Đông Kinh Nghĩa Thục 115 năm trước: Nỗi nhục yếu hèn và giấc mơ duy tân

Thứ 7, 20/04/2024, 16:45 (GMT+7)

Chia sẻ

Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng những tư tưởng khai sáng và nhiệt huyết cách mạng của Đông Kinh Nghĩa Thục đã lan tỏa khắp Bắc - Trung - Nam, mở đầu một thế kỷ người Việt quyết liệt rửa nhục mất nước và mất tự do.
Đầu thế kỷ XX, cầu Doumer oai vệ bắc ngang sông Hồng. Dinh thự, nhà máy, bến cảng, xe hơi, xe điện, xe lửa tràn ngập từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, cuộc sống tân tiến ấy không che giấu được sự thật: thực dân Pháp mới là người cai trị đất nước, tên gọi Việt Nam bị xóa trên bản đồ thế giới! Kẻ xâm lược hùng cường liên tục dập tắt các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa trên các vùng miền. Những người phản kháng lâm vào cảnh tù đày hay lưu vong xa xứ.

Sau bốn thập kỷ đô hộ, những thế hệ trẻ ra đời trong vòng cương tỏa và hệ thống giáo dục của thực dân chỉ được học để chấp nhận và phục vụ cho chế độ thuộc địa. Đọc lại những trang sử ngày ấy, người dân Việt ngày nay không thể không ngậm ngùi và đau xót khi nhìn thấy tình trạng dân tộc u ám, viễn cảnh đất nước lụi tàn trong không gian độc lập và tự do bị tước đoạt. 

“Ngôi trường kỳ lạ” 

Vậy mà, trong đêm đen nô lệ, đã có những trí thức dám đốt đuốc mở đường, soi tìm lối đi. Đã có một ngôi trường ra đời vào tháng 3.1907, dám dạy học sinh tự hào về lịch sử bất khuất của dân tộc, kêu gọi mọi người vượt lên yếu hèn! Ngôi trường đặt tại Hà Nội, ngay phố Hàng Đào - chiếc nôi của doanh thương đất nước. Đấy là trường tư nhưng không thu học phí mà còn cấp dưỡng cơm nước và giấy bút cho học sinh. Trường nhận cả nữ sinh, điều mà lễ giáo phong kiến không cho phép. Ngôi trường do chính các nhà nho cựu học cùng các trí thức tân học lập ra với sự hợp tác của nhiều nhà giáo, nhà báo, doanh nhân, cả già lẫn trẻ.

Trong đó, có những tên tuổi đã xây đắp nền móng lịch sử đấu tranh yêu nước, văn hóa, văn chương thời hiện đại: Lương Văn Can (thân sinh của người anh hùng Lương Ngọc Quyến trong khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917), Tăng Bạt Hổ, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền, Phạm Duy Tốn (thân sinh của nhạc sĩ Phạm Duy), Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học… Và đặc biệt, hai nhà khoa bảng, đồng thời là người hoạt động cách mạng - Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu!

Hai trí thức tiên phong khởi xướng Đông Kinh Nghĩa Thục (từ trái): nhà nho cựu học Lương Văn Can, nhà báo tân học Nguyễn Văn Vĩnh (ảnh tư liệu).

Ngôi trường mang tên cũng rất “lạ” là Đông Kinh Nghĩa Thục. Mục đích và tuyên ngôn phụng sự của ngôi trường thể hiện ngay trong tên gọi độc đáo. Chữ Đông Kinh là tên của Hà Nội thời Lê nhưng cũng là tên gọi Hán Việt của Tokyo - thủ đô của Nhật Bản, đất nước đã thực hiện cuộc cải cách xã hội thành công vang dội. Chính mô hình của trường được học hỏi từ kinh nghiệm Khánh Ứng Nghĩa Thục ở xứ sở Phù Tang và Public School của nước Anh.

Trong khi ấy Nghĩa Thục là trường làm việc nghĩa, phi lợi nhuận. Kinh phí hoạt động lấy từ đóng góp của các mạnh thường quân và sáng lập viên, kể cả trường sở. Càng không quên, hai năm trước khi trường ra đời, hạm đội của nước Nhật duy tân đã đánh thắng hạm đội của nước Nga già cỗi tại vùng Viễn Đông, làm dấy lên cảm hứng và niềm hy vọng của nhiều dân tộc châu Á trong cuộc đấu tranh với thực dân da trắng.

Càng “lạ”, hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục không dừng lại ở việc giảng dạy. Nhà trường có Ban Trước tác để viết sách giáo khoa như Tân đính Luân lý Giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách, Quốc dân Độc bản, Nam quốc Địa dư, Cải lương mông học, Quốc sử Giáo khoa thư. Cùng lúc, ban này dịch thuật các sách chữ Hán của Nhật và Trung Quốc (tân thư) sang chữ quốc ngữ. Ngoài việc truyền bá kiến thức và tư tưởng, sách của Đông Kinh Nghĩa Thục đã góp phần quan trọng phát triển tiếng Việt, chuyên chở nhiều khái niệm và nội dung mới mẻ một cách dễ hiểu và phổ biến nhanh rộng.

Nhà trường còn có Ban Cổ động, diễn thuyết và bình văn, tổ chức diễn thuyết, bình luận tại trường vào các tối mồng một và ngày rằm hàng tháng. Người ngoài trường tham dự rất đông, có cả quan lại, binh lính, viên chức. Trong các buổi diễn thuyết, diễn giả thường bình luận các bài in trên Đăng cổ Tùng báo, Đại Việt Tân báo, hoặc nói chuyện về đề tài lịch sử, về Cách mạng Pháp 1789, về sự nghiệp của George Washington. Một điểm son khác, nhà trường có Ban Tài chính không chỉ vận động kinh phí ủng hộ mà còn mở các tiệm buôn, khuếch trương “thực nghiệp”, tăng thêm nguồn thu cho trường. 

Chống chuyên chế, cường quyền

Ngày nay, các nhà sử học đều tìm thấy “khí chất” của Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là một ngôi trường đào tạo mà còn là một phong trào vận động xã hội để bãi bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng cách mạng. Qua đấy, Đông Kinh Nghĩa Thục cổ võ tính tự cường, ý chí độc lập, óc tháo vát và lòng tự nguyện đóng góp vào các việc “công ích, công thiện”.

Về đào tạo, bên cạnh các kiến thức về khoa học tự nhiên và nhân văn, nhà trường còn giảng dạy các kiến thức căn bản về quốc gia - dân tộc và pháp lý quốc tế. Chẳng hạn, học sinh được học về quốc gia và chủ quyền đất nước như sau: Có đất đai nghìn dặm, mà cư dân phiêu tán bất thường, không thể gọi là Quốc. Có muôn triệu dân mà bản đồ lệ thuộc vô định cũng không thể gọi là Quốc. Có dân đông, có đất đai, mà không có chủ quyền, chính lệnh không thể thi hành vẫn không thể gọi là Quốc. Cho nên, cái gọi là Quốc gồm ba yếu tố: lãnh thổ, dân đông, chủ quyền, không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào. Trong ba điều đó, chủ quyền là yếu tố quan trọng nhất để lập Quốc (chương 2, phần Chủ quyền, sách Tân đính Luân lý Giáo khoa thư). Đó chính là lý luận thẳng thắn để phản bác luận điệu và những mỹ từ ru ngủ: “bảo hộ”, “khai hóa” của thực dân trong tuyên truyền và giáo dục.

 

Người trẻ gánh vác quả địa cầu - logo trên các sách của Đông Kinh Nghĩa Thục, một thông điệp và kỳ vọng rất rõ ràng: trách nhiệm của người trẻ là duy tân đất nước để hội nhập thế giới văn minh! Chữ Hán bên cạnh hình có nghĩa là “Đông Kinh Nghĩa thục thơ văn” (ảnh tư liệu).

 
Mặt khác, Đông Kinh Nghĩa Thục còn hướng dẫn học sinh phân biệt thế nào là pháp luật công chính và pháp luật bất chính, bằng những lời lẽ rành mạch: Cái gọi là pháp luật không phải là lấy thủ đoạn chuyên chế để thực hành, mà lấy quyền lực công chính vô tư khống chế tư dục của cá nhân để bảo vệ lợi ích của số đông, trừng phạt kẻ gian, bảo vệ người lương thiện, duy trì sự an khang cho quốc gia, cho nên nhân dân cần phải cùng nhau phục tùng pháp luật (chương 2, phần Thủ pháp, sách đã dẫn bên trên).

Những lời lẽ trên không những đả phá mô hình cũ quân - sư - phụ của phong kiến mà còn hướng người học đến một xã hội công bằng và dân chủ. Một cách khéo léo, Đông Kinh Nghĩa Thục truyền đạt cả tư tưởng giải phóng dân tộc lẫn tư tưởng giải phóng con người. Đó là những suy nghĩ đầy mới mẻ trong điều kiện Việt Nam còn là một nước vừa bị thực dân thống trị, vừa bị di sản phong kiến chế ngự. Mạnh mẽ và hào khí hơn thế nữa, trong bài Thiết tiền ca phổ biến ở trường, các nhà giáo dấy lên tiếng chuông mạnh mẽ: Trời ơi có khổ hay không? Khổ gì bằng khổ mắc trong cường quyền!

Đừng để dân hèn, nước nô lệ

Nhiều trang sách giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục thể hiện vai trò sách học làm người Việt Nam yêu nước. Mở đầu sách Quốc dân Độc bản (sách tập đọc cho quốc dân), các tác giả viết cặn kẽ quan hệ giữa học tập và mục tiêu ái quốc: Giáo dục quốc dân là bồi dưỡng cho quốc dân lòng trung nghĩa, lòng quả cảm. Trí thông minh tất cả đều do cái học mới mà có. Song sự kiên tâm học tập phải do lòng nhiệt thành ái quốc đem lại.

Nhà trường còn chỉ ra nỗi nhục không chịu học hành, không chịu cải cách chỉ làm cho dân tộc lạc hậu. Văn minh Tân học sách có những lời hiệu triệu đanh thép: Thời buổi ngày nay không phải là thời buổi biến thông ư? Người Âu súc tích tâm tư, tài lực có mấy nghìn, có mấy trăm năm nay, làm nảy ra được cuộc văn minh, bành trướng không ngừng, lần lượt tràn lan vào các nước châu Á. Ấy thực là một ánh sáng rực rỡ giữa đám tối tăm! Thật là trời mở cho ta mà mình lấp lại sao?

Các tác giả cảnh báo, phảng phất giọng văn bi hùng của Trần Hưng Đạo trong Hịch Tướng sĩ: Ngày ngày ngồi giữa cái thú ca múa hồ sơn mà không lo, rồi nhìn núi sông đổi dời mà không thương tiếc! Chả biết hai mươi lăm triệu đồng bào ta rồi sẽ kết cục ra sao đây? Chả biết rồi đây, người đời sau xem người đời nay, người đời nay xem người đời xưa sẽ đặt ta vào địa vị nào đây?

 

Phố Hàng Đào đầu thế kỷ XX, nhà số 4 là trụ sở của Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngày nay quảng trường đầu phố Hàng Đào, tiếp giáp hồ Gươm mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục (ảnh tư liệu).

 
Để “đốt lửa” thế hệ trẻ không chịu hèn, chịu nhục trước ách nô lệ và ngu dốt, Đông Kinh Nghĩa Thục truyền bá lịch sử bất khuất của dân tộc qua những trang viết đầy nhiệt huyết. Tiêu biểu là những lời thơ hào hùng của Phan Bội Châu trong Hải ngoại Huyết thư: Nọ thuở trước đánh Tàu mấy lớp/ Cõi trời Nam cơ nghiệp mở mang/ Sông Đằng lớp sóng Trần vương/ Núi Lam rẽ khói mở đường nhà Lê/ Quang Trung đế từ khi độc lập/ Khí anh hùng đầy lấp giang sơn…

Thêm nữa, đầy khí khái ray rứt khi nhà trường kêu gọi phải so sánh dân tộc Việt với các dân tộc khác: Người sao nhảy thẳng bay xa/ Ta sao chen chúc xó nhà với nhau/ Người sao làm chủ hoàn cầu/ Ta sao nô lệ cúi đầu làm tôi. Trong bài Á tế Á ca (bài ca cho người châu Á) nêu gương nước Nhật duy tân, các tác giả nói thẳng về nỗi hổ thẹn đầy đau đớn: Cũng có lúc bầm gan tím ruột/ Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra/ Cũng xương cũng thịt cũng da/ Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long/ Thế mà chịu trong vòng trói buộc/ Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than...

Không chỉ khêu gợi hay chấn hưng “dân khí”, Đông Kinh Nghĩa Thục còn hướng dẫn con đường thoát khỏi cảnh nô lệ thực dân, chính là bằng “dân trí”. Văn minh Tân học sách cho rằng: Nay đã từng ngẩng đầu trông lên, cúi đầu nhìn xuống, trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa muôn khó khăn, thì thấy chỉ có sáu đường: Một là dùng văn tự nước nhà. Hai là hiệu đính sách vở. Ba là sửa đổi phép thi. Bốn là cổ võ nhân tài. Năm là chấn hưng công nghệ. Sáu là mở tòa báo....

Nghĩa thục phi lợi nhuận và giáo dục khai phóng

Trường lớp Đông Kinh Nghĩa Thục từ Hà Nội đã nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung. Sau một năm hoạt động, trường bị thực dân đóng cửa, đe dọa và đày đọa những người sáng lập, cộng tác. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng những tư tưởng khai sáng và nhiệt huyết cách mạng của Đông Kinh Nghĩa Thục đã lan tỏa khắp Bắc - Trung - Nam, mở đầu một thế kỷ người Việt quyết liệt rửa nhục mất nước và mất tự do.

Mỗi lần nhớ đến “ngôi trường kỳ lạ” đó, chúng ta không thể không nghĩ đến nền giáo dục và thế hệ trẻ hiện tại. Phải chăng, mặc dù xã hội giàu sang hơn nhưng cả hệ thống trường tư và trường công vẫn còn loay hoay trong “cơm áo gạo tiền”, chưa có nhiều ngôi trường “nghĩa thục” đúng nghĩa? Tư tưởng và mô hình giáo dục phi lợi nhuận, giáo dục khai phóng - học làm người chứ không chỉ học chuyên môn, chưa thấm đậm, chưa có hình hài mạnh mẽ trong các hoạt động giáo dục xuyên suốt đất nước và các cấp học?

Giới trẻ và ngay cả người lớn ngày nay dễ bị thu hút bởi những tiện nghi vật chất, công nghệ cao, những giấc mơ hoa mỹ và phù phiếm. Trong lúc ấy, khả năng kinh tế vươn cao và bền vững, trình độ công nghiệp hóa và hội nhập văn minh chưa được giảng dạy và tâm niệm như là nỗi nhục, nỗi hổ thẹn của các thế hệ. Nỗi nguy về sự yếu hèn trước thảm cảnh lợi ích nhóm, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực chưa được truyền bá, phân tích sâu sắc trong nhà trường cũng như xã hội. Việc lên tiếng cho công lý, cho quyền dân tộc tự quyết và thượng tôn luật pháp quốc tế có lúc, có nơi còn dè dặt. Quả thật còn nhiều vấn đề đã và đang là món nợ lớn của giấc mơ duy tân qua nhiều thế hệ trải dài từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI! 

Phúc Tiến

_________

(Tham khảo chính sách Đông Kinh Nghĩa Thục - phong trào duy tân đầu tiên của Việt Nam, Nguyễn Hiến Lê, 1956 và sách 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều tác giả, NXB Tri Thức, 2008)

Nguồn - 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác