Hồ Gươm nơi địa linh nhân kiệt, đã ghi dấu nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm sống và làm việc tại Thủ đô. Tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, sát cạnh Hồ Gươm, năm 1945, Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến những năm sau này Bác Hồ đã ở và làm việc tại nhiều địa điểm, đến thăm cán bộ, nhân viên và làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị chung quanh khu vực Hồ Gươm. Dựa trên các sách, báo, bài viết chúng tôi sưu tầm được (chưa đầy đủ) xin giới thiệu những địa điểm nói trên.
Khách thăm quan gian trưng bày ảnh và hiện vật của Bác tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang
Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập tại số nhà 48 phố Hàng Ngang
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nằm giữa trung tâm phố cổ của Hà Nội. Trong Cách mạng Tháng Tám, người chủ ngôi nhà này là ông, bà Trịnh Văn Bô. Gia đình ông, bà là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Ngôi nhà có vị trí thuận lợi, hai cửa thông ra hai con phố (48 Hàng Ngang và 35 Hàng Cân). Từ những điều kiện nói trên, Trung ương Đảng chọn ngôi nhà này làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, từ 25-8-1945 đến đầu tháng 9-1945. Tại ngôi nhà này, Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội và đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới; về tổ chức ngày Lễ Độc lập. Tại một căn phòng trên tầng hai của ngôi nhà, Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong cuốn sách Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Quân Đội Nhân Dân) có kể câu chuyện trong thời gian Bác ở đây:
“Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi”.
Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết. Bác ngồi viết ở bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh kê ở góc buồng. Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó…
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi ở đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ.
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH/QĐ ngày 29-4-1979.
Bác Hồ đi giao thừa ở Hồ Gươm
Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 126, có ghi (dựa theo thông tin từ Báo Cứu quốc, số 155, ngày 5-2-1946 và số 156, ngày 6-2-1946): Chiều 30, tháng Chạp năm Ất Dậu, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được một bức thêu bằng lụa đỏ, thêu bài thơ thất ngôn bát cú, nhan đề: Kính tặng các bậc Anh hùng dân tộc của nữ thi sĩ Ngân Giang. Người làm hai câu thơ tặng lại: “Gửi lời cảm tạ Ngân Giang,/ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa (nay là ngõ Lương Sử C); một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông); một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy.
Gần giờ Giao thừa, Người cải trang đến thăm Đền Ngọc Sơn, cùng bà con Hà Nội đón Giao thừa. Việc Bác cải trang thành người dân bình thường đi đón Giao thừa độc lập đầu tiên năm 1946 đã được nhắc đến trong hồi ký của các đồng chí Vũ Đình Huỳnh và đồng chí Vũ Kỳ. Trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập II, NXB Chính trị quốc gia 2005, có công bố hồi ký của hai đồng chí nói trên. Trong hồi ký của mình đồng chí nào cũng cho rằng mình là người duy nhất được cùng Bác Hồ đi đón Giao thừa. Trong khi chưa xác định đồng chí nào được cùng Bác đi đón giao thừa, dưới đây chúng tôi xin trích đăng hồi ký của đồng chí Vũ Đình Huỳnh: “… Buổi chiều tôi chạy quanh mấy nơi, kiếm được cho Bác một cái áo the (tức là áo dài nam kiểu cổ may bằng hàng the), một cái khăn xếp và một cái ba-đơ-xuy bằng dạ. Để che bộ râu của Bác đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội, nhất là các cháu thiếu nhi, tôi đưa cho bác cái khăn quàng len của tôi, nhân thể bảo vệ cổ, một công đôi việc. Bác cải trang thử, đi đi lại lại trước tấm gương lớn đặt trong phòng khánh tiết của Bắc Bộ phủ vẻ hài lòng… Thử cải trang xong, Bác cởi ra, lại tiếp tục làm việc… Gần 10 giờ tối, tôi mới đưa Bác đi ngắm cảnh Giao thừa. Để bảo đảm bí mật, tôi dẫn Bác đi theo lối sau, thông sang bên Phủ Thống sứ. Đi theo chúng tôi ở một quãng cách xa có mấy đồng chí bảo vệ. Tôi dặn họ cũng cải trang như những người đi chùa ngày Tết, đừng để Bác biết. Mặc dầu là trong ngày Tết, tôi có đủ lý do chính đáng để lo lắng cho sự an toàn của Bác. Anh Lê Giản, phụ trách công an cho tôi biết một số tên Quốc dân Đảng bị bắt đã khai, chúng có nghe thấy cấp trên của chúng bàn bạc về một vụ mưu sát nhằm vào những người lãnh đạo nhà nước cách mạng, trước hết là Bác Hồ. Trong khi đó thì Bác lại có vẻ rất coi thường mọi chuyện, không thích trong cuộc du xuân có bảo vệ đi kèm một bên.
Tết độc lập đầu tiên Hồ Gươm được trang hoàng rất đẹp. Người đi lễ nườm nượp. Tôi và Bác chen vai thích cánh với các thiện nam tín nữ qua cầu Thê Húc vào Đền Ngọc Sơn… Mặc dầu tôi lo lắng, tuy vậy không ai nhận ra ông già nửa quê, nửa tỉnh trong bộ diện mà Bác khoác lên người. Cái khăn quàng len được quấn kỹ, che cả cằm, cả miệng Bác. Tôi chỉ thấy mắt Bác sáng lên lấp lánh trước quang cảnh của ngày hội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đặt chân lên đất Thủ đô, Bác được đi lẫn trong dân như một người dân để thăm thú những gì là Hà Nội. Bác dừng lại lâu trước những tấm bia, đọc các câu đối, rồi ra đứng ngắm mặt nước hồ lăn tăn ánh điện... Hà Nội đẹp lắm, Bác quay lại nói với tôi. Chúng tôi đi bách bộ quanh hồ một lát, dưới những bóng tối thưa mảnh của hàng liễu, rồi vui chân đến đền Bạch Mã. Trên đường đi Bác nói: “Mình bây giờ mới biết đồng bào Hà Nội ăn Tết như thế nào, hái lộc ra sao… vui quá!”.
Bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945
Bác Hồ ở và làm việc tại nhà số 8 phố Lê Thái Tổ
Nhà số 8 phố Lê Thái Tổ là một di tích lịch sử quan trọng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng. Xưa kia, phố Lê Thái Tổ vốn được gọi là đường Vua Lê hay đường Bờ Hồ, thuộc phần đất của các thôn Khánh Thụy tả, Khánh Thụy hữu, Tự Tháp, Phúc Phố, Tô Mộc. Tất cả những thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích nhà số 8 phố Lê Thái Tổ hiện nay không còn nữa nên việc xác định niên đại xây dựng của ngôi nhà chưa cụ thể. Đây vốn là ngôi biệt thự của viên Chánh án người Pháp, có diện tích trên 2.000 m2, kiến trúc 2 tầng với 8 phòng thoáng rộng. Có thể nhà được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ XX, cùng thời với ngôi nhà của Tòa án Tối cao ở phố Lý Thường Kiệt.
Di tích nhà số phố 8 Lê Thái Tổ là nơi Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng làm việc từ tháng 8-1945 đến cuối năm 1946. Tại ngôi nhà này, Trung ương đã quyết định nhiều chủ trương như sau:
- Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946.
- Tăng gia sản xuất cứu đói
- Diệt giặc dốt
- Chống bọn phản động Việt quốc và Việt cách
- Chống âm mưu thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam
- Chuẩn bị cho Hội nghị Đà Lạt
- Chuẩn bị cho Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tại Pháp
Ngôi nhà bị thực dân Pháp cho phá hủy thời Pháp tạm chiếm (1947 -1953).
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công không lâu , quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền bắc nước ta để tước khí giới quân Nhật. Đi cùng với quân Tưởng là một lũ Việt gian phản động. Vào thời điểm này, Bác Hồ thường làm việc tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ). Trước những hành động quấy rối, cướp bóc, ám sát, bắt cóc người… của bọn Việt gian. Xét thấy Bác ở địa điểm nói trên không an toàn cho nên lực lượng bảo vệ đã thường xuyên thay đổi chỗ ở cho Bác. Bởi vậy ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ là một trong những nơi ở của Bác trong thời gian năm 1946. Cuốn hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn ghi: “Có hôm Bác nghỉ ở ngôi nhà số 8 Bờ Hồ, hôm Bác nghỉ ở Bưởi, hôm Bác nghỉ ở một ngôi nhà phía Ngã Tư Sở. Cả ba ngôi nhà này sau chiến tranh đều không còn”. Ngôi nhà Bờ Hồ trong đoạn văn trên chính là ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ.
Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị Quốc gia sự thật), trang 18, có ghi: Ngày 25-9-1946, sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời thiếu tá Mỹ A.Pát-ti (Archimedes Patti) và ông Cáp-tơ-ních (Capthenique), ông Cơ- náp (Knapp) tới dự bữa cơm thân mật vào lúc 19 giờ 30 phút, tại nhà số 8 phố Lê Thái Tổ (Hà Nội). Trong bữa cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến tình hình “cuộc chiến tranh không tuyên bố” giữa Pháp và Việt Nam đã bắt đầu và “cuộc xung đột công khai” cũng không còn xa nữa. Người còn nói với A.Pát-ti rằng, nhân dân Việt Nam đang “triển khai kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài chống người Pháp”. Người tỏ ý tiếc khi biết tin Đoàn OSS sắp rời khỏi Hà Nội và Người nhờ chuyển một bức thư tới Tổng thống Mỹ Tơ-ru-man thông báo về những việc làm sai trái của người Anh ở miền Nam Việt Nam như cấm các báo chí, cung cấp vũ khí và đạn dược cho người Pháp, tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam”.
Để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và UBND thành phố Hà Nội, năm 2007, Tập đoàn Bảo Việt đã lập một phòng tưởng niệm Bác trên tầng thượng tòa nhà. Tại đây, tượng Bác Hồ bằng đồng được đặt trên ban thờ bằng gỗ giản dị. Phía trên ban thờ là bức hoành phi có bốn chữ "Cần Kiệm Liêm Chính". Hai bên ban thờ là câu đối:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Trước cửa tòa nhà, UBND thành phố cũng cho dựng tấm bia với nội dung là: "Địa điểm di tích nhà số 8 phố Vua Lê (nay là Lê Thái Tổ) Hà Nội là nơi ở và làm việc bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946. Cũng tại đây, các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn đã anh dũng bảo vệ nơi ở và làm việc của người, góp phần vào chiến công chung của quân và dân Liên khu I anh hùng trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội - mùa đông năm 1946".
Bác Hồ xem triển lãm tranh tại 18 phố Lê Thái Tổ
Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 31, có ghi: Ngày 7-10-1945. 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Triển lãm văn hóa tại trụ sở cũ của Hội Khai trí tiến đức. Trước số sách báo ít ỏi của ta được xuất bản trong thời kỳ bị Pháp - Nhật đô hộ, Người nói: Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố gắng thở, vẫn cố tìm cách phát triển… Sang phòng triển lãm tranh của các họa sĩ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung… Người nhận xét: “Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời: Chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”. Người còn nhắc nhở: “…Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở… Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng các anh em văn hóa đã cố gắng xin cố gắng, lên mãi, để cùng đồng bào đi đến chỗ hoàn toàn vẻ vang của nước nhà”.
Tòa nhà số 18 phố Lê Thái Tổ được xây dựng năm 1919. Lúc đó là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức. Sau Cách mạng Tháng Tám, nơi đây là trụ sở của Ban Thường vụ Quốc hội khóa I. Từ năm 1965 đến 1975 là Câu lạc bộ Thống Nhất, nơi gặp gỡ sinh hoạt của cán bộ miền nam tập kết ra bắc. Sau đó là cơ quan của Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở. Hiện nay là Đoàn Nghệ thuật đương đại (Bộ Văn hóa-Du lịch và Thể thao.
Bác Hồ đến thăm Sở cảnh sát trung ương
Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 108 và trang 127, có ghi:
Ngày 8-1-1946, buổi sáng sau khi đi thăm Trại giam Hỏa Lò Hà Nội, Bác Hồ đến thăm Sở Cảnh sát Trung ương (phố Hàng Trống). Bác căn dặn các cán bộ chiến sĩ cảnh sát: Ngoài việc giữ trật tự tri an, các anh em còn phải là một người tuyên truyền, phải đoàn kết hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố.
Ngày 2-2-1946, (Mùng một Tết Bính Tuất) vào hồi 7 giờ 30 phút Người về nơi làm việc. Trên đường đi, Người ghé thăm và chúc Tết Sở cảnh sát Trung ương.
Bác Hồ đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ
Sáng 17-1-1946, Bác Hồ thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ (Bưu điện Hà Nội ngày nay). Trên trang nhất Báo Cứu quốc - Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh số 145, ra ngày 18-1-1946 đã đăng bài viết:” Hồ Chủ tịch đã đến thăm Bưu điện Trung ương”. Sự kiện này cũng được nhắc tới trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 116.
Những người chứng kiến kể lại rằng: Bác đi bộ từ Bắc Bộ phủ đến Bưu điện Trung ương Bờ Hồ lúc 7 giờ 35 phút, ngày 17-1-1946. Dáng Bác cao, gầy, nhanh nhẹn. Bác mặc bộ ka-ki mầu vàng nhạt, chân đi đôi giày vải, kiểu giày của đồng bào người Tày. Bác đến thăm cán bộ, nhân viên tại các phòng bưu phẩm, điện thoại, điện báo. Vì sợ ảnh hưởng đến thông tin liên lạc cho nên Bác không dừng nói chuyện ở các phòng mà đi lướt rất nhanh. Trước khi ra về, Bác ân cần động viên mọi người hăng hái trong công tác cách mạng, làm tròn nhiệm vụ thông tin liên lạc.
Sau đó Bác đến thăm gian trưng bày thủ công của thiếu nhi Hà Nội tại Nhà Văn hóa Cứu quốc (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ).
Đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng báo cáo với Bác Hồ tình hình xuất bản Báo Nhân Dân (18-1-1957). Ảnh: Nguyễn Kim Côn
Bác Hồ có nhiều hoạt động tại Nhà hát lớn Hà Nội
Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 và những năm sau này, Bác Hồ có nhiều hoạt động tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị Quốc gia sự thật), trang 142, có ghi: Ngày 2-3-1946, lúc 9 giờ, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng khai mạc. Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của Quốc hội lần này. Sau khi nghe báo cáo công việc Chính phủ đã làm trong sáu tháng qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trao quyền lại cho Quốc hội để tổ chức Chính phủ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch Chính phủ kháng chiến và giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức Chính phủ mới.
Bác Hồ tiếp chị gái ở Bắc Bộ phủ
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc tại Bắc Bộ phủ. Ngoài thời gian chủ trì các cuộc họp, Người còn tiếp khách và có những phút thư giãn quý báu.
Đầu tháng 5-1946, hằng ngày từ 6 đến 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đọc báo tại một phòng trong Bắc Bộ phủ để các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim vẽ chân dung và nặn tượng Người. Trong lúc làm việc, Người đã trao đổi với các nghệ sĩ về nghề nghiệp. Thông tin nói trên được sách trích dẫn trong tác phẩm Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội năm 1985, trang 61-65.
Ngày 9-5-1946, lúc 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gần 50 đại biểu thuộc đủ các lứa tuổi, các giới của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Các đại biểu đã biếu Người sản vật của địa phương: khoai, ngô, mật ong, vải... Người nâng cốc chúc các đại biểu mạnh khỏe, sống lâu, hô hào con cháu đoàn kết giúp Chính phủ và động viên chị em phụ nữ, hỏi thăm tình trạng xóa nạn mù chữ, khuyên đồng báo nên gắng sức học tập cho biết chữ và đoàn kết chặt chẽ. Người nhắc các đại biểu lần sau không nên mang cho nhiều quà, vừa tốn công vừa tốn của. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay tặng mỗi đại biểu một huy hiệu có in hình của Người và chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu.
Ngày 27-10-1946, lúc 11 giờ 30 phút, tại một căn phòng trong Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón bà Nguyễn Thị Thanh - chị ruột của Người từ quê ra thăm (câu chuyện được viết lại từ Báo Cứu quốc, số 390, ngày 29-10-1946; Hồ Quang Chính, Bác Hồ gặp chị gái và anh ruột (Hồi ký), NXB Nghệ An, 1979, tr11-20; Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t4, tr 477): … Trước sự tủi mừng khôn xiết, bà Thanh hỏi Người về sức khỏe, về nỗi nhớ quê hương, về bài hát ru Non nước thời thơ ấu. Người xúc động lấy khăn chấm chấm nước mắt và nói: “Chị có khỏe không, em biết chị chờ lâu, nhưng em đang bận tiếp các đồng chí từ Nam Bộ ra. Chị ơi quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sĩ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu…”. Tiếp đó Người hỏi chị gái mình về quê hương thay đổi ra sao? Về bác Khiêm (anh ruột Người) và một số thân nhân, người cao tuổi ở quê nhà. Người còn hỏi về hai người đi cùng bà Thanh (cả hai người đang học lớp mật mã ở Hà Nội. Đó là đồng chí Nguyễn Sinh Thọ, cháu gọi Người bằng ông và đồng chí Hồ Quang Chính - con nuôi cụ Hồ Tùng Mậu, tác giả tập hồi ký Bác Hồ gặp chị và anh ruột) và dặn họ gắng học tập, đoàn kết, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, đừng quan liêu hủ hóa.
Biết bà Thanh mang quà quê biếu, Người nói: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà thì nuôi cho nó đẻ trứng”. Và Người mời bà Thanh cùng hai cháu ở lại đến chiều ăn cơm với Người, có cụ Huỳnh cùng dự. Sau đó xe của văn phòng đưa bà Thanh về nghỉ tại nhà người quen trong thành phố Hà Nội.
Bác Hồ đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ
Ngày 21-12-1954, hai tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đến thăm cán bộ, nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ (nay là Sở điện lực Hà Nội - Đinh Tiên Hoàng). Sau khi nói chuyện với cán bộ, nhân viên nhà máy, Bác đến thăm và tặng quà nhiều gia đình cán bộ nhân viên của Nhà máy đèn Bờ Hồ.
Ông Trịnh Trọng Thực, cán bộ được phân công phụ trách kỹ thuật của Nhà máy đèn Bờ Hồ thời đó kể lại: Nhà máy đèn Bờ Hồ lúc đó có các phòng kho, giữa sân là nhà máy chia điện và phát điện một chiều 600V cấp cho xe điện. Cả Hà Nội lúc bấy giờ chỉ có 70 trạm biến áp, phân bố rải rác trên các tuyến phố. Do các thiết bị bị cũ nát, thường xuyên hỏng hóc, trục trặc, cho nên cán bộ kỹ thuật của nhà máy ngày đêm làm việc để khắc phục các sự cố, bảo đảm việc cung cấp điện tốt nhất cho các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố cũng như các cơ quan của thành phố. Ông Trịnh Trọng Thực bồi hồi nhớ lại những lời Bác căn dặn cán bộ công nhân viên của Nhà máy đèn Bờ Hồ: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”.
Bác Hồ chúc Tết tại Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội
Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 6 (1955-1957), NXB Chính trị quốc gia Sự thật - 2016, trang 189, có ghi: Sáng 12-2-1956 (Mùng Một Tết Bính Thân), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chúc Tết đại biểu nhân dân Hà Nội, anh chị em miền Nam tập kết, học sinh Trường Cán bộ dân tộc thiểu số, bà con Hoa kiều đang họp mặt mừng năm mới tại phòng khách của Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội). Thay mặt Đảng, Chính phủ, Người căn dặn đại biểu các ngành, các giới về nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bác Hồ đến Báo Nhân Dân
Nhà báo Đặng Minh Phương kể: Một ngày giữa tháng 1-1957, trời rét căm căm, anh chị em cán bộ tòa soạn Báo Nhân Dân đang cặm cụi làm việc bỗng có lệnh của Tổng Biên tập Hoàng Tùng triệu tập tất cả cán bộ biên tập, phóng viên… tập trung vào phòng lớn của cơ quan (nay là tầng một tòa nhà đang cho ngân hàng nước ngoài thuê). Mọi người nhanh chóng đến đông đủ. Tổng Biên tập ra sân đón Bác. Một chiếc ô-tô vào sân. Cửa xe mở, Bác Hồ bước ra. Mọi người hết sức bất ngờ, vô cùng phấn khởi reo: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Đồng chí Hoàng Tùng giới thiệu với Bác anh chị em có mặt là phóng viên, biên tập viên. Có một số cháu con của các cán bộ, nhân viên trong cơ quan theo bố, mẹ đến “dự”. Bác đưa tay chỉ về phía các cháu nhỏ đứng bên cha mẹ và nói vui: “Đây cũng là biên tập viên, phóng viên”. Mọi người cười ồ thú vị. Không khí ấm áp tràn ngập niềm vui khôn xiết. Nói chuyện về nghiệp vụ với cán bộ, phóng viên của báo Đảng, Bác dạy: Khi bắt đầu viết một bài báo, phải tự đặt câu hỏi viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Bác nhắc nhở, phải chú ý viết cho dễ hiểu, tránh dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng, cần viết ngắn gọn, dễ đọc… Nhật ký của nhà báo Phan Quang có ghi: “Bác Hồ mặc bộ quần áo ka-ki cũ mầu sữa, thân áo phía sau hơi hếch lên vì vải co dữ quá. Tôi để ý hai ống quần đã xuống gấu và hai đầu tay áo cũng đã buông nếp gấp mà vẫn còn cộc. Đồng hồ Bác dùng là một đồng hồ quả quýt, mặt làm bằng kính mi-ca vàng bệch”.
Bác Hồ đến thăm phóng viên, biên tập viên vào ngày 18-1-1957, nhưng vì sao trên Báo Nhân Dân hằng ngày lại không nhắc tới sự kiện này? Tìm đọc số Báo Nhân Dân các ngày 18,19-1-1957 cũng như đọc Sơ thảo lược sử 60 năm Báo Nhân Dân (1951-2011) chúng tôi không thấy ghi sự kiện trong đại này. Tra sách Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 8, chúng tôi cũng không thấy ghi nội dung nói trên. Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 6, 1955-1957, trang 310 có ghi hai hoạt động của Bác trong ngày 18-1-1957. Hoạt động thứ nhất Bác hồ đến thăm Báo Nhân Dân. Hoạt động thứ hai: Bác gửi điện chúc mừng Liên bang Miến Điện nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 9 ngày tuyên bố độc lập. Trên Nội san Người làm Báo Nhân Dân số 26 (bộ mới), Quý II-2017, có nhiều bài viết nói về sự kiện nói trên. Nhà báo Đặng Minh Phương - người chứng kiến ngày Bác về thăm báo Đảng kể nguyên nhân vì sao báo Đảng không đăng sự kiện nói trên: “Sáng hôm sau, báo phát hành, không thấy đăng tin Bác Hồ đến thăm Báo Nhân Dân. Đây là một sự kiện lớn, đặc biệt đối với Báo Nhân Dân. Chúng tôi rất lấy làm lạ, không hiểu có điều gì “bí mật” cần phải giữ thì được đồng chí Tổng Biên tập cho biết là: Bác có dặn tôi (Hoàng Tùng) là Bác đến thăm, nói chuyện với cán bộ, phóng viên để làm việc cho tốt chứ không đăng tin lên báo”.
Trước đó một năm, Bác Hồ cũng đến Báo Nhân Dân nhưng trong một thời gian rất ngắn, đến nỗi Tổng Biên tập Hoàng Tùng cũng không biết. Bài viết “Bác Hồ chúc Tết phóng viên” của nhà báo Phan Quang trong cuốn sách Bác Hồ người có nhiều duyên nợ với báo chí (NXB Đại học Quốc gia) kể về chuyện này như sau: Sáng Mồng Một Tết năm Bính Thân 1956, Bác Hồ bất ngờ đến thăm Báo Nhân Dân. Một chuyến thăm không báo trước, đến Tổng Biên tập báo cũng không hay… Rời trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Bác đến CLB Thống Nhất (Nhà Khai trí Tiến Đức trước đây) nơi đông đảo cán bộ miền nam tập kết đang tụ hội đón xuân. Đồng bào Thủ đô dạo chơi quanh Hồ Hoàn Kiếm, hay tin có Hồ Chủ tịch đến, không ai bảo ai đều quy tụ trước cổng CLB Thống Nhất. Đứng chật cả hai đoạn phố, náo nức chờ Bác ra để được nhìn thấy Bác, hoan hô chúc thọ Bác… Hôm ấy tôi (nhà báo Phan Quang) được giao nhiệm vụ trực cơ quan trong ngày Tết Nguyên đán. Khi đang tiếp các cụ già thay mặt tổ dân phố Hàng Trống đến chúc mừng Báo thì anh bảo vệ cơ quan hớt hải xộc vào: “Bác Hồ, Bác Hồ đến”. Tôi chạy vội ra sân, nhìn về phía cổng chính không thấy ai. Hóa ra Bác sang tòa báo theo lối đi nội bộ, từ CLB Thống Nhất băng ngang qua phía trước đền Vua Lê Thái Tổ sang trụ sở Báo Nhân Dân. Cùng đi với Bác có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố và một vài cận vệ. Các đồng chí cận vệ mời Bác theo lối tắt sang cơ quan Báo Nhân Dân, rồi từ đây ra cổng chính số 71 Hàng Trống lên đường đi tiếp theo chương trình đã định. Và có lẽ tại hôm đó là sáng đầu năm, Bác Hồ đã đi ngang qua trước cơ quan hoặc bất kỳ nhà ai, Bác không thể không vào thăm hỏi, chúc mừng năm mới.
Tôi chắp tay mời Bác vào phòng khách. Chú Tùng (Hoàng Tùng - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) đâu, Bác hỏi. Thưa bác anh Hoàng Tùng sáng nay lên Văn phòng Trung ương chúc Tết, cháu là cán bộ được phân công trực cơ quan… Bác Hồ cứ đứng mà nói chuyện, tôi mờ Bác ngồi, Bác xua tay: Chú cứ để mặc Bác… Tôi đưa tiễn Bác Hồ ra xe, Bác hỏi, chú làm gì ở Báo? Thưa Bác cháu là phóng viên. Bác tươi cười bắt tay tôi: Chú là phóng viên, là nhà báo. Năm mới Bác chúc nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Chú nói lại với chú Tùng và toàn thể các cô, các chú trong cơ quan là hôm nay Bác đến thăm và có lời chúc Tết tất cả anh chị em và các cháu nhi đồng.
Bác Hồ đặt tên cho Báo Hà Nội mới
Bác Hồ chưa trực tiếp đến tòa soạn Báo Hà Nội mới tại 44 phố Lê Thái Tổ, nhưng Bác là người hai lần trực tiếp đặt tên cho báo. Tác giả Công Hoàn (dientu@hanoimoi.com.vn) kể về câu chuyện này như sau: Sau ba năm tiếp quản Thủ đô, ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội ra số hằng ngày đầu tiên. Vào thời điểm này, Hà Nội có hai tờ báo của tư nhân đó là tờ BáoHà Nội hằng ngày và Thời mới. Chủ trương của trên là sáp nhập hai tờ báo này vào Báo Thủ đô. Cả hai lần sáp nhập, Ban Tuyên huấn Trung ương đều báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian làm việc với Ban Biên tập Báo Thủ đô. Lần thứ nhất vào năm 1961, Bác Hồ cầm tờ Báo Hà Nội hằng ngày gấp lại, che đi hai từ hằng ngày rồi Bác áp tờ Thủ đô vào và nói: “Tên của tờ báo đây: Thủ đô Hà Nội. Năm 1968, Báo Thủ đô Hà Nội lại sáp nhập với Báo Thời mới. Bác Hồ cầm hai tờ báo, một báo che đi hai từ “Thủ đô”, một báo che từ “Thời” rồi Bác ghép lại là Hà Nội mới. Từ đó báo có tên là “Hànộimới”.
Bác Hồ đi chúc Tết người nghèo ở phố Lý Thái Tổ
Theo tác giả Phan Văn Xoàn (trích bài viết trong cuốn sách Nhớ mãi lời Bác, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1987): Dịp Tết cổ truyền năm 1962, như thường lệ, lãnh đạo thành phố Hà Nội bố trí và mời Bác đi thăm một số gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ, cán bộ miền Nam tập kết, trí thức... Biết cảnh vệ sẽ đi trước chuẩn bị, Bác gọi tôi bảo:Ngoài những gia đình do thành phố báo trước, các chú tìm và đưa Bác đến thăm một gia đình công nhân thật sự còn nghèo. Nhớ phải giữ tuyệt đối bí mật. Tối Giao thừa, sau khi Bác đi theo kế hoạch, lúc trở về, chúng tôi mời Bác đến thăm nhà một công nhân nghèo, ở ngõ cụt ở đầu phố Lý Thái Tổ (gần sát Hồ Gươm) - một xóm lao động gần sát Hồ Gươm, phần lớn là nhà tranh vách đất nằm sâu bên trong mặt phố… Bác bước vào một gian vách đất lợp lá, cái giường gỗ cũ kỹ kê giữa nhà, mấy đứa trẻ đang lục tìm quần áo gấp thành đống ở góc giường. Trên bàn thờ có nải chuối xanh duy nhất và mấy tăm hương tỏa khói.
Bác bế đứa bé nhất, hôn vào má cháu, cài chiếc cúc áp ngực vừa tuột ra và hỏi chị Chín (chủ nhà) chuyện gia đình. Chị Chín sinh được năm người con, chồng là công nhân nhà máy đèn đã chết, một mình phải đi làm phu khuân vác và gánh nước thuê lấy tiền nuôi con. Khi Bác hỏi về ăn Tết ra sao? Chị Chín run run nói trong nước mắt:
- Thưa Bác, mẹ con cháu có gì đâu mà ăn Tết. Ngày mai, chỉ còn lon gạo bớt lại bữa chiều nay. Đến giờ này, cháu vẫn phải đi gánh nước để đổi gạo cho các cháu có miếng cơm trong ba ngày Tết. Nói xong, chị dường như ân hận điều gì đó, đôi môi mím chặt cúi gằm xuống đất, không nhìn ai. Bác căn dặn các cháu phải ngoan, nghe lời mẹ, biết giữ vệ sinh và nhắc chị Chín cho các cháu đi học.
Bà con nghe tin Bác đến đã vây rất đông ở ngoài cửa. Họ sung sướng reo mừng: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!
Bác giơ tay để mọi người im lặng, rồi chậm rãi nói: Bác đến thăm bà con trong ngõ nhưng thời gian ít quá không đi khắp được. Bác phấn khởi được biết bà con rất vui. Nhưng Bác có ý kiến: Tại sao trong lúc bà con ăn Tết vui vẻ lại không nghĩ đến những gia đình còn nghèo và đang gặp khó khăn như nhà cô Chín đây…
Ngay tối hôm ấy, khi Bộ Chính trị tập trung đến chúc Tết, Bác đã nói ngay chuyện thăm nhà chị Chín và kết luận: Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng một số lãnh đạo địa phương còn nặng về hình thức. Họ chưa sâu sát dân nên phục vụ nhân dân chưa tốt. Hôm sau, Bác trực tiếp gặp và phê bình lãnh đạo thành phố. Ngay sau khi Bác về, bà con trong ngõ mỗi người một thứ, của ít lòng nhiều đã mang đến giúp mẹ con chị Chín. Thành phố đã trợ cấp khó khăn ngay cho gia đình chị. Mỗi cháu có một bộ quần áo mới phin hoa để vui xuân. Sau đó, thành phố đã thu xếp việc làm ổn định cho chị Chín, các cháu đến tuổi được cắp sách đến trường. Cũng từ đây, nhiều gia đình lao động thiếu thốn, gặp khó khăn đã được chính quyền và nhân dân giúp đỡ chăm sóc mỗi dịp Xuân về.
Hà Hồng
Bình luận của bạn