Với mong muốn tôn vinh kết quả của Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, đồng thời, tạo nên sự kiện văn hoá nghệ thuật khơi nguồn, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo cộng đồng trong Thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc tiếp tục phối hợp cùng UNESCO, UBND Quận Hoàn Kiếm tổ chức Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, hướng tới trở thành sự kiện thường niên.
Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 sẽ diễn ra từ Từ 24/12/2021 đến hết tháng 2/2022, tại địa chỉ Trung tâm văn hoá nghệ thuật – 22 Hàng Buồm – Hoàn Kiếm – Hà Nội, sẽ tạo nên một cuộc đối thoại đa chiều hấp dẫn giữa các ngành nghệ thuật sáng tạo với một nơi chốn, một không gian thấm đẫm tính giao thoa văn hoá và nghệ thuật.
Các triển lãm đang được tổ chức bao gồm: “Không gian ký ức 22 Hàng Buồm”, “Phiêu diêu”, “Ký hoạ phố cổ 2021”... được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc nghệ thuật của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế, nghệ sĩ Vũ Xuân Đông và kiến trúc sư Hoàng Phương - người thực hiện dự án trùng tu công trình văn hoá kiến trúc.
Trong không gian rộng lớn, các nét kiến trúc cổ kính thể hiện sự giao thoa văn hóa các nước Việt - Hoa - Pháp mang lại những trải nghiệm khó quên cho du khách.
Không gian được bố trí theo nhiều tầng nhiều lớp với các gian nhà khác nhau theo đúng kết cấu của Hội quán Quảng Đông trước đây. Vẻ đẹp hoài cổ của nơi đây rất phù hợp để cho các nghệ sĩ có thể thỏa sức bày trí các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Công trình kiến trúc này được tu sửa từ cuối năm 2018 và được hoàn thành vào cuối năm 2021. Hiện tại, nơi đây đã trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật, thu hút người dân Thủ đô với tên gọi chính thức là Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
“Con phố cũng như những dòng sông chảy trôi không ngừng, bao kiếp người qua, bao kiếp người tới. Trong vòng chảy của thời gian bất tận ấy, con phố nào cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn…”, trích lời giới thiệu của triển lãm Không gian ký ức 22 Hàng Buồm.
Tác phẩm sắp đăt: "Phố Hàng Buồm"
Đến với Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, người dân và du khách sẽ được thưởng thức tác phẩm sắp đặt ngoài trời “Phố Hàng Buồm” của hoạ sỹ Trần Hậu Yên Thế. Tấm biển phố như là tín hiệu chỉ dẫn nẻo về ký ức. Ký ức về 36 phố phường, phố Hàng mà mỗi con phố thường trao đổi mua bán một món hàng “đặc sản”. Tác phẩm “Phố Hàng Buồm” vừa giống như một tấm biển phố vừa như một lá cờ kiêu hãnh xác nhận nguồn gốc danh phận và địa phận của dân Kẻ Chợ: con phố của những cánh buồm.
. |
Không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo
Với mong muốn tôn vinh Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo và tạo điều kiện cho những người ở xa có điều kiện tiếp cận với chuỗi sự kiện thú vị này, Không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo Holomia sẽ được thiết lập thông qua đường dẫn trên internet và tại không gian trưng bày. Người xem sẽ được tham quan ảo triển lãm 18 phương án đoạt giải Cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội; tham quan ảo không gian Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội 2021; và bước vào Metaverse, thăm lại di sản, du lịch bằng công nghệ thực tế ảo.
Không gian sắp đặt ánh sáng "Dãi Thẻ" trong triển lãm xem đêm
Tại Triển lãm sắp đặt ánh sáng “Dãi thẻ” sẽ đưa ra một ranh giới nghệ thuật của việc trưng bày ánh sáng. Sự tìm tòi của đội ngũ tác giả được thể hiện qua hình khối và đặc biệt là chất liệu của các vật phẩm trong triển lãm. Toàn bộ triển lãm bao gồm 150 tác phẩm đèn được tạo hình theo phom dáng những vật dụng bình dị trong đời sống nông thôn Việt Nam như giỏ tre, làn, lưỡi rìu, đá lửa và đồ tế lễ vùng núi Tây Bắc… Các chất liệu có sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống như giấy dó, vải, tinh màu chàm, than, gò đồng, nhôm đúc và các chất liệu công nghiệp như composite, thép…
Không gian trưng bầy 18 phương án đoạt giải cuộc thi " Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội "
Cũng tại đây, lần đầu tiên công chúng được thưởng lãm các phương án thiết kế đoạt giải từ Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Cuộc thi đã thu hút đông đảo sự tham gia nhằm đóng góp các ý tưởng, sáng kiến để xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn. Ban tổ chức đã chọn ra 18 giải thưởng bao gồm 6 Giải Nhất, 6 Giải Hội đồng và 6 Giải Bình chọn của 2 nhóm đối tượng Chuyên nghiệp và Bán chuyên nghiệp tại 3 hạng mục dự thi (Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo, Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng, Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống).
