Công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng và cầu Long Biên: Cần được coi là di sản đô thị

Thứ 4, 05/06/2024, 16:44 (GMT+7)

Chia sẻ

Tóm tắt
Nhắc đến không gian Bãi Giữa sông Hồng, không thể quên một di sản đô thị của Hà Nội đó là cầu Long Biên, một công trình đặc biệt, kết cấu thép đặc biệt và một kết nối có giá trị đặc biệt qua sông Hồng, kết nối với không gian xanh Bãi Giữa sông Hồng. Hai yếu tố này là hai thành phần cấu trúc không chỉ là điểm nhấn cảnh quan mà còn là sự kết nối văn hóa, lịch sử, là nhân chứng lẫn nhau về sự biến đổi qua thời gian.

Bài viết này đưa ra một số nhận định cũng như một số lưu ý khi xem xét về tầm nhìn và giải pháp xây dựng Công viên Văn hóa Cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng.

  1. Bãi giữa sông Hồng và sự biến đổi của dòng sông

Sông Hồng là hệ thống gồm 3 nhánh sông lớn (sông Đà, sông Thao và sông Lô) hợp lưu tại Việt Trì và đổ ra biển tại cửa Ba Lạt, Trà Lý, Lạch Giang và cửa Đáy. Lưu vực sông Hồng có hình dạng hẹp và kéo dài ở phần thượng lưu (thuộc Trung Quốc, gọi là sông Nguyên) và mở rộng ở trung, hạ lưu (thuộc Việt Nam). Địa thế lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình nói chung dốc nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam và từ Bắc xuống Nam. Địa thế chung của hệ thống sông Hồng rất hiểm trở, 47% có độ cao trên 1.000m, phần lớn nằm ở phía Tây của lưu vực thuộc hai nhánh sông Đà và sông Thao, còn một phần nằm trên cao nguyên phía Bắc thuộc sông Lô. Phần đất bằng chỉ phân bố nhỏ lẻ dọc thung lũng của các sông lớn, phần chủ yếu tập trung ở tam giác châu sông Hồng, sông Thái Bình.

Theo TS. Hoàng Văn Thắng, tại Trung Quốc, trên dòng chính đã xây dựng (hoặc có kế hoạch xây dựng) khoảng 33 nhà máy thuỷ điện. Trong đó, 12 đập trên sông Thao, 13 công trình trên sông Đà (11 công trình đã vận hành) và 08 công trình thủy điện trên sông Lô – Gâm. Các hồ chứa trên địa phận Trung Quốc có nhiệm vụ phát điện là chính và hầu hết không có nhiệm vụ phòng chống lũ hạ lưu. Điều này có sự khác biệt đối với Việt Nam các thủy điện trên lưu vực Sông Hồng của Việt Nam có nhiệm vụ phòng chống lũ cho hạ du, cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó, quan trọng nhất là hai đập thủy điện Hòa Bình và Thác Bà.

Một số kết quả đánh giá cho thấy các tác động của hệ thống hồ đập xây dựng trên lưu vực sông Hồng phía Trung Quốc là biến đổi lòng dẫn từ năm 2000÷2019: Kết quả đo đạc từ năm 1988÷2000, tại ngã ba Sông Thao – Sông Đà, đáy sông hạ thấp từ 0,9÷1,4m, tại Sơn Tây hạ thấp từ 0,3÷0,6m, tại Hà Nội chưa thấy dấu hiệu hạ thấp đáy sông. Từ năm 2000÷2019, diễn biến sói và hạ thấp đáy sông diễn ra mạnh mẽ trên cả sông Đà, sông Lô, sông Thao, sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, sông Hồng (210km từ ngã 3 sông Thao – sông Đà đến cửa Ba Lạt hạ thấp cao độ đáy sông thấp nhất là 0,31- 6,83m, trung bình từ 0,66-3,07m.

Dựa trên ảnh vệ tinh chụp từ năm 1984-2023 cũng cho thấy giai đoạn trước năm 2000 Bãi Giữa sông Hồng có sự biến đổi mạnh về cấu trúc, bồi lắng, dịch chuyển vị trí, quy mô, trong đó có những thời điểm như năm 1998, 2000 có sự thu hẹp đáng kể.

Có thể thấy, khoảng 20 năm trở lại đây, sông Hồng đã có sự ổn định, thu hẹp về dòng chảy, mực nước suy giảm đã tạo nên sự thay đổi không gian Bãi Giữa sông Hồng theo hướng mở rộng, dịch chuyển, kết nối với phần bờ phía Nam sông Hồng, đã tạo nên quỹ đất ngày càng lớn, là cơ sở tạo lập công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng.

