Kẻ Chợ

Thứ 2, 30/09/2024, 15:05 (GMT+7)

Chia sẻ

Lịch sử: Cái tên Kẻ Chợ của Hà Nội chỉ là một cách gọi không chính thức, nếu đối chiếu với hàng loạt những cái tên hoàn toàn chính danh đã được ghi vào lịch sử 1.000 năm của Thủ đô song nó có nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngôn ngữ, tiềm ẩn nhiều nhân tố lịch sử, văn hoá, phong tục.

 


Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Tá, Kẻ Chợ là tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa, mà người phương Tây đến đất này quen gọi từ thế kỷ 16. Có lẽ cố đạo người Bồ Đào Nha Barotxo trong cuốn Nói về châu Á xuất bản năm 1550 là người đầu tiên nhắc đến tên này. Còn theo chú giải của nhà nghiên cứu Phạm Văn Tình, trong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma năm 1651 (NXB Khoa học Xã hội in lại năm 1991) đã có từ Kẻ Chợ độc đáo này. Mục từ "Kẻ" được A. de Rhodes giải nghĩa: "Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh".

Như vậy, nếu căn cứ vào cái mốc của tài liệu trên thì tên gọi Kẻ Chợ xuất hiện ít nhất là từ thế kỉ 17. Lâu nay, dân gian ta vẫn hay dùng từ này để chỉ "Hà Nội" hoặc "người Hà Nội". Trong từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2 (NXB Từ điển Bách khoa, 2002) đưa ra chú thích "Đây là tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa. Theo nghĩa hẹp, chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê - Trịnh, phân biệt với khu hoàng thành của vua quan". Chợ là nơi kinh doanh, buôn bán hàng hoá (với hàng loạt các phố "hàng" khác nhau) ở Hà Nội xưa.

Cũng theo cuốn này thì đầu tiên người ta dùng "kẻ" trong Kẻ Chợ với nghĩa như trong kẻ ở người đi, kẻ Bắc người Nam, kẻ sĩ. Sau này, hơi nghiêng về hàm ý không được coi trọng, vì dân thương gia, buôn bán không hẳn là những người có thứ bậc cao. Sau đó, "kẻ" tiếp tục phát sinh nghĩa, chỉ nơi chốn của một cộng đồng người, có nét đặc thù riêng. Vì thế, ta có kẻ chợ, kẻ quê, kẻ Sặt, kẻ Noi, kẻ Mơ, kẻ Láng, kẻ Đông,… Ở các từ này, nghĩa chỉ người và nghĩa chỉ một vùng địa danh có sự hoà kết tạo nên một nghĩa tổng quát.

Kẻ Chợ (Hà Nội) là một tổ hợp mang đậm cách dùng này. Lúc đầu chỉ để phân biệt hai khu vực trong kinh thành (một nơi của dân buôn bán, xô bồ dân dã; một nơi là hoàng thành của vua chúa, đẹp đẽ nghiêm cẩn).

Hà Nội cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được sử dụng danh từ phố phường. Phố chỉ sự phát triển của thị thành, còn phường chỉ sự phát triển của các ngành nghề. Điều này cho thấy vị thế của các nghề thủ công - thương mại trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất Thăng Long xưa. Nhờ địa thế cho giao thông đường thủy thuận lợi với các khu vực trong vùng, từ thế kỷ 11, Hà Nội đã rất phát triển về thương mại. Theo cuốn Lịch sử Thủ đô Hà Nội, có ghi lại nhận xét của giáo sĩ Richard ở thế kỷ 18 về cảnh buôn bán sầm uất trên bến sông Hồng ở Thăng Long: "Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: Những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Venise với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về sự hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ".

Thực tế, từ thời Đại La (tên cũ của Hà Nội) đã trở thành một cái chợ lớn của cả lưu vực sông Hồng. Những cư dân đầu tiên đến định cư ở đây cũng để buôn bán. Việc tụ họp theo nhóm nghề buôn bán chính là cơ sở đầu tiên giúp hình thành các phố chuyên nghề ở Hà Nội sau này. Về một phương diện nào đó, có thể hình dung, 36 phố phường của Thăng Long thực chất là dãy hàng quán, về sau phát triển thành các phố phường sầm uất. Chính truyền thống buôn bán chứ không phải canh tác nông nghiệp đã tạo cho họ sự năng động và nhạy bén. Có lẽ vì thế, khi người Hà Nội đến sinh sống ở các vùng miền thường đạt được những thành công rực rỡ trong kinh doanh.

Bên cạnh những thuận lợi về địa lý, sau này, với sự thịnh trị của triều đình các đời Lý, Lê, Mạc cũng đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành các phố phường ở Hà Nội. Ở kinh đô Thăng Long, thợ chuyên nghiệp vẫn được tổ chức lại theo phường thợ thủ công. Nhờ thế, thợ thuyền được tự do đi lại và tự do hành nghề mà Thăng Long là nơi tụ họp nhân tài các phường thợ dân gian, khiến cho nơi đây dần dần hình thành thêm các phường, phố nghề mới, làm phong phú hơn nét đặc sắc của phố phường. 

Tên Kẻ Chợ có nguồn gốc như thế nào?

Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của Thăng Long - Hà Nội. Nguồn gốc của nó được hiểu là, trong xã hội truyền thống, đại bộ phận cư dân sống ở khu vực nông thôn, ở các làng quê.

Người ta thường gọi những người dân sống trong những địa phương ấy bằng từ "kẻ", kèm theo tên gọi riêng của từng nơi, ví dụ như Kẻ Sặt, Kẻ Mơ... với tên gọi chung là "kẻ quê". Nhiều cộng đồng cư dân, chủ yếu là các làng nghề, ở các địa phương đã di cư lên Thăng Long làm ăn và định cư ở đây. Với những người này, họ có một quê gốc và một quê mới và từ "kẻ quê" đã biến thành "kẻ chợ". Tên Kẻ Chợ thường dùng để chỉ khu phố phường làm ăn buôn bán của Thăng Long, sau trở thành tên gọi chung cho đô thị Thăng Long - Hà Nội.

Theo các nhà khoa học, tên gọi Kẻ Chợ có thể đã xuất hiện từ thời Lý - Trần. Văn bản sớm nhất ghi lại tên gọi này có lẽ là cuốn "Nói về Châu Á" của Barros, một cố đạo người Bồ Đào Nha, xuất bản năm 1550. Sau đó, tên gọi này được dùng phổ biến trong các cuốn du ký, sách sử địa, trên các bản đồ của các tác giả phương Tây với các biến thể như Ke Chu, Ca Cho...

“Kẻ chợ”- dấu tích ngôn ngữ về một hoạt động phổ biến của đất Kinh kì

Lâu nay, dân gian ta vẫn hay dùng từ "Kẻ Chợ" để chỉ “Hà Nội” hoặc “người Hà Nội”. Tuy không nằm trong văn bản nhà nước của các triều đại, song từ “Kẻ Chợ” có một nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngôn ngữ, từ này cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố lịch sử, văn hoá, phong tục…

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma năm 1651 (NXB Khoa học xã hội in lại, có chú giải, 1991) đã có từ “Kẻ Chợ” độc đáo này. 

Mục từ “Kẻ” được A. de Rhodes giải nghĩa: “Những người, chỉ dùng nói về người ta khi nói cách không kính trọng. Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh”.

Như vậy, nếu căn cứ vào cái mốc của tài liệu trên thì tên gọi Kẻ Chợ xuất hiện ít nhất là từ thế kỉ 17.

Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2 (NXB Từ điển Bách khoa, 2002) đưa ra 2 thời điểm khác nhau về xuất xứ tên gọi Kẻ Chợ. Trang 180 (mục từ Hà Nội) ghi là “cuối thế kỉ 16” còn ở trang 462 (mục từ Kẻ Chợ) ghi “Trong những thế kỉ 17-18, các nhà buôn và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam thường gọi Thăng Long là Kẻ Chợ”.

Cũng theo sách này, đây là “tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa. Theo nghĩa hẹp, chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê - Trịnh, phân biệt với khu hoàng thành của vua quan”. Chợ là nơi kinh doanh, buôn bán hàng hoá (với hàng loạt các phố “hàng” khác nhau) ở Hà Nội xưa.

Vì vậy, cần tìm hiểu vấn đề là, “kẻ” trong Kẻ Chợ chỉ người hay chỉ nơi chốn?

Từ điển Từ cổ (Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001) cho “kẻ” là từ chỉ nơi chốn.

Theo tác giả Vương Lộc , “kẻ” được chia thành 2 nghĩa: “1. Nơi, chốn. Xưa nay mấy kẻ binh đao (Chinh phụ ngâm). Chẳng lạ nhân tình đất kẻ ta (Nguyễn Công Trứ); 2. Từ thường đặt trước một địa danh để gọi một đơn vị cư trú tương đương với xã, thôn; cũng có khi là một đơn vị cư trú lớn hơn. “Sử rao đến Tiên Du này. Đến làng Kẻ Đống về rày hôm mai (Thiên Nam ngữ lục). Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau (ca dao.). Đồn rằng Kẻ Lạng vui thay” (ca dao).

Cũng theo cách cắt nghĩa này, từ “kẻ chợ” (không viết hoa) được giải thích là “Nơi đô thị, thường dùng để chỉ kinh đô Thăng Long hoặc chỉ kinh đô nói chung”. Như thế, “kẻ chợ” được dùng với ngoại diên rộng hơn nhiều (Ví dụ: có kẻ chợ Việt Nam, kẻ chợ Bắc Kinh, kẻ chợ Pháp, kẻ chợ Portugal (Bồ Đào Nha),…).

Nhưng có lẽ, “kẻ” trong “kẻ chợ" đầu tiên được sử dụng với hàm ý chỉ người.

Kẻ có thể là “1. Người hoặc những người như thế nào đó, nhưng không nói cụ thể là ai” hoặc có thể là “2. Người hoặc những người như thế nào đó, không nói cụ thể là ai, nhưng hàm ý coi thường, coi khinh” (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2007, tr.740).

Có lẽ, đầu tiên người ta dùng “kẻ” trong Kẻ Chợ với nghĩa 1 (giống như trong kẻ ở người đi, kẻ Bắc người Nam, kẻ sĩ,…), mặc dù có hơi nghiêng về nghĩa 2 (hàm ý không được coi trọng, vì dân thương gia, buôn bán hẳn không phải là những người có thứ bậc cao trong xã hội).

Sau đó, “kẻ” tiếp tục phái sinh nghĩa, chỉ nơi chốn của một cộng đồng người nào đó, có nét đặc thù riêng. Vì thế, ta có kẻ chợ, kẻ quê, kẻ Sặt, kẻ Noi, kẻ Mơ, kẻ Láng, kẻ Đông,… Có vẻ nơi nào cũng được ghép với “kẻ” được.

Ở các từ này, nghĩa chỉ người và nghĩa chỉ một vùng địa danh có sự hoà kết tạo nên một nét nghĩa tổng quát. Kẻ Chợ (Hà Nội) là một tổ hợp mang đậm cách dùng này. Lúc đầu chỉ là để phân biệt 2 khu vực trong kinh thành (một nơi của dân buôn bán, xô bồ dân dã; một nơi là hoàng thành của vua chúa, đẹp đẽ nghiêm cẩn). Mặc dù, trong quá trình sử dụng, nét nghĩa chỉ địa danh dần dần trở thành nét trội. Chẳng hạn ta vẫn nghe nói: dân Kẻ Chợ, đất Kẻ Chợ, vùng Kẻ Chợ, văn hoá Kẻ Chợ…

Tuy chỉ là một cách nói dân dã, nôm na song càng ngày Kẻ Chợ càng trở nên đắc dụng do sự độc đáo, gây sự chú ý về ngôn từ. Đặc biệt, nó được coi như một dấu tích ngôn ngữ “hoá thạch” của một thời, phản ánh chân thực một hoạt động quan trọng, chủ yếu, phổ biến của đất kinh kì Thăng Long từ xưa đến nay, khi nơi đây trở thành một địa điểm sản xuất, buôn bán, lưu thông các sản phẩm hàng hoá… nhộn nhịp, sầm uất: Chàng về Kẻ Chợ thăm thầy/ Nhớ mua cau đậu trầu cay cho nàng (ca dao).

Nhưng dù sao, đây vẫn chỉ là một cái tên không chính thức nếu đối chiếu với hàng loạt những cái tên hoàn toàn chính danh đã được ghi vào lịch sử 1000 năm của Thủ đô ta: Cổ Loa, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Đông Quan, Hà Nội,… Tuy không nằm trong văn bản nhà nước của các triều đại, song từ Kẻ Chợ có một nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngôn ngữ, từ này cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố lịch sử, văn hoá, phong tục… cần xem xét.

Buồn vui "Kẻ chợ"

Thật ra thì thành ngữ "dân kẻ chợ" hay "người kẻ chợ" hình thành bởi cách gọi của những người lạ lẫm từ xa đến Hà Nội. Dĩ nhiên thế. Chẳng người Hà Nội nào tự gọi mình như vậy, kể cả những người ngồi chợ bán hàng trải qua nhiều đời. Dù không hẳn một định nghĩa, nhưng gọi ai là "dân kẻ chợ" cũng gần như ám chỉ họ là người buôn bán, tháo vát nhưng ít học.

Mảnh đất Thăng Long từ ngàn xưa đã có tên gọi là "Kẻ chợ". Tên gọi này xuất phát từ nghĩa đen là nơi quanh năm chợ búa buôn bán mà thôi. Dấu vết của nó cho đến bây giờ vẫn còn ở tên gọi hơn 50 con phố trong nội thành bắt đầu từ chữ "Hàng". Những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Điếu, Hàng Thùng, Hàng Gà, Hàng Cót... từng con phố ấy bắt đầu có tên gọi bởi nó gắn liền với từng phường, hội kinh doanh, sản xuất cụ thể. Truyền thống đặt tên phố như vậy còn tiếp diễn cho đến tận năm Ất Dậu (1945) bằng con phố có tên Hàng... cuối cùng ra đời là phố Hàng Cháo. Năm đói, người ở mạn Phủ Lý, Hà Nam kéo nhau ra Hà Nội làm thuê khá nhiều. Vài người tháo vát mua dụng cụ nấu cháo bày bán ngay trên phố cho người lao động. Tên phố Hàng Cháo từ đấy mà ra và còn lại cho đến hôm nay.

Trải qua nhiều trăm năm Hà Nội, chữ "Kẻ chợ" giờ đây gần như không còn ai dùng nữa. Hà Nội trong khoảng gần trăm năm nay không chỉ là nơi buôn bán đơn thuần mà đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Nó cũng là nơi tập trung của nhiều ngành nghề sản xuất và nhiều hoạt động văn hóa, khoa học. Thế nhưng nếu hiểu chữ "Kẻ chợ" như là nơi tập trung chẳng thiếu thứ gì thì Hà Nội vẫn đúng là như vậy.

Mảnh đất nào thì cũng vậy thôi, nó phải phục vụ lợi ích của con người. Cái hạt nhân cơ bản của đất là con người phải tìm cho ra cách ứng xử với nhau và với chính mảnh đất ấy. Người Hà Nội có lợi thế hơn người những nơi khác là đã trải qua hơn một nghìn năm đô thị. Kinh nghiệm ứng xử tích lũy dày dặn qua mười thế kỷ như vậy không dễ gì cho ta nắm bắt được trong thời gian ngắn. Đã thế, những biến chuyển của lịch sử lại đặt ra yêu cầu thay đổi hằng ngày. Có những thay đổi đến tận gốc rễ như sau năm 1954, cuộc cải tạo công thương triệt để đến mức xóa bỏ hoàn toàn kinh tế thị trường. Tất cả các nhà tư sản đều mang tài sản, máy móc, nhà cửa của mình nhập vào công ty hợp doanh. Chỉ đến những năm sau đổi mới, ở Hà Nội mới chính thức bắt đầu khởi động một vòng quay mới của kinh tế thị trường.

Giống như mọi đô thị trong cả nước, Hà Nội thường xuyên tiếp nhận một lượng người nhập cư khổng lồ trong khoảng vài chục năm nay. Nết ăn, thói ở va đập hằng ngày với những điều mới mẻ. Người Hà Nội cả cũ và mới hơn có cách ứng xử nhẹ nhàng thân thiện gần như không bao giờ tạo khoảng cách. Chính vì thế dưới mắt những người mới nhập cư, họ luôn chiếm được cảm tình. Đơn giản bằng cách luôn nhã nhặn lắng nghe và đặt mình vào những hoàn cảnh tương tự. Tất nhiên cũng không thể nói rằng thái độ ứng xử ấy luôn luôn là một chọn lựa tốt. Nó sẽ không tác động trực tiếp vào những đối tượng cần phải uốn nắn. Rất dễ bị hiểu lầm, chí ít là thờ ơ với cái xấu. Câu chuyện "bún mắng, cháo chửi" gần đây xuất hiện ở Hà Nội là một thí dụ như vậy. Rất nhiều người ở nơi khác lên án mạnh mẽ cách cư xử của mấy người bán hàng thô lỗ nhưng người Hà Nội dường như lại im lặng và... chấp nhận?

Người Hà Nội sẽ nói gì khi không còn gì để nói? Mắng chửi nhau ngoài chợ trong thời kỳ kinh tế đất nước còn khó khăn đã từng là nỗi kinh hoàng của thị dân nơi đây. Ngày ấy chữ "Kẻ chợ" được gắn cho Hà Nội cũng không ngoa lắm. Chen hàng, xô đẩy, thậm chí rút guốc tiến công là chuyện xảy ra hằng ngày đã đưa văn hóa ứng xử của người Hà Nội xuống tận đáy. Nhưng rất may, hết thời đói khổ mọi việc lại quay về nếp cũ. Bây giờ rất hiếm khi nghe thấy những xích mích to tiếng ngoài đường. Ai ở Hà Nội đủ lâu sẽ tự biết cách hòa mình vào dòng chảy sinh hoạt điềm đạm của thị dân nơi đây. Thế nhưng có một việc gây nhức nhối cho "người kẻ chợ" bây giờ là cách ứng xử với thiên nhiên, với di sản văn hóa, kiến trúc.

Đầu tiên có thể nhắc tới là nạn rác thải. Không chỉ rác sinh hoạt mà đến cả rác thải từ các công trường xây dựng cũng thường xuyên bị ai đó đổ trộm trên phố. Khách vãng lai vứt rác bừa bãi trên đường, dân bản địa cũng góp phần không kém. Những công viên, vườn hoa, điểm sinh hoạt công cộng là nơi thường xuyên bị vứt rác. Ngày lễ, ngày Tết là thời điểm rác rưởi tràn ngập. Những hồ nước, mương nước, sông ngòi cũng chẳng ai tha. Người vứt rác hình như có tâm lý tùy tiện nếu như nơi đó không phải nhà mình. Và như thế Hà Nội dĩ nhiên cũng không phải của mình?

Cho nên ngoài việc vứt rác còn có chuyện lớn hơn. Đó là những công trình xây dựng không kém phần bừa bãi chỉ nhằm mỗi một mục đích kiếm chác của chủ đầu tư mà thôi. Nhiều di sản văn hóa tín ngưỡng, kiến trúc cũng được tô vẽ sửa sang tùy tiện hướng đến mục đích ngày một to lớn dị thường. Thật ngạc nhiên là chưa có một công trình kiến trúc văn hóa nào mới xây vượt qua được cả về công năng lẫn thẩm mỹ của Nhà hát Lớn Hà Nội, xây từ cách đây hơn một trăm năm (1911). Hình như "văn hóa kẻ chợ" vẫn là thành ngữ sẽ còn được dùng lâu dài nếu như mỗi người Hà Nội không tự nhìn lại mình.

Biên tập: 36phophuong.vn ; Nhà tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn 

Bình luận của bạn

Tin khác