Cửa Ô Đồng Lầm

Chủ nhật, 13/10/2024, 10:59 (GMT+7)

Chia sẻ

Ô Đồng Lầm, tên chữ là Kim Hoa sau đổi thành Kim Liên, là một cửa ô của Hà Nội xưa. Cửa ô này được mở qua đoạn tường phía nam của tòa thành đất bao bọc khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa, tại vị trí ngày nay là ngã tư đường Lê Duẩn (phố Kim Liên cũ) – Đại Cồ Việt

Vị trí các cửa ô xưa

Ngã tư Lê Duẩn – Giải Phóng – Đại Cồ Việt ngày nay

Lịch sử

Cửa ô nằm cạnh làng Kim Liên, tên nôm là làng Đồng Lầm, do đó cũng là cổng làng. Cổng này được xây theo hướng đường đi sang ô Cầu Dền, kiến trúc được cho là giống với cửa ô Quan Chưởng. Từ cửa ô đi ngược lên là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu, người dân làng Đồng Lầm xưa phơi vải ven bờ hai hồ này. Bùn dưới hồ được người dân vớt lên để nhuộm vải (gọi là “nhấn bùn”) để vải màu nâu ngã sang màu đen.

Theo sử gia Trần Quốc Vượng, ô Đồng Lầm hình thành muộn hơn các cửa ô khác, vào khoảng cuối thế kỷ XIX khi chính quyền lúc bấy giờ cho nắn lại con đường thiên lý từ ngã ba Đuôi Cá theo đường Giải Phóng – Lê Duẩn hiện nay, xẻ đôi đầm nước lớn thành hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu nằm hai bên tuyến đường. Trước đó, khu vực này địa hình còn rất lầy lội, nhiều đầm hồ, mùa mưa thường ngập úng nên không thuận tiện để đi lại.

Ngày 4 tháng 12 năm 2019, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên cho con đường chạy vòng quanh hồ Ba Mẫu, dài 1.000 m và rộng 15–19 m là phố Ô Đồng Lầm

Chuyện làng Kim Liên

Làng Kim Liên (nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa) tên gốc là Kim Hoa, vì kỵ húy mẹ Vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên đổi gọi là Kim Liên vào năm Tân Sửu (1841). Đây là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê.

Sang thời Nguyễn, phường đổi thành thôn (làng) và là một trong 23 thôn, trại, phường thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, từ năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi thành Đại lý đặc biệt của Hà Nội).

Ngoài làm ruộng, trồng màu, thả rau muống bè (đồng ruộng của làng nay là các dãy nhà cao tầng của khu tập thể Kim Liên bây giờ), làng có nghề nhuộm vải nâu, nên làng còn có tên là Đồng Lầm. Phía Đông của làng có hai hồ lớn là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu. Đây là nơi xưa kia dân làng lấy bùn để “nhấn bùn” cho vải màu nâu ngả sang màu đen và là nơi phơi vải nhuộm. Xưa kia làng còn có sông Kim Ngưu – một nhánh của sông Tô Lịch chảy qua, xuống Cầu Dền, Vĩnh Tuy thì chia thành nhiều nhánh xuống các làng xã huyện Thanh Trì. Nghề nhuộm vải nâu, sông Kim Ngưu cùng với hai hồ lớn là ba nét đặc trưng của làng Kim Liên – Đồng Lầm xưa. Ca dao cũ có câu:

“Đồng Lầm có vải nâu non

Có hồ cá rộng, có con sông dài”

 Hồ cá rộng là hồ Bẩy mẫu, con sông dài là sông Kim Ngưu.

Ngoài các nghề nông đã kể, dân làng Kim Hoa còn có nghề Cắt tóc cho đàn ông(do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đàn ông thành phố không để tóc dài, búi tó củ hành nữa).Những người đàn ông hành nghề cắt tóc (các ông phó cạo) của làng, sáng sáng đeo hòm đồ nghề vào phố để đi cắt tóc dạo. Về sau có một số người đã mở được cửa hiệu cắt tóc lớn trên phố.

Đầu làng Kim Liên (chỗ ngã tư Lê Duẩn – Xã Đàn – Giải Phóng – Đại Cồ Việt hiện nay) vào giữa thế kỷ XIX trở về trước có một cửa ô gọi là Ô Kim Hoa, hay Ô Kim Liên, tên dân gian gọi là Ô Đồng Lầm. Đây chính là một cửa ô mở qua tường phía Nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc khu dân cư của Kinh thành Thăng Long về phía Nam. Trên địa phận của làng còn có địa danh Mộng Kiều là nơi diễn ra trận đánh giữa Vua Lê Tương Dực dẹp tan quân của Trần Cảo vào năm Canh Ngọ – 1510 mà sử cũ đã ghi.

Ngày nay cửa ô Đồng Lầm không còn để lại dấu tích gì mà thay thế bằng một ngã tư có lưu lượng giao thông lớn, có đường sắt Bắc – Nam đi qua và một hầm giao thông đường bộ.

 
Cửa ô Đồng Lầm ngày nay là ngã tư Lê Duẩn – Đại Cồ Việt- Giải Phóng – Xã Đàn. 24 tháng 2, 2020

(Viet Cuong Sarraut)

Biên tập: 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác