Đình Đồng Lạc - Đình chợ bán yếm lụa

Thứ 6, 21/07/2023, 15:44 (GMT+7)

Chia sẻ

Đình Đồng Lạc vốn được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) có quy mô rộng rãi nhưng đã bị phá huỷ do chiến tranh. Khoảng năm 1856, ngôi đình này được trùng tu.

Năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng. 

Năm 1953. ngôi nhà trở thành cửa hàng bách hóa

Đình Đồng Lạc - trùng tu lớn vào năm 1999 - 2000 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse ( Cộng Hòa Pháp)

Đình Đồng Lạc Năm 1915. Ảnh màu : Léon Busy

Đình Đồng Lạc Năm 1915. Ảnh màu : Léon Busy

Phố Hàng Đào Năm 198X

Phố Hàng Đào. Năm 198X, ( Năm 1953. ngôi nhà trở thành cửa hàng bách hóa)

Năm 1994

Năm 1994

Năm 2004

Năm 2004

Khám phá Đình Đồng Lạc

Từ thời Trần, Thăng Long đã được tổ chức thành phường, mỗi phường tập hợp những người cùng làm một nghề. Những tầng lớp thị dân này của Thăng Long tuy sống ở thành thị, nhưng vẫn gắn bó với nông thôn về nhiều mặt. Họ đưa mô hình tổ chức cộng đồng làng xã vào việc xây dựng các phường. Phường cũng có đình, cũng thờ vị thần thành hoàng, cũng có sinh hoạt cộng đồng với các tục lệ, các lễ hội dân gian như làng quê. Vì vậy, kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong Khu Phố Cổ rất phong phú ; đó là các: đình, đền, chùa, ... theo kiểu kiến trúc truyền thống của người Việt. Thông thường tại mỗi phường đều có đình thờ Tổ Nghề. Tuy nhiên, đình Đồng Lạc lại là đình chợ. Đình chợ vừa có thể là nơi thờ Tổ Nghề, thờ các vị thần và đặc biệt còn là nơi buôn bán một số sản phẩm của khu phố đó.

Đình Đồng Lạc vốn được xây dựng từ thời Lê (thế kỉ XVII) có quy mô rộng rãi nhưng đã bị phá hủy do chiến tranh. Khoảng năm 1856, ngôi đình này được trùng tu. Năm 1941, đình được xây dựng lại thành hai tầng. Tầng một sử dụng để ở, điện thờ được đưa lên tầng hai. Trước và sau nhà có sân trồng cây. Thời bao cấp, đây là một cửa hàng Bách Hóa.

Hiện nay, nơi đây còn giữ lại tấm bia đá hơn 150 năm tuổi và một số họa tiết trang trí. Đình nằm trên thửa đất có dạng hình ống “thót hậu”, mặt tiền có chiều rộng 6 mét và phần trong cùng thót lại còn có 1,1mét trên tổng diện tích khu đất là 188,9 m2. Chiều sâu là 51,65 mét. Một dạng kiến trúc nhà ống điển hình của Khu Phố Cổ Hà Nội.

Không gian kiến trúc của ngôi nhà được phân chia bởi từng lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân trong. Đây là một trong những ưu điểm lớn trong việc bố cục không gian nhà truyền thống Việt Nam nói chung và của Khu Phố Cổ Hà Nội nói riêng trong việc thích nghi và phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Không gian của phần thờ chính ngôi đình trên tầng hai được chia làm hai không gian nhỏ ngăn cách bởi vách ngăn gỗ ba cửa với hình thức trang trí cửa được tìm thấy trong ngôi đình cũ, kiểu thượng song hạ bản. Phía trên là ô thoáng trang trí bằng các con tiện gỗ chạy suốt chiều rộng cửa. Gian ngoài được gọi là hiên có đặt một bộ trường kỉ. Gian trong (phía sau lớp cửa gỗ) là gian thờ chính. Sát tường hậu của gian thờ đặt một hương án gỗ, trên đặt đồ thờ tự gồm bát hương, khay đài, quả nước...

Nhìn chung, do nhiều tác động của yếu tố lịch sử, xã hội nên kiến trúc đình Đồng Lạc không còn nhiều, song lại thuộc đặc trưng chung của hệ thống đình thờ trong Khu Phố Cổ Hà Nội. Các di vật và nghệ thuật trạm khắc không nhiều, nhưng đều là sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật thời Lê.
Đình Đồng Lạc thờ ba vị trong tứ trấn Thăng Long là thần Long Đỗ - trấn Đông (đền Bạch Mã), Thánh Linh Lang - trấn Tây (đền Voi Phục) và Thánh Cao Sơn - trấn Nam (đền Kim Liên).
Đình Đồng Lạc được những người thợ xây dựng cuối thế kỉ XVII và trở thành nơi thờ cúng và nơi tập trung của những người bán yếm lụa. Sau đó, trở thành nhà ở, cửa hàng và vẫn giữ phần thờ cúng ở trên gác.

Đình Đồng Lạc - trùng tu lớn vào năm 1999 - 2000 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse ( Cộng Hòa Pháp). Sau khi cải tạo, công trình vẫn duy trì là nơi thờ cúng và giới thiệu các Dự án về nâng cao giá trị di sản Phố Cổ Hà Nội, nơi tư vấn, hướng dẫn cho người dân về bảo tồn các công trình và và tổ chức giới thiệu về nghề lụa.

Ngôi đình khang trang như ngày hôm nay đó là nhờ vào sự nỗ lực của các ngành các cấp và Ban quản lí Phố cổ Hà Nội. Năm 2000, thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp) đã chọn ngôi đình để bảo tồn và khánh thành vào tháng 4 cùng năm. Tới đầu năm 2010, một lần nữa ngôi đình được trùng tu tôn tạo, đây là nơi giới thiệu kĩ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp kĩ thuật tôn tạo hiện đại, cũng như những thông tin về bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, đặc biệt là giới thiệu sự hình thành Làng - Phường - Phố nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt tơ lụa truyền thống.

Hiện nay, tại đây đang giới thiệu một số sản phẩm nghề truyền thống như sơn mài, lụa. Đây đồng thời cũng là điểm di tích thường xuyên được Ban quản lí Phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa tôn vinh nghề truyền thống như nghề lụa, những năm gần đây nhất là triển lãm yếm truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Lụa và yếm cũng là hai sản phẩm đặc trưng xưa kia được buôn bán tại ngôi đình chợ này.

Ngày 04/01/2017, Sở Du lịch Hà Nội gắn biển “Không gian văn hóa Di sản” tại Đình Đồng Lạc, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Để duy trì các hoạt động tại Ban, ngoài điểm thờ cúng tại khu vực tầng hai, Ban đã phối hợp với Công ti HanoiA tổ chức giới thiệu các sản phẩm nghề sơn mài. Tổ chức giới thiệu, nói chuyện, trình diễn về một số nghề truyền thống và các giá trị Văn hóa phi vật thể khác, như các nghệ thuật biểu diễn truyền thống, các nghi lễ trong sinh hoạt lễ hội truyền thống.

 Nhà 38 Hàng Đào-Đình Đồng Lạc
Nhà 38 Hàng Đào-Đình Đồng Lạc

 Nội thất gian phòng ngoài nhà 38 Hàng Đào
Nội thất gian phòng ngoài nhà 38 Hàng Đào

 Nội thất gian thờ trên tầng hai phía trong
Nội thất gian thờ trên tầng hai phía trong

 Bàn thờ Tổ Nghề
Bàn thờ Tổ Nghề

 Phục hồi kết cấu mái
Phục hồi kết cấu mái

 Đầu Rồng-Di tích còn nguyên bản
Đầu Rồng-Di tích còn nguyên bản

 Tấm bia đá cách đây hơn 150 năm tuổi
Tấm bia đá cách đây hơn 150 năm tuổi

.


.

Kiến tạo, bảo tồn nhà số 38 Hàng Đào ( nguyên trước đây là Đình Đồng Lạc)

 Đình Đồng Lạc ở số 38 phố Hàng Đào, quận Hàon Kiếm, thành phố Hà Nội hiện nay là “Ngôi nhà di sản” đã được phục, dựng lại theo dáng xưa trong khuôn khổ hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội (Việt Nam) và Toulouse (Pháp) năm 2000.

 Phố Hàng Đào xưa kia nguyên là phần đất của hai phường Đồng Lạc (phía giáp Hàng Ngang) và Đại Lợi (phía giáp Bờ Hồ), thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Thời Lê, phố này là trung tâm thương mại sầm uất, một trong 36 phố phường của kinh đô Thăng Long với nghề nhuộm tơ lụa. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn trãi viết vào đầu thế kỷ XV đã chép: “Phường Hàng đào nhuộm điều”, nghĩa là dân phường này thời điểm đó có nghề nhuộm, chuyên về nhuộm màu đỏ, màu hồng và màu hoa đào. Đến thế kỷ XVIII, phố Hàng đào nhận nhuộm thêm một số màu khác và nhận cả “chuội” tơ lụa cho trắng. Sách “Thượng kinh phong vật chí” lại chép: “Phường Hàng Đào – Đại Lợi làm nghề nhuộn màu: màu trắng trắng như tuyết, màu đỏ đỏ như tiết, màu đen như nhuộm mực, màu huyền thì trong sắc đen có pha sắc tía…”.

  Ngoài nghề nhuộm điều, phường Hàng Đào còn là nơi buôn bán vải tơ lụa, và càng về sau, việc buôn bán mặt hàng này càng là chủ yếu. Trong ký sự nói về chuyến đi của mình từ Sơn La đến Kinh đô Thăng Long năm 1720, nhân sĩ người Thái là Út Ỏn đã thấy nhiều đồ vải vóc, gấm, nhiễu, bán ở Hàng Bát Bảo, tức là phố Hàng Đào. Cuối thế kỷ XVIII, trong sách “Vũ trung tuỳ bút”, Phạm Đình Hồ đã nhận xét: “Phường Diên Hưng (Hàng Ngang), phường Đồng Lạc (Hàng Đào) là nơi phố hàng áo, bán các thứ tơ lụa, vóc nhiễu, rất nhiều”. Do đặc điểm của phố này mà cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã gọi phố Hàng Đào là “phố tơ lụa” (Rue de la soie).

  Đình Đồng Lạc ở phố Hàng Đào thờ Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã, còn là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê. Tuy nhiên do nhiều biến động của lịch sử, do chiến tranh, ngôi đình đã bị tàn phá. Năm 1941, một gia đình đã xây dựng lại ngôi đình, quy mô hai tầng, dùng để bán hàng và nhà ở. Năm 1956, ngôi nhà được sử dụng làm cửa hàng bách hoá. Đến năm 2000, ngôi nhà được chọn để phục hồi di sản. Dâu vết duy nhất còn sót lại của ngôi đình là hai đầu dư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và tấm bia đá dựng năm Tự Đức – Bính Thìn (1856). Nôin Dung tấm bia ghi rõ: “Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê, quy mô rộgn rãi. Nhưng vì chiến tranh đình bị phá huỷ. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại ngôi đình, giao cho ông Trần Hợp tài và Nguyễn Bá Lân trông nom, xây dựng. Người ở phường Đồng Lạc là Dương Nghĩa Hợp vốn thích làm việc công đức đã cúng 100 quan tiền kẽm để chi dùng cho việc chung. Bản chợ nghĩ đến tình nghĩa “biếu đào tặng mận” đã cùng nhau hội họp bầu con thứ của ông là Lương Văn Tín, tên tự là Doãn Tái, tên hiệu là Nhã Giảng được tòng tự tại đình để tỏ rõ đạo trung hậu. Bèn khắc vào bia để truyền lại cho muôn đời.”.

  Sau rằm tháng tám, niên hiệu Tự Đức Bính Thìn (1856), Nguyên phân phủ Khoái Châu, cử nhân Phạm Đình Viên soạn văn bia.

  Tấm bia đình Đồng Lạc là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, giúp chúng ta biết thêm được ngôi đình và chợ bán yếm lụa đã có ở đây từ thời Lê. Sang thời Nguyễn, đình được dân làng tu bổ trở thành nơi buôn bán trang phục cho phụ nữ. Điều này cũng được ghi rõ trong “Đại Nam nhất thống chí”. Như vậy, đình Đồng Lạc là nơi thờ cúng đồng thời cũng là nơi bán các sản phẩm của phường Đồng Lạc ở kinh thành Thăng Long.

   Việc hợp tác, đầu tư để phục dựng lại ngôi đình cổ có liên quan đến một nghề cũ trong khu vực 36 phố phường, là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

LongVietArch hiên tập 

Bình luận của bạn

Tin khác