“Chất Hà Nội" - làm giàu bản sắc văn hóa Kinh kỳ

Chủ nhật, 03/11/2024, 17:04 (GMT+7)

Chia sẻ

Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật; người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra quan điểm, mục tiêu “… xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

kwkq-1.jpg

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ TP Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

4. “Chất Hà Nội”, dòng mạch nguồn chảy mãi
3. Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Thăng Long
2. Về đâu “những hạt bụi vàng”?
1. “Chất Hà Nội" - làm giàu bản sắc văn hóa Kinh kỳ

Bài 1: Đi tìm phẩm cách người Hà Nội

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Hà Nội đã tạo dựng cho mình những phẩm chất riêng, có thể khái quát trong hai chữ “thanh lịch”. Phẩm chất thanh lịch đó được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội và là sự kết tinh tinh hoa của cư dân mọi miền đất nước hội tụ về Thủ đô.

Từ cốt cách xưa…

Chất thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trước tiên ở lời ăn, tiếng nói. Như cách PGS.TS Nguyễn Kim Thản nhận xét trong cuốn “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”: “…về cách ăn, người Hà Nội từ tốn, ý nhị; bao giờ cũng chờ người có tuổi, người bề trên ngồi vào rồi mới ngồi”. “Trước khi ăn, người ta bao giờ cũng xem hai đầu đũa. Không bao giờ người Hà Nội gắp miếng ngon trước, nhất là thịt, mà thường gắp món phụ như rau, đậu… Người ta không nhúng đầu đũa vào bát canh, mà dùng thìa lấy vào bát mình. Quả chuối bao giờ cũng bẻ làm đôi rồi mới bóc từng nửa một mà ăn…”. Những mô tả trên cho thấy người Hà Nội ăn uống từ tốn, khoan thai, biết kính trên nhường dưới, chứ không vội vàng, ồn ào.

Ăn thì thế, còn nói thì sao? PGS.TS Nguyễn Kim Thản mô tả: "Nhận được của ai cái gì, dù là quà biếu, hay hàng của mình bỏ tiền ra mua, người Hà Nội bao giờ cũng khiêm tốn, “xin bà” hay “xin ông”. Người khác giúp việc gì, dù là nhỏ, người Hà Nội cũng “cảm ơn”, “đa tạ”. Làm một điều gì quấy quá người khác, người Hà Nội bao giờ cũng nói: “ông/bà làm ơn…”".

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng nhìn nhận: “Thanh lịch là “chất” cơ bản của người Hà Nội. Đó là lối sống văn hóa, từ trong ăn mặc, đối nhân xử thế; từ cách nói năng cho đến hành động; từ trong gia đình ra ngoài xã hội… Tất cả đều phải có văn hóa”.

Người Hà Nội cũng đặc biệt tế nhị trong việc đặt các câu hỏi, câu cầu khiến. Theo phép xã giao, không bao giờ người Hà Nội hỏi người chưa quen biết, không thân thiết theo cách: “mấy giờ rồi?”, “quầy này mấy giờ bán hàng?”; bởi người Hà Nội cho rằng hỏi như vậy là “xách mé”, “trịch thượng”, “hách dịch”. Và người Hà Nội cũng không trả lời người không thân thiết bằng những cách nói chỏng lỏn, nhấm nhắng, cộc lốc, cửa quyền.

Lịch sự đối với người khác, người Hà Nội lại nhã nhặn, thậm chí là nhún nhường khi nói về mình. Xưng hô thì bao giờ cũng đặt người khác lên bậc trên mình. Những gia đình có nền nếp không cho con cái gọi nhau, hay gọi bạn bè bằng “mày, tao”.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) chia sẻ rằng, điểm nổi bật trong chất thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội là sự tinh tế trên mọi phương diện, đặc biệt là ở mặt nói năng, giao tiếp. Dù người đối diện với mình là ai, người Hà Nội luôn thêm các từ đệm như “thưa”, “ạ”, “dạ”, “vâng”, “cảm ơn”, “không dám” ở cuối câu.

Âm giọng vừa phải, làm cho quan hệ giữa hai người vừa trang trọng mà lại có thêm chút thân tình, giảm bớt độ xa cách hay căng thẳng (nếu có) của câu chuyện đang hoặc sắp diễn ra, nhưng vẫn giữ được khoảng cách cần thiết. Chính vì thế, người các địa phương khác về, tiếp xúc với người Hà Nội đều thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.

Đến phong trào “tân thời”

 Trong cuốn “Hà Nội thanh lịch”, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã viết về người Hà Nội như sau: "Người Tràng An rõ ràng là người cần cù, cứng rắn; vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã; nói lời văn vẻ dễ nghe; dễ hòa hợp với bà con phường xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người; ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn, kệch cỡm, hạnh hoẹ, lố lăng, đê tiện".

Cũng theo nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, người Hà Nội ở với nhau “biết nhịn”, “biết nể”, “biết ngượng”. Trong thôn phố có việc là chạy sang thăm hỏi ngay; ở với nhau chu tất, ăn ý. Tình người rõ ràng ở chỗ: nhà quê ra nóng, nhọc, thì thấy ngay bên đường một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch…

Là người đã gắn bó một đời với Thủ đô Hà Nội, GS Phong Lê chia sẻ rằng, với người Hà Nội, trong tổng hòa tất cả các thành phần của nó, đó là cách ứng xử bao dung và lịch thiệp; không địa phương, không cục bộ, không gây mặc cảm, không tỏ ra kỳ thị; là sự coi trọng các giá trị văn hóa và tinh thần và rộng ra là coi trọng con người.

“Chính với cách ứng xử như thế mà ai được sống ở Hà Nội, ai trở thành cư dân Hà Nội cũng đều tìm được một khí chất sinh tồn, và trong bươn chải của muôn mặt đời thường, có cực khổ đến mấy, con người vẫn có thể sống với nhau trong một không gian đáng tự hào là không gian Hà Nội…” - GS Phong Lê nói.

Trải qua hàng ngàn năm, người Hà Nội gìn giữ, phát huy cốt cách, nhưng cũng sẵn sàng thay đổi những điều xưa cũ không còn phù hợp với lối sống mới, hướng đến việc tạo dựng những hệ giá trị tiến bộ, xây dựng một xã hội ngày một văn minh hơn.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (sinh năm 1958 tại Hà Nội), đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với TP quê hương. Ông được xem là người có am hiểu rộng về văn hóa, lịch sử và đời sống của Hà Nội.

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến TP của họ một cách tha thiết, mến yêu. Chúng ta cũng có Hà Nội, một TP có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris…

Theo cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường" của Nhà văn Thạch Lam

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, trong nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, phụ nữ bị bó hẹp trong chức phận sinh đẻ, nội trợ và không có tiếng nói trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên ở Hà Nội, nhiều cô gái đã vượt qua định kiến đó.

Trong cuốn “Hà Nội còn một chút này”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đề cập: “Sự xuất hiện của các cô gái theo lối sống mới dần dần tạo nên phong trào “tân thời” trong những năm 30. Họ bỏ quần áo màu thâm, mặc quần trắng, áo trắng, rẽ tóc ngôi lệch, cạo răng đen, để răng trắng, dùng son môi.

Phong trào “tân thời” đã làm phố phường Hà Nội thay đổi với những cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ nhiều màu sắc”. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, phong trào “tân thời” không chỉ khẳng định tự do cá nhân mà còn là sự thách thức quan niệm đạo đức Nho giáo lỗi thời đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Nó chính là cuộc cách mạng về văn hóa mà không cần tập trung đông người giương biểu ngữ phản đối.

Lối sống “tân thời” hiện nay vẫn đang len lỏi trong từng ngõ hẻm, tác động đến cư dân ở Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những biến đổi từng ngày đó mang đến nhiều điều tích cực, nhưng đôi khi cũng khiến những người Hà Nội hoài cổ cảm thấy suy ngẫm, trăn trở, dù vẫn biết đó là quy luật tất yếu của sự phát triển.

Nguồn 

Bình luận của bạn

Tin khác