Bàn về phong tục Hà Nội (2)

Thứ 7, 28/10/2023, 19:34 (GMT+7)

Chia sẻ

HỘI NHẬP

Bàn về phong tục Hà Nội (1)    Bàn về phong tục Hà Nội (2)    Bàn về phong tục Hà Nội (3)    

Một thực tế lịch sử rõ rệt là, trước thời định đô, Thăng Long có tới hàng chục thế kỷ Bắc thuộc (và chống Bắc thuộc). Thời gian đằng đẵng ấy từng có ba tôn giáo truyền lan đến đây và cả ba đều hội nhập vào đời sống tinh thần của dân chúng, gây ảnh hưởng không ít - nếu còn chưa muốn nói là rất nhiều - tới sự vận hành của phong tục tập quán ở chốn đế đô. Đó là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.

Người bán mía trước cổng đền trước năm 1915 

1. Phật giáo

Trên 5 quận nội thành (Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) của Hà Nội ngày nay, những nơi thời xưa vốn là miền đất Kinh Kỳ, đang còn đến 66 ngôi chùa (đã xếp hạng) trong tổng số 125 chùa, đình, miếu, lăng, nhà thờ họ và di tích cách mạng cũng đã xếp hạng [1]. Đây chính là các di sản vật thể điển hình của văn hoá Phật giáo qua các thời kỳ lịch sử, ở trên đất Thăng Long - Hà Nội cổ truyền, chiếm gần một nửa (66/125) trong tổng số các di tích lịch sử - văn hoá có giá trị (vì đã được xếp hạng cấp quốc gia) trên địa bàn kinh đô cũ. Những con số và tỷ số rất có ý nghĩa này trước hết chứng tỏ rằng, trong xã hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội, Phật giáo có một vai trò và vị trí đáng kể. Lại càng thú vị hơn khi ta thấy số chùa đó không chỉ bao gồm những chùa của dân gian, do dân chúng tạo lập, mà còn có cả những ngôi chùa do quan lại trong triều đình tạo dựng. Hơn thế nữa, rất nhiều chùa trong đó chứa đựng một lịch sử cổ, thậm chí rất cổ, tức là được bắt đầu hưng công từ lâu đời, rất lâu đời, cụ thể có nhiều ngôi chùa được khai sinh từ thời Lý - Trần, nghĩa là từ thuở mới định đô.

Thực trạng này cho thấy, trong xã hội Thăng Long - Hà Nội thời đó, phần lớn quí tộc quan lại và quần chúng bình dân - là hai bộ phận chủ chốt của thị dân kinh kỳ, và cũng là chủ thể của hai dòng văn hoá ở đô thị này - đều sùng mộ đạo Phật. Chính vì thế mà hệ ý thức tư tưởng Phật giáo đã được lựa chọn để định hướng cho lối sống cũng như sự phát triển lối sống - trong đó có hệ phong tục tập quán - trên toàn Thăng Long - Hà Nội. Và như vậy, nếu có thời kỳ lịch sử nào mà văn hoá nói chung, và hệ phong tục tập quán nói riêng, đã lấy ý thức tư tưởng Phật giáo làm nền tảng và làm định hướng phát triển cho cuộc sống của Thăng Long - Hà Nội cổ truyền thì đó chính là thời kỳ Lý - Trần (các thế kỷ thứ XI - XIV).

Đây là điều đã được các nhà sử gia, học giả đời Trần ghi nhận. Khi ghi chép, một cách vừa khái quát, vừa cụ thể, về tình hình Thăng Long chỉ hai năm sau khi vua Lý Thái Tổ định đô, Lê Văn Hưu (thế kỷ thứ XIII) đã viết: “độ làm tăng cho hàng nghìn người ở kinh sư… dân chúng quá nửa làm sư sãi… chỗ nào cũng có chùa chiền”. Còn đại thần Lê Quát (thế kỷ thứ XIV) thì mô tả: “Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lầu gác trống chiêng chiếm đến nửa phần so với dân cư”!

 Chùa Trấn Quốc

Không chỉ thế, ở giữa Kinh Kỳ, vua Thánh Tông của nhà Lý còn đích thân đứng ra sáng lập Thiền phái Thảo Đường, với nơi trụ trì chính là chùa Khai Quốc (Trấn Quốc), tụ hội những đại sư danh tiếng nhất đương thời. Trấn Quốc đồng thời cũng là nơi thái hậu Ỷ Lan tìm đến, mở tiệc chay lớn để cùng các sư già kê cứu Phật học và lịch sử Phật giáo. Còn vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần, vua Trần Thái Tông, thì tự tay viết sách “Thiền tông chỉ nam”, với những câu “Đạo Phật không chia nam bắc, đều có thể tu cầu/ Tính người dù hiền dù ngu, đều cùng được giác ngộ”. Đặc biệt hơn cả là trường hợp vị hoàng đế thứ ba, vua Trần Nhân Tông, người đã sáng lập và đứng đầu một phái Phật giáo độc đáo và kỳ diệu mang tên là thiền phái “Trúc Lâm”, trở thành “Trúc Lâm đệ nhất tổ” và cổ vũ mọi người noi theo cách sống thanh cao:

“Chẳng còn bỉ thử, tranh nhân chấp ngã
Trần duyên rũ hết, thị phi chẳng nề
Thân này chẳng quản gì no đói
Công danh, phú quí cũng chẳng màng…”

Từ những tình hình vừa kể, có thể phần nào hình dung ra được ý thức tư tưởng Phật giáo đã định hướng cho sự vận hành chính của hệ phong tục tập quán Thăng Long trong các thế kỷ thứ XI - XIV như thế nào.

Ngày nay, thực tế đã đổi thay nhiều, song không vì thế mà Phật giáo đã thôi không còn ảnh hưởng tới phong tục tập quán của người dân Hà Nội. Ngược lại, cho tới tận những năm đầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh xã hội đi vào nền kinh tế thị trường, với nhiều cơ hội và thách thức, nhiều may mắn lẫn rủi ro, và trong bối cảnh tâm linh dân chúng đã thông thoáng hơn, thì đời sống chùa chiền lại đang có cơ phát triển. Ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, người dân Hà Nội, cả trẻ lẫn già, vẫn lũ lượt kéo nhau đi lễ chùa cầu phúc. Ngày Tết, ở nhiều xã ngoại thành vẫn còn tục trồng cây nêu, để nói với “ma quỷ” rằng nhà ta ở đây là “đất của Phật”, chớ đụng vào. Hay khi có người thân qua đời, hầu hết dân Hà Nội sau năm tuần (5x7=35 ngày) hay sau bảy tuần (7x7=49 ngày) đều làm lễ đưa “vong lên chùa”. Không kể là trong thời gian đầu năm âm lịch, không ít người bị “sao xấu chiếu mạng” còn tới chùa xin làm lễ “cúng sao giải hạn” (thực ra tục lệ này là ảnh hưởng của Đạo giáo).

Phật giáo quả là một động lực tạo nên một sắc thái riêng trong quá trình vận động của phong tục Thăng Long - Hà Nội.

2. Đạo giáo

Sau Phật giáo phải kể đến Đạo giáo, một tôn giáo đã và vẫn còn ảnh hưởng không ít tới phong tục Hà Nội, bất chấp một thực tế là ngày nay, tôn giáo này đã phôi pha.

Đạo giáo nguyên là một biến thể của Lão giáo, một trào lưu triết học cổ đại Trung Hoa do Lão Tử khai sáng. Học thuyết Lão Tử coi Đạo là gốc của vũ trụ. Về mặt chính trị, Lão Tử chủ trương “Vô vi nhi trị” (trị bằng cách không làm gì cả). Song vì cách giải thích quá hàm súc, do rất kiệm lời, nên tư tưởng này của ông có nhiều cách tiếp thu và giải thích. Đến thời Đông Hán (thế kỷ thứ I, II), Trương Đạo Lăng kết hợp học thuyết Lão Tử với các tín ngưỡng dân gian Trung Quốc lập ra Đạo giáo. Về sau, tôn giáo này chia ra nhiều phái. Theo bước chân di cư của người Hán, có hai phái sang Việt Nam. Đó là phái “Phù lục”, chuyên về bùa chú, trấn yểm, trừ tà trị bệnh…, ta quen gọi là “Đạo giáo phù thuỷ” và phái “Đan đỉnh”, nghiêng về luyện linh đan để uống nhằm trở thành như thần tiên trường sinh bất lão, ta quen gọi là “Đạo giáo thần tiên”.

 
Tượng thần Chân Vũ trong Trấn Vũ quán tức đền Quán Thánh

Phái thứ hai chủ yếu có ảnh hưởng trong giai tầng trí thức. Vào những thời buổi loạn ly, các hưu quan trí sĩ đã tạo dựng những đạo quán nhằm lánh đời ẩn dật, di dưỡng tuổi già, cầu sự bình yên cho con người và nhất là để tâm hồn thư thái. Thăng Long tứ quán (Trấn Vũ, Huyền Thiên, Đồng Thiên, Đế Thích) ra đời chính là để đáp ứng nhu cầu đó. Việc xây đền Ngọc Sơn - thờ các thần của Đạo giáo là Văn Xương, Quan Vũ, Lã Tổ - cũng có ý tứ như vậy. Trong khi đó, phái phù thuỷ lại phổ biến chủ yếu trong dân gian. Lên đồng trừ tà, trị bệnh bằng tàn hương nước thải, bói toán tìm vận mệnh, xem ngày giờ tốt xấu… Các tục lệ chủ yếu là mê tín dị đoan đó vân còn tồn tại mãi tới ngày nay.

Trong thực tế lịch sử, Đạo giáo rất phát triển ở Thăng Long thời Minh thuộc. Điều này nằm trong âm mưu phổ biến tư tưởng xuất thế, ở ẩn và tuyên truyền mê tín dị đoan của bọn đô hộ. Theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng thì ở Thăng Long, các cơ quan hoạt động mê tín, lợi dụng Phật giáo và Đạo giáo khá nhiều: 68 ty âm Dương học, 24 ty Tăng chính, 24 ty Đạo chính…. Trong tổng số 444 đàn tràng Đạo giáo ở nước ta thời đó thì Thăng Long (khi ấy gọi là Đông Quan) đã có tới trên 100. Bọn xâm lược muốn truyền bá tư tưởng bi quan, yếm thế, mê tín, hòng làm cho mọi người quên nghĩa vụ cứu nước. Tuy nhiên với bản lĩnh dân tộc, người Thăng Long vẫn kiên cường chiến đấu và cùng toàn dân đã đánh thắng kẻ thù.

Song tín ngưỡng Đạo giáo thì vẫn tồn tại, một số tục lệ Đạo giáo vẫn cứ đi vào phong tục Việt, từ cả Đạo giáo phù thuỷ lẫn Đạo giáo thần tiên, những mặt tích cực xen lẫn cùng tiêu cực. Không bon chen, tranh giành, sống trong sạch, chuộng sự thanh tịnh… cũng như thói xem số, xem tướng, phù thuỷ, bùa chú, vàng mã, đồng cốt quàng xiên… tất cả những cái hay và cái dở trên đều có gốc từ Đạo giáo và tồn tại mãi tới bây giờ.

3. Nho giáo

Nhà Lý tuy đề cao Phật giáo nhưng không phải vì thế mà không nhận ra chỗ khiếm khuyết của tôn giáo đó trong việc củng cố và phát triển vương triều. Từ đó, nảy sinh nhu cầu tìm một hệ tư tưởng khác làm chỗ dựa cho sự nghiệp chính trị, cai trị. Hệ tư tưởng đó lại đã có sẵn, đó là Nho giáo.

Chính vì thế, mà từ năm 1070, Lý Thánh Tông đã chọn ngay một chỗ gần cửa Đại Hưng trong khu dân cư phía nam Hoàng Thành mà xây dựng Văn Miếu thờ các vị tiên thánh, tiên hiền của đạo Nho, và 6 năm sau (1076) lại làm thêm ở đây một trung tâm giáo dục Nho học cao cấp dành riêng cho quí tộc: Quốc Tử giám. Năm 1075, khoa thi “Thái học sinh” đầu tiên được tổ chức, với trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, người về sau trở thành vị Thái sư Nho học đầu triều đầu tiên. Nhưng rồi “nghi án hồ Dâm Đàm” xảy ra, như một biểu hiện của cuộc đấu tranh giữa Nho và Phật. Kết cục là Phật đã thắng, Nho tạm thời bị thua, Lê Văn Thịnh bị tù đày. Dẫu có thế thì đến năm 1086, Viện Hàn Lâm đầu tiên vẫn được thành lập, với vị “Hàn lâm học sĩ” tài danh là nho sĩ Mạc Hiển Tích…

Song phải đến thế kỷ thứ XV, đặc biệt là ở triều vua Lê Thánh Tông, thì hệ ý thức tư tưởng Nho giáo, nền văn hoá Nho học, mới thực sự chiếm được vị trí hàng đầu, để có được tác động giống như Phật giáo và Phật học trong các thế kỷ trước đấy đối với đất nước, mà trước hết là đối với chốn kinh kỳ Thăng Long - Đông Kinh.

