"Chia sẻ niềm vui với tác giả, Kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn, giờ đây đã là một kiến trúc sư dày dạn tay nghề, chủ một doanh nghiệp thiết kế công trình…đã hoàn thành tác phẩm “để đời” của mình cũng là khép lại 20 năm chắc chắn là đầy gian nan cũng đầy năng lượng sáng tạo. Và tin rằng pho sử thi “Con Hồng Cháu Lạc” sẽ tiếp tục để lại dấu ấn trong cuộc đời nghề nghiệp lâu dài của Anh cũng như cho các thế hệ bạn đọc hôm nay và…mai sau".
Thu 2024
Dương Trung Quốc
Phần 6 Chương 38: Nhà Nguyễn - Thời Kỳ Trước Pháp Thuộc Hồi 1: Vua Gia Long Hồi 2: Vua Minh Mạng Hồi 3: Vua Thiệu Trị Hồi 4: Vua Tự Đức Chương 39: Nhà Nguyễn - Thời Kỳ Pháp Thuộc Hồi 1: Tứ Nguyệt Tam vương Dục Đức – Hiệp Hòa – Kiến Phúc Hồi 2: Vua Hàm Nghi – Vua Đồng Khánh Hồi 3: Vua Thành Thái – Vua Duy Tân Hồi 4: Vua Khải Định – Vua Bảo Đại |
Hồi 4
Vua Khải Định – Vua Bảo Đại
Nay chẳng nhẽ gạt đi triều chính,
Để làm gì lỉnh kỉnh nhiều phe,
Ngồi mà hưởng chẳng chịu nghe,
Chỉ lo làm loạn kéo bè là nhanh.
Là ý định phong thanh xem thử,
Nhưng lời bàn phải giữ triều nghi,
Nếu mà tính chuyện bỏ đi,
Thì sau không hiều chuyện gì xảy ra.
Vẫn như vậy nay là ai nhỉ,
Chỉ còn người nay nghĩ hợp ngôi,
Con vua Đồng Khánh đấy thôi,
Đã từng dễ bảo xưa ngồi cùng mâm.
Nay Bửu Đảo cũng tầm ba chục,
Chắc giống cha tới lúc rồi đây.
Vậy là cứ thế màn quây,
Đưa lên ngôi vị với đầy xét soi.
Cả triều đình lại coi sách vở,
Tìm được từ khai mở đặt niên,
Khải Định theo đó chiếu tuyên,
Sẽ là ban bố mà truyền trong dân.
Vua lúc nay đâu cần phải tính,
Vì Pháp kia đã định từ lâu,
Việc làm từ đó tới đâu,
Đã là ấn định cần câu vâng lời.
Thêm rảnh rỗi nhớ thời trai trẻ,
Thủa chưa lên chè chén thâu canh,
Chiếu bạc trong xóm loanh quanh,
Nợ nần chồng chất đã thành vết nhơ.
Nay lên ngôi bây giờ thể diện,
Phải giữ gìn câu chuyện khác xưa,
Ăn mặc nhìn cũng phải ưa,
Cho vừa con mắt say sưa học đòi.
Bởi giao lưu từng coi sách báo,
Thành Paris thấy bảo mở mang,
Lúc nào cũng thấy sáng choang,
Kinh đô rực rỡ như choàng gấm hoa.
Còn thời trang luôn là thay đổi,
Bao sắc màu sớm tối lung linh,
Ngắm mà cứ thấy rung rinh,
Để rồi chỉ dụ triều đình cũng nên.
Rồi quấn quýt sát bên Khâm sứ,
Lại gửi con học chữ quan bên,
Sau này nhờ cả cũng nên,
Giúp cho cháu được cái nền về sau.
Lại nhận lời đi mau qua đó,
Hội chợ nào nhìn ngó người ta,
Lần đầu xuất cảnh xem ra,
Cũng là đáng nhớ đi là vài năm.
Đưa con đi lời rằng gửi gắm,
Vĩnh Thụy là mong lắm làm nên,
Học hành nay cũng qua bên,
Thấm nhuần cái mới hiểu thêm thế thời.
Cũng là để đến nơi chữa trị,
Vì lâu ngày cứ bị làm sao,
Ăn vào xem cứ nôn nao,
Sắc diện chẳng được hồng hào mấy khi.
Tại Pháp quốc nay thì la ó,
Là người dân gốc đó trời nam,
Phan Chu Trinh ngứa ruột gan,
Trách ai Bửu Đảo đã làm điều nhơ.
Mặc lố lăng bỏ lơ quốc thể,
Thất Điểu Thư mà kể tội vua,
Sang đây xem cứ lơ ngơ,
Như bò đội nón ai ngờ là ông.
Chẳng hiểu biết bao công vượt bể,
Mượn mấy lời mà để gió bay,
Rằng Pháp quốc đã mát tay,
Làm cho thuộc địa xứ này nở hoa.
Người Cùng Khổ báo ra luận cứ,
Là bao điều như tự bày ra,
Nguyễn Ái Quốc lời xót xa,
Cũng là chế diễu khéo là mỗi ông.
Con Rồng Tre người đông kẻ diễn,
Ở ngoại ô kể chuyện ví von,
Vi Hành là cái lom dom,
Của anh quốc trưởng cõi còm sang đây.
Ngày qua ngày cũng đầy ân huệ,
Giờ trở về đại lễ nhập vai,
Tứ tuần đại khánh chúc ai,
Sánh cùng thiên địa thêm dài phước duyên.
Đâu biết rằng lời nguyền dậy sóng,
Trong dân gian như gióng hồi chuông,
Ngô Đức Kế thơ cứ tuôn,
Những lời như thể nỗi buồn tha hương.
Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,
Trăm gia ba chục khổ nhà nông.
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến,
Năm ngoái sang Tây ỉa vãi cùng,
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ,
Vua thời còn đó, nước thời không!
Còn có lời cứ trông là rõ,
Nơi kinh kỳ ai đó lời đây,
Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư!
Mười năm trời kể từ ngày ấy,
Bốn mốt mà đã thấy hom hem,
Bệnh gì mỗi lúc nhom nhem,
Hơi tàn cũng chỉ tròm trèm vài hôm.
Rồi để lại mồ chôn một chốn,
Là Ứng lăng cũng tốn bao công,
Con trai nối dõi cậy trông,
Độc đinh duy nhất phúc hồng Nguyễn gia.
Cả triều đình tụng ca vào nếp,
Chọn mấy từ mà xếp trình lên,
Bảo Đại chọn chữ thay tên,
Xướng danh niên hiệu ngôi đền đế vương.
Xong đâu đấy lên đường qua Pháp,
Vì việc tang tạm gác về đây,
Giờ thì cưỡi gió đạp mây,
Trở về bên đó nơi đầy luyến lưu.
Bởi còn đang chắt chiu con chữ,
Học chưa thành nên cứ ở bên,
Lúc nào có lệnh quan trên,
Cho về mới được ghế êm đấy rồi.
Nơi Pháp quốc xa xôi mới hiểu,
Ở bên này soi chiếu về ta,
Trẻ con giáo dục khác xa,
Tự do thoải mái tạo đà lớn khôn.
Còn chính mình chỉ ôm khuôn phép,
Bó thân mình khép nép nhìn ra,
Ngoài kia họ đập họ va,
Còn mình chỉ sợ xúy xoa thôi đừng.
Nay hòa mình theo từng nhịp thở,
Tuổi thanh niên hăm hở bàn chân,
Sung mãn trong cái thanh xuân,
Toát ra khí chất nam thần đế vương.
Quen cái nếp thơm hương ngát gió,
Vui với đời đây đó vi vu,
Mộng đẹp lời cứ như ru,
Những là lạc thú lộc từ trời ban.
Mười năm trời chẳng ham việc nước,
Ở nơi này sung sướng đời trai,
Chẳng phải nếm mật nằm gai,
Giờ đây gánh vác là bài lần khân.
Phủ toàn quyền nhiều lần hối thúc,
Vì triều đình lục đục nhiều khi,
Lúc này cần cuộc thiên di,
Đưa về tại vị cũng vì muốn yên.
Rồi cũng phải xuống thuyền về nước,
Ngày hồi loan lọng rước cờ hoa,
Về đến xứ sở quê cha,
Ngọ môn thấp thoáng súng xa vang rền.
Nơi Thái miếu xưng tên khấn nguyện,
Nén hương trầm thống thiết lời xin,
Noi gương giữ vững niềm tin,
Giang sơn bồi đắp giữ gìn muôn sau.
Lại yết kiến lời tâu nay đã,
Trở về triều một dạ xin nghe,
Hoàng Thái hậu trước chở che,
Giữ cho ngôi báu yên bề tới nay.
Sang Từ cung: “Con nay đã lớn”,
“Đã chẳng còn nơm nớp lo xa”,
“Bài thơ là nỗi xót xa”,
“Viết ra để đó nay là tặng con”.
Về đại điện nay còn quan thượng,
Nguyễn Hữu Bài nẻo bước vào trong,
Việc nước trước đã trông mong,
Nay là muốn hiểu dốc lòng từ đâu.
Mới vỡ lẽ lời tâu ý tứ,
Nỗi bàng hoàng nghe cứ mông lung,
Vua gì chẳng lẽ trong cung,
Việc là có vậy như dùng làm bia.
