Tứ Trụ Cà Phê Rang Xay Truyền Thống Hà Nội Một Thời.

Thứ 7, 25/02/2023, 14:30 (GMT+7)

Chia sẻ

Với những ai từng làm việc hoặc sinh sống ở Hà Nội thuộc thế hệ cũ, thế hệ 8x,7x và già hơn nữa. Những người giờ đã đã lên chức bố, mẹ, ông, bà…thì không thể nào quên được những quán cà phê chỉ với “một tên” nhưng lại tạo nên một dấu ấn lịch sử văn hóa Hà Nội nói chung, văn hóa cà phê người Hà Nội nói riêng.

Người dân Hà Nội thường truyền tai nhau câu nói “Tứ trụ cà phê Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng” tượng trưng cho bốn quán cà phê rang xay truyền thống nổi tiếng bậc nhất thời xưa. Tuy nhiên cũng có người nói tứ trụ cà phê phải là Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng bởi cà phê Giảng xuất hiện cùng thời với bốn quán này và cũng nổi tiếng không hề thua kém.

Tuy nhiên cà phê Giảng thời đó đi theo một phong cách cà phê khác với bốn quán còn lại, mang phong cách có phần hiện đại hơn với thương hiệu cà phê trứng. Vì vậy trong bài này tôi xin chỉ nói về tứ trụ cà phê: Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng

Tứ trụ cà phê truyền thống Hà Nội - Cà phê Nhân:
Cà phê Nhân ra đời vào năm 1946, khi gia đình ông bà Nguyễn Văn Thi đi tản cư ở Vân Đình, cùng với sự đồng thuận của lãnh đạo, ba người bạn là Thế, Nhân và Thi (cùng là đội viên Đội biệt động Liên khu 3 - đội biệt động Hoàng Diệu), mở quán bán cà phê, vừa là nguồn sống của gia đình ông Thi, vừa là nguồn kinh phí hoạt động cách mạng, lại có thể trở thành nơi nhận liên lạc của cán bộ Cách mạng.

Chữ Nhân trong cà phê Nhân do ba người đồng sáng lập cùng chọn làm tên hiệu với ý nghĩa: nhân tâm, nhân hậu, nhân đức, nhân nghĩa.

 ca-phe-nhan.jpg

Cà phê nhân 39D Hàng Hành ( Nguồn: Internet).

Cà phê Nhân do vợ chồng ông Nguyễn Văn Thi và bà Trần Thị Thanh Kỳ là hai người trực tiếp tìm tòi nghiên cứu ra công thức pha cà phê thơm ngon. Từ những khâu như chọn nguyên liệu cà phê để rang sau đó xay cà phê thủ công và cách pha chế sao cho hợp lý, tất cả đã tạo nên thương hiệu cà phê thơm ngon đặc trưng của quán.

Giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1951, thương hiệu cà phê Nhân theo gia đình ông bà Thi tản cư từ Vân Đình xuống Nho Quan, rồi từ Nho Quan lại quay về Hà Nội. Cà phê Nhân như một “căn cứ bí mất” để các chiến sĩ cách mạng gặp gỡ, móc nối liên lạc, trao đổi tin tức quân sự, tình báo giữa nội thành và vùng sơ tán địa phương.

Năm 1951, khi ông bà Thi quay trở về Hà Nội quán cà phê Nhân được gây dựng lại và phát triển mạnh, ngày đó quán được mở ở 100 Cầu Gỗ. Năm 1980 sau khi nghỉ hưu, cụ Kỳ quyết định mở lại quán cà phê ở số 27 phố Lương Ngọc Quyến.

Sau này, do khó khăn về địa điểm và lại có tuổi, cụ Kỳ đã thôi không trực tiếp bán hàng mà giao lại cho cô con gái Út là bà Nguyễn Thị Như Hạnh. Bà Hạnh thuê lại bãi đất trống ở ngã ba Hàng Hành (tức số nhà 39D ngày nay) làm nơi khởi nghiệp.

Sau này, cà phê Nhân không còn chỉ là một quán cà phê nhỏ mà đã trở thành một thương hiệu lớn mang tầm vóc quy mô công ty TNHH kinh doanh sản xuất và phát triển thương hiệu với nhiều ngành nghề vào năm 2003.

Đến nay, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang thương hiệu Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở ở Hàng Hành, Láng Hạ, Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành... tuy nhiên theo đánh gia của giới yêu thích cà phê thì cà phê Nhân đang tự đánh mất chính mình khi đi theo hướng thương mại hóa, cà phê ở đây bây giờ chỉ còn lại một phần hương vị của cà phê ngày xưa mà thôi.

Tứ trụ cà phê truyền thống Hà Nội - Cà phê Nhĩ:
Cà phê Nhĩ nằm lọt thỏm ở giữa phố Hàng Cá giáp ngay ngã tư Hàng Lược và Ngõ Gạch. Quán vỉa hè, không biển hiệu, chỉ có tấm bạt che cũ mèm không còn nhìn nổi màu sắc với mấy chữ như từ những năm 80 về trước. Nhưng quán cà phê mệnh danh Đệ Nhất cà phê Hà Nội không lúc nào ngớt khách.

 ca-phe-nhi-so-2-hang-ca-1.jpg

Cà phê Nhĩ số 2 Hàng Cá ( Nguồn: Internet)

Cà phê Nhĩ trước kia thế nào thì giờ vẫn vậy không thay đổi gì, chẳng bao giờ thèm “nâng cấp” bất kì cơ sở hạ tầng nào. Chiếc cốc, cái thìa đến chiếc ghế… vẫn giản dị đến mức tuềnh toàng. Không gian hơn chục mét vuông đã bé lại còn đông, ồn ào và cũ kĩ. Đặc quánh lại là người và khói thuốc. Vài ba chiếc quạt tường kêu rào rạo không thổi hết đi được mùi người, mùi khói, mùi cà phê và mùi thời gian trên những bức tường…

Cà phê Nhĩ vẫn giữ được vẹn nguyên hương vị và chất lượng ngày nào, khiến bao nhiêu thế hệ người yêu cà phê phải mê đắm. Cà phê được pha sẵn và đựng trong các ấm tích bằng sứ, đong bằng các chén hạt mít con con, thêm đường hoặc sữa rồi đánh tung bọt lên bằng cây đánh trứng trước khi thả dăm viên đá vào. Cà phê đen sẫm, đặc, đậm vị và thơm. Có người đồn bảo trong cà phê Nhĩ có một lượng nhỏ là... sái thuốc phiện, chính vì thế mới làm người ta ghiền và nhớ đến vậy. Thực hư đến đâu chẳng ai  có thể xác minh rõ ràng, nhưng chắc một điều rằng, cà phê Nhĩ có cái gì đó làm nhiều người ngẩn ngơ và say đắm thật.

Tứ trụ cà phê truyền thống Hà Nội - Cà Phê Dĩ:
Cà phê Dĩ một thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Hà Nội những năm 50 của thế kỉ 20. Được người Hà Nội sướng danh trong tứ trụ cà phê Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng, thì có thể hiểu cà phê Dĩ phải thực sự rất đặc biệt.

 ca-phe-1.jpg

Tiếc thay không hiểu vì nguyên do gì mà cà phê Dĩ lại biến mất, rất nhiều người đã đi tìm lại gốc tích mà không có tư liệu nào lưu lại. Ngày nay cà phê Dĩ đã không còn thấy bóng dáng tại Hà Nội, có lẽ do con cháu của cụ đã không có ai theo nghiệp cà phê truyền lại, đây quả là một sự tiếc nuối đối với những người yêu thích cà phê.

Cà phê Dĩ giờ đây chỉ còn là một cái tên trong dòng chảy của lịch sử mà thôi, tiếc thay cho một danh hiệu.

Tứ trụ cà phê truyền thống Hà Nội - Cà Phê Năng:
Cà phê Năng, quán gốc cà phê Năng tọa lạc tại số 6 Hàng Bạc, trong căn nhà hai tầng duy nhất so với những quán cà phê cùng thời.

 ca-phe-nang-so-6-hang-bac.jpg

Cà phê Năng số 6 Hàng Bạc ( Nguồn: Internet)

Khi bước vào quán, đập ngay vào mắt là một không gian lộn xộn với những chiếc ghế gỗ thô kệch, nặng nề và xỉn màu để ngổn ngang đang được khách hàng ngồi. Đi sâu vào trong là nơi pha chế cà phê với những chiếc phin nhôm to hơn ấm trà được sử dụng. Đi lên tầng hai bạn sẽ thấy những bộ bàn ghê bằng gỗ cạnh những bức tường vôi trắng nhuốn màu thời gian.

Cà phê Năng nổi tiếng với những tách cà phê đậm đặc làm người uống phải choáng váng khi thưởng thức, nếu bạn là người ít uống cà phê thì nên cẩn thận kẻo say cà phê, biêng biêng cả ngày. Nhưng chính cái choáng váng đó lại khiến bao người nghiện cà phê Năng.

Hiện nay, Cà phê Năng đã phát triển rộng hơn, một loạt những địa điểm mới mở ở 15,32,46,92 Phố Nguyễn Hữu Huân, 22 Đường Thành, 129 Triệu Việt Vương . Với những đổi thay chuyển mình, Cà phê Năng vừa giữ được bản sắc và chất lượng vừa tiếp cận sâu rộng và đa dạng hơn với các thành phần khách hàng từ giới trẻ đến người già.

Còn nhiều những quán ra đời sau này như cà phê Mai, cà phê Thọ, cà phê Thái, cà phê Hạnh… nằm rải rác trên những tuyến phố. Mỗi quán đều có đặc điểm riêng, câu chuyện riêng để kể, chất riêng trong đồ uống… Qua thời gian, những quán cà phê phố tồn tại, phát triển và đem đến sự đa dạng trong bản đồ quán cà phê của Hà Nội.

Cà phê không chỉ đơn thuần là thức uống mà còn là một nét văn hóa thưởng thức đặc trưng. Thưởng thức những ly cà phê thơm ngon là hưởng thụ hương vị đặc trưng của con người nơi đó. Uống cà phê còn là để cảm nhận dư vị, cảm nhận những rung động cuộc sống, rung động với những góc hoài niệm giữa phố thị phồn hoa, nhấm nhá từng giọt cà phê mang hương vị của những thương hiệu cà phê phố tồn tại trong 60 năm lịch sử, xuyên suốt dòng chảy ngầm của thủ đô Hà Nội.

Bình luận của bạn

Tin khác