Hà Nội chuyện cũ, chuyện mới | Kiến trúc ở Hà Nội xưa, người Pháp cũng "bắt chước" người An Nam | Ngôn từ giấy tờ hành chính “thời Tây” và chuyện khai sinh ở Hà Nội ngày đầu tiếp quản | Chuyện biển tên phố, biển số nhà: Từ Paris đến Hà Nội | Cầu Long Biên và đường sắt Hà Nội – Côn Minh ký sự | Chuyện múi giờ, giờ Âu, giờ Á, giờ Ta | Chuyện của người “Phố Cổ”! | Đằng sau mặt tiền các nhà phố cổ
Những ai ở Hà Nội mà có nhà “phố cổ” hãnh diện lắm! Nhà ở phố cổ mà là phố bắt đầu từ chữ “Hàng” thì “oai” hơn! Nhưng nếu có nhà ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường thì sự hãnh diện phải tăng gấp đôi, gấp ba! Mà lại nhà mặt phố ở các phố này thì sự hãnh diện còn tăng gấp nhiều lần nữa!
Đất mặt phố cổ Hà Nội được coi là đất “vàng”! Trục Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân của Hà Nội thì không phải “vàng” mà phải là “kim cương”! Ấy là nhìn mặt ngoài phố buôn bán sầm uất thế thôi chứ đi sâu vào bên trong thì điều kiện sống, cảnh quan, môi trường vệ sinh của các hộ thì thật là... kinh hoàng:
Bởi sau năm 1954, ở các phố cổ này mỗi số nhà phải có hàng chục hộ gia đình. Nhà ở đây hầu hết là nhà ống sâu hun hút. Mỗi gia đình quây lại một gian, nhiều nhà không có ánh sáng mặt trời, suốt ngày phải thắp đèn. Để vào các gia đình bên trong chỉ có mỗi con hẻm được ngăn ra chiều rộng tầm 70 phân. Muốn dắt xe máy vào ra chỉ có mỗi cách là ngồi lên yên xe rồi dùng chân “bơi” vào! Nhà vệ sinh còn “kinh khủng” nữa: Mấy chục con người của cả chục gia đình chỉ có mỗi nhà vệ sinh “hai ngăn” thông tuông không cửa che... Tình trạng này kéo dài tới giữa thập niên 90 và đến nay vẫn còn không ít.
Phố Hàng Ngang đầu thế kỷ XX. Ảnh sưu tầm
Chuyện các nhà bên trong để kể dịp khác. Hôm nay hãy kể về các nhà mặt phố. Nó thế này: Nhà mặt phố cổ có cửa hàng giá trị thế nào thì người sống ở nơi khác khó mà hình dung nổi. Mấy chục năm gia đình tôi sống và bán hàng ở đấy chẳng thấy bao giờ có nhà nào phải treo biển “Cho thuê cửa hàng”!
Chỉ cần thấy nhà nào đóng cửa hay nghỉ bán hàng mấy hôm là lập tức có người đến gõ cửa hoặc thì thào hỏi thăm, hay truyền tai nhau “không biết có cho thuê cửa hàng không nhỉ” ?!
Nhà mặt phố ở các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường có giá “kinh” lắm. Thuê được cũng khó! Để thuê hoặc cho thuê cửa hàng ở đây chỉ có nguồn thông tin duy nhất đó là “thông tấn xã rỉ tai”! Làm gì có chuyện treo biển cho thuê nhà! Chuyện ấy ngang bằng chuyện “khoa học viễn tưởng” hay chuyện “Chạch đẻ ngọn đa”! Nhất là cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, thiếu hàng hoá tiêu dùng thì các cửa hàng ở Hàng Đào, Hàng Ngang thực sự trở thành “Trung tâm thương mại toàn cầu”!
Từ con phố này đã cung cấp không biết bao nhiêu “công” (công - tơ - nơ) quần bò, áo phông, son phấn... “rởm” cho thị trường các nước Đông Âu khi ấy! Ngày đó buôn hàng đi Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô “trúng” lắm! “Cực” trúng! Có những nhà bán hàng, tiền thu nhiều, chẳng kịp đếm, cứ thế là lấy chun cuộn lại thành từng bó, tối về đổ ra lồng bàn nhặt lấy các tờ mệnh giá to xếp lại, còn các tờ tiền mệnh giá nhỏ thì nhét vào bị, xét sau!
Nhớ lại khi ấy, đời “công chức đút chân gầm bàn”, “chất xám” bao nhiêu năm “Tây học” phục vụ Cơ quan chẳng đáng bao nhiêu mà chủ yếu phục vụ “thủ trưởng” tại gia! Buổi sáng phải phụ giúp vợ - “thủ trưởng đích thực phụ trách khối kinh tế” mở cửa hàng, bày hàng rồi mới được dắt xe đến cơ quan.
Lắm hôm chưa kịp dọn xong đã có người đến mua. Thế là lại phải “líu tíu” vào đấy có khi cả tiếng đồng hồ. Thế rồi không kịp ăn uống gì, phóng xe đến cơ quan đã rồi ăn uống tính sau. Chiều gần 4 giờ phải “mắt trước, mắt sau” biến nhanh khỏi cơ quan để về phục vụ “thủ trưởng”.
Tôi nhớ thời điểm tháng 5 năm 1990, khi đó giá chợ đen là 16,5 (mười sáu rúp rưỡi) Liên Xô, hoặc 6.000 (sáu ngàn) đồng Việt Nam mới “ăn” được 1 đô la. Một chiếc cassette mini mua ở Hàng Đào giá ba trăm ngàn đồng, tương đương hơn bốn mươi đô la. Sang tới Liên Xô bán được trên trăm “đô”. Lãi hơn gấp đôi!
Một lố (12 ống) son “rởm” mua tại Hàng Đào, Hàng Ngang là hơn mười ngàn đồng, tương đương hai “đô”, sang Liên Xô bán buôn cũng khoảng gần bốn “đô”. Cái áo phông có in con bướm nhũ vàng (mặc xong giặt một lần thì áo ngang vải màn và nhũ bay hết!) mua ở Hàng Ngang chưa đầy năm ngàn đồng, sang Liên Xô bán được hơn hai “đô”... Lãi gấp ba!
Tàu điện Hàng Ngang - Hàng Bồ đầu thập niên 80. Ảnh sưu tầm
Biết bao nhiêu người ở đầu “bên kia” thành “tướng”, thành “soái” nhờ đóng hàng từ các cửa hàng trên mấy con phố Hàng Đào, Hàng Ngang ngày ấy. Và tôi tin chắc trong số các tỷ phú đang “ngạo nghễ” bây giờ cũng khối người “phất” lên nhờ “khởi nghiệp” bằng những “công” hàng từ mấy con phố này...
Không nói ngoa rằng: mấy con phố Hàng Đào, Hàng Ngang chính là “chiến khu”, là “căn cứ địa” thời “trứng nước” để các tỷ phú ấy thành danh hôm nay. Đi cùng với sự buôn bán tấp nập khi đó là “đội ngũ” trộm cắp, rạch bị móc túi. Khi ấy kẻ cắp dọc Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân “hoạt động” rất náo nhiệt!
Bọn chúng đi như “trẩy hội”! Từng toán hai, ba đứa. Cả trai lẫn gái. Ngày giáp Tết trời rét âm u, chẳng có nắng nhưng đứa nào cũng cắp chiếc nón để làm “công cụ hỗ trợ” hành nghề! Đứa che nón mặt khách, đứa móc túi, rạch bị... Chúng chẳng từ một ai!
Hầu như ngày nào cũng có người gào khóc vì bị kẻ cắp lấy mất tiền, rất thương tâm. Nhiều anh chàng, chị chàng đóng hàng đi “Tây” xách theo cả túi du lịch tiền cũng bị chúng rạch túi lấy cắp.
Nhiều người bị mất cắp ấy là khách mua hàng thường xuyên của nhà tôi. Khi được hỏi lại là sau khi trình báo thì có tìm được kẻ cắp và lấy lại được tiền, đồ bị mất cắp hay không thì hầu hết đều trả lời là “không”.
Đến tôi là người chỉ thỉnh thoảng rảnh rỗi mới phải trông hàng giúp vợ mà còn nhận được mặt những kẻ móc túi này mà “người ta” không biết, không bắt được bọn chúng. Kể cũng lạ! Đấy là ít năm trước đây. Thời chưa xa lắm!
Phố Hàng Ngang vắng vẻ giai đoạn xã hội giãn cách vì COVID.
Nay, khi con Covid chưa chào đời, dù “mới tí tuổi đầu” mà nó đã tung hoành khắp thế giới và Hàng Đào, Hàng Ngang “nó” cũng không tha! Hiện nay giá cho thuê mặt bằng phố cổ trung bình đã giảm thê thảm, thậm chí chủ nhà ra sức “mời”, “nịnh” mà vẫn không có người thuê!
Trên hầu khắp các tuyến phố, tình trạng treo biển “Cho thuê cửa hàng” đang diễn ra khá nhiều. Hàng Đào, Hàng Ngang đầy băng rôn, phướn rao cho thuê cửa hàng cứ như băng rôn cổ động đá bóng! Bây giờ khách mua hàng còn ít hơn kẻ cắp khi xưa!
Thế đấy! Covid đã làm thời thế đổi thay...
Nguồn - Nguyễn Văn Ất
Biên tập: 36phophuong.vn; Nhà tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn
Bình luận của bạn