KHÁI NIỆM
Bàn về phong tục Hà Nội (1) Bàn về phong tục Hà Nội (2) Bàn về phong tục Hà Nội (3)
Xét về từ nguyên, theo các sách Trung Quốc cổ thì phong là điều người trên xướng lên, kẻ dưới noi theo rồi thành thói quen, cứ như vật theo gió (phong) hoà vào mà không biết. Tục là thói bắt chước người trên, lâu dần hoá ra thành thuộc. Nói gọn lại thì “người trên cảm hoá người dưới gọi là phong, người dưới tập nhiễm gọi là tục”. (Thượng sở hoá viết phong, hạ sở tập viết tục).
Như vậy, khái niệm phong tục thoạt đầu mang màu sắc Nho giáo và có tính giai cấp rõ rệt. Vì theo đó, người đề xướng là quí tộc, thống trị và người noi theo là chúng dân bị trị. Nhưng với người Việt thì khái niệm phong tục mang tính toàn dân. Đó là những lề thói qui định cách sống của cá nhân cũng như của một đơn vị cư dân trong mối tương quan với toàn bộ xã hội, đất nước. Tục ngữ có câu: Đất lề quê thói. Lề thói - tức phong tục - là của chung đất nước, quê hương.
Phố Hàng Than năm 1951
Chính từ quan niệm ấy mà hồi đầu thế kỷ XX, Phan Kế Bính đã đưa ra định nghĩa: “Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thuỷ hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen, hoặc bởi ở phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước thành ra, hoặc bởi các phong trào ở ngoài tràn vào rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục” (tựa sách Việt Nam phong tục).
Như vậy phong tục ban đầu do con người đặt ra, rồi lại do ảnh hưởng của môi trường sống, của thể chế chính trị, của chế độ giáo dục và của cả sự hội nhập từ bên ngoài… cứ thế thành hệ thống và vận hành qua thời gian và không gian.
Trong phong tục chung của cả nước, có lề thói riêng của từng vùng. Mỗi vùng, bằng những đặc điểm và đặc sắc riêng về địa lý, lịch sử và văn hoá, sẽ đóng góp các nét riêng biệt của mình vào phong tục chung, để cùng tạo nên sự phong phú cho diện mạo sinh hoạt của một dân tộc, về cả hai mặt tinh thần và vật chất.
Về mặt này, Hà Nội lẽ tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ. Từ xưa, trên mảnh đất này, đã hình thành một vùng “văn hoá Kinh Kỳ” riêng, mà các đặc trưng đã đi vào ca dao ngạn ngữ. Nào là: “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”, nào là: “Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh”… Phong tục tập quán Hà Nội, do đó, dù cho vẫn vận hành trên nền phong tục tập quán của cả nước, nhưng lại mang sắc thái riêng, đường nét riêng.
Mặt khác, phong tục nói chung, phong tục Hà Nội nói riêng, cũng không phải “nhất thành bất biến”. Khi xã hội phát triển, các chế độ chính trị thay đổi thì phong tục tất phải đổi thay theo. Có những cái, theo thời gian, đã trở nên lỗi thời, mọi người tự nguyện bỏ đi (như nón thúng quai thao, yếm đào váy lĩnh…) . Cũng có những cái đáng lẽ phải xoá bỏ, nhưng vì chưa có cái mới thay thế nên cái cũ vẫn được bảo lưu, hoặc bất đắc dĩ, hoặc có ý thức (kể cả trường hợp do có ý thức mà trở thành hủ tục - như trong việc cưới xin, tang ma hiện nay). Cùng với việc giao lưu văn hoá, kinh tế, đổi mới, lại có những phong tục từ ngoài du nhập, nhưng phù hợp bản sắc dân tộc, nên được hấp thụ, đồng hoá (Âu phục, trang sức…).
Cho nên, phong tục tập quán Hà Nội chính là cái bản lĩnh chung của dân tộc hoà với các sắc thái riêng của đất Thủ đô, để hình thành ra lề thói sống của “người Kinh kỳ”, “người Tràng An”, “người Hà Nội”, nhuần thấm một hương vị thanh lịch, thoang thoảng thôi, nhưng rất đượm, rất bền...
NHỮNG CƠ SỞ LÀM NÊN PHONG TỤC HÀ NỘI
1. Cơ sở địa lý - lịch sử:
Năm 1010, mới lên ngôi được 5 tháng, Lý Công Uẩn đã ban chiếu hỏi ý kiến triều đình về việc dời đô. Bài chiếu có đoạn nói về vị thế của miền đất sau này sẽ mang tên gọi có ý nghĩa “Rồng lên”:
“ ... Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông tây lại tiện thế nhìn sông tựa núi.
Đất ấy rộng mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa; dân cư không phải cái nạn tối tăm ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giầu thịnh đông vui. Xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng mặt làm kinh sư cho muôn đời ”.
Quần thần hoan nghênh, và vào mùa thu năm đó, kinh đô được dời ra Đại La và tên mới được đặt là Thăng Long thành. Kể ra thì vùng danh thắng ấy, từ lâu đã cùng các địa phương khác góp phần làm nên sự thịnh vượng của đất nước, ít ra là từ khi trở thành phụ cận của kinh đô Cổ Loa lịch sử, rồi khi bị Bắc thuộc với các tên gọi Tống Bình, Tống Châu rồi Đại La thành.
Kẻ Chợ nằm trên đỉnh của đồng bằng trù phú ven sông Hồng nối liền biển Đông với rừng núi
Tuy nhiên, phải từ 1010 trở đi, Thăng Long mới tỏ rõ là một đô thành lớn nhất nước Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử và có một cốt cách văn hoá rất độc đáo, rất riêng. Được vậy là do vùng đất này có những ưu thế. Đó là một đồng bằng cao ráo, tiện lợi cho việc xây dựng. Dải đất ấy nằm ở giao điểm một mạng lưới sông ngòi để lên rừng xuống biển, sang Bắc vào Nam đều dễ dàng, trở thành một đầu mối giao thông tiện lợi cho việc phát triển kinh tế cũng như giao lưu văn hoá. Đấy là còn chưa kể rằng, vùng đất đó khá mầu mỡ, đủ điều kiện canh tác nuôi sống đông đảo cư dân. Và cuối cùng, Thăng Long, ấy là nơi tụ hội nhân tài, kết tụ tinh hoa khắp bốn phương, để làm thành nơi đô hội phồn thịnh.
Với những thuận lợi trên, cùng với năm tháng, Thăng Long - Hà Nội trải qua bao thăng trầm, để đến nay là một thủ đô phát triển từng được Chính phủ tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng” và được Uỷ ban Giáo dục Khoa học Văn hoá (UNESCO) Liên hiệp quốc tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”.
Là trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế hàng ngàn năm, nên Hà Nội nhất định phải trở thành đầu mối giao lưu của các vùng miền trong cả nước. Trong các mối giao lưu này, có giao lưu về văn hoá, về phong tục tập quán, nhờ đó, lối sống “trăm miền” đã hoà thành lối sống Kinh Kỳ - Thăng Long - Hà Nội. Cho nên phong tục tập quán của Hà Nội đa dạng, phong phú. Tuy nhiên trong đó cốt lõi vẫn là kế thừa và phát triển những nhân tố hợp lý, đẹp đẽ của phát triển tập quán của cộng đồng người Việt.
Vì là Kinh Kỳ, Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của một nước nên bên cạnh sự giao lưu văn hoá trong phạm vi nội địa còn có sự thâm nhập những giá trị văn hoá từ bên ngoài nhất là các nước đã có những tiếp xúc lịch sử với Việt Nam, Hà Nội (như Trung Quốc, Pháp trước kia hoặc Liên Xô, Hoa Kỳ thời hiện đại).
2. Cơ sở cư dân
Muốn xét những phong tục tập quán của một vùng thì điều kiện không thể thiếu là phải tìm hiểu những chủ thể đã sáng tạo ra các lề thói sống của vùng đó. Còn chưa tìm hiểu kỹ nguồn gốc, quá trình hình thành và đặc tính của của cộng đồng dân cư, thì còn chưa thể nói đến những cơ sở làm nên nét đặc trưng của tập quán, phong tục của một vùng quê nói chung, và của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Cư dân Thăng Long - Hà Nội thật không thuần nhất. Dải đất này nếu tính từ khi ra khỏi ẩn số của lịch sử thì là từ thế kỷ thứ V. Nhưng hỏi liệu bao nhiêu gia đình có từ ngày đó và tồn tại đến nay ở Hà Nội thì câu hỏi ấy không ai trả lời được. Thậm chí, cũng chưa ai trả lời được câu hỏi có bao nhiêu gia đình đã hiện diện tại Hà Nội từ khi bắt đầu là kinh đô Thăng Long (1010) thì cũng không có cứ liệu.
Kể ra, ở những làng ngoại thành và ven đô cũ (nay đa số đã nằm trong nội thành) mà là thuộc những phường nông nghiệp cổ thì cư dân ít xáo trộn nên có nhiều gia đình còn giữ được gia phả ngược lên đến tận thế kỷ XV, XVI. Như ở làng Trung Tự vốn thuộc phường Đông Tác xưa, nay là phường Trung Tự quận Đống Đa có họ Nguyễn (của những học giả Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Kha...). Gia phả mà dòng tộc này còn giữ được cho biết: họ vốn gốc tự Gia Miêu, Thanh Hoá, ra cư trú tại Trung Tự từ thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và đến nay (2004) trẻ nhất là thế hệ thứ 18. Hay phả hệ của họ Phạm ở Đông Ngạc (Vẽ), huyện Từ Liêm - một gia tộc lớn với những chi Phạm Gia, Phạm Quang, có nhiều danh nhân, bác học - cũng ghi là gốc ở làng Đông Biện, Thanh Hoá, ra cư trú tại Vẽ từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, nay trẻ nhất là thế hệ thứ 18. Còn họ Nguyễn ở làng Vân Điềm, huyện Đông Anh - dòng họ đã sản sinh ra các bậc đại nho như Nguyễn Án, Nguyễn Tư Giản và nhà viết tiểu thuyết lịch sử tài danh Nguyễn Triệu Luật - thì lại coi cụ Nguyễn Thực (1553-1637) là tổ thứ 1 và nay trẻ nhất là đời thứ 17 (gia phả còn cho biết đây chính là dòng dõi nhà Lý bị nhà Trần đổi ra họ Nguyễn; có điều là thời gian quá xa nên không rõ tên họ các cụ tổ họ Lý).
Đền Voi Phục với thần Linh Lang trấn cửa ô Cầu Giấy (Ảnh: Hocquard, 1884-1885)
Đó là trường hợp những nơi ít biến động dân cư. Còn các khu vực vốn là những phường thương nghiệp và thủ công ở ven cửa Sông Hồng và ven Sông Tô (nay là khu vực các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thì dân cư xáo trộn nhiều. Người buôn bán và người làm hàng thường ít khi trụ nhiều đời ở một địa điểm. Là bởi hai lý do: một là phá sản, phải bật đi cầu thực ở tha phương; hai là, trong trường hợp ngược lại, do khá giả lên mà có nhu cầu tìm những nơi ở khác, sang trọng rộng rãi hơn, thuận tiện hơn cho kinh doanh, thậm chí chuyển hẳn sang tỉnh khác để làm giầu. Trong thực tế, nào có thiếu gì những trường hợp đúng như điều ghi nhận của câu ngạn ngữ cũ: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời!”. Việc hưng thịnh hay sa sút trong kinh doanh đâu có hiếm. Đấy là còn chưa kể đến hiện tượng nhiều con em các gia đình ở khu vực này thi đỗ, đi làm quan ở các tỉnh xa rồi cư ngụ luôn tại đấy, đôi khi kéo theo cả họ hàng đến ở cùng. Và luồng nhập cư vào Thăng Long cũng lại luôn diễn ra rất thường xuyên.
Thời nào cũng vậy, người “tứ chiếng” cũng vẫn đổ về Thăng Long - Hà Nội làm ăn. Có lần, vào thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, dân các trấn về Thăng Long đông quá khiến triều đình toan đuổi tất cả về nguyên quán. Chỉ đến khi biết rằng chính họ là nguồn cung nạp thuế quan trọng và làm ra nhiều sản phẩm cần thiết thì nhà vua mới xét lại mà đuổi riêng bọn du thủ du thực vô nghề nghiệp mà thôi. Hay như thế kỷ XVIII, trong Thượng Kinh phong vật chí cũng phải ghi: “Khách bốn phương, những người thích nơi Thượng kinh đua nhau đến ở quanh cả kinh đô, không lúc nào ngớt, đều cố nhanh chân rảo bước mà đến như tranh đến kinh đô nước Yên xưa”.
Có thể nêu một ví dụ: ở ngõ Phất Lộc nay thuộc quận Hoàn Kiếm còn có một ngôi nhà thờ họ Bùi Huy là một họ lớn, nổi lên ở Thăng Long từ đầu thế kỷ XVIII và cho tới nay họ vẫn có nhiều thành viên thành đạt cả trong và ngoài nước. Họ Bùi ấy vốn không phải gốc ở ngõ này. Và cái tên Phất Lộc cũng không phải tên gốc của ngõ đó. Đây vốn là ngõ Phúc Lộc thuộc huyện Thọ Xương.
Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, có một dòng họ Bùi quê quán làng Phất Lộc thuộc huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình lên Thăng Long ngụ ở cái ngõ lúc bấy giờ còn gọi là Phúc Lộc. Sau đó, con cháu phát đạt, người làm quan, người buôn bán giầu có, nên mua được phần lớn đất thổ cư trong ngõ. Sau đó, người làng Phất Lộc Thái Bình cũng theo gương ấy kéo ra ngụ cư tại đây, do vậy hầu hết đất ngõ thuộc về người Phất Lộc và đến một lúc nào đó, con ngõ được gọi là Phất Lộc. Nếu tính từ ông cụ tổ họ Bùi lên Thăng Long đến nay thì người trẻ nhất của dòng họ Bùi trong ngõ là đời thứ 11 (gia phả còn ghi được 8 đời trước đó ở Phất Lộc, Thái Bình).
Còn đây là một ví dụ khác: họ Đỗ Đức vốn ở phường Thịnh Quang (nay vẫn mang tên này, thuộc quận Đống Đa), sau có một chi di vào làng Hạ Đình, thuộc xã Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân. Theo gia phả ghi lại thì cụ tổ thứ nhất của họ này có thể là ở Lạc Đạo (Hưng Yên) di sang Thịnh Quang từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Họ này từng có ông Đỗ Chân Thiết, một chiến sĩ của phong trào Đông du Phan Bội Châu, bị Pháp bắt xử tử, có bà Đỗ Thị Tâm đảng viên Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học, bị bắt và đã tự sát trong nhà tù Hoả Lò để phản đối chế độ nhà tù thực dân. Gần đây, có nhà văn Đỗ Đức Thu nổi tiếng thời 1938 - 1945.
Nhưng trong thực tế lịch sử, vẫn còn một nguồn cư dân khác gia nhập vào cộng đồng Thăng Long - Hà Nội. Đó là những người nước ngoài đến lập nghiệp ở nơi đây. Phần lớn trong số họ là người Hoa. Không kể những người Hoa mà tổ tiên sang Việt Nam, cư ngụ ở Đại La từ thời Bắc thuộc mà chỉ kể những người Hoa được phép sinh sống ở Thăng Long trải qua các triều Lý, Trần, Lê, thì sử cũ cũng đã từng ghi: năm 1274, có 30 thuyền người Hoa xin nhập tịch nước ta, được phép cư ngụ ở Thăng Long. Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) cũng chép là, trong số 36 phường họp thành Kinh đô Thăng Long, có hẳn một phường người Hoa được cư trú. Đó là phường Đường Nhân. (Thời cổ có lúc cả thế giới gọi người Hoa là người nước Đường). Phường đó tương ứng khu vực phố Hàng Ngang và lân cận.
Khoảng thế kỷ XVI, người Hoa chỉ được phép cư ngụ ở Phố Hiến (Hưng Yên). Sang thế kỷ XVII họ được lên Thăng Long. Hẳn là đông đúc nên có lúc họ xin chính quyền thành Thăng Long cho họ đứng ra tu bổ xây kè dọc bờ sông Hồng từ bến Hàng Mắm đến tận bến Tây Long (tức chỗ Nhà Hát Lớn ngày nay). Chả là thuở đó sông Hồng chảy sát chân đê, tức chân đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ. Cho mãi đến năm 1945, ở Hà Nội, vẫn còn hàng chục cửa hàng của các chi phái họ Phan từ Quảng Đông sang mở cửa hiệu ở Hàng Ngang khoảng trăm năm trước, đã Việt hoá hoàn toàn. Đó là các hiệu Phan Hưng Thành, Phan Hoà Thành, Phan Đức Thành, Phan Thái Thành... và những thế hệ người Hoa ở phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông), Hàng Buồm, Hàng Bồ… Tuy nhiên, suốt quá trình nhập cư, có rất nhiều gia đình người Hoa đã Việt hoá, nhập tịch làng Việt, trang phục như người Việt, đàn bà cũng vấn khăn, nhuộm răng, ăn trầu.