 
Sự biến đổi Bãi Giữa sông Hồng 1984-2023, ổn định mở rộng về phía Nam sau năm 2000 (tác giả tổng hợp từ dữ liệu Google Earth)
 
2. Cầu Long Biên – Một di sản đô thị, cảnh quan điểm nhấn quan trọng khu vực phía Nam bãi giữa sông Hồng

Cầu Long Biên với các giá trị của nó hội đủ các giá trị toàn cầu về lịch sử, kết cấu, cảnh quan, kiến trúc…thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, cảnh quan, kỹ sư kết cấu, kiến trúc sư, nhà sử học… và đặc biệt là sự yêu mến của cộng đồng cư dân Thủ đô Hà Nội cũng như trong nước và bạn bè quốc tế. Nếu gỡ bỏ cầu Long Biên ra khỏi hình ảnh của Thủ đô Hà Nội sẽ là làm mất đi một phần không gian lịch sử của Thủ đô Hà Nội của người dân Hà Nội cũ và thế hệ tương lai, và đối với thế giới là một công trình có kết cấu đặc biệt, có tuổi đời lịch sử, công nghệ, tác giả thiết kế tháp Effiel nổi tiếng thế giới.

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã có nhiều hội thảo về vấn đề bảo tồn cầu Thăng Long nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của cầu Long Biên, và sự cần thiết phải bào tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Trong hội thảo gần đây nhất, KTS Trần Ngọc Chính đã nhấn mạnh: “Công nhận Cầu Long Biên là di sản đô thị, di sản kiến trúc cầu duy nhất của Thủ đô, biểu tượng của Hà Nội để có được cơ chế chính sách, tài chính phù hợp cho công tác bảo tồn, tạo cơ hội huy động các nguồn lực và trách nhiệm của các bên trong quá trình cải tạo, đầu tư, quản lý và vận hành; các giải pháp khai thác giá trị du lịch bãi giữa sông Hồng cần kết hợp với cầu Long Biên và trục di sản sông Hồng…”.

Mặc dù vậy, trong thể chế pháp lý hiện nay, những công trình có giá trị như cầu Long Biên lại chưa được thể chế hóa trong góc nhìn văn hóa, di sản. Thực tiễn đã minh chứng sự biến mất của rất nhiều công trình có giá trị kiến trúc ở các đô thị Việt Nam bởi vì chưa được đưa là công trình di tích. Nhưng cầu Long Biên với các giá trị sử dụng của nó trong suốt thời gian qua không thể và không nên biến thành một di tích mà nên biến nó là một phần của di sản sống của đô thị, thủ đô Hà Nội. Đó chính là Di sản đô thị, nó có thể là di sản đầu tiên của thành phố được công nhận cùng với nhiều các di sản đô thị khác, hoặc theo Luật Kiến trúc với công cụ pháp lý là Quy chế quản lý kiến trúc quản lý mới chỉ quy định thuộc nhóm các công trình kiến trúc có giá trị, tuy nhiên sẽ chỉ được nhìn nhận ở phạm vi thành phố Hà Nội.

 

3. Luật hóa khái niệm di sản đô thị – thách thức lớn trong bảo vệ các công trình kiến trúc cảnh quan đô thị có giá trị, bao gồm Cầu Long Biên và không gian xanh bãi giữa sông Hồng

Di sản đô thị (Urban Heritage) theo Anna Karlström,2014 [4] quan niệm là khái niệm toàn cầu và có phạm vi trên toàn thế giới, nhưng đồng thời nó chứa đựng một số khái niệm và phải được nhìn nhận trong mối quan hệ với các bối cảnh khác nhau và cụ thể mà nó giải quyết. Các vấn đề di sản đô thị không chỉ thu hút sự tham gia của các nhà quản lý di sản và khảo cổ học mà còn cả các nhà địa lý, cảnh quan và quy hoạch đô thị, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà nhân chủng học và nhà sử học, cùng những người khác. Như các vấn đề di sản văn hóa nói chung, những vấn đề liên quan đến di sản đô thị có tính liên ngành và nhiều mặt. Di sản đô thị thường có vị trí “ở giữa”. Một mặt, nó thường xuyên thay đổi và có nguy cơ bị phá hủy do tính chất phát triển đô thị, mặt khác, nó được bảo vệ và bảo tồn vì những giá trị lịch sử của nó. Các cấu trúc di sản thường được coi là một bối cảnh thụ động đối với phạm vi rộng hơn của thành phố hiện đại đang phát triển. Mục tiêu cuối cùng là phấn đấu hội nhập để có giá trị lịch sử và một đô thị hiện đại …

Di sản đô thị là khái niệm có phạm vi rộng, hướng đến gìn giữ, bảo vệ những không gian, đối tượng (đang sống), là một phần trong cấu trúc, không gian phát triển của đô thị, mặc dù vậy tại Việt Nam, Luật Di sản Văn hóa (2012) hiện chưa có khái niệm về Di sản đô thị, do vậy về mặt pháp lý các công trình tuy có thể có các giá trị được cộng đồng xã hội, mang tính đại diện cho hình ảnh, ký ức của đô thị nhưng chưa được xếp hạng di tích có thể bị phá bỏ, hủy hoại theo nhiều cách khác nhau.

Đối với khu vực trung tâm cũ của đô thị, nhiều công trình thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, khẳng định cho một giai đoạn lịch sử phát triển đô thị đã bị xóa bỏ thay thế bằng các công trình 01 năm tuổi. Sự hủy hoại các di sản đô thị là không thể khôi phục và làm đánh mất hoàn toàn “bản sắc” văn hóa của một đô thị. Do vậy làm thế nào để có thể bảo vệ các công trình có giá trị, công trình di sản đô thị, hài hòa xung đột giữa bảo tồn và phát triển được coi là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của chính quyền đô thị, các nhà quản lý và ban hành chính sách.

Hiện nay, Luật Di sản Văn hóa đang được sửa đổi bổ sung, năm 2022 trong văn bản giải trình góp ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu, bổ sung khái niệm “di sản đô thị” vào dự thảo Đề cương Luật theo góp ý của Tòa án nhân dân tối cao về việc Đề nghị bổ sung khái niệm: “di sản đô thị” và khái niệm “di sản kiến trúc nông thôn” vào Điều 3 “Giải thích từ ngữ”…. ; cụ thể: Đối với khái niệm “di sản kiến trúc nông thôn” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bảo lưu, chưa bổ sung khái niệm vào luật này, do chưa định hình rõ để có thể quy định thành khái niệm đưa vào luật. Tuy nhiên, theo dõi trên dự thảo Luật đăng tại website của Bộ Văn hóa ngày 11/10/2023 về Hồ sơ dự thảo Luật Di sản Văn hóa sửa đổi đã không thấy có các nội dung về khái niệm Di sản đô thị. Đây là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với vấn đề Luật hóa khái niệm Di sản đô thị ở Việt Nam.

Sự thiếu vắng công cụ pháp lý sẽ tạo ra những khó khăn trong việc khẳng định các giá trị quan trọng, lâu dài và là các điểm nhấn cảnh quan đặc biệt của thành phố Hà Nội và quốc gia, cũng như hình ảnh thành phố xanh, sáng tạo với quốc tế. Cấu trúc của 02 không gian và công trình kiến trúc cầu Long Biên nếu được coi là di sản đô thị, có thể áp dụng một số các chính sách ưu đãi trong gìn giữ và bảo tồn dựa trên huy động được các nguồn lực xã hội thông qua chương trình chuyển quyền phát triển.

4. Huy động nguồn lực xã hội trong phát triển công viên, bảo tồn công trình di sản đô thị dựa trên chương trình chuyển nhượng quyền phát triển không gian (TDR)

Một trong những vấn đề lớn của bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình di sản đô thị, công trình có giá trị là nguồn lực. Một số nước đã có những thành công trong áp dụng các công cụ chính sách để tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn, cân bằng lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là những đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Đó là các chương trình chuyển nhượng TDR (Transfer Development Right) tại Mỹ và Air Right Sale tại Nhật Bản.

* Nhà ga Grand Central, NewYork

Công cụ chuyển nhượng quyền phát triển không gian TDR được áp dụng trong mua bán các không gian lân cận để phát triển các công trình cao tầng tại NewYork từ năm 1916 trong ý tưởng về quy hoạch phân vùng thành phố New York nhằm cho phép các chủ đầu tư bất động sản xây cao hơn các quy định trong quy hoạch phân vùng bằng cách mua lại quyền phát triển tại các khu vực liền kề. TDR cũng cho phép thành phố thực hiện bảo tồn vĩnh viễn các công trình có giá trị trong thành phố bằng cách mua lại quyền phát triển của các công trình này hoặc chuyển nhượng quyền phát triển này cho một bất động sản lân cận.

Ví dụ điển hình là trường hợp nhà ga Grand Central, NewYork. Nhà ga Trung tâm được xây dựng vào năm 1913, là một trong những kiệt tác kiến trúc của thành phố. Vào cuối những năm 1960, Công ty Vận tải Trung ương Penn (chủ sở hữu nhà ga) muốn xây dựng một tòa tháp 53 tầng phía trên công trình nhà ga.

 
Hình 2. Tòa nhà Grand Central, phương án cải tạo và sự tham gia của cựu đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis, Bess Meyerson, Ed Koch và Philip Johnson là một số tên tuổi nổi tiếng đã hợp tác cùng nhau để cứu Grand Central vào những năm 1970 – nguồn: NY Daily
 
Cựu Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ, Jacqueline Kennedy Onassis nhấn mạnh trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Oyster Bar nổi tiếng của Grand Central Terminal vào năm 1975. “Nếu chúng ta không quan tâm đến quá khứ của mình, chúng ta không thể có nhiều hy vọng cho tương lai của mình“, “Tất cả chúng ta đều nghe nói rằng nó quá muộn, hoặc điều đó phải xảy ra, điều đó không thể tránh khỏi. Nhưng tôi không nghĩ đó là sự thật”.

 
Hình 3. Minh họa về chuyển nhượng quyền phát triển (TDR) ở nhà ga Grand Central, NewYork.(Doug Woodruff – The TDR Handbook, IslandPress, 2012
 
Trong khi một số người nghi ngờ tầm quan trọng của Grand Central, các chủ sở hữu của nhà ga đã có tư vấn về luật – làm thế nào và nó có thể cấu thành bất cứ điều gì khác ngoài sự vi phạm bất hợp lý quyền của họ với tư cách là chủ sở hữu tài sản? Những người theo Chủ nghĩa bảo tồn như Onassis, làm việc với các nhóm như Hiệp hội Nghệ thuật Thành phố, tiếp tục nhấn mạnh rằng việc cứu lấy Grand Central và các tòa nhà bởi nó không phải là vấn đề bất động sản đơn thuần, mà là vấn đề lợi ích công cộng. LPC (Landmarks Preservation Commission) đã từ chối đề xuất và từ chối các sửa đổi đối với nó vào năm 1969, dẫn đến một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa thành phố và Penn Central. Đến ngày 26/6/1978, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đồng ý với họ trong vụ kiện giữa Công ty Vận tải Trung tâm Penn và Thành phố New York, không chỉ liên quan đến Grand Central mà theo tinh thần của chính luật Địa danh, William Brennan đã viết rằng để ra phán quyết có lợi cho chủ sở hữu của tòa nhà sẽ “làm mất hiệu lực không chỉ luật của Thành phố New York, mà tất cả luật pháp mang tính bước ngoặt có thể được so sánh thực thi ở những nơi khác trong quốc gia”

Sự công nhận của chính quyền thành phố đã loại bỏ ý tưởng này và không phát triển tòa nhà nào phía trên nhà ga. Với nhiều nhân vật có ảnh hưởng, họ cho phép và bắt buộc công ty Penn trung ương áp dụng cơ chế chuyển nhượng quyền phát triển đến khu vực bất động sản liền kề cho phép vượt lên trên mốc quy định của thành phố.

Đối với bản thân công trình Grand Central, sau khi được cứu khỏi sự phá hủy, hai thập kỷ sau, Grand Central đã trải qua một cuộc bảo tồn và cải tạo trị giá 113,8 triệu đô la hoàn thành vào năm 1998 và bây giờ trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách, tạo nên các tác động phát triển tích cực và một khu phố mang phong cách Grand Central.

* Nhà ga Tokyo, Nhật Bản

Nhật Bản cũng có những thành công tương tự trong bảo vệ và bảo tồn nhà ga trung tâm. Bắt đầu từ Đạo luật Quy hoạch Thành phố đã được sửa đổi từng phần hầu như hàng năm kể từ khi có hiệu lực vào năm 1969 để đáp ứng với những thay đổi thực tế. Tháng 6 năm 1970, về cơ bản bãi bỏ giới hạn chiều cao của tòa nhà trong điều kiện hạn chế hình thức tòa nhà và đưa cả tiêu chuẩn về hệ số sử dụng đất (FAR) và mật độ xây dựng. Áp dụng kinh nghiệm chương trìnhTDR trong quản lý và bảo tồn di sản đô thị ở Hoa Kỳ, năm 2012, Tokyo đã thông qua cơ chế Bán quyền sử dụng khoảng không – Air Right Sale, (tương tự như cơ chế TDR) để bảo tồn thành công nhà ga Tokyo. Một thỏa thuận trong chương trình bán quyền không gian theo quy định cho phép chủ đất chuyển nhượng hoặc “bán” quyền phát triển không gian chưa sử dụng của nhà ga cho các bất động sản liền kêt. Kết quả FAR bổ sung được cung cấp để phát triển các tòa nhà cao hơnkhu vực liền kề Có 03 dự án tăng FAR tiêu chuẩn từ 13,0 lên 17,02 (tòa nhà Tokyo), 17,6 (tòa nhà Shin-Marunouchi) và 15,3 (tòa nhà Marunouchi Park). [9]

 

5. Cơ sở áp dụng chuyển nhượng quyền phát triển không gian TDR tại thủ đô Hà Nội

Áp dụng công cụ này tại các đô thị ở Việt Nam là một nội dung khá phức tạp, liên quan đa ngành, nhưng rất cần nghiên cứu áp dụng thí điểm bởi những lợi ích đem lại, đặc biệt khả năng tái cấu trúc đối với khu vực trung tâm đô thị, và các đô thị có các giá trị di sản, các đô thị du lịch. Các nghiên cứu chính sách cho chương trình TDR cần dựa trên xây dựng 03 yếu tố cấu thành gồm: Khu vực chuyển nhượng; khu vực nhận chuyển nhượng; thị trường chuyển nhượng, đồng thời cần xem xét các yếu tố đối với trường hợp Việt Nam như sau:

a) Mục tiêu: Xây dựng cơ chế linh hoạt trong việc áp dụng chương trình TDR trong công tác quản lý xây dựng, quản lý phát triển đô thị gắn với mục tiêu phát triển bền vững: Các công cụ kiểm soát khuyến khích – hạn chế phát triển trong phạm vi khu trung tâm hoặc giữa các khu vực hạn chế phát triển và khuyến khích phát triển của đô thị, hài hòa các mục tiêu bảo tồn – phát triển đô thị.

b) Nguyên tắc: Áp dụng TDR cần dựa trên chính sách, chiến lược phát triển đô thị và cơ chế thị trường chuyển nhượng TDR dựa theo nhu cầu thị trường. Cụ thể cho phép các nhà đầu tư tư nhân hoặc nhà quản lý có cơ chế mua, bán hoặc chuyển nhượng các tín dụng phát triển (Transfer of Development Credits – TDC) gắn với mục tiêu phát triển hoặc hạn chế phát triển tại một số khu vực trong đô thị.

 

c) Cơ sở pháp lý:

Luật Dân sự: Hiện mới nêu về Quyền bề mặt (Surface Right), về cơ bản chưa giải quyết quyền phát triển không gian phía trên đất (Air Right) được coi là các tài sản hình thành trên đất trong tương lai. Việc thiếu vắng cơ sở pháp lý quan trọng này là cản trở lớn nhất định nghĩa có hay không Quyền sở hữu không gian (Air Right) theo hướng là quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (2023): Khái niệm về Di sản đô thị đã được tiếp thu đưa vào nội dung Luật, đây là cơ sở chính quyền xác định và xây dựng quỹ Di sản đô thị cho mỗi thành phố. Luật hóa các nội dung liên quan đến bảo vệ trước khi bảo tồn quỹ Di sản đô thị là một nội dung cực kỳ quan trọng trong các quản lý phát triển đô thị và thực thi các chính sách đô thị;

Luật Đất Đai (2013): Nêu khái niệm về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, cần làm rõ và bổ sung thêm về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm Tài sản gắn liền với đất (hữu hình) và Tài sản không gian phía trên đất (phần được xây dựng trong tương lai) hay quyền phát triển không gian phù hợp với quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Tài sản phía trên đất cũng có quyền được chuyển nhượng, thừa kế, góp vốn… Khái niệm này sẽ có sự tương đồng với khái niệm về quyền không gian (Air right). Phần không gian phát triển trong tương lai này chính là tổng diện tích sàn xây dựng còn lại được phép của một ô đất, phù hợp với chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể được quy định theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt;

Dự thảo Luật đất đai (2023) đã cho thấy các khái niệm mới về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không và Điều 207 đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không đã cho thấy sự tiệm cận của các cơ sở pháp lý đầu tiên từ Luật, cho phép đăng ký lần đầu và đăng ký biến động về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không, tạo cơ sở cho việc chuyển nhượng quyền về khoảng không (Air Right). Hiện nay, dự thảo mới cho thấy các nội dung đang được rút bớt và dự kiến chuyển cho các Luật liên quan đến Xây dựng;

Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị: Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị có nêu các định hướng, chiến lược áp dụng một số các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc thực hiện các chiến lược phát triển đô thị. TDR là một trong những công cụ sẵn có đã được thế giới áp dụng thành công cần được nghiên cứu áp dụng cụ thể trong điều kiện Việt Nam;

Luật Thủ đô (2012) và dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi: Luật Thủ Đô là công cụ pháp lý quan trọng, trong đó cho phép Thủ đô thực hiện những cơ chế chính sách riêng nhằm thực hiện các định hướng phát triển mang đặc thù của thủ đô, các cơ chế chính sách ưu đãi trong cải tạo tái thiết đô thị… do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

6. Tương lai công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng gắn với Cầu Long Biên

Tương lai của Công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng gắn với tương lai của cầu Long Biên, hai cấu trúc này không thể và không nên tách rời bởi dấu ấn của thời gian, lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Tháp Eiffel và Tượng Nữ thần Tự do là các công trình nổi tiếng một phần nhờ hai công trình này toạ lạc giữa trái tim hai thành phố văn minh nổi tiếng nhất thế giới. Cũng như Tháp rùa nổi tiếng vì được toạ lạc giữa Hồ gươm, chứ không phải do kiến trúc đặc biệt. Vậy nên, công viên Long Biên, cầu Long Biên sẽ trở nổi tiếng bởi cấu trúc lân cận, bờ sông, vị trí trung tâm Hà Nội, là những không gian hội tụ hướng đến cầu Long Biên, cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng, đa dạng, đưa hình ảnh cầu Long Biên, luôn được nhìn thấy gắn với các không gian mở, thu hút các hoạt động công chúng với công viên bãi giữa. Đồng thời, sự phát triển hai phía cầu sẽ tạo nên sự thu hút, với các hoạt động trên cầu. Nếu không tạo được sức sống, sẽ ít người sử dụng, ít người sẽ nhanh chóng khiến các công trình tại đây sẽ trở nên hoang vắng, hư hỏng, xuống cấp.

Trong Đề án Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng là tương lai của thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) mà năm 2019, Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, sẽ là thách thức mới cho chính quyền thành phố thể hiện quyết tâm, sáng tạo, khát vọng phát triển, đưa sông Hồng là một phần của không gian mở của đô thị Hà Nội.

TS. KTS Nguyễn Hoàng Minh
© Tạp chí Kiến trúc

 
Tài liệu tham khảo
[1]. Arthur C. Nelson, Rick Pruetz and Doug Woodruff (2012), TDR Handbook Designing and implementing Transfer of development rights programs, Island Press.
[2]. Handbook on Gross Floor Area, tháng 3 năm 2011 – http://www.ura. gov.sg/
[3]. Karlström A. (2014) Urban Heritage. In: Smith C. (eds) Encyclopedia of Global Archaeology. Springer, New York, NY. https://doi. org/10.1007/978-1-4419-0465-2_1137
[4]. Nguyễn Hoàng Minh, Kiểm soát hệ số sử dụng đất trong quy chuẩn quy hoạch Việt Nam, Tạp chí Quy hoạch xây dựng số 69/2014.
[5]. Nguyễn Hoàng Minh, Chuyển nhượng quyền phát triển (TDR) một công cụ bổ sung trong quy hoạch và quản lý đô thị ở Việt Nam – Tạp chí Quy hoạch xây dựng, Bộ Xây Dựng số 71-72/2015.
[6]. Nguyễn Hoàng Minh, Chuyển nhượng quyền phát triển không gian (TDR) công cụ quản lý không gian đô thị thông minh – Tạp chí Quy hoạch xây dựng số 93/2018.
[7]. The Great Air Race, The New York Times – http://www.nytimes.com/ [8]. Nguyễn Nga, Tài liệu dự án bảo tồn, tôn tạo phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận hướng đến một thủ đô sáng tạo.


Phố Vật Liệu Xây Dựng - Phố Cát Linh 


Nguồn - 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác