Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907 qua tài liệu lưu trữ (Kỳ I)
Kỳ II: Phản ứng của chính quyền thực dân đối với ĐKNT. Một vài nhận xét.
Phản ứng của chính quyền thực dân đối với ĐKNT.
Chúng tôi tìm thấy trong văn bản mật số 73 ngày 6-12-1907 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Công sứ các tỉnh, Đốc lý Hà Nội và Đốc lý Hải Phòng[1] những lời lẽ thể hiện tương đối rõ nét chủ trương của chính quyền thực dân đối với ĐKNT - một “Hội giáo dục” mà họ đã theo dõi từ lâu bởi chính những hoạt động yêu nước của ngôi trường này. Người đứng đầu bộ máy cai trị Bắc Kỳ “đặc biệt lưu tâm” đến “một số kẻ đang nuôi dưỡng âm mưu đặc biệt nghiêm trọng” vì mục đích của âm mưu đó là “phát động phong trào đấu tranh chống chính quyền Pháp trong dân chúng bản xứ”.
Công văn viết rõ: “Chúng tôi đã tiến hành khám soát tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông và phát hiện một số tài liệu mang nội dung phản động được phát tán tại một số làng. Những cuốn sách bằng chữ Hán được in ấn và che đậy rất khéo léo dưới dạng sách đạo đức, lịch sử, vệ sinh… song thực chất lại chứa đựng nội dung châm biếm, đả kích chính quyền Bảo hộ và những người đại diện cho chính quyền, kêu gọi dân chúng nổi dậy và liên minh với Nhật.
Tại Hà Đông, các nho sĩ đến từ Hà Nội là thành viên của Hội giáo dục ĐKNT có trụ sở tại phố Hàng Đào, đã lợi dụng một số cuộc họp định kỳ được Tòa Công sứ Hà Đông cho phép tổ chức tại một ngôi làng trong tỉnh để tuyên truyền chống phá chính quyền Pháp. Trong cuộc khám xét này, chúng tôi đã tịch thu 1 khẩu súng trường và nhiều danh sách quyên góp tiền có thể dùng vào việc nuôi dưỡng sinh viên An-nam tại Nhật Bản.
Tại một làng khác trong tỉnh, chúng tôi thấy nhiều thanh niên tập thể dục theo phương pháp của Nhật.
Mặt khác, chúng tôi còn được thông báo về một số hội giả danh dưới dạng Hội tương hỗ hoặc Hội giáo dục thường xuyên tiến hành tuyên truyền chống phá chúng ta. Các Hội này tổ chức các cuộc họp kín nơi chỉ có những thành viên người An-nam có ảnh hưởng và giàu có mới được tham gia và họ phải đọc những cuốn sách mỏng được viết theo kiểu dùng từ hai nghĩa. Mỗi thành viên sẽ phải mời thêm các hội viên tham gia, thậm chí, để chứng minh tính trung thực của mình, họ phải nộp từ 2 hoặc 3 đồng Đông Dương /mỗi hội viên như đã hứa. Danh sách hội viên được quản lý rất chặt chẽ…”.
Trong công văn, Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh phải “tiến hành điều tra” và cho rằng “Hội ĐKNT, trong đó trường của Hội giáo dục này vừa mới được mở tại Hà Nội, là một trong những trung tâm tuyên truyền chính”.
Đoạn cuối công văn, người đứng đầu chính quyền Bắc Kỳ cảnh báo: “Dường như những kẻ xúi giục làm loạn đang có ý định hỗ trợ quân đội bản xứ. Các bài viết kích động binh lính nổi dậy đã được tìm thấy trong va-li của lính bản xứ và dân quân. Cuộc điều tra do Công sứ Bắc Ninh tiến hành cho thấy một số quân nhân có cấp bậc và binh lính bản xứ đang thực hiện âm mưu chiếm Thành Bắc Ninh.
Ở đây, tôi không muốn thổi phồng sự việc song rõ ràng là kẻ địch đang triển khai một chiến dịch khá lớn nhằm mua chuộc hội viên và lôi kéo dân chúng tham gia nổi dậy”.
Thống sứ Bắc Kỳ yêu cầu các viên quản lý hành chính các tỉnh phải nâng cao cảnh giác nhằm “phát hiện những dấu hiệu có liên quan đến những âm mưu” như đã cảnh báo; “luôn nêu cao tinh thần cảnh giác” và phải “tính đến việc truy nã một số lính gác bản xứ và lính cơ thuộc lực lượng quân đội bản xứ”; đồng thời phải “thông báo sự việc cho quan lại cấp tỉnh cũng như quan lại cấp phủ, huyện biết và yêu cầu họ luôn phải cảnh giác cao độ”.
Cuối cùng, người đứng đầu chính quyền Bắc Kỳ nhấn mạnh: “Đối với những trường hợp sai phạm hoặc lơ là, các ông cần báo cáo kịp thời cho tôi biết, nếu cần, tôi sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp không tuân theo lệnh của các ông và để cho các âm mưu thù địch tiếp tục leo thang”.
Trang đầu và trang cuối công văn mật số 73 ngày 6-12-1907 của Thống sứ BK gửi các Công sứ - chủ tỉnh, Đốc lý HN và Đốc lý Hải Phòng về các thông tin Hội Giáo dục ĐKNT tại các tỉnh Bắc Kỳ. Fonds de la Mairie de Hanoï (MHN), hs: 3548.
Một vài nhận xét
Mặc dù đã khảo sát một khối lượng đáng kể hồ sơ có liên quan đến ĐKNT nhưng số TLLT tìm được vẫn không như chúng tôi kỳ vọng[2], rất có thể vì thời gian hoạt động của ĐKNT quá ngắn. Tuy nhiên, từ những tài liệu đã được phát hiện, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một vài nhận xét như sau:
Đội ngũ khởi xướng ĐKNT đã biết tranh thủ, nắm bắt thời cơ để mở trường học, tạo ra một bước ngoặt mới đối với nền giáo dục của Việt Nam
Ngược dòng lịch sử vào năm 1874, sau khi xâm chiếm và biến Nam Kỳ thành thuộc địa, chính quyền thực dân đã “thể nghiệm” một số chính sách về nhằm thay thế nền giáo dục cũ bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị của họ. Đó là:
- Bắt buộc các viên chức người Pháp ở Nam Kỳ học chữ của người bản xứ[3];
- Xóa bỏ văn hóa Hán trong người Việt để khẳng định quyền lợi của Pháp ở Nam Kỳ với lý do: “Các nhà nho bản xứ đã và luôn luôn là kẻ thù của nước Pháp và không phải vì lòng yêu nước (…) mà vì sự có mặt của giới sĩ phu ở Đông Dương chỉ để khẳng định sự đô hộ Trung Hoa…”[4].
- Tôn trọng, giữ gìn và phát triển nền giáo dục đã có sẵn bằng việc tái lập các hạt giáo dục cũ do nhà Nguyễn thiết lập tại Nam Kỳ với hàng ngũ Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo[5]; đồng thời mở rộng chủ trương truyền bá rộng rãi chữ Quốc ngữ, khuyến khích việc truyền bá và sử dụng chữ Quốc ngữ như mở trường dạy chữ Quốc ngữ ở các tổng thuộc Nam Kỳ; sử dụng chữ Quốc ngữ để viết sách truyền bá văn hóa phương Tây và để phổ biến các chủ trương, chính sách cai trị và luật pháp của chính quyền thực dân[6] nhằm mục đích đào tạo lớp quan chức mới người bản xứ[7], tạo thuận lợi cho công cuộc cai trị, đồng thời xóa bỏ dần ảnh hưởng của văn hóa Hán trong người Việt, mở đường cho sự xâm nhập của văn hóa phương Tây.
Kết quả là, đến cuối năm 1907, ở Nam Kỳ có 2 hệ giáo dục song song tồn tại: giáo dục công và giáo dục tư. Đối với giáo dục tiểu học công ở Nam Kỳ, việc dạy chữ Quốc ngữ được xếp đầu tiên, theo sau là chữ Hán và cuối cùng mới là tiếng Pháp nhưng ở bậc trung học thì tiếng Pháp trở thành môn học đầu tiên, sau đó mới là chữ Quốc ngữ và cuối cùng là chữ Hán. Điều này làm cho học sinh người bản xứ từng bước tiếp cận và nâng cao khả năng tiếng Pháp thông qua chữ Quốc ngữ vốn cùng hệ Latin, còn chữ Hán dần dần chỉ được dạy ở 2 năm cuối cấp trong chương trình phổ thông thuộc hệ thống các trường công và dạy phát âm Hán - Việt chứ không phát âm theo kiểu bản ngữ[8].
Ở Trung Kỳ, với Nghị định tháng 5-1906, Toàn quyền Đông Dương đã chuẩn y Dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho người bản xứ: ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp II chỉ còn học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc; đến cấp III thì cả 3 thứ chữ đều bắt buộc học như nhau[9].
Ở Bắc Kỳ, việc dạy chữ Quốc ngữ mang tính bắt buộc kể từ ngày 18-1-1887[10]. Đến năm 1906, trong cuộc cải cách giáo dục lần I, việc giảng dạy hoàn toàn bằng chữ Hán đã bị xóa bỏ và thay vào đó là cách giảng dạy mới: ở cấp một, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp hai chỉ còn lại chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc nhưng ở cấp ba thì chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp đều bắt buộc như nhau. Bên cạnh hệ thống giáo dục công, các trường tư vẫn được hoạt động nếu có giấy phép của chính quyền thực dân.
Đặc biệt, vào năm 1906, cũng trong khuôn khổ của cuộc cải cách giáo dục lần I, chính quyền thực dân đã cho mở cuộc thi biên soạn giáo trình cho các trường bản xứ tại Đông Dương và quy định các giáo trình này “phải được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, phải có quy định về chính tả, tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc trọng âm phải đặt trên hoặc dưới nguyên âm chính...”[11].
Nghiên cứu về chính sách giáo dục của Pháp ở Việt Nam cho thấy, vào khoảng năm 1906-1907, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có 2 hệ giáo dục song song tồn tại (giáo dục công và giáo dục tư); việc giảng dạy hoàn toàn bằng chữ Hán đã bị xóa bỏ và thay vào đó là cách giảng dạy mới: ở cấp một, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp hai chỉ còn lại chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc nhưng ở cấp ba thì chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp đều bắt buộc như nhau. Chữ Quốc ngữ chính thức trở thành chữ viết của người Việt Nam, được lan toả từ giới trí thức và thị dân sang đại đa số người Việt và đã trở thành một ngôn ngữ độc lập của người Việt Nam, là cầu nối với tiếng Pháp trong quá trình bài trừ chữ Hán và văn hóa Hán ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của chính quyền thực dân. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi được những người khởi xướng ĐKNT triệt để tận dụng, thể hiện rất rõ trong đơn gửi Đốc lý Hà Nội viết ngày 1-5-1907, đó là việc mở trường được “Căn cứ vào Nghị định ngày 31-5-1906 về cải cách giáo dục bản xứ và cho phép mở trường tư”, để “dậy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán theo chương trình mới đã được Toàn quyền chuẩn y”. Chính vì vậy mà ĐKNT đã được cấp phép hoạt động một cách hợp pháp và công khai. Đây là một kết quả hoàn toàn trái ngược với sự mong đợi của chính quyền thực dân.
Ảnh hưởng tích cực của ĐKNT lan rộng ra các tỉnh, trước tiên và mạnh mẽ nhất là ở các tỉnh phía Bắc
Về ảnh hưởng của ĐKNT, hầu hết các nghiên cứu trước đây đã có nhắc tới, thông qua báo chí đương thời và các nguồn tư liệu khác nhau. Vấn đề này được làm rõ hơn trong TLLT.
Tuy đơn xin phép mở trường có nói mục đích thành lập trường là để “dậy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán theo chương trình mới đã được Toàn quyền chuẩn y” tức là theo phương châm “khai hóa” của chính quyền thực dân, song thực chất ĐKNT chú trọng giáo dục lòng yêu nước, lối sống mới và văn minh phương Tây cho quần chúng thông qua các môn học: chữ Quốc ngữ, chữ Hán (chỉ để đọc tân thư), tiếng Pháp, khoa học thường thức (vệ sinh, địa dư, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục, kinh tế…). Bằng những bài viết có lý luận thẳng thắn để phản bác luận điệu và những mỹ từ ru ngủ như “bảo hộ”, “khai hóa” của chính quyền thực dân, sách của ĐKNT còn hướng dẫn học sinh phân biệt pháp luật công chính và pháp luật bất chính. Điều này được thể hiện trong các sách giáo khoa của ĐKNT bị chính quyền thực dân thu được ở một số tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hà Đông, Thái Nguyên…hiện đang lưu lại trong các hồ sơ lưu trữ của TTLTQG I.