Ngoài người Hoa phải kể đến người Chăm, những lớp người được đưa từ phương Nam ra trong nhiều trường hợp khác nhau. Trong đó, trừ những người bị bắt đưa ra sau các cuộc chiến tranh thì số người tự nguyện đến ViệtNam, đến Thăng Long - Hà Nội cũng là không ít. Sử cũ còn ghi: năm 1039, một hoàng tử con vua Chăm đã cùng 5 gia tộc vượt biển ra Thăng Long quy phục nhà Lý. Năm 1390, lại có hai hoàng tử làm như vậy đối với nhà Trần. Còn quy phục nhà Lê thì có một quý tộc Chăm, tên là Phan Mỗ, năm 1448, đem theo bà con họ hàng làng xóm tất cả 340 người. Các làng ở Hà Nội, nếu trong tên có chữ Sở thì phần lớn là các sở đồn điền dành cho người Chăm như Vĩnh Tuy Sở, Thịnh Quang Sở, Xuân Tảo Sở, Quán La Sở... Đặc biệt có làng Phú Gia (quận Tây Hồ) có hai họ Bố và Ông là gốc Chăm (mãi tới đời Tự Đức khoảng 1848-1950 một viên quan phủ hoặc huyện hách dịch không muốn dân xưng bố và ông với quan nên bắt đổi Bố ra Hi và Ông ra Công. Nay hai họ này vẫn là cư dân chính của làng Phú Gia. Sách Hoàng Lê nhất thống chí có kể chuyện ông Phương Đình Pháp, một vị quan can đảm thời vua Lê Cảnh Hưng, đã dám ngăn không cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đeo gươm đi lên chính điện gặp vua. ông Pháp là người Quán La Sở và gốc Chăm. Còn trước đó thì có bà Phan Ngọc Đô, một phi tần được vua Lê Thánh Tông (?) đưa ra Thăng Long, cho ở tại trang Thiên Niên (nay là Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ). Bà đã dạy cho dân vùng này dệt một mặt hàng lụa rất mỏng, mịn, nhuộm thâm, bóng láng, mặc mát, gọi là dệt lĩnh.
Luồng nhập cư đã liên tục và mạnh mẽ thì cư dân tất phải xáo trộn. Các thế hệ “tứ chiếng” kéo về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp đã lập ra các phố phường trải qua chiều dài của hàng chục thế kỷ. Những lớp người ấy, lẽ tất nhiên phải đem đến Thăng Long - Hà Nội những lề thói của địa phương mình. Song các lề thói ấy, theo thời gian, đã được chung đúc lại, chắt lọc ra, hoà với người Thăng Long bản địa để cùng tạo nên cái phong tục riêng của chốn Kinh Kỳ, cái vẫn được tục ngữ gọi là “đất lề quê thói”, nhưng đã là lề là thói mang những nét thanh lịch riêng có ở chốn Thượng kinh.
Nói cách khác, các thế hệ nhập cư Thăng Long đã tự điều chỉnh, tự hoàn chỉnh nhân cách, nâng cao lên cho hợp với điều kiện và môi trường kinh đô. Sự tồn tại của họ chính là kết quả của quá trình hoà đồng, dung hội lâu dài. Cho nên, dù không thuần khiết như làng quê, song ở Thăng Long - Hà Nội đã thực sự hình thành một cộng đồng mới với những quan hệ mới, và theo đó, hình thành những lề thói riêng của dải đất kinh kỳ này. Cứ thế, trải ngàn năm, miền đất đẹp đẽ, linh thiêng Thăng Long - Hà Nội đã thành một vùng văn hoá với những phong tục tập quán nảy sinh từ sự hoà hợp các cư dân của nhiều miền tụ hội về.
Hội đánh cờ trên bãi sông Hồng đầu thế kỷ 20
Trong cách nói về truyền thống phong tục, người xưa thường khen là dân vùng nào đó có thuần phong, mỹ tục, đồng thời chê một gia đình, một khu vực nào đó là đồi phong, bại tục. Như vậy là có phong tục hay và cũng có những phong tục dở, có những cá nhân, những nhóm người làm đồi bại đi phong tục cổ truyền đẹp đẽ.
Về mặt này, Hà Nội không hề là ngoại lệ. Người Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng vì nhiều lề thói sống đẹp đẽ, những lề thói sống mà Hà Nội tự hào là có nhiều hơn bất cứ vùng nào, tiêu biểu hơn bất cứ vùng nào. Có thể kể một cách rất sơ lược một số tính chất tốt trong lối sống của người Hà Nội:
Tính chất hướng thiện (thương yêu đùm bọc, cưu mang, đoàn kết, và cái thiện cao nhất là sự hy sinh xả thân cho dân, cho nước).
Tính chất cao thượng, khoan dung.
Tính chất thanh lịch, hào hoa trong lối sống, trong giao tiếp, ứng xử, trong thưởng thức vui chơi…
Tính chất cần cù, sáng tạo, trọng học vấn.
Tuy nhiên, xen lẫn những tính chất tốt đẹp trên lại là những mặt tiếc rằng còn chưa tốt, chẳng hạn như:
Cục bộ, bản vị (do di chứng phường hội, phe giáp cũ).
Đam mê, chơi bời.
Thiên về hình thức.
Mê tín dị đoan
Chạy theo tiền bạc, quên cả đạo lý làm người, làm dân.
Tất cả các mặt tốt và xấu trên đây đều phản ánh vào, để hiện diện trong phong tục tập quán của người Hà Nội.
Lẽ tất nhiên, một cộng đồng chỉ có thể phát triển lành mạnh, bền vững khi biết giữ gìn những phong tục đẹp và biết gạt bỏ những thói quen, tập quán dở, lỗi thời, nghĩa là biết nâng niu, quý trọng, gạn lọc và phát huy những gì là tinh hoa của phong tục. Đấy chính là điều đang đặt ra cấp thiết cho chính quyền và cho mỗi người dân của Thủ đô. Bởi hơn bao giờ hết, ngày nay, văn hiến cũng là nguồn sức mạnh. Mà ngay từ thời Nguyễn Trãi, ông cha ta đã nhận ra rằng, trong văn hiến có phong tục. Vậy mà, bên cạnh những phong tục tốt đẹp đang có đà nảy nở, sinh sôi, Hà Nội đang thực sự đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, lan tràn của một số bại tục đồi phong, cùng mối đe doạ về nhiều thuần phong mỹ tục đang xuống cấp, mất mát dần trong tình hình mới, nếu không đẩy mạnh quyết tâm ngăn chặn.
Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã chỉ ra một nét quan trọng và cơ bản của đất và người mà nơi được chọn làm kinh thành Thăng Long đã có ngay từ thời điểm khai sinh: “Muôn vật rất thịnh mà phồn vinh... thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”. Rõ ràng đó là đặc trưng nổi bật của một đô thị.
Để có cái đặc trưng đô thị ấy, tổ tiên ta đã phải liên tục nỗ lực để phấn đấu, dựng xây suốt gần 500 năm lịch sử. Từ giữa thế kỷ thứ VI, Lý Bí, người đầu tiên hiên ngang xưng hiệu là Nam Đế, đã tạo dựng ở nơi đây những công trình “Đài Vạn Xuân”, “Chùa Khai Quốc”, và đặc biệt là toà “Thành cửa sông Tô”. Rồi theo dòng thời gian, trên mảnh đất này sẽ lần lượt mọc lên những “Tử Thành” của Khâu Hoà ở thế kỷ VII, “La Thành” của Trương Bá Nghi hồi thế kỷ VIII, tiếp đó là “An Nam La Thành” của Trương Châu, “Kim Thành” của Lý Nguyên Gia (Hỉ) trong thế kỷ IX, và đặc biệt là công trình của Cao Biền mà Lý Thái Tổ gọi tên là “Cao Vương cố đô Đại La Thành” ở giữa thế kỷ cuối cùng của “đêm trường Bắc thuộc”. Dòng thời gian dài dặc đã dồn được năng lượng lịch sử trong suốt 5 thế kỷ của mình vào dải đất được khoanh lại bởi ba con sông: “Nhĩ Hà quanh bắc sang đông. Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”, để tạo thành vùng đô thị mà Lý Thái Tổ đặt cho tên gọi Rồng lên: Thăng Long.
Từ điểm không gian hội tụ này nhìn rộng khắp cảnh quan đất nước, thì lại thấy trên bình diện của lát cắt thời gian thời đó, sánh ngang được với Thăng Long - trong tư cách là đô thị - hoạ chăng, chỉ có một Hoa Lư, nhưng lúc này vừa bị dời bỏ. Còn thì đâu đó trên biên thuỳ phía Bắc, mới chỉ ló dạng một hình thức “đô thị mậu dịch qua biên giới”, để rồi sau này sẽ thành các “bạc dịch trường” ((1) Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt Tập I - NXB Sông Nhị, tr 105, giải thích “Tống cũng như Lý, sợ người ngoài giả mạo vào buôn bán để do thám. Cho nên lúc thường, tuy cho đi lại thông thương, nhưng chỉ được tụ họp tại một nơi nhất định gọi là bạc dịch trường (chợ quốc tế)”.1). Hay ở phía biển đông, mới chỉ chớm hiện một dạng thức “đô thị cảng đảo”, để rồi sau này sẽ thành “cảng thị” Vân Đồn (Quảng Ninh); và cũng đâu đó nữa, mới chỉ có những nét phác hoạ đầu tiên của một dạng mà một số tác giả cho rằng có thể gọi là “đô thị cảng sông”, như Bố Hải Khẩu (Cửa Bo, Thái Bình), Càn Hải (Cửa Cờn, Nghệ An)... ở cuối châu thổ sông Hồng và ven biển bắc Trung Bộ. Như thế, Thăng Long, ngay từ thuở mới khai sinh, đã không chỉ là đô thị hàng đầu, mà còn hầu như là đô thị duy nhất của đất nước ta hồi ấy. Có thể hình dung Thăng Long như một hòn đảo vây quanh là biển cả nông thôn và nông dân. Thế rồi suốt thời trung cổ, kéo dài từ sau lúc định đô buổi đầu đến tận thế kỷ thứ XIX , Thăng Long - Đông Đô - Đông Quan, rồi Hà Nội, vẫn cứ luôn mãi là đô thị hàng đầu của đất nước, tuy rằng, đến những thế kỷ cuối thời này, nó đã không còn là đô thị duy nhất nữa. Là bởi, sự phát triển non yếu của kinh tế hàng hoá, và sự chuyển hoá nhùng nhằng sang thời cận đại của xã hội, dù sao thì cũng khiến cho một số đô thị khác có điều kiện nổi lên được trên nền nông thôn - nông dân. Nhưng, như một chứng nhân người nước ngoài ở thế kỷ trung cổ cuối cùng đã nói -, ngay cả lúc kinh đô của đất nước đã dời vào Phú Xuân rồi, “mặc dù không còn là kinh đô nữa, Kẻ Chợ (tức Hà Nội) vẫn là một đô thị đứng đầu vương quốc (Việt Nam dưới triều Nguyễn) về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, sự giàu có, về số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và văn hoá…” (Le grand de la Liraye - Notes historiques sur la nation annamite - 1866 - Nhà in Ideo ở Hà Nội in lại năm 1914 - (Ghi về lịch sử quốc gia An Nam)).
Một “chất” đô thị - là bản sắc và bản lĩnh - của một địa bàn đất đai và cư dân - như thế, tất sẽ khiến cho Thăng Long - Hà Nội có một hệ thống phong tục tập quán, tuy có “mẫu số chung” (nền tảng) là văn hoá dân tộc (với “hằng số” nông thôn - nông nghiệp - nông dân), nhưng lại có những nét khu biệt, đặc thù so với hệ thống phong tục tập quán ở các vùng văn hoá khác. Chẳng hạn như, khi Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào những năm giữa thế kỷ XIX, nêu lên nhận xét: “Tập tục thích xa hoa… việc tang tế phần nhiều xa xỉ quá mức, đua nhau làm cỗ bàn để khoa trương, có cái bánh bề ngang hàng thước, người có việc mời khách, nếu rượu thịt không đầy đủ, liền bị trách móc chê bai…”, thì rõ ràng cuốn sách ấy đã nhận ra khí sắc của một “Hà Nội là kinh đô xưa, nguyên trước có 36 phường phố, nay ở phía đông nam tỉnh thành, gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng, nhân vật cũng phồn thịnh…”. Và những nhận xét như thế đã cho thấy tính chất đô thị - thành thị của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội.
Cũng Lý Thái Tổ, ngay từ năm đầu định đô, đã dựa vào Đại La thành của Cao Biền mà đắp nên công trình thổ mộc quan trọng hàng đầu vào thời ấy. Đó là toà thành (mà sau này gọi là Cấm Thành), quây lấy điện Càn Nguyên, Tập Hiền, Giảng Võ, Long An… và các cung Nghênh Xuân, Thuý Hoa… ở bên trong, tạo thành vùng cư trú và bảo vệ cho hoàng đế, hoàng gia, và cũng là nơi thiết triều giải quyết các công việc triều chính. Như thế, lần đầu tiên, đô thị Thăng Long đã có một khu vực - ở giữa và là hạt nhân, đầu não - dành riêng cho đời sống và văn hoá cung đình, quí tộc.
Khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long
Xung quanh Cấm Thành là khu có những dinh thự của công hầu khanh tướng, và thị dân - quan lại. Khu này cũng được bao bọc bằng một toà thành, tất nhiên là lớn hơn và tất nhiên là bao bọc luôn cả Cấm Thành. Thành đó có tên là Hoàng Thành. Cư dân ở các toà thành này, cho dù có là dân chài từ miền sông nước ven biển xứ Nam hay là dân quê từ đồng đất núi rừng xứ Thanh Nghệ mà tiến Kinh; hoặc những quan lại xuất thân từ vùng Thuận, Quảng, Nghĩa, Bình theo đại quân Tây Sơn ra Bắc…, nhưng một khi đã vào sống trong khu vực của những Cấm Thành, Hoàng Thành, giữa gấm vóc và quyền uy, bạc vàng và thế lực, lại từ đời này qua đời khác, con nối cha truyền, tất sẽ dần dà nảy nở những thói quen, những qui phạm cho những thứ như là mũ áo cân đai, võng lọng ngựa xe, thù tiếp ứng đối, viếng thăm khánh hạ, giá thú tang ma… riêng của tầng lớp đã trở thành quan liêu quý tộc ở đất Kinh Kỳ.
Những phong tục tập quán nảy sinh từ nguồn lực cung đình - quí tộc giữa đô thị kinh thành như thế, một khi đã thành nếp sống giữa các vòng Cấm Thành, Hoàng Thành, thì cũng không chỉ ở yên trong khu vực đó mà còn lan toả ra ngoài. “Ngoài” nói ở đây là khu cư dân sĩ nông công thương, những thị dân bình dân. Họ coi mình là dân Thăng Long, nhưng một số không ít lại vốn là từ bốn phương kéo về làm các nghề như nghề dạy học (thầy đồ), nghề thủ công và buôn bán. Che chở cho họ là một vòng thành, vòng thứ ba, mà nhiều nhà sử học vẫn gọi là Kinh Thành. Như vậy là giữa Hoàng Thành và Kinh Thành là một tụ điểm cư dân thị dân phức hợp, với phần lớn dân cư có gốc gác là nông dân nhưng bỏ ruộng cấy trâu cày ra kinh đô tham gia vào quá trình đô thị hoá. Dĩ nhiên, họ sẽ mang đến cho Thăng Long - Hà Nội những phong tục tập quán địa phương. Nhưng với thời gian, những phong tục tập quán địa phương đó sẽ được chung đúc lại, gạn lọc đi, để chuyển hoá thành phong tục tập quán của chốn Tràng An. Và cũng với thời gian, họ còn chịu ảnh hưởng của lối sống quí tộc, cung đình. Lối sống này vượt ra ngoài Cấm Thành, ra ngoài Hoàng Thành nhờ các cuộc tuần du của vua chúa, các cuộc đón tiếp đưa tiễn sứ thần, những lần nhà vua đi cày tịch điền, đi tế nam giao..., hay các cuộc yến ẩm, hội hè tại những hành cung, ly cung, như “điện Hô Trà” để các vua nhà Trần thực hiện tục uống trà cung đình khi đi dự hội mùa thu ở bến Đông trên Sông Hồng, hoặc “vườn kỳ Phủ Chúa” ở ngoài cửa Nam để các chúa Trịnh thưởng thức các thú vui quí tộc, từ lá hoa cây cảnh, đến nhã nhạc, tiệc tùng…
Như vậy Thăng Long - Hà Nội quả có hệ thống phong tục tập quán của mình. Hệ thống này được sản sinh ra từ hai nguồn lực mà không phải nơi đâu cũng có. Đó là nguồn lực sống có căn cốt từ một đô thị hàng đầu của đất nước, một nơi đô hội phồn vinh. Đó còn là nguồn lực của văn hoá cung đình, quí tộc, phát sinh từ chỗ đầu não trung tâm của đô thị, rồi trùm lên cả Kinh Thành. Cả hai đã dần dần hoà trộn vào nhau, xuyên thấm trong nhau, để tạo nên một sắc thái văn hoá nói chung, một hệ phong tục tập quán nói riêng, chỉ riêng ở chốn Kinh Kỳ này mới có.
ĐỘNG LỰC
Không phải “nhất thành, bất biến”, hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội, trải qua các thời, đều có sự biến hoá và tiến hoá. Khảo sát sự đổi thay theo thời gian ấy, tìm ra các quan hệ giữa “động” và “tĩnh”, giữa “chủ thể” và “khách thể”, ta sẽ thấy được những yếu tố chi phối sự vận động, và cả chiều hướng của sự vận động ấy nữa, của hệ thống phong tục tập quán ở mảnh đất này.
Cuộc sống ở nơi nghìn năm đô hội và cung đình này, khác với mọi miền đất nước, trước tiên là ở sự năng động và sôi động của các hoạt động đa dạng, nhiều chiều và liên tục. Đã là công việc triều chính ở một chốn kinh đô thì bao giờ chẳng đầy ắp những định liệu với lo toan, đối phó và ứng xử, thành công và thất bại, lúc này và thế lực này hưng thịnh, lúc khác và thế lực khác lại tiêu vong. Còn trong cuộc sống bình dân của thị dân nơi đô hội, thì sự biến động lại chủ yếu gắn với việc làm ăn thường nhật, mà nét chung qua các đời là phải luôn có nhiều cách để tạo ra sự trù phú, sung túc. Theo sách Dư địa chí viết năm 1435 của Nguyễn Trãi, thì thời đó, thị dân Thăng Long hằng ngày làm ra các mặt hàng kiệu, giáp, đồ đài, mâm võng, dù lọng… ở phường Tàng Kiếm bên hồ Hoàn Kiếm; chế tạo các loại giấy ở phường Yên Thái cạnh Hồ Tây; dệt các loại vải lụa ở phường Thuỵ Chương (Thuỵ Khuê), phường Nghi Tàm bên Tây Hồ; nung vôi ở phường Hà Tân (Bờ sông); nhuộm điều ở phường Hàng Đào; làm quạt ở phường Tả Nhất cuối phía nam kinh thành; trồng và chế biến nhãn, vải ở Thịnh Quang (Ô Chợ Dừa); thậm chí chăm chút ở hương An Lãng (Láng) một thứ rau thơm kỳ diệu mà chỉ ở riêng chỗ đất phía tây kinh thành này là có… Lớp người thị dân bình dân của chốn kinh kỳ đó chính là những người mà sau đấy, đã tạo ra những cảnh tượng khiến một sứ thần nhà Thanh là Nguỵ Tiếp, khi đến Thăng Long năm 1736 đã cao hứng vịnh:
“Gió hoà bụi, chợ đông người,
Phất phơ tay áo, đua chơi xuân cùng
Ngày dài thuyền chở xe dong
Bán buôn lũ lượt, trập trùng chen đua…”
(Bạch Mã sấn thị - Chơi chợ Bạch Mã - Trần Văn Giáp dịch) ((1) Lê Quí Đôn trích dẫn trong Vân đài loại ngữ - Bản dịch của Trần Văn Giáp - Tập I - NXB Văn hóa -H. 19621)
Plauchut trong “Le Tonkin et les relations commerciales” (Xứ Đông Kinh và các quan hệ thương mại - Trong Revue des deux mondes - T.III - Paris. 1874), cũng có một nhận xét tương tự thế: “Thành phố nằm dọc theo bờ sông, khoảng 5km. Trên sông là một sự hoạt động náo nhiệt. Thuyền bè đi lại không lúc nào ngừng. Tiếng pháo nổ ran, tiếng chiêng inh ỏi làm mọi người chói tai nhức óc”.
Các triều đại phong kiến trước kia đã từng đề ra không ít các biện pháp tích cực, nhằm hành một cuộc sống đô thị sôi động và đầy biến động, cũng tức là để tác động vào sự vận hành của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội. Ví như năm 1430, vua Lê Thái Tổ đã có “chiếu chỉ cấm các đại thần, tổng quản, cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam lười biếng”. Còn năm 1485, vua Lê Thánh Tông khi ban bố “24 huấn điều”, cũng đã dụ các quan: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, phàm những phép dạy dân nên phong tục tốt… không cái gì là không nói ra trong lời huấn dụ…”. Cùng với những biện pháp triều chính như thế, dân gian qua các thời cũng luôn có những đúc kết, khuyên răn về những phẩm chất rất quý báu và rất cần thiết cho lối sống ở nơi đô thị kinh kỳ, chẳng hạn như là thông minh (Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ), tài hoa (Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ), hay cần cù chịu khó (Con gái ở trại Hàng Hoa /ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm)…
Tuy nhiên, để làm nên cả một cuộc tổng điểu chỉnh đối với hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội thì điều cơ bản nhất vẫn phải là biết dựa vào sự tác động của ý thức tư tưởng phát triển qua các thời đại của lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đầu tiên, đó là ý thức dân tộc.
Kể từ năm 1028, hằng năm, cứ vào ngày 25 tháng Ba, sau đó chuyển sang ngày 4 tháng Tư âm lịch, ở ngôi đền sau chùa Thánh Thọ, phía bên phải kinh thành, lại diễn ra một hình thức lễ hội chỉ riêng có ở Thăng Long - Hà Nội, lấy việc “ăn thề”, làm phong tục - nghi thức trung tâm, thu hút rất đông thị dân chốn kinh kỳ. Theo lời chép trong bộ sử Toàn thư thì “Trai gái đô thành coi đấy là hội lớn, kéo đến dự xem chật đường”. Qua lời thề “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần minh chu diệt”, nhiều người đã nghĩ rằng: với những chữ “trung”, chữ “hiếu” trong hội thề này, Nho giáo đã sớm hiện diện, để định hướng cho phong tục lễ hội của đất Thăng Long. Nhưng thực ra, phải căn cứ vào tên gọi của cả toà (đền) lẫn chủ đề lễ hội (tất cả đều có hai chữ “Đồng Cổ” - đền Đồng Cổ, hội thề Đồng Cổ) thì mới có thể nhìn nhận chính xác bản chất của phong tục đặc sắc này. Bởi vì, “Đồng Cổ” chính là “Trống Đồng” - sản phẩm của văn minh Đông Sơn, của văn hoá Hùng Vương, có từ thời dân tộc ta bắt đầu dựng nước. Theo người đầu tiên tạo ra công trình kiến trúc tín ngưỡng và tục lệ lễ hội này ở Thăng Long là thái tử Lý Phật Mã, tức Lý gia đệ nhị đế, Thái Tông, thì chính vị “Thần Trống Đồng” mới là người đầu tiên đã nhiều lần hiển linh, trợ giúp các vua và sự nghiệp triều Lý. Do đó, khi xây đền và mở lễ hội thờ “Thần Trống Đồng”, để tôn vinh “Thần Trống Đồng” lên vị trí tối thượng, chứng kiến và chứng nhận sự trung hiếu của thị dân Thăng Long đối với vương quyền và phụ quyền, thì cái tinh thần đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng và vận hành phong tục này lại chính là tinh thần dân tộc. Đền Đồng Cổ và lễ hội Đồng Cổ xứng đáng được coi như dấu hiệu điển hình cho việc phục hưng văn hoá dân tộc trên đô thị kinh thành. Ngôi đền ấy và ngày hội ấy đã làm sống lại một tín điều thiêng liêng có từ thời đại các vua Hùng, với nòng cốt là trống đồng (Đồng Cổ) và sự thần thánh hoá trống đồng (Thần Đồng Cổ). (Nay đền thuộc làng Đông, phường Bưởi, quận Tây Hồ và dân vẫn tổ chức Hội thề trung hiếu vào ngày 4 tháng 4).
Đền Đồng Cổ trước khi được trùng tu (Ảnh CPnet)
Thế nhưng trống đồng và sự ngưỡng mộ, sùng bái trống đồng - cái biểu tượng cho tinh thần dân tộc từ thuở bình minh của lịch sử và văn hoá nước nhà - không chỉ hiển hiện riêng có một lần ở trường hợp đền Đồng Cổ và hội thề Đồng Cổ. Khi dựng đài “Chúng Tiên” để vui chơi ngày Tết, hoặc khi trình diễn các tiết mục múa rối sông ở những ngày Hội nước, Hội Thu, người Thăng Long xưa thường vẫn theo tục lệ mà tạo ra những cảnh tượng, những hình ảnh hoặc để mô phỏng, hoặc để nhắc lại những “trích đoạn” từng đã được khắc hoạ trên những chiếc trống đồng linh thiêng ấy. Văn bia tháp Sùng thiện diên linh từng mô tả lại các cảnh tượng và hình ảnh ấy: “Trên nóc thì chim thiêng đứng đậu, bốn góc thì cá rồng cuốn bay”, hay: “Chim quí thành đàn, vừa múa vừa rảo bước, hươu lành sánh bày, nhảy nhót mà lướt diễn”, rồi các cuộc đua bơi trải, với những con thuyền độc mộc, mũi cong… Còn trong một nghi lễ cung đình, được dàn bày để vừa đón tiếp, vừa tạo áp lực với sứ giả triều Nguyên, đất Thăng Long từng ầm ầm dậy lên những tiếng trống đồng một thời xa xưa vẫn goi là “trống sấm”, khiến kẻ mang “thể diện thiên triều” khiếp sợ đến bạc cả tóc: “Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”!
Và không chỉ có Trống đồng. Khi giữ nguyên tục lệ “tháo khoán” cho trai gái nhà nghèo mỗi năm một ngày 30 Tết được “tự do hôn nhân”, không phải lo sính lễ; khi ở giữa phường phố thị thành mà vẫn đều đặn hằng năm ăn “Tết cơm mới” vào đầu tháng Mười - ngày hội mà những cư dân nông nghiệp trồng lúa vẫn hằng mong đợi “Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa tốt bời bời nhà đủ người no”; khi nghiêm cẩn với những “ban thờ” bao giờ cũng đặt ở một vị trí tiêu biểu trang trọng nhất trong nhà; khi tuân thủ các lề thói chặt chẽ cấu trúc gia đình hạt nhân Việt tộc, với hình thức trong những ngày lễ tết dùng hai cây mía tím bắc bên ban thờ làm cầu đường cho tổ tiên “về ngự” giữa con cháu trong nhà…; khi giữ gìn và trân trọng những tục lệ như thế qua bao đời nay, các thế hệ thị dân ở Thăng Long - Hà Nội đã chứng tỏ rõ ràng rằng, cái hạt nhân quán xuyến, điều hành hệ phong tục tập quán ở nơi đây không thể là gì khác hơn hệ ý thức tư tưởng dân tộc.
Cái tinh thần dân tộc của người dân miền Thăng Long - Hà Nội càng bộc lộ mạnh mẽ hơn vào những lúc toà thành lâm vào cảnh ngộ hiểm nghèo cả về vận mạng sống còn lẫn về sự tồn vong phong tục, chẳng hạn như khi lũ giặc Minh chiếm đóng không chỉ bắt đổi tên gọi “Đông Đô” của nơi này thành ra “Đông Quan” của giặc, mà còn bắt thay đổi cả lối ăn mặc xống áo; hoặc lúc quân Thanh xâm lược đã không chỉ “làm cỏ” kinh thành, mà còn bắt người mình cũng phải “dóc tóc, cạo răng”… Nhưng càng gặp vận hạn, cái tinh thần dân tộc ấy càng trỗi dậy, để chống lại mọi âm mưu đồng hoá và kiên trì sự định hướng dân tộc cho lối sống phong tục kinh kỳ. Đầu xuân Kỷ dậu 1789, những người Thăng Long đã cùng vua Quang Trung làm “Một trận rồng lửa, giặc tan tành”, để mà được thấy lại cảnh: “Đầy thành già trẻ mặt như hoa/ Chen vai sát cánh cùng nhau nói/ Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” như lời mô tả của Ngô Ngọc Du, một thi nhân thời đó. Lẽ nào cái chiến thắng oanh liệt ấy không được mang lại từ ý chí bảo vệ tinh thần dân tộc trong phong tục tập quán của con người Thăng Long, cái ý chí sau này như còn mãi âm vang trong lời tuyên bố dõng dạc của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ: “Đánh, cho để dài tóc/ Đánh, cho để đen răng!”.
Rõ ràng là suốt cả nghìn năm văn hiến, vai trò vận hành phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội là thuộc về tinh thần dân tộc. Có thể nhận ra, trong hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội cổ truyền, tinh thần dân tộc ấy - dù ở thời nào, dù bộc lộ mãnh liệt ra bên ngoài hay thầm lặng, nung nấu ở bên trong - vẫn luôn luôn có mặt và xuyên suốt, luôn luôn được bảo tồn và kế tục. Không khó khăn gì để lý giải quy luật ấy. Kinh đô chính là chỗ dân tộc dồn vào đấy những tinh lực của mình, là chỗ kết tinh những giá trị khắp miền và mọi thời của dân tộc!
Tinh thần dân tộc đó chính là yếu tố quyết định khiến cho người chốn thượng kinh, cũng như toàn dân tộc nói chung, có thể đồng hoá được những phong tục du nhập vào Việt Nam, vào Thăng Long - Hà Nội từ nhiều phương trời văn hoá khác.
Nguồn: Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn Hoá Và Phong Tục, NXB Thanh Niên
Bình luận của bạn