Xây nhà sát Hồ Gươm: Ai xót xa cho thương tổn cảnh quan?

Thứ 5, 12/09/2024, 13:46 (GMT+7)

Chia sẻ

Trước việc UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định số 2 Lê Thái Tổ không nằm trong vùng di tích, các chuyên gia di sản, KTS đã lên tiếng.

Trước những phản ánh từ dư luận, cũng như những thông tin UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra, GS Ngô Đức Thịnh -Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, chia sẻ quan điểm với Đất Việt, ngày 27/11: "Trước đây, công trình này đã một lần trình bày lên nhưng nhận nhiều ý kiến phản đối nên phải dừng lại, sau đó để không, cho đến thời điểm hiện tại lại cho quây tôn lên, rồi tiến hành xây dựng".

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thịnh thì đây là khu vực vùng phụ cận của khu di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, chính vì thế dù có làm công trình gì cũng phải rất cẩn thận.

Ông Thịnh khẳng định: "Phải đưa ra phương án thực hiện phù hợp, lấy ý kiến cộng đồng. Nếu cứ tiến hành làm không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng tới khu vực nhạy cảm này".

Đồng tình quan điểm với ông Thịnh, một vị KTS có tên tuổi của Hội KTS VN cũng lên tiếng bức xúc: "Hồ Hoàn Kiếm được chia ra vùng lõi và vùng phụ cận, Luật bảo tồn di tích đã quy định, vùng phụ cận cũng phải được bảo vệ, chứ không được chặt đứt nó, bài học về nhà hàng hàm Cá Mập cũng đã bị lên tiếng phản đối một thời".

Theo vị KTS này, đã là di tích cần được bảo vệ, thì luôn phải có vùng đệm, vùng phụ cận, số 2 phố Lê Thái Tổ là quá phụ cận, nếu nhìn từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xuôi sang phía Hàng Gai.

"Tôi phân tích thế này, nếu nhìn bên tay phải của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ là phố cổ, nhưng bên tay trái không phải là phố cổ, dù có như vậy thì cũng không thể chặt hết tay trái để xây lên những tòa nhà cao tầng. Thiết nghĩ, những gì liên quan đến không gian, cảnh quan Hồ Gươm, thì không nên có việc xây dựng, đụng chạm, tác động vào không gian nơi đây", vị KTS này nói.

 
Mô phỏng thiết kế công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm

Bên cạnh đó, vị KTS này chỉ rõ: "Hồ Hoàn Kiếm không như các di tích khác, nó là cả một không gian mặt nước, cây xanh, khoảng trống, giờ lại đem đi xây dựng một tòa nhà cao tầng, thật không biết nói gì".

Nhìn nhận ở một góc độ khác, phương án vị KTS này đưa ra, hiệu quả nhất là nên lấy ý kiến công khai của toàn thể nhân dân.

Bởi vì từ trước đến nay, đã có quá nhiều người đặt ra câu hỏi, lý do vì sao mà UBND quận Hoàn Kiếm quyết tâm bảo vệ dự án gây tranh cãi nhiều như vậy, trong khi không làm thao tác cuối cùng là bỏ phiếu xin ý kiến nhân dân để khách quan minh bạch dự án.

Trước quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm, vì công trình này nhỏ nên không cần xin ý kiến, vị KTS này phản đối: "Công trình nhỏ nhưng không được lòng dân thì có gì quan trọng, như chùa Một Cột cũng một công trình nhỏ nhưng có ai dám động đến đâu, cho nên đừng nói nhỏ - to mà điều cần quan tâm là nấc thang giá trị, vì nó có giá trị vô hình".

Cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục di sản VN cho hay: "Hiện nay, Cục vẫn chưa có văn bản cụ thể để trình lên trên Bộ VHTT&DL về công trình này".

https://cdn-i.vtcnews.vn/files/f2/2014/11/13/giau-dan-xay-nha-sat-ho-guom-lanh-dao-ha-noi-noi-gi-0.jpg

Phối cảnh Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Đặc biệt, theo ông Hùng, công trình này không nằm trong vùng di tích, nên UBND quận Hoàn Kiếm không nhất thiết phải xin ý kiến bên Cục di sản và Bộ VHTT&DL.

Tuy nhiên, ông Hùng Khẳng định: "Họ cần phải trả lời hai câu hỏi: Một là, có cần thiết phải xây dựng một Trung tâm thông tin văn hóa hướng dẫn về du lịch không? Hai là, phương án kiến trúc như thế có hợp lý, có phù hợp, cảnh quan có bị phá vỡ hay không?".

Trước đó, trả lời báo chí tại phiên họp Thành ủy chiều 25/11, ông Lâm Quốc Hùng - Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm là phương án đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu thuận lợi công trình này sẽ xong trước dịp đại lễ 2/9/2015.

"Nếu làm vườn hoa, thì không thể che hết được những khuyết điểm lem nhem của khu vực này; làm bức phù điêu cũng không khả thi", ông Hùng nói.

Trước câu hỏi, những ý kiến phản biện của các chuyên gia, Hội KTS, Hội Quy hoạch-kiến trúc sẽ được UBND quận tiếp thu thế nào?

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm giải thích, theo quy định của pháp luật, công trình này không nằm trong khu vực di tích, do đó không phải xin phép ý kiến của các bộ ngành như Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng.

Trong một diễn biến liên quan, ĐBQH Đinh Xuân Thảo cũng lên tiếng cho rằng, khu vực Hồ Gươm là khu vực có vị trí rất nhạy cảm, thành phố đã có quy hoạch rất ngặt nghèo từ độ cao, không gian, tới cảnh quan. Khi triển khai xây dựng, HN phải căn cứ vào quy hoạch và tuân thủ đúng quy định của luật pháp, nhất là các quy định về Luật di sản.

Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng cứ cho là dự án nằm ngoài khu di tích và nằm trong quy hoạch chung của Thủ đô, nhưng khi đã có ý kiến của dư luận, của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa... tốt nhất Hà Nội cũng như UBND quận Hoàn Kiếm dừng lại để xem xét. Đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi.

"Mặc dù chưa đến mức phải trưng cầu ý kiến của nhân dân, nhưng tôi cho rằng Hà Nội và quận Hoàn Kiếm nên cầu thị tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến đa chiều từ dư luận", ông Thảo nói.
Theo Thanh Huyền/Báo Đất Việt

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác