Ban hành quy chế quản lý Quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (2)

Thứ 6, 05/05/2023, 12:32 (GMT+7)

Chia sẻ

8. Đối với công trình công cộng

- Tại các khu đất có diện tích 150m2 trở lên và có chiều dài lớn hơn 3 lần chiều rộng cần có khoảng lùi tối thiểu là 03m so với chỉ giới đường đỏ; Khuyến khích tạo các khoảng không gian mở lớn phục vụ giao tiếp cộng đồng hoặc tiếp cận công trình, các khoảng cây xanh bên trong hoặc khoảng lưu không với bên ngoài;

- Trong một số trường hợp cụ thể có thể điều chỉnh các quy định không gian hiện hành cho công trình công cộng ở mức độ nhất định để phù hợp với sự phát triển hiện tại cũng như trong tương lai, như khoảng lùi, khoảng lưu không, đảm bảo tiếp cận, thoát người và các quy định khác về an toàn, được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quy hoạch - kiến trúc.

9. Đối với các công trình nhà ở

- Công trình nhà ở xây dựng mới phải có kiến trúc hài hòa với tổng thể dãy phố, khu vực. Đối với ô đất trên 70 m2: bắt buộc phải tổ chức sân trong có trồng cây.

- Trong trường hợp vị trí công trình xây dựng tiếp giáp với công trình nhà ở có giá trị đặc biệt tuân theo quy định tại điều 14, khoản 1.

Điều 17. Đối với các công trình quảng cáo, mái hiên, trưng bày bán hàng

Khu phố Cổ là khu vực hạn chế quảng cáo. Việc bố trí biển hiệu và băng rôn trong Khu phố Cổ phải tuân theo các quy định hiện hành của Nhà nước, và UBND Thành phố Hà Nội về ban hành Quy chế hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố (Minh họa Phụ lục 11).

- Tháo dỡ các biển hiệu, mái hiên cũ, tạm trên các tuyến phố.

- Biển hiệu phải được thiết kế đẹp, trang nhã, không sử dụng các mảng màu chói, sặc sỡ. Không cho phép biển tấm lớn có kích thước chiều đứng hơn 1m (đối với quảng trường), hơn 0,8m (đối với các tuyến phố) và phải đặt tại tầng 1.

Riêng các tuyến, đoạn phố quy định tại điều 5, khoản 4, điểm a và công trình cải tạo phục dựng: Biển hiệu phải gắn tại mặt tường trên cửa tầng 1, có tỷ lệ phù hợp với kích thước mặt nhà, không gắn tại ban công, mái đua và lấn át mặt đứng công trình.

- Không cho phép lắp đặt các loại bóng đèn chiếu sáng trên toàn bộ mặt đứng công trình. Đèn chiếu sáng biển hiệu phải được lắp đặt đúng quy cách, không gây chói, lóa ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và người đi đường.

- Nếu biển sử dụng tiếng nước ngoài: phải đặt dưới nội dung tiếng Việt với cỡ chữ nhỏ hơn.

- Mái hiên trên một tuyến phố cần thống nhất về cốt cao độ, hình thức và độ vươn xa theo thiết kế chung được duyệt và tuân theo quy định tại điều 16 khoản 7.

- Trưng bày bán hàng, hàng hóa: Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và tuân thủ các quy định hiện hành về trật tự đô thị.

Điều 18. Quy định về vật liệu, màu sắc và chất liệu phủ

- Tường xây gạch, trát vữa quét vôi hoặc sơn phủ tường; sử dụng phối màu phù hợp với màu truyền thống (Phụ lục 12). Hạn chế tối đa việc sử dụng sơn phủ tường;

- Mái dốc lợp ngói (đối với các công trình giá trị và công trình tiếp giáp có giá trị, giá trị đặc biệt, các di tích và nằm trên các tuyến phố chính);

- Vật liệu gỗ hoặc giả gỗ làm dầm, cột, đầu dầm, cửa đi, cửa sổ, cửa chớp... có thể sơn hoặc vecni, màu sắc nên chọn gam màu sẫm (nâu, gụ, xanh sẫm..);

- Lan can trên các ban công bằng vật liệu gỗ hoặc giả gỗ dùng màu sắc cùng với màu cửa, hoặc hoa văn bê tông thoáng cách điệu họa tiết dân tộc theo hướng đơn giản.

- Những vật liệu, màu sắc và chất liệu phủ không được phép sử dụng:

+ Kính tối màu, trừ những loại kính có độ sẫm màu dưới 10%, kính màu chói.

+ Cửa sổ và cửa ra vào có khung nhôm, trừ trường hợp nhôm đã được tráng màu phù hợp với màu sắc mặt ngoài công trình hoặc vật liệu truyền thống;

+ Các loại kính phản chiếu ánh sáng;

+ Các cấu kiện mặt đứng bằng bê tông tấm;

+ Các loại ngói lợp mái tráng men màu tối;

+ Các tấm phủ bằng nhựa, kim loại có bề mặt bóng;

+ Các loại gạch, đá ốp lát nền hoặc các khu vệ sinh khi trang trí mặt tiền.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Công tác quản lý Nhà nước.

1. UBND thành phố Hà Nội

- Thống nhất quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát phát triển Khu phố Cổ Hà Nội theo đúng quy hoạch và quy chế quản lý Quy hoạch Kiến trúc được duyệt; Tổ chức lập thiết kế đô thị theo thông tư, nghị định hiện hành.

- Chỉ đạo và quy định trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động quy hoạch xây dựng trong Khu phố Cổ.

- Báo cáo định kỳ hàng năm với Chính phủ, có ý kiến với các bộ, ngành liên quan và cơ quan trung ương về công tác bảo tồn, phát huy và tôn tạo Khu phố Cổ.

- Hỗ trợ các cơ chế, chính sách, tài chính, quỹ hỗ trợ và các điều kiện khác liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy và tôn tạo Khu phố cổ thông qua các văn bản pháp luật. Đặc biệt các nội dung bảo tồn di tích, di sản vật thể và phi vật thể, nghề truyền thống, cải thiện môi trường sống và đề án giãn dân Khu phố Cổ.

2. Các Sở Ban Ngành Thành phố

a) Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

- Sở Quy hoạch Kiến trúc là cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, hướng dẫn chuyên ngành cho UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội; Tham mưu cho UBND Thành phố về việc phát triển và định hướng kiến trúc đô thị; Giới thiệu các khu đất thực hiện việc giãn dân Khu phố Cổ;

- Tham gia ý kiến chuyên ngành về bảo tồn, tôn tạo các công trình di sản có giá trị đặc biệt, di tích; xây mới các công trình trong khuôn viên đất có công trình di sản, di tích; các công trình làm tăng mật độ xây dựng ô đất; công trình tại vị trí quan trọng, quy mô xây dựng lớn; tổ chức các không gian mở (trường hợp cần thiết tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thủ đô và các chuyên gia xem xét);

- Phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Hoàn Kiếm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng theo Quy chế này và các quy định có liên quan khác;

b) Sở Xây dựng Hà Nội.

- Quản lý các di sản và quỹ nhà có giá trị; phối hợp các Sở Ban Ngành liên quan xây dựng các Quy chế quản lý riêng biệt;

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo Quy chế này và các quy định liên quan khác. Giám sát UBND quận Hoàn Kiếm trong công tác cấp phép xây dựng cải tạo, xây mới công trình. Xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng;

- Lập kế hoạch xây dựng cải tạo - sửa chữa định kỳ các công trình quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và phối hợp với quận Hoàn Kiếm trong công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng các cơ chế huy động và quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ bảo tồn Khu phố Cổ.

c) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội.

- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, kinh doanh du lịch, quảng cáo…, hướng dẫn chuyên ngành cho UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội;

- Theo dõi quá trình thực hiện bảo tồn di tích Khu phố Cổ Hà Nội.

- Tham gia ý kiến chuyên ngành về: bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích; công trình có giá trị đặc biệt; các công trình ngầm liên quan đến việc bảo tồn các di tích;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập quy chế về quảng cáo trong Khu phố Cổ.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng xây dựng các cơ chế huy động và quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ bảo tồn Khu phố Cổ.

d) Sở Tài chính Hà Nội:

Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch hỗ trợ UBND Quận Hoàn Kiếm xác định các định mức liên quan đến quản lý, huy động nguồn thu chi cho Quỹ hỗ trợ bảo tồn Khu phố Cổ. Hướng dẫn và quản lý nghiệp vụ cho UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành của mình.

e) Các cơ quan liên quan khác

Các Sở, Ban, Ngành của Thành phố liên quan (Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông...) có trách nhiệm hướng dẫn và quản lý nghiệp vụ cho UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành của mình.

3. Chính quyền các cấp

a) UBND quận Hoàn Kiếm:

- Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện công tác quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong Khu phố Cổ Hà Nội;

- Tổ chức việc lập thiết kế đô thị và cấp phép xây dựng tại Khu phố Cổ; chỉ đạo và giám sát việc thực hiện theo Giấy phép xây dựng.

- Chỉ đạo Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội thực hiện quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo Khu phố Cổ theo đúng quy hoạch, quy chế được phê duyệt và theo dõi tình hình thực hiện quy chế này; Đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cho phù hợp tình hình thực tế. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan theo quy định; Hỗ trợ và quản lý người dân thực hiện các nội dung bảo tồn di sản, nghề truyền thống;

- Nghiên cứu, đề xuất thiết kế các không gian, tuyến phố đặc trưng, các kế hoạch bảo tồn, phục hồi, tôn tạo và phát huy các giá trị đặc trưng Khu phố Cổ, tổ chức phố đi bộ; Chủ trì công tác lập hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình di sản có giá trị trong Khu phố Cổ; Tổ chức thiết kế mẫu nhà dân, kiểm soát thiết kế mặt tiền.

- Quản lý điều hành chung và ban hành quy chế làm việc Quỹ hỗ trợ bảo tồn; kêu gọi, huy động và phê duyệt các kế hoạch, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn quỹ.

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến công tác dãn dân phố Cổ.

b) UBND các Phường trong Khu phố Cổ và khu vực liền kề

- Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng, tuyên truyền và phổ biến các quy định của Nhà nước và của Thành phố về xây dựng, bảo tồn và tôn tạo Khu phố Cổ và công tác dãn dân; Giám sát việc xây dựng tuân thủ Giấy phép xây dựng và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

- Theo dõi việc thực hiện quy chế; giúp Ban Quản lý Khu phố Cổ điều tra khảo sát, báo cáo và có biện pháp, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường sống của người dân hoặc báo cáo kịp thời các khó khăn vướng mắc.

c) Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội:

- Trực tiếp giúp UBND quận Hoàn Kiếm trong công tác quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo Khu phố Cổ Hà Nội theo đúng quy hoạch chi tiết và Quy chế được phê duyệt; Tham gia ý kiến thỏa thuận kiến trúc đối với các phương án quy hoạch - kiến trúc, xây dựng cải tạo trong Khu phố Cổ. Có trách nhiệm nghiên cứu, giới thiệu các mẫu thiết kế kiến trúc phù hợp với Quy hoạch và Quy chế được duyệt để các đơn vị, cá nhân tham khảo.

- Phối hợp với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, tôn tạo Khu phố Cổ và cải tạo nâng cao chất lượng môi trường sống.

- Hướng dẫn chủ sở hữu các công trình có giá trị trong danh mục tiến hành lập phương án sửa chữa nhà ở và nâng cao chất lượng môi trường sống.

- Đề xuất phương án, dự án bảo tồn hoặc tôn tạo, phát huy cụ thể cho các công trình đặc biệt là các công trình gồm nhiều sở hữu (sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân...), các cụm công trình, tuyến phố..; phố nghề, các di sản khác và phương án hỗ trợ bảo tồn.

Điều 20. Đối với các tổ chức tư vấn, xây dựng, chủ đầu tư, chủ sở hữu, cộng đồng dân cư.

1. Tổ chức thiết kế, thi công, giám sát.

a) Đơn vị tư vấn thiết kế:

- Tổ chức tư vấn thiết kế, tác giả phương án thiết kế, chủ nhiệm đồ án phải có đủ tư cách pháp nhân, năng lực hành nghề theo quy định của pháp luật, là các tổ chức Tư vấn chuyên ngành, chuyên sâu của trong nước và nước ngoài; thực hiện giám sát tác giả theo quy định pháp luật: Chịu trách nhiệm liên quan về mỹ quan, độ bền vững, an toàn và tính hợp lý trong sử dụng, phù hợp với môi trường, kiến trúc, cảnh quan Khu phố Cổ;

- Tuân thủ các quy định về quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt, theo quy chế quản lý Quy hoạch Kiến trúc và quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế liên quan;

- Thiết kế cải tạo, xây dựng công trình trong Khu phố Cổ, kể cả nhà ở sở hữu tư nhân, phải do cơ quan tư vấn thiết kế có năng lực đáp ứng yêu cầu nêu trên thực hiện. Sản phẩm thiết kế công trình phải được căn cứ, áp dụng, phát triển trên cơ sở mẫu thiết kế nhà dân hoặc mặt đứng do UBND Quận Hoàn Kiếm ban hành, Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội là cơ quan thường trực thẩm định thiết kế với sự hướng dẫn nghiệp vụ của UBND quận Hoàn Kiếm và sở ngành liên quan.

b) Nhà thầu xây dựng.

- Nhà thầu xây dựng công trình kiến trúc đô thị có trách nhiệm hoàn thành đúng thiết kế và Giấy phép xây dựng, đúng thời hạn và các quy định đã cam kết trong hợp đồng;

- Tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về cấp phép xây dựng; xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

- Trong quá trình thi công, hoàn thiện, sửa chữa, bảo trì công trình phải có biện pháp hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư, đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực nơi có công trình do đơn vị xây dựng;

- Có biển trưng bày phối cảnh công trình, kèm theo tên công trình, số giấy phép xây dựng, các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc được duyệt, có rào chắn, vật liệu che chắn đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện đi đường.

- Có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư trong bảo vệ môi trường và an toàn trong cả quá trình thi công, phá dỡ; tái tạo môi trường, không gian, cảnh quan bị hư hại do thi công công trình gây ra;

- Tuân thủ các quy định tại giấy phép xây dựng và các quy định về kiến trúc đô thị hiện hành có liên quan.

c) Các đơn vị giám sát và liên quan:

Thực hiện việc giám sát thi công xây dựng theo Giấy phép xây dựng và theo quy định; tuân thủ quy chế này; trong trường hợp có vi phạm có trách nhiệm báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng.

2. Chủ sở hữu, chủ đầu tư, người sử dụng.

- Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc đô thị phải nộp đơn đề nghị UBND Quận Hoàn Kiếm cấp phép xây dựng cải tạo, kèm theo phương án kiến trúc được Ban Quản lý phố Cổ thông qua và thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành về cấp phép xây dựng, thực hiện đúng quy hoạch đô thị, nội dung Quy chế này và các quy định quản lý đô thị liên quan khác; bảo vệ gìn giữ hình ảnh, đặc trưng của công trình kiến trúc đang sở hữu; khi công trình hư hỏng, phải sửa chữa kịp thời theo quy trình của các quy định pháp luật hiện hành;

- Chủ đầu tư xây dựng công trình công cộng có trách nhiệm tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc theo quy định hiện hành trước khi lập dự án đầu tư xây dựng;

- Chỉ sau khi được phép của cơ quan có thẩm quyền mới được thay đổi về kiến trúc, chức năng sử dụng, kết cấu chịu lực của công trình, thêm hoặc bớt các bộ phận, thay đổi hình thức và chất liệu mái nhà, màu sắc công trình, vật liệu ốp, chi tiết hoặc các bộ phận thuộc mặt ngoài công trình;

- Khi cho tổ chức hay cá nhân thuê công trình để sử dụng, chủ sở hữu phải có hợp đồng bao gồm nội dung phải ghi đủ các yêu cầu về quản lý kiến trúc theo Quy chế này. Tổ chức, cá nhân thực tế đang sử dụng nhưng không phải là chủ sở hữu không gian, cảnh quan, công trình tại địa điểm đó cũng phải tuân thủ đầy đủ các nội dung nêu trên.

- Các chủ sở hữu các công trình có giá trị trong diện bảo tồn, bảo tồn một phần; các hộ gia đình duy trì sản xuất kinh doanh nghề truyền thống hoặc chịu tác động bảo tồn: được đề nghị hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ bảo tồn Khu phố Cổ.

3. Cộng đồng dân cư

- Chủ động đề xuất các biện pháp khai thác sinh lợi các công trình có giá trị trên cơ sở tuân thủ các quy định quy chế này.

- Được đảm bảo quyền được bảo vệ môi trường sống

- Tham gia bảo vệ cảnh quan kiến trúc khu phố và công trình có giá trị, các quy định chung của khu vực nhằm bảo vệ môi trường sống và các giá trị di sản. Được quyền yêu cầu chủ đầu tư công trình xây dựng cải tạo xuất trình Giấy phép xây dựng trước và trong quá trình thi công. Có ý kiến với tập thể, tổ dân phố hoặc chính quyền địa phương các cấp khi có các hiện tượng xây dựng, cơi nới, sửa chữa trái phép hoặc các nội dung liên quan khác.

- Đề xuất và hỗ trợ các giải pháp, dự án khai thác giá trị các công trình di sản phục vụ cộng đồng, người dân trên cơ sở tuân thủ các quy định của quy chế này.

Điều 21. Hồ trợ bảo tồn Khu phố Cổ.

Ngoài các cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến quản lý nguồn vốn bảo tồn di tích, việc hỗ trợ công tác bảo tồn di sản, các di tích, các công trình có giá trị trong Khu phố Cổ Hà Nội còn được thông qua Quỹ hỗ trợ bảo tồn Khu phố Cổ.

1. Nguồn tài chính cung cấp cho quỹ:

- Nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

- Nguồn bán vé tham quan các công trình di tích, công trình có giá trị.

- Khoản đóng góp bắt buộc đối với các công trình cải tạo xây mới trong Khu phố Cổ tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị đầu tư xây dựng của hiệu số diện tích sàn xây mới và diện tích sàn công trình hiện trạng;

- Các nguồn thu khác.

2. Quản lý Quỹ hỗ trợ bảo tồn Khu phố Cổ: Do cơ quan tài chính của UBND Quận Hoàn Kiếm quản lý và cấp phát; Các kế hoạch, dự án sử dụng quỹ hỗ trợ bảo tồn do Ban Quản lý phố Cổ trình UBND Quận Hoàn Kiếm phê duyệt và phân công quản lý, sử dụng, thanh quyết toán cụ thể

3. Đối tượng được hỗ trợ: Các kế hoạch hoặc dự án bảo quản, tu bổ, sửa chữa, phục hồi các di tích, kiến trúc có giá trị của tập thể hoặc hộ gia đình tư nhân; hỗ trợ các hộ gia đình sở hữu nhà có giá trị, sản xuất kinh doanh nghề truyền thống hoặc chịu tác động của di tích, công trình bảo tồn; các nội dung cải tạo, nâng cấp hạ tầng cải thiện môi trường sống; khen thưởng các hộ gia đình tích cực tham gia công tác bảo tồn.

4. Các cơ chế hỗ trợ khác:

- Khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án bảo tồn giá trị di sản

- Các đơn vị, tổ chức cá nhân chủ đầu tư thực hiện việc bảo tồn di tích, các công trình có giá trị được ưu tiên về cơ chế tài chính, thuế, quỹ đất... trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Các hộ dân tự nguyện di chuyển được ưu tiên xét mua nhà tại các dự án nhà ở tái định cư gần khu vực Khu phố Cổ hoặc dự án dãn dân.

Điều 22. Xử lý vi phạm

1. Đối với các chủ đầu tư, các chủ sở hữu và đối tượng khác.

- Đối với các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo trong các khu vực quy định tại Quy chế này: nếu vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về xây dựng, vi phạm các quy định trong Quy chế này sẽ bị xử lý theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng và các Nghị định của Chính phủ quy định về cấp phép xây dựng, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

2. Đối với cơ quan quản lý.

- Mọi tổ chức, cá nhân, đơn vị vi phạm quy chế này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Đối với các chính quyền phường, các cơ quan quản lý xây dựng, trật tự đô thị: Nếu xảy ra các hoạt động xây dựng vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về xây dựng, vi phạm đối với quy chế này phải có biện pháp dừng thi công, xử lý theo quy định hiện hành về trật tự xây dựng; kịp thời báo cáo lên cơ quan cấp trên để xử lý.

3. Xử lý vi phạm đối với công trình xây dựng.

a) Các công trình vi phạm xây dựng trước khi ban hành Quy chế

- Phải tháo dỡ các vật liệu xây dựng, che chắn tạm; các không gian sử dụng làm buồng phòng lấn chiếm không gian hè phố và ngoài chỉ giới đường đỏ. Khi xây dựng mới phải theo đúng các quy định của Quy chế;

- Công trình có ngôn ngữ kiến trúc khác đột biến so với quy định của Quy chế sẽ buộc phải cải tạo theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt;

- Công trình sai phép, công trình xây xen cấy vào công trình hoặc khu đất của công trình có giá trị đặc biệt, công trình công cộng, các công trình di tích lịch sử - văn hóa: phải phá dỡ;

- Công trình có vị trí liền kề với các khu, công trình di tích, các công trình có giá trị đặc biệt: phải tiến hành cải tạo, chỉnh trang kiến trúc mặt đứng theo Quy chế;

- Xây dựng giải pháp và kế hoạch thay thế mái tôn bằng mái ngói hoặc các vật liệu truyền thống khác.

b) Đối với các công trình xây dựng sau khi ban hành Quy chế

- Công trình phải xây dựng theo đúng Giấy phép xây dựng, phù hợp Quy chế. Kiên quyết phá dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép và xử lý hành chính theo mức độ vi phạm.

Điều 23. Điều khoản thi hành

1. Cơ quan quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và đô thị có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện theo quy chế và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết Khu phố Cổ được phê duyệt;

2. Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cổ được niêm yết công khai tại UBND quận Hoàn Kiếm, UBND các phường, Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội để phổ biến rộng rãi đến mọi tổ chức, cá nhân biết, thực hiện./.

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Phụ lục 1.

Các phường trong phạm vi áp dụng quy chế

A. Các phường trong Khu phố Cổ (A)

1. Đồng Xuân 3. Hàng Buồm 5. Hàng Đào 7. Hàng Gai 9. Cửa Đông
2. Hàng Mã 4. Hàng Bạc 6. Hàng Bồ 8. Hàng Bông 10. Lý Thái Tổ

B1. Các phường trong Khu vực liền kề - Kiểm soát không gian (B.1)

1. Hàng Bông 2. Hàng Gai 3. Hàng Bạc 4. Lý Thái Tổ

B2. Các phường trong Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị cho Khu phố Cổ (B.2)

1. Phúc Tân 2. Chương Dương

Phụ lục 2.

Các tuyến phố trong Khu phố Cổ

1. Bát Đàn 27. Hàng Chai 53. Hàng Thùng
2. Bát Sứ 28. Hàng Chiếu 54. Hàng Tre
3. Chả Cá 29. Hàng Cót  55. Hàng Vải
4. Cổng Đục 30. Hàng Đào 56. Lãn Ông
5. Cao Thắng 31. Hàng Đậu 57. Lò Rèn
6. Cầu Đông 32. Hàng Điếu  58. Lương Văn Can
7. Cầu Gỗ 33. Hàng Đồng  59. Lương Ngọc Quyến
8. Cửa Đông 34. Hàng Đường 60. Mã Mây
9. Chợ Gạo 35. Hàng Da 61. Ngõ Gạch
10. Đào Duy Từ 36. Hàng Gà 62. Ngõ Trạm
11. Đường Thành 37. Hàng Gai 63. Nhà Hỏa
12. Đinh Liệt 38. Hàng Giấy 64. Nguyễn Hữu Huân
13. Đồng Xuân  39. Hàng Giầy 65. Nguyễn Quang Bích
14. Đông Thái  40. Hàng Hòm 66. Nguyễn Siêu
15. Gầm Cầu 41. Hàng Khoai 67. Nguyễn Thiệp
16. Gia Ngư 42. Hàng Lược 68. Nguyễn Văn Tố
17. Hà Trung 43. Hàng Mành 69. Nguyễn Thiện Thuật
18. Hàng Bạc 44. Hàng Mã 70. Ô Quan Trưởng
19. Hàng Bồ 45. Hàng Mắm 71. Phùng Hưng
20. Hàng Buồm 46. Hàng Muối 72. Một phần Ph.Đình.Phùng
21. Hàng Bút 47. Hàng Ngang 73. Trần Nhật Duật
22. Hàng Bông 48. Hàng Nón 74. Một phần Trần Q. Khải
23. Hàng Bè 49. Hàng Phèn 75. Thanh Hà
24. Hàng Cá 50. Hàng Quạt 76. Tạ Hiện
25. Hàng Cân 51. Hàng Rươi 77. Thuốc Bắc
26. Hàng Chai 52. Hàng Thiếc 78. Tô Tịch
79. Yên Thái  

Phụ lục 3.79

Bản đồ tổng hợp một số nội dung quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố Cổ

Phụ lục 4.

Bản đồ các khu vực không gian mở và không gian cây xanh

Phụ lục 5.

Bản đồ vị trí các công trình có giá trị Khu phố Cổ

(Theo Dự án “Khảo sát, điều tra, đánh giá công trình kiến trúc có giá trị phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố Cổ Hà Nội” của UBND quận Hoàn Kiếm)

Phụ lục 6.

Các loại hình công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị trong Khu phố Cổ

Kiến trúc Việt Nam truyền thống

Nhà kiểu Việt Nam trước năm 1990 (không vượt quá 2 tầng) xây dựng trên thửa đất có chiều ngang hẹp (khoảng từ 3 - 5m) và dài (gọi là nhà ống) với nhiều lớp công trình xen kẽ, có sân trong, nhà mái dốc lợp ngói, mái kiểu “chồng diêm”.

Kiến trúc “phong cách Trung Hoa”

Nhà kiểu Trung Hoa trước năm 1930: (không vượt quá 2 tầng) được xây dựng trên thửa đất có chiều ngang hẹp (khoảng từ 3 - 5m), mặt đứng pa - nô hoặc ván ghép, có ban công, mái dốc lợp ngói.

Kiến trúc “phong cách Châu Âu”

Mẫu nhà kiểu Địa Trung Hải Châu Âu thời kỳ 1900 - 1930; Kết cấu chịu lực chính là gạch và bê tông, cầu thang bằng bê tông hoặc gỗ, mặt đứng có trang trí, có tường chắn mái (khoảng từ 2 - 3 tầng).

Kiến trúc “phong cách Châu Âu”

Mẫu nhà kiểu Anpo Châu Âu thời kỳ 1900 - 1930: Kết cấu chịu lực chính là gạch và bê tông, cầu thang bằng bê tông hoặc gỗ, mặt đứng có ban công, mái dốc lợp ngói (khoảng từ 2 - 3 tầng).

Kiến trúc “phong cách Châu Âu”

Mẫu nhà kiểu Art - Deco thời kỳ 1931 -1945: phong cách Châu Âu nhưng được đơn giản hóa. Kết cấu chịu lực chính là gạch và bê tông, cầu thang bằng bê tông hoặc gỗ. Mái bằng, có tường chắn diềm mái, mặt đứng có ban công (khoảng từ 2 - 3 tầng).

Ban hành quy chế quản lý Quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (1)

Ban hành quy chế quản lý Quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (2)

Danh sách các công trình di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong Khu phố Cổ Hà Nội 

Danh sách các công trình nhà ở trong khu Phố Cổ Hà Nội có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo

Nguồn  

Bình luận của bạn

Tin khác