Phố Cửa Nam

Thứ 2, 26/06/2023, 14:47 (GMT+7)

Chia sẻ

Phố Cửa Nam là một con phố dài khoảng 240 mét, kéo dài từ đầu phố Phan Bội Châu đến đường Lê Duẩn, thuộc quận Hoàn Kiếm của Hà Nội. Đây là một con phố gắn với nhiều câu chuyện lịch sử đáng nhớ của thủ đô. Xưa kia, phố Cửa Nam là đất thôn Yên Trung thượng, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương) huyện Thọ Xương.

Phố Cửa Nam thể hiện sự phát triển chậm chạp của khu vực này. Suốt bề dài 250 mét, dãy nhà bên số lẻ có 38 số nhà thì vẫn còn đến ngót chục ngôi nhà cổ một tầng, cũ kỹ và ọp ẹp; nhà cũ xen với những ngôi nhà mới hai tầng, những ngôi nhà cũ được cải tạo mặt ngoài, tuy có sửa sang nhưng cũng chỉ là những ngôi nhà kiểu bình thường. Những nhà xây to cao kiểu hiện đại đều tập trung ở đoạn đầu phố trông ra vườn hoa và đoạn cuối phố trước chợ Cửa Nam.
 
Quãng đầu phố giáp phố Phan Bội Châu và phố Thợ Nhuộm không kể hai hiệu thuốc tây Thẩm Hoàng Tín mới làm khoảng cuối những năm ba mươi, và đầu bốn mươi, còn có tới dăm nhà nữa của những gia đình giàu có ở đấy đã lâu đời, phất lên vào khoảng sau 1935-1936. Như gia đình Cả Ngoạn (nhà số 29-31-33) làm nghề nhuộm vải, có cả một xưởng nhuộm ở Hàng Bột. Gia đình Từ Lâm (số 35) trước cũng làm nghề nhuộm và may mặc, đã tậu và xây được nhiều nhà ở các phố khác; nhà số 35 phố Của Nam của gia đình này những năm 1938-1945 có mở hiệu đại lý bán sách Tây. Nhà số 31 (nhà gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị) là hiệu Vĩnh An buôn sơn sống.
 
Quãng xe trước mặt chợ Cửa Nam, ngôi nhà ba tầng số 49, là của Nguyễn Văn Vĩnh để cho người vợ đầm lai ở trải qua nhiều thay đổi về sau nhà ông giáo Khang mua lại thành hãng nước mắm có người con thứ Hoàng Hưng đã phục chế Bích họa trên tường giảng đường Đại học Y Dược Đông Dương cũ nổi tiếng. Rạp xinê Kinh Đô bây giờ (số 57), trước kia là một dãy ba bốn nhà nhỏ có một hiệu cao lâu loại thường, một dạo theo mốt, được sửa làm tiệm nhảy; thời tạm chiếm một chủ đã mua lại cả dãy đó phá đi xây lại làm nhà chiếu bóng. Tiếp theo đến hết phố hầu hết là những nhà nhiều tầng xây bê tông kiểu hiện đại, diện tích rộng, mặt sau thông sang phố Hai Bà Trưng; đó là những cửa hiệu Phúc Đông, Nam Hương, Trường Thịnh, Thành Mỹ là mấy hiệu buôn bán vàng bạc và cho thuê xe đạp xe tay. Đó là những nhà giàu mới nổi, giành được những địa điểm tốt, thuận lợi cho việc buôn bán và làm giàu thêm.

Rạp Kinh Đô, phố Cửa Nam, HÀ NỘI
Rạp Kinh Đô xưa, phố Cửa Nam, HÀ NỘI

Xen vào quãng giữa những ngôi nhà to của những gia đình giàu có đó, là những cửa hàng buôn bán nhỏ hoặc phục vụ; một số ít nhà thợ may, thợ cắt tỏc, thợ giặt, làm mũ, chữa xe đạp, máy móc lặt vặt. Một của hàng lẹp xẹp giữa hai ngôi nhà lớn ba tầng là hiệu Sinh Tài (số 65) làm thợ rèn đánh dao kéo (gia đình anh em Sinh Tài ở phố Sinh Từ có tiếng về rèn dao kéo). Đình làng Yên Trung Thượng, làng sở tại cũ, thờ thần Tản Viên, vẫn còn sót lại ở số nhà 47 Cửa Nam, gian lụp xụp bên ngoài là một quán hàng nước và quà bánh vặt.
 
Phố Cửa Nam chủ yếu là một khu phố bình dân, tiểu thương, tiểu công chức. Quan lại hoặc công chức cấp cao ít, đếm được trên đầu ngón tay. Ông Châu Bình xuất thân thông phán Tòa sứ rồi đi làm tri châu. Một ông tuần phủ thượng du là Phạm Bá Rong, cũng là công chức của Tây đi sang con đường quan lại; viên tuần phủ tỉnh Hòa Bình đó đã một dạo được dư luận nhắc đến nhiều vì vụ giấy bạc giả có ông ta dính vào.

HÀ NỘI XƯA VÀ NAY – VƯỜN HOA CỬA NAM

Ngã sáu Cửa Nam qua những bức ảnh xưa

Đầu phố Cửa Nam. Panorama

Thời thuộc Pháp, phố mang tên là Rue Neyret, từ 1945 chính thức mang tên gọi Cửa Nam. Phố có tên gọi Cửa Nam do nằm gần cửa Đông Nam của thành Thăng Long đời Nguyễn. Vị trí cửa thành này nay là ngã tư đường Trần Phú - Tôn Thất Thiệp. Bên ngoài cửa thành, chỗ vườn hoa Cửa Nam ở đầu phía Đông phố Cửa Nam bây giờ từng có Quảng Văn Đình (sau đổi tên là Quảng Minh Đình) là một tòa nhà lớn để dân chúng có thể tự đến đánh trống báo quan lại ra nhận đơn khiếu kiện hoặc nghe các thông cáo từ triều đình.

 Phố Cửa Nam

Phố Cửa Nam 

Ngày 22/12/1894, một đám cháy lớn đã thiêu trụi 50 căn nhà tranh ở quanh khu Quảng Văn Đình. Sau đó, chính quyền thuộc địa đã ra lệnh cấm làm lại nhà trên khu đất ấy và đã xây dựng nên quảng trường Neyret – vườn hoa Cửa Nam ngày nay. Vườn hoa Cửa Nam hồi ấy mang tên Place Neyret nhưng dân ta vẫn quen gọi là vườn hoa "Bà đầm xoè" vì ở đó từ năm 1896-1945 có đặt một bản sao của tượng Nữ Thần Tự Do cao 285 cm.

Tượng bị giật đổ năm 1945, đến năm 1952 thì được nấu chảy để đúc pho tượng Phật chùa Thần Quang ở làng Ngũ Xã. Phố Cửa Nam cũng là nơi ghi dấu sự kiện Hà thành đầu độc năm 1908. Nhà số 20 phố này vốn là hàng Cơm của vợ chồng ông Sáu Tĩnh, trong thời gian đầu năm 1908 từng là nơi hội họp của những người lãnh đạo chủ chốt cuộc đầu độc lính Pháp nổ ra ngày 27/6/1908, làm chấn động cả xứ Đông Dương.

 Phố Hàng Bông nằm cùng phố Cửa Nam xưa

Phố Hàng Bông nằm cùng phố Cửa Nam xưa

Đầu phía Tây của phố Cửa Nam từng có chợ Cửa Nam, một trong những khu chợ lớn và có lịch sử lâu đời nhất của thủ đô Hà Nội. Cho đến thập niên 1990, chợ vẫn là một địa điểm buôn bán nhộn nhịp ở trung tâm thành phố. Bước sang thế kỷ 21, chợ Cửa Nam cũ được giải tỏa để nhường chỗ cho một trung tâm thương mại cao tầng.

Chợ Cửa Nam xưa

Chợ Cửa Nam xưa và nay

Cái tên Chợ Cửa Nam vẫn được giữ lại để gắn cho công trình mới, nhưng với nhiều người dân Hà Nội, khu chợ dân dã thân thương đã “chết” cùng sự hiện diện của tòa nhà đồ sộ. Ngày nay phố Cửa Nam là một tuyến giao thông quan trọng ở của thành phố. Con phố này nối liền ngã sáu chỗ vườn hoa Cửa Nam với ngã năm sát chợ Cửa Nam, rất đông người và xe cộ qua lại cả ngày và đêm.

