Hà Nội chuyện cũ, chuyện mới | Kiến trúc ở Hà Nội xưa, người Pháp cũng "bắt chước" người An Nam | Ngôn từ giấy tờ hành chính “thời Tây” và chuyện khai sinh ở Hà Nội ngày đầu tiếp quản | Chuyện biển tên phố, biển số nhà: Từ Paris đến Hà Nội | Cầu Long Biên và đường sắt Hà Nội – Côn Minh ký sự | Chuyện múi giờ, giờ Âu, giờ Á, giờ Ta | Chuyện của người “Phố Cổ”! | Đằng sau mặt tiền các nhà phố cổ
Ngồi xem lại mấy giấy tờ cũ của gia đình còn lưu giữ qua các thời kỳ, chính tôi cũng hết sức bất ngờ và rất ngạc nhiên với cách hành văn của giấy tờ thời kỳ trước…
Tôi không phải là người say mê sưu tầm các thứ đồ cổ, nhưng lại rất cẩn thận lưu giữ các giấy tờ cũ, ảnh cũ, nhất là các thứ gì liên quan đến cá nhân, gia đình.
Hôm rồi xem lại mấy giấy tờ cũ của gia đình, thì bất ngờ con trai đi ngang qua hỏi giấy tờ gì mà cũ thế, rồi cũng nhòm xem và “cu cậu” phá lên cười vì rất ngạc nhiên với cách hành văn của giấy tờ ngày xưa.
Có thể những người lớn tuổi thì không ngạc nhiên lắm, nhưng đối với các bạn trẻ thời @ thì chắc chắn đây là điều vô cùng thú vị.
Xin kể ra với các bạn một loại giấy tờ rất quen thuộc mà ai cũng biết, đó là tờ Giấy khai sinh. Gia đình tôi còn lưu giữ tờ giấy khai sinh của các ông anh, bà chị lớn được làm từ thời Pháp thuộc (nói nôm na là “thời Tây”). Giống như một số giấy tờ quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp thời ấy, giấy khai sinh thời đó đều viết các tiêu đề song ngữ: bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
Chữ Pháp thì tôi không nói, chỉ nói về phần chữ quốc ngữ thì Giấy khai sinh thời Pháp thuộc họ viết “nôm na” lắm! Có thể do tiếng quốc ngữ ngày ấy họ gọi như thế.
“Thời Tây” và “Thời Ta”cũng vẫn gọi là Giấy khai sinh, nhưng tiêu đề trong giấy “thời Tây” rất nôm na, dễ hiểu. Bây giờ các bạn trẻ nhìn thấy có thể phải bật cười.
Nó là thế này:
Ngày nay viết “Họ và tên trẻ mới sinh” thì “thời Tây” viết “Tên mấy họ đứa trẻ con”. (thời đó từ “mấy” có nghĩa là “và” hoặc “với”)
Ngày nay: “Họ và tên bố”, “Họ và tên mẹ”; thời Tây: “Tên mấy họ người bố”, “Tên mấy họ người mẹ”,
Ngày nay: “Nam hay nữ”, thời Tây: “Con giai hay con gái”,
Ngày nay: “Nơi sinh”, thời Tây: “Đẻ ở chỗ nào”,
Ngày nay: “Ngày sinh”, thời Tây: “Đẻ ngày nào”,
Ngày nay: “Nghề nghiệp”, thời Tây: “Làm nghề gì”,
Giấy khai sinh thời “Tây” có một mục rất “hay” là viết thẳng toẹt: “Nếu là con hoang thì chỉ cần khai tên mẹ”!
Hai mặt tờ Giấy khai sinh cho trẻ ở Hà Nội thời Pháp thuộc.
Và có một việc rất quan trọng không thể thiếu khi khai sinh cho trẻ đó là phải có người làm chứng. Không phải chỉ một người làm chứng mà cần tới ba người! Những người làm chứng này phải khai đầy đủ họ tên, chỗ ở, làm nghề gì và được viết rõ trong tờ Giấy khai sinh!
Vì sao lại cần người làm chứng? Theo nhiều người kể lại thì thời Pháp thuộc họ phân biệt rõ ràng và đối xử cũng rất khác nhau giữa con đẻ và con nuôi. Rồi con hoang thì còn bị phân biệt đối xử kinh khủng hơn nữa.
Có thể xuất phát từ cách đối xử như thế chắc để chống gian lận! Đề phòng nhỡ có cô nào không chửa mà nhét gối vào bụng mấy tháng rồi sau đó đi xin trẻ sơ sinh (thời đó dân thường gọi là con đỏ) về nuôi rồi nói là con đẻ thì sao! Con nuôi là con nuôi, con đẻ là con đẻ! Không có chuyện lập lờ ở đây! Kín kẽ đến thế là cùng! Ấy là chuyện ghi trên Giấy khai sinh dưới thời Pháp thuộc ở Hà Nội.
Sau ngày hoà bình lập lại 1954, chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, việc khai sinh cho trẻ cũng được làm hết sức nghiêm túc. Khai sinh cho trẻ không đúng hạn có thể phải ra Toà án. Gia đình tôi còn giữ được văn bản của Toà án như thế.
Chuyện thế này: Số là Nguyễn – thị – T – H, “bà xã” tôi, sinh ngày 22/3/1955 (tức là chỉ 5 tháng sau khi chính quyền mới tiếp quản Hà- nội). Vì lý do nào đó các cụ thân sinh ra “bà xã” tôi khi đó không kịp làm giấy khai sinh và để đến hơn 3 tháng sau khi con gái chào đời mới đi làm khai sinh.
Mặt trước và mặt sau “Trích lục bản án” của Toà án Hà Nội năm 1955 về việc khai sinh cho trẻ không đúng hạn.
Để quá hạn hơn 3 tháng mới đi làm khai sinh cho con thì phải ra Toà! Ra Toà thật chứ không phải chuyện đùa! Và Toà xử công khai chứ không phải thủ tục lấy lệ! Tất cả việc đó được thể hiện trong văn bản “Trích lục án văn hộ tịch số 195 ngày 11-7-1955 về việc khai sinh quá hạn cho Nguyễn – thị – T – H” của Toà án Nhân dân Sơ thẩm Hà- nội.
Trích lục bản án” ghi rõ: Phiên toà công khai ngày11 tháng 7 năm 1955 Toà án nhân dân sơ thẩm Hà – nội đã xử việc ông Nguyễn – hữu – … ngụ tại số … phố Hàng Đường Hà – nội, xin khai sinh quá hạn cho con gái là Nguyễn – thị – T – H, như sau:
Vậy nghị xử: Nguyễn -thị- T- H sinh ngày 22-3-1955 hồi 4 giờ rưỡi, tại số 14 đại lộ Nguyễn thái Học Hà- nội, là con gái ông Nguyễn – hữu – … 23 tuổi, buôn bán, và bà Nguyễn -thị- …23 tuổi, buôn bán,vợ cả có khai giá thú đều ngụ tại số… phố Hàng Đường Hà-nội.
Yêu cầu Phòng hộ tịch Uỷ ban hành chính thành phố đăng ký bản án này vào sổ khai sinh năm nay và biên chú vào lề trong sổ khai sinh năm 1955, ngày 22, tháng 3.
Đã báo cho đương sự biết là có hạn 15 ngày kể từ ngày hôm nay để kháng cáo bản án này.
Chánh án ký: NGUYEN XUAN DUONG
Lục sự ký: TRAN VAN LONG
Dưới bản “Trích lục” có chữ ký của ông Trưởng phòng Lục sự và đóng dấu tròn màu hồng hoa đào (chứ không phải dấu chữ nhật màu xám sau này hoặc dấu tròn mầu đỏ tươi như bây giờ) của Toà Sơ thẩm Hà – nội. Vụ việc như thế trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô do Toà án thuộc Bộ tư pháp xử lý. Con dấu mùa hoa đào phản ánh rõ việc đó.
Tôi không biết bây giờ khi quá hạn đi làm giấy khai sinh cho con thì các ông bố, bà mẹ có bị “làm sao” không? Nhưng những ngày đầu tiếp quản, dưới chính quyền mới ở Hà – nội cách đây hơn 60 năm thì vi phạm kiểu ấy là phải ra Toà! Phải nói rằng công tác tư pháp của chính quyền mới trong những ngày mới tiếp quản Thủ đô là rất nghiêm túc.
Một điều rất thú vị nữa đó là bản “Trích lục” của Toà án Hà – nội khi đó được đánh máy trên mặt sau của Tờ giấy báo lĩnh lương (hay trợ cấp hàng tháng gì đó) của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương dành cho lính của họ!
Có lẽ những ngày đầu tiếp quản Hà – nội mọi thứ về cơ sở vật chất của chính quyền mới còn khó khăn, đơn giản như giấy mực cho công tác hành chính, văn phòng cũng rất thiếu thốn nên phải tận dụng những gì cũ còn sử dụng được, kể cả tờ giấy in văn bản có tính pháp luật cao như bản án.
Kể cũng thú vị!
PS: Tôi viết tên người và địa danh với các dấu gạch ngang (-) giữa các từ là hoàn toàn “sao chép nguyên văn” theo cách viết trong tờ bản án thời kỳ ấy.
Nguồn - Nguyễn Văn Ất
Biên tập: 36phophuong.vn; Nhà tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn
Bình luận của bạn