Khi một người dân của thành phố đi xa về, anh ta cần một dấu hiệu để biết rằng mình đã trở về thành phố quê hương.
Kiến trúc đô thị (Kỳ 4): Cửa ô và cửa ngõ đô thị
Kiến trúc đô thị (Kỳ 3): Văn hóa nơi góc nhỏ phố phường
Kiến trúc đô thị (Kỳ 2): Bản sắc của đô thị
Kiến trúc đô thị (Kỳ 1): Tinh thần của đô thị
Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc.
Năm cửa ô đón mừng
đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng
nở năm cánh đào chảy
dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa
sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu.
(Tiến về Hà Nội – Văn Cao)
Khi một người lạ từ ngoại ô hoặc từ vùng khác tới một đô thị, anh ta cần một dấu hiệu để biết rằng mình đã tới đô thị đó. Dấu hiệu này được thể hiện như thế nào? Việc kiến tạo nơi chốn cho khu vực cửa ngõ đô thị sẽ gợi ra những dấu hiệu nhận biết cho người dân về ranh giới giữa bên trong và bên ngoài đô thị.
Các hình thức kiến trúc ở địa điểm cửa ngõ
Từ thời cổ đại, các kiến trúc sư đã chú trọng tới việc thiết kế cửa ngõ đô thị vì đó là hình ảnh đầu tiên mà những người khách nhìn thấy khi đến một đô thị. Khu vực cửa ngõ của các thành phố trong lịch sử thế giới thường có các hình thức kiến trúc:
* Cổng chào, Cửa ô, Khải hoàn môn
* Cột, Tượng đài
* Biển báo
* Cầu
* Hải đăng
Hình thức kiến trúc dạng cổng
Từ xưa, các đô thị tại hầu hết các vùng trên thế giới đều được bao quanh bằng thành lũy thì cổng thành chính là một cách tạo dựng nơi chốn cửa ngõ đô thị. Mỗi khi người dân đô thị đi vào cổng thành hoặc cửa ô, anh ta sẽ cảm thấy an toàn, như được quê hương và cộng đồng bảo vệ, như được người mẹ đón nhận chở che. Quả không sai khi nhạc sĩ Phú Quang viết về cửa ô Hà Nội rằng: “Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ…”. Hà Nội từng có khá nhiều cửa ô (một số tài liệu ghi chép là 16 cửa, sách “Bắc thành dư địa chí” ghi là 21 cửa), là những điểm kết nối không gian bên trong và bên ngoài đô thị. Ngày nay, Hà Nội chỉ còn lại một cửa ô duy nhất là ô Quan Chưởng.
Ngoài ra, cửa ô hoặc cổng chào còn mang ý nghĩa vinh danh các chiến thắng quân sự, chào mừng đoàn quân khi họ trở về thành phố sau những ngày tháng chiến đấu gian khổ, giống như lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Từ thời La Mã cổ đại cho đến thời cận đại, các khải hoàn môn (triumphal arch) đã được xây dựng rất nhiều ở các nước châu Âu để kỷ niệm chiến thắng, để vinh danh một sự kiện, để tưởng nhớ một nhân vật, và cũng để nuôi dưỡng lòng tự hào cho mỗi cư dân đô thị. Vị trí xây dựng các khải hoàn môn hầu hết là ở vị trí cửa ngõ của thành phố để phô trương sức mạnh đồng thời định hướng người dân phải đi qua để dễ dàng kiểm soát an ninh hơn. Ví dụ, Khải Hoàn Môn Paris được đặt ở quảng trường Étoile, cửa ngõ Đông Bắc Paris thời điểm 1806; khi đó quảng trường Étoile là khu vực thuế quan kiểm soát hàng hóa ra vào Paris.
Khải Hoàn Môn Paris chào đón đoàn quân chiến thắng trở về (1840)1.
Hình thức kiến trúc dạng cột, tượng đài
Cũng giống như khải hoàn môn, cột (abelisks, column) cũng là một hình thức kiến trúc được sử dụng từ thời cổ đại để vinh danh chiến thắng và tưởng nhớ các nhân vật, sự kiện. Thành phố Roma hiện nay vẫn còn bảo tồn được khá nhiều cột chiến thắng từ thời La Mã cổ đại như Cột Marcus Aurelius, Cột Constantine, Cột Trajan… Phần lớn các cột được đặt ở các quảng trường trong đô thị để làm điển nhấn không gian và định hướng các tuyến đường bên trong đô thị. Tuy nhiên cũng có một số cột (hoặc tượng đài) được dựng lên để đánh dấu ranh giới đô thị, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của thành phố, ví dụ, Tượng Nữ thần Tự do là dấu hiệu đến thành phố New York từ đường biển.
Một ví dụ khác là Cột tưởng niệm các anh hùng tử thủ Leningrad, cột mốc lãnh thổ phía Nam thành phố Saint Petersburg vào những năm 1975. Địa điểm này là nút giao thông hình xuyến có quảng trường ở giữa để kết nối các tuyến đường đồng thời giúp các phương tiện giao thông chuyển đổi vận tốc từ đường cao tốc Pulkovsky sang vận tốc đường đô thị mang tên Moskovsky. Khi người dân từ đường cao tốc tiến gần vào thành phố, anh ta sẽ nhìn thấy cột Chiến thắng cao 48m và bắt đầu giảm tốc độ để đi vào đường nội đô. Việc kiến trúc sư S.B. Speransky quyết định sử dụng cột tượng niệm kết hợp quảng trường ở cửa ngõ này đã tạo ra đồng thời nhiều giá trị cho nơi chốn: thứ nhất, tạo dấu hiệu nhận biết lãnh thổ phía Nam của thành phố; thứ hai, tạo khoảng chuyển tiếp giao thông bên trong và bên ngoài đô thị; thứ ba, tưởng nhớ những người dân đã quyết tử bảo vệ thành phố trước sự bao vây của quân Đức trong 872 ngày đêm (1941-1944); thứ tư, nhắc nhở các thế hệ cư dân phải tự hào về lịch sử oai hùng của thành phố; thứ năm, tạo một không gian công cộng để người dân sáng tạo các hoạt động.
Thực tế, từ khi địa điểm này được hoàn thành đến nay, có rất nhiều các hoạt động cộng đồng và riêng tư của người dân được diễn ra ở đây. Hằng năm, đến dịp ngày lễ chiến thắng (ngày 9/5) quân đội tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng, những người già dẫn con cháu đến đây để tưởng niệm các anh hùng vô danh và kể chuyện lịch sử thành phố. Hằng ngày, các đoàn khách du lịch đến đây để thăm bảo tàng kháng chiến được xây dựng dưới lòng đất quảng trường. Ngoài ra, có rất nhiều các bạn trẻ chọn địa điểm này là nơi hẹn hò và tổ chức đám cưới vì họ muốn khoảnh khắc quan trọng nhất của đời người phải được cả lịch sử thành phố chứng kiến.
Lựa chọn hình thức kiến trúc cửa ngõ cho các đô thị Việt Nam ( Không phải hình thức kiến trúc cửa ngõ nào cũng phù hợp với tất cả các đô thị, ví dụ đối với đô thị cấp V thì không cần thiết phải xây dựng cổng chào hay tượng đài để đánh dấu cửa ngõ vì tốn kém.)
Hình thức cầu
Đối với một đô thị nằm một phía bên bờ sông thì chiếc cầu chính là địa điểm cửa ngõ đô thị. Và nếu coi những chiếc cầu ở trong và ở viền thành phố là một nơi chốn đô thị, thì yêu cầu thẩm mỹ kiến trúc của nó phải khác với cầu nằm trên đường bộ ở ngoài đô thị. Ở nước ta có rất nhiều các cây cầu có vai trò là cửa ngõ đô thị nhưng rất ít các cây cầu có kiến trúc độc đáo xứng tầm là cửa ngõ như cầu Long Biên (thời Pháp thuộc), cầu Nhật Tân (hiện nay). Một số cây cầu hiện đại như cầu Bãi Cháy ở Hạ Long, cầu Rạch Miễu ở Mỹ Tho, cầu Cần Thơ ở Cần Thơ, cầu Thanh Trì ở Hà Nội mới chỉ đảm bảo về tính thực tiễn kết nối giao thông hai bên bờ sông chứ chưa đảm bảo tính độc đáo của kiến trúc để người dân dễ ghi nhớ cũng như góp phần tạo dựng lên bản sắc, thương hiệu đô thị.
