Vị trí các cửa ô xưa
Lịch sử: Ô Chợ Dừa là một cửa ô đặc biệt trong những Cửa ô ở Hà Nội, bởi khi xưa đây là một trong những vi trí quân sự quan trọng phòng thủ kinh thành ở phía Nam. Khi xưa, hành trình từ Nam ra Bắc ngoài đường thủy dọc sông Hồng, còn có đường bộ từ Nghệ – Thanh ra Ninh Bình.
Con đường qua Thanh Hóa chia làm 2 ngả, 1 ngả là con đường “thiên lý” (nay là Quốc lộ 1) qua Phủ Lý, Văn Điển theo con đường Hoàng Mai (con đường ngựa trạm). Ngả còn lại là “thượng đạo” đi từ thượng du Thanh Hóa ra Nho Quan, đi từ thung lũng sông Đáy lên Thăng Long phải qua Khương Thượng đến Cửa ô Chợ Dừa. Trận Đông Quan khi xưa Lê Lợi đánh quân Minh, quân Trịnh Tùng tấn công nhà Mạc hay đội quân thần tốc của nhà Tây Sơn tiêu diệt quân Thanh đều theo con đường “thượng đạo” này.
Đến thời Lý – Trần, Cửa ô Chợ Dừa có tên cửa Trường Quảng. Đến thời Hậu Lê và thời Nguyễn, nơi này được gọi là Cửa ô Thịnh Quang, thuộc phường Thịnh Hào. Cạnh Cửa ô có nhà quan cư và trạm dịch, nơi quan lại các tỉnh về kinh, tạm nghỉ lại trước khi vào thành. Khi trong nước có loạn, các quan sẽ phụng mệnh triều đình ra quân, lấy Cửa ô này làm chỗ xuất quân, cắm cờ duyệt binh.
Xung quanh Cửa ô cũng có nhiều hàng cơm, quán trọ, quán nước, dòng người qua lại. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, sông Kim Ngưu mặt nước còn rộng, thuyền bè đi lại dễ dàng nên chỗ Cầu Dừa họp chợ đông đúc sát bến sông Lừ. Cạnh Cửa ô này cũng có một trường học nổi tiếng của ông Nghè Đông Các, thêm trường đại tập Hào Nam. Mỗi khi học sinh theo về học, hàng quán quanh đây lại được dịp đông khách.
Nhìn hình ảnh tấp nập của hiện tại, chẳng mấy ai biết rằng, xưa kia, Cửa ô này cũng là nơi tụ tập của dân tứ chiếng, nên có xóm tên Nặc Nô. Đến thời Nguyễn, hết chiến tranh, một bộ phận quân Bắc thành giải ngũ tập trung về Cửa ô này làm đốc thuế. Xuất thân là quân du đãng, quấy nhiễu các làng xung quanh nên đến thời Minh Mạng, đám đốc thuế này bị giải tán, chuyển sang làm nghề đòi nợ thuê cho địa chủ, nhà giàu cho vay lãi và lái buôn.
Dưới thời Pháp, Cửa ô Chợ Dừa cũng đặt trạm thu thuế của những người buôn chuyến mang hàng vào Hà Nội bán. So với các Cửa ô khác, Cửa ô Chợ Dừa sầm uất và tấp nập hơn vì có chợ, phố xá trên con đường lớn đông người qua lại. Chưa kể, đến thời Pháp lại có thêm con đường xe lửa đi Phủ Lý – Nam Định song song với đường quốc lộ 1 thu hút nhiều hoạt động kinh tế, vận chuyển hàng hóa vào phía Nam thành phố.
Hình ảnh phố xá và cao ốc của hiện tại đúng là không ai tưởng tượng được trước kia, đường La Thành lối đi Kim Liên toàn là rặng ổi và bụi mây leo, người đi chợ gánh hàng phải len qua hàng cây ngang đầu để đi. Quanh đó cũng toàn là phố ngắn với những dãy nhà tranh nứa lá. Cửa ô này khi xưa tụ tập dân tứ chiếng nên an ninh ít được đảm bảo hơn so với Cửa ô khác trong thành.
Tìm về nguồn gốc tên gọi “Ô Chợ Dừa”
Lần theo lịch sử, khảo cứu, được biết và hiểu thêm bao điều về Hà Nội xưa với những biến đổi thăng trầm của La Thành, Hoàng thành Thăng Long , 5 cửa Ô . Đặc biệt tên “Ô Chợ Dừa”, một cái tên rất dân dã nhưng cũng đầy kỳ thú.
Đồng hành cùng cả nước đón mừng đại lễ Ngàn năm Thăng Long, thủ đô Hà Nội đang gấp rút hoàn thành những công trình văn hoá, lịch sử…..trong đó có việc lập lại 5 cửa Ô. Ban Văn hóa – Du lịch của Hiệp hội dừa Việt Nam xin góp thêm phần tư liệu về địa danh Ô Chợ Dừa nhân Đại lễ Ngàn NămThăng Long.
Theo Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư Quyển II, Kỷ Nhà Lý, trước khi có 2 chữ “CỬA Ô” thì Thăng Long thành (hoàng thành) được xây dựng và mở ra 4 cửa theo 4 hướng:
1. Đông là cửa Tường Phù
2. Tây là cửa Quảng Phúc
3. Nam là cửa Đại Hưng
4. Bắc là cửa Diệu Đức
Tư liệu của bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch,
từ nguồn http://www.cinet.gov.vn/sukienVH/hoangthanh/hoangthanh.htm#coinguon,
Ngoài hoàng thành còn có lớp thành khác ấy là thành Đại La vừa là đê bao ngăn lũ, vừa để bảo vệ cho Hoàng thành, thành Đại La có 5 cửa:
1. Triều Đông (dốc Hòe Nhai)
2. Tây Dương (Cầu Giấy)
3. Trường Quảng (Ô Chợ Dừa)
4. Cửa Nam (Ô Cầu Dền)
5. Vạn Xuân (Ô Đống Mác)
Các cửa này chính là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế và bảo vệ cuộc sống trong thành.
Thời Nguyễn, theo một số sách cũ để lại có đến 16 cửa ô được xây dựng vào đời Lê Hiển Tông (1740 – 1786) và phần lớn đều được xây bằng gạch rất chắc. Hầu hết các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa.
Vào thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông, vì thế dọc theo sông Hồng có nhiều bến bãi, phố xá đông đúc, buôn bán sầm uất. Các cửa ô được thay đổi tên gọi cũng như vị trí hoặc có khi hủy bỏ cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng thời kỳ phát triển của đất nước. Cho đến sau cách mạng Tháng Tám thì Hà Nội “còn lại” 5 cửa ô qua bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao và bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Và cho đến bây giờ thì Hà Nội chỉ còn xót lại mỗi Ô Quan Chưởng là có dấu tích hình hài, còn lại chỉ là những địa danh: Cầu Dền, Cầu Giấy, Đống Mác, Chợ Dừa.
Sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn sáng lập vương triều Lý từ năm 1009. Tháng 7 năm 1010, nhà vua cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Ngay sau đó, nhà vua đã khẩn trương cho xây dựng một số cung điện làm nơi ở và làm việc của vua, triều đình và hoàng gia, nên chỉ trong vòng vài tháng, đến cuối năm 1010 thì đã hoàn thành 8 điện 3 cung. Trong năm đầu tiên, một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp xong, gọi là Long Thành hay Phượng Thành và những năm sau, một số cung điện và chùa tháp cũng được xây dựng thêm.
Phía ngoài, cùng với một số cung điện và chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và thôn trại nông nghiệp. Đó chính là Hoàng Thành (theo cách gọi phổ biến về sau này).
Qua các biến cố lịch sử, kinh thành có nhiều thay đổi và chuyển dời. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, Pháp phá thành Hà Nội xây “khu phố Tây”, khu nhà binh Pháp, sân vận động Mangin (nay là Trung tâm Thể dục thể thao quân đội), nên hầu như tất cả khu vực hoàng thành đều bị phá hủy. Cho đến ngày nay thì đây cũng chính là thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
La thành là một phần không thể tách rời của hoàng thành Thăng Long, bởi La thành còn chính là vòng thành bảo vệ và cũng chính là con đê ngăn lũ cho hoàng thành.
Lần lại lịch sử, từ giữa thế kỷ V (454 – 456) nơi đây đã hình thành thị trấn huyện lị Tống Bình do đế quốc phương Bắc thời Lưu Tống đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á có nói: “…Sau khi đánh đuổi quân Lương vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí xưng đế, lập nước Vạn Xuân, khẳng định một vương quốc tự chủ, cho xây thành bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Đây là lũy thành quân sự được Lý Nam Đế xây dựng từ trước. Và sau khi thất trận ở Chu Diên (vùng Hưng Yên, Hà Nam), quân đội nước Vạn Xuân đã rút về cố thủ tại đây. Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định lũy thành này là kinh đô của nước Vạn Xuân đương thời. Thế nhưng, triều đình nước Vạn Xuân đã có hoạt động dày đặc ở vùng quanh Hà Nội ngày nay như Long Biên, Ô Diên, Dạ Trạch… »
Theo Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên, Quyển IV, trang Kỷ nhà Tiền Lý (nguồn http://www.informatik.uni-ipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt04.html):
« … Vua họ Lý, tên húy là Bí , người Thái Bình [phủ] Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên… »
Từ đây ta thấy Lý Nam Đế đã có tầm nhìn chiến lược về vị trí của Thăng Long thành từ giữa thế kỷ thứ VI.
Cũng Theo Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư, quyển IV, kỷ nhà Tiền Lý: Quý Hợi, năm thứ 3 [543], (Lương Đại Đồng năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.
Sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, Phạm Tu đã bắt khoảng 5.000 tù binh Chiêm Thành (gồm cả dân thường) đem về Vạn Xuân. Và nhân lực để xây thành ở cửa sông Tô Lịch không thể nào không có công sức của tù binh Chiêm Thành thời ấy.
Xin nói thêm một chút về Vương quốc Champa xưa, còn gọi là Chiêm Thành gồm 2 bộ tộc chính là : Cau và Dừa. Bộ tộc Cau chiếm lĩnh phía Nam và Bộ tộc dừa chiếm lính phía Bắc. Vào giữa thế kỷ thứ II, Vương quốc Champa phát triển hùng mạnh, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, thuộc Bộ tộc Dừa, đã lập nên nhà nước mới với tên gọi là Lâm Ấp. Vì là bộ tộc Dừa, theo tín ngưỡng truyền thống, nên đi bất cứ nơi đâu, người Chăm luôn mang dừa theo để làm lễ vật thờ cúng trời đất, thần linh theo nghi thức của mình. Cụ thể là tại Yên Sở, sau khi đánh tan quân Lâm Ấp, võ tướng Phạm Tu – Lý Phục Man đã đưa rất nhiều tù binh Lâm Ấp (kể cả dân thường) về quê mình, nay cũng còn một số giếng Chăm và nơi đây cũng đã trồng rất nhiều dừa nên có thời gian làng Yên Sở được gọi là làng Dừa.
Và, đây là giả thiết thứ nhất cho sự xuất hiện của cây dừa ở Vạn Xuân, để hình thành ngôi chợ dưới bóng dừa. Giả thiết này được củng cố bởi tại làng Yên Sở (còn được gọi là làng Giá), huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội, nay vẫn còn đền thờ của vị tướng này và chính quyền địa phương cũng đang có ý định phục hồi lại cây dừa sau nhiều thăng trầm cùng cơ chế thị trường và sâu bệnh. Ngoài ra đây cũng là nơi có đặc sản bánh gai lá dừa nổi tiếng của Kinh Bắc. Hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng Ba là có hội Làng Giá để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài này. Đặc biệt Hội Giá có tích nghiềm quân, diễn tả cuộc chiến tranh nhân dân của Tướng công Lý Phục Man – Phạm Tu năm Nhâm Tuất (542).
Xin trở về địa danh Ô Chợ Dừa.
Tư liệu đầu tiên được tìm thấy về Ô Chợ Dừa chính là:
1. Ô Thịnh Quang, tên Nôm là Chợ Dừa, sau đổi là Thịnh Hào
2. Tại cửa ô này có 1 ngôi chợ đươc họp dưới bóng dừa
Ngôi chợ dưới bóng dừa chính là cơ sở để có địa danh tiếng Nôm là : Ô Chợ Dừa.
Hãy tiếp tục lần giở lịch sử để có thêm cái nhìn tổng quan về địa danh này:
Thành Đại La đời Lý mở các cửa: Triều Đông (dốc Hòe Nhai), Tây Dương (Cầu Giấy), Trường Quảng (Ô Chợ Dừa), Cửa Nam (Ô Cầu Dền), Vạn Xuân (Ô Đống Mác). Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên…
Vậy, có thể hiểu 1 cách nôm na: thành Đại La được gia cố và xây dựng lại từ năm 1014 nghĩa là sau 14 năm, từ khi hoàng thành Thăng Long bắt đầu xây dựng và được mở ra 5 cửa. Cửa Trường Quảng chính là nơi có ngôi chợ dưới bóng dừa ấy (khi nhà Lê xây dựng lại Hoàng thành thì các cửa thành lúc ấy được gọi là cửa ô). Vì vậy, ngoài Hán danh là Ô Thịnh Quang, Thịnh Hào còn có 1 cái tên Nôm là Chợ Dừa, do Chợ Dừa đã tồn tại trước đó.
Theo Thượng Kinh ký sự, phần Đến Kinh Thành (đoạn gần cuối) của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác viết khi ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ) năm 1782 thì cửa Vũ Quan (Ô Chợ Dừa), được mô tả như sau: “…Cùng đi theo cửa Vũ Quan, nhắm cửa thành mà vào. Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi… »
Và theo nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy về quang cảnh ô Chợ Dừa: “…Có những hôm cửa ô Chợ Dừa tấp nập lạ thường. Đó là những ngày triều đình ra quân. Quan tướng nhận chiếu chỉ, lạy từ vua trước sân rồng rồi lên xe. Vua xuống bệ, đặt tay vào lưng xe, đẩy làm phép một cái, gọi là “đẩy xe” để tỏ lòng tin cho quan quân yên tâm đi đánh giặc. Cờ mở, trống dong, các bạn đồng liêu đi tiễn. Tướng ra cửa ô, kéo lá cờ to có chữ họ của mình lên, cửa ô đóng lại. Sau đó, tướng lại “vi hành” về nhà để thu xếp, hôm nào xong xuôi mới trẩy thật. Những hôm có quan đóng như vậy, dân quanh cửa ô đi lại rầm rập, hàng quán bán đắt như tôm tươi. Lại có những hôm quân hồi vô lệnh, giáo mác lỏng chỏng, quân lính mất tăm. Nhân dân rầm rập chen ra khỏi cửa ô.… »
Qua những dữ liệu trên, xét về vị trí địa lý thì cửa Trường Quảng (Vũ Quan, Thịnh Quang, Thịnh Hào) Ô Chợ Dừa chiếm 1 vị trí quan trọng trong các cửa Ô, và Đàn Xã Tắc cũng nằm ngoài cửa Trường Quảng – Ô Chợ Dừa. Giáo sư Nguyễn Văn Hảo nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học trả lời trên báo Thanh Niên như sau: “… Đàn xã tắc là một loại đàn tế. Đây là nơi mà hằng năm vua đến hành lễ, tế thần đất và thần ngũ cốc. Theo sách Bạch hổ thông – xã tắc của thời Hán: “Vua phải có đàn xã tắc để cầu phúc và báo công với thiên hạ. Con người không có đất không ở vào đâu được, không có lương thực thì không có cái để ăn. Đất đai lại quá sâu rộng, không thể đi tế lễ khắp nơi, ngũ cốc cũng quá nhiều, không thể tế lễ từng loại, do vậy phải chọn đất để lập xã tôn kính đất đai… »
« Tắc » là tên gọi một loại nông sản lương thực (có sách gọi là cốc tử: túc – thóc) đứng đầu trong hàng trăm loại lương thực, phải lập tắc để tế lễ. Thời xưa người ta coi thần đất và những nơi tế lễ thần là xã. Xã tắc còn được dùng để gọi thay cho quốc gia. Đàn Xã Tắc lập ở chỗ nào có quy định rõ ràng. Theo sách Lễ ký, tế nghĩa thì đàn Xã Tắc phải lập ở bên hữu (phía tây thành), còn nơi thờ tổ tông của vua phải lập ở bên tả (phía đông thành).
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập “ở ngoài cửa Trường Quảng”. Cửa Trường Quảng ở đâu thì đến nay chưa rõ! Còn theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập “ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía tây nam tỉnh thành, đắp từ năm Lý Thiên Cảm, Thánh Vũ thứ 5 (1048) nay còn nền cũ ở Thịnh Hào” …
Từ đó ta thấy tầm quan trọng của cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa) với kinh thành Thăng Long và tại sao Ô Thịnh Quang (Thịnh Hào) lại có tên Nôm là Ô Chợ Dừa.
Những hình ảnh về Hà Nội xưa được đăng rộng rãi trên mạng internet và các trang viết về về Hà Nội đã ghi lại quang cảnh Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuy không có bức ảnh nào ghi cụ thể là Ô Chợ Dừa, nhưng những hình ảnh quanh khu vực Hồ Tây, làng Yên Thái (khu vực bên trong thành Đại La) thì thấy dừa được trồng rất nhiều. Có phải chăng sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, ngoài số tù binh được tướng Phạm Tu Lý – Phục Man đưa về quê mình ở làng Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, thì còn có số khác được đưa về để xây dựng lũy thành Tô Lịch? Và đây cũng là một minh chứng cho sự có mặt của bức Hứng Dừa trong tranh dân gian Đông Hồ khi nói về nét sinh hoạt của dân tộc ta cách nay hơn 500 năm.
Theo tiến sỹ Bá Trung Phụ, hiện đang công tác ở Bảo tàng Lịch sử Việt nam tại TP HCM. Trong những di vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ của Hoàng thành Thăng Long có 2 viên ngói khắc chữ Phạn và 1 số di vật khác mang phong cách Chăm. Từ đó, ta có thể nhận định, trong số những nghệ nhân được chọn để xây dựng Thăng Long thành có cả người Chăm.
Dừa khi xưa rất nhiều ở một khu dân cư ở quanh Hồ Tây
Và, đây có phải là giả thiết thứ hai về sự hiện diện của cây dừa về ngôi chợ dưới bóng dừa ở cửa Trường Quảng là: đã có một bộ phận người Chăm sinh sống nơi đây trong thời gian Hoàng thành được xây dựng.
Rất tiếc, ngoài Ô Quan Chưởng hiện nay còn hiện hữu, thì hình ảnh và tư liệu xưa về các cửa Ô cũng không có nhiều. Vì vậy, trong khuôn khổ hạn hẹp của 1 tham luận, chúng tôi không thể nói thêm được gì nhiều hơn.
Qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, ngày nay Ô Chợ Dừa chỉ còn là cái tên cổ mà hầu hết mọi người đều không biết đến lai lịch của nó. Nhưng với vai trò là một trong những cửa ngõ giao thông chính của thủ đô Hà Nội thì Ô Chợ Dừa vẫn giữ một vị trí quan trọng. Ngoài Đàn Xã Tắc, tại nơi đây hiện tập trung rất nhiều cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa, có nhạc viện, có Trường viết văn Nguyễn Du, có trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, có Gò Đống Đa, có đình Hào Nam, chùa Xã Đàn linh thiêng và rất nhiều trường đại học quanh đó. Ô Chợ Dừa còn có phố Khâm Thiên, đã từng nổi danh với « lối hát ả đào » và cũng chính là nơi mà đồng bào ta phải chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến dịch 12 ngày đêm mà Đế quốc Mỹ muốn san bằng Hà Nội. Quả thực Ô Chợ Dừa là mảnh đất địa linh nhân kiệt đã chứng kiến bao thăng trầm biến đổi của lịch sử .
Từ những tư liệu lịch sử, những bài viết, lời của các nhà khoa học xã hội có uy tín, chúng tôi hy vọng bài tham luận nhỏ này có thể cho ta ít nhiều hình dung được toàn cảnh ô Chợ Dừa qua những tên gọi khác nhau của từng giai đoạn như : cửa Trường Quảng, cửa Vũ Quan, Ô Thịnh Quang, Ô Thịnh Hào… và tầm quan trọng của cửa ô này trong suốt bề dày lịch sử của dân tộc./.
Nguồn: phuthuygaodua.blogspot.com/
Biên tập: 36phophuong.vn | Nhà tài trợ: Nhà Hàng Bia Hơi 1b Bắc Sơn
Bình luận của bạn