Phẩm cách người Hà Nội đã được hun đúc trong hàng nghìn năm lịch sử. Những giá trị lâu bền vẫn được gìn giữ. Dù vậy, trong bối cảnh phát triển nhanh của Thủ đô, vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phai nhạt, thậm chí là bị mai một.
4. “Chất Hà Nội”, dòng mạch nguồn chảy mãi
3. Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Thăng Long
2. Về đâu “những hạt bụi vàng”?
1. “Chất Hà Nội" - làm giàu bản sắc văn hóa Kinh kỳ
Bài 2: Về đâu “những hạt bụi vàng”?
Vẹn nguyên “chất Hà Nội"
Chất thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội là tổng hòa của các yếu tố ăn, mặc, giao tiếp, ứng xử xã hội… Tất cả đều tinh tế, nhẹ nhàng, toát lên sự thanh cao mà bình dị. Như Nguyễn Công Trứ đúc kết, mở đầu cho bài “Thành Thăng Long” cách đây 150 năm: "chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Hệ giá trị của người Hà Nội ngày nay vẫn hiện hữu trong đời sống thường nhật. Bà Vũ Thị Thịnh, hiện sinh sống trên phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm). Là người đã gắn bó với Hà Nội từ thuở lên 5, bà Thịnh bảo Hà Nội không sinh ra, nhưng đã nuôi dưỡng tâm hồn của bà.
Người phụ nữ tóc bạc trắng gần 80 tuổi kể, cụ bà thân sinh năm nay đã gần 100 tuổi, luôn răn dạy bà và các anh chị em trong nhà phải giữ lễ nghi. Con trẻ được răn dạy ngăn nắp, nền nếp, ngoan ngoãn, thương yêu lẫn nhau, trên bảo dưới nghe. Cuộc sống ngày đó ít bon chen vật chất hơn bây giờ.
“Những người con gái Hà Nội cũng thường rất khéo tay trong chế biến món ăn. Họ làm ra những món ăn tinh tế, cầu kỳ dù cho mất thì giờ và phiền toái. Bà dạy cho mẹ, mẹ dạy lại cho con gái nên cái tinh tế còn lưu lại cho đến ngày nay…” - bà Thịnh chia sẻ.
Có một thực tế thú vị mà có thể nhiều người không mấy để ý, đó là dạo quanh phố phường Hà Nội, tất cả các quán quà ngon, nổi tiếng thì hầu như đều do phụ nữ làm chủ. Thực tế hiện nay, phụ nữ Hà Nội hiện đại cáng đáng nhiều chức trách bên ngoài xã hội, nhưng vẫn xem trọng công việc nội trợ, coi đó là bổn phận đáng quý của một người mẹ, người vợ trong gia đình.
“Cách cư xử với nhau của mọi người dựa trên thuần phong mỹ tục lâu đời. Họ quý người, hiếu khách, giàu lòng thương người. Xóm giềng với nhau, họ đon đả, chào mừng. Thấy cần là cố giúp. Làm sao người gần thì đẹp lòng, người xa thì muốn lại” - nhà văn Lý Khắc Cung viết trong cuốn “Hà Nội - Văn hóa và Phong tục”.
Bản chất người Hà Nội đó vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay. Đi ra ngoài đường, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh 1 bình nước mát lành giữa tiết trời nóng nực của Hà Nội trên đường Trần Duy Hưng; ở góc phố Thái Hà, vẫn có điểm thu gom quần áo không dùng cho những người có hoàn cảnh khó khăn…
Đặc biệt, trong những năm tháng đại dịch Covid-19 hoành hành, tinh thần tương thân tương ái của người Hà Nội đã được thể hiện sinh động hơn bao giờ hết. Rất nhiều chương trình tương trợ đã được TP triển khai hiệu quả, đơn cử như: “Hà Nội nghĩa tình - ATM Oxy miễn phí”; thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, đã tiếp nhận 2.506 bình oxy, 28.000 lít khí hỗ trợ các bệnh nhân…
Hàng chục nghìn tình nguyện viên Thủ đô đã không quản khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến an toàn sức khỏe, ngày đêm sát cánh cùng đội ngũ y tế, lực lượng chống dịch tuyến đầu, ở cơ sở, thực hiện điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm chủng… Qua đó góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những “điểm sáng” phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất.
Để những hạt bụi vàng... lấp lánh
Ấy thế nhưng sự phát triển nào cũng bao gồm hai mặt đối lập. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh hiện nay, cái tinh tế của người Hà Nội cũng bị tác động, ảnh hưởng. Người ta “vơ” các từ chỉ mối quan hệ gia đình vào trong xưng hô. Những từ “thưa”, “ạ”, “dạ”, “vâng” đang vắng dần trong ngôn ngữ giao tiếp; mà thay vào đó là những từ cộc lốc, thái độ tự nhiên, suồng sã…
“Phẩm cách người Hà Nội luôn là hình mẫu tự hào, dù vậy, phải chấp nhận rằng sự phát triển nào cũng có mặt trái. Giữa những bộn bề của Hà Nội, văn hóa Hà Nội bị tác động thay đổi, “chất Hà Nội" cũng ít nhiều bị “pha loãng” hơn trước…” - TS Tôn Phương Lan nhận xét. |
Người Hà Nội lương thiện, trung thực và hòa nhã. Hết sức nhân văn. Đi nhẹ nói khẽ, không gây gổ ngoài đường. Nhưng nay khi đi ra đường, đôi lúc chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh chướng tai gai mắt, như những lời nói kém lịch sự, nhất là với người bán hàng rong, nhân viên phục vụ quán ăn uống. Hình ảnh những nam thanh, nữ tú “đầu trần” chạy xe, lạng lách trên đường phố, hay một vài người dân vô tư xả rác bên đường…
Ông Nguyễn Văn Quỳ đã gắn bó hơn nửa thế kỷ với Hà Nội, hiện sống trên phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm), chia sẻ ngày trước người Hà Nội thật thà, chất phác. Ngay như trong việc buôn bán cũng rất nền nếp, không có tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tràn lan, hay cạnh tranh thiếu lành mạnh như bây giờ.
Cách ứng xử của người Hà Nội xưa cũng rất khác bối cảnh hiện nay. Nếu như trước đây, khi không may có va chạm xe cộ trên đường, người Hà Nội sẽ xuống xe và xin lỗi, không để người khác phải nhắc nhở. Người nghe được như cởi tấm lòng, chẳng trách cứ gì người có lỗi nữa.
“Ngày nay, hễ xảy ra va chạm là nhiều người “sửng cồ”, chửi bới, thậm chí là sẵn sàng “động chân động tay”. Cuộc mưu sinh chốn thành thị khiến người ta đôi lúc không còn làm chủ được hành vi của bản thân mình…” - ông Quỳ trầm ngâm.
TS Khương Việt Hà (Viện Văn học) thẳng thắn nhìn nhận: "Con người Hà Nội hiện nay đã có những sự thay đổi nhất định, về tổng thể dường như khép kín vào môi trường cá nhân nhiều hơn, “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Cũng bởi vậy mà hiện nay khó nhìn thấy những tố chất của người Hà Nội hơn".
“Trong cách nói của người Hà Nội xưa, họ sử dụng nhiều khái niệm “xin phép”, “cảm ơn”, nghe có nét gì đó rất trọng thị và khiêm nhường. Điều này theo thời gian cũng đã ít nhiều phai mờ đi, mà nguyên nhân một phần đến từ việc Hà Nội là nơi quy tụ cư dân khắp nơi, là nơi hấp thụ và đồng hóa văn hóa mọi miền…” - TS Khương Việt Hà nói thêm. |
Nghĩ về Thăng Long xưa - Hà Nội nay, lại nhớ một trích đoạn trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải: “Một người như cô phải chết đi, thật tiếc. Lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống, chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.
Chút ngậm ngùi của nhà văn Nguyễn Khải cũng là trăn trở rất lớn của những người Hà Nội, luôn khắc khoải với tình yêu dành cho mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Làm thế nào để gìn giữ và phát huy những phẩm chất đáng quý của người Hà Nội là câu hỏi đặt ra, để những hạt bụi vàng mãi còn lấp lánh.
Theo thời gian, Hà Nội đã thay đổi ít nhiều, duy chỉ có một điều mà Hà Nội luôn giữ lại, đó là TP này luôn dang rộng vòng tay đón người dân từ tất cả vùng miền đến sinh sống, lập nghiệp. Dòng người đến Hà Nội nhập cư ngày một đông, mỗi người đến mang theo những nét văn hóa riêng. Điều ngạc nhiên là những dòng văn hóa đó không xung đột mà hòa nhập vào nhau, tạo nên một Hà Nội đầy bao dung, nghĩa tình và đa màu sắc… - GS Phong Lê |
Bình luận của bạn