Hé lộ bí mật cuộc đời cựu Thị trưởng Hà Nội - dược sĩ Thẩm Hoàng Tín

Thứ 3, 27/06/2023, 11:05 (GMT+7)

Chia sẻ

Cuối tháng 3 nguyệt lịch, mùa thanh minh chưa qua. Tôi như đang trong khói hương trầm đền Ngọc Sơn, băng qua cây cầu Thê Húc đỏ son, mà cha tôi - Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1991)...

Cuối tháng 3 nguyệt lịch, mùa thanh minh chưa qua. Tôi như đang trong khói hương trầm đền Ngọc Sơn, băng qua cây cầu Thê Húc đỏ son, mà cha tôi - Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1991), đã cho dựng lại đầu xuân 1952, khi là Thị trưởng Hà Nội. Tôi là con út, được sinh ra khi cha đang đương chức. Mỗi lần đi qua phố Lê Thái Tổ, đường đôi do chính cha mở, nối kề ngay phố Hàng Trống, bên hồ Gươm, tôi lại nghĩ về đường đời của đại gia đình tôi, cũng sống hai nơi, Paris - Hà Nội.

Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín và phu nhân - Dược sĩ Phạm Thị Thành tại Hà Nội, năm 1950.

Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín và phu nhân - Dược sĩ Phạm Thị Thành tại Hà Nội, năm 1950.

...Năm 1932, bố tôi đã trốn nhà (trốn ông nội và người vợ đầu tiên), sang Pháp du học, bởi muốn tìm nghề để nuôi 2 con gái: chị cả tôi - Thẩm Thị Hồng Anh (mẹ của nhạc sĩ Nguyên Lê - Lê Thành Nguyên) và chị thứ Thẩm Đôn Thư. Đến Kinh đô Ánh sáng mà không có tiền, công tử Tín định học bác sĩ, nhưng học bác sĩ thì thời gian lâu quá, nên học dược. Đến năm 1937, dược sĩ (DS) Thẩm Hoàng Tín về Hà Nội, mở hiệu thuốc Tây tại số 5 và 7 phố Cửa Nam (sau này là Hiệu thuốc 8/3, thuộc Công ty Dược phẩm - Thiết bị Y tế Hà Nội - Hapharco). Số 9 là nhà hàng xóm. Nhà tôi 3 tầng, ở 11 và 13 cùng phố, trên sân thượng, bố tôi trồng hoa, cây cảnh rất đẹp. Danh họa Lương Xuân Nhị (1914 - 2006, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân) đã thiết kế tất cả khung cửa sổ nhà tôi ở Cửa Nam (1954) là hình hai chữ T (tên bố mẹ tôi: Thành - Tín), lồng vào nhau thành hình trái tim. Đúng là trái tim vàng, họ hơn kém nhau 1 giáp, cùng tuổi Dậu, cùng là dược sĩ. Tôi hồi bé chơi với Lương Xuân Đoàn (cháu gọi ông Nhị là bác ruột), nhà 33 Cửa Nam. Nhà HS Đoàn đã bán từ năm 1970, chuyển sang đường Nam Bộ cũ (nay là Lê Duẩn), sau này chúng tôi ít gặp nhau. Dãy nhà tôi do ông nội Thẩm Phác (1887 - 1956) gây dựng, ông tôi làm thư ký Sở Lục lộ (Sở Giao thông Công chính bây giờ).

Trở về từ Pháp, bố tôi hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ (cùng Phan Khôi, Đặng Thai Mai), là thủ quỹ của Hội. Thẩm Hoàng Tín là Thị trưởng Hà Nội từ tháng 2/1950 - 8/1952 và sinh tôi khi đang giữ chức vụ này. Biệt thự Pháp 51 Trần Hưng Đạo (sau này là Trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam), từ năm 1950 - 1953 là dinh Thị trưởng Hà Nội, cả nhà tôi cùng ở đó. Gia đình quyền quý chức sắc, cha mẹ tôi lại sống đôn hậu, thương người nghèo. Tôi gọi thân sinh của mình là ba - me như nhiều gia đình khá giả, tri thức thời ấy, gọi theo tiếng Pháp (Mère: mẹ, phát âm là “me”). Trong nhân cách của bố mình, tôi kính trọng sự trung thực, cao thượng và khảng khái.

Do chuyển dịch lịch sử, họ Vũ - Võ, Hoàng - Huỳnh ở miền Bắc và miền Nam là một, cha tôi nghĩ thế và đệm họ của vợ vào tên các con trai. Người vợ đầu tiên của ba tôi - Vũ Nguyệt Đoan (1910-1944), một phụ nữ nội trợ đã sinh với ba 6 người con: Hồng Anh (1930), Đôn Thư (1932), Võ Hoàng (1935), Võ Kỳ (1937), Vũ Tùng (1939), Vũ Can (1942). Bà Nguyệt Đoan ngồi ôtô nhà đi lễ ở Thái Bình khi Nhật đang chiếm miền Bắc. Máy bay Mỹ ném bom trúng và bà qua đời.

Chỉ những nhà khá giả mới cho con theo đuổi nghệ thuật và thể thao. Gia đình tôi lại có duyên với ngành y sâu sắc. Chị cả Hồng Anh sang Paris năm 1949, du học ngành dược sĩ, theo nghề cha. Chị kết hôn với GS. Lê Thành Khôi (1923), sinh được 3 con, 2 gái, 1 trai. Nguyên Lê (1957) là con trai út. Vợ anh Thẩm Võ Hoàng là dược sĩ Lê Thị Thanh. Anh Thẩm Vũ Can hiện sống tại biệt thự Pháp cổ, số 3 Phan Đinh Phùng, phần còn lại của tòa dinh thự của BS. Trương Cam Cống, nhạc phụ của anh. Vợ anh - là Trương Tuyết Trinh, cũng là bác sĩ, tiến sĩ về mắt. Anh chị Can sống yên tĩnh, tao nhã, có phần khép mình, đúng nếp người Hà Nội xưa ở ngôi nhà phía trong trưng bày nhiều kỷ vật của cha và gia đình bằng ảnh, phim và lưu trữ máy tính rất công phu, quy củ. Phần sân và nhà ngoài để con trai anh mở quán trà - cháo Đài Loan nổi tiếng.

Cuối năm 1980, cha tôi sang Pháp sống với các con cho đến lúc mất. Ba sang để chữa bệnh tim, ở số 12 rue d’Auteuil, quận 16, là quận sang trọng bậc nhất Paris. 8 năm sau, tôi đoàn tụ với cha, thuê nhà bà Hoàng Xuân Hãn, số 58/60 phố Théophile Gautier, ở ngay sát cạnh đến lúc bố qua đời, nên mới thường sang để cắt tóc, chăm sóc ba. Chữ duyên với ngành y vẫn tiếp tục, giáo sư toán học, kỹ sư, nhà sử học - ngôn ngữ học - nghiên cứu văn hóa, giáo dục Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam thời Chính phủ Trần Trọng Kim, người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên, năm 1936 lấy vợ là Nguyễn Thị Bính (sinh 6/10/1911 tại Hà Nội). Bà vợ thứ ba, sau cùng của ba tôi là Nguyễn Thị Nhung (1921-2000), em ruột bà Bính. Bà Nhung đi cùng ba tôi sang Pháp, cả hai đều nhập quốc tịch Pháp. GS. Hoàng Xuân Hãn định cư Pháp năm 1951, tro cốt cũng ở Trúc Lâm Thiền viện Paris, cùng nơi an nghỉ với ba tôi.

Bất giác tôi nhớ tới bộ phim truyện đặc sắc của đạo diễn Đặng Nhật Minh đầy tinh thần Việt. Tên phim đã trở thành một câu cảm thán của những mong chờ: “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Bố tôi sinh ngày 18/10 cách đây 108 năm và qua đời tháng 1/1991, năm sinh và mất đều lặp trùng có số 1, số khởi đầu. Với đa số những người con, bao giờ cũng có lý do để coi cha mẹ mình là số 1, nhiều khi vì bản năng, nghĩa vụ, chứ không hẳn là bởi hãnh diện hay tự hào. Còn cha tôi thì thực sự xứng đáng để chúng tôi kiêu hãnh. 26 năm qua, cứ mỗi mùa xuân, dịp giỗ bố, tôi lại  đến Villebon-sur-Yvette, 91140, ngoại ô Tây Nam cách Paris gần 30km, chốn yên tĩnh với nhiều biệt thự, có ngôi chùa Việt trên khu đất 600m2 ở lưng chừng đồi. Vẫn còn nguyên nỗi xúc động và cảm giác lìa xa...  Buổi chiều sau khi hỏa thiêu cha, tôi ngồi giữa ghế sau trên xe anh trai Thẩm Võ Kỳ lái, ôm bình tro của bố. Hòa thượng Thích Phước Đường (trụ trì chùa Trúc Lâm bây giờ) và sư cô Mạn Đà La, ngồi hai bên, mang tro cha tôi lên chùa Trúc Lâm làm lễ và quàn tại đó.

Có thể nói, mối tình và sự nghiệp của cha mẹ tôi liên quan chặt chẽ đến ngành dược y. Tôi chợt liên tưởng y là nguyên âm mở đầu từ yêu, người làm nghề y thì phải yêu người, cha mẹ tôi đều thương người, cả cuộc đời họ bao lần cứu, giúp nhân quần không tính kể. Sau khi hiệu thuốc tư hiến cho Nhà nước thì ba tôi về Bệnh viện (BV) B (BV Đặng Vũ Lạc thời Pháp thuộc), sau này đổi là Việt Nam - Cu Ba (“vào Việt Ba ra Vạn Kiếp”), làm Phó phòng Dược ở 92 Trần Hưng Đạo. BV này cùng phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm với nhà tôi. Mẹ tôi Phạm Thị Thành mất năm 1969, do ung thư máu. Chồng trước của mẹ tôi là ông Đào Đức Thông, đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, kỹ sư canh nông, hy sinh trong kháng chiến. Mẹ tôi mang anh Hoàng 3 tuổi về Hà Nội học tiếp dược sĩ, đến nhà tôi dạy học thêm cho chị Hồng Anh và chị Đôn Thư, rồi thành người vợ thứ hai của ba (người vợ đầu mất sớm). Hai người sinh chỉ có tôi là con chung, cũng là con út. Ba me tôi thường xuyên gửi thuốc men giúp kháng chiến lúc đó, thông qua nhiếp ảnh gia Đỗ Huân ở phố Nguyễn Thái Học. Tôi diễm phúc được tự hào về dòng tộc hai họ. Ông ngoại của tôi, Phạm Văn Lệ (con của cụ Phạm Văn Thụ) là tuần phủ Hưng Yên, nên mọi người gọi là cụ Phủ Lệ. Thoạt đầu, ông ngoại tôi làm quan huyện Lang Tài (Bắc Ninh) 20 năm, sau đó được lên chức quan phủ, nhưng ông vẫn  làm ở huyện Lang Tài. Bà ngoại tôi là Nghiêm Thị Hưng, nhà số 19 Trần Hưng Đạo, Hà Nội... Cả nhà bà theo đạo Phật 100%, sống cực kỳ hiền lành, nhường nhịn, không muốn tranh giành bất cứ cái gì. Lại sâu thêm chữ duyên với ngành y khi hàng xóm của bà ngoại tôi là nhà GS.TS.BS. Phạm Ngọc Thạch (1909-1968), Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1968). Thẩm Hoàng Tín từng là Trưởng phòng Xét nghiệm ở BV Việt Đức, trước khi về hưu, ông thích Đông y nên một mình một phòng nghiên cứu Đông y ở BV này. Lúc đó, GS. Tôn Thất Tùng làm Giám đốc. Sau khi về hưu, bố tôi là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu liệu pháp chữa bệnh “Vi lượng đồng căn” (VLĐC). Tiếng Pháp gọi là Homéopathie. Liều thuốc cực ít (vi lượng) và trị nhóm bệnh có cùng gốc rễ với nguyên nhân gây ra bệnh (đồng căn). Thuốc điều trị thông thường, càng uống nhiều thì càng dễ khỏi. VLĐC chữa được các bệnh mạn tính như hen suyễn, dị ứng, bệnh ngoài da như vẩy nến..; các bệnh về đường tiêu hóa, tim mạch... Thế giới đã áp dụng nhiều, ở Việt Nam chưa có. Nhận thấy hiệu quả rẻ tiền, chữa được nhiều bệnh, bố tôi gửi thư cùng tài liệu (do tôi đánh máy) phương pháp chữa bệnh lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Y tế, đề nghị được áp dụng ở Việt Nam.

Những năm 1976, 1977, bố tôi chữa cho nhiều bệnh nhân bị hen suyễn, vẩy nến... không lấy tiền. Bệnh viện Bạch Mai và Saint Paul cử hai cô dược tá thay nhau đến nhà tôi để pha chế thuốc. Bệnh nhân đông dần, bố tôi bận, song rất vui. Niềm vui lan tỏa đại gia đình đông đúc của tôi, tới cả đàn con hằng được bố dạy làm việc thiện, nghĩa. Homéopathie ở Pháp và trên thế giới có lâu rồi, bố tôi là người đầu tiên nghiên cứu và áp dụng tại Hà Nội. Lúc đầu, ông chữa cho người quen, bạn bè. Rồi hiệu quả cao, người nọ bảo người kia, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến nhà nườm nượp. Mấy cô bác nông dân được chữa khỏi bệnh, lại lễ mễ mang quà quê đến biếu, bởi bố tôi không lấy tiền của ai.

Tết vừa rồi, tôi gặp lại anh Nguyễn Mạnh Đông, cựu vô địch bơi miền Bắc, anh kể:  “Cụ Thẩm Hoàng Tín đã chữa khỏi bệnh cho con gái tớ”. Bây giờ vào tất cả các hiệu thuốc ở Pháp đều bán thuốc Homéopathie theo đơn bác sĩ. Còn ở Việt Nam thì thật quá lạ. Thuốc tốt thế mà sau 40 năm vẫn chưa thấy (?).

Không theo nghề cha, song cùng chung với cha tình yêu âm nhạc, yêu cái đẹp, tôi vẫn tin không chỉ thuốc và các thủ thuật ngành y chữa được bệnh cứu người, mà âm nhạc ngoài việc làm thăng hoa, vỗ về, đồng hành với tâm hồn con người, còn có tác dụng chữa bệnh. Kế tục cha, GS. Trần Văn Khê, GS. Trần Quang Hải đã có công trình nghiên cứu về phương pháp này và thuyết trình ở nhiều nước trên thế giới. GS. Hải về Hà Nội giữa tháng 4/2017, còn Nguyên Lê cháu tôi cũng về Hà Nội tháng 3 vừa rồi và thường xuyên những năm gần đây. Đấy là cuộc tìm về nguồn cội, hành trình ý nghĩa nhất cuộc đời. Cháu không biết nói tiếng Việt, nhưng đã đem âm nhạc dân tộc Việt Nam lan tỏa khắp thế giới, bằng chính tên tuổi của cháu, một người mang dòng máu Việt Nam.

Từ ông nội Thẩm Phác, cha Thẩm Hoàng Tín, các anh em tôi tới cháu Nguyên Lê, 4 thế hệ của gia đình tôi đều truyền đời tình yêu nước, yêu Hà Nội và luôn chủ trương học tập không ngừng, thu nạp kiến thức và tinh hoa của văn minh Pháp để đóng góp cho nước nhà từ chính nghề nghiệp của mình một cách không nhòa nhạt.

THẨM HOÀNG LONG (Paris)

Bình luận của bạn

Tin khác