Sau gần 20 năm với những nỗ lực không ngừng nghỉ để phục dựng hát xẩm của các nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc, đầu năm 2022, hát xẩm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kế thừa và giữ vai trò tiếp tục phát huy giá trị của xẩm, thế hệ trẻ ngày nay đã có nhiều phương thức, cách làm mới để nối dài thêm câu hát xẩm, góp phần để xẩm sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Workshop Xẩm Xe Duyên kết nối tình yêu giữa khán giả với hát xẩm.
Hòa nhịp xẩm với âm nhạc đương đại
Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian giản dị mà độc đáo. Xẩm không hề kén người thưởng thức bởi lời hát mộc mạc, dễ hiểu, phong cách phóng khoáng, chậm rãi và tự do. Nhẹ nhàng mà thâm thúy, những ca từ của xẩm hàm chứa những triết lý và lời răn dạy đạo lý ở đời, về công sinh thành, tình yêu quê hương, đất nước...
Không phải là người đi đầu trong việc kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại nhưng Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) - cô ca sĩ trẻ tài năng đã có những thành công nhất định trong việc kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM. “Xẩm Hà Nội” là MV đầu tiên đưa Hà Myo đến với khán giả. Trong MV, Hà Myo kết hợp với rapper VBK thể hiện được sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, chất đường phố mà vẫn giữ được chất riêng có của xẩm.
Hà Myo chia sẻ: “Thử thách luôn đi kèm với cơ hội, Hà đã sử dụng lời dân gian và cố gắng hát sao chân thật nhất, dí dỏm nhất đúng tính chất của xẩm, ở phần phối EDM cũng đã để một nhạc cụ gắn liền với xẩm là đàn nhị. Hà nghĩ, khi sáng tạo trong âm nhạc, đặc biệt là khi kết hợp giữa cái cũ và cái mới, thì nghệ sĩ cần phải đam mê, học hỏi, tìm hiểu kỹ lưỡng và chỉn chu, cẩn thận trong từng khâu”.
Sau “Xẩm Hà Nội”, Hà Myo tiếp tục cho ra mắt “Xẩm Xuân xanh”, “Xẩm Xuân chúc phúc”, “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm công cha ngãi mẹ sinh thành”... mang xẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Ngoài những bài hát đương đại mang chất xẩm của Hà Myo, một bản hit khác là sự kết hợp giữa điệu “Xẩm chợ” và nhạc điện tử do ca sĩ Quách Mai Thy - Quán quân Sao Mai 2019 thể hiện cũng mang đến một hơi thở mới cho xẩm truyền thống.
Trong MV “Mục Hạ Vô Nhân”, Quách Mai Thy cố gắng giữ những nét đặc trưng nhất của xẩm bằng cách giữ nguyên phần lời ca và làm mới bản hòa âm bằng nhạc điện tử. MV “Mục Hạ Vô Nhân” của cô mang màu sắc trẻ trung nhưng cũng đầy ma mị, cuốn hút.
Ca sĩ Hà Myo.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc khai thác âm nhạc dân gian và kết hợp với thể loại âm nhạc hiện đại góp phần nâng cánh cho âm nhạc dân gian truyền thống dân tộc bay ra thế giới, tiếp cận nhiều đối tượng khán giả một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, cũng chính âm nhạc dân gian trong cách khai thác mới mẻ này góp phần nâng đôi cánh cho các nghệ sĩ tên tuổi có thêm những đóng góp, cống hiến được ghi nhận và cho các nghệ sĩ trẻ bay cao hơn, xa hơn vào thế giới âm nhạc.
Bên cạnh những MV ca nhạc kết hợp xẩm với âm nhạc hiện đại, còn có những bạn trẻ lại lựa chọn lưu giữ xẩm theo cách truyền thống nhưng viết lời theo âm hưởng thời đại.
Theo đuổi làn điệu xẩm tính đến nay đã gần 10 năm, bạn Nguyễn Thị Huyền - Phó Chủ nhiệm CLB Chèo 48h cho biết, CLB Xẩm 48h (nhánh thành viên của CLB Chèo 48h) đã tự sáng tác bài “Trường ca Covid” gồm 3 phần: “Giông tố Cô-vy” (theo làn điệu Hà Liễu, Ba Bậc); “Những ngày không quên” (theo làn điệu Tàu điện); “Xẩm Khải hoàn” (theo làn điệu Chênh Bong, Trống quân) dài 20 phút để tham gia Liên hoan hát Xẩm lần thứ 2 tại Ninh Bình đã đạt 1 giải nhì, 2 giải khuyến khích.
Bên cạnh đó, Xẩm 48h còn cho ra mắt MV “Xẩm: Rượu bia uống đủ chớ say”, “Xẩm chúc tết” với những ca từ được lấy cảm hứng từ tác phẩm thơ của các nhà thơ lừng danh: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến...
Ca sĩ Quách Mai Thy.
Kết nối xẩm đa phương tiện
Không chỉ làm mới xẩm bằng cách gắn xẩm với âm nhạc đương đại để tạo ra những sản phẩm âm nhạc bắt kịp với xu hướng, giới trẻ hiện nay còn kết nối xẩm với công chúng bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là sử dụng các phương tiện truyền thông như: Youtube, Facebook, TikTok... Việc đưa nhạc truyền thống phát triển trên mạng xã hội đang trở thành một trào lưu mới của giới trẻ, góp phần không nhỏ trong việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật của Việt Nam.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Mai Tuyết Hoa cho rằng, những sản phẩm âm nhạc, những dự án của người trẻ đã và đang thực hiện cho thấy dấu hiệu khả quan trong việc người trẻ đã chạm đến âm nhạc dân gian mà bấy lâu nay bị lãng quên. Chúng ta cần khuyến khích các bạn trẻ tiếp tục sáng tạo thêm những ý tưởng về xẩm để cho ra đời những tác phẩm vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại của hơi thở cuộc sống. Bên cạnh đó cần giúp người trẻ có định hướng bảo tồn âm nhạc truyền thống sao cho đúng nhất, không được làm sai lệch nó, phải tôn trọng di sản tổ nghề đã để lại.
Trong bối cảnh tiếp nhận thông tin mạnh mẽ như hiện nay, việc truyền tải những kiến thức về xẩm đến với đông đảo công chúng được người trẻ sáng tạo thông qua những nội dung ngắn nhưng vẫn đảm bảo lượng thông tin cần thiết, phù hợp.
Những kiến thức cơ bản về xẩm như nhạc khí, môi trường diễn xướng, các làn điệu... được khéo léo chuyển tải mang đến sự thích thú, có thể thẩm thấu thụ động mà không mất quá nhiều thời gian theo dõi.
Các nội dung được chia nhỏ với dung lượng phù hợp, nhận được nhiều tương tác. Không chỉ vậy, về mặt hình thức, với lối tư duy thiết kế mới, những hình ảnh cho các bài viết cũng được trau chuốt với những gam màu hiện đại, sinh động, mang lại diện mạo nổi bật, mới mẻ cho nghệ thuật hát xẩm.
Nhắc đến đây có thể kể đến dự án Xẩm Quán cũng đã có những thành công nhất định trong việc nỗ lực đưa xẩm tiếp cận với giới trẻ thông qua mạng xã hội. Trên trang fanpage Facebook, Xẩm Quán cung cấp những bài viết thông tin về xẩm và những hoạt động góp phần phát triển văn hóa truyền thống. Còn trên kênh TikTok Xẩm Quán là nơi dự án tạo ra các video kết nối nhạc xẩm với cuộc sống gen Z.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Xẩm Quán đã phát động một challenge trên TikTok với tên gọi “Say Xẩm” - nơi các bạn trẻ có thể thỏa sức sáng tạo trên nền nhạc “Mục Hạ Vô Nhân” (Xẩm chợ) Remix do dự án thực hiện. Challenge TikTok góp phần lan tỏa âm nhạc Xẩm trên một nền tảng mạng xã hội có thể kết nối với nhiều âm nhạc và video. Với sự tham gia của nhiều bạn trẻ, “Say Xẩm” của Xẩm Quán đã tiếp cận được rất nhiều người với hơn 700.000 lượt xem hashtag #SayXẩm.
Với sự sáng tạo và năng lượng sẵn có, cùng sự nhạy bén với các nội dung trên mạng xã hội, việc kết nối xẩm trên nhiều nền tảng đã làm giảm bớt đi sự khô khan của lý thuyết nghệ thuật truyền thống. Việc lan tỏa nội dung xẩm theo cách gần gũi với giới trẻ vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội to lớn, bởi nếu được áp dụng phù hợp, các nội dung này sẽ dễ thu hút lượng lớn người quan tâm khi số lượng người dùng mạng xã hội là rất lớn.
Bệ phóng giúp thế hệ trẻ làm mới xẩm
Mang trên vai trọng trách gìn giữ, phát huy để lưu truyền làn điệu xẩm, với những cố gắng không ngừng nghỉ, bằng sự tâm huyết của một trái tim yêu xẩm, thế hệ trẻ đã, đang và sẽ tiếp bước những người nghệ nhân lưu giữ và kết nối xẩm với cuộc sống đương đại. Tuy nhiên để làm được điều đó, người trẻ sẽ luôn cần đến sự đồng hành của lớp người đi trước. Sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân đã từng có nhiều năm kinh nghiệm sẽ là nền tảng cốt lõi cho sự sáng tạo của người trẻ. Đã đến lúc lớp người đi trước cần mở lòng hơn để đón nhận những điều mới mẻ đến với xẩm và người trẻ thì cần có ý thức học hỏi, tiếp thu kiến thức từ những người đi trước.
Để thế hệ kế cận tiếp tục bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật hát xẩm, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, thế hệ trẻ cần tích cực học hỏi và phải luôn luôn sáng tạo.
“Để bảo tồn nghệ thuật hát xẩm, các bạn trẻ nên học hát một cách nghiêm túc. Cần hát cho đúng, cho hay, biểu diễn thật nhiều. Sau đó dựa trên cơ sở hát xẩm để sáng tạo nên nghệ thuật hát xẩm đương đại vì con người ở thời đại nào cũng cần sáng tạo. Trong công cuộc sáng tạo cái mới cần phải dung hòa truyền thống và hiện đại thì mới không làm mất đi chất xẩm. Sáng tạo là con đường đi đúng nhất để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam”, ông Loan nhấn mạnh.
Một hành trình phục hồi, làm mới hát xẩm vẫn còn ở phía trước. Hiện tại chúng ta đã có thể nhìn thấy xẩm đang dần trở lại với cuộc sống. Đó là thành quả của những nhà nghiên cứu, của các nghệ nhân, các bạn trẻ đã dày công phục hồi và viết tiếp câu hát xẩm. Nhưng ở đâu đó ngoài kia, không phải ý tưởng nào, dự án nào cũng may mắn nhận được sự đồng hành, theo sát và chỉ dẫn của những người có chuyên môn.
Vậy nên, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, làm mới xẩm phải là hành trình mà ở đó chúng ta có sự chung tay của rất nhiều thế hệ.
Bình luận của bạn