Rồi tự hỏi ai kia dẫn lối,
Mà đến giờ đầu mối là ta,
Lật lại gốc rễ ông cha,
Mới là hiểu được sao mà đến nay.
Cũng bởi lẽ từ ngày qua đó,
Chẳng có ai nói rõ mà nghe,
Lịch sử dân tộc bị che,
Làm cho mờ mịt bụi đè bấy lâu.
Đành đọc lại từ đầu chí cuối,
Mới hiểu rằng giòng dõi từ đâu,
Những bi đát chốn thâm sâu,
Ở nơi được gọi đứng đầu quốc gia.
Lời can gián xem là cẩn trọng,
Hãy nhìn gương nôn nóng là ai,
Cuối cùng cũng phải mang tai,
Sau này gánh họa mộng dài còn đâu.
Hãy bắt tay mà cầu thịnh vượng,
Chớ làm gì để vướng hoài nghi,
Vua thì cũng có khác chi,
Chỉ làm trang sức bỏ đi dễ dàng.
Nay cứ thuận nhẹ nhàng từng bước,
Để non sông có được ấm êm,
Mọi thứ theo đó nâng lên,
Sau này rồi tính bắt đền được không.
Vai chủ lễ thổ công cầu cúng,
Đàn Nam Giao theo đúng lễ nghi,
Tội nhân ân xá mấy khi,
Thần linh phong sắc chữ ghi mấy dòng.
Lệnh xóa bỏ không mong quỳ lạy,
Trước đức vua là thấy không nên,
Sự ươn hèn đã tiếp thêm,
Mất đi phẩm giá sao quên phận người.
Chỉ ba xá mặt tươi là được,
Cần tự tin mà ngước nhìn vua,
Người Tây tiếp kiến cũng đưa,
Bắt tay chào hỏi lại vừa xã giao.
Lại sắc chỉ biết bao nhiêu đó,
Là phi tần hỏi nhỏ cần chi,
Muốn ở lại hay muốn đi,
Tiên vương đã khuất nay thì ban ân.
Sẽ chu cấp yên tâm hàng tháng,
Cho tới khi khuất dạng mới thôi.
Biết đâu ai đó có đôi,
Sẽ là cải phận đổi đời cũng nên.
Còn móng tay xét trên tiện lợi,
Để quá dài chải bới làm sao,
Râu dài các cụ tuổi cao,
Cũng là bất tiện có nào đẹp đâu.
Nên thay đổi tóc râu gọn ghẽ,
Để dễ làm sạch sẽ bản thân,
Như vậy sức khỏe người dân,
Cũng là cải thiện nâng tầm văn minh.
Rồi dẹp bỏ những đồ lỉnh kỉnh,
Bày biện chi mục đích là khoe,
Gây tò mò đậy với che,
Xem là vô bổ lòe xòe vướng chân.
Chuyện thờ cúng cũng cần giảm bớt,
Để gọn gàng rơi rớt làm chi,
Nhẹ nhàng những việc mấy khi,
Cũng là giảm bớt cái gì không nên.
Nạn hối lộ càng thêm trầm trọng,
Bởi lâu rồi đã lỏng dây cương,
Quan lại cứ thế nhiễu nhương,
Vua đâu tận đấy cầm chương thế nào,
Hòa cả làng nhẹ nhàng có tý,
Cứ mọi bề yên chí là xong,
Các bà thái hậu ngồi trong,
Buông rèm chính sự lòng vòng cũng qua.
Bởi nhàn cư thế là bất thiện,
Cứ bạc bài kiếm chuyện mà moi,
Nợ nần tới mức ai coi,
Cũng là phát hoảng biết đòi làm sao.
Bao khuất tất đưa vào nội các,
Toàn những ngưới kiếm chác loanh quanh,
Đều là bán tước mua danh,
Thường là tranh thủ kiếm nhanh rồi về.
Vua cũng muốn mấy bề chấn chỉnh,
Đạo dụ là chấp chính ngôi vua,
Thay vì thời ấy đã đưa,
Vào tay quan Pháp kẻ thừa dã tâm.
Nhưng cũng lại đưa phần phủ quyết,
Rằng nhà vua dẫu biết phải theo,
Cài các thế chốt các neo,
Ép vào cái kiểu lái lèo tùy nghi.
Chuyến vi hành mang uy hoàng đế,
Phải có lời sắp lễ từ xa,
Vai chủ trên chính nước ta,
Đổi thành vai khách đúng là đớn đau.
Ra Bắc Hà lần đầu thấy được,
Đất nước mình kích thước ra sao,
Tiềm năng lợi thế nhường nao,
Mà nay chẳng thể bước vào tự nhiên.
Để xôm trò chỉ là vai diễn,
Đạo diễn mời mà biết vậy thôi,
Bảo Đại đúng nghĩa than ôi,
Xa vời quá đỗi đâu rồi chính danh.
Hay chỉ muốn xoa lành cho dịu,
Nỗi đau nào bám ríu lòng dân,
Hay là muốn để phân tâm,
Bớt đi ngọn lửa âm thầm bấy nay.
Bởi Yên Bái nơi này đã xử,
Chém mấy người hay chữ vùng lên,
Nguyễn Thái Học mãi khắc tên,
Khắc Nhu cũng vậy dựng nên ngọn cờ.
Nay tất cả phải nhờ quan Pháp,
Cả triều đình tới hạn nhận lương,
Thấp bé đâu có dám cương,
Chỉ vì trói chặt hết đường kêu la.
Còn Hoàng thượng tưởng là ghê gớm,
Cần những gì chỉ chớp là xong,
Đâu ngờ cũng phải trông mong,
Xem đi xét lại vài vòng mới chi.
Còn giao du nay thì cũng khó,
Với cận thần phải có việc chi,
Bút phê của Pháp gửi đi,
Để mà qua lại dễ gì bàn sâu.
Vua héo hắt biết đâu thế sự,
Điện Kiến Trung mà cứ như giam,
Mới về bao sự tính toan,
Mà nay chẳng thể biết làm gì đây.
Bởi đã từng buộc dây cam kết,
Rằng không nghe là hết trò chơi,
Cãi lại là sẽ truất ngôi,
Chứ không có kiểu cứ ngồi vậy đâu.
Nhưng chẳng nhẽ đứng đầu chính thể,
Lại coi là như thế được sao,
Bao nhiêu hoài bão lớn lao,
Về đây cứ tưởng nao nao nỗi buồn.
Muốn làm được phải luồn dưới trướng,
Thôi cũng đành tìm hướng giải vây,
Cải cách bộ máy nơi đây,
Canh tân những muốn việc đầy khó khăn.
Với người già thay bằng người trẻ,
Để song trùng theo lẽ tự nhiên,
Học giả trí thức ưu tiên,
Đưa vào nội các giao quyền từng khâu.
Bùi Bằng Đoàn lời tâu có mặt,
Là Phạm Quỳnh sắp đặt từ trên,
Ngô Đình Diệm cũng có tên,
Thêm hai người nữa đưa lên nắm quyền.
Việc bức thiết ưu tiên cải tổ,
Giáo dục là cái chỗ tiếp theo,
Tư pháp cũng được buông neo,
Chờ cho đến lượt mái chèo nhịp đưa.
Viện dân biểu cũng chưa thành lập,
Nay có lời bàn gấp dựng nên,
Nguyện vọng dân chúng nay thêm,
Có nơi mà để quan trên thấu tình.
Bao kế hoạch lập hình tạo dáng,
Mới khởi đầu dăm tháng chứ bao,
Mà rồi từ thấp đến cao,
Cũng đều xin rút chuyện nào không mong.
Hay có lẽ trong lòng chẳng muốn,
Nhưng bề ngoài lưỡi uốn xin nghe,
Mới mà đã vội quay xe,
Thì sau chung lối đóng bè làm sao.
Chuyện hôn ước đã vào cái độ,
Bậc mẫu nghi là chỗ bận tâm,
Triều đình cho tới thực dân,
Cũng đều nhòm ngó dành phần mối quen.
Rồi sắp đặt mà đem gắn bó,
Vốn là người nơi đó Gò Công,
Họ Nguyễn con cái chẳng đông,
Nhưng bề của nả chắc không ai bằng.
Người công giáo tiếng tăm đã tỏ,
Lại đã từng sang đó Paris,
Mười hai năm bước chân đi,
Để ngày trở lại xuân thì bén duyên.
Hữu Thị Lan nay tuyên đã lựa,
Cả triều đình sao nữa là ai,
Đạo Công giáo sẽ nay mai,
Ai người cúng giỗ lấy ai phụng thờ.
Rồi cứ thế vua lờ phải chịu,
Rước lên ngôi truy cứu làm sao,
Phá luật lệ nay tự trao,
Tấn tôn Hoàng hậu đề cao nữ quyền.
Rồi sắc vàng nay tuyên san sẻ,
Ngày đăng quang cũng sẽ như vua,
Rồng phượng cùng sắc khác xưa,
Bước trên thảm đỏ cùng đưa nhau về.
Nay cũng là yên bề gia thất,
Lại nghĩ về quyến thuộc nơi xa,
Cựu hoàng Thành Thái hỏi ra,
Cũng là vất vả cửa nhà đi thuê.
Nay già cả vẫn bề nheo nhóc,
Con mấy người lăn lóc bờ mương,
Khải Định biết chuyện cảm thương,
Gửi tiền sang giúp đoạn đường cứu sinh.
Nay hết cửa nghĩ tình cốt nhục,
Biên thư này chúc phúc rồi than,
Mong được một chút để an,
Có căn nhà nhỏ thân tàn trú chân.
Hiểu không khéo sẽ tầm như vậy,
Nên thôi thì cứ lấy làm vui,
Ít nhiều vẫn có chỗ lui,
Nếu mà có thể thì lùi tránh xa.
Nên săn bắn xem là tự tại,
Vì nơi này thoải mái là ta,
Thôi thì có chút ít ra,
Trên vùng đất ấy ai là đế vương.
Lại lặn lội bốn phương tám hướng,
Cũng chỉ là ân hưởng mà thôi,
Nơi nào gió thoảng mây trôi,
Là xây biệt điện qua ngồi đón trăng.
Rồi du hí quanh năm suốt tháng,
Trò thể thao từ rạng tới khuya,
Thuyền này tàu nọ xe kia
Máy bay, dù lượn lịch chia cả tuần.
Rồi một ngày bước chân ra đấy,
Lúc về triều lại thấy vào ra,
Rõ ràng cùng một nước da,
Chung dòng mũi tẹt cũng là đồng văn.
Sau mới rõ lằng nhằng có biến,
Chuyện sang tay chẳng biết thực hư,
Thế giới đại cục coi như,
Đã là phân mảnh chia từ lúc nao.
Cõi đông dương nay vào tay Nhật,
Pháp chẳng còn danh phận nổi trôi,
Cho người dò dẫm hỡi ôi,
Đó là sự thực nay rồi tính sao.
Lại có thư người nào mang tới,
Xưng danh là đến bởi niềm tin,
Là đại sứ ý tôn vinh,
Gửi tình hòa hiếu hành trình xa xôi.
Rằng Thiên hoàng dù ngôi xa cách,
Nhưng dõi lòng mà vạch lối ra,
Nền độc lập sẽ nở hoa,
Trên toàn bờ cõi gọi là dành riêng.
Lại thống nhất ba miền xứ sở,
Để nước nam rạng rỡ từ nay,
Khối thịnh vượng sẽ chung tay,
Cho Đại Đông Á chốn này phồn vinh.
Nếu có việc phải bình thiên hạ,
Dẫu vá trời đội đá mà theo,
Tuyên cáo này lấy làm neo,
Việt Nam độc lập sẽ treo cổng thành.
Chẳng biết gì thôi đành cứ ký,
Vì nhìn qua nhiều vị ở đây,
Đại thần đã có mực dây,
Từ trên xuống dưới ký đầy lúc nao.
Cũng ướm hỏi thế nào Cường Để,
Là hoàng thân sao thế không ưa,
Vì ở bên đấy tránh mưa,
Đã từng ủng hộ mới vừa đấy thôi.
Rồi Nam kỳ nay rồi có trả,
Như những lời sắt đá trong kia,
Âm ừ mắt liếc lưỡi lia,
Vét hai bên mép chuyện kìa tính sau.
Bản tuyên cáo đổi màu thay áo,
Hiệp ước nào từ dạo năm xưa,
Quý Mùi hết thứ dây dưa,
Giáp Thân cũng hủy như chưa bao giờ.
Nay tổ quốc giấc mơ độc lập,
Dưới ngọn cờ nước Nhật á châu,
Đất Á đâu phải của Âu,
Mà sang chiếm đóng là câu chung lòng.
Cả bộ máy những mong thay đổi,
Phải dựng người giữ mối mà sai,
Mấy lời góp ý bên tai,
Xóa cờ chơi lại ván bài khác xưa.
Rằng biến cố mới vừa thay đổi,
Đế quốc nào đã mới sinh ra,
Việt Nam nhờ đó bước qua,
Có nền độc lập người ta đưa về.
Dựng nội các mấy bề nhân sĩ,
Định tìm người vẫn nghĩ là nên,
Ngô Đình Diệm nhắc cái tên,
Mà bên người Nhật chẳng thèm gật cho.
Trần Trọng Kim nay dò có thể,
Tổng trưởng là cái ghế dành ban,
Chọn người cứ việc lo toan,
Quẻ Ly cờ ấy nay bàn có nên.
Viện dân biểu gạch tên giải tán,
Hiến pháp gì cứ tạm bỏ qua,
Nền quân chủ vẫn xem ra,
Toàn phần chuyên chế lại là như xưa.
Còn quân đội là chưa ban bệ,
Nền ngoại giao cứ để Nhật trông,
Vậy thì có cũng bằng không,
Khác gì thủa trước như rồng không vây.
Nhật tính bài giật dây các kiểu,
Vét thật nhiều cuốn chiếu đem đi,
Cũng là một giống khác chi,
Là loài ăn cướp khác gì thực dân.
Cũng chỉ biết tranh phần giữ miếng,
Lo cho mình tính chuyện giành nhau,
Nuôi quân cướp sạch cháo rau,
Mặc dân đói khát nỗi đau tày trời.
Còn chính phủ nay thời bất lực,
Chân trong cùm dẫu bực đành thôi,
Miền nam lúa gạo còn dôi,
Cũng không xoay nổi mặt ngồi ngác ngơ.
Để miền bắc trông chờ mòn mỏi,
Hai triệu người nạn đói cướp đi,
Ất Dậu năm ấy khắc ghi,
Muôn đời nhớ một thời kỳ đảo điên.
Đang rục rịch chính quyền mới dựng,
Lại nương nhờ chưa vững bàn tay,
Bỗng đâu nơi đó tin bay,
Bom nào phá hủy cõi này tan hoang.
Lại tuyên bố Potsdam mà ép,
Để Thiên hoàng khép nép dạ vâng,
Đầu hàng tất thảy mệnh tuân,
Thu quân về nước nay tầm dưới cơ.
Viên đại sứ mắt mờ đẫm lệ,
Có mấy lời mà để biệt ly,
Nam kỳ trong thế xét suy,
Nên chưa đổi chủ cũng vì việc riêng.
Nay trống trải binh quyền nơi ấy,
Giao về triều giữ lấy từ nay,
Cho dù dẫu có nói hay,
Nhưng mà chưa thể đất này trị an.
Bởi lực lượng đang làm cách mạng,
Trần Văn Giàu cáng đáng từ lâu,
Len lỏi rễ đã cắm sâu,
Chỉ cần một tiếng là câu nhất tề.
Còn triều đình chưa hề tính chuyện,
Chỉ bề ngoài sao biết được trong,
Nay thì cũng chỉ trông mong,
Ông trời phù hộ dốc lòng mà thôi.
Đại Đông Á nay thôi bỏ đấy,
Ý tưởng này che đậy mà thôi,
Khối thịnh vượng là đầu môi,
Chỉ là chót lưỡi đâu rồi ước mơ.
Kẻ chiến thắng thờ ơ chẳng thiết,
Tuyên bố nào mọi chuyện đề ra,
Cairo ngày đó thông qua,
Đồng minh mấy nước sẽ là bỏ rơi.
Mấy chính thể dưới thời đã dựng,
Nhật đã từng tiếp sức hà hơi,
Chẳng công nhận cứ mặc trôi,
Theo dòng nước cuốn hết thời mất tăm.
Mới đây thôi sợ rằng mất hết,
Nên nghe lời mà hét thật to,
May ra ai đó quăng cho,
Sợi dây mà bám tự lo vào bờ.
Gửi thư này mong chờ công nhận,
Khối Đồng minh thay phận cải duyên,
Trong vô vọng chẳng được yên,
Bặt vô âm tín con thuyền buông xuôi.
Lại nghe ngóng cầm chuôi nguy biến,
Là những người nắm chuyện hiểu sâu,
Tạ Quang Bửu mấy lời tâu,
Nhóm nào kháng chiến lần đầu mới nghe.
Đất Cao Bằng rừng che núi chắn,
Xưng danh là Mặt trận Việt Minh,
Võ Nguyên Giáp nắm quyền binh,
Đã từng khiến Nhật thất kinh mấy lần.
Mối quan hệ nghe thân bên đó,
Khối Đồng minh thấy có Trung Hoa,
Mỹ, Pháp, rồi cả bên ta,
Rằng Phan Kế Toại vừa là Khâm sai.
Nhật vừa rút bóng ai thấp thoáng,
Là Việt Minh tiếp quản nhiều nơi,
Hà Nội trong tiếng lá rơi,
Cờ sao tung cánh rực trời vàng sao.
Còn trong nam chuyện nào mau lẹ,
Cũng nhất tề mạnh mẽ làm sao,
Lại là như giấc chiêm bao,
Cờ sao năm cánh hòa vào tiếng ca.
Nơi thành Huế nay là rung chuyển,
Chẳng còn ai lưu luyến điều chi,
Cả nội các đã bỏ đi,
Chỉ còn một kẻ cũng vì tình thân.
Trong tiếng gió khoảng sân đấy lá,
Lặng như tờ lòng dạ ngổn ngang,
Cổng thành nay đã mở toang,
Chẳng đi đâu nữa sẵn sàng ngồi đây.
Bên Pháp quốc xưa đầy biến loạn,
Cánh cửa nào cách mạng dành cho,
Thế cùng chẳng thể so đo,
Một thân nay hỏi biết lo thế nào.
Lại ngẫm ngợi vì sao mà tỏ,
Mặt trận nào lại có niềm tin,
Việt Nam độc lập đồng minh,
Dẫn đường dân chúng đồng tình đi theo.
Ai lãnh tụ lái lèo cách mạng,
Ai ngọn cờ chiếu sáng Việt Nam,
Đồng minh mấy nước nể nang,
Vì sao lại được rõ ràng thành công.
Thế thượng phong mà không sứt mẻ,
Nắm thực quyền như lẽ tự nhiên,
Phải chăng nhận mệnh trên thiên,
Xuống đây đảm nhận gánh quyền trời nam.
Chiều hôm ấy đang làm phận sự,
Của chính quyền vẫn giữ chủ trương,
Tổng hội Công chức Đông dương,
Ủng hộ hoàng đế dân thường xúm đông.
Rồi chẳng hiểu tay không xuất hiện,
Cướp diễn đàn mà thuyết lọt tai,
Sao vàng cờ đỏ công khai,
Phủ lên quần chúng an bài từ nay.
Cờ quẻ ly nơi này hạ bệ,
Cuộc tuần hành thành lễ biểu dương,
Nhà hát lớn là tấm gương,
Khắp nơi học hỏi soi đường vùng lên.
Vậy là hết ngôi đền tàn lụi,
Vua nỗi gì hắt hủi thế nay,
Chẳng quyền hành phận trắng tay,
Dân thường có lẽ lúc này ước mơ.
Rồi không ngờ nhận tờ điện báo,
Người mang vào nghe bảo từ xa,
Hà Nội đâu đó gửi qua,
Những nhà ái quốc gọi là bày phân.
Lời kêu gọi vì dân mà quyết,
Dời ngai vàng ấn kiếm buông tay,
Phạm Khắc Hòe kẻ bữa nay,
Còn là kề cận lời này nên theo.
Lại đánh điện lời treo trong gió,
Gửi về nơi mà có niềm tin,
Vậy thì bên đó nay xin,
Cử người đại diện kiếm tìm bấy lâu.
Rồi lên điện canh thâu khai bút,
Là những lời như trút tâm can,
Chiếu Thoái Vị trả nước nam,
Về cho dân chúng người đang trị vì.
Nơi Thái Miếu gối quỳ lưng gập,
Nén hương trầm mà thắp tâm can,
Nỗi lòng dâng cả trên ban,
Xin trên độ lượng lòng vàng xét soi.
Rồi cáo thị dân coi mà biết,
Phu Văn Lâu niêm yết lời tuyên,
Kinh thành không tiếng trống chiêng,
Cổng thành bỏ ngỏ uy quyền dần bay.
Chiếu Thoái Vị
Chiếu rằng:
Hạnh-Phúc của dân Việt-Nam
Độc-Lập của nước Việt-Nam
Muốn đạt mục-đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn-sàng hy-sinh hết thảy, và muốn rằng sự hy-sinh của Trẫm phải lợi ích cho Tổ-quốc.
Xét tới sự đoàn-kết toàn-thể quốc-dân trong lúc này là điều tối cần thiết, Trẫm đã tuyên-bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi trong giờ nghiêm-trọng của Lịch-Sử Quốc-Gia: Đoàn-Kết là sống, Chia rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt-vọng dân-chủ của quốc-dân Bắc-Bộ lên cao, nếu Trẫm cứ yên vị đợi một Quốc-Hội thì e rằng khó tránh được sự Nam-Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc-dân lại thuận-lợi cho người ngoài lợi dụng.
Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao Liệt-Thánh đã vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang non-sông đất nước từ Thuận-Hoá tới Hà-Tiên, mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm trời mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm muốn, Trẫm cũng quả-quyết thoái-vị nhường quyền điều-khiển quốc-dân lại cho một Chính-phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa. Trong khi trao quyền lại cho chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có 3 điều sau này:
- Đối với Tôn-Miếu và Lăng-Tẩm của Liệt-Thánh, Chính-phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
- Đối với các đảng-phái đã từng tranh-đấu cho nền độc-lập quốc-gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí, để những phần-tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến-thiết quốc-gia và để tỏ rằng Chính Phủ Dân chủ Cộng hòa nước ta đã xây đắp trên sự đoàn-kết của toàn thể quốc-dân.
- Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến các người trong Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng-hộ triệt-để Chính-phủ Dân-chủ để giữ vững nền Độc-Lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến trẫm và hoàng gia mà sinh sự chia rẽ.
Còn về phần riêng Trẫm trong 20 năm Ngai vàng Bệ-ngọc, đã biết bao lần ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự-do của một nước Độc-Lập, chứ Trẫm nhất quyết không để ai lợi-dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng-Gia mà lung-lạc dân chúng.
Việt-Nam Độc-Lập muôn năm!
Dân-Chủ Cộng-Hoà muôn năm!
Khâm Thử: BẢO ĐẠI.
Người đại diện bên này đã tới,
Dâng mấy từ nay mới về kinh,
Việt Nam độc lập đồng minh,
Gửi lời thông báo đệ trình nhà vua,
Chính phủ mới cũng vừa thành lập,
Chỉ lâm thời giữ phận quyền binh,
Cụ Chủ tịch - Hồ Chí Minh,
Gửi lời thăm hỏi thắm tình đến vua.
Nay vinh hạnh được thưa bệ hạ,
Nhận được lời nên đã vào đây,
Mong rằng tất cả chung tay,
Vì nền độc lập lúc này còn non.
Chút phân vân vẫn còn chưa tỏ,
Hồ Chí Minh người đó là ai,
Lần đầu nghe tiếng bên tai,
Phải chăng đức độ có tài cứu nguy.
Đào Duy Anh nay thì mởi ngỏ,
Ông ấy người vốn có thiện căn,
Hoạt động cũng đã bao năm,
Là người kín đáo chắc rằng thay tên.
Vũ Văn Hiền càng thêm chắc chắn,
Chính xác rằng nói chẳng có sai,
Nguyễn Ái Quốc, đấy chứ ai,
Bôn ba chìm nổi hiền tài nước nam.
Vua Bảo Đại nay làm mừng rỡ,
Đã có người chống đỡ nhiệt tâm,
Lúc đầu có chút phân vân,
Nay thì câu sấm bội phần đã linh.
Rằng lời xưa Trạng Trình ớn lạnh,
Đất Nam Đàn sinh Thánh trời nam,
Thoái vị chiếu ấy đã loan,
Cũng là xứng đáng lòng càng dễ buông.
Trao văn bản cội nguồn gánh nặng,
Gửi hai người đang nắm chủ trương,
Trần Huy Liệu nét pha sương,
Cùng Cù Huy Cận chặng đường cùng đi.
Rồi ý kiến nay vì quốc thể,
Kính xin làm một lễ đơn sơ,
Công bố trong tiếng hoan hô,
Để người dân biết cơ đồ đổi thay.
Cồng Ngọ Môn cờ bay trong nắng,
Đọc mấy lời cảnh lặng người trông,
Trao ấn kiếm trước đám đông,
Trở về cung điện ngai rồng hết thiêng.
Viết mấy lời gửi riêng tôn thất,
Từ đáy lòng cũng rất xót xa,
Nhưng vì quyền lợi quốc gia,
Cũng là bé nhỏ xem là đáng bao.
"Kể từ ngày Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 399 năm. Trong non bốn thế kỷ, Liệt Thánh chúng ta đã trải qua biết bao sự gian lao nguy hiểm, vì nước vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.
Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, trong giờ phút Trẫm bỏ hết, bà con trong Hoàng Tộc, ai nghe cũng phải đau đớn, ngậm ngùi.
Song Trẫm biết rằng: Đó chỉ là cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chớ bà con ta, ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét rộng thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định ba chữ "Dân Vi Quý" làm khẩu hiệu của chánh thể mới sau khi đã tuyên bố "Để Hạnh Phúc Dân Lên Trên Ngai Vàng", nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân.
"Độc lập của nước, Hạnh phúc của dân", vì tám chữ đó mà trong tám chục năm vừa qua biết mấy mươi vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa trong lao tù ngục tối.
Đối với những sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt nữ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường.
Vậy Trẫm muốn bà con trong Hoàng Tộc sau khi nghe lời thoái vị ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa giữ vững nền độc lập cho Tổ Quốc. Thế mới là một cách chân thành cao thượng, giữ chữ Trung với Trẫm, chữ Hiếu với Liệt Thánh.
Việt Nam Độc lập Muôn năm - Dân chủ Cộng hòa Muôn năm.
Khâm thử: Bảo Đại"
Dời cung vàng chân sao khó nhấc,
Mọi gia nhân danh phận tùy nghi,
Từ Cung lặng lẽ bước đi,
Nam Phương ứa lệ nay thì về đâu.
Vậy là hết sắc màu rực rỡ,
Kể từ ngày hăm hở vào nam,
Còn lại mãi vết thời gian,
Mở mang cơ nghiệp Nguyễn Hoàng đến nay.
Thời quân chủ đến ngày chấm dứt,
Mấy nghìn năm cũng thực vinh quang,
Một thời đại mới sang trang,
Rạng danh dân chủ vẻ vang cộng hòa.
Hết
Bình luận của bạn