Những nho thần từ các nơi hội tụ về kinh đô và dần dà trở thành một thế lực chính trị - xã hội được trọng vọng giữa kinh thành. Kế tiếp các gương mặt rạng rỡ của những tiền bối Lê Văn Hưu, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An… từ hai thế kỷ của triều đại nhà Trần trước đấy, sang đến đầu thế kỷ XV, đã xuất hiện “ngôi sao Khuê” Nguyễn Trãi, người “Thanh niên phương dự ái Nho lâm” (tuổi trẻ lừng danh giữa rừng nho), người luôn “Mở cửa nho, chờ khách đến”, giải ấm chiếc “chiếu nhà nho” để cổ vũ cho “nho phong”. Rồi đến Lê Thánh Tông, một ông vua hết sức sùng Nho, người đã xây dựng cả một thiết chế đầy đủ và chắc chắn cho sự ngự trị của hệ ý thức Nho giáo, đầu tiên là ở đất kinh kỳ, để rồi từ đó mà lan ra các miền trên đất nước, với các luật lệ, huấn điều, các kỳ khảo hạch, xét duyệt... Và đáng nói hơn cả là sự thực thi rất có hiệu quả biện pháp chiến lược dùng chế độ khoa cử Nho học, tập trung ở kinh đô, để đào tạo, tuyển chọn, rồi sử dụng, tôn vinh hàng loạt - và chỉ riêng - những trí thức Nho giáo, biến những nho sinh - nho sĩ thành các nho quan - nho tướng, vừa làm rường cột cho triều đình, quốc gia, vừa làm hạt nhân cho “nho phong”. Đô thị Thăng Long - Đông Kinh, chỉ trong thời gian 38 năm trị vì của vua Lê Thánh Tông, đã chứng kiến cảnh tượng 501 tiến sĩ (trong đó có 9 trạng nguyên) được bia đá bảng vàng, vinh qui bái tổ…

 
Vậy là Nho giáo cứ thế mà sâu rễ bền gốc trong xã hội và lịch sử, kể cả trong các thế kỷ XVI-XVIII, lúc đã suy thoái, biến dạng dần, để trở nên giáo điều, bảo thủ, rồi khủng hoảng. Nhưng sang thế kỷ XIX, sinh khí của đạo Nho một lần nữa lại được phục hồi, khi các vua đầu triều Nguyễn, đặc biệt là Minh Mạng, ra sức đề cao việc “tuân kinh sử, pháp điển mô”, ban bố chính sách “sùng chính học”, lưu hành “Thập điều giáo huấn” và thể lệ “Giảng thập điều”. Thăng Long - Đông Kinh ở mấy thế kỷ này đã tạm mất vai trò quan phương là kinh đô. Chữ “Long” là “Rồng” đã phải đổi thành chữ “Long” là “Thịnh Vượng”. Hà Nội chỉ còn giữ vị trí khiêm tốn của một trong các tỉnh thành. Nhưng kể cả những khi như thế thì những ngôi trường Nho học cự phách như Đông Tác của ông nghè Nguyễn Văn Lý, Tự Tháp của ông nghè Vũ Tông Phan, Phương Đình của ông bảng Nguyễn Văn Siêu, Nghĩa Lập của hoàng giáp Lê Đình Diên… vẫn nườm nượp nho sinh đến nghe giảng bài và tập tành nghiên bút. Sự hâm mộ Nho giáo trên đô thị vẫn tiếp tục duy trì, đến mức cả những cô gái chỉ theo nghề trồng rau ở trên mảnh đất nay đã thành chốn cựu kinh - “Em là con gái Phụng Thiên” - mà cũng nhất quyết “Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng”.

Vì thế, sẽ không đáng ngạc nhiên, khi đến tận năm 1913, đầu thế kỷ thứ XX, trong sách “Việt Nam phong tục”, một người Thuỵ Khuê, Hà Nội là cụ Phan Kế Bính vẫn đinh ninh tổng kết: “Nước ta học theo Khổng giáo, cho nên trọng nhất nhất là luân lý cương thường. Bất cứ đàn ông, đàn bà, hễ giữ được luân lý cương thường là hay, mà trái với luân lý cương thường là dở”. Đấy là dấu hiệu khá điển hình cho thấy, nếu ở bốn thế kỷ của triều đại Lý - Trần, hệ ý thức tư tưởng Phật giáo định hướng cho sự vận hành của hệ phong tục tập quán Thăng Long, thì trong năm thế kỷ tiếp theo, đến các đời Lê - Nguyễn, hệ ý thức tư tưởng Nho giáo đã thay thế vai trò định hướng cho sự vận hành đó.

Ngày nay, cũng không thể nói Nho giáo đã không còn ảnh hưởng gì tới phong tục tập quán của thủ đô Hà Nội. ý thức hệ này vẫn đang hiện diện trong cuộc sống hiện thời, với cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhân nghĩa; Trung hiếu; Tiên học lễ, hậu học văn; Tôn sư trọng đạo… các khái niệm đó vẫn được trân trọng giữ gìn, tuy nội dung có ít hoặc nhiều thay đổi. Hoặc các hủ tục trong nghi lễ tang ma, cưới xin, lễ hội, cúng tế; thói gia trưởng, coi thường phụ nữ và người trẻ tuổi; tệ sách nhiễu dân… cũng là di chứng Nho giáo. Những phong tục cổ hủ như thế vẫn đang dai dẳng bám lấy những địa bàn, những con người còn thiếu kiến thức về nếp sống văn hoá, về dân chủ, về chủ nghĩa xã hội… Cũng vậy, những tệ lậu đang thịnh hành như tục lệ phong bì, cống nạp cấp trên là bắt nguồn từ ý thức phong kiến “Quan trị dân, dân sự quan” (Quan cai trị dân, dân phải hầu hạ quan)… Còn hiện tượng hễ một người làm cán bộ là cất nhắc cho cả họ lại có gốc gác từ quan niệm cũ kỹ “Nhất tử thụ hoàng ân/ Toàn gia thụ thiên lộc” (một con chịu ơn vua, khắp họ hưởng lộc trời).

4. Tân học: Từ khi có điều kiện tiếp xúc với phương Tây, người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng dần dần làm quen với nhiều thói tục của một phương trời văn hoá mới. Ví như tập quán kỷ niệm ngày Quốc khánh. Lẽ đương nhiên, ngày Quốc khánh đầu tiên được tổ chức kỷ niệm ở Việt Nam phải là Quốc khánh của nước Pháp 14 tháng 7, đất nước mà từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 vẫn xưng là “mẫu quốc”, thậm chí là “chính quốc” của một Việt Nam, một “An Nam” thuộc địa. Và lẽ đương nhiên, phản ứng đầu tiên của những người có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc trước ngày lễ được tổ chức rùm beng đó phải là dị ứng, là xót xa đau đớn, là chối bỏ bằng sự chế giễu, đả kích quyết liệt, sâu cay. Có thể nhận ra thái độ đó ở tiếng cười cay đắng, nghẹn ngào của cụ Tam nguyên Yên Đổ trong bài thơ nổi tiếng Hội Tây:

Khen ai khéo vẽ cho vui thế,
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu!

Đấy là cái nhục của một tấm lòng ái quốc khi cảm thấy các sự lố lăng mà thực dân cố tình bày đặt ra kia đang khía sâu vào nỗi đau mất nước. Nhưng rồi, với thời gian, các thế hệ sau, trong khi con tim vẫn cháy bỏng ngọn lửa căm hờn ngùn ngụt đối với bọn cướp nước, đã tìm thấy ý nghĩa mới mẻ hơn của việc kỷ niệm ngày Cách mạng. Vì thế mới có những câu thơ của Tố Hữu về ngày 14-7, được viết ngay trong nhà tù của thực dân. Người chiến sĩ - thi sĩ đã nhận ra, từ cái ngày “tháng bảy nóng, bụi mờ và nắng ngập” của năm xưa, “thuở oanh liệt của muôn đời”, trong đó:

Toàn dân tộc, một loài chim trói cánh
Đang âm thầm náo nức khát không gian
Bỗng vươn lên trên chế độ điêu tàn
Nghe rạo rực trong tim đời mới dậy
(Từ ấy, 14 tháng 7)

Để rồi, từ 1945, người Hà Nội, cùng với toàn dân tộc, mới có thêm truyền thống ăn một ngày Tết nữa, còn tưng bừng, náo nức hơn nhiều so với Tết bánh trôi bánh chay (Hàn thực, 3-3 âm lịch), Tết ăn rượu nếp và “giết sâu bọ” (Đoan ngọ, 5 tháng 5 âm lịch), Tết cơm mới (10-10 âm lịch), thậm chí so với cả Tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch). Đó là Tết Độc lập, vào ngày 2-9 dương lịch hàng năm. Có một thời, cứ tới ngày 2-9, khi trời còn chưa sáng, hàng đoàn người, đội ngũ chỉnh tề, đã tập hợp sẵn, để kéo về Quảng trường Ba Đình dự mít tinh, xem bộ đội diễu binh và quần chúng tuần hành, rồi lại từ đó đổ ra các ngả phố, niềm vui sướng, tự hào tràn đầy trên gương mặt. Bây giờ, những hình thức rầm rộ như thế ít được tổ chức hơn, nhưng ngày 2-9, công nhân viên chức vẫn được nghỉ lễ, các gia đình vào dịp Quốc khánh vẫn quây quần đông đủ quanh những bữa ăn đầm ấm, rồi ăn mặc đẹp để cùng đi dạo chơi, ngoạn cảnh, xem các trò vui, ngắm những chùm pháo hoa lộng lẫy nở tung trong trời đêm Hà Nội.

 Tiến về Hà Nội

Ngoài 2-9, Hà Nội còn có một ngày kỷ niệm của riêng mình. Đó là ngày 10-10, ngày Giải phóng Thủ đô. Chính vào một ngày thu như thế ở năm thứ 54 của thế kỷ XX, cái cảnh tượng lãng mạn mà nhạc sĩ Văn Cao từng ước mơ trong bài ca Tiến về Hà Nội đã trở thành hiện thực:

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Từ đó về sau, 10-10 đã trở thành một ngày lễ, có thể không lớn, không tưng bừng bằng ngày 2-9, nhưng cũng in dấu ấn rất sâu đậm trong cuộc sống của người dân Hà Nội. Cứ vào dịp ấy, trên các phương tiện truyền thông, những truyền thống của Thăng Long - Hà Nội như lại được hiện về, cờ đỏ, áp-phích, băng-đơ-rôn chào mừng giăng khắp phố phường, những buổi biểu diễn văn nghệ ngoài trời được tổ chức ở trước Nhà hát Lớn, ở quanh hồ Gươm và các địa điểm công cộng trên các Quận, Huyện thuộc toàn thành phố. Người dân thủ đô đi lại trên đường tấp nập hơn, vui vẻ hơn, và dường như họ, trong không khí mùa thu, cũng “Nghe rạo rực trong tim đời mới dậy”, tương tự như người Paris mỗi khi ngày 14-7 lại về. Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 và ngày Giải phóng thủ đô 10-10 đã trở thành nếp, thành tập tục quen thuộc và bền vững trong nếp sống của người Hà Nội ngày nay.

Vậy là cuộc Cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc đã đưa nước Việt Nam, đưa Hà Nội hội nhập vào một thế giới rộng rãi hơn rất nhiều so với quan niệm về “tứ hải” (bốn bể) của cha ông ta thời xưa cũ. Và điều đó đã đem lại cho người Việt Nam, người Hà Nội những phong tục mới. Nhưng cái mới trong tập quán sống ấy không chỉ thể hiện ở việc người dân đã có thêm những ngày được sống trong không khí Tết nhất, hội hè, trong các dịp kỷ niệm ngày thành lập một nước Việt Nam mới, ngày đánh dấu sự ra đời một Hà Nội mới. Phải được hoà nhập vào thế giới văn minh, hiện đại, người dân Việt nam mới có một mỹ tục mới, không thể có trong xã hội trọng nam khinh nữ xa xưa. Đấy là mỹ tục kỷ niệm những ngày Phụ nữ quốc tế 8-3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Dĩ nhiên, đây không phải là nét phong tục mới chỉ riêng có ở người Hà Nội. Nhưng hình như phải ở người Hà Nội, nét phong tục mới ấy mới được thể hiện ở mức đẹp đẽ nhất, tao nhã nhất. Đấy là một trong những ngày Hà Nội đầy hoa và tràn ngập các mặt hàng souvenir, và khách hàng, thật thú vị, phần lớn lại là nam giới. Những ông chồng, những người con trai đất Hà thành, trong ngày này, sẽ cảm thấy rất băn khoăn vì còn chưa làm tròn một phận sự, một nghĩa vụ thiêng liêng, nếu chưa trao tặng được cho người vợ, người yêu, người mẹ của mình một lẵng hoa, một bó hoa, hay chí ít là một bông hoa đẹp, cùng với một vật kỷ niệm có thể nhỏ bé thôi, nhưng phải đầy ý nghĩa. Họ cũng thật lòng muốn những người phụ nữ trong gia đình, vào những ngày này, phải được trân trọng, được nghỉ ngơi, và vì thế sẵn lòng làm các công việc bếp núc, giặt giũ... trong nhà.

Nhưng nước Việt Nam mới, thủ đô Hà Nội mới không chỉ có ngày dành cho phụ nữ. Bên cạnh ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, còn có thêm những ngày kỷ niệm có nguồn gốc quốc tế khác nữa, như Quốc tế Lao động 1-5, để tỏ lòng trân trọng những người lao động, cả lao động trí óc và lao động chân tay, hay Quốc tế thiếu nhi 1-6, để mọi người trong xã hội có thể bày tỏ tình yêu dấu đối với lớp người hôm nay còn măng sữa, nhưng ngày mai đã là chủ nhân của đất nước và thế giới này. Rồi, cũng do hội nhập, do hoà vào trào lưu chung của thế giới mà tập quán tổ chức những ngày hội, nhằm tôn vinh cho từng nghề nghiệp ra đời, như ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày Báo chí Việt Nam... Nhưng xuất hiện sớm hơn, và có ảnh hưởng có phần còn rộng lớn hơn những ngày chúng ta vừa kể là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày Nhà giáo Việt Nam xứng đáng được coi là một ví dụ mẫu mực về khả năng hội nhập của phong tục tập quán Việt Nam trong thời hiện đại. Bởi ngày kỷ niệm này được du nhập từ một phong trào quốc tế. Tiền thân của nó vốn là ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo. Chỉ có điều, ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo ở Việt Nam là 20-11 hằng năm, chứ không phải là 5-10 như ở Nga, 10-9 rồi 28-9 như ở Trung Hoa, 15-5 như ở Hàn Quốc, 14-11 như ở Ba Lan [2]. Về sau, những chữ Quốc tế Hiến chương không còn, nhưng tục lệ kỷ niệm ngày Nhà giáo vào 20-11 hằng năm thì không mất. Tục lệ ấy, từ chỗ là của quốc tế, đã trở thành của Việt Nam. Nó được nhân dân ta chấp nhận vì phù hợp với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. 20-11 đã trở thành một trong những ngày đáng ghi nhớ nhất của người dân ở đất nước hiếu học này. Và ngày ấy đặc biệt đẹp trên thủ đô Hà Nội. Đẹp không chỉ vì đấy là một ngày cuối thu đầu đông, tiết trời thường hanh hao, se se lạnh trong ánh nắng dịu vàng. Mà đẹp còn vì cùng với 8-3, 20-11 còn là ngày Hà Nội nhiều hoa tươi hơn cả. Những người trồng hoa thường cố gắng sao cho hoa nở trúng dịp này. 20-11, hoa tươi ngập tràn trên vỉa hè, trong ngõ phố, trên tay đàn trẻ nhỏ, trên giỏ xe của các bậc phụ huynh. Và đẹp nhất là cái tình mà nhân dân trong dịp này dành cho những người dạy học. Nhiều người tóc đã bắt đầu điểm bạc, nhưng đến ngày Nhà giáo tự nhiên cũng muốn được sống lại tuổi học trò. Nhờ có ngày 20-11, họ mới có cơ hội gặp lại bè bạn đồng môn, cùng nhau đến thăm các thây cô giáo cũ, ngày nào còn trẻ thế mà nay đã thất, bát tuần. Dù ở chỗ này hay chỗ kia, lúc này hay lúc khác, ai đó có làm lệch lạc, phôi pha ý nghĩa đẹp đẽ thiêng liêng của ngày Nhà giáo, nhưng phong tục ấy đã có chỗ đứng vững chắc không chỉ trong lòng của những thầy giáo hay học trò, mà còn trong lòng toàn dân tộc, không thể mất, không thể phai mờ.

Càng đến những ngày gần đây, khi nhân loại đang có xu thế tiến tới toàn cầu hoá trong một “thế giới phẳng”, khi các nền văn hoá, văn minh đang có khuynh hướng đối thoại thay cho đối địch, đối đầu, thì phong tục tập quán Việt Nam càng hoà đồng nhiều hơn với loài người. Và đứng ở hàng đầu, trong đội ngũ tiên phong của xu hướng mới mẻ này, dĩ nhiên phải là Hà Nội. Người Hà Nội đã chú ý nhiều đến việc chúc mừng ngày sinh của gia đình, bạn bè, những người thân thích, chứ không như trước đây, chỉ chăm chăm lo ngày giỗ. Những đôi tình nhân, những cặp vợ chồng Hà Nội đã không quên trao cho nhau những đoá hồng thắm đỏ nhân ngày Valentine (ngày lễ tình yêu)... Tuy nhiên, về mặt này, điển hình và lý thú hơn cả có lẽ vẫn là không khí của dịp Nô-en (Noel) trên đất Hà thành.

Ai nấy đều biết rằng, Giáng sinh xưa nay vẫn là một ngày lễ trọng của những tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhưng gần đây, ở Việt Nam, vui đón Noel đã không còn là tình cảm chỉ có riêng trong những giáo dân. Nhất là ở một nơi như Hà Nội - chốn đô thành này vốn nhạy cảm với các sinh hoạt văn hoá, các phong tục hay của mọi miền trên Trái Đất. Chẳng khó khăn gì để nhận ra rằng, mỗi dịp Nô-en, bộ mặt của thành phố và không khí sinh hoạt của những người dân ở đây lại có nhiều thay đổi. Từ trước ngày 25-12, hình ông già Nô-en với bộ quần áo đỏ và bộ râu như tuyết trắng, cây thông Nô-en có những gói quà xinh xinh vuông vắn và những quả cầu nhỏ nhiều màu... đã được bày trước cửa của nhiều nhà hàng, khách sạn. Người Hà Nôi cũng đã bắt đầu quen mắt với các mặt hàng Nô-en trong các cửa hiệu, trên vỉa hè và phấp phới trên xe của những người bán hàng rong. Các bà mẹ chiều con thì sắm cho các cô cậu bé bộ quần áo của ông già Tuyết, khiến các cô cậu trông như búp bê Nô-en xinh xắn. Dịch vụ chuyển quà Giáng sinh phát triển đến mức phải nảy sinh ra nhu cầu phải có nơi “đào tạo” ra các “ông già Nô-en chuyên nghiệp”, đạt các tiêu chuẩn: mập mạp, đứng tuổi, phúc hậu, có khiếu hài hước, biết chuyện trò với trẻ em, biết hát và kể chuyện… Hà Nội đã có những Trung tâm như thế, ví dụ như Trung tâm Hạnh Phúc ở số 2 phố Hoà Mã. Và các cô cậu bé ở Hà thành đã thành thạo với việc tặng quà Giáng sinh đến mức có lần các em đã nhất định không chịu nhận quà chỉ vì “ông già Nô-en” hôm đó quên đi ủng đỏ [3]. Còn đêm Thiên Chúa giáng sinh ở Hà Nội thì thật là một cảnh “dập dìu tài tử giai nhân”, chắc hẳn không hề kém lễ hội Đạp thanh trong tiết Thanh minh mà thi hào Nguyễn Du từng tả lại trong thiên tuyệt tác Truyện Kiều. Không chỉ các con chiên ngoan đạo, mà cả bao nhiêu gái lịch trai thanh đã nô nức đổ về những nơi như Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Cửa Bắc, Nhà thờ Hàm Long, Nhà thờ Giáp Bát..., cho dù vào đêm Nô-en, Hà Nội thường rất lạnh. Rất nhiều người trong số họ đến đấy không phải để nghe giảng đạo, hoặc cầu kinh. Họ đến đấy, có khi - và thường khi - chỉ để ở bên nhau trong đêm lạnh, trong ánh đèn màu rực rỡ cùng tiếng chuông ngân, và cảm nhận từ đấy một không khí hội hè, một niềm hạnh phúc mà họ đã thấy là không thể thiếu trong cuộc sống.

Đón chào Nô-en đã thực sự mang ý nghĩa của một phong tục mới, từ những nơi xa xôi trên thế giới hoà nhập vào mảnh đất Long thành.