. |
Triển lãm " Ký họa phố cổ Hà Nội 2021 "
Triển lãm “Ký họa Phố cổ Hà Nội 2021” nhằm tôn vinh nét đẹp di sản của Phố cổ Hà Nội, Nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội đã tạo nên những bức tranh ký họa về các con phố, ngõ cùng những nét văn hóa đặc trưng của khu Phố cổ Hà Nội trong vòng 5 năm qua.
Triển lãm " Hà Nội là .... "
Triển lãm “Hà Nội là…” do UNESCO và UN-Habitat tổ chức mang đến những hình ảnh và cảm xúc về Hà Nội – Thành phố Sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO sẽ được tái hiện qua những câu chuyện vừa thân quen, vừa mới lạ trong triển lãm “Hà Nội là”. Những trải nghiệm cá nhân độc đáo của các nghệ sĩ trẻ, trong đó có những người chưa từng đặt chân đến Thủ đô sẽ đem đến những bất ngờ thú vị cho mỗi chúng ta
Không gian triển lãm thư pháp “Phiêu diêu” tôn vinh những giá trị văn hóa cổ truyền. Nhóm Thư pháp gồm hai nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn đem đến Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo triển lãm thư pháp thể hiện sự tương tác giữa các giá trị văn hóa truyền thống với đời sống nghệ thuật đương đại, các giá trị thuần Việt, giá trị văn hóa đất Kinh Kỳ – Thăng Long vẫn giữ được hơi thở chung trong thế giới hiện nay.
Triển lãm “Phiêu diêu” - Photo - Apr 2022
Thư pháp “Phiêu diêu” là sự tương tác giữa các giá trị văn hóa truyền thống với đời sống nghệ thuật đương đại, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc nói chung và đất kinh đô Thăng Long nói riêng.
Để viết được thư pháp bằng chữ Hán người viết cần phải am hiểu về ý nghĩa của các chữ, có nền tảng kiến thức thâm sâu về kết hợp và phân bố hình khối, tạo dáng chữ qua từng đường nét.
Xuất thần đạt đạo
Từ những năm 2010, giới thư pháp Việt Nam đã biết đến tên tuổi của Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn – hai nghệ sĩ gắn liền với nhóm thư pháp Tiền Vệ Zenei Gang of Five.
Phạm Văn Tuấn còn được biết đến với tên hiệu Thiền Phong. Anh là một trong số ít nhà thư pháp đương đại Việt trình diễn thư pháp. Công chúng còn nhớ buổi trình diễn thư pháp diễn ra trong một chiều mưa xứ Huế tại New Space Arts Foundation - nằm trong chương trình Artists talk chuyên đề “Những xu hướng nghệ thuật sắp đặt và trình diễn”.
Màn trình diễn thư pháp của Thiền Phong xuất thần nhưng gây nhiều tranh cãi. Giới trong nghề thì ca ngợi, dân ngoại đạo thì cho là điên rồ. Dụng cụ viết là chiếc chổi, vì mưa nên mực đen đặc trên nền giấy tinh khiết dần loang tỏa. Đến khi mưa tạnh, mực trôi hết, chổi viết sạch tinh và khuông giấy lại trắng như trước lúc biểu diễn.
Thiền Phong cho rằng, thư pháp có tư tưởng, khí chất, có đạo, chương pháp, có văn hóa, triết học của nó. Chữ đôi khi còn nguyên chữ, đôi khi nó là hành vi, hoặc chỉ là những đường nét đơn lẻ, và có lúc chẳng còn chữ nào.
Cùng với Thiền Phong, Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng góp mặt trong “Phiêu diêu” và cùng công chúng khám phá những huyền diệu của nghệ thuật thư pháp. Vốn là sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, khoa Văn học, Ân Xuyên từng hưởng ứng trào lưu viết chữ tại vỉa hè Văn Miếu vào mỗi dịp tết đến xuân về.
Nhiều người được đào tạo chữ Hán nhưng cầm bút được, sáng tác được lại là câu chuyện khác. Muốn trở thành thư pháp gia phải hội tụ những phẩm chất: Tài năng, tư tưởng, học vấn, đạo đức. Ân Xuyên đã trải qua nhiều triển lãm vang danh, sự cọ xát giữa các nền học thuật và chiêm nghiệm sống đã giúp anh vững chãi trong từng nét bút và đầy lịch lãm trong phong cách thể hiện.
11 năm trước, triển lãm thư pháp và sắp đặt “Vô ngôn” mà Ân Xuyên và Thiền Phong đều góp sức đã thu hút giới thư pháp Việt Nam. “Vô ngôn” như một dạng bút đàm “tự ngôn tự ngữ” về văn hóa dân tộc. Ân Xuyên thực thi ghi chép, ken đặc đến mức trở thành phi văn bản. Trong khi đó, Thiền Phong vẫn bảo lưu cách viết, song đã trừu tượng hóa hoàn toàn.
Trong những năm qua, ngoài việc lao động nghệ thuật và sáng tạo không ngừng. Ân Xuyên và Thiền Phong còn tạo ra những cuộc giao lưu với các nghệ sĩ thư pháp nước ngoài, để đưa nền nghệ thuật Việt Nam hội nhập vào cộng đồng chung. Các tác phẩm họ cũng được các nhà sưu tập của Mỹ, Đức, Thụy Sỹ… và nhiều nước khác trên thế giới săn đón.
Không gian triển lãm hiện vật "Ký ức 22 Hàng Buồm"
Số nhà 22 phố Hàng Buồm như một khúc xoáy, cuốn vào trong đó tất cả những thăng trầm của lịch sử con phố này. Bước chân vào “Không gian ký ức số 22 Hàng Buồm”, mọi người có thể thấy sự kỳ diệu của những lớp thời gian. Các nghệ sĩ đã nhặt nhạnh, chắp nối những mảnh vụn của lịch sử để nó lấp lánh một vẻ đẹp tưởng như tình cờ mà đầy ngụ ý, dung dị mà sâu lắng.
“Ký ức 22 Hàng Buồm”, thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông và kiến trúc sư di sản Nguyễn Hoàng Phương, là một điểm nhấn quan trọng, ấn tượng trong Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021 khi trưng bày và kể lại những câu chuyện về lịch sử của không gian 22 Hàng Buồm.
Trước khi tiến hành trùng tu vào cuối năm 2018, số 22 Hàng Buồm là trường mẫu giáo “Tuổi thơ” với những bức tường và cánh cổng sặc sỡ, nhưng mấy ai biết được rằng, đằng sau vẻ ngoài ấy lại là một công trình kiến trúc đồ sộ với cái tên “Hội quán Quảng Đông” trăm năm về trước. Vào thời Tây Sơn năm 1801, người Quảng Đông đã dựng Hội Quán – trở thành nơi tụ họp và sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng quan trọng. Với vị trí nằm ngay bên sông, nơi đây cũng đã trở thành địa điểm lý tưởng cho công việc giao thương, buôn bán giữa các thương nhân Hoa kiều.
Không gian triển lãm được trưng bày trong một căn phòng nhỏ với tông màu chủ đạo là những gam màu tối như đen, nâu, xám,… cộng thêm việc nằm ở vị trí khuất sáng – như tôn thêm vẻ yên tĩnh, trầm lắng và hoài cổ cho nơi này. Những hàng rào, cổng sắt, xà ngang mang theo vết tích của thời gian được đặt ngay gần lối vào khiến khách tham quan không khỏi trầm trồ “Hoá ra trước đây nơi này đã từng như vậy.” Không gian trưng bày còn được tô điểm thêm bằng những tấm phù điêu gốm đầy màu sắc tái hiện lại các câu chuyện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (tiểu thuyết sử thi của tác giả Trung Quốc La Quán Trung), mang nét tương đồng với gốm Biên Hoà – một sản phẩm của người Minh Hương ở Nam Bộ.
Cuối căn phòng là hình ảnh các phương án nghiên cứu chi tiết cũng như toàn bộ quá trình trùng tu được trưng bày kín bức tường cho thấy sự tỉ mỉ, đầu tư đến từng chi tiết của dự án tu sửa lại Hội quán Quảng Đông. KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương, BQL Phố cổ Hà Nội đã chia sẻ rằng “Theo những bước nghiên cứu dựa trên toàn bộ là bản đồ, Hội quán cũng biến đổi qua các quá trình thời gian khác nhau, từ một cấu trúc công trình theo không gian truyền thống của Việt Nam, rồi đến giai đoạn năm 1920-1930, toàn bộ những vật liệu được nhập từ Pháp về, kết cấu vòm cao ở giữa là kết cấu thép thì mới có thể có không gian lớn như hiện tại. Sau năm 1975, không gian Hội quán Quảng Đông được trưng dụng để làm trường mẫu giáo, về sau ít ai biết đến sự hiện diện của nó. Việc trùng tu trở nên khó khăn và chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ trước khi phục dựng”.
Nhìn sang phía bên trái, các hiện vật cửa cổ, phù điêu nhiếp ảnh về các bức phù điêu đắp nề được trưng bày cẩn thận trong tủ kính mà ở phía dưới sẽ là những hiện vật gỗ với hoa văn tinh xảo được đặt xen kẽ nhau trên các bệ đá đỡ cột. Nằm giữa các chi tiết điêu khắc kiến trúc, nổi bật hơn cả chính là tấm biển ghi dấu nơi lãnh tụ Tôn Trung Sơn từng hoạt động – 22 Hàng Buồm và tôn chỉ của ông “Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc”.
Đến với triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm”, tôi mới có cơ hội tìm hiểu và biết đến một nhân vật có tầm cỡ, quan trọng trong lịch sử – Nhà Ái Quốc Tôn Trung Sơn. Ông là một chính khách, triết gia chính trị và bác sĩ người Trung Quốc; đồng thời cũng là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại nhà Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Được biết, Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn đã có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam. Trong quãng thời gian chuẩn bị cho Cách mạng, Tôn Trung Sơn đã có thời gian lưu lại ở Hội Quán Quảng Đông vào giai đoạn 1903-1904.
Triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm” không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày những kỷ vật của một thời đã qua; những hiện vật ấy sống và tồn tại để đưa chúng ta – những thế hệ trẻ quay trở về quá khứ, khám phá những câu chuyện về sự đời, về con phố hay về những nhân vật đã bị quên lãng, để lịch sử còn sống mãi với thời gian, như nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý đã từng viết trong “Phố phường Hà Nội Xưa”
“Chuyện muôn năm cũ, kể chi bây giờ…” Thế mà vẫn cứ thấy cần kể lại. Có kể lại, ta mới nhớ chuyện cũ. “Ôn cũ, biết mới”. Xây dựng một xã hội mới, cũng nên biết cái nền trên đó mình xây, nó thế nào. Biết những cái vẻ vang, cũng biết cả những nỗi nhọc nhằn của ông cha ta, thì mới rõ đời ta bây giờ là quý làm sao, mới hiểu cái giá trị của đất hương hoả nay trao đến tay ta.”
Không gian triển lãm sắp đặt video Art "Đại Tượng"
Không gian triển lãm sắp đặt Video art “Đại tượng” – Một sắp đặt với âm thanh thu sẵn và video 3 kênh của hai nghệ sỹ, nhằm mô phỏng vũ trụ quan của triết học Đông Á – những kế cận và tiếp biến ý thức hệ Khổng Mạnh, câu chuyện của văn hoá Việt Nam trong tổng thể Đông Á nói chung và mô phỏng thế giới tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, “Đại tượng” như một dòng chảy hoà quyện của hình ảnh và âm thanh, tái hiện những quan niệm về biên giới, thực địa và tín ngưỡng.
Hình ảnh: đội ngũ media Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo | |
Tối thứ Sáu 31/12/21 – ngày cuối cùng của năm 2021, Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 kết thúc năm cũ bằng sự kiện vô cùng đặc biệt: Hoà nhạc video Đại Tượng. Buổi trình diễn đã để lại trải nghiệm có một không hai trong lòng khán giả.
Buổi hòa nhạc video được thực hiện bởi hai nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải và Ngô Thu Hương cùng phần âm nhạc do nghệ sĩ violin Nguyễn Ngọc Đức, nghệ sĩ piano Trần Thu Thảo và nghệ sĩ violin Trịnh Quang Thành thể hiện. Năm nghệ sĩ với 05 góc nhìn khác biệt đem tới cho khán giả trải nghiệm đa chiều, đa giác quan, mở ra nhiều hướng tiếp cận văn hóa tín ngưỡng, lịch sử pha trộn với truyền thuyết.
Sợi dây âm thanh – hình ảnh bền chặt xuyên suốt trong tác phẩm được bện từ nhiều chất liệu Đông-Tây: nhạc cụ cổ điển phương Tây, hát văn, nhạc đờn ca tài tử, nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, các truyền thuyết về cội nguồn dân tộc, tranh cổ họa Trung Quốc, gửi gắm nhiều tầng lớp suy tư, sự tìm tòi và cảm nhận của các nghệ sỹ về nguồn gốc văn hoá Việt Nam.
Bức tranh lớn Đại Tượng mở ra với âm thanh hoang vu của rừng đại ngàn với tiếng voi, ngựa, đệm phía dưới là tiếng piano trầm, tiếng violin kẽo kẹt cùng hiệu ứng thị giác của những hoa văn như sương khói bí hiểm giao thoa với nhau – như trong chiếc kính vạn hoa đơn sắc nhưng đầy biến ảo. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, các nghệ sĩ đã khiến khán phòng choáng ngợp khi tiến vào không gian mang đậm tính sử thi oai hùng; và quả thật, buổi hòa nhạc trực tiếp đã diễn ra đầy kịch tính và đắm chìm hơn rất nhiều so với trải nghiệm phiên bản sắp đặt video art và âm thanh thu sẵn rất nhiều.
Tiếng piano dẫn dắt người xem đến với chương thứ hai của tác phẩm. Mượn hình ảnh bức họa Thanh Minh Thượng Hà Đồ (tranh vẽ cảnh sinh hoạt bên sông vào buổi sáng sớm của hoạ sỹ Trương Trạch Đoan, Trung Quốc, thế kỷ 11), các nghệ sĩ thị giác đã “hoạt hình” hoá bức tranh, góc nhìn trong tranh di chuyển theo dòng chảy của con sông, với các cảnh sinh hoạt tuyệt đẹp hiện ra hai bên và bên trên dòng sông. Điều thú vị là sự xuất hiện của con thuồng luồng khổng lồ giả tưởng quắp móng vuốt làm đắm tàu thuyền. Nghệ sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ hình ảnh con thuồng luồng trong truyền thuyết Việt Nam là một chi tiết rất đặc biệt: trước đây, người ta chỉ nói về con thuồng luồng, chứ chưa ai vẽ nó ra cả và để thực hiện tác phẩm, anh đã tìm hiểu nhiều tài liệu để tự tái hiện con thuồng luồng theo ý mình. Kết hợp với hình ảnh con thuồng luồng lặn ngụp là tiếng violin mô phỏng đàn nguyệt khéo léo.
Chương thứ ba của Đại Tượng kể về cuộc chiến giữa núi non hùng vĩ. m nhạc ở chương này đã giúp đẩy câu chuyện lên tới cao trào – tiếng piano dày, vang rền mạnh mẽ với những nốt cao điểm xuyết hòa cùng tiếng violin giả làm tiếng đại bàng bay lượn, tái hiện nhạc dân gian Mông Cổ. Cuộc chiến kịch tính trên nền bức Thiên Lý Giang Sơn Đồ (bức tranh nổi tiếng của hoạ sỹ Vương Hy Mạnh đời nhà Tống, Trung Quốc, thế kỷ 11-12) với sự xuất hiện của những hình tượng nhân vật nữ trong nghi thức hầu đồng đứng hiên ngang trên đỉnh núi, hoặc cưỡi voi chỉ huy cuộc chiến đấu, xen kẽ với tiếng đàn dồn dập rồi thưa dần, mở ra chương tiếp theo.
Chương thứ tư nối tiếp với hình ảnh núi non chia cắt, hai bức tường thành chia cắt để người xem hình dung ra bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh. Phần violin ở phân đoạn này được nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Đức và nghệ sĩ Trịnh Quang Thành hòa tấu rất khéo léo. Nghệ sĩ Trịnh Quang Thành cho biết trong phần nhạc này tiếng violin của anh tái hiện sự chia cắt bi ai, đau thương, nhưng tiếng violin của anh Nguyễn Ngọc Đức lại là mạch ngầm thể hiện cuộc sống vẫn bình thường tiếp diễn.
Chương cuối của tác phẩm mang tới âm hưởng linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu với tiếng trống hát văn và giai điệu Cô Đôi Thượng Ngàn quen thuộc. Hình ảnh những nghi lễ thờ Mẫu đến đây không còn điểm xuyết trên phông nền đại cảnh mà đã hiện lên rõ nét và trở thành điểm nhấn trọng tâm. Câu chuyện lồng ghép các giá hầu đồng thờ Mẫu đi từ nghi lễ ra tay dấu đến hành lễ, khai quang, làm việc quan rồi tọa ngự tới đây kết thúc bằng nghi thức phát lộc ở chương kết.
Đại Tượng là sự kết hợp lạ, đánh thức nhiều giác quan, nhưng vừa vặn, hoàn hảo của âm nhạc và hình ảnh. Sáu tháng thực hiện Đại Tượng là hành trình gian nan của nhóm nghệ sĩ. Nghệ sĩ thị giác phải nghiên cứu, tìm tòi cách xử lý các chất liệu hình ảnh từ các đoạn phim, bức họa; nghệ sĩ âm thanh phải học hỏi về âm nhạc truyền thống và tìm cách mô phỏng chúng trên nhạc cụ phương Tây.
Đào sâu vào lịch sử, những truyền thuyết và tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu bằng video art là một thử thách khó khăn, tái hiện nó bằng nhạc cụ phương Tây lại là một thử thách càng khó khăn hơn. Các nghệ sĩ đều là những tay gộc chơi nhạc cụ phương Tây – họ đều đã quá quen với các bản tổng phổ với nốt nhạc, ký hiệu nhạc trắng đen; nhưng giờ đây lại phải vừa soạn nhạc vừa chơi nhạc theo “bản tổng phổ” là những hình ảnh video thể nghiệm, và những giai điệu âm nhạc truyền thống vốn không có tổng phổ để kể về câu chuyện ý niệm vô hình của Đại Tượng.
Quá trình tập luyện khổ công đã được đền đáp xứng đáng khi các âm thanh đa sắc và mãnh liệt đã đem lại không gian mở rộng cho trí tưởng tượng và cảm xúc bay bổng trong thế giới nửa mơ nửa thực. Sợi dây âm thanh từ tam tấu violin – piano là mấu chốt gắn kết những chương hồi đứt đoạn trong tác phẩm video; hình ảnh và âm thanh bổ trợ cho nhau, tôn vinh lẫn nhau, tạo nên tác phẩm Đại tượng mang lại tầng tầng lớp lớp cảm xúc cho khán giả.
Đại Tượng chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình sáng tạo của nhóm nghệ sĩ: ý tưởng ban đầu của họ là tạo nên tác phẩm lớn về tam giáo đồng nguyên tại Việt Nam và tín ngưỡng thờ Mẫu trong ý thức hệ Khổng Mạnh của Đại Tượng chỉ là một phần nhỏ trong tác phẩm lớn ấy. Bên cạnh buổi hòa nhạc, sắp đặt video Đại Tượng bao gồm phần âm nhạc thu sẵn cũng được trình chiếu trong một phòng triển lãm riêng tại Không gian 22 Hàng Buồm để khán giả có thể đến thưởng thức cho đến hết tháng 2 năm 2022. Hy vọng trong thời gian tới, nhóm nghệ sĩ sẽ tiếp tục theo đuổi dự án Đại Tượng, đem tới cho khán giả buổi hòa nhạc video với quy mô lớn hơn, và câu chuyện Đại Tượng sẽ tiếp tục được chia sẻ nhiều không gian nghệ thuật tại Việt Nam.
Biên tập: 36phophuong.vn
Bình luận của bạn