Vì có tư tưởng khai sáng và nhiệt huyết cách mạng, chống chuyên chế, cường quyền nên ĐKNT đã bị chính quyền thực dân đàn áp và đóng cửa chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động. Tuy nhiên, dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng những tư tưởng tiến bộ của ĐKNT đã lan tỏa khắp Bắc - Trung - Nam, mở đầu một thế kỷ người Việt quyết liệt rửa nhục mất nước và mất tự do. Có lẽ vì vậy mà ĐKNT có một sức sống mạnh mẽ, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước công nhận.
Trong công trình nghiên cứu về Hội Trí tri Bắc Kỳ[12], các tác giả[13] đã dẫn báo cáo của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp[14] về cải cách giáo dục đăng trên Tập san của Trường năm 1907 trong đó có nhấn mạnh rằng “bản thân người An-nam không phải là không hoạt động” và có “một hội khác dường như có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa rất rõ rệt, đã mở một trường học gọi là Đông-kinh nghĩa-thục”[15]. So sánh giữa hai Hội giáo dục kể trên, các tác giả viết: “Người ta biết rằng Đông-kinh-nghĩa-thục sẽ trở thành biểu tượng của các học giả hiện đại yêu nước và vì thế, nó sẽ là đối tượng của nhiều nghiên cứu. Ngược lại, Hội Trí tri Bắc Kỳ, dù nổi bật với tuổi thọ nửa thế kỷ, vẫn nằm trong bóng tối”[16].
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Và chúng tôi cũng muốn dùng chính sự so sánh này để làm kết luận cho bài viết của mình về Trường ĐKNT nhân dịp kỷ niệm 115 năm thành lập ngôi trưởng nổi tiếng này ở Hà Nội năm 1907.
-------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I.Tài liệu lưu trữ
1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội – Việt Nam)
- Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin (RST), hs: 245.
- Fonds de la Mairie de Hanoi (MHN), hs: 3548.
- Fonds du Service de l’Enseignement au Tonkin (SET), hs: 245.
- Fonds de la Résidence de Namdinh (RND), hs: 2629.
- Fonds de la Résidence de Hadong (RHD), hs: 2708.
2. Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre Mer - ANOM) tại Aix-en Provence :
- Fonds du Gouvernement général de l’Indochine (GGI), dossier: 21518.
II. Ấn phẩm định kỳ
- Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF), 1862 và 1863.
- Journal officiel de l’Indochine française (JOIF), 1906.
III. Sách và các bài viết
- Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Hà Nội, 2015.
- Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam – Viện Viễn đông Bác cổ Pháp “Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục”, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997.
- Trinh Van Thao, L’école française en Indochine, Éditions Karthala, Paris, 1995.
- Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016.
- Gilles De Gantès, Phuong Ngoc Nguyen, La Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Hội Trí Tri, 1892-1946), une autre version de l’action moderniste, Presses universitaires de Provence. https://books.openedition.org/pup/6669?lang=en
- Nguyễn Hải Hoành, Đông Kinh Nghĩa Thục: cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam, https://nghiencuuquocte.org/2017/07/24/dong-kinh-nghia-thuc-cach-mang-giao-duc/ 24/07/2017
- Nguyễn Hải Hoành, Tính chất cách mạng, tiến bộ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, https://nghiencuuquocte.org/2020/08/12/tinh-chat-cach-mang-tien-bo-cua-phong-trao-dong-kinh-nghia-thuc/ 12/08/2020.
[1] Fonds de la Mairie de Hanoï (MHN), hs: 3548. Tiêu đề: “Renseignements sur la Société de l’Enseignement ĐKNT dans les provines au Tonkin 1907”
[2] Cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa tìm thấy văn bản cho phép mở trường và ra lệnh đóng cửa ĐKNT của chính quyền thực dân.
[3] Theo Quyết định thành lập trường Collège d’Adran do Đô đốc Charner ký ngày 8-5-1861 nhằm mục đích đào tạo thông ngôn người Việt và người Pháp muốn học tiếng Việt và Quyết định số 89 ngày 8-5-1862 của Chuẩn Đô đốc, Tổng Tư lệnh các lực lượng viễn chinh thành lập Trường Thông ngôn An-nam để đào tạo hàng ngũ thông ngôn cho những người gốc châu Âu phiên chế trong quân đội, thành thạo tiếng mẹ đẻ và có khả năng học tiếng của người bản xứ. Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF), 1862, tr. 147-150.
[4] Trinh Van Thao, L’école française en Indochine, Éditions Karthala, Paris, 1995, tr. 99.
[5] Theo Quyết định số 44 của Phó Đô đốc, Thống đốc NK. BOCF, 1862-1863, tr. 310-313.
[6] Công báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ là tờ “Gia Định Báo” do soái phủ Sài Gòn cho ra đời năm 1865.
[7] Theo Quyết định số 44 của Phó Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ, những kỳ thi lớn từng được tổ chức tại Sài Gòn 3 năm/lần được mở tại 3 tỉnh thuộc Pháp theo cách thức cũ. Sau mỗi kỳ thi, những người được trao văn bằng tú tài và cử nhân của ba tỉnh (Sài Gòn, Mỹ Tho và Biên Hòa) có thể được cử tới làm việc tại một đơn vị trong CQ trung ương đã được thành lập ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ở phủ hoặc ở huyện để “tìm hiểu về chính quyền” với số lượng không vượt quá số lượng tiểu khu của mỗi tỉnh. Việc học chữ Quốc ngữ không bắt buộc đối với các Giáo thụ nhưng trong các kỳ thi tuyển vào những vị trí khuyết vắng, nếu trình độ ngang nhau, ứng viên biết chữ Quốc ngữ sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, việc học chữ Quốc ngữ lại bắt buộc và miễn phí đối với tất cả viên chức mới hưởng thù lao từ ngân sách của chính phủ. BOCF, 1862-1863, tr. 310-313.
[8] Vì thế nên một số gia đình gốc Hoa xin được mở trường riêng để dạy chữ Hán cho đúng kiểu, những trường hợp này cũng được chính quyền cấp phép với điều kiện phải xin phép hội phụ huynh học sinh và Hội đồng kỳ mục địa phương.
[9] Nguyễn Chí Công, Chữ Quốc ngữ, Đông Kinh Nghĩa Thục và vấn đề cải cách chữ Việt trong thế kỷ XX, https://www.vnu.edu.vn/home/?C1635/N4180/Chu-Quoc-ngu,-dong-Kinh-nghia-thuc-va-van-de-cai-cach-chu-Viet-trong-the-ky-XX.htm
[10] Theo Nghị định số 1331 ngày 27-4-1904 thành lập Hội đồng Giáo dục công Bắc Kỳ. TTLTQG I, Fonds du Gouvernement général de l’Indochine (GGI), série: A, hs: 57, vb: 76, tờ: 127.
[11] Journal officiel de l’Indochine française (JOIF), 1906, tr. 807-810.
[12] Tên tiếng Pháp là La Société d’enseignement mutuel du Tonkin (SEM du Tonkin).
[13] Gilles De Gantès, Phuong Ngoc Nguyen, La Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Hội Trí Tri, 1892-1946), une autre version de l’action moderniste, Presses universitaires de Provence. https://books.openedition.org/pup/6669?lang=en
[14] L’École Française d’Extrême-Orient (EFEO).
[15] EFEO, 1907, p. 179.
[16] “On sait que celle-ci sera devenue le symbole des lettrés modernistes patriotes et, en conséquence, l’objet de nombreuses recherches Au contraire, la Société d’enseignement mutuel du Tonkin (SEM du Tonkin), pourtant remarquable par sa longévité d’un demi-siècle, reste dans l’ombre”.
Nguồn - TS. Đào Thị Diến
Bình luận của bạn