Hình thức hải đăng
Đối với đô thị nằm trên bờ biển, ngoài việc sử dụng tượng đài hoặc nhà cao tầng như ở New York, Hong Kong, người ta còn sử dụng hải đăng để tạo cột mốc nhận biết lãnh thổ đô thị từ đường biển, đồng thời tạo ra nét đặc trưng cho một đô thị ven biển. Từ thời cổ đại, người ta đã xây dựng những ngọn hải đăng kỳ vĩ để thể hiện quyền lực của các thành phố biển như hải đăng ở các thành phố Alexandria, Ostia, Coruna. Đặc biệt là hải đăng Alexandria được liệt vào một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Ngày nay, có không ít các hải đăng là biểu tượng của thành phố và là nơi chốn thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng, ví dụ như hải đăng Trinh Nữ ở Istanbul, hải đăng Split Point ở Aireys Inlet, hải đăng Vũng Tàu…
Cột tưởng niệm các anh hùng tử thủ Leningrad. Nguồn: http://www.saint-petersburg.com
Hình thức biển báo
Tất nhiên, đây là phương án đơn giản nhất, tiết kiệm nhất và phổ biến nhất. Chúng ta chỉ cần dựng một tấm biển lên và ghi chú về địa điểm để người đi đường biết rằng mình đã tới thành phố cần đến. Mặc dù vậy, để có một tấm biển hoặc một trang trí nào đó có thể gây ấn tượng thị giác đối với người dân cũng cần phải có sự sáng tạo của người thiết kế. Hiện nay ở Việt Nam, biển báo vào thành phố được thiết kế đơn giản và chưa đẹp, mới chỉ là các dòng chữ kiểu như “Thành phố Hải Dương kính chào quý khách” hay “Địa phận Hải Phòng”. Hy vọng trong tương lai, các thành phố chú ý hơn tới tính mỹ thuật đối với việc thiết kế biển báo cửa ngõ các đô thị.
Cầu Nhật Tân, cửa ngõ Đông Bắc của Hà Nội ngày nay. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/ Shutter.
Cửa ngõ và lịch sử phát triển đô thị
Cửa ngõ dạy bài học lịch sử cho người dân
Các hình thức kiến trúc cột, tượng đài và cổng chào ngoài việc tạo điểm nhấn thị giác cho người dân, còn mang ý nghĩa tưởng nhớ đến một nhân vật hoặc vinh danh các chiến thắng quân sự, ví dụ Cột Nelson ở London để tưởng nhớ đô đốc Nelson đã hy sinh trong trận Trafalgar, Khải Hoàn Môn ở Paris được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng Austerlitz của Napoleon… Đó cũng chính là một cách nhắc nhở người dân phải nhớ về lịch sử của thành phố và Tổ quốc mình, phải tự hào và biết ơn những thế hệ đi trước đã xây dựng và bảo vệ quê hương. Không cần phải mở sách lịch sử ra, người dân chỉ cần nhìn thấy những công trình trên là có thể nhớ ngay ra những nhân vật và sự kiện quan trọng trong lịch sử của thành phố. Và đó cũng chính là cách khơi gợi tinh thần vượt khó, nuôi dưỡng chất anh hùng, tạo sự đoàn kết cho cư dân thành phố. Còn đối với những người khách từ nơi khác đến một thành phố, khi nhìn thấy những những công trình trên ở khu vực cửa ngõ, họ sẽ cảm thấy tôn trọng và kính trọng thành phố đó bởi nó có bề dày lịch sử, có những nhân vật kiệt xuất, có kiến trúc đẹp.
Ảnh 5a |
Ảnh 5b |
Sự dịch chuyển địa điểm cửa ngõ Tây Nam Hà Nội qua các thời kỳ: Cửa Ô Chợ Dừa thời Pháp thuộc (ảnh 5 a); Hà Đông nay là cửa ngõ (ảnh 5b)
Dấu ấn lịch sử thành phố qua các công trình cửa ngõ
Một vấn đề thực tế đặt ra là khi đô thị phát triển mở rộng, địa điểm cửa ngõ mới xuất hiện và địa điểm cửa ngõ cũ sẽ trở thành một điểm nhấn hoặc một nút trong cấu trúc không gian đô thị. Ví dụ, Khải Hoàn Môn Paris năm 1806 nằm ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc thành phố thì nay là điểm nhấn trên quảng trường Étoile thuộc khu vực trung tâm; Ô Chợ Dừa ở thế kỷ XIX là cổng phía Tây Nam Hà Nội thì nay là một nút giao thông quan trọng ở khu vực nội thành. Mối liên hệ giữa cửa ngõ cũ và cửa ngõ mới sẽ tạo ra những trục giao thông- lịch sử của thành phố. Điều đó rất quan trọng trong thiết kế đô thị vì nó là dấu hiệu nhận biết chiều sâu văn hóa, lịch sử của một đô thị. Khi người dân đi từ cửa ngõ cũ đến cửa ngõ mới, anh ta sẽ nhận ra tiến trình phát triển lịch sử thành phố qua sự thay đổi phong cách kiến trúc của những công trình trên đường và qua những sự kiện được khắc ghi trên các công trình ở địa điểm cửa ngõ.
Từ cổng làng tới cửa ô
Từ bao đời nay, cổng làng đã gắn bó với tâm hồn người Việt Nam như một biểu tượng của văn hóa làng xã, là sự đoàn kết cộng đồng và bất khuất nhưng cũng bảo thủ và hẹp hòi. Cổng làng đã chứng kiến những sự kiện lớn của làng như đám rước, đám hội, và cũng chứng kiến những sự kiện quan trọng của mỗi đời người như lúc hò hẹn, chia ly, rồi khi về làm dâu bước qua cổng làng về nhà chồng, trở thành một thành viên mới trong cộng đồng dân cư. Có ai mỗi khi xa quê không ngoái nhìn lại, nhìn lần cuối cổng làng mình. Rồi khi trở về quê nhà, bước qua cổng làng là ta biết mình đã về nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn. Khi ở nơi xa, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ tới quê hương mình trong hình cái cổng làng, như nhà thơ Bàng Bá Lân đã viết rằng:
Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
Cái cổng, không chỉ còn là một hình thức kiến trúc nữa, mà nó đã thành biểu tượng văn hóa của người Việt Nam. Cũng như cửa ô, không chỉ có giá trị là một cột mốc ranh giới đô thị, mà còn chứa đựng những tầng sâu kí ức, truyền thống văn hóa của dân tộc, một dân tộc đi lên từ những ngôi làng trồng lúa nước. |
Cổng làng là nơi phân chia phần đất thổ cư và phần đất canh tác. Người sống thì sống sau cái cổng làng, người chết thì chôn bên ngoài cổng làng. Mỗi làng thường có một lối vào chính, gọi là cổng trước hay cổng tiền; và một lối nhỏ hơn gọi là cổng sau. Việc xuất nhập bị hạn chế qua hai lối này. Lối đi từ cổng trước đến cổng sau là con đường chính trong làng. Cổng là ranh giới ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã, thậm chí có làng còn dựng cả bia với chữ Hạ mã ($U٠() ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng.
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều làng quê nay chuyển thành các khu dân cư đô thị, rồi dòng người từ nông thôn di cư ra thành thị. Giờ đây, đôi khi chúng ta bắt gặp lại hình ảnh cái cổng làng trong cổng chào các khu đô thị mới như Mỹ Đình- Mễ Trì, Nam Thăng Long, Dương Nội… Cái cổng, không chỉ còn là một hình thức kiến trúc nữa, mà nó đã thành biểu tượng văn hóa của người Việt Nam. Cũng như cửa ô, không chỉ có giá trị là một cột mốc ranh giới đô thị, mà còn chứa đựng những tầng sâu kí ức, truyền thống văn hóa của dân tộc, một dân tộc đi lên từ những ngôi làng trồng lúa nước.
Vị trí ngày nay của các cổng thành Thăng Long thời Lý 2
Đường Đê La Thành là đường vành đai của nội thành Hà Nội cổ được mở một số cửa, ngày xưa là cổng gỗ, có quân lính canh gác và xét hỏi ngày đêm. Đó là các cửa ô, cái ngưỡng cửa nội thành và ngoại thành, giữa thành thị cổ và các làng ven đó thuộc các xứ Đông Nam Đoài Bắc. Phần nhiều các cửa ô mang tên thực vật (Dừa, Bưởi, Muống, Dền…) Vành đai đường Đê La Thành hay Đại La Thành bao bọc nội thành. Bên trong nội thành, nơi có cột đất cao nhất (trung bình 5-6 mét) là hoàng thành hay Long thành. Đó là vòng thành bao quanh các cung, nơi vua và hoàng gia sinh sống, và các điện, các tòa nhà cơ quan làm việc của triều đình trung ương, cùng một số doanh trại của lính cận vệ.
Hoàng thành từ đời Lý mở bốn cửa:
* Cửa Diệu Đức – tức cửa Bắc soi bóng của dòng Tô, là ngoại hào, sau bị lấp làm thành đường Phan Đình Phùng ngày nay.
* Cửa Đại Hưng – tức cửa Nam, ở bên trong vườn hoa Cửa Nam và chợ Cửa Nam ngày nay.
* Cửa Quảng Phúc – tức cửa Tây, mở về phía đi ra chùa Một Cột (dựng năm 1049), quãng quảng trường Ba Đình ngày nay.
Cửa Tường Phù – tức cửa Đông, mở về phía đi ra chợ Đông, Bạch Mã (Hàng Buồm ngày nay). Cửa Đông (với phố Cửa Đông) mà ta thấy như hôm nay đã bị xây lùi lại vào đời Nguyễn vì các ông vua Nguyễn không cho phép thành Hà Nội to hơn thành Huế là kinh đô nhà Nguyễn.
1 wikipedia.org
2 Trần Quốc Vượng. Trong cõi, 1991
Vũ Hiệp
Kiến trúc sư
Bình luận của bạn