 

TIẾP NHẬN - CẢI BIẾN - LAN TOẢ
 

Cuộc chuyển động qua những năm tháng dài lâu của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội - được tinh thần dân tộc tạo cho sự định hướng cơ bản, và theo thời mà có thêm những tác động của những ý thức tư tưởng như Phật giáo, Đạo giáo, hoặc Nho giáo - thực chất là một cuộc vận hành theo trục dọc của thời gian. Còn trên bình diện và theo chiều ngang của không gian xa gần thì phong tục tập quán ấy còn có những chuyển động, chuyển hoá đặc sắc, mà sự tiếp nhận và cải biến chính là động thái cũng rất đặc trưng.

Theo sách Việt sử lược, thì vào thời Lý, năm 1048, ở Thăng Long, có một phong tục cung đình đã được chiếu chỉ của vua Lý Thái Tông ghi nhận: “Định phép đánh Xuân ngưu”. Sang đến thời Trần, tục “đánh Xuân ngưu” ở Thăng Long ấy lại được sách An Nam chí lược chép rõ: “Tiết lập xuân, vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh con trâu bằng đất”, xong rồi thì các quan liêu đều cài hoa lên mũ, vào cung hội yến. Đến thời Hậu Lê, trong hai thế kỷ XVII, XVIII, qua sách vở đương thời và theo sự mô tả trong các tài liệu của những người phương Tây khi ấy có mặt ở Kẻ Chợ - Thăng Long, thì một phong tục và lễ tiết có tên là “Tiến xuân ngưu” cũng đã được tổ chức rất trọng thể và cầu kỳ vào dịp Lập xuân hằng năm ở kinh thành. Từ chiều tối và đêm hôm trước, đến tận sáng và trưa hôm sau, lễ Tiến Xuân ngưu diễn ra trên một diễn trường liên hoàn rộng lớn - từ phường Đông Hà (ở bờ sông) vào đến tận điện Kính Thiên (trong Cấm thành) qua Cửa Nam, ra Cửa Đông rồi sang đến tận khu Phủ Chúa Trịnh - có sự tham gia, chứng kiến, lễ lạy, chia phần, rước xách… của đủ mọi tầng lớp, từ vua chúa, quan quân đến chúng dân rất đông đảo, xung quanh một lễ vật - cũng là “đạo cụ” chính - là một con trâu làm bằng đất. ý nghĩa của phong tục đặc biệt Thăng Long - Kẻ Chợ này đã được kinh điển Nho giáo Trung Quốc xác định là theo thiên “Nguyệt lệnh” trong sách “Kinh Lễ”: “Làm con trâu bằng đất để tống hết khí lạnh… để tống hết hung tà kẻo sang năm (mới) làm hại cho người”. Vậy theo Kinh Lễ, tiến Xuân ngưu là một nghi thức đón xuân. Nhưng với người Thăng Long, đây còn là một hình thức “khuyến nông” được nâng lên tới mức trở thành sùng kính.

Như thế, tục lệ Trung Hoa cổ đại “Đả (đánh) Xuân ngưu” đã du nhập vào Thăng Long ngay từ những năm đầu định đô, trở thành một nghi thức mừng xuân trong hệ thống phong tục tập quán cung đình trùm phủ lên cho đô thị kinh thành. Nhưng đến khi chuyển hoá thành tục lệ “Tiến (dâng) Xuân ngưu”, được thực hiện trên cả hai vùng “trong thành, ngoài thị” cho đến tận cuối thời trung cổ - trên một địa bàn toàn là phố phường, cung điện -, thì những con trâu đất ở đây đã mang một ý nghĩa mới là biểu hiện sự trọng thị nghề nông ở khắp nơi. Như thế, phải coi đây là một trường hợp tiêu biểu cho động thái vừa tiếp nhận vừa lan toả của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội cổ truyền.

Động thái “tiếp nhận - cải biến - lan toả” theo chiều ngang của không gian ấy còn được thấy qua nhiều biểu hiện khác nữa, mà tiêu biểu là tục phong thờ thần thành hoàng và tổ nghề ở đô thị kinh thành.

Thành phố Hà Nội tính đến năm 2000 vẫn đang còn di tích của 551 ngôi đình trên toàn địa bàn 14 quận huyện của mình, chiếm một tỷ lệ rất cao là gần một phần ba trong tổng số 1774 di tích lịch sử - văn hoá của Thủ đô (551/1774), rải đều trên toàn địa bàn nội ngoại thành. Ngay ở năm quận nội thành - đất đô thị gốc -, các ngôi đình cũng có tỷ lệ đáng kể trong số các di tích như đình, đền, chùa, miếu, lăng, điện, nhà thờ họ, di tích cách mạng đã được xếp hạng, như ở quận Ba Đình 8/22, quận Hoàn Kiếm 6/23, quận Đống Đa 9/36, quận Hai Bà Trưng 5/23, quận Tây Hồ 5/21 [4].

Có hai loại đình. Một là đình của dân bản địa thờ thành hoàng bản địa. Và hai là đình của dân từ các địa phương khác về lập nghiệp dựng lên để thờ thành hoàng ở quê gốc hoặc thờ tổ nghề được tôn vinh ngang với thành hoàng.

Đình, với ba chức năng chủ yếu là: nơi thờ thành hoàng làng, trụ sở hành chính (nơi bàn việc làng) và là nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng (hội hè đình đám), là hình ảnh, đồng thời cũng là di sản vật thể tiêu biểu của văn hoá nông thôn, gắn bó chặt chẽ với làng. Đình cũng là nơi thường diễn ra hội làng - một hoạt động, mà cũng là di sản phi vật thể điển hình của văn hoá nông thôn đó. Vì thế nên hội làng còn có tên gọi là hội đình (như các hội đình Yên Thái ở Tạm Thương, Vũ Thạch ở Bà Triệu, Yên Hoa ở Yên Phụ…). Việc xuất hiện và tồn tại đại trà những ngôi đình cổ và những hội đình xưa ở Thăng Long - Hà Nội đã nói lên sự bảo lưu gốc rễ nông thôn và văn hoá nông thôn đối với đô thị này là sâu đậm về nhiều phương diện. Mặt khác, nhìn từ khía cạnh vận hành phong tục cổ truyền ở Thăng Long, ta còn thấy phong tục thờ thành hoàng và tổ nghề, đã có sự thay đổi khi thời đại đổi thay.

Ví như dưới thời Pháp thuộc, đình ở Hà Nội có hai dạng thay đổi rất đáng chú ý. Đó là việc thay đổi bố cục kiến trúc, để ngôi đình có thể được sử dụng vào mục đích kinh doanh và việc cải cách sự cúng tế.

 Đình Yên Phụ có lối kiến trúc chạy theo hướng dọc

Hẳn là xưa kia tất cả các ngôi đình ở Hà Nội đều được dựng theo kiểu kiến trúc cổ truyền như ngày nay ta còn thấy ở đình Vũ Thạch, đình Hồ Khẩu, đình Yên Phụ, đình Ngọc Hà, đình Đồng Nhân, đình Kim Mã...

Nhưng tới thời Pháp thuộc, do đô thị hoá, do tấc đất ở khu trung tâm (nay ta gọi là khu phố cổ) trở thành những tấc vàng, nên có hiện tượng là dân một số phường thôn đã cho xây tôn đình lên thành hai hoặc ba tầng. Tầng cao nhất còn giữ chức năng đình, với ngai thờ, hương án, câu đối, hoành phi... Nhưng các tầng dưới thì đã được biến thành nhà ở cho ông từ, bà đồng. Đặc biệt là tầng trệt thì đã thành nơi cho thuê làm cửa hàng, với mục đích lấy tiền làm công quỹ, sử dụng trong việc đèn nhang cúng tế, đỡ cho sự đóng góp của dân. Mục đích ấy nhìn chung là trong sáng. Song cũng không loại trừ những uẩn khúc có thể còn có ở đôi nơi.

Nếu muốn hình dung cho thật rõ diện mạo các ngôi đình Hà Nội đã được thay đổi về công năng kiến trúc, có thể tới xem đình Yên Nội, nay là số nhà 42 Hàng Nón, đình Phúc Hậu ở số 2 Hàng Bông, đình Vĩnh Hanh ở 19b Hàng Đường... nay đã được nâng lên thành 2 tầng. Còn tiêu biểu cho các ngôi đình được nâng thành 3 tầng là đình Diên Hưng ở 7 Hàng Ngang, đình Đại Lợi ở 50 Gia Ngư, đình Hoa Lộc ở 90 Hàng Đào...

Có nơi không xây cao tầng thì thu đồ thờ gọn vào trong hậu cung, còn nhà ngoài (đại bái cũ) thì cho thuê như đình Phương Trung ở 18 phố Đồng Xuân. Lại có nơi cổng đình được xây dựng thành gian nhà cho thuê như đình Yên Ninh ở 150 Phó Đức Chính. Cổng đình Đông Thành ở số 7 Hàng Vải thời tạm chiếm (1947 - 1954) cũng được thuê, và nơi đó trở thành hiệu nem chả Cát Tần.

Vậy là ngay thời thuộc Pháp, các vị thành hoàng tôn kính cũng đã phải phần nào lùi bước, nhân nhượng trước kinh tế thị trường (chúng tôi chỉ nói tới thời Pháp thuộc, còn sau năm 1954, với tư duy vô thần, đình đền miếu mạo thành cửa hàng, nhà kho, vườn trẻ lại là chuyện khác, không thuộc chủ đề của chương này).

Sự cải biến phong tục còn biểu hiện mạnh hơn trong việc cử hành cúng tế. ở nhiều nơi trong Hà Nội, việc tiến hành tế lễ đã không còn theo đúng như ngày lễ cổ truyền, mà lại tổ chức vào một chủ nhật gần ngày lễ ấy. Đấy là hiện tượng đã diễn ra ở các đình Trúc Lâm - Hài Tượng (còn gọi là Tam Lâm) và Lương Ngọc.

Đình Trúc Lâm ở phố Hàng Hành và đình Hài Tượng ở ngõ Hài Tượng do dân ba làng Trúc Lâm, Văn Lâm, Phong Lâm (nên mới gọi là Tam Lâm) lập ra để thờ tổ nghề giày da. Dân các làng này lên Hà Nội làm công cho các hiệu giày da khắp thành phố và cả trong Intendance (Hậu cần) của quân đội Pháp. Hoàn cảnh làm việc khiến họ khó có thể nghỉ vào ngày trong tuần. Vì thế nên dân mới phải chọn chủ nhật áp ngày lễ cổ truyền làm ngày cúng tế. Đình Lương Ngọc ở 68 Hàng Bông do dân làng Lương Ngọc (Hải Dương) dời lên Hà Nội lập nghiệp lập ra cũng vậy. Dân Lương Ngọc, cả thời phong kiến lẫn thời Pháp thuộc, lên Hà Nội chủ yếu là để làm quan, quan chức hành chính và quan coi nghề dạy học (quan đốc, quan huấn). Mà đã làm quan thì chỉ có chủ nhật là rảnh rỗi. Cho nên ở đình Lương Ngọc cũng tổ chức cúng tế thành hoàng vào ngày chủ nhật áp ngày lễ cổ truyền.

Trở lên là nói về sự thu nhận, cải biến của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội trên cơ sở mặt bằng không gian trong nước. Nhưng sự thu nhận đó còn thể hiện ở chỗ, miền đất Kinh kỳ này đã “nhập cảng” được không ít những phong tục tập quán bên ngoài nước, mà rõ nhất là những phong tục tập quán của Bắc phương. Các phong tục tập quán ấy truyền đến Thăng Long - Hà Nội qua nhiều loại người (những nhà du lịch, truyền giáo, những kẻ di dân, tị nạn, những hàng binh, tù binh và đặc biệt là những khách thương, những người di thực…) và qua tất cả các thời, nhất là vào những thời mà lịch sử có nhiều biến động.

Ngay từ những thế kỷ đầu trong lịch sử đô thành, ở các triều Lý Trần, nhiều nhà sư Trung Hoa đã mang ảnh hưởng các dòng thiền, các môn phái Phật giáo phương Bắc tới Thăng Long để tu đạo và truyền giáo, chẳng hạn như sư Biện Tài, từ Quảng Châu đến tu ở chùa Vạn Tuế và được vua Lý Thánh Tông mời giảng đạo. Rồi lại có Hứa Tông Đạo, đạo sĩ cuối đời Tống, đã theo thuyền buôn đến Yên Hoa (Yên Phụ) và ở lại nơi này…

Sử cũ còn ghi: Năm 1274, có 30 chiếc thuyền đi biển của người nhà Tống đào vong, đem cả vợ con, của cải đến Thăng Long và được vua Trần cho định cư ở phường Nhai Tuân, mở phố chợ, bán vóc đoạn và thuốc bắc. Những tục lệ liên quan đến nghề y - kể cả những điều quái dị - còn theo những tù binh trong các trận chiến chống Nguyên Mông là cha con nhà Trâu Tôn, Trâu Canh nhập cung đình Thăng Long đời Trần. “Nghề chơi” - sân khấu cung đình Thăng Long - cũng ở thời Trần, còn có thêm vở diễn “Tây Vương Mẫu hiến bàn đào” do tù binh chiến tranh Lý Nguyên Cát, được thu dụng vào nội cung, truyền bá và dàn dựng. Trò “Leo dây múa rối” nhập vào “thú chơi” Thăng Long, cũng là do nghệ nhân Đinh Bàng Đức đưa lại từ phương Bắc…

Sang thế kỷ thứ XV và các thế kỷ tiếp theo, nếu sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 đã nói đến một phường Đường Nhân (phường của người nhà Đường, tức người Hoa, ở chỗ phố Hàng Ngang bây giờ), nơi buôn bán nhiều mặt hàng Trung Quốc, trong đó có “áo diệp y“,thì năm 1650, Chúa Trịnh cũng đã qui định cụ thể cho các khách thương đến từ Phúc Kiến, được ngụ tại các làng Thanh Trì và Khuyến Lương để giao dịch. Đến thế kỷ XIX thì làn sóng những người phương Bắc di thực và buôn bán từ Quảng Đông, Phúc Kiến đến cư ngụ, sinh sống ở Thăng Long - Hà Nội đã lên tới con số hàng vạn (chiếm tỷ lệ từ 1/5 đến 1/12 thị dân kinh thành). Họ lập ra các phố, mở các hội quán mang tên quê gốc của họ ở Trung Hoa và trong sinh hoạt, vẫn giữ nguyên rất nhiều phong tục Bắc phương ở ngay giữa kinh thành Thăng Long - Hà Nội, từ cách thờ cúng tổ tiên, tang ma, cưới xin, thờ thành hoàng đến cách ăn cách mặc, cách giải trí vui chơi.

Bằng nhiều con đường dẫn truyền như thế mà Thăng Long - Hà Nội đã thu nhận khá sâu đậm nhiều phong tục tập quán đến từ phương Bắc. Thậm chí, nhiều phong tục tập quán nguồn gốc Tây phương cũng thông qua kênh dẫn Bắc phương này mà vào ngự giữa đô thị Kinh kỳ. Trường hợp người Thăng Long - Hà Nội xưa, đi chụp ảnh ở hiệu “Cảm Hiếu Đường” là một ví dụ tiêu biểu. Đấy là hiệu chụp ảnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, khai trương ngày 14-3-1869 ở phố Thanh Hà (cạnh Ô Quan Chưởng) do Đặng Huy Trứ - một quan chức ngành ngoại thương của triều Nguyễn - chủ trương. Những tưởng đây là bằng chứng rất sớm của một hình thức phong tục văn minh từ phương Tây được nhập vào Thăng Long - Hà Nội. Nhưng kênh dẫn trực tiếp của “phong tục đi chụp ảnh”, từ hồi giữa thế kỷ thứ XIX, lại vẫn chính là từ phương Bắc: Đặng Huy Trứ đã mua các thiết bị chụp ảnh từ Quảng Châu (và thuê luôn “chuyên gia” là người phương Bắc) đem về Hà Nội! Đến cả tên “Cảm Hiếu Đường” của hiệu ảnh Thăng Long - Hà Nội đầu tiên này cũng nói lên tính chất Bắc phương trong phong tục chụp ảnh ở Hà Nội vào thời gian rất sớm ấy: Chụp ảnh chỉ là để làm việc hiếu, theo hệ ý thức tư tưởng Nho giáo (tức là chỉ chụp ảnh chân dung cho cha mẹ để thờ cúng mà thôi).

Tuy nhiên, cũng vẫn có không ít trường hợp những ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, không cần phải qua kênh truyền dẫn Bắc phương, vẫn tự tìm lấy đường vào Thăng Long - Hà Nội, để được hệ phong tục tập quán ở nơi đây dung hợp. Ngay từ các thế kỷ thứ XVII, XVIII, việc buôn bán và truyền đạo vào Kẻ Chợ của những lái buôn và thầy tu Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đã làm nên những đường dây trực tiếp đưa phong tục tín ngưỡng phương Tây vào Thăng Long, mà quan trọng hơn cả là Thiên chúa giáo. Giáo dân chối bỏ những phong tục cổ truyền, không thờ tổ tiên nữa, bỏ bát nhang hương án, cưới xin ở nhà thờ dưới chân tượng Chúa trời. Họ thôi không lai vãng đến chùa đền, quên Phật, quên Mẫu, chỉ biết sáng sáng tới nhà nguyện, nhà thờ, nghe cha giảng Tân ước, Cựu ước và kể chuyện đức Chúa Giê-su cùng các thánh tông đồ.

Ngoài ra, sự tiếp xúc với phương Tây đặc biệt là từ đầu thế kỷ XX đã nhập vào Hà Nội nhiều tập tục mới: về ăn uống có thêm “cơm tây” với súp, thỏ xi-vê, ngỗng ra-gu, xúc-xích, giăm-bông, pa-tê, bí-tết ăn với bánh tây, và rau xà-lách trộn dầu ô-liu, rồi cà-phê, bia, rượu vang, hay là “tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò”, nói theo cách của Tú Xương… Về trang phục thì áo tây quần tây, com-plê, cà-vạt, mũ phớt, giày đơ-cu-lơ, nữ thì áo tân thời, áo măng tô, áo lơ-muya, vấn tóc trần rồi phi-dê, giày mang cá, giày muyn và phấn đắp, son tô… Rồi ở miền Bắc, phụ nữ không nhuộm răng nữa mà để răng trắng. Các bà các cô tân tiến vứt bỏ các thứ trang phục cũ: áo tứ thân, yếm cổ xẻ, váy lĩnh bốn, năm bức, bỏ cả tóc đuôi gà và khăn vấn để mặc quần trắng áo dài, uốn tóc. Và đi xe đạp, phong trào này khởi đầu từ Hà Nội để rồi sau đó lan ra các tỉnh. Nam giới cũng vậy, các quý ông sẽ không ngần ngại cắt phăng búi tó, sẽ để răng trắng, mặc Âu phục, đi giày “tây”, cầm ba toong, hút píp, đánh ten nít… Một lần nữa, đây lại là những tập tục mới, xuất phát từ Hà Nội, rồi lan ra các thành thị khác (sẽ trở lại vấn đề này ở cuối chương).

Cơ chế tiếp nhận - cải biến - lan toả trong sự vận hành của hệ thống phong tục tập quán thủ đô, có thể nói, còn tiếp tục tồn tại cho đến thời điểm hiện nay. Có thể thấy rõ điều đó, chẳng hạn, trong tục đón Nô-en mà trên kia chúng ta đã từng nói tới. Đấy là một tập quán mà người Việt Nam, người Hà Nội đã tiếp nhận được từ các nền văn minh Cơ đốc giáo ở phương Tây. Nhưng vào Việt Nam, và trước hết là vào Hà Nội, nó - phong tục đón Nô-en đó - đã dần dần được cải biến, để từ một truyền thống tôn giáo chuyển sang một hình thức sinh hoạt có ý nghĩa văn hoá - tinh thần, rồi từ trong nội bộ hàng ngũ giáo dân, lan toả sang những giai tầng dân cư đông đảo khác ngoài xã hội, nhất là lớp người trẻ sống giữa môi trường của thị thành.

(Kỳ sau)

Nguồn: Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn Hoá Và Phong Tục, NXB Thanh Niên
[1] Theo thống kê của Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, in trong sách Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia - 2000
[2] Theo tiasang.com.vn ngày 17-11-2006
[3] Xem CAND.com ngày 16-12-20061
[4] Vẫn Theo thống kê của sách Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội. (Sđd)

Bình luận của bạn

Tin khác