Con Hồng Cháu Lạc

Thứ 4, 09/04/2025, 11:33 (GMT+7)

Chia sẻ

KTS Nguyễn Khánh Toàn Với tinh thần "Tùy Duyên Mà Khởi", với tư tưởng "Trăm Trứng" gắn với "Triết lý Cộng Sinh" đầy nhân bản, bộ truyện thơ này được giới học giả và văn chương đánh giá là tác phẩm đầu tiên và duy nhất hiện nay viết về văn hóa và lịch sử dân tộc theo thể thơ song thất lục bát, một thể thơ cổ điển và truyền thống tiêu biểu cho văn học thi ca của dân tộc dưới dạng truyện thơ theo thể chương hồi có quy mô đồ sộ và hoành tráng.

Chân dung KTS Nguyễn Khánh Toàn

Một số công trình của KTS Nguyễn Khánh Toàn

Nguyễn Khánh Toàn vốn được được biết đến như một kiến trúc sư xuất hiện ở nhiều lĩnh vực thiết kế từ trùng tu những công trình tôn giáo tín ngưỡng cho đến sáng tác những công trình hiện đại mang tính cộng sinh với môi trường. Bên cạnh đó, anh còn được biết đến với vai trò là tác giả của dòng tranh Toàn Ếch - dòng tranh kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại.

Dòng tranh Toàn Ếch

Bộ truyện thơ lịch sử Con Hồng Cháu Lạc (hiện đang tạm dừng ở Phần 5)

Phần 1: Bình minh lịch sử, thời kỳ Hùng Vương với các huyền tích cho tới khởi nghĩa của Bà Triệu;
Phần 2: Thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc với các cuộc khởi nghĩa cho tới sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt;
Phần 3: Thời kỳ nhà Tiền Lê, kỷ nguyên nhà Lý cho tới lúc suy tàn;
Phần 4: Thời kỳ nhà Trần, cho tới khởi nghĩa Lam Sơn;
Phần 5: Thời kỳ nhà Hậu Lê cho tới khi nhà Nguyễn lên ngôi kế nghiệp;
Phần 6: Thời kỳ nhà Nguyễn cho tới khi ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
Phần kết: Xã hội Cộng Sinh

KHÉP LẠI HAI MƯƠI NĂM
“CON HỒNG CHÁU LẠC”

Thấm thoát đã hai thập kỷ !

Năm 2004, một chàng trai 27 tuổi, một kiến trúc sư đang lập nghiệp, có khuôn mặt đẹp nhưng ngay từ ngày đó, trong lời giới thiệu tôi đã nhận xét “ ngầu ngầu”… đến gặp tôi mang theo một tập bản thảo với nhan đề “Con Hồng Cháu Lạc”. Tập bản thảo đề rõ là “Phần II” từ chương 7 đến 13 viết về tiến trình xây dựng nền tự chủ từ Lý Nam Đế với nước Vạn Xuân đến Đinh Tiên Hoàng đế và Đại Cồ Việt. Hơn thế, sách của anh ấy lại thuộc thể loại “truyện thơ lịch sử”. Như thế là “Phần I” có 6 chương đã xuất bản! Đúng vậy, không bao lâu sau đó, cuốn sách vừa ra khỏi nhà in đã ngay ngắn được đặt trước măt tôi với độ dài chừng 320 trang. Tác giả của cuốn sách đó là kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn, sinh năm 1977.

Tôi phải dùng chữ “ngầu ngầu” không mang nghĩa phản cảm mà chỉ thấy có gì khác thường trong quan niệm của mình về giới trẻ. Hơn nữa nghề nghiệp của anh bạn này lại là kiến trúc sư, một thứ nghề rất khắt khe về quy chuẩn thiết kế nhưng cũng lại đòi hỏi phải bay bổng với nhiếu ý tưởng mới mẻ và sáng tạo. Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm cách đây 20 năm cũng là lúc xã hội đang nhức nhối quan tâm quanh câu hỏi: “liệu giới trẻ có quay lưng lại với lịch sử không ?”, giữa khi các phương tiện thông tin xã hội đang khai thác những con số thống kê cho thấy tình trạng chán học môn sử, “dốt” sử nước nhà nhưng lại thạo sử của thiên hạ … của cac bạn trẻ.
Vậy mà một chàng trai ở chặng đường khởi nghiệp lại để thời gian ngồi làm thơ, mà lại là thơ lịch sử nên đúng như cách nói của đám trẻ ngày ấy là thấy có cái gì “sai sai”, khác thường. Và người viết lời giới thiệu cho tập đầu này lại là bạn đồng nghiệp của tôi, Gs Ts Nguyễn Hải Kế (nay đã quá cố) cũng bày tỏ nỗi ngạc nhiên như tôi, khi viết lời khẳng định : “Cuốn sách bạn đang cầm trên tay, là một ví dụ ít ỏi nhưng ngược lại với tình trạng trên”, đó là tình trạng các bạn trẻ không thích học , và thiếu hiểu biết lịch sử…

Rồi không bao lâu sau, “phần II” của ”Con Hồng cháu Lạc” “ lại hiển hiện trong một cuốn sách dày dạn hơn trước có in lời giới thiệu của tôi. Ngoài sự khích lệ, trong lời giới thiệu tôi cũng tỏ ý băn khoăn khi làm con tính, mới chi từ thời Vua Hùng dựng nước đến Đinh Tiên Hoàng để thiết lập nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên trên đất Hoa Lư, tác giả đã phải viết tới 2 cuốn sách cộng lại dày tới hơn sáu trăm trang thì còn phải có bao nhiêu khổ thơ, trang giấy và tập sách nữa mới đến được cái mốc mà tác giả ấn định là kết thúc Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là thời điểm khai sinh nền Cộng hoà-Dân chủ, mở ra một trang sử mới của nước Việt Nam hiện đại.

Ấy vậy mà , giờ đây tập bản thảo “phần VI” đã có trên tay tôi và tác giả dành cho tôi viết lời giới thiệu, như tôi hiểu là khép lại một công trình dày tới 6 tập thơ, tổng cộng trang viết theo thể song thất lục bát rất cổ điển, nặng tính dân gian nhưng lại đòi hỏi niêm luật rất chặt chẽ… Nhưng điều tôi cũng muốn để làm việc ấy, tác giả cũng dành trọn 20 năm kể từ khi phần đầu ra mắt.

Giống như người đồng nghiệp đã quá cố của tôi, Gs Nguyễn Hải Kế chia sẻ 2 thập kỷ về trước, chúng tôi ít hiểu sâu về thi ca nên khó bình luận về chất lượng nghệ thuật làm thơ nhưng nhận thức rất sâu sắc rằng nếu không có được một kiến thức vững vàng về lịch sử và tình yêu đối với lịch sử dân tộc thì không thể làm nên một bộ sử thi (hiểu theo đúng nghĩa) đồ sộ như thế này. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm với tư cách một người trọn đời làm công việc “động chạm” với sử sách rằng Lịch sử không đến nỗi chỉ như một “cái đinh” để treo lên một tác phẩm văn chương như ai đó ví von mà nếu phải mô tả gần với cách ví von đó thì Lịch sử tựa như một cái tủ có sẵn các ngăn, các giá treo… mà mọi tri thức về lịch sử phải được sắp đặt sao cho hợp lý, cho “khéo” để thuyết phục được người đọc khi chiêm ngưỡng tin đó là sự thật. Đó là một khoa học nhưng cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật (sắp đặt) cho khéo.

Kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn đặt bút mở đầu cho “Con Hồng Cháu Lạc” khi đang đứng trước ngưỡng tuổi “tam thập nhi lập”. Nay khép lại tác phẩm của mình cũng đang đứng trước cái ngưỡng “ngũ thập chi…” không biết niềm đam mê viết sử bằng thơ của Anh có còn nữa hay không và có tác phẩm nào sẽ ra trong tương lai không ? Tôi không biết. Nhưng ngẫm lại thấy cái Nghề kiến trúc sư của Nguyễn Khánh Toàn rất hợp duyên với cái đam mê đã thành hiện thực tựa như cái Nghiệp mà anh phải gánh vác. Đó là phẩm chất của người kiến trúc sư với người viết sử (dù bất kể thể loại nào) cũng đếu phải có : rất khắt khe về quy chuẩn…nhưng cũng phái rất “bay bổng” bởi những cái mới mẻ và sáng tạo, trong cách thể hiện của minh.

Chia sẻ niềm vui với tác giả, Kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn, giờ đây đã là một kiến trúc sư dày dạn tay nghề, chủ một doanh nghiệp thiết kế công trình…đã hoàn thành tác phẩm “để đời” của mình cũng là khép lại 20 năm chắc chắn là đầy gian nan cũng đầy năng lượng sáng tạo. Và tin rằng pho sử thi “Con Hồng Cháu Lạc” sẽ tiếp tục để lại dấu ấn trong cuộc đời nghề nghiệp lâu dài của Anh cũng như cho các thế hệ bạn đọc hôm nay và…mai sau.

Thu 2024
Dương Trung Quốc

Bình luận của bạn

Tin khác