Vườn hoa Vạn Xuân thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, ở lô đất đoạn đầu giữa hai phố Phan Đình Phùng và Quán Thánh. Cũng có tên là Vườn hoa Hàng Đậu.
Khi những bóng đèn đêm vừa vụt tắt, nhường chỗ cho tia nắng ban mai, cũng là lúc tiếng nhạc xập xình phát ra từ chiếc đài cassette xen lẫn tiếng hô rõ ràng mạch lạc của các cô, bác, ông bà tập thể dục tại một góc phố của Thủ đô. Đó là những âm thanh, hình ảnh quen thuộc diễn ra hàng ngày tại Vườn hoa Vạn Xuân.
Vườn hoa Vạn Xuân (Vườn hoa Hàng Đậu) - Khu vực này nguyên là lòng hào phía bắc thành Hà Nội thế kỷ thứ XIX. Trước năm 1945 gọi là vườn hoa Các nô (Square Carnot).
Vạn Xuân là quốc hiệu của nước ta thời Tiền Lý (544 - 602) gồm các đời vua: Lý Nam Đế (544 - 548), Triệu Việt Vương (549 - 571), Hậu Lý Nam Đế (571 - 602).
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2004), thành phố Hà Nội tổ chức xây dựng tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại Vườn hoa Vạn Xuân, và khánh thành vào ngày 22/12/2004. Tượng đài được tạc bằng đá, cao 9,7m, theo mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình và hoạ sĩ Mai Văn Kế.
Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc Quyết sinh”.
Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc Quyết sinh” ở Vườn hoa Vạn Xuân và phù điêu “Hà Nội - mùa đông năm 1946” ở phía trước chợ Đồng Xuân tái hiện hình tượng người chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng trong tư thế sẵn sàng lao vào xe tăng địch, cùng với người chiến sĩ tự vệ đang chắc tay súng và thiếu nữ Hà Nội đang kêu gọi đồng bào chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự ghi dấu chiến công anh hùng của quân dân Thủ đô chiến đấu suốt 60 ngày đêm cầm chân giặc Pháp trong những ngày mùa đông năm 1946.
Giữa cuộc sống hiện đại, một Hà Nội đang thay đổi từng ngày cùng với hình ảnh đông vui, nhộn nhịp, đâu đó, những bước chân chậm rãi, thư thái, nụ cười, câu chuyện của nhiều thế hệ diễn ra nơi vườn hoa - một góc phố của Thủ đô, khiến ai đi qua cũng phải dừng lại. Cũng trong nhịp sống hối hả kia, những người con Thủ đô luôn dành những khoảng lặng để nhớ về một thời chiến tranh hào hùng của dân tộc.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 1-Nguồn
Bình luận của bạn