Tiềm năng phát triển không gian cảnh quan khu vực bãi giữa sông Hồng: Cơ hội phát triển không gian xanh cho cộng đồng

Thứ 4, 05/06/2024, 17:05 (GMT+7)

Chia sẻ

Khác với khu phía Tây, khu phía Đông hội tụ đầy đủ lợi thế để trở thành một trung tâm đô thị phát triển bền vững, đảm bảo cả yếu tố kinh tế, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Với khí thế phát triển hạ tầng, kết nối bờ Tây và bờ Đông những tiềm năng về không gian, kiến trúc cảnh quan hai bờ sông Hồng sẽ được đánh thức. Khu vực ven sông Hồng được định hướng phát triển thành hành lang xanh trung tâm của thủ đô theo Quyết định số 00/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 và đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên sẽ trở thành trung tâm của không gian xanh này. Chính vì vị trí quan trọng, kết hợp với những yếu tố đặc trưng về địa hình, thủy văn và cả về dân cư, văn hóa – xã hội nơi đây, thì cần phải có những giải pháp thiết kế phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển tổng thể của khu vực nội đô nói riêng và của toàn thành phố Hà Nội nói chung, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là khai thách hiệu quả các không gian bị lãng quên – khu vực Bãi Giữa sông Hồng trở thành không gian xanh cho cộng đồng Thủ đô.

Khái niệm và khung lý thuyết
1.1. Khái niệm không gian công cộng

Hiện nay, vẫn chưa có khái niệm thống nhất về không gian công cộng, mỗi quan điểm về không gian này được các nhà chuyên gia đặt ở các bối cảnh khác nhau sẽ cho ra các quan điểm khách nhau. Theo quan niệm của đại đa số mọi người, không gian công cộng (KGCC) có thể hiểu là những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, quyền này được pháp luật bảo vệ. Môi trường công cộng được cấu thành từ các yếu tố không gian (space), môi tường (environment), tính công cộng (public) và cộng đồng (community), bao gồm cả các yếu tố vật thể như không gian thuộc sở hữu công cộng và được tham gia các hoạt động, lao động, nghỉ ngơi, bởi cộng đồng, dân chúng.

Thường thì các KGCC có thể là một khu vực rộng lớn được quy hoạch cho người dân đô thị như công viên, quảng trường, trung tâm thương mai, giáo dục, y tế, văn hóa, bờ hồ, sân chung. Các KGCC được giới hạn bao gồm các không gian mở, người dân được tự do tiếp cận.

Tại Việt Nam, thuật ngữ “KGCC” lần đầu tiên được nêu trong Nghị định số 42/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị; Tại Thông tư số 34/2009/TTBXD của BXD ngày 30/9/2009, KGCC được mô tả là “Không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên, vườn hoa, quảng trường, khu vực đi bộ được tổ chức, không gian mở, có điểm vui chơi nghỉ ngơi giải trí phục vụ đời sống tinh thần dân cư đô thị”.

Theo Thông tư số 19/2010/TT-BXD, KGCC là các công viên/vườn hoa/sân chơi. Trong một số VBQPPL khác, có những định nghĩa về cây xanh sử dụng công cộng, vườn hoa, vườn đi bộ, sân chơi, quảng trường công cộng…

1.2. Khái niệm không gian xanh

Định nghĩa về “không gian xanh đô thị” là một vấn đề luôn được tranh luận và chưa có sự thống nhất. Trên thế giới đã có rất nhiều định nghĩa được đưa ra. Mỗi chuyên ngành khác nhau đã đề xuất các định nghĩa khác nhau từ góc độ chuyên môn của họ, chẳng hạn như: Không gian xanh đô thị, không gian mở đô thị, hệ thống vườn đô thị, hệ thống vườn sinh thái (Manlun, 2003). George Wu (1999) cho rằng không gian xanh ám chỉ những khu đất được bao phủ bởi thảm thực vật tự nhiên hoặc nhân tạo trong khu vực xây dựng và các khu vực quy hoạch. Bayram Cemil Bilgili and Ercan Gökyer (2012) đã định nghĩa không gian xanh từ một góc độ khác, có tính đến các tác động của con người vào tự nhiên – Không gian xanh được định nghĩa là những khu vực đô thị nơi xảy ra sự chuyển đổi các hệ sinh thái tự nhiên hoặc bán tự nhiên – thành khônggian đô thị dưới các hoạt động của con người. Từ góc độ quy hoạch cảnh quan và thiết kế đô thị, Ling Zhang (2001) đã định nghĩa không gian xanh gần như là tất cả các khu vực trong thành phố và các khu vực xung quanh nó, cho phép mọi người hòa mình vào với thiên nhiên. Theo tổ chức Greenspace Scotland: Không gian xanh là “lá phổi xanh” của các thị trấn và thành phố.

Về cơ bản, “không gian xanh” là bất kỳ diện tích thảm thực vật nào đó trong khu vực. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) định nghĩa không gian xanh là đất đai mà một phần hoặc hoàn toàn bao phủ bởi cỏ, cây, cây bụi, hoặc thảm thực vật khác. Chúng bao gồmc ác công viên, vườn cộng đồng, và nghĩa trang.

1.3. Khái niệm không gian bị lãng quên

Trong xu hướng quy hoạch lại các TP, việc thay đổi chức năng sử dụng của không gian các cơ sở sản xuất cũ theo diện buộc phải di dời hoặc gỡ bỏ là tất yếu. Một diện tích lớn của các khu đất, tòa nhà, phân xưởng, nhà kho trở thành nơi không có mục đích sử dụng cụ thể đã thu hút công dân, nghệ sĩ, thanh thiếu niên, trẻ em… tạo lập các sân chơi và không gian để thử nghiệm.

Theo nghĩa bóng, “lãng quên” được dùng với ý nghĩa bị lãng quên khỏi ý thức của cộng đồng, khỏi con mắt “thèm thuồng” của những nhà đầu tư tài chính, và khỏi tầm nhìn của các nhà quy hoạch “TP mới”. Theo nghĩa đen, chúng là “không gian tự do”, không bị ảnh hưởng bởi các tuyên bố chính trị và thị trường, và do đó, trở thành nguồn cung cấp những ý tưởng mới trong TP sáng tạo.

Theo quan điểm của các nhà quy hoạch Chủ nghĩa Hậu hiện đại thì: Các không gian bị lãng quên dưới quan điểm “lãnh thổ” được định nghĩa là:

Những không gian trung tâm TP, khu dân cư, khu vui chơi giải trí là những ví dụ về các không gian có lãnh thổ;

Các vùng đất bị lãng quên trong đô thị là những không gian phi lãnh thổ.

Lãnh thổ được hiểu là “Việc tạo ra ý nghĩa trong không gian xã hội thông qua nghiêng việc tạo ra các kết nối có chủ đích” (Brown & Lunt, 2002). Các tòa nhà trước kia của dự án Zone 9, hay 3A Station là những không gian có lãnh thổ cho đến khi suy tàn hoặc bị lãnh quên do đang trong thời gian chuyển đổi chức năng; khi nó mang tính chất mới, “phi lãnh thổ” và được sử dụng cho nghệ thuật thử nghiệm. Quá trình “khử” lãnh thổ là sự mất ổn định và dần loại bỏ các ý nghĩa ổn định.

1.4. Hành lang xanh

Trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế đô thị, trên thế giới sử dụng nhiều khái niệm khác nhau gắn với quá trình thiết lập cấu trúc không gian xanh đô thị như: Nêm xanh, đường xanh, mạng xanh, hạ tầng xanh… Tuy nhiên, không gian xanh được thiết lập với cấu trúc rõ rệt, phổ biến nhất trong cơ cấu quy hoạch chung đô thị lớn là vành đai xanh và hành lang xanh. Nếu như vành đai xanh với vai trò chính là ngăn cản sự mở rộng thiếu kiểm soát của đô thị, đã được giới nghiên cứu thống nhất chung; thì hành lang xanh còn là khái niệm có nhiều nhận thức khác nhau.

Nhiều quan điểm cho rằng: Hành lang xanh chỉ các không gian mở tuyến tính, bao gồm các công viên cây xanh, đất nông nghiệp hoặc các khu vực tự nhiên, bán tự nhiên được hình thành dưới dạng các dải đan xen bên trong hoặc bên ngoài đô thị vì các mục đích bảo vệ môi trường và cảnh quan. Đa số trường hợp hành lang xanh được thiết lập dựa trên tuyến không gian tự nhiên – các dòng sông… Ở Hà Nội, sông Hồng và sông Đuống là cơ sở tạo lập hành lang xanh chủ đạo của đô thị trung tâm. Xét về mặt lịch sử quy hoạch Hà Nội, sông nói chung và sông Hồng nói riêng còn là yếu tố quan trọng trong việc thiết lập cấu trúc không gian TP từ thời cổ đại cho đến ngày nay.

Quy hoạch Chung xây dựng Thủ đô Hà Nội chỉ rõ quan điểm về hành lang xanh đã có sự mở rộng khi chấp nhận các khu vực chức năng có mật độ thấp như Công viên giải trí, Khu du lịch sinh thái, Khu vực bảo vệ di sản văn hóa nhằm tạo lập, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị.

Như vậy, hành lang xanh có những điểm tương đồng với vành đai xanh khi dựa trên các yếu tố của không gian xanh. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất có lẽ không chỉ ở mặt hình thái học, khi hành lang xanh có dạng tuyến dải, còn vành đai xanh là một tròn khép kín, mà còn ở quan điểm tạo lập diện mạo cho TP hai bên sông.

1.5. Hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ

Theo những quy định của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hành lang bảo vệ đê điều là một khái niệm để chỉ phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, trong đó bao gồm các công trình bảo vệ đối với tất cả các loại đê được đặt ở những vị trí mà đê đi qua đặc biệt là trong khu dân cư hoặc các khu đô thị cũng như các khu du lịch. Hành lang bảo vệ đê điều được tính từ chân đê cách 5m hướng về phía mặt sông và hướng về phía Đông tức là phía trong khu vực được bảo vệ.

Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã chỉ rõ vùng đất bãi giữa nằm kề cận mép sông đã được xác định nằm trong hành lang thoát lũ.

2. Sự cần thiết trong việc khai thác các không gian bị lãng quên trong đô thị trở thành các không gian công cộng đa chức năng

2.1. Vai trò và sự cần thiết của không gian công cộng trong đô thị

Một đô thị chứa trong nó ba không gian: Không gian vật thể, không gian kinh tế và không gian văn hóa – xã hội (Trương Quang Thao). Trong đó, không gian văn hóa xã hội nhấn mạnh về những mối quan hệ kết nối những con người từ không gian riêng đến không gian chung. Đó là những không gian lao động, không gian nhà ở (nơi ăn ở), không gian diễn ra các hoạt động giao tiếp chung. Không gian công cộng (KGCC) là nơi thể hiện rõ nét nhất các hoạt động chung, giao tiếp với nhau này. Nhìn chung, theo Z. Müge Akkar Ercan không gian công cộng có những vai trò chính sau:

Vai trò sinh thái (ecological roles): KGCC góp phần tạo nên môi trường khỏe mạnh về mặt sinh thái.

Một KGCC cộng với nhiều cây cỏ có thể cải thiện khí hậu, tăng cường trao đổi không khí, lọc bụi, điều hòa nhiệt độ, tạo bóng mát. Đặc biệt với những thành phố nằm ở vùng nhiệt đới như Việt Nam thì vai trò này càng thể hiện rõ nét hơn;

Vai trò chính trị (political roles): KGCC là không gian mở cho tất cả mọi người, đó là không gian cho phép phát triển một xã hội dân sự. Nó cho phép các cá nhân có quyền biểu đạt, chọn lựa những hành động của mình như là một dư luận xã hội. Nó khuyến khích con người sử dụng và tham gia vào khu vực công cộng, cho phép con người có cơ hội tự do hành động, tự do thể hiện mình, và tương tác với người khác một cách tự do. Nó hướng đến một xã hội tự do. Một số học giả cho rằng, không gian công cộng còn là nơi giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột do được tự do thể hiện quan điểm trong các cuộc thảo luận công cộng. Vì vậy, KGCC là nơi để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn chính trị lành mạnh hơn so với việc giữ chúng ở nơi không gian tư;

Vai trò kinh tế (economic roles): Xuyên suốt lịch sử đã cho thấy đã có rất nhiều hoạt động kinh tế diễn ra nơi KGCC do việc thu hút người qua lại tham gia. Ví dụ như hội chợ, triển lãm nơi công viên, hay một khu vực công cộng nào đó. KGCC còn làm tăng giá trị kinh tế của đất do việc tạo ra và duy trì tình trạng không gian tốt xung quanh. Thực tế cho thấy, nơi nào có không gian công cộng tốt sẽ tỷ lệ thuận với giá trị bất động sản của nơi đó;

Vai trò biểu tượng (symbolic roles): KGCC mang bản sắc của một thành phố. Một trong những thành phần quan trọng nhất góp phần tạo nên bản sắc đó chính là đường phố. Nó quyết định sự cuốn hút, hấp dẫn hay làm cho thành phố lu mờ qua các con đường. Ngoài ra còn có những không gian khác tạo điểm nhấn cho thành phố như quảng trường chẳng hạn;

Vai trò thẩm mỹ (aesthetic roles): KGCC góp phần vào vẻ đẹp cho thành phố. Nó cải tiến, nâng cao chất lượng của thành phố. Vai trò thẩm mỹ của không gian công cộng thường được biểu qua nghệ thuật công cộng (public art). Đây được xem như là điểm nhấn của không gian và vì vậy, phần nào hỗ trợ thêm cho vai trò biểu tượng, từ đó góp phần làm nổi bật thêm bản sắc KGCC;

Vai trò tâm lý (Psychological roles): KGCC giúp cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần của con người trong nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, một bệnh nhân nếu được trải mình trong không gian cây cối sẽ mau phục hồi hơn so với những bệnh nhân phải nằm trong căn phòng nhỏ với những bức tường. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, khi con người được kết nối với con người và thiên nhiên trong môi trường KGCC sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống, giúp thư giản, giảm stress hiệu quả hơn;

Vai trò tương tác xã hội (social interaction roles): KGCC mang đến nơi chốn cho con người gặp gỡ, gắn kết với nhau. Thông qua tương tác xã hội giúp con người khám phá được chính mình, người khác, và về môi trường sống mà mình thuộc về, giúp họ có cảm giác liên kết cá nhân trong thế giới đầy biến đổi. KGCC đóng vai trò xã hội vô cùng quan trọng trong việc liên kết tất cả các thành phần, các nhóm xã hội lại với nhaum à không phân biệt giai cấp, nguồn gốc xã hội, thị tộc, giới, tuổi tác. Từ đó nó tiến tới một bước quan trọng trong việc cố kết xã hội (social cohesion).

2.2. Sự thiếu hụt về KGCC và không gian xanh ở đô thị Việt Nam

Theo tổ chức UNESCO, KGCC được định nghĩa như những khu vực chung mà mọi người đều có thể thoải mái tiếp cận, không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, sắc tộc, tôn giáo. Đó có thể là quảng trường, công viên, đường dạo bộ ven sông, khu vui chơi ngoài trời… phục vụ cho các nhu cầu thư giãn, kết nối, tương tác trong cộng đồng. So với các nước trên thế giới, không gian cộng đồng ở Việt Nam còn khá đơn giản về thể loại, hình thức thiết kế, hay trải nghiệm. T

hêm vào đó, số lượng mảng xanh cùng không gian chung ở Việt Nam đang dần bị thu hẹp lại nhường chỗ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ xét riêng về mật độ cây xanh, cụ thể tại Hà Nội, hiện nay là một trong những đô thị có mật độ dân số lớn nhất thế giới (lên đến 2.398 người/km2), trung bình người chỉ được cung cấp từ 2-3 m2 mảng xanh, thấp hơn rất nhiều so với con số 9m2/ người mà WHO khuyến cáo là cần thiết để được sống khoẻ mạnh và cân bằng. Đa phần các đô thị lớn trên thế giới đều đảm bảo mỗi người dân có trên 20m2/ mảng xanh, con số này ở Singapore và Seoul lần lượt là 30.3/m2/người và 41/m2/người. Ở Vienna, số liệu còn được ghi nhận lên tới 120/m2/người.

 
Hình 1. Diện tích cây xanh trên đầu người giữa các thành phố của Việt Nam và trung bình trên thế giới
 
Đứng trước sự tăng nhanh chóng về mật độ dân số mà đất dành cho công cộng thì không tự sinh thêmđ ược. Vì vậy, việc quan tâm và sử dụng hiệu quả các không gian lãng quên là rất cần thiết để phục vụ cho người dân. Đặc biệt, đối với những không gian ven sông, việc phát triển cải tạo sẽ mang đến một diện mạo mới cho đô thị, giúp hình thành các trục văn hóa – cảnh quan sinh thái dọc theo con sông và khai thác được quỹ đất phát triển mới.

Theo các chuyên gia về quy hoạch và cảnh quan đô thị, những thành phố có quy hoạch ven sông thành công trên thế giới đã kết hợp một cách ấn tượng những công viên đầy sức sống, lối đi bộ, hoạt động văn hóa, cùng không gian cho dân cư và thương mại, thu hút cả người dân địa phương và du khách, giúp đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Trên thế giới đã có rất nhiều nước thực hiện quy hoạch phát triển các khu đô thị, các KGCC, dịch vụ thương mại ven sông trong chính Thành phố của mình.

3. Cơ sở khoa học để khai thác hiệu quả các không gian bãi giữa sông Hồng

3.1. Cơ sở về vị trí, lịch sử hình thành và phát triển

Trên suốt chiều dài sông Hồng có rất nhiều những bãi bồi lớn nhỏ hình thành giữa sông. Nhưng lớn nhất tính đến nay, đó là Bãi Giữa thuộc các phường Tứ Liên, Chương Dương của Hà Nội. Bãi Giữa là tên nôm còn tên chữ là Trung Hà. Do phải dời bỏ làng quán, và An Xá lại là quê của danh tướng Lý Thường Kiệt (tên thật là Ngô Tuấn) nên dân Cơ Xá được miễn thuế đò ngang, đò dọc và thuế hoa màu kéo dài trong nhiều thế kỷ. Thời Nguyễn, làng Cơ Xá và Bắc Biên thuộc phường Cơ Xá, huyện Thọ Xương (tỉnh Hà Nội).

Năm 1851, Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai đề nghị chuyển Cơ Xá về huyện Gia Lâm (tỉnh Bắc Ninh). Trong nhiều thế kỷ, Bãi Giữa không có dân sinh sống. Thời Trần, các tướng cho luyện thủy quân ở bến Đông Bộ Đầu (khu vực phố Hòe Nhai ngày nay) và Bãi Giữa là vị trí cho quân sĩ tập đổ bộ, phủ cát kín người luyện bài binh phục. Vào mùa mưa lũ, ngư dân vây quanh Bãi Giữa sống nhờ nghề đánh cá.

Năm 1911, bộ phận làng Cơ Xá ở bờ phải sông Hồng thuộc Hà Nội và có tên Phúc Xá (gồm các bãi: An Dương, Nghĩa Dũng, Phúc Xá ở phía trên cầu Long Biên, Bãi Giữa và Bắc Biên). Bộ phận ở bên trái sông (Cơ Xá nam) thuộc huyện Gia Lâm (tỉnh Bắc Ninh).

Cũng từ năm này, Bãi Giữa bắt đầu có dân ra đây sinh sống. Lý do là thành phố thực hiện giải tỏa các khu nhà tranh trong nội đô, nhiều gia đình không có giấy tờ không được đền bù đã ra đây canh tác và họ chỉ phải đóng chút thuế rất nhỏ cho xã Phúc Xá. Bãi Giữa xanh mướt khi dân chúng trồng ngô, khoai lang, sau đó là trồng dâu chăn tằm. Từ đầu bãi đến cuối bãi có một con đường chính, hai bên có các đường xương cá vào các xóm.

Nhưng Bãi Giữa của nhà thơ Thanh Hào đã không còn bình yên khi Mỹ ném bom miền Bắc mà cầu Long Biên là trọng điểm. Năm 1966, 1967, bãi xanh ngắt loang lổ hố bom. Cuối tháng 12-1972, Mỹ lại đánh phá và lần này bằng máy bay B52. Bom trúng nhịp giữa cầu Long Biên và lạc sang Bãi Giữa.

 
Hình 2. Khu vực bãi giữa những năm đầu thế kỷ 20
 
Nhiều năm trở lại đây, do thượng nguồn sông Hồng xuất hiện các công trình thủy điện lớn nhỏ nên dường như con sông quanh năm đỏ ngầu phủ sa này không còn lũ. Ngay cả mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về cũng không tạo ra những con lũ hung hãn làm sói lở đất bãi. Bãi Giữa ổn định hơn, xanh ngắt màu xanh của chuối. Nó trở thành bãi tắm về mùa hè và là chốn chơi thú vị quanh năm của giới trẻ, chợt nhận ra rằng đối nghịch với sự ồn ào, người-xe chen lấn trong cái nhịp phát triển của đô thị là hình ảnh một Bãi Giữa đơn sơ giản dị nằm ngay bên hông trung tâm thành phố. Tuy nhiên, thực tế là do bối cảnh lịch sử, hiện trạng sử dụng, không gian Bãi Giữa dường như đã bị lãng quên trong đô thị, bởi vậy mà nó vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy các giá trị vốn có của nó. Trong bối cảnh, đô thị hóa hiện đại hóa, Bãi Giữa không thể chỉ phục vục ho việc canh tác trồng rau,… mà nó còn phải đảm bảo các chức năng khác như những KGCC đô thị và hơn thế nữa (Công cộng, dịch vụ, thương mai, giáo dục,…).

 
Hình 3. Bãi Giữa Sông Hồng hiện nay
 
3.2. Cơ sở về cảnh quan tự nhiên

Khu vực Bãi Bồi, Bãi Giữa sông Hồng đoạn chảy qua khu vực trung tâm Hà Nội có đặc điểm sinh học đa dạng, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Một thuộc tính quan trọng của khu vực này là sự chuyển tiếp giữa không gian thiên nhiên, mặt nước cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, giữa không gian đóng và không gian mở, giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái mặt nước. Bãi Bồi, Bãi Giữa ven sông biến đổi tùy theo chu kỳ mực nước dâng.

Khu vực Bãi Giữa có cốt cao nên không bị ngập lụt. Cây xanh và hệ thực vật tồn tại lâu dài xen kẽ một vài ruộng rau của người dân ven sông. Trong khi đó, các lạch cạn ven bờ có xu thế được bồi đắp, cả tự nhiên và nhân tạo. Việc quản lý, khai thác, sử dụng ở cả hai khu vực Bãi Giữa và Bãi Bồi ven bờ sông Hồng gần như chưa được quan tâm.

3.3. Cơ sở về đặc điểm địa chất, thủy văn

Đối với khu vực ven sông, chủ yếu là mực nước lên xuống thất thường khiến các dải thực vật bị khô hạn vào mùa cạn và ngập lụt vào mùa mưa. Tác động của sự biến đổi thất thường của mực nước sông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hệ động thực vật, sự mất cân bằng sinh thái thiên nhiên, mà còn ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân ven sông.

Điều kiện nóng khô và cạn nước sẽ khiến một số loại cây trồng không sống được, chỉ một số loài cây dại vẫn sống được. Khi nước ngập vào mùa lũ, chỉ một số loài cây thích nghi sống trong nước ngập. Một số cây cao tạo nên những điểm nhấn của không gian mặt nước. Trong mùa nước, hoạt động sản xuất và đi lại của cư dân ven sông gặp nhiều khó khăn. Những sinh hoạt vui chơi giải trí bị ngừng trệ. Tất cả đặt ra những bài toán đầy thách thức cho việc cải tạo cảnh quan bãi bồi bãi nổi ven sông tại khu vực đoạn chảy qua nội đô.

3.4. Cơ sở về pháp lý và định hướng phát triển

Hà Nội công bố kế hoạch lập Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2030 theo Luật Quy hoạch 2017. Theo đồ án quy hoạch, quận Long Biên phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, kết nối khu vực hành lang xanh giữa sông Hồng và sông Đuống. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Theo quy hoạch, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân trong tương lai.

Khu vực Bãi Giữa sông Hồng chảy qua khu vực nội độ trên địa bàn hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm đang được định hướng để phát triển thành công viên, nằm trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo quy hoạch thì 70% diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh theo hệ thống công viên – hồ điều hòa đồng bộ, 30% còn lại để phát triển đô thị.

3.5. Cơ sở về kinh tế xã hội

Sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội có chiều dài lên đến 117km với bề rộng bãi sông khác nhau theo từng phân đoạn, đi qua khu vực đô thị trung tâm đông dân cư. Số lượng người sống ở các khu vực bãi sông, nơi chịu các rủi ro về nhập lũ trên địa bàn TP Hà Nội là rất lớn, lên đến hơn 622 nghìn người, chiếm khoảng 8,22% tổng số dân số của TP. Các tuyến sông có nhiều dân cư sinh sống ở vùng bãi sông. Khu vực Hữu Hồng hơn 200 nghìn người, Tả Hồng hơn 91 nghìn người, Hữu Đáy hơn 196 nghìn người và Tả Đáy hơn 98 nghìn người. Nhiều khu vực dân cư đô thị thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm với lượng dân cư sống ở vùng bãi sông là khá lớn.

Tổng diện tích đất tự nhiên ở các khu vực bãi sông của TP là hơn 39.756ha,trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20.081ha (chiếm 50,51%), diện tích các khu dân cư hiện có là 4.557ha (chiếm 11,46%), còn lại là đất tự nhiên. Có thể thấy rằng mặc dù là các khu vực bãi sông song mật độ dân cư tập trung khá cao, lên tới 1600 người /km2. Tỷ lệ diện tích đất dân cư so với đất tự nhiên cũng khá lớn (13%) với các khu ở mật độ cao. (Nguồn: Điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội). Tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất quy tắc đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.

Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng. Nằm tại địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, diện tích khu vực này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực Bãi Giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó, có một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Từ thực trạng trên cho thấy chúng ta đang có một quỹ đất giá trị trong đó có một phần bãi giữa khá ổn định hệ sinh thái tự nhiên, và một phần bãi bồi ven bờ không ổn định vì cao độ thấp thường xuyên ngập nước, đồng thời tiếp giáp gần với khu dân cư.

4. Giải pháp cải tạo nhằm khai thác hiệu quả các không gian lãng quên trong đô thị – trường hợp bãi giữa sông Hồng

Ngày nay, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa một cách nhanh chóng tại các đô thị lớn. Một mặt mang tới những cơ hội, những ưu đãi lớn cho nhân dân đô thị, nhưng mặt khác cũng gây ra rất nhiều những khó khan bởi sự bùng nổ dân số dẫn tới sự mất cân bằng và thiếu hụt các KGCC. Điều đó dẫn tới những vấn đề bất cập trong hệ thống quản lý đô thị cũng như sự hỗn loạn trong đời sống xã hội của nhân dân.

Đặc biệt, đối với khu vực Bãi Giữa chủ yếu được sử dụng cho mục đích trồng trọt, nay sẽ phải có những đề xuất định hướng cụ thể để quảng bá tốt được hình ảnh văn hóa bản địa quê hương.

4.1. Các quan điểm khai thác các không gian bị lãng quên

Khai thác các không gian lãng quên trong đô thị giúp làm tăng lên diện tích KGCC phục vụ người dân. Đó là các đề xuất và giải pháp trên cơ sở vận dụng hợp lý các nguyên tắc can thiệp phù hợp trên từng vị trí, đặc điểm hiện trạng của từng khu việc, nhằm đưa ra các đánh giá, phân tích giúp việc cải tạo nâng cao chất lượng sử dụng các không gian đó.

Tóm lại, việc khai thác cải tạo các không gian lãng quên là rất cần thiết trong bối cảnh bùng nổ dân số như hiện nay. Không chỉ vậy, việc nâng cao chất lượng phục vụ các không gian đó cũng mang đến rất nhiều những tiềm năng lớn cho đô thị mà lâu nay chúng ta đã vô tình lãng quên. Đặc biệt, đối với các không gian ven sông, điển hình là khu Bãi Giữa sông Hồng, nơi mà thậm chí phần lớn người dân sinh sống ở Thủ Đô có khi còn chưa từng nghe tới, nơi mà thành phố quay lưng. Từ đó, việc tối ưu hóa các không gian này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để đáp ứng tốt hơn cho người dân. Cải tạo, nâng cao chất lượng sử dụng các không gian nhưng vẫn không phá vỡ cấu trúc hay các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên của khu vực nghiên cứu. Thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, làm tang lên các giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học tuyến không gian ven sông theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho các định hướng quy hoạch đô thị sau này.

4.2. Nguyên tắc cải tạo nhằm khai thác các không gian bị lãng quên

Từ những quan điểm như đã nêu trên, việc khai thác cải tạo các không gian bị lãng quên cần phải có những nguyên tắc cụ thể để hiện thực hóa và làm cơ sở lý thuyết cho các đồ án thực tiễn sau này.

Dưới đây là những nguyên tắc chính trong việc khai thác nhằm nâng cao chất lượng sử dụng các không gian bị lãng quên trong đô thị.

Nguyên tắc 1: Tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận không gian

Thông qua việc đánh giá hệ thống giao thông hiện trạng khu vực nghiên cứu, phân tích các yếu tố hiện trạng nhằm đưa ra phương án tiếp cận phù hợp nhất cho không gian. Điều này không chỉ đưa không gian đã từng bị lãng quên lại gần hơn với đời sống người dân mà còn liên quan đến khả năng cung ứng, vận chuyển hàng hóa và tạo điều kiện cho sự phát triển các đô thị vây quanh. Giống nhưng sự công sinh chéo giữa việc vừa phát triển hệ thống KGCC, làm tăng cơ hội cho phát triển đô thị và sự phát triển đô thị lại góp phần nâng cao, bảo vệ các KGCC.

Việc tiếp cận các không gian bị lãng quên đặc biệt là các tuyến không gian ven sông là rất quan trọng, bởi lẽ từ xưa đến nay các dòng sông vốn được coi như là huyết mạch mang đến sự thịnh vượng cho kinh kế liên quan đến nông nghiệp, thương mai, công nghiệp,…

Nhưng sự phát triển của đô thị lại đang quay lưng lại với con sông, bị che khuất, chôn vùi bởi những tòa nhà. Chính vì vậy, để kết nối và xây dựng lại những giá trị vốn có của con sông cần phải có những biện pháp tiếp cận hợp lý.

Nguyên tắc 2: Tạo lập địa điểm thu hút, tiện ích và không gian cảnh quan đặc sắc

Từ những giá trị cảnh quan vốn có của các dòng sông đã được khẳng định qua vô vàn những bức tranh, những bài thơ. Đối với việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông cần nhấn mạnh việc xử lý mặt nước. Điều đó góp phần vào sự tôn vinh các không gian cảnh quan, các tòa nhà thông qua sự phản chiếu của đô thị trên mặt nước thúc đẩy các phong trào nghệ thuật lấy cảm ứng từ thiên nhiên góp phần vào công cuộc tạo lập đời sống bền vững lâu dài hòa thuận với tự nhiên.

 
Hình 7. Các loại hình thức xử lý bờ kè nhạy cảm với nước bởi chuyên gia ADB
 
Bên cạnh việc mượn giá trị con sông như một tấm gương để phản chiếu lại hình ảnh đô thị, việc phát triển cảnh quan ven sông cần có những phương án tổ chức cụ thể, các chức năng phục vụ rõ ràng thông qua việc sử dụng vật liệu xây dựng ốp lát, tạo sự phân chia không gian nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố sáng tạo, đổi mới và năng động. Cung cấp đầy đủ hệ thống trang thiết bị công cộng, phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí, thể dục thể thao của mọi người. Nghiên cứu, đề xuất hệ thống cây xanh phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu khu vực, lựa chọn kỹ các giống loại để đáp ứng đầy đủ các yếu tố bóng mát, mùi hương và cảm xúc không gian thông qua các chủng loại hoa tạo màu sắc linh động trong không gian, linh động thay đổi theo các mùa mang đến sự mới mẻ mà lại rất tự nhiên.

 
Hình 8. Một số hình thức tổ chức trục cảnh quan ven sông
 
Nguyên tắc 3: Cân bằng đa dạng sinh thái với đảm bảo hạ tầng kỹ thuật ven bờ sông

Giải quyết nguy cơ lũ lụt là then chốt để cân nhắc thiết kế các KGCC ven sông, tránh mọi rủi ro đến từ sự tàn phá của các trận lũ ở các lưu vực. Vì vậy việc đưa ra các phương án cải tạo bờ sông cần phải được xem xét cẩn thận để thích ứng với sự dao động khó lường của mực nước.

Tổ chức các không gian mở vuông góc với dòng sông tạo điều kiện cho tầm nhìn và khả năng tiếp cận với mặt nước. Tuy nhiên, cần đảm bảo hệ thống bảo vệ an toàn cho người dân tránh các rủi ro không đang có. Nghiên cứu các giống loài thực vật ven bờ nhằm vừa tạo lập cảnh quan, đa dạng sinh học và bảo vệ diện tích đất liền tránh sạt lở.

Nguyên tắc 4: Không gian mở dọc sông, quảng trường đô thị và trục không gian xanh có tính liên kết

Bố trí các tuyến giao thông đi bộ, đi xe đạp đáp ứng nhu cầu liên tục trong các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới không gian mở, kết hợp với tuyến không gian xanh, tạo các mối liên kết chặt chẽ cho các khu vực chức năng trong hệ thống KGCC ven sông. Việc phân chia không gian cần phải thực hiện khéo léo để vừa phục vụ công cộng nhưng cũng tránh được các xung đột nhạy cảm bởi sự tranh giành, xung đột không gian. Qua đó kích thích các hoạt động diễn ra sôi nổi một cách thoải mái hơn.

TS. KTS Nguyễn Việt Huy
ThS. KTS Đỗ Đình Trọng
KTS. Phạm Quang Chung
© Tạp chí Kiến trúc

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Doãn Minh Thu (2022). Thiết kế cảnh quan khu vực bãi giữa sông Hồng thích ứng biến đổi khí hậu;
Asian Green City Index 2011;
Tường Bách – “Ngắm London từ hai bờ sông Thames”
Ngân hàng phát triển Châu Á ADB (2019) – “Giải pháp thiên nhiên cho các đô thị tại Việt Nam”
Hà Duy Anh – Luận án tiến sĩ: “Phương hướng cải tạo và phát triển các vùng đất ven sông”/ TP. Saint-Petersburg – năm 2012;
Hà Duy Anh – Bài báo: “Tổ chức quy hoạch vùng đất ven sông của các thành phố Seoul, Hồng Kông, Thượng Hải: Vấn đề và hướng giải quyết” / Báo Vestnik – TP. Saints Peterburg, LB Nga/ số 25- 2010/ trang 28-35.


Phố Vật Liệu Xây Dựng - Phố Cát Linh 


Nguồn - 36phophuong.vn

Bình luận của bạn

Tin khác