Sống trong đô thị, mỗi người gắn kết với đô thị ấy nhờ tầng tầng lớp lớp những tiến trình lịch sử, bản sắc, tinh thần … riêng biệt mà kiến trúc mỗi đô thị hàm chứa. Trong chuyên đề nơi chốn trong kiến trúc đô thị, KTS. Vũ Hiệp sẽ phân tích sự gắn kết giữa con người với đô thị ở các khía cạnh tinh thần của đô thị, bản sắc đô thị, từ các góc độ khác nhau, từ cái nhìn tổng quát cho đến từng ngõ phố.
Kiến trúc đô thị (Kỳ 4): Cửa ô và cửa ngõ đô thị
Kiến trúc đô thị (Kỳ 3): Văn hóa nơi góc nhỏ phố phường
Kiến trúc đô thị (Kỳ 2): Bản sắc của đô thị
Kiến trúc đô thị (Kỳ 1): Tinh thần của đô thị
Bản đồ thành Cổ Loa. Nguồn: thanglonghanoi.vn
Chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của một nơi chốn chính là cảm xúc và tinh thần mà con người thấy được từ nơi chốn đó hơn là vị trí và chức năng của nó (đọc Yi-Fu Tuan1). Người ta gọi đó là các khái niệm kiểu như tinh thần nơi chốn, tâm hồn nơi chốn, ý thức nơi chốn, cảm giác nơi chốn (genius loci, spirit of place, sense of place); nôm na là cái khí chất vô hình của nơi chốn.
Khái niệm “tinh thần nơi chốn” là một kết quả từ cách tiếp cận hiện tượng học đối với kiến trúc và đô thị. Hệ quả của nó là người ta không chỉ dùng lý trí và khoa học kỹ thuật để tiếp cận đô thị, mà hơn hết phải bằng cảm giác và linh tính.
Nói cách khác, tinh thần nơi chốn là sợi dây siêu nhiên liên kết con người với môi trường xung quanh, là một thứ vô hình, thiêng liêng nhưng có ảnh hưởng đến cuộc sống, tính cách của mỗi con người, thậm chí toàn bộ cư dân một đô thị hay cả một thời kỳ lịch sử. Ví dụ, các đô thị Hy Lạp cổ đại có vị trí gần biển, giao thương tấp nập, phố xá rộng rãi và có các quảng trường, nhà hát để tập trung dân chúng… có thể là những những lý do làm cho xã hội Hy Lạp cổ đại rất dân chủ, cởi mở và sáng tạo. Trong khi đó, những con phố chật hẹp và ẩm thấp, hướng đến những nhà thờ cao vút thời Trung cổ ở châu Âu đã làm cho con người cảm thấy mình nhỏ bé, yếu thế và luôn trông mong sự ban ơn của Chúa trời. Hoặc ví dụ khác là khi ta sống ở một đô thị bồng bềnh sông nước như Venice thì tinh thần của ta lãng mạn hơn, nhưng sống ở một thành phố ngộn ngợp nhà cửa và ký hiệu như ở New York thì chúng ta lại muốn khao khát chiếm hữu vật chất, tiền bạc hơn.
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên) |
Cảm nhận nơi chốn đô thị
Con người cảm nhận thấy tinh thần nơi chốn thông qua các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác). Đối với các địa điểm trong đô thị, thị giác là yếu tố quan trọng nhất để cảm nhận cái hồn của nơi chốn, bởi đô thị được xác định và ghi nhớ chủ yếu thông qua các hình ảnh2. Tuy vậy, để có chiều sâu cảm xúc hơn về nơi chốn, con người phải cảm nhận đô thị đồng thời bởi tất cả các giác quan. Trong khi mắt bạn ngắm những cảnh đẹp phố phường hay nhìn những con người đa dạng xung quanh, thì tay bạn chạm vào hàng rào sắt lạnh và han gỉ để nhớ về tuổi thơ trèo rào nghịch ngợm, tai bạn lắng nghe tiếng xe cộ ồn ào hối hả của nhịp sống hiện đại, mũi bạn thưởng thức mùi thơm của hoa sữa mùa thu hay hương sen mùa hè, còn lưỡi bạn đang nhâm nhi ly cà phê để tận hưởng sự thư thái của riêng mình giữa dòng chảy không ngừng nghỉ của đô thị. Một điều còn thiếu sót trong thiết kế đô thị hiện nay là người ta chưa chú trọng nhiều tới việc đánh thức cảm xúc của người dân bằng các giác quan khác ngoài thị giác. Những bản đồ về âm thanh và mùi vị cần được xây dựng, những quy định về chất cảm bề mặt các công trình kiến trúc cũng như hè phố cần được nghiên cứu kỹ hơn, vị trí và số lượng của các quán cà phê hay quán ăn ở những địa điểm công cộng quan trọng cần được tính toán cụ thể hơn…
Đền Bạch Mã.
Ngoài năm giác quan trên, con người còn có giác quan thứ sáu, gọi là linh cảm (hoặc ngoại cảm hay con mắt thứ ba), để giao cảm với tâm hồn của nơi chốn. Có một số ít người có năng lực đặc biệt này thường xuyên, mà trong lĩnh vực địa lý và kiến trúc truyền thống được gọi là những thầy phong thủy (thầy địa lý, pháp sư). Họ có thể cảm thấy dòng khí của một địa điểm hay cả một đô thị, có thể biết nó tốt hay xấu và sự thay đổi của nó trong hàng chục, hàng trăm năm sau. Đó là kết quả của một năng lực trời cho (cũng như năng khiếu âm nhạc, hội họa hay thơ văn) cộng với sự chỉ bảo của những bậc thầy cao thủ và sự khổ luyện của bản thân. Những người thường như chúng ta không thể hiểu được cách những người đặc biệt đó “thấy” tâm hồn nơi chốn như thế nào, tuy vậy thông qua những cuốn sách của họ mà chúng ta cũng có thể “thấy” cái vẻ bề ngoài của các vật hiện hữu đang ẩn giấu khí chất vô hình bên trong của nơi chốn.
Ví dụ, mô thức của một cuộc đất đẹp (với ý nghĩa bền vững, tốt tươi, phát triển) là phải hài hòa âm dương, bốn mặt xung quanh cao hẳn lên (phía sau là chủ sơn Huyền Vũ, hai bên là Thanh Long và Bạch Hổ, đằng trước là tiền án Chu Tước), có dòng nước uốn lượn vào (gọi là minh đường), tụ khí lại ở giữa. Nếu khí của trời đất tụ hội được thì con người có thể tụ hợp lại và cư trú, hình thành các điểm dân cư3. Huế là một đô thị được lựa chọn trên cơ sở về cuộc đất kiểu như vậy. Núi Ngự Bình có đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, tọa lạc giữa vùng đồng bằng là tiền án che chắn trước kinh thành. Hai bên là cồn Hến và cồn Dã Viên ở vào thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành. Vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô có lẽ vì ông đã cảm nhận thấy cái khí tốt tươi của một cuộc đất đế vương.
Khái niệm “tinh thần nơi chốn” là một kết quả từ cách tiếp cận hiện tượng học đối với kiến trúc và đô thị. Hệ quả của nó là người ta không chỉ dùng lý trí và khoa học kỹ thuật để tiếp cận đô thị, mà hơn hết phải bằng cảm giác và linh tính. |
Phần lớn chúng ta không có linh cảm một cách thường xuyên về tinh thần nơi chốn nhưng chúng ta đều có thể cảm nhận thấy nó trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn đến một thành phố lạ nhưng bạn lại cảm thấy rất quen thuộc, và đột nhiên bạn muốn gắn bó cả phần đời còn lại của bạn với nó, giống như lần đầu tiên bạn gặp một ai đó và bạn cảm thấy đó là người bạn đời của mình. Hoặc bạn đi tìm mua nhà đất cả tháng trời mà vẫn chưa chọn được một miếng đất ưng ý hay một căn hộ phù hợp, nhưng rất nhanh bạn có thể ra quyết định mua ngay khi đặt chân lên một mảnh đất, nếu bạn cảm thấy nó là của mình và mình thuộc về nơi này. Đó là những lúc cảm nhận về nơi chốn của bạn xuất hiện.
Ngoài ra, có những người không chỉ cảm nhận thấy tâm hồn của nơi chốn mà còn biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật. Đó là những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư có những tác phẩm thăng hoa được sáng tác trong những khoảnh khắc họ hòa mình với cái hồn của nơi chốn, ví dụ như Bùi Xuân Phái với phố cổ Hà Nội, Phú Quang với những bài hát về Hà Nội, Hàn Mặc Tử với những bài thơ về Huế… hoặc những cảnh đời Paris trong tiểu thuyết của Victor Hugo, những cảnh đẹp của Saint Petersburg trong thơ Pushkin… Đối với các kiến trúc sư, các nhà đô thị, và cả những người dân, việc kiến tạo các địa điểm đô thị cũng cần phải được nhìn nhận như là việc sáng tác nghệ thuật. Bởi có như vậy thì chúng ta mới có thể tạo ra cái hồn của nơi chốn, để mỗi người thêm yêu mến và mong muốn khám phá môi trường sống xung quanh mình.
Sơ đồ Thăng Long tứ trấn.
Cũng liên quan tới việc pháp sư lựa chọn và làm thiêng hóa đô thị là câu chuyện về sự ra đời của thành phố Kazan, nay thuộc Liên bang Nga. Theo truyền thuyết kể lại, người Bulgar cổ (thế kỷ X) đã hỏi pháp sư về việc xây dựng một thành phố mới. Pháp sư bảo rằng đổ nước vào một cái vạc nhỏ (theo tiếng Bulgar và Tatar là qazan), thắp lửa dưới đó rồi đặt lên xe ngựa và thúc nó chạy đi, nơi nào vạc nước sôi thì xây thành phố ở đó. Kết quả, khi xe ngựa đến một địa điểm bên hồ Kaban, nước trong vạc sôi, và đó là nơi được chọn để xây dựng thành phố Kazan.4
Trong các câu chuyện thần thoại và cổ tích, không ít thành phố được xây dựng theo lời sấm truyền hoặc chỉ bảo từ thánh thần. Thực hư các câu chuyện đó chúng ta không thể khẳng định, nhưng chắc chắn rằng ít nhất các nhà sáng lập các thành phố đó muốn làm thiêng hóa vùng đất xây dựng đô thị bằng cách gắn nó với tinh thần của các vị thần linh siêu việt quyền năng. Theo thần thoại Hy Lạp, thành phố Thebes bảy cổng nổi tiếng do Cadmus sáng lập là bởi thần Apollo mách bảo ông ta đi theo sự dẫn dắt của một con bò để tìm đất xây thành nơi nó dừng lại. Còn thành Cổ Loa của chúng ta lại được xây dựng gắn với truyền thuyết về thần rùa Kim Quy. Tục truyền rằng Thục An Dương Vương xây thành nhiều lần nhưng đều đổ. Sau nhờ có thần Kim Quy hiện lên, bò quanh nhiều vòng dưới chân thành, Thục An Dương Vương bèn cho xây theo dấu chân rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa.5
Trấn yểm là một cách khác mà các nhà xây dựng đô thị phương Đông sử dụng để làm thiêng hóa vùng đất đô thị. Đó là mức độ cao cấp nhất trong thuật phong thủy và chỉ có rất ít người có thể làm được. Trấn yểm có mặt tích cực là làm tụ khí lại cho vững long mạch, xua đuổi tà ma hoặc chế ngự các hung thần nhằm dễ dàng xây dựng các công trình và tạo sự an toàn cho người dân, nhưng nó cũng có mặt tiêu cực là có thể làm cho khí tốt, long mạch đang hưng vượng không phát huy được nữa. Ở nước ta, nổi tiếng nhất là những truyền thuyết trấn yểm của Cao Biền. Khi xây thành Đại La nhiều lần bị sụt lở, Cao Biền đã cho dựng đàn tràng, chôn kim loại, động vật và người để trấn yểm 19 nơi trên sông Tô Lịch làm cho đất vững khí tụ mới có thể xây thành.
Việc kiến tạo các địa điểm đô thị cũng cần phải được nhìn nhận như là việc sáng tác nghệ thuật. Bởi có như vậy thì chúng ta mới có thể tạo ra cái hồn của nơi chốn, để mỗi người thêm yêu mến và mong muốn khám phá môi trường sống xung quanh mình. |
Các vị thần bảo vệ đô thị
Từ xưa đến nay ở Việt Nam, khi bắt đầu khởi công xây dựng một công trình, một khu đô thị mới, và cả một thành phố, chúng ta đều phải làm lễ khởi công (hoặc lễ động thổ) để xin phép thần linh, thổ địa của khu đất (hoặc vùng đất) đó. Người Việt Nam tin rằng, mỗi nơi chốn đều có một vị thần cai quản và bảo vệ: ở nhà thì có Táo quân và Thổ địa, ở cây cổ thụ thì có Thần cây, ở làng thì có Thành hoàng, thậm chí ở cả đô thị cũng có Thành hoàng, ví dụ thần Long Đỗ là thành hoàng của Đại La- Thăng Long- Hà Nội.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi Cao Biền đến phía Đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trôi mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Cao Biền rất sợ, muốn yểm thần, đến đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi. Ta có sợ gì bùa phép”. Sáng hôm sau, Cao Biền vẫn lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Nhưng sau đó, sấm động ầm ầm, đất trời u ám, thần tướng hò hét, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Cao Biền kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Ông ta liền cho lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là Long Đỗ.6
Hoa Lư tứ trấn. Nguồn: wikipedia.org
Đến thời Lý Thái Tổ, vua cho đắp thành nhiều lần nhưng vẫn sụt lở. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần Long Đỗ được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long, còn đền thờ được gọi là đền Bạch Mã (ngày nay nằm trên phố Hàng Buồm).
Ngoài đền Bạch Mã ở phía Đông thành, Thăng Long còn có ba đền khác ở các phía Tây, Bắc, Nam để tạo thành Thăng Long tứ trấn. Đó là đền Voi Phục ở phía Tây (thờ hoàng tử Linh Lang con vua Lý Thái Tông; ngài được cho là đã âm phù nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên Mông), đền Quán Thánh ở phía Bắc (thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp các đời vua Hùng Vương, An Dương Vương, Lý Thánh Tông giữ yên bờ cõi, giúp dân thành Thăng Long xua đuổi tà ma), đền Kim Liên ở phía Nam (thờ Cao Sơn Đại Vương, một trong 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã có công âm phù cho nhà Lê dẹp loạn).
Không chỉ có Thăng Long, nhiều đô thị khác của Việt Nam cũng có tứ trấn, ví dụ như Hoa Lư tứ trấn là đền thờ bốn vị thần phù trợ cho Hoa Lư nằm ở bốn phía Đông Tây Nam Bắc xung quanh cố đô. Đó là đền Thiên Tôn trấn Đông, đền Cao Sơn trấn Tây, đền Thánh Nguyễn (tức Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không) trấn Bắc, đền Quý Minh trấn Nam.
Sự khiếm khuyết trong các đô thị hiện đại là tình trạng không nơi chốn, là đô thị được định hướng phát triển theo các quy chuẩn và chỉ tiêu quy hoạch là chủ đạo chứ không phải bởi các yếu tố tinh thần và văn hóa. |
Còn người Tây Á, Nga và châu Âu lại dùng cách đặt tên các thành phố theo các thánh thần để được các vị thánh thần đó bảo vệ, ví dụ Jerusalem được đặt theo tên thần Shalim của người Canaanite, Athens được đặt tên theo vị thần trí tuệ Athena, Mariupol được đặt tên theo Đức mẹ Maria,… Các thành phố Hy Lạp cổ đại dù có được đặt tên theo vị thần nào đó hay không thì cũng đều có một vị thần bảo hộ (cũng như mỗi con người đều được bảo hộ bởi một trong 12 vị thần ứng với 12 cung hoàng đạo), ví dụ Athena bảo hộ cho thành phố Athens, Apollo bảo hộ cho Thebes, Poseidon bảo hộ cho Atlantis. Theo thần thoại Hy Lạp, thành phố Athens có khởi thủy vốn là nơi sinh sống của tộc người Atikes. Sau đó, thần Athena và thần biển Poseidon tranh nhau quyền bảo hộ cho vùng đất đó. Để thể hiện uy thế của mình, Athena đã tạo ra giống cây ôliu làm tươi tốt khắp các thành lũy Atikes và vùng đất Acropolos, trong khi đó Poseidon lại cố gắng thi thố với Athena bằng cách dùng cây đinh ba tạo ra những cột nước khổng lồ. Cuối cùng dân Atikes chọn Athena làm vị thần bảo hộ cho thành phố và đổi tên vùng đất thành Athens.7Truyền thống sử dụng các vị thánh để bảo hộ cho các đô thị còn kéo dài đến thời cận đại ở châu Âu khi đạo Ki-tô là tôn giáo chủ đạo, ví dụ thành phố Saint Petersburg được bảo hộ và được đặt tên theo thánh Peter (Phêrô), thành phố Saint-Étienne được đặt tên theo thánh Stephen (Stêphanô)… Ki-tô giáo cho rằng, khi con người hoặc đô thị mang lấy tên của một vị thánh thì con người ấy, đô thị ấy luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để sống tử tế vui tươi.
Như vậy, phần lớn các đô thị cổ nổi tiếng được thành lập và phát triển với rất nhiều nghi lễ huyền bí, sự tích linh thiêng, thể hiện chiều sâu tinh thần nơi chốn của nó. Còn với các đô thị hiện đại, như Edward Relph8 đã chỉ ra sự khiếm khuyết trong các đô thị hiện đại là tình trạng không nơi chốn, là đô thị được định hướng phát triển theo các quy chuẩn và chỉ tiêu quy hoạch là chủ đạo chứ không phải bởi các yếu tố tinh thần và văn hóa. Vậy, yếu tố tinh thần nơi chốn trong đô thị hiện đại được tạo dựng thế nào? □
—–
Chú thích
1 Yi-Fu Tuan. Space and place: humanistic perspective, in S. Gale and G. Olsson (eds.), Philosophy in geography, (pp. 387-427). Springer, 1979
2 Kevin Lynch. The image of the city. MIT press, 1960
3 Thẩm Trúc Nhưng. Thẩm thị huyền không học. NXB Thời Đại
4 gazeta.ksu.ru
5 hoangthanhthanglong.vn
6 kienthuc.net.vn
7 Thần thoại Hy Lạp
8 Nhà địa lý học người Canada, nổi tiếng với những nghiên cứu về nơi chốn, bản sắc của nơi chốn, cái chết của nơi chốn, bên trong và bên ngoài nơi chốn, tình trạng không nơi chốn (placelessness).
Vũ Hiệp
Kiến trúc sư
Bình luận của bạn