21/04/2010: Số lượng sách đã nhiều, nhưng kho sách còn quý hơn bởi có những cuốn đến nay rất ít người có... Có người ví chủ của bộ sưu tập này là "Vua sách cũ" giữa lòng phố cổ Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội là nơi "tấc đất tấc vàng". Nhưng mặt tiền 4 tầng của căn nhà số 5 phố Bát Đàn có tấm biển nhỏ "Nhà sách cũ" luôn khép chặt như muốn ngoảnh mặt với nhịp sống thị thành. Khi ta bước chân vào cửa, thì cả một thế giới sách ùa đến. Sách dọc lối lên cầu thang, sách dưới sàn nhà, sách trên kệ, trên giá, sách trên bàn, trên tủ...
thg 10 2014 - Nhà đã xây, bài xuất bản 21/04/2010
- Chủ nhân "Nhà sách cũ", ông Phan Trác Cảnh, dường như không quan tâm lắm đến cái "danh hiệu" mà người ta gọi ông: "Vua sách cũ". Và ông Cảnh cũng không quá quan tâm đến việc bày biện sách cho đẹp. Dù có dồn tiền để đóng thêm được mấy chiếc giá sách mới nhưng ông cũng không bày, chỉ cốt chứa, sao cho dễ tìm, đặc biệt sách khô ráo, tránh mối xông. Đã từng có lần, lũ mối ăn mất hàng loạt sách quý, khiến ông bần thần cả tháng.
Khách đường đột gõ cửa nhà số 5. Vợ ông khẽ khàng mở cánh cửa sắt. Bà bảo ông đang ở trên tầng ba. Thấy khách lên, ông Cảnh nhỏm dậy vặn nhỏ chiếc đài cátsét đang mở một đĩa nhạc mà ông yêu thích. Nghe nhạc, với ông là một cách thư giãn giữa những giờ miệt mài tra cứu, sắp xếp kho tư liệu cá nhân về sách đồ sộ bậc nhất đất Hà thành. Biết khách là nhà báo muốn tìm hiểu viết bài, ông Cảnh lại có vẻ trầm lặng hơn. Bởi thực ra, ông không muốn lên báo. Ông sưu tầm sách cũ để phục vụ những người cần tra cứu, chứ không mong nổi tiếng. Ông có thể ngồi nói chuyện cả tiếng đồng hồ về dư địa chí, về các tài liệu văn hóa - lịch sử các dân tộc ít người ở Việt Nam mà ông dày công sưu tập, hoặc dành cả buổi sáng để tìm vài trang tài liệu cho khách muốn mua, xin, hay trao đổi. Báo chí là thứ ông thích, vì tính cập nhật và là thứ ông cần để làm dày thêm bộ sưu tập về những "hồ sơ di sản" như hát ả đào, hát quan họ… Nhưng lên báo thì ông không thích. Vì ông đã già, vì ông bảo mình còn cũ hơn cả những cuốn sách cũ nữa.
2. Ông Cảnh vốn là cán bộ khoa Văn - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong cuốn "Nửa thế kỷ khoa Văn học" (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2006) có viết về ông Cảnh thế này: "Thế hệ sinh viên khoa Văn từ khóa 18 trở về trước hẳn ít ai quên được khuôn mặt và phong cách làm việc của thầy giáo này. Nhiều sinh viên mới vào trường thậm chí còn biết ông nhiều hơn cả thầy cô giáo khác của khoa Văn".
Người ta về hưu thì chơi chim, chơi cây, chơi cá, chơi cờ, còn ông Cảnh, năm 1983 về hưu thì xoay ra chơi sách. Có lẽ công việc giáo vụ ở khoa Văn đã ám lấy ông hay những cuốn sách có hồn cứ bám lấy ông, khiến hưu rồi ông vẫn còn "dan díu" với sách cũ. Đó cũng là cách thức ông Cảnh chọn, vì sách nó gắn liền với văn hóa, mà văn hóa thì là cái lâu dài. Cũng còn một lý do nữa, vì ông mê các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn nên đã dành công sức sưu tập sách. Bởi thế, đến nay, ông Cảnh vẫn còn giữ được bản in đầu tiên của cuốn "Nửa chừng xuân" (Khái Hưng) mà ông coi như báu vật.
Năm 1983, số 5 phố Bát Đàn còn là một ngôi nhà cấp 4, có tán cây bằng lăng xòe trước cửa. Ông Cảnh quyết định gắn tấm biển "sách cũ" lên trước cửa nhà. Với chiếc xe cũ và dáng người nhỏ nhắn, xương xương, cứ hễ nghe thấy nơi nào có sách hay, sách quý thì bất kể Nam Định, Hà Tây hay Bắc Ninh ông đều lặn lội đi bằng được để xem, để mua. Nhiều người không thông hiểu, nghĩ ông gàn dở, vì thời buổi khó khăn, người ta tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền thì ông lại chỉ chuyên chú vào thứ chẳng làm cho no bụng được. Mặc ai nói gì thì nói, được sự động viên của vợ con, ông Cảnh vẫn miệt mài với niềm đam mê của mình. Hồi ấy còn khó khăn, nhưng bổ sung kiến thức cho mình thì không có giá nào xác định được, bởi vậy nhiều khi ông phải nhịn cả nhu cầu ăn sáng, thuốc lá của mình để có tiền mua những cuốn sách cũ mà ông yêu thích.
Phố Bát Sứ “xưa nay”
Khách gợi chuyện mãi, cuối cùng "vua sách cũ" cũng chịu thầm thì: "Tôi nghĩ cuốn sách có linh hồn của nó. Ai có duyên với sách thì sách sẽ tự tìm đến. Ngay cả những cuốn sách lôi thôi luộm thuộm đến tay mình cũng khác". Bây giờ ông không còn lang thang đi "lùng" mua sách cũ, không còn "nhòm ngó" vào gánh gồng của những người đi thu mua giấy vụn rong trên phố. Nhưng nhiều khi sách vẫn cứ đến với ông. Nhiều người khi muốn thanh lý đống sách cũ trong nhà đã gọi điện cho ông. Thậm chí, có cả một "Tủ sách gia đình" với hàng ngàn cuốn sách quý cũng tìm đến với ông. Bởi thế, "gia tài" sách của ông ngày càng dày lên, và nhiều năm nay ông ăn ngủ cùng với sách. Có thể thấy ngay, trong tầng tầng lớp lớp những cuốn sách chất đầy nhà ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những ấn phẩm đặc biệt quý hiếm. Đó là cuốn "Souvernirs de Hue" (Kỷ niệm về Huế) in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau đã sờn rách được bọc lại cẩn thận.
Các quyển "Hán văn tân giáo khoa thư" xuất bản năm 1928 và "Ngũ thiên tự" năm 1929 cũng còn nguyên vẹn. Ông Cảnh còn có cả những bộ sách, cuốn sách đánh dấu những mốc quan trọng của một sự kiện lịch sử hay xã hội như bộ cải cách ruộng đất, các triều đại lịch sử Việt Nam… Đặc biệt, hơn 300 cuốn sách về Hà Nội đủ để thỏa cho nhiều người nghiên cứu về Hà Nội. Trong đó có cuốn sách tuy mỏng mà ông rất quý: "Hà Nội chỉ nam" của Nguyễn Bá Chính, xuất bản năm 1923. Ông bảo: "Một cuốn sách quý trước hết phải có giá trị về nội dung, hơn nữa đó phải là bản in thứ nhất, thậm chí có chữ ký của tác giả hay số lượng in càng ít càng tốt".--PageBreak--
Không chỉ sưu tầm sách một cách ngẫu nhiên, ông Cảnh còn chủ định sưu tầm các bài báo theo từng chủ đề khác nhau như nghiên cứu về 54 dân tộc Việt Nam, về làng xã Việt Nam, người Hoa ở Việt Nam… Mỗi một "chuyên đề" như vậy, ông Cảnh thường mang đi đóng bìa cứng, mạ chữ vàng để tiện tra cứu và lưu giữ được lâu hơn. Niềm say mê sưu tầm sách hình như chưa đủ, ông Cảnh còn sưu tập cả những tờ báo mà sự có mặt của nó đánh những dấu quan trọng đối với lịch sử báo chí Việt Nam như Gia Định báo - tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt ra số 5-1890. Rồi những tờ báo có tiếng vang không kém như: Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn và cả bộ Viễn Đông Bác Cổ bằng tiếng Pháp có từ năm 1901 đến 1986, bộ Công báo của Bắc Kỳ bằng tiếng Pháp, Đông Dương tạp chí, Nông Cổ Mín Đàm, Phong Hóa, Phụ Nữ Tân Văn, Gió Mới, Văn Mới… Ông Cảnh không thể nhớ chính xác số lượng đầu sách, báo trong nhà của mình. Ông thường ước lượng mình có khoảng… trên 10 tấn sách.
Để duy trì hoạt động sưu tầm sách, ông vẫn bán bớt sách cho những người có nhu cầu. Song, với tính chất như một thư viện, nơi đây không chỉ thu hút khách mua, mà còn có cả khách xem sách, người cùng sở thích đến đàm đạo. Chính vì vậy, các tác giả tên tuổi như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Quốc Vượng, Vương Hồng Sển, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc đã rất xúc động khi thấy tác phẩm mình được nâng niu ở vị trí trang trọng trên kệ sách nhà ông Cảnh. Nhiều người đã trở thành bạn tâm giao của ông từ đó.
Ngoài nhiều quyển đặc biệt không bán, "nhà sách cũ" số 5 Bát Đàn còn hai thứ được ông Cảnh lưu giữ kỹ là cuốn thư mục sách do ông đích thân biên soạn và bút tích, hình ảnh những người đọc đáng kính. Đó là Yao Takao tìm được cuốn sách mình cần ở nơi đây. Từ khi còn là sinh viên cho đến bây giờ, khi đã trở thành giáo sư, năm nào ông cũng từ Nhật Bản sang Việt Nam tìm sách và trò chuyện tri kỷ với ông Cảnh. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh của ông cũng theo thầy mà quen thuộc với hiệu sách này. Hay như vợ chồng nhà khảo cổ nổi tiếng Kikuchi Seichi và Abe Yuriko cũng trở thành bạn tâm giao của ông Cảnh trong những lần ghé thăm, tìm tài liệu khảo cổ về gốm sứ Việt Nam.
Ngoài ra, ông Cảnh còn có hàng trăm bạn bè quốc tế đến từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp... Họ về nước đều kể về ông cho bạn bè của mình, để hiệu sách số 5 Bát Đàn là một điểm dừng chân không thể thiếu cho khách du lịch và một chốn vô cùng quý giá với các giáo sư, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu... mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.
3. Giờ thì tuổi già đã khiến ông Cảnh yếu hơn. Và ở cái tuổi ngoài 80 như thế này, ông cũng đang thu vén lại ngôi nhà sách của mình. Điều mong mỏi của ông là truyền lại niềm đam mê sách cho một người con. Nhưng cuộc sống đôi khi không như mong muốn. Ngồi trong thư phòng của ông bây giờ, vì thế, cứ thấy hiu hắt buồn. Ông mong có một người nào đó để giao lại hàng vạn cuốn sách mà bằng nhiều cách khác nhau đã có mặt trong ngôi nhà 4 tầng rặt sách là sách này. Chỉ khi ấy, ông mới thấy lòng mình thanh thản. Còn chưa tìm được người ấy, nói như một giáo sư ở Đại học Hirosima ở Nhật Bản: "Ông không có quyền nghỉ hưu, thậm chí ông không được quyền chết"
Nguồn - Việt Hà
Bình luận của bạn