Người Hà Nội với cà phê

Thứ 7, 21/12/2024, 15:33 (GMT+7)

Chia sẻ

Vào thập niên 1960 - 1970, Hà Nội có rất ít quán cà phê được phép kinh doanh công khai như bây giờ. Cũng dễ hiểu bởi ở thời kỳ này đất nước còn bộn bề, khó khăn. Cà phê là mặt hàng do Nhà nước quản lý chặt chẽ nhằm tiết kiệm để xuất sang các nước Đông Âu, đổi lấy hàng hóa, lương thực, máy móc...

Quán cà phê Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân. Ảnh: Đức Anh

Người Hà Nội có lẽ ai cũng biết đến những quán cà phê nổi tiếng từ thời Pháp thuộc như Nhân (phố Cầu Gỗ), Giảng (Hàng Gai), Lâm (Nguyễn Hữu Huân), Hói (Bà Triệu)... Một số sau đó được sáp nhập vào đơn vị công tư hợp doanh (ngành ăn uống), hoặc chủ được mời làm chuyên gia cho các cửa hàng lớn như Min Ba (cửa hàng sữa trên phố Hàng Bài) hay Bốn Mùa, Phú Gia... Thời điểm này, vẫn có một số người lén kinh doanh tại nhà, trong các ngõ hẻm, đơn cử như cà phê Hói nổi tiếng một thời với nhiều giai thoại.

Không biển hiệu, cửa ra vào lúc nào cũng khép nhưng trong nhà, ngoài sân khách luôn đông nghịt dân nghiền chính hiệu. Cà phê Hói có những khách hàng trung thành tới ba, bốn mươi năm. Đến nay, nhiều vị khách vẫn nhớ hương vị cà phê quyến rũ một thời, bởi cà phê của quán được pha với bí quyết riêng và chất lượng không hề thay đổi trong suốt hàng chục năm. Tách đựng cà phê được “thửa” riêng, loại to gần bằng chiếc bát con đựng nước chấm. Mùa đông cũng như mùa hè, tách cà phê được đựng trong một chiếc bát ăn cơm rồi tưới nước sôi gần ngập. Trước khi đến tay khách, ông chủ luôn “tỉa” một chút bơ vàng, tạo nên lớp váng óng ánh quyện cùng cà phê, tỏa hương thơm làm "ẩm khách" ngây ngất.

Trên bàn trước mặt ông chủ lỉnh kỉnh hàng chục chiếc phin to được cải tiến từ cặp lồng nhôm (thời bấy giờ người đi làm công sở thường hay dùng để đựng bữa ăn trưa). Cà phê của ông Hói vừa đặc, vừa sánh, tỏa hương thơm quyến rũ lạ thường. Đặc biệt, ông chỉ kinh doanh một loại cà phê đen nóng và bán đến 10h sáng là nghỉ. Sau giờ ấy khách đến, có năn nỉ ông cũng không bán. Khách quen ở đây chẳng còn lạ gì tính cách của vị chủ này.

Có người kể rằng, trước khi mở quán cà phê tại nhà, ông Hói đã có thời gian nấu ăn cho một cán bộ lãnh sự quán nước ngoài tại Hà Nội. Do nắm bắt được công thức pha chế, thủ thuật rang xay nên cà phê của ông khác hẳn so với những cửa hàng khác ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Thời kỳ này, Hà Nội còn có một quán cà phê cũng được nhiều người biết tới, đặc biệt là giới hội họa. Đó là quán cà phê Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm). Cà phê Lâm không chỉ nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon mà còn là nơi thường lui tới của các họa sĩ tên tuổi lúc bấy giờ. Khách của quán cũng có nhiều người yêu hội họa. Họ đến đây vừa để nhâm nhi cà phê, vừa được thưởng thức những tác phẩm hội họa được treo kín quán với đủ thể loại: Sơn dầu, lụa, sơn mài, màu nước... của các tác giả nổi tiếng. Dù ông Lâm đã đi xa nhưng hầu hết những tác phẩm có giá trị mà ông dày công sưu tầm suốt gần nửa cuộc đời đến nay vẫn được gia đình gìn giữ.

Có lần, vào dịp giáp Tết Nguyên đán rất lâu rồi, tôi gặp con trai ông Lâm. Anh kể lại một câu chuyện khá thú vị. Lúc bấy giờ, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thường đi xích lô đến cà phê Lâm, rồi hai ông quen nhau. Ông Lâm được nghe họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nói về hội họa và xem ông ký họa nhiều bức ngay tại quán, sau đó tặng lại cho ông Lâm. Sau này, khi chuyển về 60 Nguyễn Hữu Huân, quán lại càng đông các cây cọ tên tuổi lui tới hơn, như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Lam Sơn... Nhiều lần, các bảo tàng ở Hà Nội đã tìm đến gia đình ông Lâm để hỏi mua hoặc mượn về sao chép, phục chế lại những bức vẽ có giá trị lịch sử hoặc gửi tham dự triển lãm quốc tế.

Ở Hà Nội có hai quán cà phê cùng tên “Lâm”, một ở 74 Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) và một ở phố Nguyễn Hữu Huân. Nhiều người lầm tưởng hai quán cùng một chủ. Có một điều trùng hợp là ông Lâm ở Tô Hiến Thành cũng là người chơi và sưu tầm tranh, tuy không nhiều và không có những tác phẩm có giá trị lớn. Nhưng ông Lâm này còn là người sưu tầm, chơi cổ vật lâu năm ở Hà Nội, là người sáng lập Câu lạc bộ Những người yêu cổ ngoạn Hà Nội. Từ lâu, quán này đã thu hút nhiều người sành cà phê, phần lớn là cánh văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo. Cố nhà thơ, nhà văn Lữ Giang khi còn sống sáng nào cũng cọc cạch chiếc xe đạp cà tàng có mặt từ rất sớm cùng những người bạn, vừa thưởng thức cà phê, vừa bình luận những bài thơ mới... Từ ngày ông Lâm chuyển nhà về phố Nguyễn Trường Tộ, khách quen cũng dần tan tác theo thời gian.

Ở Hà Nội bây giờ các quán cà phê mọc lên nhiều như nấm với các hình thức khác nhau: Cà phê Internet, cà phê bóng đá, cà phê vườn và cả... cà phê chứng khoán. Chưa kể còn có hẳn những con phố chuyên kinh doanh mặt hàng này, như "phố cà phê" Triệu Việt Vương, "phố cà phê" Hàng Hành... Với nhiều người, uống cà phê không chỉ là cái thú mỗi sáng, mà nó còn là một nét văn hóa của người Hà thành.

Nguồn 

Bình luận của bạn

Tin khác