Tháp Bút, Đài Nghiên

Thứ 3, 19/11/2024, 14:59 (GMT+7)

Chia sẻ

Tháp Bút - Đài Nghiên là biểu trưng của văn chương được xây dựng ngay cổng ngoài đền Ngọc Sơn, qua những công trình này, khách tham quan sẽ đặt chân lên cầu Thê Húc.

Ý tưởng này được các sỹ phu Bắc Hà ở cuối thế kỷ XIX nghĩ ra, mà người đầu tiên khởi xướng là Nguyễn Văn Siêu.

Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), tên hiệu là Phương Đình, người làng Lủ (Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội), đậu Phó bảng năm 1838, vào Huế làm quan, đi sứ nhà Thanh, sau đó được vua Tự Đức bổ làm án sát ở Hưng Yên... Năm 55 tuổi, ông dâng sớ từ quan về mở trường dạy học (trường Phương Đình, nay ở phố Ngõ Trạm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn

Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn

Khi đền Ngọc Sơn được Hội Hướng thiện Hà Nội xây xong, thờ Văn Xương đế quân (vị thần coi việc văn chương khoa cử), năm 1861, Nguyễn Văn Siêu lúc đó bàn với hai ông án sát Hà Nội là Nguyễn Như Cát và Đặng Văn Tá quyên tiền công đức để xây dựng Tháp Bút - Đài Nghiên, và khu cổng đền phía ngoài cầu Thê Húc.

Theo các tài liệu cũ thì trên núi Ngọc Bội, Nguyễn Văn Siêu cho xây một tháp đá hướng vút lên trời, trên đó viết lên ba đại tự Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), gọi là Tháp Bút... Qua Tháp Bút, đến một khu cổng, cổng chính, phía trên đặt một Đài Nghiên, bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, được ba con ếch đội lên. Trên nghiên có khắc một bài minh, nói ý nghĩa việc dựng Đài Nghiên gồm 64 chữ! ở hai bên tả, hữu cổng Đài Nghiên, có bảng rồng và bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng lưu danh những người đỗ đạt cao thời trước.

Cần nói thêm rằng Văn Xương đế quân là vị thần của Đạo giáo, coi việc võ bị binh đao (chiến tranh, bảo vệ đất nước), văn học, phúc lộc, thưởng phạt, họa phúc. Và, đền Ngọc Sơn lập ra là do hội Hướng Thiện, mong mọi người tích đức, làm điều lành, từ đó văn chương, văn hóa mới sáng láng lên được. Để làm rõ chuyện hướng thiện nên bên trong đài Nghiên có hai chữ đắp nổi khá lớn: Thiện và ác, có ý để nhắc nhở mọi người.

Tháp Bút

Tháp Bút

Tháp Bút với ý “tả thanh thiên”, viết lên trời xanh, nghĩa là muốn hướng đến cái cao cả, trong sáng! Còn Đài Nghiên thì có bài minh 64 chữ như sau:

Cổ hữu:

Huyệt địa trực nghiễn
Chú Đạo Đức Kinh
Chước đại phương nghiễn
Trước Hán Xuân Thu
Thạch tư nghiễn dã
Phỉ tượng hà hình.
Bất phương, bất viên
Diệu tồn chư dụng.
Bất cao bất hạ,
Vị hồ quyết trung.
Phủ Hoàn Kiếm thủy,
Ngưỡng thạch bút phong.
ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật,
Hàm nguyên khí nhi ma hư không.

dịch thơ:

Xưa từng:

Chọn mạch đặt nghiên,
Chú Kinh Đạo Đức
Đẽo nghiên vuông vức,
Hán sử chép thêm
Nghiên đá này xem
Tượng, hình có khác,
Chẳng vuông, chẳng tròn,
Chứa nhiều công dụng.
Chẳng cao chẳng thấp
Chọn đúng giữa chừng
Hồ Gươm, soi nước
Tháp Bút nhìn sang.
ứng Thượng Thai mà tỏa mây quầng,
Nuốt nguyên khí mà mài trời rộng.

(Bản dịch của Ngô Văn Phú)

Theo giáo sư Ngô Ngọc Liễn thì: “Nhớ những khi còn nhỏ, đã được nghe các bậc cha, chú kể là: Nghiên đá của thần Siêu vào một giờ nhất định trong ngày nắng, bóng ngọn bút trên Tháp Bút in đúng vào lòng nghiên (ở Đài Nghiên - NVP), và những đêm trời đẹp, sao sáng thấy được sao Thượng Thai soi bóng trong lòng nghiên đầy nước”. (Theo Từ Hải, bộ từ điển lớn của Trung Quốc, Thượng Thai là một ngôi sao sáng ở chòm Đại Hùng)

Đài Nghiên

Đài Nghiên

Việc chọn đặt Tháp Bút và Đài Nghiên ở giữa một Thủ đô văn hiến lâu đời, hẳn các sỹ phu Bắc Hà thời đó, phải xem phong thủy, mạch đất, thế đất kỹ lắm! Và cả ba chữ “tả thanh thiên” và bài minh trên đài Nghiên đều do Thần Siêu (Thần Siêu, Thánh Quát - Cao Bá Quát) viết và soạn ra cả... Chữ đẹp, văn hay, bài minh được người đương thời khen là: “Nhất đài Phương Đình bút”, là bài văn của cây bút hàng đầu Phương Đình...

ở quần thể Tháp Bút - Đài Nghiên còn có đôi câu đối:

Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn
Kình thiên bút thế thạch phong cao.

(ánh đảo, nước hồ đầy mực ngấn
Vút trời, tháp đá bút vươn cao)

Bên bảng Rồng, bảng Hổ có đôi câu đối như sau:

Nhân gian văn trị vô quyền, toàn bằng âm đức
Thiên thượng chủ tư hữu nhãn, đan khám tâm điền.

Xin tạm dịch:

Nhân gian chữ nghĩa riêng ai, nhờ vào âm đức,
Trời cao thiện, nhân có mắt, soi thấu dạ người!

Bảng Rồng, bảng Hổ

Bảng Rồng, bảng Hổ 

Tháp Bút - Đài Nghiên, biểu trưng văn hóa với triết lý cao siêu, hướng thiện quả là một công trình vô giá trong quần thể đền Ngọc Sơn và Hồ Hoàn Kiếm.

ANTĐ - Ngô Văn Phú

Bình luận của bạn

Tin khác