Tối ngày 17/04/2015, triển lãm “Kẻ Chợ- Phố cổ” đã khai mạc tại tầng 2 Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - số 50, Đào Duy Từ, Hà Nội. Triển lãm là kết quả hợp tác giữa Thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp) với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội nhằm giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển Phố cổ Hà Nội.
Pano triển lãm giới thiệu chung và giải thích các khái niệm tên gọi như: Kẻ chợ, Phố cổ, 36 phố phường.
Phần giới thiệu về triển lãm đã viết “36 phố phường của Hà Nội vốn có diện tích khá nhỏ so với diện tích của cả nước Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 1000 năm qua, khu phố này là hiện thân của văn hóa thương mại và đô thị của Việt Nam cũng như là minh chứng cho quá trình phát triển đô thị của nước Việt. Nó có thể được coi như một mô hình để nhân rộng “thành thị” ra cả nước, khi mà cấu trúc truyền thống vẫn gần như mang đặc điểm của nông thôn”. Ngoài ra còn giải thích cặn kẽ các tên gọi như Kẻ Chợ: "Chợ lớn" hay "Những người của chợ" là cách nói để chỉ khu phố buôn bán ở thời kỳ phong kiến. 36 Phố phường: nói một cách bóng bẩy là "khu 36 phố và phường hội". Cụm từ chỉ khu phố buôn bán này không phải là một thực tế xác thực mà mang một tầm vóc đặc trưng. Con số 36 được chọn vì đó là con số may mắn. Phố cổ: Cách gọi khu phố này từ thời đầu của các chính sách bảo tồn di sản trong những năm 1990.
Một trong những Pano giới thiệu các làng nghề và văn hóa truyền thống của Phố cổ.
Triển lãm được chuẩn bị từ năm 2010, bởi nhóm chuyên gia đến từ TP Toulouse cùng các nhà nghiên cứu, nhà sử học, họa sĩ, nhiếp ảnh, nhà thiết kế Việt Nam. Hai tầng gác phục vụ cho việc trưng bày có diện tích khoảng 200m2, với hàng trăm bức pano, bài giới thiệu, ảnh chụp, hình minh họa, mô hình, phim minh họa… bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Pháp. Tư liệu, hình ảnh được sắp xếp, bài trí khoa học, rõ dụng ý giải mã sức hấp dẫn của khu 36 phố phường. Một Hà Nội - Kẻ chợ xưa cũ mở ra trong tâm tưởng người xem nhờ tư liệu, hình ảnh về một trong những khu phố buôn bán tấp nập bậc nhất Đông Nam Á và lời giới thiệu thông tin cơ bản về nó: "Hơn 1.000 năm qua, khu phố này là hiện thân của văn hóa thương mại và đô thị của Việt Nam cũng như là minh chứng cho quá trình phát triển đô thị của nước Việt. Nó có thể được coi như một mô hình để nhân rộng "thành thị" ra cả nước, khi mà cấu trúc truyền thống vẫn gần như mang đặc điểm của nông thôn".
Hình minh họa cảnh nhuộm lụa ở phố Cầu Gỗ thế kỷ 17.
Tầng 1, các tấm pa nô được đặt san sát, bày ra thông tin, hình ảnh về tuyến phố, làng nghề, phong tục đặc trưng của khu "36 phố phường". Bên những bức ảnh được tuyển lựa kỹ là thông tin đi kèm, làm rõ những chủ đề chính mà nhà tổ chức muốn giới thiệu về khu phố đặc biệt của Hà Nội. Chẳng hạn như phố Hàng Mắm là cửa ngõ để các vạn chài ven Sông Hồng đưa các loại mắm từ cửa ô Ưu Nghĩa vào phố, những loại mắm ngon có hương vị khó chịu khiến khu phố này gây ấn tượng đặc biệt đối với nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài. Hay phố Hàng Đồng là nơi bày bán sản phẩm thủ công làm từ đồng cũ được thu mua lại, từ đây mà xuất hiện nghề "đồng nát". Rồi nghề thợ cạo và lấy ráy tai được giới thiệu trích dẫn từ ghi chép của bác sĩ Hocquard người Pháp là "thú vị nhất trong các nghề ngoài trời", thế nên "tại hội chợ Paris 1931, người Pháp cũng quảng cáo cái thú này của xứ thuộc địa"… Bên những tấm pa nô còn có một chiếc giá khá đặc biệt trên có đặt những bức ảnh về nghề truyền thống ở phố cổ, phía sau mỗi bức ảnh là ngăn tủ chứa những sản phẩm của phố nghề. Ngăn Hàng Bạc có đồ trang sức, ngăn Hàng Đường có ô mai, Hàng Mã có tiền vàng…
Khách tham quan chiêm ngưỡng mô hình kiến trúc Phố cổ qua thời gian.
Tầng 2 của triển lãm trưng bày tài liệu, sách ảnh về lịch sử hình thành và văn hóa khu Phố cổ, không gian đủ rộng để người xem lưu lại một cách thoải mái. Tại đây còn có những mô hình kiến trúc nhà ở, công trình tôn giáo kèm bảng kê chi tiết về thời gian xây dựng, những lần trùng tu, một số bản đồ cỡ lớn về khu phố cổ qua các thời kỳ được đặt trên những tầng kéo sắp xếp theo thứ tự thời gian, giúp người xem dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Phần giới thiệu về các tuyến phố ngày nay được thiết kế thành một chiếc tủ độc đáo gồm những bức ảnh và một số “ô cửa bí mật” bên trong có kèm theo những hàng hóa đặc trưng cho tuyến phố đó như: ô mai- phố hàng Đường, vàng mã- phố Hàng Mã,…
Bước vào triển lãm với tâm ý so sánh xưa và nay, người xem sẽ cảm thấy thỏa mãn với những chú thích bằng ảnh và lời. Cái gì còn, cái gì đã mất, tất cả được nêu rõ ràng nhờ thủ pháp trưng bày khơi gợi sự so sánh quá khứ - hiện tại.
Triển lãm thu hút rất đông khách tham quan trong và ngoài nước.
Từ những bức ảnh quá khứ - hiện tại, một câu chuyện lớn thực sự mở ra, về niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ di sản của người dân Hà Nội nói chung và người dân phố cổ nói riêng, như điều mà ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội bày tỏ: "Triển lãm này nhắm vào đối tượng chính là những người dân phố cổ".
Bình luận của bạn