ở Hà Nội lúc này (chẳng hạn như: nói ngọng, nói nặng, nói tục, chửi bới…) thì có thể thấy ngay và thấy rõ việc tiếp nhận về cho hệ phong tục tập quán Hà Nội những ảnh hưởng của mọi miền quốc nội ngày nay có vẻ như đã là “quá tải” rồi, chứ không như ngày xưa nữa, mặc dù ở ngày xưa thì chuyện tiếp nhận ấy cũng đã thường xuyên thấy xảy ra.

Còn có thể thấy rõ một biểu hiện khác nữa về sự tiếp nhận “quá tải” của nền văn hoá và hệ phong tục tập quán Hà Nội trong thời hiện tại, vào lúc những yếu tố căn cốt của nó đang ở trong tình trạng bị loãng nhạt đi. Đấy là sự du nhập các tác nhân quốc tế, đặc biệt là từ sau ngày đất nước thống nhất, từ “thời kỳ mở cửa”, “hội nhập” ở những thập kỷ cuối thế kỷ thứ XX. Chưa từng bao giờ thấy, trong lịch sử nghìn năm văn hiến ở chốn thành đô vốn nổi tiếng thanh lịch này, văn hoá nói chung, và hệ phong tục tập quán nói riêng lại lộn xộn đến như vậy bởi những yếu tố ngoại lai. Nhất là khi những yếu tố ngoại lai đó gặp được ở đây một “mặt bằng dân trí” đang vừa bị xáo trộn, lại vừa có phần nào bị “thả nổi” với cơ chế thị trường. Đấy là cơ hội để không chỉ xu hướng “pha loãng”, mà cả xu hướng “kéo lùi” (xuống cấp) có thể lộng hành, đặc biệt là ở lĩnh vực phong tục gia đình và tập quán cá nhân. Vì thế mới sinh ra những “em ơi, Hà Nội chóp” (những ngôi nhà mái hình chóp nhọn), những “mắt xanh mỏ đỏ” ( chỉ sự trang điểm lố lăng), khiến cho một “Hà Nội băm sáu phố phường” cổ kính, trang nhã trở nên một đô thị của một số “thị dân hãnh tiến”, như nhận xét có phần lạnh lùng của một số khách nước ngoài. Cũng vì thế mới có những cuộc đua xe máy phân khối lớn kinh hoàng, những âm thanh “rốc”, “ráp” được phóng to hết cỡ hoặc được gào thét, mếu máo mà trình diễn với những bộ phục trang nhăng nhố, rồi những biểu hiện thác loạn ở các vũ trường, các quán “Karaoke ôm”, “bia ôm”, “cà phê đèn mờ”, rồi lối sống bạo lực, tham nhũng, hối lộ, ma túy, bất chấp luật pháp…, những tệ nạn đang làm băng hoại nếp sống thanh lịch ở nơi vốn “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Khoảng thời gian một vài chục năm có thể chưa đủ để cơ chế tiếp nhận - lan toả - chắt lọc - tinh kết trong sự vận hành hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội cổ truyền phát huy hết tác dụng. Nhưng không phải vì thế mà hệ phong tục tập quán Hà Nội ở thời kỳ hiện đại không thể, hay không cần điều chỉnh. Ngược lại, đang trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, những sự chăm lo và cố gắng mới để tiếp tục xây dựng, định hình và kiện toàn cho cả hệ phong tục tập quán Hà Nội hiện đại nói chung, lẫn phương diện phong tục tập quán gia đình và phong tục tập quán cá nhân nói riêng, trên một “mặt bằng dân trí” ổn định và ngày càng được nâng cao. Cần làm sao để các phong trào: “Người tốt việc tốt”, “Nếp sống văn minh”, “Gia đình văn hoá”… đã được phát động, triển khai trở nên thiết thực hơn nữa. Và đặc biệt là cần làm rõ và giới thiệu được rộng và sâu, tới mọi người và từng người Hà Nội, những giá trị của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội đã vận hành trong ngàn năm qua.

Nguồn: Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn Hoá Và Phong Tục, NXB Thanh Niên

Bình luận của bạn

Tin khác