Ngã năm Cửa Nam : đường Điện Biên Phủ, phố Hàng Bông (2), phố Nguyễn Thái Học, phố Tràng Thi.

Ngã năm Cửa Nam : đường Điện Biên Phủ, phố Hàng Bông (2), phố Nguyễn Thái Học, phố Tràng Thi ngày nay - Khu vực vườn hoa Bách Việt (Cửa Nam). Trích bản đồ Hà Nội năm 1952.

Ở ngã sáu Tràng Thi, Cửa Nam, Hàng Bông… có một vườn hoa nho nhỏ mà người dân quen gọi là vườn hoa Cửa Nam, ở phía bên bốt điện vửa qua khi Xôn xao bức tường quảng cáo tiếng Pháp lộ diện sau hàng chục năm ở Hà Nội

Bức tranh tường quảng cáo bằng tiếng Pháp trên trạm biến áp Cửa Nam bất ngờ lộ diện sau hàng chục năm bị che lấp.

Bức tranh tường quảng cáo bằng tiếng Pháp trên trạm biến áp Cửa Nam bất ngờ lộ diện sau hàng chục năm bị che lấp.
 
Theo những tài liệu ghi chép thì năm 1491, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng một ngôi đình làm nơi niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình. Đó là Quảng Văn đình xây dựng vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491). Nay ở vào vị trí quãng Vườn hoa Bách Việt (hay còn gọi là vườn hoa Cửa nam).

Bài ký Quảng Văn  đình (1493) do Bùi Xương Trạch ghi cho biết khá rõ địa điểm và diện mạo của đình Quảng Văn: “ở mé ngoài của Đại Hưng (cửa Nam thành Thăng Long), lầu phượng cao ngất phía trước, thành rồng bao quanh ở ngoài, ngòi nước và đường dân vệ ở quanh tả hữu”. Hình dáng của ngôi đình: “Trụ cột trang trọng, đục chạm đơn giản, dù thấp mà không xấu, dù đẹp mà không xa hoa, quy mô đúng mực”.

Nơi đây thời Lý  đã từng có Trữ Văn đình. Thời Lê, Quảng Văn đình được dùng làm nơi yết bảng các vị tiến sĩ tân khoa trong một số khoa thi. Thời Nguyễn, được đổi tên thành đình Minh Chiêu rồi Quảng Minh (dưới triều Gia Long) làm nơi niêm yết giấy tờ của bộ máy cai trị tỉnh Hà Nội. Dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức các quan tỉnh hàng tháng thường họp các bô lão, hương chức trong tỉnh tại đây để nghe giảng thập điều (10 điều trung hiếu tiết nghĩa).
 
Dưới thời Pháp, tại Quảng Văn đình những lính nhạc thường đến thổi kèn góp vui thành phố vào mỗi chiều thứ 7, chủ nhật. Điều thú vị mà không phải người Hà Nội cũng biết: vườn hoa Cửa Nam chính là nơi đặt một phiên bản pho tượng Nữ thần tự do trong gần nửa thế kỷ (1896-1945). Pho tượng Nữ thần tự do ở Hà Nội đã từng di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau nhưng vườn hoa Cửa Nam là nơi “an vị” lâu nhất.

Nữ thần tự do “bản sao” được người dân Hà Nội quen gọi là “bà đầm xòe”. Bản chính của  pho tượng tại New York có chiều cao 46 m trong khi phiên bản tại Hà Nội có kích cỡ khoảng 2,85 mét (bằng 1/16). Pho tượng được tạo tác ở Pháp và được đem tới triển lãm Hà Nội năm 1887 tại khu vực Trường Thi (nay là quãng Thư viện Quốc gia). Kết thúc triển lãm, tượng được tặng cho Hà Nội và được dựng ở vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).

Nữ thần tự do trên Tháp Rùa

Nữ thần tự do trên Tháp Rùa

Năm 1890, Chính phủ bảo hộ muốn đặt ở đây tượng Paul Bert, thống sứ đầu tiên của Nhà nước bảo hộ. Người Pháp lấy chỗ của tượng Thần Tự Do để làm chỗ cho tượng Paul Bert. Vậy là phải tìm một chỗ khác để đặt tượng Thần Tự Do. Lúc ấy báo chí Pháp thảo luận rất nhiều về vị trí đặt pho tượng này. Có nên đặt nó trên nóc Tháp Rùa không? Và nếu đặt thì tượng Thần Tự Do sẽ quay mặt về hướng nào? Cuối cùng thì tượng Thần Tự Do vẫn được đặt trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về vườn hoa Paul Bert, lưng quay về phía Nhà Thờ Lớn.

Ở ngã sáu Tràng Thi, Cửa Nam, Hàng Bông… có một vườn hoa nho nhỏ mà người dân quen gọi là vườn hoa Cửa Nam. Đây chính là vị trí đình Quảng Văn ngày xưa và cũng là nơi tọa lạc của pho tượng Nữ thần tự do Hà Nội trong ngót nửa thế kỷ.

Ở ngã sáu Tràng Thi, Cửa Nam, Hàng Bông… có một vườn hoa nho nhỏ mà người dân quen gọi là vườn hoa Cửa Nam. Đây chính là vị trí đình Quảng Văn ngày xưa và cũng là nơi tọa lạc của pho tượng Nữ thần tự do Hà Nội trong ngót nửa thế kỷ.

Trước sự phản  đối của dư luận, năm 1896 tượng được mang về đặt tại vườn hoa Cửa Nam, lúc đó gọi là Quảng Văn đình hay vườn hoa Neyret. Người Hà Nội có câu ca: “Nhớ Quảng Văn đình tớ đến nghe/ Câu Kê chẳng thấy, thấy Đầm xòe/ Thập điều bặt tiếng ê a giảng/ Choáng óc kèn tây rúc tí toe...”.

Tháng 7 năm 1945, thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim, ông Trần Văn Lai đã ký lệnh giật đổ các tượng đài trong đó có tượng bà đầm xòe vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ thực dân. Chung số phận với nhiều tượng đài khác ở Hà Nội lúc đó, tượng bà đầm xòe đã bị kéo đổ ngày 1 tháng 8 năm 1945.

Khi làng đúc đồng nổi tiếng Ngũ Xã có ý tưởng đúc một pho tượng phật Adiđà lớn nhất Việt Nam đã tiến hành quyên góp đồng ở khắp nơi, cuối cùng làng cũng xin được một khối đồng khá lớn, trong đó có tượng bà đầm xòe. Thế là pho tượng Nữ thần tự do hay bà đầm xòe Hà Nội đã góp phần làm nên pho tượng phật Adiđà nặng tới 16 tấn, ngự trên tòa sen ở chùa Ngũ Xã ngày nay.

Vườn hoa Cửa Nam tên thường gọi còn nay đã được đặt tên vườn hoa Bách Việt - Bách Việt xưa là một điểm đầu mối liên lạc giữa kinh thành với các tỉnh phía nam, triều đại nhà Lý lập tại đây một ngôi đình gọi là đình Trữ Văn để niêm yết công văn, chỉ dụ. Ðời Lê Thánh Tông đổi tên là đình Quảng Văn. Ðời Tây Sơn đổi tên là Minh Chiêu Lâu. Vườn hoa Bách Việt ở vào góc nối các phố: Hàng Bông, Tràng Thi, Cửa Nam, Thợ Nhuộm.

Địa chỉ văn hóa-di tích trên phố

Bưu cục Cửa Nam: số 22 phố Cửa Nam.

Chợ Cửa Nam: số 34 phố Cửa Nam.

Di tích Rạp Kinh Đô: số 57 phố Cửa Nam.

Nhà hàng Vườn Ẩm Thực - Bún thang bà Ẩm: số 37 phố Cửa Nam.

Vườn hoa Cửa Nam: đầu phố Cửa Nam.

Bánh Mì Trâm 


Tài trợ  Nam Thang Cement Tiles


36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác