Từ “Hàm Cá Mập" đến "Cậu Cóc Vàng" (Xem thêm)
Để trả lời những câu hỏi này không phải dễ trong thời điểm hiện nay bởi thành phố Hà Nội đã có quyết định phá bỏ 'Hàm cá mập' trước ngày 30/4 - Báo VietNamNet, tuy vậy trước khi xin giới thiệu bài: Công trình "sai" chỉ việc xóa, xin có mấy ý kiến sau
Không đơn thuần chỉ hỏi một cách chủ quan ý kiến của những chuyên gia, những người dân qua các bài báo phỏng vấn, cũng không thể chỉ dựa vào đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư báo cáo.
Ngay trong Dự án xung quanh hồ Hoàn Kiếm, không có tác động xã hội, văn hóa, du lịch rất lớn như dự án đang triển khai hiện nay, bao gồm:
– Dự án “Cải tạo nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ Hoàn Kiếm”;
– Dự án “Chiếu sáng khu vực hồ Hoàn Kiếm”;
– Dự án “Thiết kế cảnh quan xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm”.
Cũng đã thực hiện đồ án một cách chuẩn mực là Triển lãm trưng bày phương án thiết kế dự án “Xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh giáp hồ Hoàn Kiếm” tại Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), UBND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã triển lãm trưng bày thiết kế phương án, lấy ý kiến cộng đồng dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Và để cụ thể chúng ta cũng cần dựa trên bảng phân tích phá như vậy là đã đúng chưa? theo tiêu chí đánh giá một công trình Kiến trúc cũng như quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này ngay tại Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất phân khu đô thị Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B)
Đây không phải là dự án cấp bách, trước khi thiết kế đô thi khu vực này cần có điều tra khảo sát đánh giá hiện trạng và đồ án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị tại thời điểm hiện nay nếu đồ án Quy hoạch phân khu (QHPK) nội đô lịch sử tỷ lệ 1/2.000, phần Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất phân khu đô thị Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B) trong 5 năm cần vi chỉnh, cũng chính là đồ án được cụ thể hóa ở tỉ lệ 1/500 cùng dự án đầu tư. Tại mỗi điểm quan trọng như tòa nhà "Hàm Cá Mập" cần ít nhất 3 phương án ( Phương án phá, phương án cải tạo phục hồi đúng thiết kế, phương án giữ nguyên trạng nhưng để trống tầng 1 có sự phân tích liên quan đến quảng trường), xin lưu ý tầng hầm cần có đánh giá tác động xã hội, thương mại khi nếu tầng hầm thành một trung tâm thương mại bán lẻ lớn sẽ tác động toàn bộ khu phổ cổ Hà Nội làm méo mó cấu trúc cộng đồng dân cư ở đây. còn 2 tầng hầm dưới làm gara sẽ không còn ý nghĩa tuyến phố đi bộ bởi giao thông sẽ tập trung ở trước cửa xuống hầm và trên trục phố vốn đã nhỏ của phố cổ Hà Nội, chỉ nên ở tầng hầm khu vực quy hoạch, cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm, khoảng 3 tầng hầm dưới sân Cung Thiếu Nhi Hà Nội,...
Cá nhân tôi: KTS Nguyễn Hoàng Long đề nghị chưa nên phá, hãy cân nhắc cẩn thận trên các đồ án được phê duyệt sắp tới cho tới lúc thi công rồi có phá cũng chưa muộn. Hãy cân nhắc phương án để trống tầng một, đáp ứng được liên thông với quảng trường và giao thông khu vực ( vẫn là ngã 3 không phải ngã 4+ ). Về kinh tế theo Giá thuê mặt bằng tòa 'Hàm cá mập' thì trung bình tòa nhà này thu được khoảng 40-50 tỷ/năm, Khoản tiền này đóng thẳng vào ngân sách không cần qua trung gian nữa, so sánh khu Đền Ngọc sơn năm vừa qua thu được khoảng 45 tỷ/năm mà ngân sách còn phải bỏ ra để tu bổ hàng năm cũng như những lần sửa chữa lớn. Nếu so sánh với phá bỏ để ra khoảng trống chỉ sử dụng ít ngày tụ tập đông người mà có thêm được bao nhiêu đâu, chưa kể đây theo tôi đã là biểu tượng Kiến trúc đúng nghĩa. Không những vậy còn góp phần cùng dẫy nhà 2 mặt phố Đinh Tiên Hoàng-Phố Cầu Gỗ như một bức bình phong che đi những xấu xí nhà vượt phép trong khu phố cổ Hà Nội khi nhìn từ phía Hồ Gươm-Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ngay tại Thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (Ngày 11/3/2025) có 2 mục là UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1349/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Triển khai các nhiệm vụ về quy hoạch, cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm ( chưa có mục phá " Hàm Cá Mập" ...), vì vậy hết sức lưu ý toà nhà " Hàm Cá Mập" là công sản do tp Hà Nội quản lý không nên phá ngay vội vàng như vậy. Và điều tôi chê nhất là không có nhãn quan chính trị, ai lại chào mừng ngày 30/4 bằng một cuộc phá dỡ ký ức của rất nhiều bạn trẻ ( Chỉ thấy có những người lớp già như chúng tôi chê "Cóc Vàng" với tên hay gọi "Hàm Cá Mập" thôi). Nếu nó xấu thật sao nhiều người ra chụp ảnh, check in chia tay thế?
Công trình "sai" chỉ việc xóa
Tòa nhà Hàm Cá Mập tại Hà Nội là một trường hợp điển hình cho giao điểm giữa phát triển đô thị và bảo tồn hình ảnh trong việc xây dựng thương hiệu thành phố. Trong một nghiên cứu đăng trên tập san Global Public Policy and Governance vào năm 2022, các tác giả Martin de Jong và Haiyan Lu cho rằng, kiến trúc đô thị không chỉ mang giá trị nghệ thuật hay công năng, mà còn là phương tiện truyền tải bản sắc và định hình nhận diện của một thành phố trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù không được xem là một kiến trúc đặc sắc về mặt chuyên môn, tuy nhiên về mặt hình ảnh, người ta không thể phủ nhận rằng, ba thập kỷ là thời gian đủ dài để kiến trúc tòa nhà Hàm Cá Mập gắn với nhiều hình ảnh nhận diện về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Bờ Hồ hay rộng hơn là một Hà Nội đổi mới.
Từ góc độ thương hiệu đô thị, sự hiện diện của một công trình trong không gian công cộng có thể mang hai ý nghĩa trái ngược. Một mặt, nó có thể củng cố bản sắc vùng bằng cách tạo ra sự kết nối với lịch sử và văn hóa địa phương. Mặt khác, nó có thể tạo ra sự đứt gãy với bối cảnh đô thị sẵn có, làm thay đổi cách cư dân và du khách nhận diện thành phố. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Martin Boisen, đã đề xuất một cách phân loại các kiến trúc trong việc định hình thương hiệu thành phố. Trong một bài đăng trên Cities, năm 2018, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, thương hiệu thành phố có thể được xây dựng dựa trên bản sắc "mỏng" (thin identity), tức là hình ảnh được áp đặt từ bên trên theo các chiến lược ngắn hạn, hoặc bản sắc "dày" (thick identity), tức là hình ảnh được hình thành từ sự tiếp nối lịch sử và được nội tại hóa bởi cộng đồng.
Hàm Cá Mập là một ví dụ điển hình về sự xung đột giữa hai cách tiếp cận này. Được xây dựng vào những năm 1990 ngay tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, công trình này bị nhiều người xem là không phù hợp với tổng thể kiến trúc lịch sử của khu vực, làm thay đổi hình ảnh đặc trưng của trung tâm Hà Nội. Điều này cho thấy một thực tế quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu thành phố, không phải mọi công trình mang tính biểu tượng đều có thể ngay lập tức trở thành một phần của bản sắc đô thị. Một công trình kiến trúc, dù mang ý nghĩa đổi mới, vẫn có thể bị xem là một yếu tố phá vỡ bản sắc vùng nếu không có sự đồng thuận từ cộng đồng. Mặc dù vậy, việc vượt qua các chỉ trích ban đầu và tồn tại giữa trung tâm đô thị trong một thời gian dài đã giúp tòa nhà này từ một “thin identity” dần trở thành một “thick identity”, một hình ảnh quen của thành phố.
Sự tiếp nhận của cộng đồng đối với một công trình kiến trúc trong không gian công cộng không chỉ phụ thuộc vào yếu tố nghệ thuật, mà còn dày lên dần theo thời gian thông qua các hoạt động xã hội. Theo giáo sư Mihalis Kavaratzis trong một bài viết đăng trên tạp chí European Institute for Brand Management xuất bản 2012, không gian công cộng là nơi kiến trúc đối thoại với con người, nơi mà bản sắc đô thị không chỉ được giữ gìn mà còn được tích lũy qua thời gian. Trong trường hợp của Hàm Cá Mập, công trình này không nên bị nhìn nhận như một tòa nhà đơn lẻ, mà còn là một “phần cứng” chứa đựng tất cả những ký ức và hình ảnh của một giai đoạn phát triển đô thị, phản ánh sự thay đổi trong tư duy quy hoạch của thành phố Hà Nội mới. Sự tồn tại của Hàm Cá Mập trong hơn ba thập kỷ bất chấp những tranh luận đã cho thấy rằng một công trình, dù gây tranh cãi, vẫn có thể trở thành một phần không thể tách rời của bản sắc đô thị theo thời gian.
Vấn đề đặt ra không phải là có nên thay đổi cảnh quan kiến trúc hay không, mà là thay đổi như thế nào để vẫn đảm bảo sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố. Sự chú ý của công chúng về tòa nhà Hàm Cá Mập cho thấy rằng một công trình kiến trúc trong không gian công cộng không thể chỉ được đánh giá dựa trên chức năng hay nghệ thuật đơn thuần, mà cần được xem xét trong tổng thể chiến lược phát triển thương hiệu đô thị. Nếu thiếu đi một chiến lược thương hiệu rõ ràng, việc phá bỏ những hình ảnh quen thuộc có thể khiến các thành phố phải đi lại từ đầu trong việc hình thành cá tính. Bởi lẽ, các thành phố không chỉ là tập hợp của những công trình vật lý được giới chuyên môn đánh giá cao, suy cho cùng, những cấu trúc vật lý do ta xây lên chỉ là vật chứa, cái quý giá chính là điều mà nó chứa đựng, là hình ảnh nhận diện và ký ức tập thể đã được tích lũy qua thời gian dài.
________
Giả thuyết kiến trúc
Architecture Hypothesis
________
Các bài viết luôn có khiếm khuyết, xin đừng ngần ngại bổ sung thông tin và góc nhìn trong phần bình luận, bạn nhé! Xin cảm ơn.
Bình luận của bạn