Phố Lò Sũ xưa

Thứ 3, 24/10/2023, 10:17 (GMT+7)

Chia sẻ

Không hiểu vì sao, những người thợ rèn, thợ mộc ở đây đều chuyển sang đóng và bán mặt hàng quan tài gỗ. Tiếng Việt cổ gọi quan tài là hàng sũ, nên con phố này cũng được gọi là phố Hàng Sũ, nhưng tên gọi chính thức lại là phố Lò Sũ.

Một cửa hàng bán quan tài trên phố Lò Sũ (ảnh của Leon Busy chụp 11- 1915)

Một cửa hàng bán quan tài trên phố Lò Sũ (ảnh của Leon Busy chụp 11- 1915)

Như chúng ta đã biết, trong khu phố cổ tên các phố thường đăt tên mở đầu bằng chữ Hàng để nói đến xưa kia đã từng có một mặt hàng được sản xuất, hay được bầy bán trên con phố đó. Nhưng có con phố mà đến nay nghe tên gọi, nhiều người chẳng biết là xưa kia đã từng bán mặt hàng gì. Phố Hàng Sũ mà được gắn biển là phố Lò Sũ là một ví dụ.

Đó là một con đường dài 316m đi từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng , cạnh đền Bà Kiệu, cắt ngang qua các ngã tư phố Hàng Tre - Lý Thái Tổ và Hàng Dầu.

Đây nguyên là đất 3 thôn cũ: đoạn phía đông (cho tới chỗ gặp phố Nguyễn Hữu Huân) là đất hai thôn Sơ Trang và Tả Lâu, tổng Tả Túc; phần còn lại là đất thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc. Tới giữa thế kỷ XIX, Sơ Trang hợp với Tả Lâu đổi thành thôn Trang Lâu; hai tổng Tả, Hữu Túc đổi ra là tổng Phúc Lâm và Đông Thọ, tất cả đều thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.

Những người dân đầu tiên đến thôn Trang Lâu là từ làng Đa Hội (nay thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), họ sinh cơ lập nghiệp bằng nghề rèn từ đời Lê. Họ có lập một ngôi đình thờ tổ nghề rèn. Đình ấy nay là số nhà 32 phố Lò Sũ vẫn gọi là đình Lò Rèn.

Một bộ phận dân cư khác phần lớn là người các làng Liễu Viên, Phương Dực thuộc huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ra lập nghiệp ở đây có tới gần hai trăm năm. Họ mở các cửa hàng làm nghề mộc, đóng giường, tủ, bàn ghế và lan cả sang ít nhà của phố Nguyễn Hữu Huân. Họ lập đền thờ ông tổ nghề mộc ở chỗ bây giờ là số nhà 22 phố Lò Sũ. Còn số nhà 30 phố này thì đình Trang Lâu. (Ở phố Nguyễn Hữu Huân cũng có đình và đền Trang Lâu, chỗ số nhà 77, đó là đình và đền của thôn Sơ Trang cũ. Còn đình ở phố Lò Sũ là của thôn Tả Lâu cũ). Theo thời gian những người thợ rèn, thợ mộc ở đây đều chuyển sang đóng và bán mặt hàng quan tài gỗ. Tiếng Việt cổ gọi quan tài là hàng sũ, nên con phố này cũng được gọi là phố Hàng Sũ, nhưng tên gọi chính thức lại là phố Lò Sũ.

Phố Lò Sũ, thời Pháp thuộc có tên là phố Pui-an (rue Pouyanne), có từ năm 1933. Năm 1945 đổi tên thành phố Nguyễn Trãi. Năm 1949 đổi tên phố thành phố Lò Sũ. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này. Nay thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Hình ảnh phố Lò Sũ đã được các nhiếp ảnh gia người nước ngoài ghi lại từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi mà con phố vẫn còn những cửa hàng bán quan tài. Trong đó có những tấm ảnh ghi chú thích là phố Hàng Hòm. Thực ra phố Hàng Hòm chỉ chuyên đóng các loại rương, hòm sơn đựng quần áo và sau này là các loại va-ly bằng gỗ, chứ không đóng quan tài.

Nguồn tham khảo: "Phố và đường Hà Nội" của Nguyễn Vinh Phúc.

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác