ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 6398/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH: BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ QUY HOẠCH – KIẾN TRÚC KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10, Luật Sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12;
Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị; Thông tư số 19/2010/TT-BXD ngày 22/10/2010 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị;
Căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 9 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 70/BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Quy hoạch bảo vệ tôn tạo và phát triển Khu phố Cổ Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 14/2004-BVHTT ngày 05/4/2004 của Bộ Văn hóa – Thông tin về việc công nhận Khu phố Cổ Hà Nội là di tích lịch sử quốc gia;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tại Tờ trình số 3373/TTr-QHKT ngày 11/10/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 04/6/1999 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành “Điều lệ tạm thời về Quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo Khu phố Cổ Hà Nội”.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Giám đốc Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và Thủ trưởng các Sở, Ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3; – Bộ Xây dựng; – Bộ Văn hóa TT&DL; – Đ/c Chủ tịch UBNDTP; – Các đ/c PCT UBNDTP; – VPUB: các PVP; các phòng: TH, VX, CT, QXG; – Lưu VP, (30 bản); QHH1 |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ QUY HOẠCH-KIẾN TRÚC KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
Cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011;
Bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy các giá trị của di tích lịch sử Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Khu phố Cổ Hà Nội.
Quy chế này là cơ sở để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện công tác quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành;
Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng: Bao gồm 2 khu vực (Hình 1) như sau:
a) Khu vực Khu phố Cổ Ký hiệu A) – xác định trong phạm vi:
– Phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu.
– Phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải.
– Phía Tây giáp phố Phùng Hưng.
– Phía Nam giáp các phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông.
Khu phố Cổ có diện tích khoảng 82 ha, bao gồm 10 phường (Phụ lục 1), 79 tuyến phố (Phụ lục 2) và 83 ô phố.
b) Khu vực liền kề và hỗ trợ chức năng. Gồm có:
– Khu vực liền kề (Ký hiệu B.1): Có diện tích khoảng 7.19 ha, ranh giới từ Khu phố Cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố đường bao xung quanh Khu phố Cổ;
– Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị (Ký hiệu B.2): bao gồm 02 phường ngoài đê (Phúc Tân, Chương Dương thuộc quận Hoàn Kiếm).
2. Đối tượng áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, có hoạt động liên quan đến không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị của Khu phố Cổ Hà Nội và khu vực liền kề thực hiện theo đúng Quy chế này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Phố nghề: là phố có các hoạt động kinh doanh, sản xuất sản phẩm truyền thống;
2. Ô phố: ô đất được bao quanh bởi các phố hoặc ngõ phố;
3. Không gian mở: là các quảng trường, nút giao giữa các phố, không gian trống trước các công trình, vườn hoa…
4. Mật độ xây dựng: tỷ lệ diện tích chiếm đất của công trình kiến trúc xây dựng trên tổng diện tích lô đất (được tính theo hình chiếu bằng từ trên mái công trình theo tỷ lệ %);
5. Chiều cao công trình: độ cao tính từ cốt vỉa hè đến điểm cao nhất của mái công trình;
6. Khoảng lùi: khoảng cách giữa chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ của phố;
7. Vật liệu truyền thống: vật liệu xây dựng, trang trí được lấy trực tiếp từ thiên nhiên như sỏi, đá, vôi, gỗ, tre… hoặc sản xuất có xu hướng thủ công, được sử dụng trang trí kiến trúc truyền thống lâu đời, như gạch nung, ngói, gốm, sứ, đồ tráng men, sơn ta….
8. Màu truyền thống: các màu có nguồn gốc từ tự nhiên thường được sử dụng trên bề mặt các kiến trúc truyền thống có niên đại xây dựng trên 100 năm, không sử dụng màu sắc tương phản hoặc chói lóa, thường là các màu nâu, vàng nhạt, trắng, xám, pha xanh rêu nhạt, hồng nhạt…;
9. Kiến trúc đặc trưng tiêu biểu Khu phố Cổ: gồm 5 loại hình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng trước 1954 (Phụ lục 6).
10. Kiến trúc mới: là kiến trúc phù hợp với quy hoạch chung và nhu cầu sử dụng hiện tại và tương lai; sử dụng kỹ thuật, công nghệ xây dựng hiện đại; không sao chép nguyên bản kiến trúc truyền thống, kiến trúc cũ, chỉ khai thác những đường nét kiến trúc đặc trưng tiêu biểu Khu phố Cổ và phù hợp với tổng thể.
11. Tượng tròn: Là tác phẩm điêu khắc được tạo hình trong không gian ba chiều (khác với tác phẩm điêu khắc được tạo hình trong không gian hai chiều như chạm khắc, chạm nổi, phù điêu)
Điều 4. Quy định chung
1. Tính chất, đặc điểm:
– Khu phố Cổ là di tích lịch sử cấp Quốc gia có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Phần lớn nhà ở có tổ chức không gian hình ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ, có mái dốc lợp ngói;
– Chức năng chủ yếu: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
2. Các chỉ tiêu quy hoạch:
Dân số Khu phố Cổ hiện tại khoảng 66.600 người, đến năm 2020 giảm còn khoảng 45.000 người dân; Chỉ tiêu cây xanh tối thiểu: 1,5m2/người; Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu sau dãn dân: 25m2/người.
3. Quy định về không gian:
– Bảo tồn, tôn tạo các giá trị về cấu trúc không gian của Khu phố Cổ, các công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở truyền thống và các công trình có giá trị xây dựng trước 1954.
– Bảo tồn nhà ở truyền thống theo hình thức và cấu trúc không gian nhà ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ; có mái dốc lợp ngói;
– Bảo tồn không gian phố nghề, phố chuyên doanh, thương mại dịch vụ truyền thống.
– Bảo tồn, tôn tạo không gian, cảnh quan, cây xanh trong Khu phố Cổ;
– Cải tạo khu vực lõi bên trong các ô phố, nâng cấp hạ tầng, môi trường sống theo hướng tăng cường không gian mở, bổ sung cây xanh và cải tạo hệ thống hạ tầng, phục vụ;
– Xem xét lộ trình thay thế mái tôn, mái tạm bằng vật liệu bền vững theo hướng sử dụng mái dốc, lợp ngói phù hợp điều kiện sử dụng trong Khu phố Cổ;
– Dỡ bỏ các chi tiết, vật, kiến trúc cơi nới, lấn chiếm không gian ngoài chỉ giới đường đỏ; các biển hiệu, biển quảng cáo, vật che chắn cũ, bẩn, tạm bợ và trái với quy định quy chế này;
– Không xây dựng tầng hầm (trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, với điều kiện không ảnh hưởng hoặc tiếp giáp các công trình di tích hoặc có giá trị).
4. Quy định chung về chức năng:
– Khuyến khích các chức năng: thương mại, dịch vụ, phố nghề, cửa hàng buôn bán truyền thống; Tăng cường các không gian sinh hoạt cộng đồng, cây xanh, bổ sung các tiện nghi, dịch vụ tiện ích công cộng…,
– Khai thác tối đa các diện tích công cộng phục vụ cho hoạt động của cộng đồng dân cư.
– Không xây dựng các trung tâm thương mại lớn. Tiếp tục di chuyển các xưởng sản xuất ảnh hưởng môi trường;
– Không xây dựng các công trình nhà ở mới làm tăng dân số, tăng mật độ xây dựng, tăng chất tải hệ thống giao thông, ảnh hưởng môi trường và các công trình quy mô lớn khác;
5. Quy định về bảo tồn tôn tạo di tích:
– Thực hiện theo đúng các quy định của Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan;
– Phân loại các không gian đặc trưng, có giá trị để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho bảo tồn, phân vùng theo cấp độ kiểm soát, bảo vệ; quy định cho phép phát triển phù hợp;
– Khôi phục và phát huy các giá trị của di sản phi vật thể: lối sống, sinh hoạt đặc trưng của người dân trong Khu phố Cổ, các lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, hình thức kinh doanh thương mại và hoạt động du lịch, dịch vụ, truyền thống.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1. NỘI DUNG QUẢN LÝ VỀ QUY HOẠCH VÀ KHÔNG GIAN
Điều 5. Quy định về không gian cảnh quan
1. Phân vùng quản lý quy hoạch – kiến trúc:
Khu phố Cổ Hà Nội được chia ra làm 2 khu vực bảo vệ, tôn tạo.
a) Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp I (Ký hiệu A.1)
Quy mô: khoảng 19 ha, Được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật bao gồm 21 phố, đoạn phố và 17 ô phố (Hình 2). Cụ thể bao gồm các tuyến phố theo dưới đây:
21 phố trong Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp I (Ký hiệu A.1)
1. Chợ Gạo | 7. Hàng Chĩnh | 13. Lương Ngọc Quyến |
2. Đào Duy Từ | 8. Hàng Đường | 14. Mã Mây |
3. Đông Thái | 9. Hàng Giầy | 15. Nguyễn Siêu |
4. Hàng Bạc | 10. Hàng Mắm | 16. Ngõ Gạch |
5. Hàng Buồm | 11. Hàng Muối | 17. Nguyễn Hữu Huân |
6. Hàng Chiếu | 12. Hàng Ngang | 18. Tạ Hiện |
19. Trần Quang Khải (đoạn từ Hàng Muối – Hàng Mắm) | 20. Trần Nhật Duật (đoạn từ Hàng Chiếu – Hàng Mắm) | 21. Ô Quan Chưởng |
Trong khu bảo vệ tôn tạo cấp I phải giữ gìn hình ảnh và phong cách Khu phố Cổ truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử – văn hóa.
Các công trình được phép cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước năm 1954 (nếu có), hoặc theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu Khu phố Cổ; Phát huy, nhân rộng phong cách kiến trúc các công trình nhà có giá trị và giá trị đặc biệt tại khu vực tạo thành các dãy công trình thống nhất phong cách:
b) Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp II: (Ký hiệu A2)
Quy mô: Khoảng 63 ha, gồm các phố và 66 ô phố còn lại trong ranh giới Khu phố Cổ. Là khu vực bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị về kiến trúc và các di tích lịch sử – văn hóa. Các công trình khác được cải tạo chỉnh trang theo các qui định tại các điều 15, 16 và các quy định khác trong Quy chế này.
2. Chỉ giới xây dựng.
Chỉ giới đường đỏ đối với các tuyến phố trong Khu phố Cổ và khu vực liền kề được giữ nguyên theo chỉ giới hiện có;
Chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ các tuyến phố trong Khu phố Cổ Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.
3. Đối với các không gian mở, quảng trường, các nút giao thông:
Khu phố Cổ có các không gian mở chính bao gồm Không gian trước và xung quanh công trình chợ Đồng Xuân; Quảng trường chợ Hàng Da; Không gian khu vực Ô Quan Chưởng (bao gồm: phố Ô Quan Chưởng, Cửa ô và khu vực đầu phố Hàng Chiếu); Không gian xung quanh công trình chợ Gạo, Khu vực vườn hoa Bát Đàn; các Khu vực quanh nút giao thông dẫn lên cầu Chương Dương (Trần Nhật Duật – Nguyễn Hữu Huân – Hàng Chĩnh – Hàng Muối), cầu Long Biên (Trần Nhật Duật-Gầm Cầu) và Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục (Ngã tư Hàng Đào – Hàng Bông – Cầu Gỗ – thuộc khu vực liền kề) (Phụ lục 4).
– Tổ chức thiết kế đô thị các không gian nói trên và các ô phố tiếp giáp, lưu ý chú trọng các điểm nhìn tiếp cận và các điểm nhìn quan trọng tại các không gian này; Sắp xếp đảm bảo bố cục và cảnh quan không gian gọn gàng; khuyến khích tạo diện rộng kiến trúc đặc trưng tiêu biểu; bổ sung trồng cây xanh trên các vị trí phù hợp;
– Việc xây dựng cải tạo công trình phải phù hợp với thiết kế đô thị, theo hướng tạo được không gian và nét kiến trúc truyền thống đặc trưng của Khu phố Cổ;
– Khai thác sử dụng các hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tại các khu vực không gian mở. Không đỗ, để xe tại các quảng trường và không gian mở.
4. Tuyến phố:
a) Các tuyến phố, đoạn phố cải tạo phục dựng (29 phố, 04 đoạn phố), gồm:
Các tuyến phố chính theo hướng Bắc Nam:
– Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy;
– Lương Văn Can – Hàng Cân – Chả Cá – Hàng Lược;
– Hàng Da – Hàng Điếu – Hàng Gà – Hàng Cót;
Các tuyến phố ngang theo hướng Đông Tây:
– Hàng Mã – Hàng Chiếu – Ô Quan Chưởng;
– Hàng Vải – Lãn Ông – Hàng Buồm – Mã Mây;
– Bát Đàn – Hàng Bồ – Hàng Bạc – Hàng Mắm;
Tuyến phố đường bao phía Nam:
– Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ – Hàng Thùng.
và các phố Cầu Đông; các đoạn phố Hàng Khoai (từ Hàng Lược-Nguyễn Thiệp); Hàng Cá – Ngõ Gạch (từ Chả Cá – Hàng Giầy); Gia Ngư (từ Hàng Đào – Đinh Liệt).
– Tổ chức thiết kế đô thị và quản lý các tuyến phố, đoạn phố nêu trên kiểm soát không gian mặt đứng của kiến trúc công trình theo hướng phục dựng hình ảnh tuyến phố đặc trưng Khu phố Cổ (hoặc đoạn phố);
– Khuyến khích bảo tồn, cải tạo nguyên trạng các công trình hiện cao 2 tầng trở xuống;
– Các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng, Hàng Giấy, Cầu Đông, các đoạn phố Lãn Ông-Hàng Buồm (từ Chả Cá đến Hàng Giầy), Hàng Bồ-Hàng Bạc (từ Hàng Cân đến Tạ Hiện) và các đoạn phố Hàng Khoai, Hàng Cá – Ngõ Gạch, Gia Ngư nêu trên: kiến trúc công trình phải phát huy, phục dựng theo kiến trúc đặc trưng tiêu biểu Khu phố Cổ (các phụ lục 3,6).
– Quy định về chức năng: Tăng cường các không gian sinh hoạt cộng đồng, bổ sung cây xanh, các tiện ích, dịch vụ công cộng. Khuyến khích các chức năng thương mại, dịch vụ, cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, giới thiệu du lịch và tuân theo quy định chung.
b) Các tuyến phố còn lại: (bao gồm 50 phố, đoạn phố còn lại)
– Khuyến khích cải tạo các công trình mặt phố theo hướng phục dựng lại kiến trúc gốc (nếu đủ căn cứ khoa học). Trong trường hợp không còn tư liệu được làm theo kiến trúc mới.
– Quy định về chức năng: khuyến khích xây dựng các công trình có chức năng thương mại, dịch vụ, cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, trung tâm giới thiệu du lịch và hạ tầng đô thị. Tuân theo các nội dung hạn chế chung.
– Riêng các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải: Cho phép xây dựng các công trình công cộng đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng; Bổ sung, hỗ trợ các chức năng đầu mối giao thông, điểm giao thông tĩnh, khai thác không gian ngầm công cộng trong các khu vực giao thông cơ giới. Tuyến phố Phùng Hưng: xem xét cải tạo các vòm tường gầm đường sắt phục vụ dịch vụ hoặc đỗ để xe, bổ sung cây xanh tại các vỉa hè lớn phía tây.
c) Đối với các phố nghề truyền thống: Hàng Bạc, Hàng Mã, Lãn Ông, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Lò Rèn, Hàng Đồng: Khuyến khích bảo tồn phố nghề sản xuất, buôn bán sản phẩm nghề truyền thống. Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường khu vực.
Khuyến khích hình thành hoặc khôi phục các tuyến phố chuyên doanh các ngành hàng truyền thống.
5. Đối với các ngõ phố, ngách phố:
– Bảo tồn các không gian, chiều rộng hiện có của các ngõ, ngách, đặc biệt trong khu vực bảo vệ tôn tạo cấp I và các tuyến phố, đoạn phố cải tạo, phục dựng;
– Nghiêm cấm lấn chiếm không gian ngõ, ngách; xây dựng bịt các khoảng thông tầng, lộ thiên của các ngõ, ngách; Đối với các ngõ, ngách nhỏ dưới 2 m: Không bố trí đường ống nước, trụ tường, bậc lên xuống và mọi chi tiết khác lấn hoặc lộ ra bên trong khoảng không gian chung.
Điều 6. Quy định đối với các ô phố.
Khu phố Cổ gồm có 83 ô phố (17 ô trong khu vực bảo vệ cấp I, 66 ô trong khu vực bảo vệ cấp II) được đánh số và ký hiệu, quản lý theo khu vực bảo vệ tại Điều 5 quy chế này. Ngoài ra:
– Bảo tồn cấu trúc các ô phố với không gian nhà ống có sân trong, giữ gìn công trình kiến trúc có giá trị, mở rộng các khoảng trống, không gian mở, không gian xanh hiện có bên trong các ô phố;
– Cải tạo khu vực lõi các ô phố theo hướng giảm mật độ dân số, tăng không gian sử dụng chung, thông thoáng tự nhiên. Cải tạo và nâng cao chất lượng môi trường ở, hệ thống hạ tầng, các công trình phục vụ, sử dụng chung bên trong các ô phố, ngõ;
– Bảo tồn và mở mới các lối đi bộ vào bên trong lõi ô phố và tăng cường tối đa các không gian xanh, khai thác sử dụng đất vì mục đích công cộng; khuyến khích các chức năng mua sắm và nghỉ ngơi tại đây. Các lối đi bộ cần được kết nối liên thông tối đa giữa các lõi ô phố.
– Không bê tông hóa các không gian mở, không gian xanh trong các ô phố.
Điều 7. Quy định về mật độ, tầng cao xây dựng và khoảng lùi:
1. Căn cứ các quy định hiện hành và nội dung quy chế, trên cơ sở tuân thủ quy định về mật độ, tầng cao xây dựng và khoảng lùi đối với từng ô phố để:
– Tổ chức thiết kế đô thị các tuyến phố, ô phố (đối với các quảng trường, không gian mở, tuyến phố cải tạo phục dựng, tuyến phố đường bao và các phố có mặt cắt ngang rộng 12m trở lên);
– Tổ chức thiết kế mặt đứng, không gian chung tuyến phố, đoạn tuyến ô phố (đối với các khu vực còn lại).
Khi thiết kế đô thị, mặt đứng đoạn phố hoặc cấp phép xây dựng: phải kiểm tra hiện trạng, xác định các công trình tiêu biểu, có giá trị khu vực lân cận để phát huy phong cách; nghiên cứu tổng thể mặt đứng chung với các chiều cao tầng điển hình; thiết kế cốt nền, chiều cao tầng một các công trình xây dựng mới cùng cao độ với các công trình liền kề.
2. Lập quy hoạch, thiết kế đô thị và mặt đứng đoạn tuyến phố căn cứ theo bản đồ vị trị trí ô phố (Hình 3) và quy định mật độ, tầng cao xây dựng, khoảng lùi và đặc điểm theo ô phố kèm theo quy định cụ thể tại bảng 1 dưới đây:
Bảng 1. Quy định mật độ, tầng cao xây dựng và khoảng lùi theo ô phố
Ghi chú: (*) Tại phố Gầm Cầu: Xây dựng, bảo tồn tôn tạo công trình phải đảm bảo tuân thủ khoảng lùi an toàn đường sắt.
- Việc quản lý cấp phép xây dựng đối với từng thửa đất riêng lẻ được quy định tại điều 16.
Điều 8. Quy định về không gian cây xanh.
1. Đánh giá cây xanh hiện có, tổ chức quy hoạch không gian xanh, trồng bổ sung, thay thế những cây không phù hợp;
2. Tăng diện tích cây xanh toàn Khu phố Cổ đạt chỉ tiêu 1,5 m2 /người thông qua cải tạo ô phố, các diện tích sân, vỉa hè không sử dụng nghỉ ngơi, vui chơi và đi bộ; Gìn giữ và bảo vệ hệ thống cây xanh, vườn hoa hiện hữu. Không chặt phá cây xanh và bê tông hóa vườn cây;
3. Tạo dựng hoàn thiện hàng cây xanh dọc hai bên các tuyến phố với chủng loại cây phù hợp hướng, đặc điểm mặt cắt, cảnh quan kiến trúc đặc trưng của tuyến phố; Xử lý và không sử dụng loại cây có rễ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông và thoát nước;
4. Cải tạo, chỉnh trang các công trình xung quanh các khu vực vườn hoa, không gian mở, tạo không gian xanh ngoài và trên công trình kết nối với tuyến đường tại các khu vực;
5. Tăng cường tối đa các chỉ tiêu cây xanh trong mỗi ô phố; các quỹ đất sau khi di dời chuyển đổi chức năng, dãn dân phải ưu tiên dành cho không gian xanh. Các công trình sở hữu công sau khi di dời phải chuyển đổi thành đất cây xanh hoặc theo quy định tại điều 9, các khoản 2, 3, có giải pháp mở rộng hè để tạo không gian mở, cây xanh;
6. Thiết kế phục dựng các không gian đặc thù, giá trị lịch sử… kết hợp bổ sung các loại cây giá trị phù hợp.
Điều 9. Đất xây dựng
1. Quản lý đất đai tuân thủ các quy định của Luật đất đai và các văn bản liên quan.
2. Các ô đất được chuyển đổi chức năng, các ô đất xây dựng công trình còn lại sau giãn dân: ưu tiên (theo thứ tự) chuyển đổi thành các chức năng cây xanh, không gian mở, phục vụ cộng đồng, không gian công cộng;
3. Mật độ xây dựng: Các ô đất khi cải tạo, xây dựng mới không vượt quá mật độ xây dựng hiện trạng. Các ô đất chuyển đổi, di dời do nhà nước quản lý phải được chuyển thành đất cây xanh hoặc xây dựng công trình có cây xanh với mật độ xây dựng không quá 30%, đóng góp không gian mở cho phía mặt phố;
4. Không cho phép việc hợp thửa giữa 2 nhà ống trên một tuyến phố, trong trường hợp bắt buộc hợp thửa phải duy trì cấu trúc không gian nhà ống và kiến trúc mặt nhà theo thửa dọc cũ;
5. Quy định về dãn dân: Trước mắt ưu tiên di chuyển dân ra khỏi Khu phố Cổ đối với các hộ dân sống trong các di tích, công sở, trường học, các số nhà có nhiều hộ và đông dân cư đang xuống cấp nguy hiểm, các công trình có giá trị phải di dời dân để bảo tồn theo Luật di sản văn hóa, trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư.
Nhà đất sau khi dãn dân phải được chuyển cho các đơn vị quản lý để thực hiện các chức năng nêu tại khoản 1, 2 điều này, hoặc chuyển nhượng theo qui định hiện hành.
Điều 10. Quy định về hệ thống đường giao thông
1. Tổ chức giao thông
Giữ nguyên mạng lưới giao thông và mặt cắt ngang đường. Tổ chức phố đi bộ bên trong khu phố. Trước mắt tổ chức phân cấp như sau:
- Đường giao thông công cộng: Tại các tuyến phố đường bao. Các điểm đỗ xe công cộng tạm được bố trí tại khu vực lân cận vườn hoa Bát Đàn, Chợ Gạo, Cửa Đông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
- Đường khu vực: (Cho phép ô tô đi 1 chiều nhưng không được phép dừng đỗ) bao gồm các phố Hàng Chiếu - Hàng Mã; Bát Đàn - Hàng Bồ - Hàng Bạc - Hàng Mắm; Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can; Hàng Da - Hàng Điếu - Hàng Gà - Hàng Cót. Xem xét một số tuyến đường có mặt cắt ngang 12m trở lên cho phép ô tô đi 1 chiều theo giờ quy định;
- Các xe chở khách đến khách sạn trên 15 chỗ: Không được đi vào bên trong Khu phố Cổ;
- Đường còn lại: dành riêng cho đi bộ, xe gắn máy và xe thô sơ (trừ các xe chữa cháy, cấp cứu, vệ sinh được phép vào các đường này);
- Quản lý vỉa hè, lòng đường theo đúng qui định của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Bãi đỗ, nơi để xe, giao thông tĩnh:
- Các công trình cải tạo, xây dựng: phải bố trí không gian để xe của bản thân công trình và khách bên trong theo quy mô, tính chất công trình.
- Các điểm giao thông tĩnh được bố trí theo đồ án quy hoạch chi tiết, đảm bảo có khoảng cách phù hợp nhu cầu đi bộ. Nghiên cứu bổ sung các điểm, bãi đỗ xe tại khu vực ngoài đê (các phường Phúc Tân, Chương Dương), không gian lưu không và ngầm tại các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải;
- Các bến xe bus được bố trí theo đúng quy hoạch điểm đỗ xe với nguyên tắc: dễ quan sát, thuận tiện giao thông, gần nơi tập trung đông người.
- Vỉa hè và bó vỉa: Trước mắt giữ nguyên vật liệu, cách thức ốp lát bề mặt vỉa hè; sử dụng vật liệu phù hợp với phố Cổ; cốt cao độ mặt đường sau khi sửa chữa phải giữ nguyên; Nghiên cứu lát đá viên tự nhiên toàn bộ các tuyến phố, lựa chọn các tuyến phố cải tạo phục dựng, quảng trường thực hiện trước, vật liệu bền chắc, có độ nhám cần thiết, không trơn trượt.
- Có biện pháp mở rộng vỉa hè hoặc không gian phố, thông qua các khoảng lùi, không gian mở các công trình chuyển đổi hoặc có diện tích lớn theo quy định tại điều 16-khoản 8;
- Khuyến khích đi bộ và phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch (xe đạp, xe điện); Lưu ý tổ chức lối đi và tiện nghi hướng dẫn cho người tàn tật theo quy định.
- Tổ chức và phát triển phố đi bộ bên trong khu phố đảm bảo thuận lợi về tổ chức và kết nối giao thông cơ giới, hậu cần kinh doanh; hạn chế tối đa việc tổ chức cửa hàng giữa lòng phố đi bộ.
Điều 11. Các hệ thống hạ tầng đô thị khác:
1. Công trình hạ tầng kỹ thuật.
a) Hệ thống cấp nước
- Hệ thống cấp nước sạch kết nối với hệ thống cấp nước chung Thành phố đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, du khách và phòng cháy chữa cháy.
- Xây dựng, lắp đặt bể, bồn chứa nước dự trữ đặt kín bên trong mỗi công trình; Có kế hoạch phục hồi hệ thống máy nước phục vụ công cộng.
b) Hệ thống thoát nước thải
- Tất cả các công trình đều phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra hệ thống công chung của khu vực;
- Có kế hoạch cải tạo hệ thống cống bao và cống chính thoát nước chung trong Khu phố Cổ; khảo sát điều tra, lập danh mục xây dựng mới các hệ thống thoát nước xuống cấp, gây ô nhiễm bên trong các ô phố, ngõ phố;
- Các đường thoát nước các hộ gia đình phải đấu vào hệ thống cống ngầm chung;
- Không được tự ý đục, xây dựng đường cống và đổ rác sai vị trí quy định.
c) Hệ thống cấp điện
- Các trạm biến áp được đặt trên các cột hoặc các vỉa hè có khoảng trống không ảnh hưởng đến người đi bộ và tầm nhìn giao thông, đảm bảo khối tích chiếm chỗ nhỏ nhất, không ảnh hưởng đến không gian công cộng, đảm bảo an toàn và kỹ thuật điện;
- Đường dây hạ áp phải được sắp xếp theo một đường hệ thống kỹ thuật chung có vị trí phù hợp, đảm bảo mỹ quan trên mỗi tuyến phố;
d) Hệ thống chiếu sáng:
- Hệ thống chiếu sáng được cải tạo theo lộ trình, có quy hoạch cụ thể, phù hợp không gian Khu phố Cổ; thống nhất quy cách, kiểu dáng, khoảng cách đèn chiếu sáng đảm bảo ánh sáng theo quy định, đẹp về cảnh quan và tiết kiệm năng lượng; Đèn chiếu sáng phải được lắp đặt đến mọi ngõ, ngách.
- Sử dụng chung hệ thống cột đỡ dây và cột chiếu sáng, loại bỏ những cột không phù hợp, không còn giá trị sử dụng.
- Đèn chiếu sáng cho phố Cổ phải có mẫu riêng, phù hợp với kiến trúc phố cổ.
e) Hệ thống thông tin liên lạc
- Tổ chức sắp xếp lại theo hệ thống tập trung toàn bộ dây trên không theo trục hoặc hộp, máng kỹ thuật được quản lý thống nhất. Không tổ chức thêm các tuyến mới và không đi dây riêng lẻ trên các phố và mặt nhà từ tầng 2 trở lên;
- Sắp xếp lại các hộp kỹ thuật điện thông tin liên lạc. Các thiết bị thu phát tín hiệu thông tin, trạm ăng ten BTS phải đặt khuất tầm quan sát từ điểm nhìn trên mọi phố, tuyến đường bao và các không gian mở; cách các tuyến đường sắt đô thị tối thiểu 200m.
f) Về vệ sinh, môi trường
- Tiếp tục di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (xả rác, nước thải, khí ô nhiễm độc hại; độ ồn cao);
- Bố trí hệ thống thu gom rác văn minh, hiện đại, đảm bảo thu gom, vận chuyển 100% rác; Cải tạo lại các nhà vệ sinh công cộng hiện có phục vụ du lịch; Cải tạo các hệ thống thoát nước bẩn, nhà vệ sinh chung, khu phụ trợ xuống cấp, mất vệ sinh bên trong các ngõ chung, ô phố;
- Bể nước trên mái, ống cấp thoát nước, máy điều hòa nhiệt độ và thông gió phải bố trí tại các vị trí khuất tầm nhìn thấy từ ngoài phố và trên các đường sắt đô thị. Các ống thoát nước của điều hòa nhiệt độ được thu gom, không được để nước chảy tự do ra hè phố;
- Trong quá trình thi công, cải tạo, xây dựng các công trình trong Khu phố Cổ, các chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, trật tự công cộng xung quanh khu vực thi công.
2. Quy định về Phòng cháy chữa cháy.
Quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng khu phố; bảo quản các công trình di tích, các công trình có giá trị, cải tạo xây dựng mới trong khu vực Khu phố Cổ phải tuân thủ Luật Phòng cháy chữa cháy, các quy định, quy chuẩn Việt Nam hiện hành về phòng chống cháy nổ và an toàn cháy, trong đó đặc biệt cần lưu ý các quy định sau:
- Tổ chức hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy và các trụ chữa cháy phân bố đều và đảm bảo khoảng cách và áp lực theo quy định trong khu phố và các ngõ.
- Đối với các ngõ sâu từ 25 m trở lên và số người cư trú hơn 50 người: phải tổ chức đường ống cấp nước chữa cháy hoặc bố trí bể nước chữa cháy chung, các họng và thiết bị chữa cháy theo quy định.
- Các ngõ, ngách, nhà ở tập thể, trên tầng phải đảm bảo lối thoát hiểm thông suốt, với các cửa thoát hiểm không sử dụng cửa xếp, cửa cuốn, cửa quay tròn và cửa trượt. Các nhà 2 tầng trở lên phải đảm bảo bố trí cầu thang đảm bảo thoát hiểm dễ dàng khi có cháy, nổ.
- Các công trình sau đây phải có hệ thống chữa cháy riêng: trường học 3 tầng trở lên; nhà hát, rạp chiếu phim, vũ trường có 300 khách trở lên; công trình công cộng có khối tích 5000m3 trở lên; Kho tàng có diện tích trên 500m2 hoặc 2500m3 trở lên; các loại chợ, trung tâm thương mại;
3. Đối với các công trình hạ tầng xã hội
- Di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng, văn phòng, cơ quan trụ sở không phù hợp với mục tiêu bảo tồn Khu phố Cổ; Dành quỹ đất xây dựng các không gian mở, công viên cây xanh và công trình hạ tầng xã hội phù hợp với quy hoạch.
- Đối với các công trình trường học, nhà trẻ: phải bố trí được các diện tích sân chơi phù hợp, có tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn trường học.
- Phát triển các công trình hạ tầng xã hội (các điểm sinh hoạt văn hóa, khôi phục hoạt động văn hóa của các rạp hát, rạp chiếu phim, đình thờ tổ nghề); Tạo lập không gian cây xanh, vườn hoa, sân chơi trong lõi các ô phố thích hợp;
Điều 12. Quy định đối với khu vực liền kề - kiểm soát không gian và khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị cho Khu phố Cổ.
1. Khu vực liền kề - kiểm soát không gian (Khu vực B.1)
Có diện tích khoảng 7.19ha, được xác định từ ranh giới Khu phố Cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố đuờng bao xung quanh Khu phố. Cụ thể: Các công trình mặt phố các tuyến phố đường bao Khu phố Cổ: Số nhà lẻ các phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Bông, Hàng Gai (phía Nam), số nhà chẵn phía Tây phố Phùng Hưng, số nhà chẵn phố Hàng Đậu (phía Bắc).
Kiểm soát sự chuyển tiếp không gian cần thiết giữa Khu phố Cổ với khu vực liền kề đảm bảo hài hòa, không gây đột biến. Cụ thể:
- Hình thức, cấu trúc không gian tuyến phố và Phong cách, ngôn ngữ các công trình được cải tạo, xây mới phải đóng góp tích cực và hài hòa cảnh quan kiến trúc đặc trưng của Khu phố Cổ; xây dựng công trình theo kiến trúc mới với điều kiện không sử dụng kính mảng lớn, phản quang;
- Khảo sát, lập danh mục các công trình nằm ngoài Khu phố Cổ có giá trị theo kiến trúc đặc trưng Khu phố Cổ để bảo tồn, tôn tạo, đặc biệt tại đoạn phố phía Nam phố Cầu Gỗ, Hàng Thùng.
- Quy mô công trình xây dựng: Lớp ngoài mặt phố không quá 04 tầng - chiều cao tối đa 16m, lớp phía trong không quá 05 tầng - chiều cao tối đa 20m, khoảng lùi lớp phía trong tối thiểu 6m.
Đối với phố Phùng Hưng: Giải tỏa các diện tích lấn chiếm vỉa hè, bổ sung cây xanh, đảm bảo các công trình mang biển số nhà chẵn có khoảng lùi phù hợp với quy định hành lang bảo vệ tuyến đường sắt đô thị;
2. Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị (Khu vực B.2):
Phạm vi bao gồm 02 phường ngoài đê Phúc Tân, Chương Dương.
- Tuân thủ theo các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc của khu vực áp dụng (Khu vực hành lang xanh dọc 2 bên sông)
- Quy định về chức năng: Khai thác quỹ đất để tăng cường, bổ sung, hỗ trợ chức năng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tối đa cho Khu phố Cổ như bãi đỗ xe tĩnh, đầu mối giao thông, trường học, hạ tầng kỹ thuật...
Mục 2: QUẢN LÝ VỀ KIẾN TRÚC
Điều 13. Đối với các công trình di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.
1. Công trình di tích:
- Đối với các công trình đã được xếp hạng (Phụ lục 7): Tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi để bảo tồn, giữ nguyên yếu tố gốc của các công trình theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các luật bổ sung, văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan; Lập hồ sơ khoa học về di tích; khi tiến hành lập phương án cải tạo, xây dựng các công trình di tích phải xin ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật;
2. Đối với các công trình có dấu hiệu là di tích: Xem xét, xác định giá trị theo danh mục, loại hình lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật... để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xếp hạng di tích và tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi theo Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Đối với các tượng đài, công trình kỷ niệm, công trình văn hóa có giá trị và công trình đặc thù khác: Bảo tồn, chỉnh trang để đảm bảo công trình bền vững, an toàn và đáp ứng yêu cầu sử dụng vốn có của công trình. Màu sắc, chất liệu, hình khối, phong cách kiến trúc đảm bảo hài hòa với cảnh quan chung;
4. Các quy định khác:
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo: Tập trung đầu tư vào các công trình di sản vật thể có giá trị, di tích; Lập hồ sơ, tư liệu gốc của công trình, đảm bảo tính nguyên gốc và đề xuất giải pháp thực hiện tối ưu trình cơ quan có thẩm quyền.
- Khôi phục, quảng bá giá trị di sản phi vật thể Khu phố Cổ, các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, kết hợp với du lịch;
- Đảm bảo khoảng không gian lưu không giữa công trình và các tòa nhà xung quanh trong phạm vi khu bảo tồn.
5. Đối với khu vực tiếp giáp công trình di tích:
a. Thực hiện theo quy định Luật Di sản trong việc xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ cấp I của di tích để ngăn chặn việc lấn chiếm, từng bước di dời các hộ dân, trả lại không gian sử dụng đúng chức năng;
b. Các công trình xây dựng liền kề công trình di tích: không xây dựng đột biến về quy mô, không sử dụng màu sắc, vật liệu tương phản:
- Trong phạm vi 10m mỗi bên (tính từ ranh giới đất công trình di tích): các công trình được xây dựng không quá 02 tầng (08m). Các công trình hiện có trái với quy định này nếu xây dựng sai giấy phép: phải tháo dỡ, cải tạo để phù hợp với quy định (Phụ lục 5).
- Việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (nổi hoặc ngầm) có Iiên quan đến công trình di tích được xếp hạng: phải đảm bảo hành lang bảo vệ theo quy định tại Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp quy liên quan và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền về xây dựng và bảo tồn di tích chấp thuận.
Điều 14. Đối với các công trình xây dựng trước 1954
1. Đối với các công trình có giá trị đặc biệt (Phụ lục 5 & Phụ lục 8)
- Các công trình này phải được lập hồ sơ hiện trạng, theo dõi định kỳ phục vụ cho quá trình trùng tu, bảo tồn.
- Bảo tồn nguyên trạng chiều cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, tổ chức không gian; sử dụng vật liệu truyền thống (gỗ, ngói, tường gạch xây, vữa vôi) (Minh họa Phụ lục 9).
- Các công trình xây dựng liền kề các công trình có giá trị đặc biệt không được phép xây dựng cao hơn 1 tầng so với công trình có giá trị đặc biệt.
2. Đối với các công trình có giá trị (Phụ lục 5 & Phụ lục 8)
Bảo tồn kiến trúc mặt tiền, cấu trúc tổ chức không gian. Được cải tạo công trình theo quy định sau:
- Đối với việc cải tạo, sửa chữa: công trình được bảo tồn có chiều cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc giữ đúng nguyên trạng của công trình có giá trị.
- Đối với việc cải tạo kết hợp xây dựng mới: bảo tồn, tôn tạo kiến trúc mặt đứng theo hướng phục dựng nguyên gốc, đảm bảo cấu trúc nhà ống, có sân trong trồng cây, có kích thước và tỉ lệ không gian, chi tiết kiến trúc tương xứng. Phần công trình xây mới được xác định quy mô căn cứ theo vị trí và các quy định liên quan trong quy chế này.
Điều 15. Đối với các công trình xây dựng từ sau 1954 đến nay
1. Đối với các công trình có giá trị: Tuân theo quy định tại Điều 14, khoản 2.
2. Đối với các công trình còn lại: Được phép cải tạo, xây dựng mới theo quy định tại điều 16 và phù hợp các quy định của quy chế.
Điều 16. Đối với các công trình xây dựng mới
1. Các công trình xây dựng mới tuân theo các quy định tại các điều 4, 5, 6, 7, khoản 2, 3, 4 điều 9, khoản 2 điều 10, điều 11, khoản 4, 5 điều 13, khoản 1 điều 14, điều 16, 17, 18, 20, 21, 22.
2. Việc xác định phương án kiến trúc và quy mô công trình phải căn cứ theo thiết kế đô thị được duyệt hoặc bản vẽ nghiên cứu không gian đoạn tuyến ô phố, xây dựng theo hướng kiến trúc mới khai thác nét đặc trưng tiêu biểu.
Khi cấp phép xây dựng: phải kiểm tra hiện trạng, xác định các công trình tiêu biểu, có giá trị khu vực lân cận để phát huy phong cách; nghiên cứu tổng thể mặt đứng chung đoạn tuyến ô phố với các chiều cao tầng điển hình; thiết kế cốt nền, chiều cao tầng một các công trình xây dựng mới cùng cao độ với các công trình liền kề (minh họa tại phụ lục 5, 6, 10).
3. Đối với các khối nhà nhìn thấy từ tuyến phố phía sau hoặc bên cạnh: phải có kiến trúc mặt đứng phù hợp, tuân thủ quy định về tầng cao và khoảng lùi của các tuyến phố đó.
4. Mật độ xây dựng tối đa tính theo diện tích lô đất xây dựng công trình (bảng 2):
Diện tích lô đất (m2) | ≤ 50 | ≤ 75 | ≤ 100 | ≤ 200 | ≤ 300 |
Mật độ xây dựng tối đa (%) | 100 | 90 | 80 | 70 | 60 |
Đối với các lô đất có diện tích nằm giữa các giá trị nêu trên, mật độ xây dựng tối đa được xác định tương ứng theo công thức nội suy theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành.
5. Mật độ xây dựng tối đa và hệ số sử dụng đất tối đa tại các lô đất xây dựng công trình có diện tích lớn hơn 300m2 (bảng 3):
Số tầng | Mật độ xây dựng (%) | Hệ số sử dụng đất (lần) |
1 | 70 | 0,7 |
2 | 60 | 1,2 |
3 | 50 | 1,5 |
4 - 7 | 45 | 1,8 |
6. Khoảng lùi tối thiểu của lớp sau:
Trong trường hợp chưa có thiết kế đô thị hoặc quy hoạch chi tiết, được phép xác định khoảng lùi lớp sau dựa theo chiều sâu lô đất xây dựng công trình và các giá trị tại bảng 1 (Quy định mật độ, tầng cao xây dựng và khoảng lùi theo ô phố) tại điều 7, với các giá trị nhỏ và lớn lấy tại cột Khoảng lùi tối thiểu của lớp sau. Cụ thể (bảng 4):
Chiều sâu lô đất (m) | Chiều sâu lô đất (m) |
<6 | Khoảng lùi (nếu có) lấy bằng giá trị nhỏ; chiều cao tối đa toàn công trình không quá chiều cao tối đa lớp nhà mặt phố |
6 | Lấy bằng giá trị nhỏ |
Từ trên 6 đến gần 9 | Lấy bằng giá trị trong khoảng và bằng khoảng lùi chung các nhà xung quanh. |
≥ 9 | Lấy bằng giá trị lớn |
7. Quy định về độ vươn và nhô ra của các bộ phận công trình
a) Độ vươn tối đa của ban công, mái đua, ô văng so với chiều rộng lộ giới (bảng 5):
Chiều rộng lộ giới (m) | Độ vươn tối đa (m) |
< 6m | 0 |
6 ÷ 12 | 0,9 |
> 12 | 1,12 |
b) Độ nhô ra của các bộ phận công trình (bảng 6)
Cao độ so với mặt hè (m) |
Bộ phận được nhô ra | Độ vươn tối đa (m) | Cách mép vỉa hè tối thiểu (m) |
0 | Bậc thềm, vệt dắt xe | 0,3 | |
0 - 1 | Ống đứng thoát nước mưa | 0,2 | |
≥ 1 |
- Ống đứng thoát nước mưa - Bậu cửa, gờ chỉ, chi tiết trang trí |
0,2 | |
≥ 2,4 | Chi tiết kết cấu di động: Mái dù, cánh cửa | 1,0 | |
≥ 3,5 |
Chi tiết kết cấu cố định: - Ban công, mái đua, máng nước - Mái đón, mái hè phố. |
1,0 0,6 |
Xem tiếp:
Bình luận của bạn