Nhận diện hình thái Đô thị tại Việt Nam - “sơn thủy” và đô thị “tứ giác thủy”

Thứ 2, 21/04/2025, 14:45 (GMT+7)

Chia sẻ

 Bài viết này sẽ giúp sự nhận diện hình thái đô thị được dễ dàng hơn, bước đầu đưa ra nhận định và đề xuất về chiến lược quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.

Giới thiệu

Kiến trúc và Đô thị là những nơi không thể thiếu nhằm tạo cho con người cuộc sống thoải mái, môi trường tư duy nghiên cứu và phát triển văn hóa lành mạnh. Từ xa xưa, người Việt cổ đã biết chọn những cuộc đất tốt để quần cư, lập làng lập ấp, tổ chức sản xuất, cải tạo và phát triển vùng đất của mình. Bên cạnh những kinh nghiệm canh tác nông nghiệp như “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, người Việt còn lưu truyền nhau những kinh nghiệm về địa bàn cư trú tốt như “Nhất cận thị, nhị cận giang” (thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông), những cuộc đất tốt như “khum khum gọng vó, lo ló hình mu” (cuộc đất hình cánh cung như gọng rớ bắt cá và nhô ra phía trước mặt sông hồ giống hình mu rùa). Những ngôi làng truyền thống của người Việt hay kinh đô của các triều đại phong kiến Việt Nam trước thời Nguyễn (1802-1945) đều chủ yếu dựa vào thế đất tự nhiên với những con sông (nguồn nước sinh hoạt và sản xuất), ngọn núi (yếu tố đánh dấu địa hình), từ đó xuất hiện các cặp khái niệm: Sông-Núi, Nước-Non, Đất-Nước và phát triển thành khái niệm Giang sơn – Xã tắc sau này.

 Sông Hồng và núi Tản Viên (Hà Nội – Tràng An)
Sông Hồng và núi Tản Viên (Hà Nội – Tràng An)
 
 Sông Thu Bồn và Núi Đại Sơn (Trà Kiệu – Quảng Nam)
Sông Thu Bồn và Núi Đại Sơn (Trà Kiệu – Quảng Nam)
 
 Sông Hương và núi Kim Phụng (Huế – Thuận Hóa)
Sông Hương và núi Kim Phụng (Huế – Thuận Hóa)
 
Lịch sử cho thấy, cứ mỗi cuộc dời đô thay đổi triều đại lại gắn với một “Cuộc đất” mới mà trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến sự hưng thịnh hay suy vong của các triều đại phong kiến. Thật vậy, từ thành Cổ Loa – Đông Anh của vua An Dương Vương/Thục Phán (257-208 TCN)[1] kinh đô Hoa Lư của vua Đinh Bộ Lĩnh (968-1009)[2], thành Thăng Long – Hà Nội của vua Lý Thái Tổ/Lý Công Uẩn (1010-1788)[3], thành Tây Đô – Thanh Hóa của vua Thánh Nguyên/Hồ Quí Ly (1400-1407[4], thành Phú Xuân – Huế của vua Quang Trung/Nguyễn Huệ (1788-1802)[5], thành Gia Định – Sài Gòn của Nguyễn Vương/Nguyễn Phước Ánh (1836-1859)[6], Kinh Thành Huế của vua Gia Long/Nguyễn Phước Ánh (1802-1945)[7]. Và, đến thời đại Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội/Trung tâm chính trị, Huế/Trung tâm văn hóa, TP HCM (Sài Gòn – Gia Định)/ Trung tâm kinh tế – Là sự xâu chuỗi chiến lược các “Cuộc đất vĩ đại” đó.

Nói theo ngôn ngữ học thuật, “cuộc đất” được lựa chọn để xây dựng những đô thị lịch sử là yếu tố căn bản tạo nên hình thái đô thị, phản ánh bản chất cấu trúc đô thị, và là cơ sở cho sự phát triển bền vững của đô thị. Khái niệm hình thái học đô thị là khoa học nghiên cứu hình thức không gian đô thị, cụ thể hơn là nghiên cứu cấu trúc không gian đô thị, với mục đích nhận diện quy luật chuyển hóa và giá trị của hình thức không gian trong quá trình hình thành và phát triển đô thị. Trên cơ sở đó góp phần quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc không gian đô thị mới mà đó là kết quả tương tác hữu cơ giữa Kiến trúc – Con người và Cảnh quan tự nhiên trong môi trường đô thị[8].

Vì vậy, việc nghiên cứu nhận diện đặc trưng hình thái đô thị lịch sử rất quan trọng, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp bảo tồn – kết thừa – phát huy giá trị các đô thị lịch sử dựa trên đặc điểm địa lý thủy văn của từng vùng đất, và đề xuất định hướng cho việc phát triển đô thị mới ở Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.

Những nét cơ bản của hình thái đô thị lịch sử Việt nam
 Đô thị “Sơn thủy”

Núi – Sông luôn là yếu tố địa hình cơ bản nhất trong các tiêu chí lựa chọn địa bàn cư trú của người Việt cổ nói riêng và cư dân Đông Nam Á nói chung. Khái niệm “Núi – Sông” được Hán hóa bằng cụm từ “Sơn – Thủy” (山水), những cặp từ thường gặp khác là Non – Sông, Non – Nước, Giang – Sơn đều là phạm trù của khái niệm này.

Nếu như sông là nguồn nước thiết yếu cho sự sống thì Núi là yếu tố đánh dấu địa hình để tìm về nơi cư trú. Sông Hồng – Núi Tản Viên (xứ Tràng An), sông Lam – núi Hồng Lĩnh (xứ Thanh-Nghệ), sông Hương – núi Kim Phụng (xứ Huế), sông Thu Bồn – núi Kim Kê (xứ Quảng), sông Sài Gòn – núi Bà Đen (xứ Sài gòn – Gia Định), sông Đồng Nai – núi Chứa Chan (xứ Biên Hòa – Đồng Nai)… Hầu hết các đô thị truyền thống Việt nam hình thành trước tiên đều dựa vào 2 yếu tố cơ bản đó.

Đô thị “Tứ giác thủy”

Là đô thị tọa lạc trên một khu đất nằm giữa một tứ giác nước được hình thành bởi con sông chính và các chi lưu của nó, sử liệu gọi là “Vương đảo”. Sớm nhất có thể nói đến là thành Cổ Loa – Đông Anh (Hà Nội), kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, sau này là kinh đô của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ thứ 10. Tên gọi Cổ Loa xuất phát từ hình dạng xoắn ốc từ thấp đến cao giống chiếc loa kèn. Thành Cổ Loa nằm ở vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ, trên một khu đất đồi nằm ở tả ngạn sông Hoàng Giang (hiện nay đã bị phù sa bồi lấp thành 1 con rạch nhỏ) nối liền sông Hồng với sông Cầu. Về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí địa lý thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ vào thời bấy giờ với tứ giác nước hình thành bởi 3 con sông: Sông Hồng (phía Nam) – sông Cầu (phía Bắc) – sông Hoàng (phía Đông). Tương truyền khi vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa đã gặp sự cố thủy lợi do yếu tố địa hình tự nhiên này, sau đó được sự giúp sức của thần Kim Qui mới xây được thành .

 Sơ đồ thành Cổ Loa
Sơ đồ thành Cổ Loa
 
Thành Thăng Long, kinh đô của nước Đại Việt thời nhà Lý cho đến hết thời Lê Trung hưng (1010-1788) được xây dựng ngay trên vị trí cũ của thành Đại La thời An Nam đô hộ phủ do tướng Cao Biền làm Kinh lược sứ. Thành Thăng Long cũng được xây dựng trên một tứ giác nước hình thành bởi 3 con sông: Sông Hồng (phía Đông) – sông Tô Lịch (phía Bắc) – sông Kim Ngưu (phía Nam), chính yếu tố địa lý này đã gây nên những sự cố thủy lợi tương tự mà vua An Dương Vương đã gặp phải gần 1300 năm trước đó. Tương truyền khi Cao Biền cho xây thành Đại La ở phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay), mấy lần bắt đầu đều bị sạt lở, sau phải nhờ vào thế lực siêu nhiên – thần Bạch Mã giúp sức mới đắp được thành. Đầu thế kỷ 11, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư – Ninh Bình đến đất này, mở mang xây dựng thành mới và đổi tên là thành Thăng Long (hình 5, 6). Khi xây thành nhà Vua cũng gặp phải sự cố tương tự, thành hễ đắp xong lại bị sạt lở, mắt nhà Vua bị sưng tấy, vì thế cũng phải nhờ đến sự chỉ bảo của thần Bạch Mã mới lành bệnh và công việc xây thành mới hoàn tất. Trả lễ cho sự ứng nghiệm này, nhà vua đã phong thần Bạch Mã làm thần Thành Hoàng của Thăng Long, cứ thế các vua đời sau theo đó mà phong vị thần này đến chức “Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.

 Sơ đồ thành Thăng Long thời Lý
Sơ đồ thành Thăng Long thời Lý
 
 Sơ đồ thành Thăng Long cuối thời Lê
Sơ đồ thành Thăng Long cuối thời Lê

Tuy tồn tại trong một thời gian ngắn, xây dựng rất gấp rút chỉ trong vòng ba tháng, thành Tây Đô – Thanh Hóa, kinh đô của nước Đại Ngu do vua Thánh Nguyên (Hồ Quí Ly) xây dựng vào năm 1397 cũng tọa lạc trên cuộc đất hình tam giác hình thành bởi 2 con sông: Sông Mã (phía Tây) – sông Bưởi (phía Đông) và án ngữ phía Bắc là núi Thổ Tượng. Cuộc đất này tuy chưa phải là cuộc đất lý tưởng mà Hồ Quí Ly muốn lựa chọn, tuy nhiên do tình thế cấp bách của hoàn cảnh lịch sử lúc đó trước mối đe dọa xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc), việc ưu tiên phòng thủ quân sự là tối thượng nên cuộc đất được lựa chọn phải có nhiều lợi thế quân sự và thuận lợi về giao thông thủy bộ.

Đô thị cổ Hội An – Quảng Nam tọa lạc ở vị trí gần cửa Đại, trước đây là một quân cảng lớn của Chiêm Thành, nổi tiếng với tên gọi là Cửa Đại Chiêm, đã từng là thương cảng mậu dịch quốc tế quan trọng của xứ Việt Đàng trong dưới thời các Chúa Nguyễn (1558-1765), nằm ở vị trí giao nhau của sông Hoài, sông Thu Bồn và sông Cổ Cò (thông với vịnh Tourane – Đà Nẵng). Tuy chưa từng là kinh đô của vương quốc Chăm-pa (Chiêm Thành) hay vương quốc Đàng trong (Đại Việt), nhưng đô thị Hội An chiếm một ví trí quan trọng về địa kinh tế – chính trị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 19.

Kinh thành Huế được vua Gia Long bắt đầu cho xây dựng vào năm 1805 và cơ bản hoàn thành vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. “Cuộc đất” được lựa chọn để xây dựng kinh đô cũng tọa lạc trên một tứ giác nước hình thành bởi 3 con sông: Sông Hương (sông chính, sông trước ở phía Nam) – Sông Kim Long (sông giữa) – Sông Bạch Yến (sông sau ở phía Bắc). Sông Hương và sông Bạch Yến khép góc ở mặt Đông và mặt Tây tạo nên một khu đất lý tưởng ở giữa mà sử liệu triều Nguyễn gọi là “Vương đảo”. Đây là cuộc đất lý tưởng cho một kinh đô truyền thống phương Đông theo học thuyết Phong thủy, từng là nơi gởi gắm vương mệnh của hai triều đại nghịch thù nhau: Kinh đô Phú Xuân của vua Quang trung/Nguyễn Huệ và Kinh đô Huế của vua Gia Long/Nguyễn Phước Ánh, còn được lưu giữ một cách toàn vẹn cho đến ngày nay.

 Thế đất “Vương Đảo” ở Huế
Thế đất “Vương Đảo” ở Huế
 
 Vị trí Kinh Thành Huế trên “Vương Đảo”
Vị trí Kinh Thành Huế trên “Vương Đảo”
 
Thành Gia Định (tên cũ là thành Phiên An, thành Bát Quái), trên cùng một cuộc đất đã từng tồn tại 2 tòa thành, qui mô lớn nhỏ có đôi chút khác biệt, lần lượt được xây dựng rồi bị phá hủy (1790-1859). Cuộc đất được chọn để xây thành Gia Định cũng tọa lạc trên một tứ giác nước giới hạn 3 mặt bởi 3 con sông: Sông Sài Gòn (phía Đông) – Sông Thị Nghè (phía Bắc) – Sông Bến Nghé (phía Nam). Sau khi chiếm được thành Gia Định và cho phá hủy thành này vào năm 1859, người Pháp đã dịch chuyển tâm đô thị xuống phía Nam và hình thành trung tâm hành chính, kinh tế – cảng biển và quân sự (Quận 1 ngày nay). Quyết định của Đô đốc Charner ngày 11/4/1861 cũng đã ấn định địa phận TP Sài Gòn dựa vào cuộc đất cũ và cho những ranh giới “một mặt là rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè, mặt kia là chính sông Sài Gòn” (hình 11, 12).

Có thể nhận định rằng: Tâm thức “Sông – Nước” trong qui hoạch đô thị truyền thống Việt Nam được định hình từ rất sớm và có sức sống bền bỉ. Những “cuộc đất” được lựa chọn của những vùng đất “Địa linh-Nhân kiệt” đã chứng minh một cách hùng hồn vai trò của nó thông qua lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Tuy có lúc thịnh suy, nhưng những cuộc đất ấy chưa bao giờ bị quên lãng.

 Vị trí thành Gia Định – Sài Gòn
Vị trí thành Gia Định – Sài Gòn
 
 Cảnh quan sông Sài Gòn đầu thế kỷ 19
Cảnh quan sông Sài Gòn đầu thế kỷ 19
 
Nghiên cứu đối sách với các quốc gia châu Á

Đặc trưng hình thái đô thị “Sơn thủy” và “Tứ giác Thủy” không chỉ có ở Việt Nam mà còn là nền tảng mẫu số của các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Theo kết quả thống kê trong Bảng 1 dưới đây, có 9 trong 15 đô thị lịch sử (chiếm 60%) được hình thành dựa trên đặc điểm địa lý của vùng đất có ngọn núi cao đi cùng với dòng sông lớn; đô thị được hình thành trên vùng đất nằm ở ngã ba sông tạo thành một tứ giác nước bao bọc xung quanh. Những đô thị này phổ biến ở các quốc đảo và bán đảo châu Á, thuộc các quốc gia nhận ảnh hưởng của cả nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Niên đại sớm nhất được biết đến là Tế Nam – Trung Quốc (năm 722 TCN) và muộn nhất là Huế – Việt Nam (thế kỷ 19 SCN). Đô thị hình thành dựa vào yếu tố núi sông, tứ giác nước là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên, thể hiện phương thức sản xuất nông nghiệp và giao thông đường thủy xuất hiện từ những giai đoạn đầu của lịch sử các quốc gia châu Á.

 

Kết luận và Kiến nghị

Ở giai đoạn sớm, địa bàn cư trú của người Việt thường được hình thành hai bên những con sông lớn, theo đó kinh đô và dạng thức thành trì của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng được hình thành chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên như thành Cổ Loa – Đông Anh, kinh đô Hoa Lư – Ninh Bình và kinh đô Thăng Long – Hà Nội, đây là dạng thức đô thị phi hình học (non-geographic urban city) có nguồn gốc từ thời cổ đại châu Á.

Bắt đầu từ thời nhà Hồ, dạng thức đô thị đã bắt đầu được hình học hóa (geographic urban city) theo thức hình tứ giác đối xứng tuyệt đối qua trục. Đến thời nhà Nguyễn, với việc nhập khẩu công nghệ xây dựng thành trì châu Âu do Sébastien Le Prestre, lãnh chúa xứ Vauban – Pháp (thế kỷ 17) sáng tạo nên, diện mạo thành quách đã thay đổi. Công trình đầu tiên của thể loại này là thành Gia Định và đỉnh cao là Kinh thành Huế. Tiếp theo đó, hàng loạt thành trì của các tỉnh lỵ theo thiết chế đô thị thời Nguyễn đều được xây dựng bằng dạng thức này.

Từ thời Pháp thuộc trở đi, bên cạnh những đô thị truyền thống bắt đầu xuất hiện loại hình đô thị trục hướng tâm đặc trưng châu Âu mà đại diện có thể nói đến ở miền Bắc là đô thị Hà Nội – Thăng Long, điểm xuất phát chính là Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm ngày nay), ở miền Nam là đô thị Sài Gòn – Gia Định, điểm xuất phát chính là trụ sở UBND TP HCM (trung tâm Quận 1 ngày nay). Cho dù hình thái đô thị có thay đổi, vị trí tọa lạc của các đô thị lịch sử đó vẫn là những cuộc đất với đặc trưng núi sông và tứ giác nước.

Hiện nay, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, những đô thị lịch sử đã bị quy hoạch biến tướng, làm nghẽn dòng chảy của các con sông và các hồ trong hệ thống tiêu thóat nước đô thị trước đây, gây nên hiện tượng ngập úng cục bộ.

Việc phát triển quá mức hệ thống giao thông đường bộ chiếm rất lớn diện tích canh tác nông nghiệp và đất thổ cư tác động đến cơ cấu ngành nghề, và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái. Trong lúc đó, giao thông đường thủy (vốn là đặc trưng của các đô thị cổ châu Á) không được quan tâm đúng mức, các con sông có xu hướng bị nắn dòng cưỡng bức, diện tích mặt nước bị thu hẹp, thảm thực vật triền sông bị bê tông hóa làm suy giảm nhanh chóng lượng thủy sinh cần thiết cho sự sống của các loài thủy hải sản. Sự biến tướng hình thái đô thị này là những tác động thành phần của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, tàn phá môi trường sinh thái đô thị và tác động xấu đến sức khoẻ cộng đồng.

Vì vậy, chiến lược phát triển đô thị trong tương lai, nhất là đối với những đô thị lịch sử, cần phân tách các lớp cấu thành đô thị, sự tiếp biến hình thái đô thị thông qua các giai đoạn lịch sử, tích hợp ưu điểm của các lớp cấu thành ấy để xây dựng thành công thức có mẫu số chung là yếu tố bản địa châu Á và bản sắc đô thị Việt Nam, trước tiên nhằm bảo tồn cốt lõi đô thị lịch sử – sinh thái bản địa, tiếp theo là áp dụng cho các đô thị mới hình thành và sẽ hình thành trong tương lai.

TS.KTS. Lê Vĩnh An*
*Đại học Công nghiệp TP HCM
(Xem đầy đủ: Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2025)

Chú thích:

Tên bài nguyên gốc: Nhận diện hình thái đô thị lịch sử Việt Nam – phần 1: Đô thị “sơn thủy” và đô thị “tứ giác thủy” 
[1] Viện Sử học (1991), Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, tr. 133-134.
[2] Sách Đại Việt sơ lược chép về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô như sau: “Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”.
[3] “Hà Nội nghìn năm thăng trầm, lắng hồn núi sông”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 03 tháng 11 năm 2024. http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=202788&CatId=418.
[4] “Thành nhà Hồ sắp trở thành di sản”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 03 tháng 11 năm 2024. https://web.archive.org/web/20110811100248/http:/vtv.vn/Article/Get/Thanh-Nha-Ho-sap-tro-thanh-Di-san—70d2db8832.html.
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Cố_đô_Huế
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thành_Gia_Định
[7] Mantienne, Frédéric (2003). “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries: The Case of the Nguyen”. Journal of Southeast Asian Studies 34 (3): trang số 525. doi:10.1017/S0022463403000468.
[8] Doãn Minh Khôi (2024), Hình thái học đô thị (Lời Tựa của Nguyễn Quốc Thông), NXB Xây dựng.

Bình luận của bạn

Tin khác