Tóm tắt: Kiến trúc thuộc địa Pháp là một di sản kiến trúc đặc biệt của Hà Nội. Nghiên cứu xem xét vấn đề bảo tồn di sản ở khía cạnh phát triển bền vững. Đây là một phương pháp tiếp cận tổng hòa từ nhiều góc độ văn hóa – xã hội – kinh tế. Từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn bền vững áp dụng cho các mức độ khác nhau trong cấu trúc đô thị của di sản ô phố – tuyến phố – công trình.
1. Bảo tồn di sản và tính bền vững của di sản
1.1 Khái niệm về tính bền vững
Khái niệm về tính bền vững lần đầu tiên được đưa ra năm 1980 bởi một tổ chức về bảo tồn là Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên Liên hợp quốc trong tuyên bố về Chiến lược bảo tồn thế giới. Tới năm 1987, Liên hợp quốc đã thành lập Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển và công bố bản báo cáo Tương lai chung của chúng ta, trong đó đưa ra định nghĩa có tính nguyên tắc phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ.
Năm 1996, Munro đã đưa ra quan niệm rõ ràng hơn về khái niệm bền vững bao gồm ba lĩnh vực: Bền vững xã hội, bền vững kinh tế, bền vững môi trường [1]. Khái niệm này đã được công nhận rộng rãi và được thể hiện ở Hình 1.
Hình 1. Sơ đồ khái niệm bền vững [1]
Bên cạnh đó, sự bền vững chính là đặc tính nội tại của công trình có tính lịch sử trong đô thị. Việc bảo tồn chính là sự tối ưu hóa các đặc điểm và các giá trị nổi bật về lịch sử của công trình và đô thị cổ, tận dụng tối đa các giá trị về vật liệu, cơ sở hạ tầng [2].
1.2 Các vấn đề về bảo tồn bền vững
Trên cơ sở khái niệm bền vững tổng quát, dựa trên những đặc điểm của kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, nghiên cứu đề xuất quan điểm về bảo tồn bền vững di sản kiến trúc thuộc địa Pháp với các nội dung sau:
– Bảo tồn bền vững dưới góc độ văn hóa xã hội
Các công trình di sản hiện hữu trong một xã hội đương đại tạo ra sự cân bằng và hài hòa với thời đại. Công trình di sản không bị loại bỏ nhưng cũng không bị cô lập, bảo tàng hóa. Sự hiện hữu của di sản tồn tại ngay trong đời sống của đô thị, hòa nhập với không gian văn hóa xã hội của cộng đồng. Nó trở thành như một bộ phận hữu cơ của không gian đời sống và tạo điều kiện để các tầng lớp xã hội tiếp cận và sử dụng, qua đó có thể cảm nhận các giá trị mà di sản mang tới cho đô thị. Bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp chính là bảo tồn một phần lịch sử Hà Nội, một thành phố có lịch sử lâu đời trong đó có 80 năm dưới sự thống trị của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị này [3, 4]. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc chính là vật chứng lịch sử cho sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp, văn hóa Đông – Tây. Việc bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội chính là bảo tồn sự đa dạng của văn hóa và ghi nhận sự phát triển mối giao thoa văn hóa nêu trên.
Về mặt xã hội, các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng của thành phố Hà Nội. Từ các công trình công cộng như nhà hát, viện bảo tàng, trường học, nhà thờ đến các công trình nhà ở biệt thự đã tồn tại từ rất lâu và trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống của người dân, kết nối các tầng lớp trong xã hội một cách bền vững.
– Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế (bảo tồn kết hợp khai thác giá trị)
Bảo tồn và khai thác giá trị là hai mặt quan trọng có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp trong quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội được xem là bền vững, khi nó không tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển. Công trình di sản cần được bảo tồn nhưng không phải bị bảo tàng hóa. Nó có thể cộng sinh với kiến trúc hiện đại để phát huy giá trị dưới góc độ kinh tế xã hội. Theo KTS. Hoàng Đạo Kính, các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của thành phố Hà Nội [5]. Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này. Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thể kỉ 20 vốn được ca tụng với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông [6]. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà chúng ta có đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình – tuyến phố – khu vực di sản.
– Bảo tồn bền vững dưới góc độ môi trường
Khái niệm về môi trường trong công tác bảo tồn bao gồm môi trường thiên nhiên và môi trường sinh thái thị giác (Videoecology). Đối với Môi trường thiên nhiên, công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thiên nhiên, như gió bão, nắng nóng, độ ẩm… Ở một góc độ khác, cần phải sử dụng thiên nhiên và làm giàu môi trường thiên nhiên để bảo tồn di sản. Như vậy, việc duy trì và phát triển môi trường vi khí hậu và cảnh quan khu vực di sản (cây xanh, mặt nước) là hết sức quan trọng. Khái niệm môi trường thị giác, được Vasiliy Filin đề xuất [7], công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thị giác. Đây là những nghiên cứu hết sức quan trọng để bảo tồn cả môi trường văn hóa đô thị, đặc biệt đối với các đô thị có giá trị văn hóa lịch sử như Hà Nội. Cần bảo tồn và khai thác các điểm nhìn, hướng nhìn, trường nhìn, góc nhìn có lợi nhất cho di sản trong ngữ cảnh khu vực, tuyến phố gắn liền với công trình di sản. Có thể kết hợp bảo tồn di sản tránh tác động có hại của thiên nhiên mà vẫn bảo tồn môi trường thị giác. Đó là trường hợp đã ứng dụng ở một số kiến trúc di sản trên thế giới như nhà ga trung tâm Strasbourg (Hình 2). Việc sử dụng lồng kính trong suốt vừa bảo vệ vừa duy trì được mối quan hệ thị giác giữa công trình kiến trúc và bối cảnh đô thị.
Hình 2. Nhà ga trung tâm Strasbourg, Pháp với lồng kính phủ công trình di sản [8]
2. Các giải pháp bảo tồn bền vững đề xuất
Cấu trúc đô thị thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp được cấu thành từ các khu phố cổ phía bắc hồ Hoàn Kiếm, phố tây ở phía nam hồ Hoàn Kiếm, khu phố Bùi Thị Xuân (Hình 3). Chúng ta có thể phân loại các ô phố như ô phố nhà ở, ô phố nhà công cộng và ô phố hỗn hợp.
Hình 3. Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1943 [9]
Để phục vụ công tác bảo tồn thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là tiến hành điều tra hiện trạng, đánh giá và phân loại các công trình kiến trúc. Dựa vào các nghiên cứu lịch sử cũng như thực tế cho thấy, cấu trúc các ô phố Pháp về cơ bản không thay đổi nhiều trong suốt một thế kỉ, sự thay đổi rõ nhất nằm ở cấp độ công trình và cảnh quan khu vực.
Có thể nói, các giải pháp kiến trúc đề xuất dựa trên các nguyên tắc cơ bản của quan điểm bảo tồn bền vững, nhưng tùy thể loại công trình, mức độ giá trị và hiện trạng của từng công trình cần có các giải pháp cụ thể, ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới các giải pháp có tính nguyên tắc cho các ngôi nhà có giá trị đặc biệt và giá trị cao. Dựa vào cấu trúc của khu phố, giải pháp đề xuất bảo tồn được dựa trên các cấp độ của cấu trúc đô thị: ô phố – tuyến phố – công trình.
2.1 Giải pháp bảo tồn các ô phố
Một trong những đặc điểm các khu vực được người Pháp quy hoạch xây dựng tại Hà Nội đó là các ô phố được chia vuông vắn, mang tính hình học cao. Về công năng của hệ lưới ô phố hình học này có thể được chia là 3 dạng: ô phố nhà ở, ô phố công trình công cộng, ô phố hỗn hợp.
Dạng chiếm tỉ lệ lớn nhất là các ô phố nhà ở. Những ô phố kiểu này có thể thấy ở khắp nơi trong thành phố. Khu phố dành cho người Pháp phía nam hồ Hoàn Kiếm, ở khu vực phía tây của thành phố như khu Ba Đình, Quán Thánh hoặc khu vực dành cho công chức người Việt ở khu Bùi Thị Xuân. Đa phần các loại nhà ở biệt thự này lúc đầu chỉ được thiết kế dành cho một gia đình cùng người giúp việc. Tuy nhiên, do quá trình phát triển của lịch sử, số lượng nhân khẩu cư trú tại đây tăng gấp nhiều lần cùng với hình thức sở hữu phức tạp của nhiều gia đình khác nhau. Sự thay đổi lớn nhất của các ô phố nhà ở là sự gia tăng của mật độ xây dựng do sự lấp đầy của các không gian lưu không của kiến trúc cơi nới theo nhu cầu của người sử dụng.
Dạng ô phố tiếp theo là dành riêng cho các công trình công cộng như một công trình hành chính, một trường học, một bệnh viện lớn. Các tòa nhà có thể được xây dựng tập trung hay phân tán trong một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh chiếm toàn bộ diện tích một ô phố. Cấu trúc ô phố kiểu này cũng thường xuất hiện ở khu vực trung tâm khu phố Pháp. Với các ô phố loại này, do hiện nay là các cơ quan, công thự của nhà nước nên việc bảo tồn ít nhiều sẽ dễ dàng hơn do tính đồng nhất của chủ sở hữu. Một đặc điểm khác của ô phố công cộng thường có vị trí đẹp trong đô thị do tính chất của các cơ quan công cộng trong quy hoạch. Đối với những ô phố loại này, cần phải tập trung bảo tồn tôn tạo về mặt đứng các công trình, đặc biệt là những công trình hướng ra mặt phố hoặc giao lộ.
Dạng ô phố cuối cùng là ô phố hỗn hợp. Đây là những ô phố bao gồm cả công trình công cộng và nhà ở. Nhà công cộng ở đây có thể là các công trình hành chính, quân sự, y tế, văn hóa, thương mại được xây ở một khu đất rộng, bên cạnh là các nhà ở xây trên các lô đất nhỏ. Có thể thấy, đây là loại ô phố phổ biến nhất ở Hà Nội hiện nay. Những ô phố kiểu này thường xuất hiện ở khu vực trung tâm của khu phố Pháp từ khu vực quảng trường Ba Đình tới khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tới phố Trần Hưng Đạo.
Hình 4. Mật độ xây dựng phố Pháp khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm [10]
Căn cứ vào điều tra về mật độ (Hình 4) được dự án nghiên cứu kiến trúc Pháp của IMV và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội [10], phần lớn những ô phố nhà ở có mật độ xây dựng cao hơn hẳn các ô phố công cộng hoặc hỗn hợp. Mật độ ô nhà ở thường duy trì ở mức trên 40%, cá biệt có ô lên đến trên 80%, trong khi các ô công trình công cộng hoặc công thự có mật độ xây dựng dưới 40%. Quá trình biến đổi này dẫn đến việc nhiều ngôi nhà trong ô phố đã xuống cấp hoặc biến dạng hoàn toàn so với kiến trúc ban đầu. Với những ô phố có mật độ quá cao, có thể cho phép người sử dụng phá bỏ hoặc xây mới toàn bộ công trình nhưng phải đảm bảo hạ mật độ xây dựng xuống mức dưới 40%. Điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng chiều cao của các công trình xây dựng. Vì vậy, để duy trì được tỷ lệ và hình thái ô phố và cảnh quan đường phố, nên tập trung các công trình cao tầng bên trong lõi ô phố để giãn dân tại chỗ. Việc giải phóng diện tích lõi ô phố, dãn dân tại chỗ và bóc tách các kiến trúc mới phát sinh chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh sử dụng và sở hữu vô cùng phức tạp của các căn biệt thự hiện nay. Chính vì vậy, càng cần phải có sự cộng tác, tham vấn của cộng đồng dân cư trong việc triển khai cũng như sự kết hợp của các nhà đầu tư.
Với ô phố công cộng và ô phố hỗn hợp, giải pháp cần thiết là ưu tiên bảo tồn, tôn tạo các công trình công cộng và không gian công cộng, tạo sự kết nối các không gian cảnh quan xung quanh. Với những công trình công cộng lớn có thể tham khảo hồ sơ thiết kế ban đầu tại trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Bảo tồn và tôn tạo hình khối, mặt đứng công trình nhằm giữ được hoặc tìm lại tính nguyên bản của công trình. Từ việc điều tra, so sánh và nhận dạng các chi tiết kiến trúc dẫn đến việc dỡ bỏ những bộ phận, chi tiết làm thay đổi tính nguyên bản được thêm vào sau năm 1954. Với những công trình đã xuống cấp cần phải khảo sát, đánh giá các bộ phận hư hỏng, mức độ hư hỏng. Tiến hành trùng tu trên cơ sở các tài liệu lưu trữ, ảnh chụp trước đây hay các tài liệu có tính khoa học khác để không dẫn tới sự biến đổi tính nguyên bản của công trình. Đây là một quá trình đòi hỏi có sự nghiên cứu tỉ mỉ, khách quan và khoa học, tránh những sự nhầm lẫn của các bộ phận kiến trúc phát sinh sau 1954. Khai thác giá trị di sản bằng việc bảo tồn mặt đứng, cải tạo nội thất cho phù hợp chức năng mới. Trong trường hợp ô phố hỗn hợp nên linh hoạt chuyển đổi các biệt thự kiểu Pháp sang chức năng phục vụ cộng đồng để không làm ảnh hưởng tới các giá trị cần bảo tồn. Lập hồ sơ chi tiết các công trình công cộng có giá trị đặc biệt để phục vụ công tác bảo tồn và tôn tạo. Khuyến khích chỉnh trang sân vườn, cây xanh trong khuôn viên các công trình nếu còn những khoảng không gian này còn tồn tại.
2.2 Giải pháp bảo tồn các tuyến phố
Tuyến phố của người Pháp xây dựng tại Hà Nội là khoảng không gian được hình thành từ những ô phố, mà đa phần là dạng ô cờ. Tương tự như trường hợp ô phố, tuyến phố nhà ở là những tuyến phố chỉ có nhà ở dạng biệt thự hoặc chung cư, cũng có thể là những tuyến phố nhà ở là chủ đạo chỉ có một vài công trình công cộng nhỏ như một bệnh viện tư. Tuyến phố loại này có thể thấy ở cả khu ở dành cho người Pháp ở trung tâm khu phố Pháp lẫn các khu ở dành cho người Việt ở phía Bắc và phía Nam khu phố này (tuyến phố Bà Triệu, tuyến phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương).
Dạng tuyến phố thứ 2 là tuyến phố nhà công cộng. Đây là những tuyến phố chỉ có duy nhất một thể loại công trình là nhà công cộng hoặc chủ yếu là nhà công cộng. Tuyến phố này xuất hiện ở khu vực trung tâm khu phố Pháp tạo ra những tuyến phố hành chính, quân sự hay thương mại (tuyến phố Hùng Vương, quận Ba Đình). Dạng tuyến cuối cùng là những tuyến phố xây dựng xen kẽ giữa các công trình công cộng lớn là những nhà ở dạng biệt thự hay nhà ở – cửa hàng. Cấu trúc này có thể thấy nhiều ở khu vực trung tâm khu phố Pháp (tuyến phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt). Hai dạng tuyến phố này có đặc điểm thường gắn chặt với các không gian đô thị có giá trị cao như công viên, quảng trường, tạo thành những điểm nhấn và đặc trưng cảnh quan của thành phố.
Giải pháp bảo tồn với các tuyến phố này cần bắt đầu từ việc xác định các tuyến phố có mật độ nhà ở kiểu Pháp cao (>50%) để bảo tồn mặt đứng tuyến phố. Với những ngôi nhà còn giữ được tương đối nguyên bản thì khuyến khích bảo tồn và tôn tạo các mặt đứng hướng ra tuyến phố. Với những ngôi nhà đã xuống cấp hoàn toàn thì có thể dỡ bỏ nhưng khi cấp phép xây dựng phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn hình thái và tỷ lệ kiến trúc cũ. Theo đó, chiều ngang không được lớn hơn nhà cũ để giữ được khoảng cách giữa các nhà như nguyên trạng, chiều cao không vượt quá chiều cao của ngôi nhà cao nhất trong các ngôi nhà được bảo tồn. Đảm bảo hình thức mặt đứng và màu sắc mặt đứng phải hài hòa với tuyến phố. Với tuyến phố hỗn hợp cần ưu tiên bảo tồn, tôn tạo mặt đứng các công trình công cộng, đặc biệt là các công trình lớn có thể tạo thành điểm nhấn cho tuyến phố.
Về cảnh quan cần bảo tồn và chỉnh trang lớp hàng rào mặt phố, bỏ các bức ngăn bằng tôn ở phần phía trên hàng rào nếu có, sửa sang phần hàng rào đã hỏng. Rất nhiều các chi tiết, hình thái kiến trúc đặc sắc pha trộn Đông Tây được thể hiện ở đối tượng kiến trúc này [11]. Thậm chí, trong trường hợp bị hư hỏng thì nên khôi phục lại nguyên trạng các hàng rào mặt phố, vì đây là một trong những đặc điểm của thành phố vườn kiểu Pháp [10]. Khuyến khích gia tăng cây xanh trên đường phố. Với những tuyến phố có nhiều công trình cũ đã biến thành dạng nhà ở – cửa hàng cần kiểm soát việc thay đổi mặt đứng tầng 1. Cần kiểm soát tỉ lệ kích thước, màu sắc của biển hiệu, quảng cáo về vị trí, kích thước, màu sắc chiếm diện tích và tỉ lệ lớn dẫn đến việc lấn át các chi tiết và hình thức kiến trúc công trình.
Vỉa hè là một yếu tố kiến trúc cảnh quan do người Pháp mang đến Hà Nội. Giữ nguyên chiều rộng vỉa hè đã có từ năm 1954, xem lại cách tổ chức lối đi bộ và thảm cỏ trước năm 1954, chỉ nên lát cứng lối đi bộ và lối ra vào trước cửa nhà. Phần khoảng giữa các cây xanh nên trồng cỏ hoặc cây thấp. Lập bản đồ điều tra hiện trạng cây xanh đường phố. Giữ nguyên khoảng cách và loại cây xanh đặc trưng của tuyến phố đã hình thành trước năm 1954. Bổ sung cây xanh ở các vị trí cây cũ đã gẫy đổ nhưng phải tuân thủ nguyên tắc về khoảng cách giữa các cây và loại cây.
3. Kết luận
Giá trị của kiến trúc Pháp tại Hà Nội đã được khẳng định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đề ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá huỷ, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị. Giữ được những giá trị vật thể và phi vật thể của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp trong thời gian lâu dài. Phát huy giá trị di sản kiến trúc thuộc địa Pháp về các mặt xã hội, kinh tế và môi trường, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản. Việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng trong quá trình bảo tồn, sẽ tạo sự minh bạch về thông tin và lòng tin trong quá trình xây dựng chính sách, quy chế bảo tồn, các dự án bảo tồn. Người dân và tổ chức gắn với khu vực di sản cũng như các tổ chức và chuyên gia bảo tồn cần được tham vấn trong toàn bộ quá trình bảo tồn.
————–
Tác giả
Ths. KTS. Trần Quốc Bảo – giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, đại học Xây dựng.
Ths. KTS. Nguyễn Mạnh Trí – giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, đại học Xây dựng.
Bài viết đăng tại Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng số 26/11-2015
Tài liệu tham khảo
Munro, David. (1995), Sustainability: rhetoric or reality. A Sustainable World: Defining and Measuring Sustainable Development, California Inst of Public, California.
Jackson, Mike. (2005), “Embodied energy and historic preventation: A needed reassessment”, Apt Bulletin: The Journal of preservation technology, The Association for Preservation Technology International, Vol. 3, New York.
Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông (2004), Thăng Long Hà Nội, mười thế kỉ đô thị hóa, NXB Xây dựng, Hà Nội.
Đặng Thái Hoàng, (1995), Kiến trúc thế kỉ 19-20, NXB Hà Nội.
Hoàng Đạo Kính (2012), Văn hóa kiến trúc, NXB Tri thức, Hà Nội.
Wright, Gwendolyn (1991), The politics of design in french colonial urbanism, The University of Chicago Press, Chicago.
Filin, Vasiliy (1989), Videoecology Good and Bad for Eyes, Tass-Reklama, Moscow.
Wikipedia Commons, Gare de Strasbourg, [Online] May 5, 2009. [Cited: August 10, 2015.] https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Gare_de_Strasbourg_IMG_3751.JPG.
Pierre, Clément (2002), Hà Nội chu kỳ của những đổi thay, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
IMV, Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội (2009), Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố Pháp phía Nam hồ Gươm, Hà Nội.
Trần Hậu Yên Thế (2013), Song xưa phố cũ, NXB Thế giới, Hà Nội.
Bình luận của bạn