Trong kho di sản Hán Nôm hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) có 7 đầu sách do Bùi Huy Tùng trực tiếp biên tập hoặc tổ chức san khắc.
Biên soạn:
Tứ lễ lược tập, 790 trang; Khuyết lý hợp toản: 1.250 trang.
San khắc:
Âm chất văn; Cức vi khuyến giới đoạt mệnh lục hợp biên; Sách học toản yếu; Ngũ luân ký; Thọ Xương huyện triệu tự lệ (có thể do Bùi Huy Tùng và nhóm văn hội Thọ Xương cùng biên soạn, san khắc)
Ngoài ra còn có “Hạ thọ thi tập”, là tập thơ mừng thọ Bùi Huy Tùng 60 tuổi. Và có thể vẫn còn các trước tác khác nhưng chưa khảo ra được.
Căn cứ vào các đầu sách hiện còn trên, chúng ta thấy có những đặc điểm sau:
1. Các tác phẩm do Bùi Huy Tùng biên soạn hiện còn thiên về phương diện khảo cứu hơn là sáng tác thi văn (điều này khác với bạn ông như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan...). Cũng có thể ông có trước thuật thi văn nhưng hiện không còn/tán lạc đâu đó nên chưa khảo cứu được.
Tuy các tác phẩm do Bùi Huy Tùng biên soạn hiện chỉ còn hai đầu sách, nhưng chúng có đủ giá trị chất lượng để có thể đánh giá cao về Bùi Huy Tùng trên phương diện học thuật. Hai công trình này đều có dung lượng lớn, thể hiện vốn học vấn uyên thâm, quảng bác, tham khảo rộng rãi thư tịch cổ kim, công phu khảo cứu tinh mật, chu tường, cẩn trọng. Điều này không phải nhà Nho nào cũng làm được (vì phải cần hội đủ cả hai yếu tố: Học vấn và điều kiện kinh tế).
Trong đó, Tứ lễ lược tập xứng đáng được coi là “tập đại thành” của Gia lễ học Việt Nam, không những có giá trị học thuật cao, mà còn có nhiều giá trị thực tiễn đối với nhu cầu lễ nghi, phong tục luôn tồn tại trong đời sống xã hội cho tới ngày nay. “Khuyết Lý hợp toản khảo cứu” về thân thế, sự nghiệp của Khổng Tử và một số tiên hiền, tiên nho, cũng như điển lệ tế tự Khổng tử và thi văn các đời ca tụng Khổng tử và học trò. Đây là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam nói chung và việc thờ tự, cúng tế Khổng Tử ở Việt Nam nói riêng. Cả hai hoàn toàn được soạn tác bởi một Nho gia không thành đạt về đường khoa cử, sĩ hoạn.
Các tác phẩm do Bùi Huy Tùng san khắc phần nhiều là sách Trung Quốc, được ông tuyển chọn, viết lời tựa, lời dẫn giới thiệu và cho tổ chức khắc in để phổ biến. Công việc san khắc thư tịch này còn có sự tham gia của các con Bùi Huy Tùng và một số nhân vật họ Bùi khác, thành quả của họ hiện vẫn còn lưu lại, như trong văn bản Ngũ luân ký hiện lưu giữ tại TVQGVN thì văn bản này gồm nhiều tác phẩm: Ngũ luân ký (mở đầu là bài tựa của Bùi Huy Tùng (và có thể cả bài Tục trước Ngũ luân ký ở cuối, nội dung là bài diễn Nôm Ngũ luân của 1 tác giả khuyết danh; Khổng thị tam xuất biện của Quy An Trầm Quý Đường, TQ soạn, do Bùi Huy Luyện, Bùi Huy Thiều hiệu khắc; Kinh tịch cách ngôn, Bùi Huy Tùng viết lời dẫn, em trai Bùi Kiên Trụ khắc in).
Việc một gia đình, gia tộc tổ chức soạn sách và in ấn tại chính nhà sách của dòng họ tương đối quy củ như vậy, trong lịch sử không có nhiều.
Việc san khắc thư tịch của họ Bùi có thể do nhiều nguyên do: Thứ nhất, sách vở ngày xưa tương đối khan hiếm, nhất là những sách quý nhưng có nhu cầu sử dụng cao, nên cần khắc in để phổ biến.
Thứ hai, bản thân Bùi Huy Tùng là một Nho sĩ nên chú trọng đến vấn đề giáo dục và tư liệu giáo dục, như cho khắc in Ngũ luân ký là nhằm cung cấp một tài liệu phổ biến luân lý tương đối giản minh giúp mọi đối tượng, dù là trẻ em, phụ nữ cũng dễ dàng tiếp cận; việc khắc in Sách học toản yếu là cung cấp tài liệu trực tiếp cho việc học tập, thi cử của Nho sĩ đương thời (điều này chắc cũng có liên quan tới việc dạy học của Bùi Huy Tùng tại ngõ Phất Lộc). Trong bài Trùng tuyên Sách học toản yếu tự, Nguyễn Văn Lý đã rất mực khen ngợi việc làm này của Bùi Huy Tùng.
Thứ ba, Bùi Huy Tùng thường đề xướng việc làm thiện, cho nên cho khắc in một số sách của Đạo giáo liên quan đến việc hướng thiện, tích thiện như “Âm chất văn”, “Cức vi khuyến giới”, nhằm vun bồi đạo đức, tạo tác thiện nghiệp và có thể làm tư liệu phục vụ trực tiếp cho hội Hướng thiện do ông và bạn hữu tổ chức.
2. Nhìn một cách tổng quát, các thư tịch do Bùi Huy Tùng biên tập và tổ chức san khắc thuộc nhiều lĩnh vực bao gồm cả Nho giáo, Đạo giáo, lễ tục... mang tính thực tế và có giá trị ứng dụng cao. Bản thân Bùi Huy Tùng là một nhà Nho nên việc biên khảo tư liệu liên quan tới Khổng Tử, tiên hiền tiên Nho cả TQ và VN nhằm thể hiện tinh thần sùng Nho, đồng thời cung cấp một nguồn tư liệu tham khảo đầy đủ, bao quát về điển lệ thờ tự Khổng tử, tiên hiền, tiên nho, cũng là một phương diện quan trọng của tinh thần sùng Nho này.
Việc khảo cứu lễ nghi cũng là một nội dung của Nho học, nhưng nó còn hướng đến một khía cạnh khác đó là phục vụ vấn đề văn hoá, phong tục mà nhân sinh nhật dụng không thể khuyết thiếu. Việc một nhà Nho cho khắc in cả sách của Đạo giáo không phải là một sự mâu thuẫn, trái ngược, vì trước hết bản thân Nho sĩ Việt Nam thường có sự dung hoà của cả tinh thần Phật, Đạo, ít có sự tách biệt rạch ròi. Chẳng hạn, Lê Quý Đôn cũng từng làm chú giải cho bộ Âm chất văn.
Thứ tới, việc khắc in những sách Đạo giáo trên không chỉ là một cách gây tạo công đức, mà còn với mục đích, rộng là nhằm mong giúp nhân tâm quy về điều thiện, gieo trồng thiện quả, hẹp hơn là hướng tới tầng lớp sĩ tử, nhắn gửi các sĩ tử ngoài việc trau dồi kinh sử, công phu học vấn ra thì còn phải làm việc thiện, tránh việc ác, tích chứa âm đức thì bậc nắm quyền cai quản trên trời mới phù trợ. Đây là vấn đề hết sức bình thường và phổ biến trong quan niệm về khoa cử xưa.
Không phải ngẫu nhiên mà Bùi Huy Tùng cho khắc in bộ “Cức vi khuyến giới đoạt mệnh lục hợp biên:, trong đó có cả những chuyện báo ứng về khoa cử, nhằm khuyên người đời sửa lỗi, làm thiện, phân biệt tội ác với công đức. Đây có lẽ cũng là phong khí chung của phong trào thiện đàn lúc bấy giờ, thể hiện rõ qua đôi câu đối ở đền Ngọc sơn: Nhân gian văn tự vô quyền, toàn bằng âm đức; Thiên thượng chủ tư hữu nhãn, đan khán tâm điền. Vả lại, vấn đề tích thiện dù Nho hay Đạo, Phật cũng đều hướng đến.
Trong vài năm nay, tên tuổi và sự nghiệp của Bùi Huy Tùng mới bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn. Sự muộn màng này một điều rất đáng tiếc. Trong khi các bạn hữu của ông trong văn hội Thọ Xương như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý đã được nhiều học giả nghiên cứu, phiên dịch và giới thiệu di văn thì dường như tên tuổi và những công trình do Bùi Huy Tùng biên soạn và khắc in vẫn chưa thực sự được giới nghiên cứu quan tâm khai thác và được xã hội biết.
Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều công trình nghiên cứu chuyên biệt, chuyên sâu về Bùi Huy Tùng và di sản học thuật của Cụ hơn nữa, để hậu thế có thể biết và ghi nhận về Bùi Huy Tùng, xứng đáng với những gì khi sinh thời cụ đã gây tạo.
Nguồn | Biên tập: 36phophuong.vn | Nhà tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn
Bình luận của bạn