Yếu tố Hoa trong một Hà Nội xưa

Thứ 3, 17/10/2023, 10:28 (GMT+7)

Chia sẻ

Với những lý do lịch sử và văn hóa, yếu tố Hoa đã trở thành một trong những nét đặc trưng của hầu hết những đô thị cổ, cận đại trên khắp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Những dấu ấn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn tồn tại ở Hà Nội, Hội An, Hà Tiên..., ngay cả khi cộng đồng người Hoa không còn nữa.

Sinh hoạt trước nhà của một gia đình người Hoa.

Sinh hoạt trước nhà của một gia đình người Hoa.

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX trở về trước, cộng đồng người Hoa sống khá đông tại Thăng Long-Hà Nội, tụ cư tập trung ở những trục đường quan trọng của khu buôn bán: từ Mã Mây, qua Hàng Buồm, dọc Lãn Ông cho tới Cửa Đông thành Hà Nội. Trục đường ấy còn toả sang ngõ Sầm Công, Tạ Hiện, Hàng Giày, qua Hàng Chiếu, rồi Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Cân, Thuốc Bắc, Hàng Bồ. Đó chính là khu vực tấp nập nhất với dấu ấn tiêu biểu là hai ngôi Hội quán Quảng Đông (ở phố Hàng Buồm) và Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông), ngoài ra còn hai ngôi trường tiểu học ở phố Lương Ngọc Quyến và Trung học Trung Hoa ở phố Phó Đức Chính.

Một ngưòi phu Hoa kiều

Một ngưòi phu Hoa kiều

Còn một kiến trúc tiêu biểu nữa là đình Tây Lương (còn gọi là Luông) ở góc phố Hồng Phúc và Nguyễn Trung Trực, nơi thờ Quan Vân Trường, rất đặc trưng cho tín ngưỡng người Hoa còn ảnh hưởng tới một bộ phận người Việt. Đền Bạch Mã - một trong tứ trấn của Hà Nội xưa - nay lọt ngay phố Hàng Buồm cũng đan xen nhiều màu sắc hoạt động tín ngưỡng của người Hoa tụ cư quanh đó.

Đặc trưng trong nếp sống người Hoa xưa là rất cần cù, kín đáo, tính cộng đồng cao, bề ngoài luôn tỏ sự giao hảo pha chút khách khí và nhún nhường đối với người Việt. Cửa hàng của người Hoa thường không lấy sự hào nhoáng làm trọng, mà là sự tiện dụng trong quan hệ, buôn bán giá cả phải chăng, tận tình chu đáo và luôn giữ chữ tín. Người Việt có một cách gọi rất hay về những người Hoa này là Khách (chú Khách, thím Khách), vừa thân thiện, vừa rạch ròi.

Hội quán Quảng Đông (Pagode de Cantonaise) – một kiến trúc tiêu biểu của văn hoá Trung Hoa trên phố Hàng Buồm. Hội quán được dựng dưới thời Tây Sơn, năm 1801, trước Hội Quán ở Hội An 74 năm. Thời gian đầu, người Pháp chưa xây dựng những công trình kiến trúc, Hội Quán được sử dụng làm chỗ hội họp, tiếp tân khi có đại lễ.

Hội quán Quảng Đông (Pagode de Cantonaise) – một kiến trúc tiêu biểu của văn hoá Trung Hoa trên phố Hàng Buồm. Hội quán được dựng dưới thời Tây Sơn, năm 1801, trước Hội Quán ở Hội An 74 năm. Thời gian đầu, người Pháp chưa xây dựng những công trình kiến trúc, Hội Quán được sử dụng làm chỗ hội họp, tiếp tân khi có đại lễ.

Cộng đồng người Hoa cũng để lại cho chúng ta một nét di sản quý của văn hóa ẩm thực mà tên gọi và lời rao vẫn còn đậm nét trong ký ức nhiều người, nào là "dàu cháo quẩy", "xủi dìn", "phá xa", "vằn thắn"... đậm chất bình dân đến những cao lâu hay tiệm ăn sang trọng.

Hà Nội ngày nay đã thay đổi nhiều, cộng đồng người Hoa về căn bản không còn, nhưng việc bảo lưu dấu tích văn hoá Hoa, nhất là trong khu vực được quy là phố cổ, vẫn là sự bổ sung cần thiết để làm tăng thêm vẻ đẹp lịch sử và sự cổ kính của Hà Nội ngàn năm - nơi hội tụ văn hoá bốn phương.

P.V (TTXVN)

Bình luận của bạn

Tin khác