Nằm ngay trung tâm phố cổ, đền Quan Đế được xây dựng vào năm 1819, thờ quan Thánh Đế (tức Quan Công), một vị tướng trung thần nước Thục thời Tam Quốc của Trung Quốc.
Đền Quan Đế | Đền Quan Đế - ngôi đền với lối kiến trúc truyền thống độc đáo | Thăm đền Quan Đế 28 Hàng Buồm |
Từ trước tới nay, thông tin về đền Quan Đế đều ghi chung chung, rằng đó là nơi thờ Quan Thánh Đế, một vị tướng trung thần nước Thục thời Tam Quốc. Đền được xây dựng vào năm 1819 và đã trải qua hai lần trùng tu vào đầu và cuối thế kỷ 19.
Nhiều vị khách cả ta lẫn nước ngoài đều rất tò mò hỏi xem Quan Thánh Đế là ai? Những dòng thông tin giới thiệu và chỉ dẫn ở đền cũng không rõ ràng về tên thật lẫn thân phận của vị thánh này.
Thậm chí, ngay cả người trong đền cũng không rõ Quan Thánh Đế là người thế nào, sinh vào thời gian nào, và có công trạng gì với địa phương? Và tại sao, giữa một linh tích lâu đời và đẹp như vậy trong phố cổ, người ta lại quan tâm nhiều đến Quan Thánh Đế như thế?
Đã có một thời gian, không chỉ người bản địa thuộc phố Hàng Buồm, mà một số nhà nghiên cứu lịch sử cũng đã vào cuộc tìm hiểu xem Quan Thánh Đế là vị quan, vị thánh nào mà được người Hà Nội sùng bái, tôn kính đến thế. Tuy nhiên, những đáp án khác nhau, những giải thích khác nhau không thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
Để tìm hiểu về Quan Thánh Đế trong đền Quan Đế, chúng tôi đã tìm gặp một số nhà nghiên cứu nhưng hầu hết đều không có đáp án.
"Bản thân tôi cũng từng nhiều lần đến đền Quan Đế, dò tìm qua một số sử liệu và thấy quá nhiều đáp án khác nhau. Trong khi đó, các tư liệu ghi chép không dựa vào căn cứ lập luận nào để chứng minh về vị thánh ấy", nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho hay.
Trong một tư liệu cũ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương (con trai nhà thơ Tản Đà) giải thích: Quan Thánh Đế chính là Quan Công – tức Quan Vân Trường nhà Thục thời Tam Quốc.
Cũng theo cụ Nguyễn Khắc Xương, tục thờ Quan Công hay Quan Thánh đế quân ở Việt Nam nhiều sách cho là bắt nguồn từ tín ngưỡng ngoại lai của Trung Quốc. Sự thể tưởng là rõ ràng vì ai cũng biết Quan Công là tướng của Lưu Bị nhà Thục.
Đền Quan Đế ở số 28 Hàng Buồm.
Nhưng vậy thì người Việt dựng tượng, lập miếu thờ Quan Công có đúng đạo không? Thời Tam Quốc phía đông Giao Chỉ thuộc đất của Tôn Quyền do Sĩ Nhiếp cai quản. Phía Tây Giao Chỉ thuộc đất của Mạnh Hoạch, thần phục nhà Thục.
Khảo cổ học ngày nay của chính các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận hai nước Ngô và Thục là quốc gia phi Hán. Quan Công là đại tướng của nhà Thục, có công chống Hán (Ngụy) quân thì hiển nhiên cũng là một danh nhân trong cuộc chiến đấu chống giặc phương Bắc.
Hình thức thờ Quan Công gặp ở hai dạng. Thứ nhất Quan Công biểu tượng cho tinh thần thượng võ, trung nghĩa, tiết liệt, được thờ làm thần chủ các võ miếu. Ở hình thức này Quan Công được thể hiện ở dạng một võ tướng, mang đại đao, có Châu Xương (còn gọi là Chu Thương) và Quan Bình đứng hầu.
Hình thức thứ hai như ở đền Ngọc Sơn, Quan Công được thờ là Quan Thánh đế quân, dưới dạng một vị thần của Đạo giáo. Đền Ngọc Sơn được xây bởi hội Hướng Thiện từ thế kỷ 19. Như vậy Quan Công không chỉ còn là một võ tướng mà trở thành một nhân vật Đạo giáo quan trọng.
Tại sao lại như vậy? Ở đây có khả năng trong tín ngưỡng Việt - Hoa đã có sự trộn lẫn giữa 2 nhân vật: Giữa Quan Công thời Tam Quốc với một vị "Quan" khác, là đạo sĩ. Vị "Quan" đó là Quan Thánh, được thờ ở đền Trấn Vũ cạnh Hồ Tây.
Quan hay Quán trong chữ Hán đều giống nhau. Đền Quán Thánh ở Hồ Tây không phải là "quán" (nơi thờ phụng của Đạo giáo) thờ Thánh mà là đền thờ vị thần có tên là Quan Thánh. Nhân vật được thờ ở đền Quán Thánh là Huyền Thiên Trấn Vũ, người đã có công cử thần Kim Quy tới giúp vua An Dương Vương diệt trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa.
Vẻ đẹp linh tích
Theo tư liệu từ Ban quản lý phố cổ, đền Quan Đế được trùng tu và mở rộng vào đầu thế kỷ 20. Những người tham gia quá trình trùng tu và tôn tạo đều là người Việt, do đó ngoài các chi tiết trang trí mang tính Trung Hoa, đền còn thể hiện được lối kiến trúc truyền thống độc đáo của nước ta.
Với kết cấu chủ yếu bằng gỗ lim cùng các hoạt tiết được chạm khắc tinh xảo, đền Quan Đế gồm một tầng, được xây dựng theo lối chữ Công, ngoài cùng là Nghi môn, tiếp đến là phần sân rộng rãi dẫn tới nhà Tiền tế, Phương đình và Hậu cung nằm trong cùng.
Hiện nay, đền vẫn lưu giữ được nhiều mảng trang trí chạm khắc mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XIX. Các phần trang trí của đền tập trung vào tứ linh "Long, Lân, Quy, Phượng", bên cạnh một số trang trí hình hoa lá và các con thú khác được chạm khắc rất kỹ lưỡng.
Trước khi được tu bổ, đền Quan Đế là nơi ở của 5 hộ dân trong hơn 20 năm. Sau thời gian dài, đền đã xuống cấp nghiêm trọng, mối mọt và ẩm ướt đã làm hư hại nhiều chi tiết kết cấu gỗ, đặc biệt là phần Hậu cung đã sụp đổ hoàn toàn và bị cây cỏ xâm lấn.
Vì thế, chính quyền quyết định thực hiện kế hoạch trùng tu, tôn tạo đền, đồng thời di dời các hộ dân sinh sống ra khỏi khu vực. Chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia tư vấn của Pháp đã tiến hành phục dựng đền dựa trên tài liệu và căn cứ khoa học.
Hình tượng rồng được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật đục, chạm khác nhau như chạm lộng, chạm bong kênh và chạm thủng. Rồng có hình mảng, đầu to, mắt bè, mắt lồi, móng nhọn, râu chạm bẹt, đao mác và râu rồng che lấp thân rồng.
Đền Quan Đế thu hút khá nhiều khách tham quan.
Khoảng sân giữa Nghi môn và Tiền tế còn sót lại tấm bia có khắc "Trùng Kiến Quan Thánh Miếu bi ký", ghi lại quá trình trùng tu đền. Phía trong đền còn vài tấm bia đá còn rõ nét chữ. Bia được gắn bên tường để khách tham quan dễ dàng đọc được.
Thăng Long giáo phường
Sau khi được trùng tu, đền Quan Đế chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2010. Để thu hút khách du lịch và quảng bá văn hóa Việt, vào các tối thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật hàng tuần, giáo phường ca trù Thăng Long mở canh hát ngay tại đền Quan Đế để phục vụ du khách.
Quan Công được thờ phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở nội thành Hà Nội có ít nhất 4 làng từng lập Quan Công làm Thành hoàng. Quan Công còn là một trong những nhân vật được thờ chính ở đền Ngọc Sơn ngay trung tâm Hà Nội với danh thánh là Quan Thánh đế quân. |
Theo Nghệ nhân Phạm Thị Huệ, với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị của Di sản ca trù trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, giáo phường ca trù Thăng Long mở canh hát tại đền từ năm 2014.
"Phải nói là người nước ngoài họ rất thích nghe ca trù, trái hẳn với đa số người Việt bây giờ. Đây thực sự là cơ hội để chúng ta quảng bá văn hóa âm nhạc cổ truyền tới khách quốc tế", nghệ nhân Phạm Thị Huệ cho biết.
Vào các tối cuối tuần, các ca nương lần lượt đưa khán giả quốc tế trải nghiệm những cung bậc cảm xúc. Qua đó, khách nước ngoài hiểu hơn về nét đẹp của văn hóa Việt qua những tiếng hát đậm đặc triết lý, kết hợp âm thanh của sênh phách, đàn đáy đặc trưng của nghệ thuật ca trù.
Nơi tổ chức lễ hội, triển lãm, sự kiện
Bình luận của bạn