Đầu thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam có những chuyển biến quan trọng với nhiều sự kiện xảy ra ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ngọn cờ Cần Vương thất bại, dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản, đặc biệt là từ Trung Quốc và Nhật Bản, phong trào yêu nước ở Việt Nam dần chuyển sang khuynh hướng mới: đấu tranh đòi canh tân đất nước, mở trường học, lập hội buôn, đưa thanh niên xuất dương cầu viện… Lúc này, giáo dục yêu nước đã hòa nhập trong phong trào yêu nước của cả dân tộc, tiêu biểu là các phong trào Đông du, phong trào Duy Tân với các trường học Duy tân ở miền Trung như Dục Thanh ở Phan Thiết, Phước Bình, Phú Lâm, Diên Phong ở Quảng Nam... và đặc biệt là trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) ở Hà Nội năm 1907.
Về ĐKNT, từ trước tới nay, chúng ta đã có một số công trình nghiên cứu được xuất bản[1] và một số bài chuyên khảo về ngôi trường này trên một số trang mạng[2]. Trong các công trình nói trên, ĐKNT chủ yếu được khai thác dưới góc độ của một phong trào yêu nước và là một bộ phận của phong trào Duy Tân ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, nội dung những bài giảng của ĐKNT hướng tới việc vận động xã hội bãi bỏ lối học từ chương trong khoa cử, bài trừ hủ tục, kêu gọi học chữ Quốc ngữ, du nhập những tư tưởng cách mạng, cổ vũ tính tự cường, ý chí độc lập, nên ĐKNT còn được xem là cuộc cách mạng về giáo dục đầu tiên của người Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Một vấn đề cần lưu ý từ các nghiên cứu nói trên, đó là nguồn tư liệu để các tác giả viết về ĐKNT hầu hết đều là nguồn thông tin thứ cấp (ấn phẩm, báo chí...), một số sự kiện chưa rõ ràng, thiếu trích dẫn khoa học. Vì vậy, bài viết này sẽ khai thác một số phông tài liệu của Pháp và một số ấn phẩm định kỳ xuất bản trước năm 1945 hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (TTLTQG I) nhằm khắc phục một phần tình trạng trên[3].
Kỳ I: Các mốc thời gian, tác giả thành lập Trường và văn thơ ĐKNT ở Hà Nội trong tài liệu lưu trữ.
Các mốc thời gian
Về thời gian bắt đầu hoạt động của Trường ĐKNT, đa số các nghiên cứu trước đây cho rằng ĐKNT khai giảng vào tháng 3-1907 và khoảng tháng 5-1907 thì Trường nhận được giấy phép của chính quyền thực dân. Tuy nhiên theo TLLT, ĐKNT bắt đầu hoạt động từ khoảng đầu tháng 4-1907. Điều này căn cứ vào báo cáo ngày 27-4-1907 của Trưởng phòng Các công việc người bản xứ[4] Vincenti gửi Đốc lý Hà Nội[5] trong đó có nhắc tới báo cáo của Phố trưởng phố Hàng Đào[6], nguyên văn như sau: “Một trường học đã được mở, từ hai tuần nay, tại số 10 phố Hàng Đào, bởi ông Lương Văn Can, cử nhân, 60 tuổi, là người nổi tiếng xuất sắc trong khu phố.
Trường mở cửa ban ngày cho khoảng 50 trẻ em trai và gái, và hàng trăm người lớn vào buổi tối từ 7 đến 9 giờ.
Các lớp học đều miễn phí”[7].
Cũng theo báo cáo, Phố trưởng phố Hàng Đào đã yêu cầu Hiệu trưởng trình giấy phép mở Trường nhưng vị Hiệu trưởng cho biết “đã báo cáo lên Giám đốc Học chính[8] và thậm chí Giám đốc đã đến thăm trường” nhưng cho đến tận thời điểm đó, Trường vẫn chưa có giấy phép của Đốc lý Hà Nội.
Tác giả lám đơn xin mở Trường ĐKNT ở Hà Nội 1907
Về tác giả lá đơn xin mở ĐKNT, có sách viết: “Về việc ai là người “đảm nhiệm xin giấy phép mở trường”, có ý kiến cho là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn, những người có tên trong số “sáng lập viên” ĐKNT, đồng thời lại là những công chức của Pháp, nên việc đứng tên xin giấy phép mở trường sẽ được chính quyền bảo hộ chấp thuận dễ dàng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Quyền, một vị “Huấn đạo” hồi hưu và Trần Đình Đức cũng vẫn là “một giáo học chữ Pháp”, một “nhân viên Sở Địa dư” của Pháp đứng ra xin phép mở trường, chắc người Pháp cũng không đến nỗi e ngại khi duyệt y ”[9].
TLTL đã làm sáng tỏ điều này, căn cứ vào một lá đơn có nội dung như sau:
“Hà Nội ngày 1-5-1907
Gửi Ông Đốc lý thành phố Hà Nội
Thưa Ông Đốc lý,
Chúng tôi Nguyễn Quyền và Trần Hữu Đức ký tên dưới đây trân trọng kính xin sự ưu ái của Ông một việc như sau.
Căn cứ vào Nghị định ngày 31-5-1906 về cải cách giáo dục bản xứ và cho phép mở trường tư, chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu Ông cho phép thành lập một trường tư tại số 10 phố Hàng Đào để dậy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán theo chương trình mới đã được Toàn quyền[10] chuẩn y.
Xin Ông vui lòng chấp nhận, thưa ông Đốc lý, sự tôn trọng và những tình cảm trân trọng nhất của chúng tôi.
Nguyễn Quyền (cựu Huấn đạo) và Trần Hữu Đức (giáo viên trường Sư phạm Hà Nội)”[11].
Đơn xin mở Trường ĐKNT của Nguyễn Quyền và Trần Hữu Đức viết ngày 1-5-1907. Fonds du Service de l’Enseignement au Tonkin (SET), hs: 245.
Có một chi tiết gần như chưa từng được nhắc tới trong các nghiên cứu trước, đó là sự kiện xin được mở cửa lại Trường của một số người tham gia lãnh đạo ĐKNT, sau khi Trường bị cấm hoạt động một thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ lãnh đạo ĐKNT đã hoạt động tích cực nhằm mở lại Trường. Sự kiện này được nhắc tới trong trong công văn số 2315 ngày 26-3-1908 của Thống sứ Bắc Kỳ[12] gửi Đốc lý Hà Nội, nguyên văn như sau:
“Bằng thư số 212 ngày 11-1 vừa qua[13], Ông có chuyển cho tôi đơn xin mở lại trường ĐKNT của NGUYỄN-VĂN-VĨNH, DÔ-THÂN, LÊ-LUONG-THÊ, LUONG-NGOC-CAN và PHAN-CHU-TRINH[14].
Tôi hân hạnh báo cho Ông được biết, hiện chính quyền đang soạn thảo một quy định dành cho các trường tư nên yêu cầu được trình bày bởi những người bản xứ có tên nêu trên không thể được kiểm tra một cách hữu ích cho đến khi các quy định đề cập được thông qua.
Hơn nữa, chương trình học tập của ĐKNT do những người sáng lập ra nó soạn ra có chứa một số điều khoản mà tôi chưa thể chấp thuận.”[15]
Đơn xin cho ĐKNT được mở cửa trở lại chính thức bị Thống sứ Bắc Kỳ bãi bỏ trong công văn gửi Đốc lý Hà Nội ngày 4-4-1908[16].
Công văn số 2315 ngày 26-3-1908 của Thống sứ BK gửi Đốc lý HN về đơn xin phép mở lại Trường của một số người tham gia lãnh đạo ĐKNT. SET, hs: 245.
Văn thơ ĐKNT trong TLLT
Là một trường tư hợp pháp, xuất hiện công khai ở Hà Nội nhưng ĐKNT đã có tiếng vang lan rộng khắp cả nước về mặt văn hóa. Tuy nhiên, vì chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn (từ đầu tháng 4 đến tháng 12-1907) nên ngoài những bài giảng, văn thơ của ĐKNT còn lưu truyền trong dân gian và được tập hợp lại trong các tác phẩm đã nêu ở phần đầu bài viết, chỉ có cuốn “Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục” của Cục Lưu trữ nhà nước là được biên soạn từ TLLT[17]. Cuốn sách này cung cấp cho độc giả nội dung 3 ấn phẩm của ĐKNT nằm trong các hồ sơ lưu trữ sau:
Tân đính Luân lý giáo khoa[18]: thuộc hồ sơ 2629 Phông Tòa Công sứ Nam Định[19], và được công bố lần đầu tiên, gồm 26 bài với nhiều chủ đề khác nhau nhưng đều tập trung vào việc giáo dục tuyên truyền đạo đức, tư cách của người dân trong thời kỳ mới. Sách được khắc in bản gỗ, chữ Hán, khổ 15x26, gồm 72 trang (36 tờ).
Quốc dân độc bản: thuộc hồ sơ 56247 Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ[20] gồm 79 bài nội dung đề cập tới nhiều vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, giáo dục… nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức đổi mới, tự lực tự cường trong nhân dân[21]. Sách được khắc in bản gỗ, chữ Hán, khổ 15x26, gồm hai tập thượng (từ mục 1 đến 37) và hạ (từ mục 38 đến 79).
Quốc văn tập độc: thuộc hồ sơ 2705 Phông Tòa Công sứ Hà Đông[22] gồm 19 bài thơ viết bằng chữ Quốc ngữ do ĐKNT tuyển chọn, biên soạn và ấn hành trong lần đầu tiên năm 1907[23], nội dung kêu gọi yêu nước, đoàn kết, khuyến khích học tập chữ Quốc ngữ, khoa học kỹ thuật mới, đọc báo, khuyên răn bỏ những thói hư tật xấu như rượu chè, nghiện ngập thuốc phiện…, bám sát phương châm cuộc vận động Duy tân đầu thế kỷ XX ở VN.
Bìa cuốn sách viết bằng chữ QN có tên “Quyển sách khóc bảo người trong nước mười đều”. RND, hs: 2629.
Một điểm cần lưu ý là tất cả các bài thơ được ĐKNT tuyển chọn và in trong tập sách này đều không ghi tên tác giả, có thể để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm thấy một bài thơ khác có cùng thời gian với ĐKNT được đính kèm theo báo cáo viết ngày 8-1-1908 của Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh gửi Công sứ Pháp ở tỉnh này về nội dung cuộc thẩm vấn 4 người[24] bị chính quyền thực dân bắt giữ trong tháng 11-1907 với cáo buộc “đã sao lại những bài văn mang tính bạo loạn và đã loan truyền cho những kẻ khác”[25]. Theo lời khai của Nguyên-Ich-Tư, 28 tuổi, làm nghề buôn bán, nguyên quán làng Gia-Thượng, phủ Gia-Lâm thì kể từ tháng 6-1907, người này thường qua Trường ĐKNT ở phố Hàng Đào để “nghe giảng về những sách có nội dung mới trước một số đông người”. Sau đó, Nguyên-Ich-Tư đã đến ĐKNT tất cả các ngày chủ nhật để “lấy bản sao của những cuốn sách đã yêu cầu người giải thích[26] cho mượn và đóng lại thành sách để đọc”. Kèm theo báo cáo của Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh là cuốn sách viết bằng chữ Quốc ngữ có tên “Quyển sách khóc bảo người trong nước mười đều”[27] với lời cuối: “Quyển sách này một mặt viết chữ Quốc ngữ, một mặt viết chữ Nôm để tiện cho người nhà quê xem”.
Lời khai của Nguyên-Ich-Tư, 28 tuổi, làm nghề buôn bán, nguyên quán làng Gia-Thượng, phủ Gia-Lâm trong cuộc thẩm vấn được đính kèm theo báo cáo viết ngày 8-1-1908 của Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh gửi Công sứ Pháp về Trường ĐKNT ở HN. Fonds de la Résidence de Namdinh (RND), hs: 2629.
Những tài liệu lưu trữ được trích dẫn trên đây là những căn cứ khoa học để chứng minh rằng:
- Trường ĐKNT ở Hà Nội do Lương Văn Can mở miễn phí trước khi được chính quyền thực dân cấp phép tại số 10 phố Hàng Đào. Trường bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 4-1907, ban ngày dạy cho khoảng 50 trẻ em trai và gái, và hàng trăm người lớn vào buổi tối từ 7 đến 9 giờ.
- Tác giả viết đơn chính thức xin mở ĐKNT là cựu Huấn đạo Nguyễn Quyền và giáo viên trường Sư phạm Hà Nội Trần Hữu Đức, căn cứ vào Nghị định ngày 31-5-1906 của chính quyền thuộc địa về cải cách giáo dục bản xứ và cho phép mở trường tư, để dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán theo chương trình mới đã được Toàn quyền chuẩn y.
- Sau chưa đầy một năm hoạt động nhưng do sức lan tỏa rất lớn nên Trường ĐKNT đã bị chính quyền thực dân đóng cửa. Các nhà lãnh đạo ĐKNT đã có những động thái tích cực nhằm mở lại Trường song đã bị từ chối, điều này chứng tỏ chính quyền thực dân lo sợ ảnh hưởng của ĐKNT sẽ lan rộng. Thực tế lịch sử cho thấy lo ngại của chính quyền thực dân đã trở thành hiện thực.
Kỳ II: Phản ứng của chính quyền thực dân đối với ĐKNT. Một vài nhận xét.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I.Tài liệu lưu trữ
1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội - Việt Nam)
- Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin (RST), hs: 245.
- Fonds de la Mairie de Hanoi (MHN), hs: 3548.
- Fonds du Service de l’Enseignement au Tonkin (SET), hs: 245.
- Fonds de la Résidence de Namdinh (RND), hs: 2629.
- Fonds de la Résidence de Hadong (RHD), hs: 2708.
2. Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre Mer - ANOM) tại Aix-en Provence :
- Fonds du Gouvernement général de l’Indochine (GGI), dossier: 21518.
II. Ấn phẩm định kỳ
- Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF), 1862 và 1863.
- Journal officiel de l’Indochine française (JOIF), 1906.
III. Sách và các bài viết
- Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Hà Nội, 2015.
- Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam - Viện Viễn đông Bác cổ Pháp “Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục”, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997.
- Trinh Van Thao, L’école française en Indochine, Éditions Karthala, Paris, 1995.
- Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016.
- Gilles De Gantès, Phuong Ngoc Nguyen, La Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Hội Trí Tri, 1892-1946), une autre version de l’action moderniste, Presses universitaires de Provence. https://books.openedition.org/pup/6669?lang=en
- Nguyễn Hải Hoành, Đông Kinh Nghĩa Thục: cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam, https://nghiencuuquocte.org/2017/07/24/dong-kinh-nghia-thuc-cach-mang-giao-duc/ 24/07/2017
- Nguyễn Hải Hoành, Tính chất cách mạng, tiến bộ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, https://nghiencuuquocte.org/2020/08/12/tinh-chat-cach-mang-tien-bo-cua-phong-trao-dong-kinh-nghia-thuc/ 12/08/2020.
[1] Đào Trinh Nhất, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, 1937; Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, Nxb Văn hóa Thông tin, 1997; Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa Thông tin, 1997; Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002…
[2] Nguyễn Hải Hoành, Đông Kinh Nghĩa Thục: cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam, https://nghiencuuquocte.org/2017/07/24/dong-kinh-nghia-thuc-cach-mang-giao-duc/ , 24/07/2017
Nguyễn Hải Hoành, Tính chất cách mạng, tiến bộ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, https://nghiencuuquocte.org/2020/08/12/tinh-chat-cach-mang-tien-bo-cua-phong-trao-dong-kinh-nghia-thuc/ 12/08/2020.
[3] Bài viết không đề cập sâu tới những vấn đề như mục đích thành lập, cơ cấu tổ chức, đội ngũ giáo viên, nội dung các bài giảng của ĐKNT… đã có trong các sách, bài viết từ trước tới nay về ĐKNT.
[4] Chef du Bureau des Affaires Indigènes.
[5] Administrateur-Maire de la Ville de Hanoi.
[6] Chef de la rue du Soie.
[7] Fonds du Service de l’Enseignement au Tonkin (SET), hs: 245. Tiêu đề: “A/s réouverture de l’École Đông Kinh Nghĩa Thục sis à la rue de la Soie de Hanoi 1907-1908” (Về việc mở lại trường ĐKNT ở phố Hàng Đào Hà Nội năm 1907-1908).
[8] Directeur de l‘Enseignement au Tonkin.
[9] Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Hà Nội, 2015, tr. 36.
[10] Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l’Indochine) năm 1908 là Louis Alphonse Bonhoure.
[11] SET, tài liệu đã dẫn.
[12] Thống sứ Bắc Kỳ (Résident Supérieur au Tonkin) năm 1908 là Louis Jules Morel.
[13] Tức ngày 11-1-1908. Điều này chứng tỏ ĐKNT bị đình chỉ hoạt động vào khoảng tháng 12-1907.
[14] Tên được đánh máy nguyên văn trong tài liệu.
[15] SET, tlđd. Sự kiện này cũng được nhắc tới trong “Exposé de M. Nguyễn-văn-Vĩnh sur la société Ðông Kinh Nghĩa Thục qui vient d’être fermée par mesure administrative. Réfutation des accusations portées contre lui (11 décembre 1907)”. Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre Mer - ANOM) tại Aix-en Provence, Fonds du Gouvernement général de l’Indochine (GGI), dossier: 21 518.
[16] SET, tlđd.
[17] Cục LTNN Việt Nam - Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa, 1997. Cuốn sách được xuất bản với sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp tại CHXHCN Việt Nam.
[18] Tức sách Luân lý giáo khoa có sửa chữa, ngụ ý nội dung sách có những điểm đổi mới so với các sách luân lý cũ, phù hợp với xu hướng cải cách đổi mới của ĐKNT.
[19] Fonds de la Résidence de Namdinh (RND), tiêu đề: “Pamphlets et libelles contre le Gouvernement Protectorat français saisie dans le huyện, phủ de Namdinh en 1906-1908” (Các bài văn đả kích và các bài nhục mạ Chính phủ Bảo hộ Pháp tại các huyện, phủ tỉnh Nam Định năm 1906-1908).
[20] Fonds de la Résidence Supérieure du Tonkin (RST), tiêu đề: “Dossier Đề Thám. Documents en caractères chinois saisis en 1913” (Hồ sơ Đề Thám, các tài liệu chữ Hán tịch thu năm 1913).
[21] Viện Nghiên cứu Hán-Nôm có một bản, nhà Sử học Chương Thâu đã công bố 20 bài trong tổng số 79 bài của sách.
[22] Fonds de la Résidence de Hadong (RHD), tiêu đề: “Brochure Quốc văn tập độc”, éditée par la Société en 1907”.
[23] Bản in nguyên cảo của Nhà in Tân Tiến, số 244 phố Hàng Đào.
[24] Tên riêng 4 người được đánh máy không dấu nguyên văn trong TLLT, gồm: Nguyên-van-Thê, Trân-Ngoc-Môn, Lê-van-Duyên và Nguyên-Ich-Tư.
[25] RND, tlđd.
[26] Chỉ thành viên tham gia ĐKNT.
[27] Tức 10 điều.
Nguồn - TS. Đào Thị Diến
Bình luận của bạn