Bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị tại Hà Nội

Thứ 2, 12/12/2022, 11:16 (GMT+7)

Chia sẻ

Hà Nội trong thời kỳ thuộc địa Pháp là thành phố được quy hoạch và xây dựng một cách bài bản. Các công trình kiến trúc Pháp đã được xây dựng với số lượng lớn và đa dạng về phong cách, hình thành một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau năm 1954, trải qua nhiều biến động lịch sử và xã hội, quỹ di sản kiến trúc đó đã bị hao hụt một phần. Đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây, dưới áp lực của quá trình đô thị hóa không được kiểm soát tốt, cùng với các tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, tốc độ biến mất hoặc hư hại, xuống cấp của các công trình kiến trúc Pháp trở nên nhanh hơn. Sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là một bài toán khó cho một đô thị lịch sử đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ như Hà Nội. Trong số các di sản kiến trúc mà người Pháp để lại có nhà phố Pháp, loại nhà này có những giá trị rất riêng, song vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu có hệ thống như công thự và biệt thự Pháp, do đó chúng cần được nhìn nhận và đánh giá toàn diện để có các giải pháp bảo tồn phù hợp.

 Sự hình thành của nhà phố Pháp
 Nhà phố là loại hình nhà ở thấp tầng có cửa hàng, được xây dựng thành từng dãy trên các tuyến phố có điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh buôn bán. Nhìn chung nhà phố Pháp xuất hiện muộn hơn so với công thự và biệt thự Pháp. Theo quan sát thực tế, những ngôi nhà phố Pháp thế hệ đầu tiên ở Hà Nội (còn lưu giữ được cho đến ngày nay) xuất hiện vào khoảng thời gian 1920 – 1922, tức là sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc tại Châu Âu. Để khôi phục nền kinh tế bị tàn phá tại chính quốc, nước Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai trên quy mô lớn, trong đó có xứ Đông Dương. Lúc này, tại Hà Nội đã hình thành một tầng lớp xã hội mới là tư sản – tiểu tư sản người Việt. Tích lũy đủ tiềm lực về tài chính và tận dụng thời cơ thuận lợi cho kinh doanh, họ đã khai trương các cửa hiệu mới trong khu phố Tây. Nhu cầu ở và kinh doanh của tầng lớp tư sản – tiểu tư sản bản địa cùng một bộ phận thị dân, cũng như quan điểm thẩm mỹ mới đòi hỏi phải có một mô hình nhà phố khác so với kiểu truyền thống trong khu phố Cổ. Nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu thực tiễn này, các nhà thầu xây dựng Pháp đã nộp hồ sơ và được chính quyền Pháp tại Hà Nội cấp phép xây dựng hàng loạt nhà phố Pháp trên các tuyến phố thương mại ở hai khu phố Pháp phía Tây (quận Ba Đình ngày nay) và khu phố Pháp phía Nam (một phần quận Hoàn Kiếm và một phần quận Hai Bà Trưng ngày nay): Ví dụ như phố Duvilier (phố Nguyễn Thái Học), phố Đỗ Hữu Vị (phố Cửa Bắc), phố Antoine Bonnet (phố Châu Long), phố Orleans (phố Phùng Hưng), phố Paul Bert (phố Tràng Tiền), phố Borgnis Desborder (phố Tràng Thi), phố Raynet (phố Cửa Nam), rue de Hue (phố Huế), phố Đồng Khánh (phố Hàng Bài), phố Gia Long (phố Bà Triệu), phố Khâm Thiên, phố Bạch Mai, … Ngoài ra, trong khu vực 36 phố phường Hà Nội cũng có những nhà phố Pháp dạng xây chen giữa các nhà ống, điển hình như các nhà số 57B phố Hàng Bồ, số 94 phố Hàng Bông hay số 5 phố Hàng Cót hãy còn hiện diện.

18a02019-tckt-vn-01-1.jpg

  Hình 1: Hai khu phố Pháp ở Hà Nội thời điểm năm 1943 với hai tuyến phố đặc trưng cho nhà phố Pháp được lựa chọn để nghiên cứu là phố Nguyễn Thái Học và phố Huế [1]

 Như vậy, nhà phố Pháp mới có bề dày lịch sử khoảng 100 năm và là một phần trong quỹ di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội. Xuyên suốt quá trình phát triển, về cơ bản, nhà phố Pháp vẫn lưu giữ hai chức năng chính là ở và kinh doanh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường và dưới tác động của quá trình đô thị hóa trong hơn 20 năm qua, nhà phố Pháp đã biến đổi theo chiều hướng tiêu cực do thiếu sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Nhiều nhà phố Pháp đã biến mất, thay vào đó là nhà phố mới có kiến trúc hiện đại, làm cảnh quan đô thị trở nên lộn xộn, mất đi vẻ đẹp tổng thể. Một số nhà phố Pháp khác bị cơi nới do nhu cầu chỗ ở tăng lên hoặc được cải tạo song không đúng với nguyên bản, dẫn đến tình trạng bị biến dạng. Số nhà phố Pháp còn lại, may mắn hơn khi được giữ gìn tương đối nguyên vẹn, song cũng đã xuống cấp do không được bảo dưỡng thường xuyên sau một thời gian dài sử dụng. Mối quan hệ gắn bó hài hòa trong phạm vi từng ngôi nhà và giữa các ngôi nhà trên một tuyến phố đã ít nhiều bị phá vỡ, trong đó phòng phía trước tầng một là không gian bị biến đổi mạnh nhất. Thực tế này đã khiến quỹ di sản kiến trúc Pháp nói chung và nhà phố Pháp tại Hà Nội nói riêng không chỉ giảm sút nhanh về số lượng mà còn cả về giá trị kiến trúc.

 Trường hợp nghiên cứu: Phố Nguyễn Thái Học và phố Huế
 Đây là hai tuyến phố thương mại điển hình thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Phố Nguyễn Thái Học (phố Duvilier trước năm 1954) thuộc khu phố Pháp phía Tây, còn phố Huế (vẫn giữ nguyên tên gọi từ thời Pháp) nằm trong khu phố Pháp phía Nam. Cách gọi phía Tây và phía Nam như trên căn cứ theo vị trí của hai khu phố này so với khu phố Cổ.

18a02019-tckt-vn-04-1-1.jpg

  Hình 2: Nhà phố Pháp trên phố Nguyễn Thái Học [2]

 Phố Nguyễn Thái Học có sự pha trộn giữa hai loại hình nhà ở theo phong cách kiến trúc Pháp. Hiện cả phố còn 43 biệt thự Pháp và 27 nhà phố Pháp. Trong số 27 nhà phố Pháp có 10 căn bên dãy số chẵn và 17 căn bên dãy số lẻ. Tổng cộng có sáu dãy nhà phố Pháp có từ ba đến sáu căn liền nhau mỗi dãy. Theo quan sát thì các ngôi nhà có giá trị kiến trúc nổi bật nhất là số 50, 62, 95A, 95B, 97A, 97B, 99, 125, 127, 129, 124, 126, 142, 144, 146 và 148. Các ngôi nhà này đều có gian mặt tiền tầng một là cửa hàng hoặc văn phòng được cải tạo ở một mức độ nhất định, trong khi đó mặt đứng tầng hai gần như còn nguyên vẹn. Một số chi tiết đã bị bong tróc, nứt nẻ, rêu mốc đã được sửa lại hoặc sơn lại, không gây ảnh hưởng nhiều đến giá trị kiến trúc của ngôi nhà [2].

18a02019-tckt-vn-05-1.jpg

  Hình 3: Nhà phố Pháp trên phố Huế [2]

 Khác với phố Nguyễn Thái Học, phố Huế không có biệt thự Pháp mà chỉ có nhà phố Pháp. Hiện nay cả tuyến phố còn giữ được 84 nhà phố Pháp, gồm 64 căn bên dãy số chẵn và 20 căn bên dãy số lẻ. Tổng cộng có mười dãy nhà có từ ba đến chín căn liên tiếp nhau. Theo quan sát, các ngôi nhà có giá trị nhất về kiến trúc là số 20, 56D, 58A, 58B, 110, 240, 242, 244, 262, 276, 290, 292 và 294 (đều ở bên dãy số chẵn) [2].

 Đặc điểm của nhà phố Pháp
 – Tính liên tục: Những căn nhà phố Pháp giống hoặc tương tự nhau về hình thức kiến trúc với số lượng có khi đến 30 – 40 căn liền nhau tạo thành từng dãy dài, chỉ được ngắt bởi một phố khác cắt qua hoặc một ngõ nhỏ chạy sâu vào bên trong ô phố, tự bản thân đã tạo nên giá trị về quy hoạch và cảnh quan đô thị, thể hiện ở tính trật tự và thống nhất (khi các mặt đứng nhà giống nhau) hoặc tính đa dạng và sinh động (nếu có sự khác biệt về hình thức mặt đứng). Trong cả hai trường hợp, người Pháp đều đã nghiên cứu kỹ để những ngôi nhà đạt được tính thẩm mỹ cá thể và tính hài hòa tổng thể.

 – Kết cấu: Nhà kiểu tường gạch chịu lực, được xây dựng khá kiên cố. Sàn gạch dưới tầng một, sàn tầng hai bằng bê tông cốt thép hoặc đôi khi bằng gỗ.

 – Chiều cao: Tuyệt đại đa số nhà phố Pháp cao hai tầng, chiều cao 3,5 – 4 m/tầng, tùy thuộc vào chiều rộng nhà. Cầu thang hoàn toàn bằng gỗ hoặc cấu tạo bản bê tông có bậc xây gạch.

 – Mái nhà: Mái ngói thường dốc hai phía – phía trước và phía sau. Mái bằng rất ít gặp.

 – Kích thước nhà: Phổ biến chiều ngang 4 – 5 m, chiều dài 15 – 20 m.

 – Hình khối: Tương đối đơn giản, vuông vức, không phong phú bằng các biệt thự Pháp.

 – Cấu trúc: Nhà chính gồm hai khối, có cầu thang ở giữa rẽ sang hai bên. Phía trong có một sân nhỏ ngăn cách nhà chính với nhà phụ một tầng (gian bếp và khu nhà tắm – vệ sinh) phía sau.

 – Chức năng: Kinh doanh (tầng một gian phía trước) và ở (tầng một gian phía sau và toàn bộ tầng hai).

 – Số hộ gia đình: Ban đầu chỉ có một hoặc nhiều nhất là hai hộ sống trong một nhà. Khi chỉ có một hộ thì việc sử dụng không gian rất đơn giản. Còn trong trường hợp hai hộ khác nhau không phải họ hàng cùng sinh sống trong một nhà thì có hai khả năng: 1) hộ A sống cả hai tầng phía trước và hộ B sống cả hai tầng phía sau (phân theo khối, chung cầu thang); 2) hộ A sử dụng toàn bộ tầng dưới và hộ B sử dụng toàn bộ tầng trên (phân theo tầng, cầu thang chủ yếu hộ B sử dụng). Khi đó, nếu không có ngõ nhỏ lưu thông bên cạnh như nhà ở đầu hoặc cuối dãy, thì sẽ phải ngăn một phần gian tầng 1 phía trước để tạo một lối đi riêng rộng khoảng 1 m cho hộ gia đình sống bên trong hoặc sống trên tầng hai [2].

 Giá trị của nhà phố Pháp
 – Phong cách kiến trúc: Nhà phố Pháp có hai phong cách chủ đạo là Kiến trúc Tân cổ điển Pháp thịnh hành trong giai đoạn đầu tiên (1920 – 1930) và Kiến trúc Hiện đại (Art Deco, Art Nouveau) xuất hiện và phổ biến trong thời kỳ sau (1930 – 1945).

 – Hình thức kiến trúc: Khá đa dạng và có nhiều cách phân loại.

  •  Đối xứng hoàn toàn (nhà chỉ có một hộ sinh sống, hoặc hai hộ nhưng nhà ở đầu/cuối dãy có ngõ đi bên cạnh nhà) hoặc bất đối xứng giữa tầng một với tầng hai (khi có lối đi riêng ở tầng một cho hộ sống bên trong hoặc tầng trên). Thông thường, nhà có cửa đi chính giữa, hai cửa sổ đối xứng hai bên. Cửa đi hai cánh, ván gỗ đặc toàn bộ hoặc 1/3 bên dưới, 2/3 bên trên lắp kính mờ có hoa sắt được chế tạo khá đẹp mắt bảo vệ bên ngoài. Cửa sổ phổ biến là cấu trúc hai lớp, trong kính ngoài chớp, với chấn song sắt (hoặc gỗ) ở giữa;
  •  Có hoặc không có ban công. Ban công nếu có thì khá nhỏ, ở chính giữa, ít khi xây đặc mà làm lan can thoáng bằng hoa sắt hoặc nan bê tông. Ở dạng đơn giản thì các nan bê tông này là những chấn song thẳng. Cầu kỳ hơn thì có kiểu đúc chữ “vạn” hoặc chữ “thọ” trong tiếng Trung. Ban công chạy dài suốt bề ngang nhà cũng có, nhưng ít gặp. Một số nhà xây hiên trên tầng hai lùi vào khoảng 1,5 m, thay vì xây ban công đua ra;+ Có hoặc không có tường chắn ở mặt tiền phía trên mái, tùy từng nhà;
  • Cột hoặc trụ xây nổi tạo phân vị dọc cho mặt đứng nhà, chia mặt đứng nhà thành ba khoảng cân đối, khoảng ở chính giữa thông thường rộng hơn hai khoảng hai bên một chút, hoặc trụ để chìm tường trên mặt đứng không mang tính phân vị, tùy từng trường hợp.

 – Chi tiết trang trí: Đơn giản chỉ là gờ chỉ phẳng một vạch lớn có khía, tinh tế hơn là nhiều vạch nhỏ đan lồng nhau kiểu đường diềm tạo phân vị ngang cho mặt đứng, hoặc cầu kỳ hơn với các chi tiết vữa đắp nổi theo họa tiết hoa lá viền huy hiệu hay phào cong cánh cung có các khối vữa nhỏ đắp dạng tay cuốn cách đều phía trong theo phong cách Cổ điển Pháp. Trên mặt đứng một số nhà phố Pháp có sự kết hợp giữa chi tiết hoa văn của Việt Nam (các hình đắp nổi kiểu cuộn giấy hay lụa trông giống chiếu chỉ như thường gặp trong đình chùa hoặc văn bia cổ) với các trang trí viền hay diềm kiểu Pháp như đã mô tả ở trên. Có những trường hợp đặc biệt như dãy nhà phố Pháp trước Nhà Thờ Lớn Hà Nội với các phào đắp trang trí trên cửa sổ và cửa đi kiểu tôn giáo, với nhịp ba cánh cung đỉnh nhọn mô phỏng vòm Gothic nhà thờ xen kẽ với họa tiết hình bông hoa ba cánh, vì chủ nhân của ngôi nhà trước kia là các giáo dân hoặc chức sắc trong giáo hội.

 – Màu sắc: Khá hài hòa. Các gam màu chủ yếu được sử dụng để sơn bề mặt là vàng nhạt, vàng nghệ, hồng nhạt, xanh xám, trắng ngà. Các chi tiết trang trí như gờ phào, hoa văn, … được đắp vữa nổi và sơn trắng trên nền màu sẫm hơn cho nổi bật.

 Giá trị riêng: Hoàn toàn không có ở biệt thự, chỉ thấy ở một số nhà phố Pháp nhất định.

18a02019-tckt-vn-06-1.jpg
  Hình 4: Giá trị về mặt niên đại của một số nhà phố Pháp tại Hà Nội được ghi trên tường đỉnh mái [2]

 Dạng 1: Năm hoàn thành trên tường chắn mái phía trước, ở chính giữa, bằng vữa đắp nổi, thông thường có khung viền xung quanh hình chữ nhật, hình tròn, hoặc một hình đa giác cân. Chi tiết này không thấy có ở biệt thự Pháp. Đây có thể coi như một chi tiết “đắt giá” của nhà phố Pháp và là một “trang hồ sơ mở” về căn nhà.

 Dạng 2: Chữ đắp bằng vữa hoặc đúc bằng bê tông rồi gắn trên tường đỉnh mái. Nếu đó là chữ Hán chứng tỏ chủ nhân đầu tiên của những ngôi nhà phố Pháp này là Hoa kiều, hoặc chữ Việt nếu là cửa hiệu của người Việt kinh doanh phát đạt và nổi tiếng. Có thể bắt gặp một số nhà phố Pháp như vậy trên phố Huế, phố Hàng Bông, phố Cửa Nam, … [2].

 Đề xuất tiêu chí và thang điểm đánh giá
 Ngày nay, khi số lượng nhà phố Pháp có giá trị đang ngày một ít đi, vấn đề bảo tồn càng trở nên cấp thiết. Trước hết, giá trị của các ngôi nhà này cần được đánh giá một cách chính xác bằng một hệ thống đánh giá phù hợp. Theo một hệ thống đánh giá tương tự đã được áp dụng cho biệt thự Pháp trong hai dự án bảo tồn di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội được thực hiện bởi Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) của Đại học Xây dựng, năm tiêu chí có thể được đề xuất cho nhà phố Pháp như trong bảng 1. So với biệt thự Pháp, hệ thống tiêu chí áp dụng cho nhà phố Pháp có sự thay đổi nhỏ về thang điểm theo từng tiêu chí căn cứ trên sự khác biệt về đặc điểm của hai loại hình nhà ở. Đối với nhà phố Pháp, giá trị kiến trúc nổi bật nhất nên được số điểm nhiều hơn cả (40 trong tổng số 100 điểm, so với 35 điểm bên biệt thự Pháp).

18a02019-tckt-vn-02-1.jpg

  Bảng 1: Tiêu chí đánh giá nhà phố Pháp [3] [4]

 Chú thích bảng 1
 1 – Chẳng hạn nhà số 40 phố Hàng Than là nơi hai thi sỹ Xuân Diệu và Huy Cận từng sống và sáng tác trong một năm ở đó.
 2 – Nếp sống xưa như các phong tục tập quán của gia đình trong quá khứ vẫn còn được duy trì, chẳng hạn ban thờ và các đồ cổ bằng gỗ khảm hoặc bằng đồng, nữ công gia chánh (cắm hoa, pha trà, làm bánh mứt, nấu ăn, …), cách vấn tóc và tục ăn trầu của các cụ bà cao tuổi, họp mặt toàn thể họ tộc tại nhà trưởng họ dịp giỗ chạp, Tết nhất, …
 3 – Một số nghề thủ công truyền thống sau gần một thế kỷ vẫn còn được duy trì, chẳng hạn như nghề làm bánh cốm gia truyền của các hộ gia đình tại phố Hàng Than, nghề mài và sửa dao kéo của các hộ gia đình tại phố Nguyễn Khuyến (phố Sinh Từ thời Pháp), …
 4 – Trụ tường, gờ phân tầng, ban công, cửa đi, cửa sổ.
 5 – Bao gồm chi tiết năm xây dựng được đắp nổi hoặc tên cửa hiệu được gắn trên tường đỉnh mái, hoa văn họa tiết trang trí.

 Điểm số được cho trong từng mục hoàn toàn dựa vào giá trị thực và/hoặc trạng thái của mỗi bộ phận cấu thành. Các thang tối đa 5 điểm hoặc 10 điểm sẽ được chia nhỏ ra các mức 2,5 điểm, 2 điểm hoặc 1 điểm để đảm bảo độ chính xác của việc đánh giá được tiến hành bởi các chuyên gia.

  •  Sự xếp loại của nhà phố Pháp ở Hà Nội sẽ căn cứ trên tổng điểm tích lũy, theo đó có ba loại
     Loại 1 (trên 75 điểm): Giá trị đặc biệt;
  • Loại 2 (60 – 74 điểm): Giá trị cao;
  • Loại 3 (dưới 60 điểm): Giá trị trung bình (không thuộc phạm vi đề cập và nghiên cứu của bài viết).

 18a02019-tckt-vn-03-1.jpg

Bảng 2: Đề xuất mức đánh giá chi tiết các tiêu chí đối với nhà phố Pháp [4]

 Các chuyên gia hàng đầu sẽ được mời đánh giá và xếp loại nhà phố Pháp và được cung cấp đầy đủ thông tin cùng ảnh chụp chi tiết. Nếu cần thiết, các chuyên gia có thể đến tận nơi để quan sát trực tiếp, củng cố thêm nhận định của mình. Một nhà phố Pháp sẽ được ba chuyên gia thẩm định. Điểm số mà ba chuyên gia đánh giá mỗi ngôi nhà trong thực tế có thể khác nhau. Nếu ba điểm này ít khác biệt thì kết quả cuối cùng sẽ là trung bình cộng của ba điểm mà ba chuyên gia đã cho và được ghi vào hồ sơ riêng của ngôi nhà. Còn khi có sự chênh lệch trên 5 điểm thì ngôi nhà sẽ được đánh giá lại bởi ba chuyên gia khác, để tham khảo xem mức điểm chụm ở khoảng nào, nhằm đảm bảo tính khách quan và sự chính xác.

 Giải pháp bảo tồn nhà phố Pháp
 Các nhà phố Pháp được 75 điểm trở lên (loại đặc biệt) sẽ được ưu tiên đợt một của kế hoạch bảo tồn di sản kiến trúc Pháp, cùng với các biệt thự Pháp có giá trị nổi bật. Những nhà phố Pháp được 60 đến 74 điểm sẽ được bảo tồn trong đợt hai.

 Cấu trúc của một ngôi nhà phố Pháp điển hình trước đây có một cửa hàng ở tầng một phía trước, tiếp đến có một phòng khách cùng một buồng ngủ nhỏ bên trong, cách biệt với gian bếp và nhà vệ sinh bởi một khoảng sân nhỏ, tầng trên có hai buồng ngủ ở hai phía của cầu thang. Một ngôi nhà như vậy sẽ đảm bảo chỗ ở và chất lượng sống tốt cho tối đa sáu người trong một gia đình trước đây, gồm ba thế hệ (ông bà, bố mẹ và hai con) hoặc hai thế hệ (bố mẹ và hai đến bốn con). Nếu ngôi nhà vẫn được sở hữu bởi một hộ, hoặc hai đến ba hộ cùng trong một gia đình và ở một giai đoạn nhất định trong chu trình phát triển của gia đình đó (hai người con trai lập gia đình sống riêng chưa có con hoặc con còn nhỏ, có nhu cầu tách hộ song vẫn ở cùng bố mẹ) thì công tác bảo tồn sẽ tương đối thuận lợi và dễ dàng. Khi có hai đến ba hộ nhưng không cùng trong một gia đình thì điều kiện sống rõ ràng sẽ không bằng trường hợp một gia đình cư trú. Trong trường hợp này, căn nhà ít nhiều sẽ bị cơi nới, sửa chữa và do vậy vấn đề bảo tồn sẽ khó hơn.

18a02019-tckt-vn-07-1.jpg

  Hình 5: Đề xuất cải tạo mặt bằng một nhà phố Pháp điển hình [4]

 Để đảm bảo sự thành công của công tác bảo tồn, đối với nhà phố Pháp có giá trị và được sở hữu bởi nhiều hộ gia đình, thì chính quyền cần có chính sách hỗ trợ riêng hướng tới sự giãn dân và nên để các hộ tự thương lượng với nhau. Thông thường hộ ở lại là hộ sở hữu cửa hàng. Các hộ khác ở trên hoặc phía trong chỉ đồng ý di chuyển vì mục đích bảo tồn căn nhà khi điều kiện sinh sống tại nơi ở mới tốt hơn chỗ hiện đang sử dụng.

 Kinh nghiệm bảo tồn các di sản kiến trúc thuộc địa của một số thành phố ở khu vực Đông Nam Á với các điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội và bối cảnh phát triển đô thị tương đồng với Hà Nội cùng với khuyến nghị của các chuyên gia về bảo tồn di sản trong nước cho thấy:  “Bảo tồn” cần được gắn với “phát triển” và mang hơi thở của cuộc sống đương đại mới là mô hình bảo tồn có tính thực tế cao, thích hợp và thực sự bền vững, chứ không nên cứng nhắc theo kiểu “cách ly” hoặc “bảo tàng hóa”. Theo quan điểm này thì nội thất của ngôi nhà có thể được cải tạo nhằm đảm bảo tiêu chuẩn sống tiện nghi và văn minh cho gia chủ. Đó là một nhu cầu thực sự chính đáng và cần được tôn trọng. Trong khi đó, ngoại thất của ngôi nhà cần được giữ gìn nguyên trạng, nếu phải chỉnh trang thì điều bắt buộc là phải tôn trọng tính nguyên bản. Ngôi nhà sẽ được tu bổ theo định kỳ để kéo dài thời gian sử dụng. Hộ gia đình vẫn tiếp tục sống và kinh doanh trong ngôi nhà di sản được bảo tồn theo quan điểm bảo tồn đi đôi với phát triển, và cam kết với chính quyền bằng văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý, rằng: Hộ gia đình không tự ý sửa chữa bất kỳ một chi tiết hoặc cấu kiện nào khi không được sự cho phép của chính quyền và không có sự giám sát của các chuyên gia. Đổi lại, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí bảo dưỡng và một số điều kiện kinh doanh ưu đãi. Đó là hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi, là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của công tác bảo tồn.

18a02019-tckt-vn-08-1.jpg

  Hình 6: Giải pháp bảo tồn mặt đứng cho nhà phố Pháp có biển quảng cáo [4]

 Như đã trình bày, kích thước phổ biến của các nhà phố Pháp qua công tác khảo sát như sau:

  •  Chiều dài: 15 – 20 m;
  • Chiều rộng: 4 – 5 m;
  • Chiều cao: 2 tầng, khoảng 7 – 8 m không kể đỉnh mái.

 Khi chỉ còn một hộ gia đình sinh sống và tự kinh doanh trong ngôi nhà thì lối đi bên cạnh rộng khoảng 1 m dưới tầng một sẽ không còn cần thiết. Lúc đó cửa hàng có thể được mở rộng tối đa, chiếm trọn mặt tiền của ngôi nhà. Vì thế tính kinh doanh và giá trị sử dụng sẽ cao hơn. Nếu hộ gia đình đó không có nhu cầu kinh doanh thì có thể lựa chọn phương án cho tổ chức hoặc cá nhân khác thuê gian phía trước tầng một với mục đích làm văn phòng hoặc mở dịch vụ để có gia đình có nguồn thu nhập. Khi đó, lối đi bên cạnh vẫn được giữ lại để đảm bảo sự độc lập trong việc đi lại hàng ngày cho các thành viên trong gia đình. Cửa hàng cùng với các phòng ngủ cần có nhà vệ sinh khép kín cho tiện dụng. Không gian bên trên của gian bếp và khu vệ sinh phía sau nhà nên được cải tạo thành vườn mái. Phòng ngủ phía sau trên tầng hai có thể sử dụng vườn này qua một lối đi ngắn có mái che dẫn ra. Các không gian còn lại trong nhà vẫn giữ nguyên như trước.

 Đối với mặt đứng nhà phố Pháp – yếu tố bảo tồn chủ yếu – trong trường hợp cá biệt (nhà chỉ đơn thuần để ở) như các nhà số 262 phố Huế và 127 phố Nguyễn Thái Học thì có thể bảo tồn toàn bộ mặt đứng. Trong đại đa số các trường hợp còn lại (nhà tự kinh doanh hoặc cho thuê), cần chấp nhận phương án mặt đứng tầng một được cải tạo, chỉnh trang phục vụ mục đích kinh doanh nhưng phải theo sự tư vấn của các chuyên gia thiết kế đô thị (lựa chọn vật liệu hoàn thiện) và mỹ thuật công nghiệp (gắn biển quảng cáo), và vì vậy nên tập trung bảo tồn nguyên trạng mặt đứng tầng hai. Chỉ cần quy định kích thước biển quảng cáo trong một số trường hợp phổ biến, còn cách bố trí nhãn hàng ra sao, thiết kế tên cửa hiệu như thế nào, phông nền và đèn chiếu sáng biển hiệu buổi tối có màu gì sao cho dễ nhận diện và đạt hiệu quả quảng cáo sẽ do họa sỹ thiết kế biển quyết định trên cơ sở tham khảo nguyện vọng của chủ hộ. Cần có một ban thẩm định xét duyệt mẫu thiết kế nhằm đảm bảo tính mỹ thuật cũng như tính đa dạng cần thiết, tránh tình trạng đơn điệu, đồng phục trong biển quảng cáo kinh doanh.

 Về kích cỡ biển quảng cáo, chiều dài biển có thể chạy suốt bề ngang phía trước ngôi nhà (4 – 5 m), còn về chiều cao thì có hai trường hợp sau:

 – Trường hợp 1: Nhà có ban công. Chiều cao tối đa cho biển quảng cáo là từ mép trên cửa đi tầng một đến mép dưới ban công tầng hai, khoảng 1,2 m.

 – Trường hợp 2: Nhà không có ban công. Chiều cao tối đa cho biển quảng cáo là từ mép trên cửa đi tầng một đến mép dưới cửa sổ tầng hai, khoảng 2,5 m.

 Cũng vì lý do đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, các cục nóng điều hòa không nên để lộ ra trên mặt đứng, và có thể được che khuất bởi tường chắn mái cho phòng tầng trên và đặt phía sau biển hiệu quảng cáo cho phòng tầng dưới như được minh họa trên hình 6.

 Kết luận
 Nhà phố Pháp góp phần tạo nên bộ mặt khu phố Pháp ở Hà Nội, gắn liền với lịch sử phát triển, cảnh quan và kiến trúc đô thị của thủ đô trong gần một thế kỷ qua. Nhiều nhà trong số đó thực sự có giá trị, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn ở khía cạnh văn hóa – lịch sử, vì vậy rất cần được bảo tồn trong thời gian sớm nhất có thể để tránh nguy cơ bị biến dạng hoặc biến mất hoàn toàn. Những ngôi nhà phố Pháp có giá trị nhất còn lại cần được thống kê, đánh giá và xếp hạng để làm cơ sở cho việc bảo tồn. Công tác bảo tồn được tiến hành trên nguyên tắc chung là bảo tồn theo nguyên bản đối với mặt đứng tầng hai, trong khi mặt đứng tầng một được cho phép chỉnh trang theo hướng thích ứng với mục đích kinh doanh trong nền kinh tế thị trường và nội thất căn nhà được cải tạo theo nhu cầu thực của chủ nhà. Trong mọi trường hợp, điểm cốt lõi cần chú ý là duy trì sự cân bằng giữa chất lượng ở và hoạt động kinh doanh, sao cho tính bền vững có thể được thiết lập. Một khía cạnh khác của vấn đề bảo tồn công trình nhà ở được xếp loại di sản là việc giãn dân để ngôi nhà được sử dụng đúng với quy mô thiết kế và khả năng phục vụ ban đầu. Sự cam kết song phương giữa chủ nhà với chính quyền sở tại cần đạt được càng sớm càng tốt. Có như vậy, việc bảo tồn nhà phố Pháp mới có thể được thực hiện một cách thành công.

 Tài liệu tham khảo
 [1] Bản đồ nền: www.ashui.com
 [2] Nguyễn Quang Minh (2011 – 2015), Kết quả khảo sát khu phố Pháp tại Hà Nội theo dự án nghiên cứu của Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (2011 – 2012) và thực hiện cá nhân (2013 – 2015)
 [3] Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị – Đại học Xây dựng (2010 – 2012), Dự án “Đánh giá – phân loại biệt thự Pháp tại Hà Nội” và dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp quận Ba Đình – Hà Nội”
 [4] Nguyễn Quang Minh (2013 – 2015), Kết quả nghiên cứu cá nhân

 TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2016)-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác